thiết bị nâng hạ dùng để lắp ráp, nâng hạ, bốc xếp, vận chuyển hàng hoá, máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu... ở các phân xưởng, công trường xây dựng, bến cảng, vv.
CT thường có: kết cấu chịu lực (cẩu, tháp, giàn, cột, cần), kết cấu nâng hạ (tời, tenfe), các bộ phận dẫn hướng và cố định (cáp, xích), thiết bị động lực, điện, vv. Phân loại CT theo kết cấu: CT máy bốc xếp kiểu cầu, CT công xôn, CT hai bánh, CT tháp, CT chân đế, CT giàn, CT cáp, CT cột, vv. CT có loại cố định và loại di động (trên bánh xích, đường ray, phao nổi, máy bay lên thẳng). CT có sức nâng, tầm với, độ cao, khoảng cách vận chuyển khác nhau tuỳ theo chủng loại, kết cấu và yêu cầu kinh tế, kĩ thuật: CT chân đế loại nặng có sức nâng tới 300 tấn và tầm với tới 100 m, dùng trong nhà máy đóng tàu. CT cáp dùng trong phạm vi hẹp và dây cáp là bộ phận chịu tải. Những bộ phận chính của CT cáp gồm có hai trục đỡ cố định, hoặc di chuyển trên đường ray, dây cáp tải căng giữa hai trụ, goòng tải đặt trên cáp tải, dây cáp nâng tải để nâng hạ và dây cáp kéo để di chuyển goòng tải. Tầm với của CT cáp thường là 150 - 600 m. Nếu nhỏ hơn 150 m, CT được thay bằng một dầm khung và gọi là cần cẩu cổng. Sức nâng của CT cáp thường là 3 - 25 tấn, có trường hợp tới 50 - 150 tấn. Có các loại CT cáp cố định, di động, quay. CT cáp được dùng rộng rãi ở các mỏ lộ thiên vận chuyển đá, quặng với sức nâng 5 - 50 tấn, nâng hạ tải trọng ở độ cao trên 50 m và di chuyển trong khoảng cách tới 1.500 m. Trong ngành lâm nghiệp Việt Nam, năm 1972 - 73, CT cáp được dùng lần đầu tiên để bốc dỡ gỗ ở bãi gỗ Quỳnh Cư, Hải Phòng. CT cáp được dùng rộng rãi ở các công trình xây dựng thuỷ điện.
Cần trục
a – Cần trục xoay; b – Cần trục công xôn; c – Cần trục trên cột; d – Cầu trục; e – Cần trục cổng; g – Cần trục bán chân đế; h – Cần trục chân đế; i – Cần trục tháp.