Hội thảo khoa học: “Nguyên lý và phương pháp biên soạn Bách khoa thư chuyên ngành Nông nghiệp, Thủy lợi (Quyển 9)”

31/10/2017
Ngày 17.10.2017, tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, số 1 Liễu Giai, Hà Nội, Ban biên soạn Quyển 9 (Nông nghiệp - Thủy lợi) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nguyên lý và phương pháp biên soạn Bách khoa thư chuyên ngành Nông nghiệp, Thủy lợi (Quyển 9)” - một trong 37 quyển chuyên ngành trong bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam.

     Nguyên lý và phương pháp biên soạn Bách khoa thư chuyên ngành là vấn đề trọng tâm trong nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng Đề cương Quyển chuyên ngành Nông nghiệp, Thủy lợi” mà Ban Chủ nhiệm Đề án biên soạn BKTTVN giao hoàn thành trong 2017.

     Nhận thức được ý nghĩa có tính chất quyết định đối với chất lượng biên soạn sau này, vấn để được đặt ra từ đầu năm và trao đổi trong 13 cuộc tọa đàm chuyên đề, có chuyên gia của Ban Thư ký Đề án báo cáo tham luận và hơn 130 báo cáo, phát biểu góp ý. Cuộc hội thảo có mục đích tổng kết để thống nhất nguyên lý và phương pháp biên soạn sao cho phù hợp với các yêu cầu của BKTTVN và đạt chất lượng tốt nhất có thể khi biên soạn các mục từ cho 17 lĩnh vực chính phản ánh tổng thể hai ngành này.

     Hội thảo có 42 đại biểu tham dự, gồm 14 thành viên Ban Quyển 9; và 28 khách mời. 10 báo cáo chính về các chuyên đề đã trình bày tại Hội thảo; 15 báo cáo tóm tắt và phát biểu tại hội trường.

      Các báo cáo chính gồm:

     1) PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng (Phó Tổng Thư ký (chuyên trách của Ban Thư ký): “Nguyên tắc và phương pháp biên soạn Bách khoa thư chuyên ngành Nông nghiệp, Thủy lợi”.

     2) GS.TS. Nguyễn Tử Siêm: “Nguyên lý và phương pháp áp dụng cho biên soạn Bách khoa thư chuyên ngành Nông nghiệp, Thủy lợi

     3) GS.VS. Trần Đình Long: “Bảng mục từ chọn giống cây trồng

     4) GS.TS. Bùi Chí Bửu: “Đa dạng di truyền tập đoàn giống lúa Việt Nam

     5) PGS.TS. Phạm Quang Hà: “Tìm hiểu phương pháp biên soạn bách khoa toàn thư/bách khoa thư (encyclopedia) ngành nông nghiệp và ví dụ về cụm từ liên quan đến môi trường, liên ngành, xuyên ngành nông nghiệp và thủy lợi ở khối các nước Anh, Mỹ (Anglo-xaxon)”

     6) GS.TS. Lê Đình Thành: “Lịch sử phát triển Thủy lợi Việt Nam

     7) GS.TS. Trần Đình Hòa “Lịch sử tưới thế giới

     8) TS. Đào Thế Anh: “Kinh nghiệm biên soạn mục từ Hệ thống nông nghiệp

     9) PGS.TS. Bùi Công Quang: “Quản lý thông minh đối với tài nguyên nước

     10) GS.TSKH. Trần Duy Quý: “Xây dựng cơ sở dữ liệu mục từ lĩnh vực Bảo vệ thực vật trong Bách khoa toàn thư

     11) GS.TS. Vũ Văn Liết: “Nguyên tắc cấu trúc mục từ Nông nghiệp

     12) GS.TS. Vũ Mạnh Hải: “Một vài suy nghĩ về việc xác định mục từ trong lĩnh vực Trồng trọt thuộc hợp phần Nông nghiệp - Thủy lợi trong BKTT Việt Nam

     13) GS.TS. Lê Đình Thành: “Các công trình thủy lợi tiêu biểu ở Việt Nam

     Các tham luận khác gồm: 1) “Lịch sử các lý thuyết phát triển nông nghiệp nông thôn trên thế giới” - TS. Trịnh Xuân Tuấn, TS. Hoàng Xuân Trường; 2) “Tìm hiểu các cụm từ, mục từ liên ngành xuyên ngành nông nghiệp và thủy lợi ở bách khoa toàn thư/ bách khoa thư (encyclopedia) của một số nước khối Pháp ngữ” - PGS.TS. Phạm Quang Hà; 3) “Lịch sử phát triển giống lúa Việt Nam” - PGS.TS. Trần Văn Quang; 4) “Mục từ ưu tiên Trồng trọt” - TS. Bùi Quang Đãng, Nguyễn Thế Yên; 5) “Thủy lợi phòng chống thiên tai và BVMT ở Việt Nam” - GS.TS. Lê Đình Thành; 6) “Đa dạng di truyền giống sắn vùng Đông Nam Bộ” - TS. Nguyễn Thị Lang; 7) “Người có công trong ngành Thủy lợi: Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ” - PGS.TS. Bùi Công Quang; 8) “Trao đổi về nội dung một mục từ dài - lấy ví dụ “Cây cà phê và nghề trồng cà phê ở Việt Nam” - GS.TS. Nguyễn Tử Siêm, ThS. Đoàn Triệu Nhạn; 9) “Thử bàn về nhân vật – lấy ví dụ “GS. Bùi Huy Đáp - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp nhiệt đới ẩm” - GS.TS. Nguyễn Tử Siêm.

     Kinh nghiệm thu thập được và các ý kiến tham luận đã giúp cho Ban có cơ sở về phương pháp luận và phương pháp để hoàn thành Đề cương biên soạn Quyển 9. Các mục từ đề xuất khá phong phú, từ đó có thể chọn lựa đủ số lượng 1.500 mục từ và phác thảo cấu trúc quyển BKT chuyên ngành Nông nghiệp - Thủy lợi cũng như mẫu thể hiện từng loại mục từ dự kiến.

 

GS.TS. Nguyễn Tử Siêm