Hội thảo khoa học “Từ điển học và Bách khoa thư học Việt Nam: Lý luận và thực tiễn” diễn ra trong bối cảnh vấn đề về biên soạn từ điển và bách khoa thư đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong cả nước. Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học ở các cơ quan chuyên môn, các viện nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng; ngoài ra còn có báo tin tức – TTXVN, các cơ quan truyền thông báo chí đến dự và đưa tin về hội thảo.
PGS.TS. Vũ Ngọc Hà – Viện Trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam phát biểu
đề dẫn
|
|
Chủ tọa điều hành Hội thảo
|
|
Trong phát biểu đề dẫn, PGS.TS. Vũ Ngọc Hà – Viện Trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho biết, Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các nhà nghiên cứu, các giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu, nhiều cơ sở giáo dục đại học như: Viện Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, NXB Giáo dục, Trung tâm Từ điển học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Hồng Đức, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khánh Hòa,... Đặc biệt, còn nhận được tham luận của các học giả quốc tế từ Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Quảng Đông (Trung Quốc),... Về cơ bản, các tham luận đã tập trung vào hai mảng chính: (1). Về lí thuyết, các tham luận đề cập đến nhiều vấn đề cốt lõi của ngành Từ điển học và Bách khoa thư học. Đó là các vấn đề như khái niệm, loại hình các công trình tra cứu. Một số tham luận đi vào giới thiệu một số khuynh hướng lí thuyết về Từ điển học, những cách tiếp cận mới như nghiên cứu Từ điển từ góc độ người sử dụng. Trong thời đại 4.0, vai trò của công nghệ thông tin trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, biên soạn từ điển cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm. Ngoài ra, từ góc độ lí thuyết chức năng, một số tác giả đã phân tích vai trò của từ điển, bách khoa thư đối với việc giảng dạy ngôn ngữ cũng như văn hóa. Một số vấn đề chuyên sâu hơn liên quan đến các lí thuyết ngôn ngữ cũng được trình bày trong một số tham luận, nhằm phục vụ việc xử lí ngôn ngữ trong từ điển đơn ngữ và đa ngữ,... (2). Về thực tiễn, các nhà khoa học đã đề cập đến hầu hết các vấn đề của các loại từ điển và bách khoa thư. Đó là cách định nghĩa, chú phong cách, các vấn đề ngữ nghĩa,... trong các loại từ điển đơn ngữ. Trong từ điển song ngữ và đa ngữ, các tác giả nghiên cứu cấu trúc, đánh giá hiện trạng một số loại từ điển như Từ điển Hán-Việt, Từ điển Nhật-Việt… Ngoài ra, tình hình về từ điển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm như những tham luận về từ điển tiếng Thái, tiếng Nùng,... Các tham luận cũng đề cập đến cách biên soạn các loại mục từ, đặc điểm kênh hình, xây dựng các mô hình biên soạn trong từ điển bách khoa và bách khoa thư. Trong số đó, có những nghiên cứu đã trình bày về những loại hình bách khoa thư dành cho các lứa tuổi riêng biệt như trẻ em, học sinh phổ thông. Đây là một cách tiếp cận hiện đại mang tính thời sự mà các nhà nghiên cứu từ điển học trên thế giới đang áp dụng.
|
|
|
|
Các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo
Tại Hội thảo có 05 báo cáo được trình bày, gồm: (1) Xây dựng kho ngữ liệu tiếng Việt cho việc biên soạn từ điển của tác giả Võ Diệp Như và PGS. TS. Đinh Điền; (2) Mã hoá từ điển và thiết kế chương trình biên soạn từ điển của tác giả Vũ Xuân Lương; (3) Giới thiệu một vài tiêu chí hình thức dùng để nhận diện các quan hệ ngữ nghĩa trong mạng từ tiếng Việt của TS. Phạm Văn Lam; (4) Một số vấn đề trao đổi từ kinh nghiệm biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam của tác giả Nguyễn Văn Luận; (5) Nghiên cứu xây dựng quy định biên tập khoa học bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam của PGS.TS. Phạm Hùng Việt. Qua các tham luận được trình bày, các ý kiến thảo luận, bình luận, trao đổi, phản biện, so sánh, liên hệ đã làm cho dung lượng vấn đề mở rộng hơn nhiều, bao quát được hầu hết những nội dung đặt ra trong Hội thảo.
TS. Nguyễn Huy Bỉnh, Phó Viện Trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu Kết luận, TS. Nguyễn Huy Bỉnh, Phó Viện Trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã sơ kết thành sáu nhóm vấn đề của Hội thảo: (i) Thứ nhất, về lí luận từ điển và bách khoa thư. Nhóm này trực diện đặt vấn đề xác định khái niệm, bản chất, mô hình, giới thiệu một số trường phái, trào lưu lý thuyết từ điển và bách khoa thư; đề cập đến khả năng ứng dụng từ lí thuyết vào thực tiễn nghiên cứu và biên soạn từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam; (ii) Thứ hai, phân tích và đánh giá về bức tranh biên soạn từ điển và bách khoa thư tại Việt Nam. Nhóm này đã tìm hiểu và giải mã các công trình từ điển và bách khoa thư, đa dạng hoá các góc nhìn, có sự khảo sát, đánh giá, cung cấp những cứ liệu lịch sử từ điển học Việt Nam; (iii) Thứ ba, ứng dụng lý thuyết và kinh nghiệm biên soạn từ điển và bách khoa thư trên thế giới vào thực tiễn biên soạn từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam, đề cập đến việc ứng dụng từ điển học lý thuyết vào biên soạn và biên tập từ điển, bách khoa thư ở Việt Nam; (iv) Thứ tư, đề cập đến việc xây dựng mô hình biên soạn từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam. Nhóm tham luận này đề xuất xây dựng một số mô hình về từ điển và bách khoa thư dựa trên cơ sở lí luận và thực tiễn ở nước ta hiện nay; (v) Thứ năm, nhóm tham luận đề cập đến việc ứng dụng công nghệ số trong biên soạn từ điển. Các tham luận đã cung cấp các thông tin tri thức, cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng kho ngữ liệu biên soạn từ điển và bách khoa thư ở Việt Nam; (vi) Thứ sáu, đề cập đến triển vọng của việc ứng dụng từ điển và bách khoa thư vào thực tiễn ở nước ta. Nhóm này đề cập đến giá trị, ý nghĩa của từ điển và bách khoa thư trong việc ứng dụng vào thực tiễn giáo dục ở nước ta và vấn đề mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực từ điển học.
Hội thảo được tổ chức là cơ hội phối hợp để cùng với các đơn vị, các nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện những công trình biên soạn các loại từ điển, từ điển bách khoa và bách khoa thư của Việt Nam trong hiện tại và tương lai...
Nguồn:https://vass.gov.vn/noidung/hoinghihoithao/Pages/tin-tuc-hoi-nghi-hoi-thao.aspx?ItemID=1213
PV