Thuật ngữ “Hiến pháp” - tiếng Anh là Constitution bắt nguồn từ tiếng Latinh “Constitutio” với nghĩa là thiết lập, xác lập. Dưới thời kỳ Lamã cổ đại, các Hoàng đế đã ban hành “Constitutio” để quy định một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Nhà nước. Trong tiếng Việt, thuật ngữ “Hiến pháp” là từ Hán, xuất hiện từ trước Công nguyên, trong đó “Hiến” có nghĩa là khuôn mẫu, khuôn phép; “pháp” có nghĩa là mệnh lệnh, quy định. Vì vậy, Hiến pháp có nghĩa là những mệnh lệnh, quy định mang tính chất khuôn mẫu. Theo thời gian, nội hàm của thuật ngữ Hiến pháp cũng có những đổi thay nhất định.
Dưới thời kỳ phong kiến, thuật ngữ Hiến pháp dường như không được sử dụng. Tuy vậy, ở một số nước phương tây xuất hiện “Hiến chương”, một loại văn bản pháp luật tương tự như Hiến pháp, thiết lập một số quyền cho tầng lớp phong kiến quý tộc. Ví dụ, Hiến chương tự do (Magna Charta) năm 1215 của Anh, quy định quyền của các lãnh chúa được bầu chọn đại diện tham gia cùng Nhà vua bảo vệ hòa bình và các quyền cá nhân.
Với tính chất là đạo luật cơ bản của Nhà nước, Hiến pháp chỉ xuất hiện trong thời kỳ giai cấp tư sản đấu tranh giành chính quyền chống lại Nhà nước phong kiến chuyên chế. Trong thời kỳ này, nội dung của Hiến pháp chỉ bao hàm vấn đề liên quan đến tổ chức quyền lực nhà nước. Sau này, cùng với sự ra đời của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa, nội dung Hiến pháp dần được mở rộng sang các lĩnh vực khác như quyền công dân, chế độ chính trị, chế độ kinh tế-xã hội.
Bản Hiến pháp đầu tiên của nhân loại là bản Hiến pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1787. Bản Hiến pháp này là kết quả của quá trình du nhập tư tưởng lập hiến, tư tưởng phân chia quyền lực ở Tây Âu vào Mỹ. Trên cơ sở đút kết kinh nghiệm của các tiểu bang trong việc vận dụng mô hình tổ chức Nhà nước theo Hiến pháp bất thành văn của Anh, các nhà lập hiến Hoa Kỳ đã khéo léo vận dụng tư tưởng phân quyền kết hợp với truyền thống nước Mỹ để xây dựng cho Nhà nước Hoa Kỳ bản Hiến pháp thành văn đầu tiên. Cho đến nay, qua 26 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1787 vẫn có hiệu lực.
Ở Châu Âu, theo gương nước Mỹ, các nước Ba Lan, Pháp lần lượt ban hành Hiến pháp vào năm 1791, Hà Lan năm 1814, Bỉ 1831.
Bên cạch các bản hiến pháp thành văn còn có hiến pháp bất thành văn. Hiến pháp không thành văn là Hiến pháp không thể hiện dưới hình thức một đạo luật với tên gọi là Hiến pháp. Trên thế giới hiện nay còn một số nước có Hiến pháp không thành văn là Anh, New Zeland, Israen… Hiến pháp Anh bao gồm các văn bản: Luật về Nghị viện ( năm 1911 và năm 1919), Luật về thủ tục truất quyền đại biểu viện Bình dân( năm 1957 và năm 1975), Luật về viện Bình dân (năm 1978). Ngoài ra, Hiến pháp Anh còn bao hàm cả một số án lệ và tập quán Hiến pháp, các tác phẩm khoa học kinh điển về luật học.
Ngày nay, căn cứ vào tính chất, phạm vi đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp chúng ta có thể đưa ra định nghĩa chung về Hiến pháp như sau: “Hiến pháp là luật cơ bản của nhà nước có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định các vấn đề liên quan đến tổ chức quyền lực nhà nước, tổ chức bộ máy nhà nước; cơ sở kinh tế-chính trị, văn hóa-xã hội của nhà nước; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
PGS-TS Đinh Ngọc Vượng