(Psidium guajava), cây ăn quả lâu năm, họ Sim (Myrtaceae). Cây nhỡ, cao 3 - 5 m, cành non vuông cạnh. Lá mọc đối, có cuống ngắn, hình bầu dục, phiến nguyên, mặt dưới có lông mịn. Hoa trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả mọng, có vỏ quả giữa dày, đầu quả có sẹo của đài tồn tại; thường có nhiều hạt cứng, hình thận, không đều, màu hung. Rất nhiều giống, từ những dạng nửa hoang dại, rất nhiều hạt, cùi mỏng, đến những giống được chọn lọc và cải tiến, năng suất cao, chín sớm, quả to, nhiều thịt, ít hạt, vd: “ổi Tàu” quả mềm, ít hạt, vỏ có khía rãnh; “ổi xá lị” (gốc Inđônêxia) quả to, vỏ hơi sần sùi, chịu chuyên chở xa, dễ cất trữ. Nguồn gốc Ô ở Braxin (Nam Mĩ), gặp phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, ở độ cao dưới 1.000 m. Mọc được trên mọi loại đất. Kĩ thuật trồng Ô đang được thực nghiệm rộng ở Hoa Kì là trồng ở mật độ cao, với giống chọn lọc, chăm sóc và tác động chất kích thích sinh trưởng để sau một năm trồng cây ghép đã có quả, với năng suất gấp 2 - 3 lần bình thường. Quả Ô ăn tươi có vị ngọt, hàm lượng vitamin C cao; có thể chế biến làm quả nghiền nhuyễn hay mứt quả, đóng hộp. Búp, lá non, quả non, vỏ rễ, vỏ thân chứa tanin, tinh dầu, được sắc hoặc hãm lấy nước uống để chữa tả, ỉa chảy.
Ổi
Đoạn cành mang quả