I. Về những vấn đề chung
Đa số ý kiến cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã thể hiện rõ chủ trương đổi mới của Đảng ta, thể chế hóa đường lối của Đảng được nêu trong Cương lĩnh của Đảng (sửa đổi năm 2011). Cơ cấu Hiến pháp cũng đã được sửa đổi phù hợp với tình hình mới, hội nhập quốc tế và khu vực.
Hiến pháp nước Việt Nam thể hiện một cách tập trung nhất ý chí và những lợi ích cơ bản của nhân dân Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống nhà nước và xã hội. Vì vậy, Nhà nước (các cơ quan, nhân viên nhà nước), các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân đều phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp tức là tôn trọng và thực hiện ý chí của nhân dân. Những cơ quan nhà nước nếu không được tổ chức và hoạt động trên cơ sở các quy định của Hiến pháp có nghĩa là họ đã vượt quá những nhiệm vụ, quyền hạn mà nhân dân giao cho, nếu họ ban hành các văn bản pháp luật trái Hiến pháp tức là trái với ý chí của nhân dân, không tuân theo ý chí của nhân dân. Không chỉ đòi hỏi Nhà nước phải tôn trọng và thực hiện nghiêm minh Hiến pháp, nhân dân còn đòi hỏi tất cả các tổ chức phi nhà nước khác cũng phải tôn trọng và thực hiện nghiêm minh Hiến pháp.
Vấn đề chính quyền nhân dân trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã có nhiều thay đổi theo hướng quy định chính xác, đầy đủ và chặt chẽ hơn. Cụ thể là: "Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" (Ðiều 2); "Nhân dân thực hiện QLNN bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua QH, HÐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước" (Ðiều 6); "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện" (Ðiều 3); "...Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình QH về dự thảo Hiến pháp; Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu QH biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về hiến pháp do QH quyết định" (Ðiều 124).
Tuy vậy, những quy định trên vẫn cần được bàn thêm. Ở Ðiều 2 việc quy định "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân", rồi lại quy định "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" chỉ là hai cách thể hiện khác nhau về cùng một nội dung. Bởi: "Nhà nước của nhân dân" được lý giải là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, xuất phát từ nhân dân, các cơ quan nhà nước nhận quyền lực từ nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước; "Nhà nước do nhân dân" được lý giải là nhân dân tổ chức thành nhà nước, họ trực tiếp hoặc gián tiếp lập ra các cơ quan nhà nước và cũng chính họ có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước; "Nhà nước vì nhân dân" được lý giải là mọi hoạt động của nhà nước đều vì lợi ích và nhằm mục đích phục vụ nhân dân. Vì thế, việc quy định thêm: "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" là không cần thiết mà có thể quy định: "Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức".
Việc đưa những quy định về quyền con người, quyền công dân từ Chương 5 lên chương 2 là cần thiết, thể hiện việc Nhà nước ta quan tâm nhiều tới quyền con người, thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết, gia nhập, nhất là hai công ước năm 1966: Công ước về các quyền dân sự và chính trị; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam la sự cần thiết.
Đã có những quy định rõ hơn về sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Đã có sửa đổi rõ nét hơn về vai trò của Chủ tịch nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia và thốnglĩnh các lực lượng vũ trang.
II. Về những điều, khoản, chế định cụ thế
1. Về những quy định về trưng cầu ý dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Có ý kiến cho rằng cần quy định rõ hơn về chế định trưng cầu ý dân trong Hiến pháp. Cụ thể, khi phân tích về các quy định của Hiến pháp về trưng cầu ý dân có thể thấy cần hoàn thiện hơn: Chúng ta đang phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Để đạt mục tiêu đó, cần phải bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân phát huy dân chủ và dân chủ phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt Hiến pháp.
Trước hết chúng ta thấy Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thể hiện bước tiến mới trong phát huy dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân, trong các mặt của đời sống nhà nước và xã hội.
Điều 3 (sửa đổi, bổ sung Điều 3) đã quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Và tại Điều 6 (sửa đổi, bổ sung Điều 6): ghi nhận “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Như vậy sự khẳng định hai hình thức dân chủ: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện đã rõ hơn.
Chúng ta phải hiểu rõ hơn về dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ, theo qua niệm của chúng tôi, là dân làm chủ, dân là gốc của quyền lực nhà nước, mọi hoạt động của cơ quan nhà nước phải xuất phát từ ý chí, ý nguyện của nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những tư tưởng dân chủ tiên tiến và đã áp dụng thành công Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, sức mạnh của dân thật phi thường: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng qua”, bởi “Bao nhiêu quyền lực là của nhân dân”, “Chúng ta hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân được thể hiện sâu sắc trong các văn kiện pháp lý quan trọng của đất nước do chính Người chỉ đạo xây dựng và ban hành. Có thể thấy rằng hai bản Hiến pháp 1946, 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo và 613 sắc lệnh kể từ 1945 đến 1969, trong đó có 243 sắc lệnh liên quan đến bộ máy nhà nước và luật pháp do Người ký ban hành đã hình thành một thể chế bộ máy nhà nước vừa mang tính hiện đại vừa mang tính dân tộc, kết tinh sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Tư tưởng ấy của người đã được tiếp thu và thể hiện trong các bản Hiến pháp. Từ Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 cho đến Hiến pháp 1992 đều khẳng định và đề cao vai trò của người dân thông qua việc cụ thể hóa các quyền con người, ghi nhận và phát triển các quyền cũng như cơ chế thực hiện các quyền của người dân. Các bản Hiến pháp cũng đều khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và xác định bản chất nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Việc nhân dân bầu ra Quốc hội và Hội đồng nhân dân, bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, kiến nghị với các cơ quan nhà nước chính là hình thức dân chủ trực tiếp. Dân chủ trực tiếp thể hiện ở chỗ chính quyền do dân tự điều hành, không cần thông qua đại diện để thực hiện quyền lực nhà nước của mình. Dân chủ trực tiếp mới nhấn mạnh quyền và năng lực của công dân trong việc quyết định những chính sách, pháp luật.
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận khá rõ nét về trưng cầu ý dân – hình thức dân chủ trực tiếp điển hình. Về trưng cầu ý dân được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi tại 4 Điều: Điều 30 (sửa đổi, bổ sung Điều 53): “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”; Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84), tại khoản 15 quy định Quốc hội: “Quyết định trưng cầu ý dân” và tại Điều 79 (sửa đổi, bổ sung Điều 91) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, trong đó có nhiệm vụ “Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội”; Điều 124 (sửa đổi, bổ sung Điều 147) “4. Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.
Như vậy chúng ta có thể hiểu, công dân có quyền tham gia các cuộc trưng cầu ý dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức theo quyết định của Quốc hội.
Quả thực, đây không phải là lần đầu tiên Hiến pháp nước ta ghi nhận về trưng cầu ý dân. Ngay từ Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946), tại điều 21 có qui định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia…”và điều 32 qui định:”Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý…”. Đến Hiến pháp 1959, việc trưng cầu ý dân được qui định trong điều 53 (do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định), Hiến pháp 1980 qui định trong điều 100 (do Hội đồng Nhà nước quyết định), Hiến pháp 1992 qui định trong điều 53 và điều 84 (do Quốc hội quyết định).
Cho đến nay chúng ta chưa có cơ chế thực hiện, nên những quy định của Hiến pháp chưa được thực hiện trong thực tế. Cũng cần nhấn mạnh là, cần phân biệt giữa khái niệm hỏi ý kiến nhân nhân và trưng cầu ý dân. Hỏi ý kiến mang tính chất đóng góp xây dựng còn trưng cầu ý dân là “biểu quyết toàn dân”, mang tính chất quyết định.
Hiện nay Quốc hội đã đưa Dự luật trưng cầu ý dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật khóa này. Do vậy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được thiết kế như một định hướng cho việc soạn thảo Luật trưng cầu ý dân. Và khi Luật trưng cầu ý dân được thông qua chúng ta sẽ thực hiện việc trưng cầu ý dân. Nếu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ quy định thẩm quyền của Quốc hội về quyết định trưng cầu ý dân và việc tổ chức trưng cầu ý dân do Ủy ban Thường vụ đảm nhận là chưa đủ. Quy định này chỉ áp dụng trong trường hợp trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc, và có lẽ cũng chỉ được áp dụng đối với việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Trên thực tế, trưng cầu ý dân được đưa ra về những vấn đề của địa phương, ở một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hay thậm chí là tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong những trường hợp như vậy Quốc hội không cần phải quyết định mà chỉ nên quy định thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Và khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân của địa phương thì việc tổ chức trưng cầu ý dân sẽ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện, dù đó là trưng cầu ý dân ở cấp tỉnh hay cấp huyện. Do vậy, theo chúng tôi, Hiến pháp sửa đổi cần quy định thêm về vấn đề trưng cầu ý dân. Cụ thể, nên bổ sung Điều 79 (sửa đổi, bổ sung Điều 91) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, trong đó có nhiệm vụ “Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội, quyết định trưng cầu ý dân tại các địa phương”. Trong trường hợp này cần bổ sung thẩm quyền của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Điều 116: “Tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Và như vậy Hiến pháp sẽ định hướng cho việc soạn thảo Luật trưng cầu ý dân đầu tiên của nước ta.
2. Về quyền lực nhân dân quy định tại Điều 2:
Có quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, mang bản chất nhân dân và phục vụ nhân dân. Tuy vậy, không phải lúc nào quyền lực nhà nước cũng đạt được những mục tiêu cao cả đó, vì có khi chúng bị tha hóa trở thành của riêng của kẻ mạnh thống trị xã hội. Do vậy đề nghị sửa đổi bổ sung quy định về vấn đề “kiểm soát quyền lực Nhà nước” tại điều 2 Hiến pháp 1992. Theo đó, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. “Một khi đã có sự phân công các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì phải có sự kiểm soát các cơ quan thực hiện những quyền lực đó, mới bảo đảm được quyền lực nhà nước là thống nhất, mới tránh được tình trạng vượt quyền, lạm quyền.
3. Có ý kiến cho rằng:
cũng tại Điều 2, việc xác định nền tảng liên minh giai cấp công nhân, nông dân, trí thức như hiện nay đã tạo nên bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, bởi vô hình trung đã chia công dân ra thành hai hạng: công dân cơ bản và không cơ bản. Trong thực tế, tầng lớp doanh nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nhưng vẫn sẽ bị xem nhẹ.
4. Về về sở hữu đất đai:
có ý kiến cho rằng nói đến sở hữu tài sản thì dứt khoát phải có tài sản cụ thể, được sở hữu bởi những chủ thể cụ thể, không thể và không có loại chủ thể chung chung, không xác định được như khái niệm “toàn dân”. Khi Nhà nước giao, cho thuê, cho người dân sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên thì người dân mới có các quyền theo quy định đối với phần diện tích được giao, được thuê đó. Do vậy, đề nghị nên nghiên cứu, bỏ khái niệm sở hữu toàn dân, thay bằng sở hữu nhà nước vì quyền sở hữu được gắn với một chủ thể cụ thể. Và từ đó, các Luật Đất đai, các Luật về tài nguyên, khoáng sản cần cụ thể rõ quyền của chủ sở hữu - Nhà nước và quyền của tổ chức, cá nhân được giao quyền sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên đó.
5. Về việc thành lập cơ quan bảo hiến
Một số ý kiến cho rằng, cần thành lập một cơ quan kiểm soát chung đối với các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đề bảo đảm tính hợp hiến trong hoạt động và cũng là đề phòng sự nể nang, né tránh trong sự kiểm soát lân nhau giữa những cơ quan này. Cụ thể, cần bổ sung vào Hiến pháp qui định về cơ quan bảo hiến nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.
6. Đa số các ý kiến kiến nghị Hiến pháp:
cần cụ thể hóa hơn quyền của MTTQ và nhân dân trong tham gia xây dựng bộ máy chính quyền, nhiệm vụ của MTTQ và cử tri trong bãi nhiệm, miễn nhiệm đại biểu dân cử không đủ tiêu chuẩn; nhiệm vụ của MTTQ trong giám sát cơ quan Nhà nước và đại biểu dân cử; bổ sung Điều 9 trong Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ với những cơ chế, chính sách rõ ràng. Bên cạnh đó, Hiến pháp phải thể hiện rõ ràng, đầy đủ hơn về hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của Đảng; Hiến pháp sửa đổi phải xác định rõ vị trí của MTTQ là vị trí chiến lược, phải nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ thông qua hoạt động giám sát, phản biện, tham vấn nhân dân. Mối quan hệ giữa MTTQ với nhà nước phải là mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng nhau, tạo đồng thuận để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, cần mở rộng dân chủ trực tiếp, đồng thời, phải nâng cao trách nhiệm dân chủ đại diện.
7. Nhiều ý kiến tán thành với quy định sửa đổi về giáo dục trong Dự thảo so với Hiến pháp năm 1992:
Cụ thể, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong chương III với tiêu đề "Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường", cũng có hai Ðiều: Ðiều 65 quy định về đường lối cho cả giáo dục và khoa học: "Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu"; Ðiều 66 có ba khoản: khoản 1 ghi: "Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế"; khoản 2 ghi: "Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác"; khoản 3 ghi: "Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp". Dự thảo vẫn giữ bảy nội dung của Hiến pháp năm 1992, chỉ bỏ nội dung "các tổ chức xã hội", khoản 1 Ðiều 66 bổ sung một nội dung thuộc về đường lối: "hội nhập quốc tế", thêm một khoản mới - khoản 3 Ðiều 66 về phát triển tài năng và người khuyết tật và đặc biệt khó khăn, sửa nội dung phổ cập giáo dục: không ghi cấp phổ cập.
8. Một số ý kiến đóng góp cho những quy định trong Dự thảo về chính quyền địa phương.
Các ý kiến về vấn đề này được các cán bộ viên chức nêu như sau: Xu hướng của các nước trên thế giới ngày nay là xây dựng chính quyền địa phương (CQÐP) tự quản. Các Hội đồng địa phương do nhân dân bầu ra có thể ban hành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong địa phương mình, đặt ra thuế để thực hiện các chức năng công cộng cho địa phương mình. Các Hội đồng địa phương bầu ra cơ quan chấp hành của mình. Các cơ quan nhà nước T.Ư có quyền giám sát để bảo vệ tính hợp hiến hợp pháp của hoạt động của CQÐP. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, HÐND các cấp có vai trò, chức năng, quyền hạn chưa thật rõ ràng, nhất là thiếu tính độc lập tương đối trong hoạt động của mình nên hiệu lực hiệu quả chưa cao và nhiều khi còn mang tính hình thức.
Sửa đổi Luật tổ chức HÐND, UBND hiện nay là vấn đề cấp bách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của CQÐP. Việc Dự thảo Hiến pháp đổi tên chương IX- HÐND và UBND thành CQÐP là hoàn toàn hợp lý. Tên gọi này phù hợp thuật ngữ mà các Hiến pháp nước ngoài thường dùng "Local Government". Việc dùng thuật ngữ "chính quyền địa phương" thể hiện HÐND và UBND là hai bộ phận gắn kết với nhau tạo ra một thiết chế CQÐP hoàn chỉnh bao gồm cơ quan ban hành nghị quyết và cơ quan tổ chức thực hiện nghị quyết đó, đồng thời thực hiện các quyết định của các cơ quan nhà nước cấp trên.
Ðối với người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã trong thời kỳ phong kiến đã có truyền thống do dân bầu, cơ quan nhà nước cấp trên chỉ phê chuẩn. Việc bầu cử trực tiếp chức danh chủ tịch UBND xã, phường vừa phù hợp truyền thống đã hình thành lâu đời, vừa phù hợp xu hướng dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, đến nay chế độ bầu cử chủ tịch xã, phường vẫn chưa được khôi phục lại, thể hiện lực cản và sức ỳ của bộ máy hành chính quan liêu vẫn còn rất nặng nề, nếu không có quyết tâm chính trị cao của những người đứng đầu Ðảng và Nhà nước thì cuộc cải cách CQÐP không thể tiến hành một cách triệt để được.
Theo Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, CQÐP vẫn giữ nguyên ba cấp là tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; xã, phường, thị trấn. Việc thành lập HÐND và UBND ở các đơn vị hành chính lãnh thổ sẽ do Luật quy định phù hợp với đặc điểm từng đơn vị hành chính - lãnh thổ và phân cấp quản lý. HÐND vẫn được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. UBND vẫn là cơ quan song trùng trực thuộc vừa chịu trách nhiệm trước HÐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Tổ chức CQÐP theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa thể hiện rõ tư tưởng đổi mới CQÐP. Do vậy, cần mạnh dạn cải cách CQÐP và xây dựng Luật tổ chức CQÐP theo các phương hướng và giải pháp sau:
Về thẩm quyền quyết định ngân sách địa phương, hiện nay CQÐP mới chỉ được tăng quyền về tổ chức, thực thi ngân sách, còn thẩm quyền quyết định ngân sách vẫn thuộc về trung ương (đơn cử quyền quyết định các sắc thuế, mức thuế suất, các nhiệm vụ chi tiêu vẫn thuộc về T.Ư). CQÐP chỉ được quyền quyết định đối với một số loại phí, lệ phí nhỏ mà T.Ư quy định khung hoặc mang tính đặc thù địa phương. Thiết nghĩ, nên trao quyền tự chủ, quyền tự quyết, quyền kiểm soát quản lý các nguồn thu của CQÐP như CQÐP có quyền hạn định ra tỷ lệ thuế: trao cho CQÐP cấp thấp về thuế tương đối độc lập; khuyến khích các địa phương khai thác lợi thế của mình và chủ động nuôi dưỡng, phát triển các nguồn thu tiềm năng ở địa phương. Các loại thuế công dân và pháp nhân đóng cho Nhà nước nên chia làm hai loại là thuế T.Ư và thuế địa phương. Thuế địa phương nên trao quyền cho nhân dân địa phương quyết định thông qua cơ quan đại diện của họ là HÐND. Thuế địa phương phải là nguồn chủ yếu tạo ra ngân sách địa phương.
Cần loại bỏ tính lồng ghép trong hệ thống ngân sách nhà nước. Ở nước ta ngân sách cấp dưới là một bộ phận hợp thành của ngân sách cấp trên, thời gian xây dựng dự toán và quyết toán ngân sách dài, trong khi thời gian dành cho mỗi cấp lại rất hạn chế, trách nhiệm từng cấp không rõ ràng, không bảo đảm quyền tự chủ của cấp dưới. Cần thực hiện sự phân tách giữa các cấp ngân sách, bảo đảm CQÐP có quyền tự chủ trong việc thu và chi ngân sách, độc lập với chính quyền T.Ư. Cho phép CQÐP thu thuế địa phương để có thể ngân sách độc lập với ngân sách T.Ư, hướng tới xây dựng CQÐP tự quản.
PGS-TS Đinh Ngọc Vượng
(Tổng hợp)