Hội thảo quốc gia: “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 - 2017) và Chủ nghĩa xã hội hiện thực: Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại”

07/11/2017
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 - 2017), sáng ngày 26/10/2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 - 2017) và Chủ nghĩa xã hội hiện thực: Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại” tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và phát biểu khai mạc.

Tham dự Hội thảo còn có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa  học xã hội Việt Nam; đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diễn lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và đông đảo các nhà khoa học trong cả nước.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện đông đảo của các đại biểu, các nhà khoa học. Đồng chí khẳng định giá trị lịch sử, ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga, tầm ảnh hưởng đến tiến trình vận động và phát triển của Chủ nghĩa xã hội hiện thực và phong trào Cộng sản Công nhân quốc tế trong một thế kỷ qua; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng đường lối chủ trương của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Giáo sư khẳng định mỗi lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là một lần chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân Liên Xô và đối với lãnh tụ V.I.Lênin vĩ đại, mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc hơn về quá khứ, hiện tại và tương lai của chủ nghĩa xã hội trên thế giới; về giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; về những thuận lợi và khó khăn, những thời cơ và thách thức, những bài học lịch sử từ những thành công và sai lầm, thất bại; về mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…Vì vậy, trong khuôn khổ Hội thảo này, GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng mong muốn các nhà khoa học, các đại biểu tập trung tham luận, tranh luận, làm sâu sắc thêm một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, về giá trị thời đại, ý nghĩa mở đường và tinh thần khai sáng cho một thế kỷ phát triển vừa qua của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917;

Thứ hai, về chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới: thành tựu, hạn chế, nguyên  nhân, thời cơ, thách thức và triển vọng;

Thứ ba, kiên định, trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới trong một thế kỷ qua;

Thứ tư, về thách thức, thời cơ và triển vọng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay từ ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học lịch sử thăng trầm một thể kỷ qua của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được gần 60 báo cáo; có 5 tham luận được trình bày với các chủ đề: Những sai lầm về nhận thức và sự sụp đổ của mô hình Xô viết - Nguyên nhân và bài học cho Việt Nam của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Cách mạng Tháng Mười và lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay– GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; “Diễn biến hòa bình” – một kịch bản “phi nhân tính”, thảm họa và bài học kinh nghiệm” – Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng; Dân chủ xã hội chủ nghĩa qua một thế kỷ và ý nghĩa đối với Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Thị Thạch và TS. Nguyễn Tuấn Anh, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Giải quyết mối quan hệ giữa tính phố biến và tính đặt thù trong xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay – GS.TS. Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hội thảo cũng được nghe phát biểu của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan. Mặc dù ở những góc độ khác nhau, những ý kiến khác nhau, nhưng các nhà quản lý, các nhà khoa học đều đánh giá ý nghĩa lịch sử, thời đại to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga, những tác động của cuộc Cách mạng đến Chủ nghĩa xã hội hiện thực và phong trào công nhân thế giới; đồng thời đánh giá khách quan khoa học thành tựu cũng như hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện thực khởi đầu từ Cách mạng Tháng Mười; chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng dẫn đến sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình Xô Viết. Từ đó, các nhà khoa học nhìn nhận ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười đối với Cách mạng Việt Nam và định hướng đối với sự nghiệp đổi mới xây dựng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, qua hội thảo, các nhà lãnh đạo, quản lý, khoa học cũng chỉ ra quan điểm về việc vận dụng bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, áp dụng vào thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Tổng kết Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng một lần nữa khẳng định, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là khát vọng của tương lai nhân loại; Cách mạng Tháng Mười Nga sẽ còn mãi trong trái tim những người dân yêu hòa bình trên thế giới. Qua đó, Giáo sư nhấn mạnh việc tuyên truyền giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga; đồng thời bổ sung, hoàn thiện lý luận của chủ nghĩa xã hội hiện thực là nhiệm vụ của những người làm công tác nghiên cứu khoa học.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, góp phần cung cấp thêm cơ sở, căn cứ lý luận và thực tiễn cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước theo ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười và mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Hội thảo cũng đã góp phần tạo niềm tin khoa học để các nhà quản lý, các nhà khoa học thực hiện tốt hơn các Nghị quyết Trung ương gần đây.

Hồng Nhung