Pháp luật quyền tác giả quy định hai đối tượng là chủ thể của quyền tác giả gồm: tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Về tác giả gồm có tác giả tác phẩm gốc, đồng tác giả và tác giả tác phẩm phái sinh,
* Tác giả
Thuật ngữ Tác giả có nguồn gốc Hán Việt có thể hiểu là người làm nên tác phẩm (tác có nghĩa là tác phẩm, cũng có nghĩa là làm, còn giả có nghĩa là người). Các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học là kết quả của quá trình tư duy sáng tạo của một người hoặc một nhóm người. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa hoạt động sản xuất vật chất thông thường và lao động trí tuệ sáng tạo. Các tác giả có thể đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả nhưng cũng có thể không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Thoạt nhìn việc sáng tác ra một tác phẩm rất đơn giản, chỉ là việc sắp xếp những con chữ, những nốt nhạc, những nét vẽ... Nhưng điều quan trọng là những sáng tạo đó có được người đời đón nhận và trân trọng hay không, là chúng có tuổi thọ trong lòng công chúng lâu dài hay không và ý nghĩa mà nó đem lại cho xã hội ra sao. Có những tác phẩm đã chết yểu ngay sau khi ra đời, không đem lại cho mọi người ấn tượng gì. Có những tác phẩm thì phải ghép vào các giai đoạn nhất định thì mới có sức sống.. Mỗi tác phẩm chính là những đứa con tinh thần của tác giả, là kết quả của sự cực nhọc "thai nghén", trăn trở suy tư của tác giả. Đối với các tác phẩm văn học, sự sáng tạo của tác giả thể hiện trong sự sắp xếp các con chữ với những bút pháp đặc trưng, với tầm hiểu biết xã hội. Với các bản nhạc thì đó là sự sáng tạo trong việc tạo nên mối quan hệ giữa những nốt nhạc và những khoảng lặng để tạo nên những giai điệu. Với những bức hoạ thì đó là sự sáng tạo trong việc bố trí các nét vẽ, những mảng màu sắc với cái nhìn nghệ thuật, với bàn tay khéo léo và những tâm trạng riêng. Rõ ràng những con chữ, nốt nhạc, mảng màu chỉ có giá trị khi được đặt trong mối tương quan với nhau và chỉ có các tác giả mới có thể làm được điều này. Trong mỗi tác phẩm đều thể hiện vốn sống, bút pháp, phong cách riêng tạo nên dấu ấn riêng của mỗi tác giả.
* Đồng tác giả:
Trong thực tế có nhiều trường hợp một tác phẩm do nhiều người góp phần sáng tạo nên khi họ cùng tìm được sự đồng cảm, hoà đồng. Dễ thấy điều này trong việc sáng tác ca khúc, các nhạc sỹ thường lấy cảm hứng từ một bài thơ, một hình tượng của thi sỹ để hoà âm thành một bài hát, các nhạc sỹ là tác giả phần nhạc còn các thi sỹ là tác giả phần lời. Ghi nhận điều này, luật quyền tác giả quy định trường hợp nhiều người cùng sáng tạo tác phẩm thì họ là đồng tác giả tác phẩm đó, là chủ sở hữu chung của tác phẩm và được bảo hộ theo luật quyền tác giả. Điều này biểu hiện rõ nhất trong các tác phẩm điện ảnh với sự góp công sáng tạo của biên kịch, đạo diễn, quay phim, ánh sáng, kỹ xảo...
* Tác giả các tác phẩm phái sinh
Căn cứ theo các loại hình tác phẩm, có thể phân chia thành tác giả của tác phẩm gốc và tác giả của tác phẩm phái sinh (gồm tác phẩm dịch, tuyển tập, mô phỏng, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác). Pháp luật ghi nhận quyền của tác giả các tác phẩm phái sinh như đối với tác phẩm gốc mà không làm phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.
* Dịch giả
Dịch giả là những người chuyển thể các tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác khác với tác phẩm gốc. Việc chuyển thể tác phẩm sang ngôn ngữ khác là một nhu cầu tất yếu về sự đan xen các nền văn hoá của quá trình hội nhập quốc tế. Sự sáng tạo dịch thuật là hết sức cần thiết để các dân tộc tiếp cận, thưởng thức tinh hoa văn hoá, nghệ thuật, khoa học của nhau, tăng cường hiểu biết nhằm phát triển kinh tế. Không thể đánh giá việc dịch thuật chỉ là chuyển thể các câu từ sang ngôn ngữ khác. Để có các tác phẩm theo đúng văn phong, bản sắc của các tác giả, thì các dịch giả không những phải giỏi ngoại ngữ, có vốn hiểu biết sâu rộng về nền văn hoá, khoa học kỹ thuật của quốc gia đó, hoà mình vào cái tôi của tác giả cùng với sự lao động tư duy nghiêm túc.
* Người phóng tác, người cải biên, chuyển thể
Người phóng tác, người cải biên, chuyển thể là người tạo nên tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Có thể nói đây chính là sự sáng tạo dây chuyền, sự sao chép nội dung tác phẩm nguyên gốc nhưng thể hiện thông qua một hình thức chứa đựng khác. Sự sáng tạo này tuy mang tính chất phái sinh nhưng lại góp phần làm đa dạng, phong phú các loại hình tác phẩm, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống tinh thần. Khán giả điện ảnh hẳn không thể nào quên bộ phim "Người Hà Nội" đã tạo nên dấu ấn riêng như thế nào khi được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng "Phố" của Chu Lai.
* Người biên soạn, chú giải, tuyển chọn tác phẩm
Người biên soạn, chú giải, tuyển chọn tác phẩm của người khác thành tác phẩm với đặc thù có hàm lượng sáng tạo cao thông qua việc lựa chọn, sắp xếp tác phẩm theo một chủ đề nhất định có thể kết hợp bình luận, hoặc cung cấp cho người đọc theo một hướng tiếp cận nhất định qua việc tìm kiếm, phân loại, có chú giải để làm rõ thêm một số nội dung, câu chữ, địa danh (ví dụ, các điển tích trong Truyện Kiều...). Việc biên soạn tác phẩm thường đi kèm với việc tuyển chọn tác phẩm, đó là việc đánh giá, đối chiếu các tác giả trong các lĩnh vực nhất định, đánh giá các tác phẩm của chính các tác giả đó nhằm chọn lựa ra các tác phẩm thích hợp cho một mục đích nào
* Chủ sở hữu quyền tác giả
Chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân hoặc tổ chức có thể đồng thời là tác giả hoặc không đồng thời là tác giả nhưng có quyền sở hữu đối với tác phẩm. Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền quyết định việc cho phép người khác khai thác tác phẩm của mình nhằm mục đích kinh tế, thương mại. Họ có thể là những chủ thể sau: tác giả, đồng tác giả; Cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả; Người giao kết hợp đồng sáng tạo tác phẩm với tác giả; Người thừa kế hoặc cá nhân, tổ chức được chuyển giao các quyền từ các đối tượng trên. Phần quyền của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả phụ thuộc vào nội dung cụ thể trong việc giao nhiệm vụ, trong hợp đồng sáng tạo đã giao kết, trong hợp đồng chuyển giao quyền tác giả...
PGS-TS Đinh Ngọc Vượng