Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Lời dạy của Bác Hồ đã trở thành kim chỉ nam cho khoa học và công nghệ Việt Nam trong suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước.
Quán triệt tư tưởng đó của Hồ Chủ tịch, hơn 5 thập kỷ qua, các thế hệ trí thức, các nhà khoa học và công nghệ (KH&CN) của cả nước đã luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng lao động và sáng tạo để đưa KH&CN vào cuộc sống.Hơn 50 năm qua, chúng ta đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ của nền KH&CN nước nhà cũng như những đóng góp to lớn của KH&CN đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử đó, Bộ KH&CN đã đề xuất, được Chính phủ đồng ý và Quốc hội nhất trí lấy ngày 18/5/ hàng năm là “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.
Cũng như các ngày: Thầy thuốc Việt Nam, Nhà giáo Việt Nam…,Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam chính là dịp để biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN, những người luôn cống hiến hết mình trên mặt trận thầm lặng, tạo ra những kết quả khoa học và công nghệ xuất sắc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Lễ công bố “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp to lớn của KH&CN trên tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trước đây, sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Nhân dịp này thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Qua đó, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành KH&CN, đặc biệt là những hy sinh, cống hiến thầm lặng và lao động quên mình của các thế hệ nhà khoa học Việt Nam trên mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, những người say mê, kiên trì theo đuổi ước mơ, hoài bão nghiên cứu sáng tạo. Thủ tướng cũng biểu dương các ngành, các cấp đã ủng hộ, hỗ trợ lực lượng KH&CN hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó và cho rằng không giống như các tài nguyên khác càng khai thác càng cạn kiệt, nhưng trí tuệ, năng lực sáng tạo càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú. Bất kỳ ai, mọi người dân, đều có quyền tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ.
Đóng góp vào niềm vui chung của Lễ công bố Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm cũng đã trưng bày hơn 20 ấn phẩm tiêu biểu đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước của các nhà khoa học hàng đầu như: GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn với công trình: Vài nhận xét về thời kỳ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long (1954) và Về vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản (1960) (Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1/1996); GS. Đào Duy Anh với cụm công trình: Lịch sử văn hóa Việt Nam (giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2000); GS. Đào Văn Tập với cụm công trình: Chiến tranh Việt Nam và kinh tế Mỹ (giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005); GS.NGND. Hà Minh Đức với cụm công trình: Sự nghiệp văn thơ, báo chí Hồ Chí Minh (giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012); GS. Đặng Nghiêm Vạn với cụm công trình: Quan hệ giữa các tộc người trong một quốc gia dân tộc; Những vấn đề tôn giáo ở Việt Nam (giải thưởng Nhà nước đợt 1 năm 2000); PGS.TS. Nguyễn Văn Truy với cụm công trình: Tính dân tộc trong văn học và nghệ thuật (giải thưởng Nhà nước đợt 3 năm 2012)…
Đặc biệt, tại Lễ công bố Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, PGS.TS. Trần Đức Cường, nguyên Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm) đã vinh dự đại diện cho các nhà khoa học tiêu biểu của Viện Hàn lâm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa.
Có thể nói Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam – 18 tháng 5 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp công bố không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn của khoa học, công nghệ nói chung, trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp Đổi mới và phát triển. Dấu mốc này đã thể hiện niềm vui, niềm tự hào của những người đang làm công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ vì được Đảng, Nhà nước đặt niềm tin và ngày càng đánh giá cao sự cống hiến, đóng góp của giới khoa học trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hôm nay.
Phạm Vĩnh Hà