Nghiệm thu nhiệm vụ trọng điểm cấp bộ Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam

11/06/2013

NGHIỆM THU ĐỀ ÁN BIÊN SOẠN BÁCH KHOA TOÀN THƯ VIỆT NAM

Ngày 13 tháng 4 năm 2013 Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu Nhiệm vụ cấp Bộ trọng điểm “Xây dựng Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam”. GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội làm Chủ tịch Hội đồng.

Tham gia Hội đồng có các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đề án “Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam” là nhiệm vụ cấp Bộ trọng điểm do PGS-TS Phạm Hùng Việt làm Chủ nhiệm, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam là cơ quan chủ trì.

Công cuộc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ta chú ý đến từ lâu. Tháng 3 năm 1999, Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam đã có tờ trình lên Bộ Chính trị và Chính phủ bản Kế hoạch biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam. Ngày 3 tháng 8 năm 1999 Thường vụ Bộ Chính trị đã cho ý kiến: “Ý tưởng và kế hoạch biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam được sự đồng tình ủng hộ, song phải tổ chức thật tốt và cần có những điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, kinh phí cũng như đội ngũ cán bộ có trình độ khoa học giỏi, tinh thần phấn đấu cao để hoàn thành đúng thời gian. Để làm được việc này, Hội đồng cần có đề án cụ thể, trong đó có vấn đề bổ sung nhân sự, kiện toàn tổ chức và kinh phí của Hội đồng, cũng như kinh phí để triển khai biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam và báo cáo với Chính phủ xem xét giải quyết. Nếu thấy cần thiết, Chính phủ sẽ báo cáo với Thường vụ Bộ Chính trị”.

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập vào tháng 8 năm 2008. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu lí thuyết về từ điển học và bách khoa thư cũng như tổ chức biên soạn các loại từ điển và bách khoa thư. Sau khi ổn định về tổ chức, đầu năm 2009, Viện được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình cấp Bộ: Những vấn đề cơ bản về cơ sở lí luận và phương pháp biên soạn các loại từ điển và bách khoa thư Việt Nam. Đây là một chương trình giúp cho Viện bước đầu xây dựng những cơ sở lí luận về từ điển học và bách khoa thư học để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Từ tháng 9 – 2011, Viện được giao  thực hiện nhiệm vụ trọng điểm cấp bộ Xây dựng Đề án và cơ sở biên soạn Bách khoa  thư Việt Nam.

Sau một thời gian nỗ lực triển khai nhiệm vụ, trong điều kiện Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam trước đây đã có bản dự thảo dự án biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã tiếp thu những kết quả đã có, chỉnh sửa, bổ sung những nội dung để xây dựng Đề án cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam có những mục đích sau:

- Giới thiệu những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử, xã hội, văn hoá, khoa học, công nghệ Việt Nam xưa và nay.

- Giới thiệu những tri thức văn hoá, khoa học công nghệ của thế giới, đặc biệt chú trọng những tri thức cần cho độc giả Việt Nam.

- Những tri thức đó góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp cách mạng Việt Nam và nâng cao trình độ văn hoá, khoa học, kĩ thuật của nhân dân ta. Bách khoa toàn thư Việt Nam dùng cho đông đảo nhân dân, các nhà khoa học, các nhà quản lí trong nghiên cứu và học tập, đồng thời giúp ích cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài muốn tìm hiểu về Việt Nam.

Việc biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam phải đảm bảo những yêu cầu sau:

- Khoa học, cơ bản, hiện đại, Việt Nam. Các tri thức được phản ánh có căn cứ khoa học, chính xác, đã được tổng kết đánh giá, được xã hội công nhận; lựa chọn những tri thức cơ bản nhất, chú ý những tri thức chính yếu, cập nhật những tri thức hiện đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ văn hoá, khoa học kĩ thuật của cán bộ, mặt bằng dân trí của nhân dân, yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

- Súc tích, chuẩn mực, hấp dẫn. Các tri thức được trình bày có hệ thống, sử dụng ngôn ngữ trong sáng.

- Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc phân tích, đánh giá các sự kiện và tư liệu.

Tên Đề án: Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam

Cơ quan quản lý: Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Cơ quan tổ chức thực hiện:  Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Thời gian thực hiện: 8 năm (2013 – 2021),

Sản phẩm của Đề án:

Giai đoạn 1, năm năm (2013 -2018): 35 quyển Bách khoa thư chuyên ngành và liên ngành, một quyển sách dẫn (Index)

Giai đoạn 2, ba năm (2019-2021): 35 quyển bách khoa thư tổng hợp và 1 quyển sách dẫn (Index),

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đề xuất biên soạn bộ Bách khoa toàn thư gồm 36 quyển như sau:

Quyển 1.

Toán học, Cơ học

Quyển 2.

Vật lý học, Thiên văn học

Quyển 3.

Hóa học, Công nghệ hóa học

Quyển 4.

Sinh học và Công nghệ sinh học

Quyển 5.

Địa chất học, Môi trường

Quyển 6.

Địa lý học, Địa lý thế giới

Quyển 7.

Địa lý Việt Nam, Địa chính

Quyển 8.

Công nghệ thông tin.

Quyển 9.

Nông nghiệp, Thủy lợi

Quyển 10.

Lâm nghiệp, Ngư nghiệp, Thủy sản

Quyển 11.

Hải dương học, Khí tượng thủy văn

Quyển 12.

Y học, Dược học

Quyển 13. 

Điện, Điện tử, Tự động hóa

Quyển 14. 

Xây dựng, Công nghệ vật liệu

Quyển 15. 

Giao thông, Vận tải

Quyển 16. 

Cơ khí, Mỏ, Luyện kim,

Quyển 17. 

Dệt, May, Giấy, Thực phẩm

Quyển 18. 

Văn học

Quyển 19. 

Ngôn ngữ học, Hán Nôm

Quyển 20. 

Văn hóa dân gian, Ngành nghề thủ công

Quyển 21. 

Lịch sử Việt Nam

Quyển 22. 

Lịch sử thế giới

Quyển 23. 

Dân tộc học, Khảo cổ học, Nhân học

Quyển 24. 

Kinh tế học

Quyển 25. 

Tài chính, Ngân hàng, Tiền tệ

Quyển 26. 

Triết học

Quyển 27. 

Tôn giáo, Xã hội học

Quyển 28. 

Chính trị, Ngoại giao, Tổ chức

Quyển 29.

Quốc phòng, An ninh

Quyển 30. 

Luật học

Quyển 31. 

Tâm lý học, Giáo dục học

Quyển 32. 

Thông tin, Báo chí, Xuất bản, Thư viện, Bảo tàng, Lưu trữ

Quyển 33. 

Âm nhạc, Nghệ thuật múa, Sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh

Quyển 34. 

Mỹ thuật, Kiến trúc

Quyển 35. 

Du lịch, Thể dục thể thao, Ẩm thực, Trang phục

Quyển 36. 

Sách dẫn (Index)

Tại buổi nghiệm thu Đề án, Hội đồng đã phân tích, đánh giá đề án do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam xây dựng. Bước tiếp theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam sẽ chuẩn bị Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến để tập thể thực hiện nhiệm vụ cấp Bộ trọng điểm bổ sung, hoàn thiện bản Đề án và Tờ trình.

Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp Bộ trọng điểm “Xây dựng Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam” đạt loại Khá.