HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ TỪ ĐIỂN HỌC & BÁCH KHOA THƯ NHIỆM KÌ MỚI HỌP MẶT NHÂN 21-6

21/07/2016

        Chiều ngày 5-6-2014, Hội đồng biên tập (HĐBT) tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư (nhiệm kì 2013-2018) đã họp phiên toàn thể nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tham dự có 9/11 thành viên (PGS TS Lại Văn Hùng - Chủ tịch, PGS TS Nguyễn Công Đức, PGS TS Phạm Văn Hảo, GS TS Nguyễn Văn Lợi, PGS TS Hà Quang Năng, PGS TS Tạ Văn Thông, PGS TS Phạm Văn Tình, PGS TS Phạm Hùng Việt, PGS TS Đinh Ngọc Vượng; vắng: TS Nguyễn Khánh Hà, TS Vũ Ngọc Hà). Cùng dự còn có các cán bộ đang công tác tại tạp chí: Bùi Thị Tiến, Dương Thị Thu Trà. Đây là lần họp đầu tiên của HĐBT nhiệm kì mới và cũng là lần đầu tiên, PGS TS Nguyễn Công Đức, thành viên HĐBT phụ trách bộ phận phía Nam có điều kiện tham dự.

        Mở đầu, PGS TS Lại Văn Hùng, Chủ tịch HĐBT, Viện trưởng kiêm Tổng biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, thông báo một số vấn đề liên quan. Đó là việc chuẩn bị cho Lễ kỉ niệm 5 năm thành lập tạp chí (2009-2014). Theo Tổng biên tập, sau 5 năm, tạp chí đã dần ổn định, cố gắng để càng ngày càng đi đúng hướng. Đó là sự nỗ lực chung của HĐBT, của anh chị em trong tạp chí. Tuy nhiên, tạp chí cũng có những khó khăn nhất định về bài vở. Nguồn bài chưa thực đồng đều. HĐBT cũng chưa có quan hệ chặt chẽ đối với tạp chí. Đề nghị HĐBT quan tâm, giúp đỡ tạp chí nhiều hơn về việc kêu gọi bài vở và nhất là hỗ trợ cho công tác biên tập. Đối với cán bộ của Viện Từ điển học và Bách khoa thư VN, cần phải coi việc viết bài là một nhiệm vụ, một chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm.

        PGS TS Phạm Văn Tình, Phó Tổng biên tập, bổ sung thêm một số nội dung về việc xuất bản các số tạp chí gần đây, đặc biệt là 3 số trong năm 2014. Theo ông, tạp chí vẫn ra đúng kì, đảm bảo được nội dung, chất lượng bài vở và hình thức trình bày, được bạn đọc đánh giá tốt. Khó khăn hiện tại: bài vở cho một số chuyên mục cần (như Những vấn đề Bách khoa thư, Tri thức bách khoa...) còn ít. CTV quan tâm và viết cho chuyên mục này còn lẻ tẻ, chưa thật đông. Kinh phí cấp cho tạp chí có thể nói là thấp, trong điều kiện giá giấy, công in đều tăng liên tục. Khả năng chi trả nhuận bút thấp, làm giảm phần nào sự động viên đối với người viết. Chưa có thù lao cho người đọc thẩm định, vì vậy chưa thể triển khai và mở rộng đội ngũ chuyên gia phản biện bài viết theo quy trình cần có. Công tác phát hành có biến chuyển nhưng còn chậm và thất thường...

        Sau đó, HĐBT đã nghe một số ý kiến phát biểu của các thành viên khác.

GS TS Nguyễn Văn Lợi:

        Tôi đánh giá cao kết quả của tạp chí làm được trong thời gian qua. Đó là việc duy trì tốt việc xuất bản tạp chí, đạt chất lượng về hình thức và nội dung, có uy tín trong giới chuyên môn. Đây là tạp chí chuyên ngành sâu về Từ điển học và Bách khoa thư học. Vấn đề đầu tiên là mỗi số tạp chí phải có những bài “đinh”, bài cơ sở (về TĐH & BKT học), sau đó mới là các bài liên quan tới các lĩnh vực khác (các khoa học, chuyên ngành liên quan). Thực tế, các bài viết về TĐH và BKT học chưa nhiều, nên có sự điều chỉnh. Theo tôi, nên khai thác nguồn bài từ các công trình đã và đang thực hiện về BKT. Chúng ta cũng nên đề cập tới những vấn đề cấp bách hiện nay như biên giới, biển đảo...

PGS TS Đinh Ngọc Vượng:

        Tạp chí đã có cố gắng nhiều về bài vở và chất lượng. Về cơ cấu phân ra các chuyên mục, chẳng hạn “Những vấn đề chung” có thể đổi là “Những vấn đề Ngôn ngữ học”. Tạp chí cũng phải quan tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị, như việc tham gia bàn luận vào việc sửa đổi Hiến pháp trong thời gian qua. Vấn đề thời sự như vậy nhưng chúng ta còn đứng ngoài cuộc. Hay những vấn đề về biển đảo cũng rất cần và không thể xếp vào chuyên mục “Những vấn đề chung”. Tạp chí cần đăng tải những vấn đề hướng tới là Bách khoa toàn thư VN. Cần tăng cường bài vở cho mục “Tri thức Bách khoa”, giới thiệu những mục từ mẫu. Đề nghị tạp chí phối hợp với website của Viện, kịp thời đưa Mục lục và bài chính của các số tạp chí.

PGS TS Lại Văn Hùng:

        Về chuyên mục “Tri thức Bách khoa”, theo tôi nên mở lại và duy trì các mục từ tiêu điểm trước đây từng có tên “Từ A đến Z” để bạn đọc quan tâm và CTV có thể viết nhiều cho mục này.

PGS TS Nguyễn Công Đức:

        Tôi rất vui mừng khi lần đầu tiên tham dự một cuộc họp HĐBT tạp chí khoa học ngoài Hà Nội. Tôi được nghe nhiều ý kiến và mở mang nhiều điều. Tên tạp chí ta là Từ điển học và Bách khoa thư. Bách khoa thư cũng là một loại từ điển, vậy vấn đề từ điển mới là số 1. Việc ra được trên ba chục số là một cố gắng lớn của tạp chí. Tôi thấy ta còn khó khăn về kinh phí và công tác phát hành. Cần xác định việc biên soạn Bách khoa toàn thư VN là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, ta cần biết vận dụng các vấn đề lí luận chung để xử lí những vấn đề thực tiễn. Cần làm sao cho Bách khoa toàn thư VN đúng là tri thức và trí tuệ Việt Nam. Đó là niềm hi vọng và tự hào của nền khoa học Việt Nam.

PGS TS Phạm Văn Hảo:

        Nhân dịp tạp chí tròn 5 tuổi, đề nghị tạp chí ta nên đề xuất một hình thức khen, của Thủ tướng hay Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH VN chẳng hạn. Nghe nói tạp chí sắp tới có thể kết hợp với các trường ra số riêng. Theo tôi nên thận trọng về nội dung chuyên môn. Việc đưa tin hoạt động khoa học nên ngắn gọn. Nên xem xét sắp xếp các chuyên mục cho hợp lí.

PGS TS Tạ Văn Thông:

        Theo tôi, nên xem xét lại chuyên mục “Những vấn đề chung”. Cần ưu tiên chuyên mục “Những vấn đề Từ điển học” và “Những vấn đề Bách khoa thư”. Về nội dung công việc, tạp chí nên chủ động đặt bài và hướng tới các vấn đề thời sự hơn nữa.

PGS TS Hà Quang Năng:

        Đề nghị tạp chí quan tâm hơn tới những vấn đề chính trị, xã hội. Vì Viện ta có nhiệm vụ biên soạn Bách khoa toàn thư VN nên tạp chí cũng nên theo định hướng đó. Tạp chí nên đăng tải các bài trong các đề tài khoa học mà Viện thực hiện. Tôi đồng ý chuyên mục “Những vấn đề chung” nên xem lại.

        PGS TS Lại Văn Hùng đã phát biểu tổng kết cuộc họp. Ông cám ơn sự đóng góp ý kiến của HĐBT và hứa sẽ cùng anh chị em trong tạp chí tiếp thu nghiêm túc và điều chỉnh kịp thời, nhằm mục tiêu tiếp tục đưa tạp chí phát triển hơn nữa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn mà Viện Hàn lâm KHXH VN giao phó và sự tin tưởng của đông đảo bạn đọc.

BÙI THỊ TIẾN (lược ghi)