Ba nhà khoa học đã trình bày tại tọa đàm: 1. PGS.TS Hà Quang Năng với chuyên đề Một số vấn đề của từ điển thuật ngữ. Báo cáo đã cung cấp thông tin về đối tượng và nhiệm vụ của từ điển thuật ngữ; mục đích của từ điển thuật ngữ; cấu tạo của từ điển thuật ngữ; các bước tiến hành biên soạn từ điển thuật ngữ; biên soạn từ điển thuật ngữ. 2. TS Nguyễn Thị Thanh Nga, Phòng Thư ký biên tập Khoa học Xã hội và Nhân văn trình bày báo cáo Bàn về Bách khoa thư địa phương. Bài thuyết trình đã làm rõ khái niệm Bách khoa thư địa phương; tính chất biên soạn; loại hình biên soạn (phân loại theo nội dung, phạm vi lãnh thổ, đối tượng độc giả, hình thức xuất bản, dung lượng); hình thức thể hiện (theo chủ đề, theo mục từ, biên soạn theo chủ đề nhưng trong mỗi chủ đề lại biên soạn dưới dạng mục từ, kết hợp mục từ với bài viết khái quát); tình hình biên soạn Bách khoa thư địa phương ở Việt Nam và một số nước trên thế giới (Trung Quốc, Pháp,...). 3. TS Trần Văn Trọng, Phòng Biên tập - Trị sự thay mặt Tạp chí trình bày báo cáo Nâng cao chất lượng của Tạp chí Từ điển học và bách khoa thư trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Báo cáo đã trình bày thực trạng cơ cấu tổ chức và nhân sự của Tạp chí; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tạp chí; kiến nghị, giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Tạp chí trong thời gian tới; một số yêu cầu gửi bài đến Tạp chí. Báo cáo có đề xuất, gợi mở những vấn đề cần trao đổi, thống nhất nhằm nâng cao chất lượng của Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư trong sự phát triển chung của các Tạp chí Khoa học xã hội.
Buổi tọa đàm khoa học đã thu hút ý kiến trao đổi xoay quanh nội dung các vấn đề của 3 báo cáo đã trình bày đó là: giống và khác nhau giữa thuật ngữ, thuật ngữ tự nhiên, cận thuật ngữ, các từ nghề nghiệp, những loại hình này có liên quan tới 7 loại hình trong Bách khoa toàn thư Việt Nam đang biên soạn không? Từ điển thuật ngữ chuyên ngành cần chọn những đơn vị mục từ nào? Phạm vi nghiên cứu của Bách khoa thư địa phương? Biên soạn từ điển thuật ngữ cần áp dụng hình thức định nghĩa nào là phù hợp nhất? Cấu trúc vi mô của một thuật ngữ và cấu trúc vi mô của một danh pháp có khác nhau không?... Những câu hỏi và thắc mắc trong buổi tọa đàm đã được các báo cáo viên trao đổi, thảo luận.
Thông qua buổi Tọa đàm, viên chức và người lao động có điều kiện trao đổi quan điểm học thuật, những vấn đề đang nghiên cứu và sẽ tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới. PGS.TS Vũ Ngọc Hà - Viện trưởng Viện TĐH và BKT VN ghi nhận đóng góp của các báo cáo viên và sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học trong và ngoài Viện.
BÙI THỊ TIẾN