Tính đến thời điểm năm 1959, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời và phát triển được mười bốn năm. Đó là một khoảng thời gian có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, làm thay đổi tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946, thực dân Pháp lại gây ra chiến tranh để xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân ta lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ. Với chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ thắng lợi, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng nhưng đất nước còn tạm thời chia làm hai miền. Nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới này là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong ba năm (1955 - 1957), ở miền Bắc chúng ta đã hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Năm 1958, chúng ta bắt đầu thực hiện kế hoạch kinh tế ba năm nhằm phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội. Về kinh tế và văn hóa, chúng ta đã có những tiến bộ lớn. Đi đôi với những thắng lợi đó, quan hệ giai cấp trong xã hội miền Bắc đã thay đổi. Giai cấp địa chủ phong kiến đã bị đánh đổ. Liên minh giai cấp công nhân và nông nhân ngày càng được củng cố và vững mạnh.
Hiến pháp 1946 đã hoàn thành sứ mệnh của nó nhưng so với tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới nó cần được bổ sung và thay đổi. Vì vậy, trong kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I đã quyết định sửa đổi Hiến pháp 1946 và thành lập Ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Sau khi làm xong Bản dự thảo đầu tiên, tháng 7 năm 1958, Bản dự thảo được đưa ra thảo luận trong các cán bộ trung cấp và cao cấp thuộc các cơ quan Quân, Dân, Chính, Đảng. Sau đợt thảo luận này Bản dự thảo đã được chỉnh lý lại và ngày 1/4/1959 Dự thảo được công bố để toàn dân thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng. Cuộc thảo luận này kéo dài trong bốn tháng với sự tham gia sôi nổi tích cực của các tầng lớp nhân dân lao động. Ngày 31/12/1959, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp sửa đổi và ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp.
Hiến pháp 1959 gồm có lời nói đầu và 112 điều, chia làm 10 chương.
Lời nói đầu khẳng định nước Việt nam là một nước thống nhất từ Lạng sơn đến Cà Mau, khẳng định những truyền thống quý báu của dân tộc Việt nam. Lời nói đầu ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản Việt Nam), đồng thời xác định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Chương I - Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, gồm 8 điều quy định các vấn đề cơ bản sau đây:
- Hình thức chính thể của Nhà nước là cộng hòa dân chủ (Điều 2). Hiến pháp xác định tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân (Điều 4).
- Quy định Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước khác thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ (Điều 4).
- Cũng như Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 khẳng định đất nước Việt Nam là một khối thống nhất không thể chia cắt (Điều 1).
- Quy định nguyên tắc bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Nghiêm cấm mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ các dân tộc (Điều 3).
- Quy định các nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 5).
- Xác định nguyên tắc tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân (Điều 6).
Chương II - Chế độ kinh tế và xã hội, gồm 13 điều quy định những vấn đề liên quan đến nền tảng kinh tế - xã hội của Nhà nước:
- Xác định đường lối kinh tế của Nhà nước ta trong giai đoạn này là biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Quy định mục đích cơ bản của chính sách kinh tế của Nhà nước là không ngừng phát triển sức sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân (Điều 9).
- Quy định các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội là: Sở hữu nhà nước (tức là của toàn dân); sở hữu của hợp tác xã (tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động); sở hữu của người lao động riêng lẻ và sở hữu của nhà tư sản dân tộc (Điều 11).
- Xác định kinh tế quốc doanh thuộc hình thức sở hữu của toàn dân giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và được nhà nước đảm bảo phát triển ưu tiên. Các hầm mỏ, sông ngòi, những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật quy định của nhà nước đều thuộc sở hữu của toàn dân (Điều 12).
- Quy định việc nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và tư liệu sản xuất khác của nông dân (Điều 14); bảo hộ quyền tư hữu về tư liệu sản xuất của người làm nghề thủ công và những người lao động riêng lẻ khác (Điều 15); bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc (Điều 16); bảo hộ quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và các vật dụng riêng khác (Điều 18); bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân (Điều 19). So với Hiến pháp 1946 thì chương II là một chương hoàn toàn mới. Chương này được xây dựng theo mô hình của Hiến pháp các nước xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, ngoài việc quy định kinh tế quốc doanh giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân, Hiến pháp còn quy định Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất.
Chương III - Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bao gồm 21 điều (từ Điều 22 đến Điều 42). Theo Hiến pháp, công dân Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ cơ bản sau đây:
- Các quyền về chính trị và tự do dân chủ như: Quyền bầu cử và ứng cử (Điều 23); quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 22); quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25); quyền khiếu nại, tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên, cơ quan nhà nước.
- Các quyền về dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội như: Quyền làm việc (Điều 30); quyền nghỉ ngơi (Điều 31); quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động (Điều 32); quyền học tập (Điều 33); quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và tiến hành các hoạt động văn hóa khác (Điều 34); quyền tự do tín ngưỡng (Điều 26).
- Các quyền về tự do cá nhân như : Quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 27); không ai có thể bị bắt nếu không có sự quyết định của Tòa án nhân dân hoặc sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân; quyền bất khả xâm phạm về nhà ở; quyền bí mật thư tín; quyền tự do cư trú và tự do đi lại.
- Các nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp bao gồm: Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao động, trật tự công cộng là những quy tắc sinh hoạt xã hội (Điều 39); nghĩa vụ tôn trọng và bảo vê tài sản công cộng (Điều 40); nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của pháp luật (Điều 41); nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc (Điều 42). So với Hiến pháp 1946, chế định quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp 1959 là một bước phát triển mới.
Bên cạnh việc quy định các quyền của công dân, Hiến pháp còn xác định nghĩa vụ của nhà nước trong việc đảm bảo cho các quyền đó được thực hiện. Ngoài những quyền và nghĩa vụ mà Hiến pháp 1946 đã ghi nhận, Hiến pháp 1959 còn quy định thêm những quyền và nghĩa vụ mới mà trong Hiến pháp 1946 chưa được thể hiện. Ví dụ: Quyền của người lao động được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động, quyền tự do nghiên cứu khoa học và sáng tác văn học nghệ thuật và tiến hành các hoạt động văn hóa khác, quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên, cơ quan nhà nước, nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản công cộng.
Chương IV - Quốc hội, bao gồm 18 điều quy định các vấn đề liên quan đến chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. So với nhiệm kỳ của Nghị viện theo Hiến pháp 1946 thì nhiệm kỳ của Quốc hội dài hơn (nhiệm kỳ của Nghị viện là 3 năm, còn nhiệm kỳ Quốc hội là 4 năm). Hiến pháp 1959 quy định quyền hạn của Quốc hội một cách cụ thể hơn. Theo Điều 50 của Hiến pháp thì Quốc hội có những quyền hạn sau đây: Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm pháp luật; giám sát việc thi hành Hiến pháp; bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch nước; theo đề nghị của Thủ tướng quyết định cử Phó thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ; theo đề nghị của Chủ tịch nước quyết định cử Phó chủ tịch nước và các thành viên khác của Hội đồng quốc phòng; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bầu Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao; bãi miễn Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó thủ tướng và những thành viên khác của Hội đồng quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định kế hoạch kinh tế nhà nước; xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của nhà nước; ấn định các thứ thuế. Ngoài ra, Quốc hội còn có những quyền hạn quan trọng khác như: Phê chuẩn việc thành lập và bãi bỏ các Bộ và các cơ quan ngang Bộ, phê chuẩn việc phân vạch địa giới các tỉnh, khu vực, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương; quyết định đặc xá; quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; những quyền hạn cần thiết khác do Quốc hội quy định.
Quốc hội có cơ quan thường trực của mình là ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội bầu ra. ủy ban thường vụ Quốc hội gồm có Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký, các ủy viên. Quyền hạn của ủy ban thường vụ Quốc hội cũng được quy định rõ ràng tại Điều 53 của Hiến pháp. Ngoài những quyền hạn được quy định trong Hiến pháp, Quốc hội có thể trao cho ủy ban thường vụ Quốc hội những quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết. Theo quy định của Hiến pháp chúng ta thấy ủy ban thường vụ Quốc hội có các quyền hạn sau đây: Tuyên bố và chủ trì việc tuyển cử đại biểu Quốc hội; triệu tập Quốc hội; giải thích pháp luật; ra pháp lệnh; quyết định việc trưng cầu ý dân, giám sát công tác của Hội đồng Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị định, nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh; sửa đổi và bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân trong trường hợp các Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng. Ủy ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó viện trưởng và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; bổ nhiệm hoặc bãi miễn các đại diện toàn quyền ngoại giao của nước ta ở nước ngoài; quyết định việc phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước ký với nước ngoài (trừ trường hợp mà ủy ban thường vụ Quốc hội xét cần phải trình Quốc hội quyết định). Ngoài ra, ủy ban thường vụ Quốc hội còn có thẩm quyền quy định hàm và cấp quân sự, ngoại giao, những hàm và cấp khác; quyết định đặc xá; quy định và quyết định việc tặng thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự của nhà nước; quyết định việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ; quyết định việc giới nghiêm trong toàn quốc hoặc từng địa phương. Trong thời gian Quốc hội không họp, ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền quyết định việc bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm Phó thủ tướng và những thành viên khác của Hội đồng Chính phủ có quyền quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong tình trạng nước nhà bị xâm lược.
Theo quy định của Hiến pháp 1959, ngoài Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội còn thành lập các ủy ban chuyên trách như Ủy ban dự án pháp luật, Ủy ban kế hoạch và ngân sách, Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu và các ủy ban khác mà Quốc hội thấy cần thiết để giúp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (điều 56, 57).
Chương V - Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bao gồm 10 điều (từ Điều 61 đến Điều 70). So với Hiến pháp 1946 thì đây là một chương mới. Theo Hiến pháp 1959 Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước không nằm trong thành phần của Chính phủ. Đứng đầu Chính phủ lúc này là Thủ tướng Chính phủ, còn Chủ tịch nước chỉ là người đứng đầu nhà nước về mặt đối nội cũng như đối ngoại. Vì vậy, chế định Chủ tịch nước được quy định thành một chương riêng. Theo Hiến pháp 1959 Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra. Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ 35 tuổi trở lên có quyền ứng cử chức vụ Chủ tịch nước. Như vậy, khác với Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 quy định tuổi tối thiểu để có thể ứng cử chức vụ Chủ tịch nước là 35 còn Hiến pháp 1946 không quy định cụ thể, mặt khác theo Hiến pháp 1946 Chủ tịch nước phải được chọn trong Nghị viện nhân dân tức là trong số các Nghị sĩ, còn Hiến pháp 1959 không đòi hỏi ứng cử viên phải là đại biểu Quốc hội.
So với Hiến pháp 1946, quyền hạn của Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1959 hẹp hơn vì theo Hiến pháp 1946 Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu nhà nước, vừa là người đứng đầu Chính phủ. Còn theo Hiến pháp 1959, chức năng của người đứng đầu Chính phủ đã chuyển sang cho Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Hiến pháp 1959 quyền hạn của Chủ tịch nước vẫn rất lớn. Ví dụ: Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang toàn quốc, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng (Điều 65). Chủ tịch nước khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và chủ tọa Hội nghị chính trị đặc biệt (Điều 67). Chủ tịch nước khi xét thấy cần thiết có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ.
Chương VI - Hội đồng Chính phủ, bao gồm 7 điều (từ Điều 71 đến Điều 77). Theo quy định tại Điều 71 Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Quy định này thể hiện rõ nguyên tắc quyền lực nhà nước tập trung thống nhất vào Quốc hội - Cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Quy định này cũng cho ta thấy rằng, Hội đồng Chính phủ theo Hiến pháp 1959 được tổ chức hoàn toàn theo mô hình Chính phủ của các nước xã hội chủ nghĩa. Về thành phần của Hội đồng Chính phủ theo quy định tại Điều 72 khác cơ bản so với trước đây là không có Chủ tịch, Phó chủ tịch nước và không có các Thứ trưởng.
Chương VII - Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính địa phương các cấp, bao gồm 14 điều (từ Điều 78 đến Điều 91). Trong chương này Hiến pháp xác định các đơn vị hành chính ở nước ta là: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; xã, thị trấn. Ngoài ra còn có khu tự trị (Tây Bắc và Việt Bắc). Các khu tự trị này tồn tại đến tháng 12/1975.
Như vậy, theo Hiến pháp 1959, cấp bộ (Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ) được bãi bỏ. Khác với Hiến pháp 1946 chỉ có cấp tỉnh và cấp xã mới có Hội đồng nhân dân, Hiến pháp 1959 quy định tất cả các cấp tỉnh, huyện, xã đều có Hội đồng nhân dân. Ngoài ra, Hiến pháp còn ghi rõ Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Theo quy định của Hiến pháp, ủy ban hành chính được thành lập ở tất cả các cấp tỉnh, huyện, xã. ủy ban hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân địa phương, là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương.
Chương VIII- Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, gồm 15 điều (từ Điều 97 đến Điều 111). So với Hiến pháp 1946, chương này cũng có nhiều thay đổi. Theo Hiến pháp 1959, hệ thống tòa án ở nước ta bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dận huyện và Tòa án quân sự. Ngoài ra, trong trường hợp xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt. Hệ thống toà án địa phương được tổ chức theo các đơn vị hành chính lãnh thổ cấp tỉnh, cấp huyện. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vừa xét xử phúc thẩm các bản án do Tòa án huyện xét xử sơ thẩm vừa xét xử sơ thẩm các bản án thuộc thẩm quyền của chúng. Chế độ bổ nhiệm thẩm phán bị bãi bỏ và thực hiện chế độ thẩm phán bầu. Việc xét xử ở các tòa án nhân dân có hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán.
Theo mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của các nước xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp 1959 đã quy định việc thành lập hệ thống viện kiểm sát nhân dân để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật và thực hiện quyền công tố. Hệ thống viện kiểm sát bao gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã và Viện kiểm sát quân sự.
Viện kiểm sát nhân dân tổ chức theo chế độ thủ trưởng trực thuộc một chiều. Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo của viện kiểm sát cấp trên và tất cả đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Việt kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu ra, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Quốc hội. Trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác và chịu trách nhiệm trước ủy ban thường vụ Quốc hội.
Chương IX quy định về Quốc kỳ, Quốc huy và Thủ đô.
Chương X quy định về sửa đổi Hiến pháp.
Theo quy định của Hiến pháp chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp với điều kiện phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
PGS-TS Đinh Ngọc Vượng