hình thức cơ bản của tư duy, phản ánh những thuộc tính chung, bản chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hiện thực. Là kết quả của sự tổng hợp, khái quát biện chứng các tài liệu kinh nghiệm, các KN được hình thành từ trong quá trình lâu dài của con người nhận thức thế giới và cải tạo thế giới. KN nào cũng có nội hàm và ngoại diên: nội hàm là những thuộc tính chung, bản chất, đặc trưng cho các sự vật, hiện tượng, quá trình mà KN phản ánh. Ngoại diên là toàn bộ những sự vật hay hiện tượng có chung cái thuộc tính bản chất làm thành nội hàm của khái niệm.
Là hình thức cơ bản của tư duy, KN có đặc điểm trừu tượng và khái quát. Do đó, tính cụ thể của KN không phải là cụ thể cảm tính, mà là cụ thể lí tính, nghĩa là tổng thể của những tính quy định chung của tập hợp đối tượng được KN bao quát.
Theo quan điểm của lôgic biện chứng, tính chân thực cụ thể của KN là một quá trình vận động, phát triển lâu dài của tư duy đang nhận thức chân lí khách quan. Trong quá trình đó, KN sẽ được hoàn thiện sao cho ngày càng phù hợp hơn với thực tế khách quan.
Quan hệ giữa các KN xét riêng về mặt ngoại diên có thể là quan hệ phù hợp hoặc quan hệ không phù hợp. Trường hợp quan hệ phù hợp, nghĩa là ngoại diên hai KN trùng nhau hoàn toàn hay trùng nhau một phần, có các biểu biện cụ thể như: 1) Đồng nhất, 2) Phụ thuộc, 3) Đồng phụ thuộc, 4) Giao nhau. Trường hợp quan hệ không phù hợp, nghĩa là ngoại diên hai KN không trùng nhau, hoặc chống đối nhau, hoặc mâu thuẫn loại trừ nhau, hoặc không so sánh được với nhau.
Giữa các KN so sánh được với nhau, cụ thể là giữa các KN có quan hệ chủng - loại với nhau có quy luật lôgic sơ đẳng gọi là quy luật quan hệ, lật ngược giữa nội hàm và ngoại diên của chúng. Ngoại diên càng thu hẹp thì nội hàm càng phong phú, và ngược lại.