VIỆN SĨ V. ALPATOV LÀM VIỆC VỚI VIỆN TỪ ĐIỂN HỌC VÀ BÁCH KHOA THƯ VN

21/07/2016

       Sáng 13-12-2013, Viện sĩ Vladimir Mikhailovich Alpatov - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KH Liên bang Nga - trong chuyến đi thăm và làm việc tại Việt Nam (với Viện TĐH & BKT VN và Viện Ngôn ngữ học) đã có buổi thuyết trình trước toàn thể cán bộ Viện TĐH & BKT VN. Cùng dự, về phía Nga còn có PGS TS Irina Samarina, TS Valentina Andreeva - các CTV của Viện TĐH & BKT VN trong những năm qua.

       Trong buổi thuyết trình, Viện sĩ V. M. Alpatov đã trình bày những vấn đề mang tính thời sự về Ngôn ngữ học Xã hội ở LB Nga hiện nay. Đó là tình hình ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ ở Liên Xô trước kia và nước Nga hiện nay: ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ quốc tế, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số... Theo ông, ở nước Nga hiện nay, có tới 150 ngôn ngữ khác nhau. Trong tình hình hiện tại, Nhà nước phải có một chính sách ngôn ngữ phù hợp. Đã có một chương trình thu hút nhiều nhà ngôn ngữ (như Jakovlev, Polivanov...) tham gia. Theo ông, ý tưởng để xây dựng một văn tự chung, văn tự thế giới (мировое письмо) lấy chữ Latin làm chuẩn là một điều không tưởng. Khi còn tồn tại Liên bang Xô viết, rất tiếc là việc áp dụng các chính sách ngôn ngữ một cách đúng đắn đã không được thực thi. Chẳng hạn, mãi tới năm 1989, Nhà nước Liên Xô mới chính thức công bố coi tiếng Nga là ngôn ngữ quốc gia thì đã muộn. Sau khi Liên Xô tan rã, đã xảy ra hiện tượng kì thị, tẩy chay tiếng Nga ở một số nước cộng hoà. Trong khi đó, tiếng Nga đã có sự thay đổi rất nhiều do sự ảnh hưởng của tiếng Anh (trong truyền hình, quảng cáo, thương mại...) trong những năm gần đây.

       Tiếp đó, Viện sĩ Alpatov đã trả lời các câu hỏi của cử toạ liên quan tới việc sử dụng tiếng Anh ở Nga, việc Latin hoá tiếng Nga, ảnh hưởng của tiếng Nga trong các nước cộng hoà (thuộc Liên Xô trước đây), chính sách ngôn ngữ và Luật Ngôn ngữ ở nước Nga hiện nay.

       Tiếp đó, Viện sĩ V. M. Alpatov đã làm việc với các nhà ngôn ngữ học đang công tác tại Viện TĐH & BKT VN. Ông đã giới thiệu sơ qua về Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KH Nga, kế thừa truyền thống của Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm KH Liên Xô trước đây. Hiện nay, Viện Ngôn ngữ học Nga có số lượng cán bộ khá đông, phân thành nhiều ban và trung tâm. Viện đang nghiên cứu tới hầu hết các lĩnh vực: Ngôn ngữ học Xã hội, Ngôn ngữ học Tâm lí, Ngôn ngữ học Ứng dụng, Các ngôn ngữ trên thế giới (trong đó có tiếng Việt)... Công việc phối hợp gần đây nhất giữa hai viện, hai nước là biên soạn và xuất bản cuốn Đại từ điển Việt - Nga, Thành ngữ Việt Nga... Theo ông, những năm trước đây đã có sự phối hợp rất tốt giữa Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KH Liên Xô) với Viện Ngôn ngữ học (Viện KHXH VN) trong các cuộc điều tra điền dã, khảo sát ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (dưới sự lãnh đạo của 2 vị Viện trưởng: GS V. M. Solncev và GS Hoàng Tuệ). Ông mong muốn trong thời gian tới, công việc biên soạn từ điển ở Việt Nam hiện do các nhà KH tại Viện TĐH & BKT VN đảm nhiệm, sẽ tiếp tục với Viện Ngôn ngữ học Nga trong nhiều công trình tiếp theo.

       PGS TS Phạm Hùng Việt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Viện trưởng Viện TĐH & BKT VN - thay mặt các nhà ngôn ngữ học tham gia buổi gặp mặt - phát biểu ý kiến. Ông giới thiệu sơ bộ Viện TĐH & BKT VN hiện nay (trong đó nhiều nhà ngôn ngữ đang làm việc), ôn lại quãng thời gian phối hợp giữa Viện Ngôn ngữ học Nga với Viện Ngôn ngữ học Việt Nam trước đây, hiện nay là với Viện TĐH & BKT VN và mong rằng sự cộng tác này được tiếp tục trong thời gian tới. Tiếp đó là phát biểu ý kiến của Viện sĩ V. M. Alpatov, I. Samarina, V. Andreeva, GS TSKH Lý Toàn Thắng, PGS TSKH Nguyễn Tuyết Minh,... Mọi người đã tham gia trao đổi sôi nổi về một loạt vấn đề của ngôn ngữ học hiện đại được các nhà ngôn ngữ hai nước đang quan tâm.

HUỆ HOÀI PHÚC