Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992

28/08/2013

    Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã khởi xướng công cuộc Đổi mới đất nước. Đảng đã chủ trương nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện những sai lầm của Đảng, của Nhà nước, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy tư duy độc lập, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân lao động, trên cơ sở đó để có những nhận thức mới đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và vạch ra những chủ trương, chính sách mới nhằm xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng và văn minh. Với tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI Quốc hội khóa 8, tại kỳ họp thứ 3 ngày 22/12/1988 đã ra Nghị quyết sửa đổi lời nói đầu của Hiến pháp 1980. ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ V Quốc hội khóa 8 lại ra Nghị quyết sửa đổi 7 điều: 57, 116, 118, 122, 123, 125 để xác định thêm quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân của công dân và thành lập thêm thường trực Hội đồng nhân dân trong cơ cấu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đồng thời củng cố thêm các mặt hoạt động của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Trong kỳ họp này Quốc hội đã ra Nghị quyết thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để sửa đổi Hiến pháp một cách cơ bản, toàn diện đáp ứng yêu cầu của tình hình kinh tế, xã hội mới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp được thành lập bao gồm 28 người, do Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công làm Chủ tịch.

   Cuối năm 1991 đầu năm 1992 Bản dự thảo Hiến pháp lần ba đã được đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân và ý kiến của Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Dự thảo Hiến pháp lần 4 đã hoàn thành và được trình lên Quốc hội khóa VIII, tại kỳ họp thứ XI xem xét. Ngày 15 tháng 4 năm 1992 Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp.

    Hiến pháp 1992 gồm lời nói đầu và 147 điều chia làm 12 chương.

    Lời nói đầu của Hiến pháp 1992 về cơ bản cũng giống như lời nói đầu của các Hiến pháp trước ghi nhận những thành quả của cách mạng Việt Nam và xác định những nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Trong lời nói đầu cũng xác định những vấn đề cơ bản mà Hiến pháp sẽ quy định.

    Chương I - Chế độ chính trị, cũng bao gồm 14 điều (từ Điều 1 đến Điều 14) như Hiến pháp 1980. Tại chương này Hiến pháp cũng xác định những nguyên tắc cơ bản của tổ chức quyền lực chính trị của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đó là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức (Điều 2). Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam (Điều 4); nguyên tắc bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc (Điều 5); nguyên tắc tập trung dân chủ (Điều 6); nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 7). Khác với Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 không dùng thuật ngữ "Nhà nước chuyên chính vô sản" mà dùng thuật ngữ "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân". Việc thay đổi thuật ngữ này không làm thay đổi bản chất của Nhà nước mà chỉ để làm rõ bản chất "của dân, do dân và vì dân" của Nhà nước ta, phù hợp với chính sách đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp trong xã hội và phù hợp với xu thế của quốc tế và thời đại. Đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của nó là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Theo quy định của Hiến pháp 1992, Mặt trận có nhiệm vụ phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ viên chức nhà nước (Điều 9).

    Hiến pháp 1992 quy định một đường lối đối ngoại rộng mở. Theo quy định của Hiến pháp mới nước ta thực hiện chính sách hòa bình hữu nghị, mở rộng giao lưu hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng, tích cực ủng hộ và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chính sách đối ngoại rộng mở đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để nước ta có thể hòa nhập vào trào lưu chung của văn minh thế giới và phù hợp với xu hướng quốc tế hóa rất cao của lực lượng sản xuất thế giới. Chính sách đối ngoại đúng đắn và phù hợp với thời đại của Hiến pháp 1992 đã làm tiền đề cho những thắng lợi to lớn của nước ta trong lĩnh vực hợp tác kinh tế với nước ngoài.

    Chương II - Chế độ kinh tế, bao gồm 15 điều (từ Điều 15 đến Điều 29). Có thể nói rằng đây là chương được thay đổi một cách cơ bản nhất, thể hiện rõ nhất quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.

    Theo quy định tại Điều 15, đường lối phát triển kinh tế của Nhà nước ta là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế: Kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giao lưu với thị trường thế giới (Điều 16).

    Như vậy, với Hiến pháp 1992, chúng ta đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung với hai thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể sang nền kinh tế hàng hóa thị trường với nhiều thành phần kinh tế: Nhà nước, tập thể, cá thể, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước.

    Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam Hiến pháp quy định: Kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh (Điều 21). Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được liên doanh, liên kết với cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật (Điều 22). Như vậy, Hiến pháp đã xác định sự bình đẳng của các thành phần kinh tế trước pháp luật. Hơn nữa Nhà nước còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ vào Việt Nam. Nhà nước đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như tài sản hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác không bị quốc hữu hóa (Điều 23, 25). Về vấn đề đất đai, cũng như trước đây, Hiến pháp 1992 quy định đất đai thuộc quyền sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, Hiến pháp quy định thêm về quyền được sử dụng đất lâu dài đối với người được giao và được chuyển quyền sử dụng đó theo quy định của pháp luật (Điều 18).

Chương III - Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bao gồm 14 điều (từ Điều 30 đến Điều 43).

    Bên cạnh việc xác định đường lối bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam: Dân tộc, hiện đại, nhân văn, kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân. Hiến pháp còn xác định "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu" (Điều 35). Có thể nói rằng Hiến pháp 1992 đánh dấu một cái mốc quan trọng trong chính sách giáo dục và đào tạo của Nhà nước ta thể hiện đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người".

    Chương IV - Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bao gồm 5 điều (từ Điều 44 đến Điều 48).

    Về cơ bản chương này giống như Hiến pháp 1980 là xác định đường lối quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên, Hiến pháp 1992 còn quy định bổ sung thêm về nhiệm vụ xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, dựa vào nhân dân và làm nòng cốt cho phong trào nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 47).

    Chương V - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bao gồm 34 điều (từ Điều 49 đến Điều 82). So với Hiến pháp 1980 thì chương này trong Hiến pháp 1992 có nhiều điều hơn, nhiều quyền và nghĩa vụ được bổ sung và sửa đổi. Khắc phục thiếu sót của các Hiến pháp trước đây, Hiến pháp 1992 lần đầu tiên quy định "các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng" (Điều 50). ở nước ta, ngoài công dân Việt Nam và công dân nước ngoài đến làm việc và sinh sống ở Việt Nam còn có người không có quốc tịch. Với quy định trên đây người không có quốc tịch cũng được Nhà nước ta tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Với Hiến pháp 1992 lần đầu tiên quyền tự do kinh doanh của công dân được xác lập (Điều 57). Đây là một trong những chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa tự do trong lĩnh vực hoạt động kinh tế của công dân, xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh. Cùng với quyền tự do kinh doanh, công dân còn có quyền sở hữu "về tư liệu sản xuất, vốn và tài sản trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác" (Điều 58). Những quy định này hơn bao giờ hết tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam xây dựng một cuộc sống cho bản thân mình giàu có, thịnh vượng. Trên cơ sở đó mà đồng thời làm giàu cho gia đình và xã hội. Ngoài các quy định nói trên còn có quy định về "quyền được thông tin" là một quyền mới được xác lập trong Hiến pháp 1992. Quyền này được hiểu là quyền được nhận tin và truyền tin theo quy định của pháp luật.

    Ngoài việc thiết lập các quyền mới, Hiến pháp còn sửa đổi một số quy định về quyền của công dân không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và không thể thực hiện được trong thực tiễn.

    Chương VI - Quốc hội, bao gồm 18 điều (từ Điều 83 đến Điều 100). Cũng như Hiến pháp 1980 chương này xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Quốc hội. Về cơ bản nội dung quyền hạn giống Hiến pháp 1980, tuy nhiên có một số bổ sung về quyền hạn của Quốc hội như quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước, quyết định trưng cầu ý dân (Điều 48). Nhìn chung nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội thể hiện trên bốn lĩnh vực:

- Lập hiến và lập pháp;

- Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;

- Xây dựng củng cố và hoàn thiện bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa;

- Thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước.

    Về cơ cấu tổ chức của Quốc hội theo Hiến pháp mới có một số thay đổi nhất định: bỏ thể chế Hội đồng nhà nước vừa là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, vừa là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khôi phục lại chế định ủy ban thường vụ Quốc hội và chế định Chủ tịch nước như Hiến pháp 1959. Theo Hiến pháp 1992, Chủ tịch và các Phó chủ tịch Quốc hội đồng thời là Chủ tịch, các phó Chủ tịch ủy ban thường vụ Quốc hội. Một số thành viên của các Hội đồng, ủy ban của Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách (Điều 94, 95).

    Đề cao hơn nữa vai trò của đại biểu Quốc hội, Hiến pháp 1992 quy định rõ: "Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước" (Điều 97). So với Hiến pháp 1980 nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của mình được quy định cụ thể hơn (xem Điều 97 và Điều 100 Hiến pháp 1992).

    Chương VII - Chủ tịch nước, bao gồm 8 điều (từ Điều 101 đến Điều 108). Với Hiến pháp 1992 chế định Chủ tịch nước cá nhân được quy định lại thành một chế định riêng biệt như Hiến pháp 1959.

    So với chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1992 có nhiều điểm khác biệt. Trước hết Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946 vừa là người đứng đầu Nhà nước vừa là người đứng đầu Chính phủ nên quyền hạn rất lớn. Hiến pháp 1959 quy định Chủ tịch nước chỉ đứng đầu Nhà nước chứ không đứng đầu Chính phủ nhưng quyền hạn của Chủ tịch nước vẫn rất lớn vì Chủ tịch nước "khi xét thấy cần thiết, có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ" (Điều 66) và Chủ tịch nước khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và chủ tọa Hội đồng chính trị để xem xét những vấn đề rất lớn của nước nhà (Điều 67) Chủ tịch theo Hiến pháp 1980 không phải là cá nhân mà là Chủ tịch tập thể. Thể chế Chủ tịch tập thể như đã nói ở phần trước có nhiều nhược điểm như không nhanh nhạy, không linh hoạt và khó khăn trong việc đối ngoại. Chủ tịch nước theo Hiến pháp 1992 quyền hạn không rộng như Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Theo quy định của Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Thẩm quyền của Chủ tịch nước được quy định tại Điều 103, Hiến pháp 1992.

    Chương VIII - Chính phủ, bao gồm 19 điều (từ Điều 109 đến Điều 117)

    Cũng như "Hội đồng Chính phủ" theo Hiến pháp 1959, Chính phủ theo Hiến pháp 1992 được quy định là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu so sánh cả bốn bản Hiến pháp của nước ta chúng ta thấy quan niệm về tính chất của Chính phủ có những thay đổi nhất định. Hiến pháp 1946 quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Nghị viện. Hiến pháp 1980 xây dựng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng) theo mô hình của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa nhưng với quan điểm tập quyền "rắn" nghĩa là quyền lực nhà nước thống nhất tập trung vào Quốc hội. Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thống nhất các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và giám sát. Các cơ quan nhà nước khác do Quốc hội lập ra là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Hiến pháp 1992 kế thừa Hiến pháp 1959 xây dựng theo quan điểm tập quyền "mềm" nghĩa là quyền lực nhà nước vẫn tập trung thống nhất nhưng cần phải có sự phân chia chức năng giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp hành pháp và tư pháp. Vì vậy Hiến pháp 1992 quy định: "Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Với quy định này Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Nhà nước chứ không phải của Quốc hội, có thể hoạt động một cách độc lập tương đối trong lĩnh vực hành chính nhà nước.

    Cách thức thành lập Chính phủ theo Hiến pháp 1992 hoàn toàn khác với Hiến pháp 1980. Hiến pháp 1992 chỉ có Thủ tướng Chính phủ là do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước, còn các Phó thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ Quốc hội chỉ phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ(1). Như vậy, Hiến pháp 1992 đề cao vai trò của Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập Chính phủ, làm nổi trội vai trò của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói rằng đây là phương pháp hữu hiệu để xây dựng một chính quyền hành pháp mạnh mẽ.

    Việc tăng cường vai trò của người đứng đầu Chính phủ còn thể hiện ở việc tăng thêm nhiều quyền hạn cho Thủ tướng Chính phủ mà trước đây các Hiến pháp 1959, 1980 không quy định. Đó là các thẩm quyền được quy định tại các khoản 2, 4, 5 của Điều 114, Hiến pháp 1992.

    Chương IX - Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, bao gồm 8 điều (từ Điều 118 đến Điều 125). Theo quy định của Hiến pháp 1992 nước ta vẫn chia làm 3 cấp hành chính: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; xã, phường và thị trấn (Điều 118)(2). ở tất cả các đơn vị hành chính nói trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Tính chất của Hội đồng nhân dân vẫn như cũ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra nhưng Hiến pháp mới nhấn mạnh tính đại diện của Hội đồng nhân dân đã quy định rõ hơn: "Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên (Điều 119). Như vậy, có thể thấy rằng hai đặc tính của Hội đồng nhân dân kết hợp nhuần nhuyễn với nhau làm cho Hội đồng nhân dân thực sự trở thành một cơ quan nhà nước quan trọng đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân lao động.

    Về cơ cấu tổ chức, Hiến pháp 1992 duy trì các quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân 1989 về thành lập Thường trực Hội đồng nhân dân ở các Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh. Trong tổ chức Hội đồng nhân dân còn thành lập các ban. Theo quy định của Hiến pháp 1992, quyền hạn của Chủ tịch ủy ban nhân dân được tăng cường. Một số quyền hạn trước đây thuộc tập thể ủy ban nhân dân, nay chuyển cho Chủ tịch ủy ban nhân dân (xem Điều 124). Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân do Quốc hội khoá IX (kỳ họp thứ 5) thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994 trên tinh thần Hiến pháp 1992 đã tăng cường quyền lực cho Chủ tịch ủy ban nhân dân (xem Điều 52 của luật này).

    Đề cao hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội và đoàn thể quần chúng trong quản lý nhà nước và xã hội, Hiến pháp 1992 quy định Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu các "đoàn thể nhân dân địa phương được mời tham dự Hội nghị ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình mọi mặt của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân động viên nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương (Điều 125).

    Chương X - Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, bao gồm 15 điều (từ Điều 126 đến Điều 140).

    Theo quy định tại Điều 126 có thể nói về nhiệm vụ của Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân không có gì thay đổi so với quy định của Hiến pháp 1980.

    Về tổ chức hệ thống cơ quan tòa án được quy định tại Điều 127, Hiến pháp 1992 và được cụ thể hóa bằng Luật tổ chức Tòa án nhân dân 1992, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức tòa án nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 12 năm 1993, Pháp lệnh về tổ chức tòa án quân sự năm 1993, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 28 tháng 10 năm 1995. Theo quy định của các văn bản pháp luật trên đây ở nước ta có các tòa án sau đây: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các Tòa án quân sự; các Tòa án khác do luật định.

    Trước năm 1992 trong hệ thống Tòa án nhân dân ở nước ta chỉ có Tòa án hình sự và Tòa dân sự. Đến nay trong hệ thống tổ chức Tòa án cấp Trung ương và cấp tỉnh còn có thêm Tòa kinh tế, Tòa lao động và Tòa hành chính để chuyên xét xử các tranh chấp kinh tế, lao động và hành chính. ở cấp huyện có thẩm phán chuyên trách xét xử tranh chấp lao động và khiếu kiện hành chính.

    Sự khác nhau cơ bản giữa tổ chức Tòa án nhân dân theo Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 1980 là Hiến pháp 1992 thực hiện chế độ thẩm phán bổ nhiệm. Dựa trên tinh thần của Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 1992 đã quy định chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước còn tất cả các thẩm phán của Tòa án nhân dân các cấp kể cả Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức (Điều 38). Nhiệm kỳ bổ nhiệm của các thẩm phán là 5 năm. Còn đối với các Hội thẩm nhân dân thì kết hợp giữa chế độ cử và chế độ bầu.

    Về các nguyên tắc xét xử, Hiến pháp 1992 ghi nhận lại những nguyên tắc đã quy định trong Hiến pháp 1980. Về Viện kiểm sát nhân dân, Hiến pháp 1992 cũng xác định tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như trước đây nhưng về tổ chức và trách nhiệm cũng có những thay đổi và bổ sung nhất định. Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1992 cụ thể hóa quy định của Hiến pháp thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập ủy ban kiểm sát. ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng cử và trình ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có: Viện trưởng, các Phó viện trưởng, một số kiểm sát viên. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Viện trưởng cử và trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn. Một vấn đề quan trọng trước đây do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định nay chuyển cho Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 28, 30 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1992).

    Ngoài quy định nói trên, Hiến pháp 1992 cũng như Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 có quy định mới về việc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân về tình hình thi hành luật ở địa phương và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 140 Hiến pháp 1992).

    Các quy định trên đây về Viện kiểm sát nhân dân cho chúng ta thấy rằng Hiến pháp 1992 một mặt vẫn đề cao chế độ làm việc theo nguyên tắc thủ trưởng và trực thuộc một chiều để đề cao tính độc lập của Viện kiểm sát, mặt khác phải kết hợp nguyên tắc này với chế độ bàn bạc tập thể khi Viện kiểm sát quyết định những vấn đề quan trọng. Đồng thời, Hiến pháp mới cũng các định tính chất giám sát của Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

    Chương XI - Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh, bao gồm năm điều (từ Điều 141 đến Điều 145). Chương này về cơ bản giữ nguyên các quy định của Hiến pháp 1980, chỉ bổ sung thêm vào Hiến pháp việc quy định ngày Quốc khánh của nước ta là 2/9, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

    Chương XII - Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp là chương cuối cùng của Hiến pháp bao gồm Điều 146, Điều 147. Nội dung của chương này hoàn toàn giống quy định của Hiến pháp 1980.

PGS-TS Đinh Ngọc Vượng