tấm đá (hoặc bằng vật liệu khác) chạm khắc tên người, sự kiện, văn bản có ý nghĩa nhất định đối với một gia đình, địa phương hay xã hội. Ở trán B và diềm B, diềm chân B thường có trang trí hoa văn, chim, thú, cảnh, người, vv. Từ thời Đinh và Tiền Lê, có các B cột - ghi kinh. Thế kỉ 11 (thời Lý) theo các tài liệu cũ có dựng nhiều B đá, còn lại đến nay rất ít. Nổi bật là tấm B lớn, dựng năm 1121 ở cửa chùa trên núi Long Đội (x. Bia Sùng Thiện Diên Linh). Diềm B chạm rồng đuổi. Mặt bên chạm rồng trong từng khung vuông chéo kề nhau. Đế B chạm rồng chầu lá đề. Mặt đứng của B đá chạm sóng. Văn B ghi công đức của vua nên chạm rồng.
Tấm B ở Thanh Hoá ghi về Lý Thường Kiệt hiện được coi là B có rùa sớm nhất ở Việt Nam (1126). Loại B rùa được làm phổ biến ở các thời sau. Tới thế kỉ 15, trán B được làm cao hơn (phổ biến từ thế kỉ 17). Điển hình cho các bước chuyển biến là hệ thống B Văn Miếu (Hà Nội) (x. Bia tiến sĩ). Còn nhiều dạng B khác: thế kỉ 16 có B sáu mặt, thượng thu - hạ thách (trên hẹp - dưới rộng), hiện có ở Bảo tàng Lịch sử (Hà Nội); B vuông có mái – phổ biến ở thế kỉ 17, 18; B trụ tròn (mộ Lê Hoàn) và B đứng lưng lân, lác đác thấy ở thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20; B vách (gắn vào tường ở nhiều đình chùa, lăng, mộ) và B mộ gắn trên các phần mộ thường trang trí đơn giản. Văn B thường ngắn gọn có thể dùng tản văn hoặc văn vần, văn biền ngẫu; về người thì nhằm ca tụng công đức, sự nghiệp, nghĩa cử; về chùa chiền thì ghi rõ thờ cúng ai, năm dựng, ai góp tiền, có thể miêu tả cảnh trí xung quanh. Văn B cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhiều tư liệu chính xác về lịch sử.