Phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (02/12/1953-02/12/2023)

03/12/2023

Sáng 2/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (02/12/1953 - 02/12/2023). Cổng Thông tin điện tử Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Thưa đồng chí Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Thưa các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương;

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ,

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu!

Trong không khí vui tươi phấn khởi, hôm nay tôi vui mừng cùng với đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cơ quan nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của đất nước

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân tôi gửi tới các vị đại biểu, các đồng chí, các nhà khoa học, cùng toàn thể cán bộ, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí,

Có lẽ không diễn văn, hay thước phim nào có thể diễn tả hết được lịch sử 70 năm hình thành, xây dựng, phát triển và những đóng góp đầy tự hào của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Từ Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập cách đây tròn 70 năm vào ngày 02/12/1953 trên mảnh đất Tân Trào lịch sử do nhà hoạt động cách mạng, nhà văn, nhà sử học, nhà báo Trần Huy Liệu đứng đầu; trải qua 70 năm bằng tâm huyết, trí tuệ, niềm say mê khoa học và tinh thần trách nhiệm cao đối với nhân dân, đất nước; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ tiếp nối đã xây dựng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trở thành một cơ quan nghiên cứu về khoa học xã hội mang tầm vóc quốc gia, khu vực; góp phần quan trọng đưa nền khoa học xã hội của đất nước từng bước phát triển, bắt kịp những vấn đề của thời đại.

Lao động trí tuệ, tâm huyết của lớp lớp các nhà khoa học của Viện qua các thời kỳ đã mang lại cho đất nước tài sản quý giá, kho báu đồ sộ với hàng nghìn công trình khoa học, hàng vạn bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước; hơn 8 nghìn sách đã xuất bản; đã có 21 công trình, cụm công trình đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, 28 công trình, cụm công trình đã được nhận Giải thưởng Nhà nước.

Đây là nguồn tri thức căn bản, luận cứ, luận chứng khoa học vững chắc, sắc bén, đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Khẳng định lịch sử và các giá trị truyền thống của dân tộc hàng nghìn năm của dân tộc; khẳng định tính tất yếu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tạo nền tảng lý luận vững chắc, biện chứng dựa trên các quy luật khách quan, xu thế phát triển của thời đại để làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới và hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời, trên mặt trận văn hóa, tư tưởng đã giữ gìn, phục dựng, làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xây dựng con người Việt Nam yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng có những đóng góp rất đáng tự hào trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước. Và trong dòng chảy hội nhập, đã mở rộng được quan hệ hợp tác với nhiều nước, tổ chức khoa học trên thế giới, qua đó vừa tiếp thu tinh hoa nhân loại, phát triển nền khoa học xã hội nước nhà; đông thời quảng bá tới bạn bè quốc tế lịch sử, tinh hoa văn hóa, những thành tựu phát triển của Việt Nam góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Có thể nói, chặng đường phát triển 70 năm qua của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam là rất đáng tự hào.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Các nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc và đất nước, con người Việt Nam, các giá trị và bản sắc văn hóa của dân tộc được thừa kế và phát huy trong suốt hàng nghìn lịch sử, khẳng định chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”. Đây là những đánh giá khẳng định rất rõ vai trò của khoa học xã hội và của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đối với sự đất nước.

Những đóng góp của khoa học xã hội có thể chưa định lượng được hết bằng các chỉ số nhưng đã tác động mạnh mẽ, làm thay đổi con người và xã hội Việt Nam mấy chục năm qua. Đây cũng là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành quả cùng những đóng góp cho đất nước mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đạt được 70 năm qua; ghi nhận, biểu dương, tri ân những nỗ lực vượt bậc và đóng góp to lớn của toàn thể đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ

Thưa các đồng chí,

Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, xu hướng “phân tách”, “phân mảnh”, “phân cực” làm thay đổi cấu trúc hợp tác. Tốc độ tiến bộ của khoa học công nghệ vượt xa nhận thức chung của nhân loại và nhanh hơn nhiều đối với quá trình hoàn thiện, bổ sung luật pháp, chính sách của các quốc gia; mở ra một thời đại mới về phát triển lực lượng sản xuất, dẫn tới sự thay đổi nền tảng trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, mô hình phát triển trong đó có Việt Nam.

Thực tiễn phát triển cho thấy, các quốc gia thành công đều là các quốc gia biết trọng dụng khoa học xã hội, có nền khoa học xã hội hùng mạnh và xã hội vừa hiện đại vừa truyền thống, vừa bứt phá vừa kế thừa.

Đối với Việt Nam, nhiệm vụ của khoa học xã hội không chỉ làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn mới về mô hình phát triển; các giá trị lịch sử mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giải phóng, phát triển sức sản xuất; khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.

Đây là những yêu cầu rất cao đặt ra cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam-cơ quan được Đảng, Nhà nước giao trọng trách nghiên cứu, tư vấn và đạo tạo nhân lực có trình độ cao về về khoa học xã hội. Tôi cơ bản thống nhất với những định hướng, nhiệm vụ mà Viện đã đặt ra, xin chia sẻ một vài suy nghĩ mong các đồng chí nghiên cứu trong quá trình triển khai.

Thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Theo đó, đã xác định nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và nguồn lực để phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thành một trong những cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến. Viện cần huy động đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng đề án sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý của Viện Hàn lâm theo hướng hiện đại; đảm bảo cơ cấu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số; kết nối, chia sẻ dữ liệu, kết quả nghiên cứu.

Thứ hai, cần huy động đội  ngũ cán bộ khoa học của Viện tham gia vào quá trình tổng kết 40 năm đổi mới thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người để trên cơ sở các bài học kinh nghiệm, kế thừa phát triển, tiếp thu tinh hoa nhân loại, đưa ra những lý luận, chủ trương mới trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng

Phối hợp cùng với các Ban, Bộ, ngành tổng kết các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về các lĩnh vực khoa học xã hội như:

Nghị quyết số 20 về phát triển khoa học và công nghệ; Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đề xuất những chủ trương mới trong giáo dục, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển văn hóa, con người.

Thứ ba, chú trọng triển khai các chương trình, đề án nghiên khoa học cơ bản, bài học kinh nghiệm từ các cuộc cách mạng công nghiêp lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba và những thời cơ và thách thức đặt ra trong là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các xu thế phát triển, lý thuyết, mô hình trong kỷ nguyên của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế dựa vào tri thức; kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới, góp phần giải quyết hiệu quả các mối quan hệ lớn đặt ra trong quá trình Đổi mới; cung cấp luận cứ cho xây dựng chiến lược, chính sách, lộ trình, bước đi cho Việt Nam để chủ động trước những xu thế, những đổi thay của thời đại.

Muốn vậy Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cần kiến tạo môi trường làm việc khoa học, tôn trọng tự do học thuật; đề xuất các cơ chế tài chính đột phá; đánh giá khách quan, công bằng để ghi nhận, tôn vinh, tạo cơ hội phát triển cho những cán bộ có năng lực và có nhiều đóng góp. Ươm trồng, phát triển các ý tưởng khoa học mới; phát triển hoạt động hợp tác về nghiên cứu khoa học, không chỉ với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo của nước ngoài, các thiết chế quốc tế mà còn cần tăng cường quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học với các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương.

Viện cần có giải pháp đột phá để tạo chuyển biến căn bản, toàn diện công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước; gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học để phát huy thế mạnh của Viện Hàn lâm trong nghiên cứu khoa học, hướng tới mục tiêu và góp phần hình thành giới nghiên cứu tinh hoa của đất nước trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Thưa các đồng chí

Với những thành tựu to lớn của 70 năm xây dựng, phát triển; lao động sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ Lãnh đạo, các nhà khoa học chúng ta tin tưởng rằng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; trở thành một trong những cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm về khoa học xã hội ngang tầm các nước tiên tiến.

Một lần nữa, xin kính chúc đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và các đồng chí, quý vị đại biểu, các nhà khoa học sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn!