hiến pháp đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua 9.11.1946. Gồm: lời nói đầu, 7 chương, 70 điều.
Lời nói đầu của Hiến pháp ghi nhận thành quả của Cách mạng tháng Tám "đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập nên nền dân chủ cộng hoà", đề ra nhiệm vụ của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn này là "bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ", phấn đấu "tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, hoà nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại".
Chương I quy định chính thể của Việt Nam là dân chủ cộng hoà, trong đó "tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo".
Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật, bình đẳng về mọi phương diện giữa nam và nữ, ghi nhận các quyền cơ bản của công dân.
Chương III quy định về nghị viện nhân dân, về tổ chức, cơ cấu của nghị viện, việc thông qua luật tại nghị viện, việc bầu ra nghị viện, quyền và nghĩa vụ của các nghị viện.
Chương IV quy định về chính phủ - "cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc" gồm có "chủ tịch nước, phó chủ tịch và nội các". Nội các có thủ tướng, các bộ trưởng, thứ trưởng và có thể có phó thủ tướng.
Chương V quy định "nước Việt Nam về phương diện hành chính" gồm có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành các tỉnh, mỗi tỉnh chia thành các huyện, mỗi huyện chia thành các xã. Các cấp này có uỷ ban hành chính. Ở cấp bộ và huyện chỉ có uỷ ban hành chính, không có hội đồng nhân dân.
Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm toà án tối cao, các toà án phúc thẩm, các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp.
Chương VII quy định việc sửa đổi Hiến pháp.
Sau khi thông qua "HPNVNDCCHN 1946" Quốc hội ra nghị quyết giao cho Ban Thường trực Quốc hội nhiệm vụ "cùng với chính phủ ban bố và thi hành hiến pháp khi có điều kiện", "trong thời kì chưa thi hành được Hiến pháp thì chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong hiến pháp để ban hành các sắc luật". Ngày 19.12.1946, Kháng chiến chống Pháp bùng nổ nên việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân không có điều kiện để thực hiện. Hiến pháp 1946 chưa được chính thức công bố vì Việt Nam lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ngay sau khi Hiến pháp được thông qua.