(A. Big Bang – Vụ nổ lớn), một mô hình về sự tiến hoá của vũ trụ. Mới đầu, mô hình này căn cứ trên lí thuyết tương đối tổng quát của Anhxtanh (A. Einstein), được đưa ra trong những năm 1920 bởi Fritman (A. Friedmann) và Lơmet (A. G. Lemaitre) và được hoàn thiện vào những năm 1940 bởi Gamôp (G. Gamow). Theo mô hình này, cách đây ít nhất cũng trên 10 tỉ năm, vũ trụ đột nhiên từ trạng thái nhiệt độ cực cao và mật độ cực lớn, bắt đầu giãn nở từ mọi điểm và về mọi phía. Như vậy BB là một sự đột biến trạng thái của vũ trụ, chứ không phải sự "sáng tạo" ra vũ trụ. Trước BB, vũ trụ đã tồn tại. Tuy nhiên khoa học ngày nay mới chỉ xác định được quá trình tiến hoá của vũ trụ từ sau BB một khoảng thời gian gọi là thời gian Plăng [x. Plăng (Thời gian)] bằng 10–43 s. Thường có ý nghĩ rất sai lầm rằng: từ 1 điểm BB làm nổ tung ra mọi phía để tạo ra vũ trụ ngày nay, mà thực ra không có vụ nổ nào cả. Vũ trụ giãn nở từ mọi điểm về mọi phương với một tốc độ cực lớn, càng ra xa, tốc độ giãn ra càng lớn. Sự giãn nở vũ trụ (x. Giãn nở vũ trụ) làm cho phổ của ánh sáng từ các Thiên Hà đến Trái Đất đều dịch chuyển về phía đỏ (xt. Dịch chuyển đỏ). Khi giãn nở, vũ trụ nguội đi và dẫn đến bức xạ "tàn dư" đẳng hướng trong toàn bộ vũ trụ. Từ 1948, Gamôp đã tiên đoán về sự có mặt của các bức xạ đó. Đến 1965, Penziat (A. Penzias) và Uynxơn (R. Wilson) đã phát hiện được các bức xạ đó, trên dải sóng vô tuyến cỡ xăngtimét, tương đương với bức xạ phát ra từ vật đen có nhiệt độ 2,7 K (độ Kenvin). BB là một mô hình, cho đến nay giải thích được nhiều hiện tượng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ thêm. Xt. Thuyết tương đối tổng quát.