Bản quyền tác giả

28/08/2013

     Xuất phát từ các góc độ khác nhau, khái niệm quyền tác giả có thể được hiểu theo nhiều cách. Cụ thể là xem xét quyền tác giả dưới góc độ là quyền của tác giả đối với tác phẩm (author's right) và dưới góc độ là một chế định pháp lý.

     Ở phương diện author's right, quyền tác giả là các quyền dành cho tác giả với vai trò là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm bao gồm quyền kinh tế (còn gọi là quyền tài sản) và quyền nhân thân (còn gọi là quyền nhân thân hoặc quyền nhân thân phi tài sản). Quyền kinh tế là các quyền của tác giả được hưởng các lợi ích về mặt tài chính từ việc khai thác tác phẩm của mình. Các quyền nhân thân chính là sự đảm bảo mối dây liên hệ giữa tác giả và tác phẩm của mình. Về mặt lý luận có thể đưa ra khái niệm về quyền tác giả như sau: Quyền tác giả là các quyền tài sản và quyền nhân thân của tác giả với tư cách là người sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học.

     Quyền tài sản của tác giả được thực hiện thông qua việc cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình đã được bảo hộ bằng luật quyền tác giả. Luật quyền tác giả nói chung đều ghi nhận rằng tác giả có quyền cho phép hoặc ngăn cấm người khác thực hiện các công việc cụ thể liên quan đến tác phẩm, như: sao in, trình diễn tác phẩm, phát thanh hoặc chuyển tải tác phẩm tới công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng khác, dịch hoặc chuyển thể tác phẩm. Trong đó, quyền sao in tác phẩm là một trong các quyền quan trọng nhất. Quyền này cho phép tạo ra các bản sao của tác phẩm gốc dưới bất kỳ hình thức nào, kể hình thức kỹ thuật số. Tuỳ theo pháp luật của các quốc gia mà có thêm các quyền khác nhằm bảo đảm cho quyền sao in được thực thi (quyền cho phân phối các bản sao, quyền cho phép cho thuê các bản sao và bản gốc tác phẩm...). Quyền trình diễn tác phẩm được hiểu là việc trình diễn tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào mà công chúng được xem hoặc có thể tiếp cận được (trình diễn một vở kịch trước công chúng, trình diễn một bản nhạc giao hưởng trong nhà hát...). Ngoài ra quyền tài sản còn bao gồm quyền được hưởng các lợi ích tài chính từ việc cho phép người khác sử dụng tác phẩm bằng nhiều hình thức khác như phát thanh, truyền hình, trưng bày, triển lãm, dịch hoặc chuyển thể tác phẩm...

     Bên cạnh quyền tài sản, quyền nhân thân đóng vai trò quan trọng nhất của quyền tác giả. Thậm chí, có quan điểm cho rằng quyền nhân thân là xuất phát điểm của quyền kinh tế vì nếu không có quyền nhân thân phát sinh từ việc sáng tạo tác phẩm thì cũng không thể có quyền kinh tế. Theo thông lệ quốc tế, quyền nhân thân dành cho tác giả bao gồm: quyền được đòi hỏi xác định chặt chẽ mỗi quan hệ giữa tác giả và tác phẩm; quyền phản đối bất kỳ sự sửa đổi, bóp méo tác phẩm hoặc xuyên tạc tác phẩm và quyền lên án, tố cáo những hành vi phạm pháp liên quan đến tác phẩm làm phương hại thanh danh, tiếng tăm của tác giả. Quyền nhân thân là độc lập với quyền kinh tế, thậm chí khi tác giả đã chuyển giao quyền kinh tế cho người khác thì quyền nhân thân vẫn luôn chỉ được dành cho tác giả. Hoặc nếu một chủ thể nào khác là chủ sở hữu quyền tác giả thì chỉ riêng cá nhân các tác giả sáng tạo nên chúng mới được hưởng quyền nhân thân (VD: các hãng phim, nhà xuất bản...).

     Ở phương diện chế định pháp luật, quyền tác giả là tổng thể các quy phạm pháp luật xác nhận và bảo hộ các quyền nhân thân, tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả văn học nghệ thuật, khoa học. Theo cách hiểu này quyền tác giả không chỉ đơn thuần là quyền dành cho bản thân các tác giả mà còn mở rộng các vấn đề khác như đối tượng bảo hộ, vấn đề thừa kế, chuyển giao tác phẩm, những hạn chế của quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền kế cận)...

     Cùng với quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả văn học, nghệ thuật, khoa học là một trong hai bộ phận cấu thành nên quyền sở hữu trí tuệ. Cụm từ "sở hữu trí tuệ" ngày càng được sử dụng rộng rãi và áp dụng đối với tất cả những sáng tạo trí tuệ của con người. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO được hình thành năm 1893 từ sự sáp nhập của Hiệp hội Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (thành lập 1883 theo Công ước Paris) và Hiệp hội Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật (thành lập 1886 theo Công ước Bern). Mặc dù không đưa ra định nghĩa cụ thể về khái niệm sở hữu trí tuệ (SHTT) nhưng tại Điều 2 của Công ước thiết lập nên WIPO đưa ra danh mục những lĩnh vực thuộc phạm vi bảo vệ của quyền SHTT gồm: "Văn học, các công trình khoa học và nghệ thuật; các buổi biểu diễn của các nghệ sỹ, các bản ghi âm và chương trình phát sóng; các phát minh trong tất cả các lĩnh vực mà con người có thể chinh phục; các khám phá khoa học, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm, nhãn hiệu dịch vụ, những tên hiệu và kiểu dáng thương mại; sự bảo hộ chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh; và tất cả các quyền phát sinh từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật".

     Khác với quyền sở hữu tài sản thông thường (động sản hoặc bất động sản), Quyền SHTT bảo hộ cho sự sáng tạo của các tác giả trong lĩnh vực đời sống tinh thần. Đây chính là căn cứ cơ bản để phân biệt quyền SHTT và quyền SH tài sản vật chất. Hiểu theo nghĩa truyền thống, đối tượng của quyền SH tài sản là các tài sản vật chất, hữu hình mà con người có thể cầm nắm được, chiếm giữ được (căn nhà, xe máy, ô tô...). Còn đối tượng của quyền SHTT là các tài sản vô hình, là kết quả của các hoạt động tư duy sáng tạo mà con người không thể nắm bắt được một cách cụ thể (các ca khúc, các bức tranh, những vần thơ...). Từ sự khác nhau về thuộc tính của các đối tượng, đã dẫn đến sự khác biệt về nội dung chiếm hữu đối tượng sở hữu. Trong quyền sở hữu tài sản, quyền chiếm hữu đóng vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó thể hiện thực tế chủ thể nào là người đang chiếm giữ, quản lý và có quyền sở hữu tài sản đó, từ đó có biện pháp thích hợp để bảo vệ quyền sở hữu. Còn đối với quyền SHTT, do đặc tính vô hình của đối tượng nên nội dung này không có nhiều ý nghĩa. Đặc tính vô hình khiến cho các đối tượng sau khi đã được công bố công khai thì có thể lan truyền vô giới hạn đến mức không thể kiểm soát được tuỳ thuộc vào giá trị của sự sáng tạo. Có nghĩa là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ có thể bảo vệ tuyệt đối, "giữ làm của riêng" nếu họ không công bố công khai hoặc không tiết lộ cho ai biết về sản phẩm sáng tạo của mình bằng cách hoặc không đưa sản phẩm vào khai thác, giới thiệu, hoặc là phải giữ bí mật về bản chất của đối tượng. Nhưng mỗi sản phẩm sáng tạo đều thể hiện phong cách, bản sắc, trình độ và sự đầu tư thời gian, kinh phí của tác giả. Vì vậy, họ phải giới thiệu tác phẩm để khẳng định giá trị bản thân và bù đắp chi phí đầu tư nhằm tiếp tục sáng tạo, cống hiến cho xã hội. Mong muốn được xã hội thừa nhận, đánh giá, sử dụng tác phẩm của mình là ước mơ chính đáng của bất cứ tác giả nào. Vì vậy, quyền khai thác là nội dung quan trọng nhất của quyền SHTT với đặc tính gắn liền với mục đích thương mại. Điều này lý giải vì sao trong nhiều trường hợp, một người có thể sử dụng miễn phí tác phẩm mà không cần xin phép tác giả nếu không mang mục đích thương mại và không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác bình thường của tác phẩm.

     Trong mối quan hệ với quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo vệ với tư cách là các ý tưởng sáng tạo, tức là việc bảo hộ không đòi hỏi phải thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Bảo hộ SHCN là bảo vệ không cho bất kỳ chủ thể nào khác có thể sử dụng trái phép các ý tưởng sáng tạo đó, dù cho là được sáng tạo sau này một cách độc lập và không hề biết nó đã tồn tại. Trong khi đó, theo luật quyền tác giả, các tác giả chỉ được bảo hộ sự sáng tạo tư duy của mình khi chúng đã được định hình dưới một hình thức vật chất hữu hình (một bức tranh, một bản nhạc, một cuốn sách...). Cụ thể hơn, quyền tác giả chỉ bảo vệ hình thái của ý tưởng đó chứ không bảo vệ cho bản thân ý tưởng đó. Khía cạnh sáng tạo được bảo vệ theo quyền tác giả là sự sáng tạo trong việc sử dụng và sắp xếp các từ ngữ, nốt nhạc, màu sắc, hình khối. Quyền tác giả bảo vệ chủ nhân của các những tác phẩm văn học, nghệ thuật đó khỏi sự sao chép hay sử dụng cách thể hiện trong những tác phẩm nguyên gốc. Từ đó dẫn đến sự khác nhau trong việc bảo vệ pháp lý cho từng loại. Do việc bảo vệ phát minh sẽ dẫn đến sự khai thác độc quyền ý tưởng nên nó chỉ kéo dài trong khoảng thời gian không lâu, thường là 20 năm. Và để có sự bảo hộ chủ nhân ý tưởng phải đăng ký và được cấp một văn bản chứng nhận chính thức phát minh khoa học đó đồng thời phải công bố rộng rãi trong xã hội. Ngược lại, bảo vệ pháp lý của những tác phẩm văn học, nghệ thuật theo quyền tác giả chỉ ngăn chặn việc sử dụng trái phép cách biểu hiện ý tưởng của tác giả được thể hiện trong tác phẩm gốc. Do đó, theo quy định của nhiều nước thì việc đăng ký tác phẩm là không bắt buộc và thời gian bảo hộ lâu hơn (thông thường là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết). Đồng thời, điều này cũng giải thích cho việc pháp luật quyền tác giả bảo hộ cả quyền của người làm nên tác phẩm phái sinh và quyền của một số đối tượng khác có liên quan (người biểu diễn, tổ chức sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng).

     Bên cạnh đó, dưới góc độ là quyền nhân thân gắn với tài sản, quyền tác giả còn có những đặc trưng khác. Cụ thể là việc mang đầy đủ bản chất pháp lý gắn liền với mỗi cá nhân nên không thể chuyển giao cho người khác trừ trường hợp được pháp luật quy định. Quyền nhân thân là tiền đề, là cơ sở để chủ thể hưởng các quyền tài sản tiếp theo. Từ sự phân biệt rõ hai loại quyền trên có thể thấy lý do mà Luật quyền tác giả một số nước quy định khá rõ về vấn đề chuyển giao và thời hạn bảo hộ quyền tác giả. Rõ ràng các quy định cụ thể trên chỉ áp dụng đối với các quyền tài sản và một số quyền nhân thân gắn liền với việc khai thác, sử dụng tác phẩm vì mục đích thương mại. Còn các quyền nhân thân khác thì phải gắn vĩnh viễn với người sáng tạo, không thể chuyển giao, thừa kế và không thể giới hạn thời gian bảo hộ. Nói cách khác, các quyền nhân thân đó phản ánh rõ nhất đặc trưng của quyền tác giả nên luôn gắn với con người và tên tuổi tác giả, để các thế hệ về sau có thể luôn trân trọng và tôn vinh giá trị đóng góp của mỗi tác giả.

PGS-TS Đinh Ngọc Vượng