Hội thảo “Kinh nghiệm biên soạn Bách khoa thư văn học trên thế giới và xây dựng bảng mục từ của Bách khoa toàn thư Văn học (Quyển 18)”

19/10/2017
Ngày 11.8.2017, tại Hội trường Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam, Ban Biên soạn chuyên ngành Văn học (Quyển 18) đã tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm biên soạn Bách khoa thư văn học trên thế giới và tiêu chí lựa chọn các loại mục từ của Bách khoa toàn thư Văn học (Quyển 18) nhằm triển khai nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu Xây dựng đề cương Bách khoa toàn thư Văn học” thuộc Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (BKTTVN).

        Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học là thành viên Ban biên soạn Quyển 18; đại diện Ban Thư ký Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; các nhà nghiên cứu, các chuyên gia của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học, Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Huế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật

PGS.TS. Phan Trọng Thưởng – Trưởng quyển 18 (Văn học) chủ trì Hội thảo

 

        Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lại Văn Hùng, Tổng Thư ký Ban Thư ký Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giới thiệu khái quát về Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, về triển khai các hoạt động thực hiện Đề án.

        Tiếp theo, PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, Trưởng Ban biên soạn Quyển 18 báo cáo Đề dẫn, đánh giá tính cấp thiết của việc biên soạn Bách khoa toàn thư Văn học, kinh nghiệm biên soạn các sách tra cứu văn học ở Việt Nam; những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện Nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương Quyển chuyên ngành Văn học". PGS.TS. Phan Trọng Thưởng khẳng định, biên soạn Bách khoa toàn thư Văn học là nhiệm vụ mới và rất phức tạp, “nhiệm vụ khoa học lần này không phải là làm lại, làm mới các bộ từ điển trước đây, mà chúng ta tiến hành một công việc khác, với một yêu cầu khác, mục tiêu khác, một loại hình tri thức và phương pháp biên soạn khác...”

        Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, sôi nổi, đối thoại thẳng thắn, với các tham luận, ý kiến phát biểu thảo luận của GS.TS. Trần Đình Sử, GS. Nguyễn Khắc Phi, GS. Phong Lê, PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng, GS.TS. Trần Nho Thìn, GS.TS. Huỳnh Như Phương, GS.TS. Trần Ngọc Vương, GS.TS. Nguyễn Đức Ninh, GS.TS. Lã Nhâm Thìn, PGS.TS. Đào Tuấn Ảnh, PGS.TS. Trần Lê Bảo, PGS.TS. Đoàn Lê Giang, PGS.TS. Phan Thu Hiền, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, PGS.TS. Nguyễn Văn Dân, PGS.TS. Nguyễn Thành, PGS.TS. Phạm Thành Hưng, PGS.TS. La Khắc Hòa, PGS.TS. Đào Duy Hiệp, PGS.TS. Trần Thị An, PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn, PGS.TS. Hồ Thế Hà, PGS.TS. Trần Thị Phương Phương, PGS.TS. Vũ Thanh, PGS.TS. Trần Mạnh Tiến, TS. Bùi Thị Thiên Thai…  

Các báo cáo, ý kiến tham gia trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, tập trung vào ba chủ đề chính: 1) Xác định, phân  biệt khái niệm Từ điển và Bách khoa toàn thư; giới thiệu, thông tin về kinh nghiệm, thành tựu biên soạn Bách khoa toàn thư nói chung và Bách khoa thư văn học nói riêng trên thế giới; phân tích những thành công và giới hạn của các sách công cụ - tra cứu văn học trong nước; 2) Đề xuất, thảo luận về cấu trúc vĩ mô (bảng mục từ), hệ thống tiêu chí lựa chọn mục từ làm cơ sở cho việc xây dựng bảng mục từ, khung tri thức để biên soạn Quyển 18; 3) Giới thiệu một số mục từ về văn học trong một số bộ Bách khoa toàn thư tiêu biểu trên thế giới, đồng thời trao đổi về phương hướng biên soạn một số mục từ của Bách khoa toàn thư Văn học.

        Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Phan Trọng Thưởng nhấn mạnh, Hội thảo lần này đã nhìn nhận, đánh giá nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của việc biên soạn Bách khoa toàn thư Văn học. Đây là bước khởi đầu cho công việc biên soạn Bách khoa thư văn học; sau giai đoạn xây dựng Đề cương, thực hiện biên soạn Bách khoa toàn thư Văn học sẽ là cộng đồng trách nhiệm của cả giới, trong đó giữ vai trò quan trọng là đội ngũ chuyên gia cả nước.

Thiện Khanh