HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VIỆN TỪ ĐIỂN HỌC VÀ BÁCH KHOA THƯ VIỆT NAM HỌP PHIÊN THƯỜNG KÌ

21/07/2016

        Ngày 1-6-2014, tại Sóc Sơn, Hà Nội, Hội đồng khoa học Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (Viện TĐH & BKT VN) (nhiệm kì 2013-2018) đã tổ chức họp phiên thường kì trong năm 2014.

        Tham dự có 11/13 thành viên: PGS TS Đinh Ngọc Vượng (Chủ tịch), PGS TS Trần Đức Cường, PGS TS Phạm Văn Đức, PGS TS Phạm Văn Hảo, PGS TS Lại Văn Hùng, PGS TS Phan Văn Kiệm, PGS TS Hà Quang Năng, PGS TS Tạ Văn Thông, PGS TS Phan Trọng Thưởng, PGS TS Phạm Văn Tình, PGS TS Phạm Hùng Việt (vắng: TS Nguyễn Đình Kỳ, GS TS Nguyễn Quang Thuấn).

        Mở đầu, PGS TS Đinh Ngọc Vượng, Chủ tịch HĐ, báo cáo về tình hình hoạt động khoa học của Viện TĐH & BKT VN trong thời gian qua và phương hướng trong thời gian tới:

        - Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư VN (được chuẩn bị từ những năm trước) qua nhiều lần hội thảo, xin ý kiến của các nhà khoa học, đã tương đối hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau đó, Viện Hàn lâm KHXH VN sẽ là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, thành lập các Hội đồng biên soạn, các tiểu ban chuyên ngành (dự kiến biên soạn 35 tập), với sự tham gia của khoảng 2.000 nhà khoa học trong cả nước, chia làm 2 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Viện TĐH & BKT VN sẽ là cơ quan thường trực, trực tiếp tổ chức thực hiện Đề án. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH VN, Viện đã và đang lên kế hoạch biên soạn các Bách khoa thư: Văn học, Luật học, Kinh tế học, Tâm lí học… Đây sẽ là bước chuẩn bị, là tiền đề quan trọng để hướng tới việc biên soạn chính thức toàn bộ các tập của Bách khoa toàn thư VN.

        - Ngoài ra Viện TĐH & BKT VN còn tiếp tục hoàn thành 4 đề tài cấp bộ (do PGS TS Lại Văn Hùng, PGS TS Hà Quang Năng, PGS TS Tạ Văn Thông, PGS TS Phạm Hùng Việt làm chủ nhiệm).

        - Nhân sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Viện TĐH & BKT VN đã kịp thời hưởng ứng phục vụ nhiệm vụ chính trị bằng việc triển khai ngay việc biên soạn Bách khoa thư Biển đảo Việt Nam.

        - Dự kiến vào tháng 3-2015, Viện TĐH & BKT VN sẽ tổ chức một Hội thảo KH “Các nhà Từ điển học và Bách khoa thư trẻ” để động viên, cổ vũ các cán bộ trẻ trong Viện tham gia học tập và nghiên cứu khoa học.

        PGS TS Lại Văn Hùng, Viện trưởng – Tổng biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, đã bổ sung thêm một số ý kiến về lịch trình hoạt động của Hội đồng Khoa học, đặc biệt là nhân Ngày Khoa học Công nghệ (18-5) mới được Nhà nước quyết định tổ chức hàng năm. Ông đề nghị các thành viên trong HĐKH phát biểu góp ý để chương trình hành động dự thảo được đầy đủ và thiết thực hơn.

Tiếp đó, HĐKH đã nghe các ý kiến phát biểu của các thành viên khác:

PGS TS Trần Đức Cường:

        Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư VN bước đầu như vậy là thuận lợi. Vì vậy, chúng ta phải lên kế hoạch triển khai sao cho tốt. Công việc này thu hút nhiều năng lực chất xám, thời gian và kinh phí, trong khi đó Viện TĐH & BKT VN vẫn phải tiến hành nhiều công việc chuyên môn khác. Theo tôi, nên xem xét tổ chức hội đồng chuyên môn các chuyên ngành. Phải chọn những người có năng lực, có nhiệt tình, có sức khoẻ, có thời gian. Đó là những nhân tố quan trọng.

 PGS TS Phan Văn Kiệm:

          Tôi hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Chúng tôi sẽ động viên các nhà khoa học bên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN tham gia tích cực, nghiêm túc trong việc biên soạn Bách khoa toàn thư VN.

PGS TS Phan Trọng Thưởng:

        Bách khoa toàn thư VN là công trình thể hiện tinh hoa trí tuệ của cả nước. Vì vậy, để biến ý tưởng biên soạn BKTT thành hiện thực chúng ta phải quan tâm tới nguồn nhân lực và cách thức tổ chức triển khai thế nào cho tốt. Việc đầu tiên là việc biên soạn các BKT thí điểm thật chuẩn xác, coi đó là mẫu mực để làm theo.

 PGS TS Phạm Văn Đức:

        Theo tôi, cần phải tổ chức, tạo nên hệ thống cộng tác viên cho tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư và cộng tác viên cho Bách khoa toàn thư VN. Phải huy động lực lượng các nhà khoa học của cả đất nước mới hi vọng hoàn thành công trình này một cách tốt nhất.

PGS TS Phạm Hùng Việt:

        Nhiệm vụ của Viện TĐH & BKT VN sắp tới là rất nặng nề, vì không chỉ hướng tới Bách khoa toàn thư VN mà còn nhiều đề tài khác. Về BKT Biển đảo VN, tôi nhất trí về chủ trương, tuy nhiên, ta cũng nên cân nhắc về cách làm, hình thức của công trình. Nếu biên soạn BKT e rằng lớn quá, liên quan tới vấn đề chuyên môn và kinh phí. Theo tôi nên đổi là “Tri thức bách khoa về Biển đảo VN”.

PGS TS Phạm Văn Hảo:

        Tôi cũng băn khoăn là việc biên soạn BKT Biển đảo. Ngoài ra, tôi cũng lo ngại tới việc tổ chức các lực lượng cộng tác viên khoa học trong cả nước. Chúng ta phải cụ thể hoá công việc phải làm.

PGS TS Tạ Văn Thông:

        Tôi rất vui khi Đề án biên soan BKTT của chúng ta được phê duyệt. Tuy nhiên, việc “dàn hàng ngang” biên soạn 35 tập trong cùng một lúc sẽ khó về nhân lực và kinh phí. Việc biên soạn các mục từ mẫu cũng cần phải quan tâm lưu ý. Còn BKT về Biển đảo cũng cần cân nhắc, nếu không sẽ trở thành một cuốn sách rời rạc, thiếu tính hệ thống.

PGS TS Phạm Văn Tình:

        Viện TĐH & BKT VN rõ ràng là có nhiều việc. Nhưng có lẽ việc biên soạn Bách khoa toàn thư VN vẫn là hệ trọng nhất. Tôi vừa mừng vừa lo khi Đề án được phê duyệt triển khai, và thú thực tôi thấy lo nhiều hơn. Vì dù là Chính phủ điều hành, Viện Hàn lâm KHXH VN chủ trì thì xét cho cùng “gánh nặng” vẫn nằm trên vai Viện TĐH & BKT VN.

        Trong khi đó, có nhiều vấn đề về lí luận và thực tiễn đặt ra. “Thê đội” cán bộ già đã già và hạn chế nhiều về sức lực thời gian. “Thê đội” trẻ còn mỏng và còn thiếu năng lực chuyên môn và nhiệt huyết. Mà biên soạn BKTT đòi hỏi rất nhiều nội dung công việc, việc nào cũng nặng. Chẳng hạn, chỉ riêng vấn đề thống nhất về chính tả, tên riêng, viết tắt hay công tác tổ chức mạng lưới CTV đã đòi hỏi khá nhiều tâm sức và năng lực. Đấy là chưa nói khi bắt tay vào biên soạn, không phải tất cả các nhà khoa học đưa vào dự kiến đều tham gia và tham gia tích cực. Chúng ta không bi quan nhưng chúng ta phải nhìn ra những khó khăn đó.

PGS TS Hà Quang Năng:

        Bách khoa toàn thư là một công trình khác hẳn Từ điển Bách khoa (TĐBK). Thực chất, TĐBK VN (4 tập) làm chưa tốt. Theo tôi, đội ngũ CTV làm BKTT là quan trọng. Nếu không biết cách tổ chức, sẽ xảy ra hiện tượng “ông chẳng bà chuộc”. Về BKT Biển đảo VN, theo tôi đó là công việc của Nhà nước. Chúng ta nên tăng cường các bài viết trên tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư và trên trang web của Viện. Nên tổ chức các hoạt động hướng tới BKT Biển đảo thì hợp lí hơn. Về Hội thảo khoa học cán bộ trẻ, đây là công việc nên làm, vì năng lực cán bộ trẻ của chúng ta còn rất yếu. Nếu không lưu ý bồi dưỡng, chúng ta sẽ không có cán bộ kế cận.

        PGS TS Lại Văn Hùng và PGS TS Đinh Ngọc Vượng tổng kết các ý kiến, đánh giá cao sự góp ý nghiêm túc thẳng thắn của các thành viên và mong muốn Hội đồng khoa học Viện TĐH & BKT VN tiếp tục phát huy vai trò “hạt nhân” của mình trong các hoạt động sắp tới.

PHẠM TRẦN ĐỨC (lược ghi)