ĐỐI CHIẾU BIỂU HIỆN NGÔN NGỮ TRONG CÁC KIỂU ĐỊNH DANH TÊN CÁC LOÀI HOA TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT

07/12/2023
Tóm tắt: Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt, trong đó các đơn vị từ vựng không ngừng được bổ sung vào ngôn ngữ của cộng đồng. Những đơn vị định danh là kết quả của việc tạo ra từ mới và nhằm truyền tải ý nghĩa nhất định. Quá trình định danh là quá trình gắn cho ký hiệu ngôn ngữ một khái niệm - biểu niệm phản ánh các đặc trưng nhất định của một biểu vật. Bài viết nhằm hướng tới xác định các biểu hiện ngôn ngữ trong các kiểu định danh của từ ngữ chỉ tên hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó phát hiện ra những tương đồng và khác biệt về sự lựa chọn từ ngữ để định danh hoa mang tính đặc trưng riêng của người Anh và người Việt

Tóm tắt: Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt, trong đó các đơn vị từ vựng không ngừng được bổ sung vào ngôn ngữ của cộng đồng. Những đơn vị định danh là kết quả của việc tạo ra từ mới và nhằm truyền tải ý nghĩa nhất định. Quá trình định danh là quá trình gắn cho ký hiệu ngôn ngữ một khái niệm - biểu niệm phản ánh các đặc trưng nhất định của một biểu vật. Bài viết nhằm hướng tới xác định các biểu hiện ngôn ngữ trong các kiểu định danh của từ ngữ chỉ tên hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó phát hiện ra những tương đồng và khác biệt về sự lựa chọn từ ngữ để định danh hoa mang tính đặc trưng riêng của người Anh và người Việt.

Từ khóa: Đối chiếu, biểu hiện ngôn ngữ, định danh tên các loài hoa, tiếng Anh, tiếng Việt.

Abstract: Language is a special social phenomenon, in which the lexical units are continuously added into the living language. The naming units are the result of forming new words to convey certain meanings. The naming process is to give the linguistic symbol a concept - expression reflecting certain charateristics of a symbol. This paper aims to identify the linguistic expressions in the nomenclature of flowers in English and Vietnamese, thereby finding out the similarities and differences in selecting the words and phrases in naming flowers based on unique features of the two cultures.

Keywords: Comparison, linguistic expressions, nomenclature of flowers, English, Vietnamese.

1. Đặt vấn đề

Có thể hiểu định danh chính là đặt tên gọi (naming) cho sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Trong mỗi ngôn ngữ, các đơn vị định danh không ngừng được bổ sung vào trong vốn từ vựng của nó. Điều này phản ánh đúng đắn và khách quan quá trình nhận thức của con người trong việc phát hiện và hiểu biết thực tại khách quan, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu đặt tên cho sự vật hiện tượng mới trong cộng đồng ngôn ngữ.

Có nhiều nghiên cứu khác nhau về định danh ngôn ngữ. Trong nghiên cứu về đoán định nghĩa của các đơn vị định danh mới, Štekauer [10] đã nhận định rằng các đơn vị định danh không xuất hiện trong sự cô lập với các yếu tố như kiến thức con người, khả năng nhận thức, kinh nghiệm, khám phá về những vấn đề mới, quy trình, phẩm chất, trí tưởng tượng của con người,… Một vật được định danh không chỉ ở góc độ riêng mình nó mà còn được giải thích trong mối quan hệ với các vật sẵn có. Vì vậy, các mối quan hệ cấu trúc trong từ vựng bị chi phối bởi một mạng lưới các mối quan hệ khách quan mà cần phải được xem xét trong quá trình định danh.

Bài viết này nghiên cứu khái quát các phương thức định danh từ ngữ chỉ tên hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt, sau đó đi sâu phân tích đối chiếu những biểu hiện ngôn ngữ trong từng kiểu định danh tên các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt nhằm làm rõ một số điểm tương đồng và khác biệt trong cách lựa chọn các từ ngữ để định danh các loài hoa, từ đó thấy được quan niệm và tư duy của hai dân tộc hay hai nền văn hóa về cách định danh tên các loài hoa.

2. Phương pháp nghiên cứu

Đối tượng khảo sát trong nghiên cứu là 164 từ ngữ chỉ tên hoa trong tiếng Anh, chủ yếu là các tên gọi có cấu tạo là từ ghép và từ phái sinh và 231 tên gọi các loài hoa trong tiếng Việt, có cấu tạo là từ ghép và ngữ. Cách thức tiến hành khảo sát và phương pháp, thủ pháp nghiên cứu được chúng tôi sử dụng bao gồm:

- Khảo sát thống kê các từ ngữ chỉ tên các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt từ các nguồn ngữ liệu như cuốn Oxford Advanced Learner’s Dictionary [9] và Từ điển tiếng Việt [5]; các cuốn từ điển sinh học, từ điển trực tuyến, sách, báo và các trang mạng về hoa và nghệ thuật cây cảnh.

- Để xử lý tư liệu nghiên cứu, bài viết sử dụng thủ pháp miêu tả, thống kê và phân tích tổng hợp nhằm thống kê, phân loại các từ ngữ chỉ hoa trong hai ngôn ngữ để làm ngữ liệu cho việc đối chiếu bài viết. Việc phân loại này dựa trên từ điển từ nguyên trực tuyến https://www.etymonline.com và dựa vào những tiêu chí hay đặc trưng đã được xác định trong nghiên cứu cách định danh thực vật giữa các ngôn ngữ Nga, Anh và Kazakstan của Ujukbaeva [11]. Các tiêu chí đó bao gồm: 1. Hình thức (a. Các sự vật khác, b. Động vật, c. Bộ phận cơ thể động vật, d. Bộ phận cơ thể người); 2. Màu sắc; 3. Kích cỡ; 4. Số lượng bộ phận; 5. Ứng dụng trong đời sống; 6. Ứng dụng trong y học; 7. Nơi sinh trưởng; 8. Mùi; 9. Vị và 10. Thuộc tính khác. Trong tiếng Việt, hiện nay chưa có từ điển từ nguyên nên việc xác định đặc trưng định danh tên các loài hoa chủ yếu dựa vào các tiêu chí trong kết quả nghiên cứu của Ujukbaeva và đặc tính vốn có của sự vật hiện tượng.

- Phương pháp đối chiếu được sử dụng để tìm ra sự giống nhau và khác nhau mang tính đặc trưng ngôn ngữ, văn hóa và tư duy ở người Anh và người Việt thông qua việc lựa chọn từ ngữ để định danh tên hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt.

3. Kết quả nghiên cứu

Theo quan điểm của Đỗ Hữu Châu [1], chức năng định danh chỉ là một dạng thức của chức năng biểu vật. Bản thân từ đã có chức năng định danh thì sẽ có chức năng biểu vật, song không phải bất cứ sự biểu vật nào cũng theo lối định danh. Biểu vật theo cách định danh là cách biểu vật tổng hợp. Đó là cách gán một hình thức âm thanh (thường ở dạng ngắn gọn) cho sự vật, hiện tượng. Ở các tên gọi đó, sự vật và hiện tượng hiện ra trực tiếp trong tổng thể của nó chứ không thông qua các đặc điểm.

Tìm hiểu đặc điểm định danh các từ ngữ chỉ hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt là tiến hành nghiên cứu, mô tả những quy luật về cách cấu tạo những đơn vị ngữ nghĩa, về sự tác động qua lại giữa tư duy - ngôn ngữ - hiện thực khách quan trong quá trình định danh. Tìm hiểu vai trò của nhân tố con người trong việc lựa chọn các dấu hiệu làm cơ sở cho sự định danh xuất phát từ mối quan hệ giữa hiện thực - khái niệm và tên gọi. Ngoài ra, còn phải nghiên cứu và miêu tả cấu trúc của đơn vị định danh, từ đó xác định những tiêu chí hoặc những đặc trưng cần và đủ để phân biệt đơn vị định danh này với đơn vị định danh khác. Phần kết quả nghiên cứu của bài viết sẽ xem xét, phân tích nhóm từ ngữ chỉ tên gọi các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt trên những phương diện cấu trúc, ngữ nghĩa và văn hóa.

3.1. Đối chiếu các kiểu định danh tên gọi các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt

Sau khi phân tích và thống kê số liệu rút ra được mô hình khái quát về kiểu định danh tên gọi các loài hoa như sau:

Do sự khác biệt về loại hình ngôn ngữ nên vị trí của các yếu tố trong mô hình định danh khác nhau. Tuy nhiên, trong cả hai ngôn ngữ, yếu tố đặc trưng hay các đặc điểm được lựa chọn định danh lại có điểm tương đồng rõ nét đó là đều chủ yếu dựa vào màu sắc, hình dạng, nguồn gốc, mùi vị, cấu tạo và các đặc tính khác của hoa (xem Bảng 1).

Kết quả so sánh các kiểu định danh tên gọi các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt được thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 2 cho thấy số lượng các kiểu định danh các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt khá tương đồng và gần nhau. Trong tiếng Anh có 12 kiểu định danh tên các loài hoa và trong tiếng Việt có 13. Số lượng các kiểu định danh các loài hoa có tính chất phổ quát trong hai ngôn ngữ là giống nhau gồm có: định danh dựa vào hình dạng, màu sắc, môi trường sống, nguồn gốc, hương vị, cấu tạo và thời gian. Điều này phản ánh đặc điểm tư duy ngôn ngữ trong cách tri nhận định danh các loài hoa của người Anh và người Việt khá gần nhau. Khi tri giác để định danh các loài hoa, cả hai cộng đồng người Anh và Việt đều chú ý đầu tiên đến hai đặc trưng màu sắchình thức của hoa nên hai đặc trưng này đứng thứ hạng đầu tiên và thứ hạng thứ hai.

Tuy nhiên, cách định danh các loài hoa trong hai ngôn ngữ cũng có những điểm khác biệt. Người Anh chọn đặc trưng tên người để định danh cho chính loài hoa như tên họa sĩ đầu tiên vẽ loài hoa đó, tên tác giả viết giới thiệu về loài hoa, tên người anh hùng, tên nhà thực vật học hay nhà tự nhiên học mà hoàn toàn không thấy xuất hiện trong tiếng Việt. Sự khác biệt này là do hoa mang tên người thường là do các nhà sinh học, thực vật học tạo ra trong quá trình nghiên cứu, lai tạo, điều này phản ánh trình độ khoa học và kỹ thuật phát triển cao của nước Anh. Còn ở Việt Nam, vốn là nước nông nghiệp, thiên nhiên ưu đãi nên có nhiều loài hoa có tên gọi gắn bó với điều kiện sống của cư dân nông nghiệp (ví dụ: hoa cứt lợn, hoa mào gà, hoa mõm chó, hoa mép dê, hoa loa kèn, hoa vòi voi,…).

Ngược lại, trong tiếng Việt có hai kiểu định danh dựa vào kích cỡ và vai trò trong y học của hoa thì lại không thấy xuất hiện trong tiếng Anh. Điều này là do Việt Nam là nước nông nghiệp, sự tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là y học chưa phát triển nên người dân có xu hướng chữa bệnh bằng các loài hoa và cây cỏ trong dân gian. Vì vậy, đặc trưng vai trò trong y học của các loài hoa được người Việt lựa chọn để định danh hoa.

Về mặt số lượng tên các loài hoa trong các đặc trưng được lựa chọn để định danh trong tiếng Anh và tiếng Việt cũng có sự khác nhau. Ví dụ: đặc trưng cấu tạo (tiếng Anh có 13 trong khi tiếng Việt có 36 đơn vị định danh); hình dạng của sự vật (tiếng Anh có 26 và tiếng Việt có 34 đơn vị định danh) hay về hình dạng bộ phận cơ thể động vật (tiếng Anh có 5 trong khi tiếng Việt có đến 17 đơn vị định danh).

Như vậy, ngoài những tương đồng thì cũng có những khác biệt về đặc điểm định danh các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt. Điều này cho thấy việc lựa chọn lý do đặt tên gọi loài hoa ở mỗi dân tộc có thể giải thích bằng đặc điểm lịch sử, tâm lý của dân tộc, phụ thuộc vào môi trường và điều kiện sinh sống của dân tộc đó, nghĩa là phụ thuộc vào các nhân tố ngoài ngôn ngữ.

3.2. Đối chiếu các biểu hiện ngôn ngữ trong các kiểu định danh tên gọi các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt

Trong phần này bài viết sẽ đi sâu phân tích và đối chiếu các biểu hiện bằng từ ngữ trong các kiểu định danh các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt nhằm thấy rõ được những nét đặc trưng mang tính tương đồng cũng như khác biệt của hai nền văn hóa trong cách lựa chọn các từ ngữ để định danh hoa và tần suất sử dụng hay xuất hiện của các yếu tố đó trong tên gọi các loài hoa. Bài viết sẽ chia thành các bảng nhỏ để thuận tiện cho việc đối chiếu.

Trong việc lựa chọn đặc trưng màu sắc trong định danh hoa, cả người Anh và người Việt đều chọn những sắc màu tiêu biểu, chủ đạo như vàng, trắngđỏ, vì vậy, các màu sắc này xuất hiện với tần suất cao trong các tên gọi hoa. Trong hai ngôn ngữ, màu đỏ được thể hiện qua nhiều từ đồng nghĩa khác nhau. Ví dụ: trong tiếng Anh có red (màu đỏ) = fire (lửa) = blood (huyết/máu) = scarlet (màu đỏ tươi) = cardinal (màu đỏ thắm) và trong tiếng Việt có đỏ = lửa/hỏa = huyết = nhung = son môi.

Tuy nhiên, về mặt số lượng các màu sắc dùng để định danh các loài hoa thì trong tiếng Việt nhiều và đa dạng hơn do tiếng Việt vay mượn nhiều từ đồng nghĩa từ tiếng Hán (ví dụ: trắng/bạch; đen/huyền; nhiều màu/ngũ sắc,…). Blue (xanh nước biển) và green (xanh lá cây) được sử dụng nhiều để định danh hoa trong tiếng Anh nhưng xuất hiện rất ít trong tiếng Việt do đó là loài hoa nhập khẩu từ nước ngoài, ngược lại màu nâu, nhung xanh, cam có trong tiếng Việt nhưng không có trong tiếng Anh. Ngoài ra, màu hồng (pink) và màu tím (purple) được sử dụng để định danh hoa xuất hiện với tần suất cao hơn trong tiếng Việt và trong tiếng Việt còn có thêm khái niệm chỉ màu sắc hồng phấntím hoa cà.

Về biểu hiện ngôn ngữ trong kiểu định danh “hình dạng của sự vật + tên hoa”, các sự vật được sử dụng để định danh các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt có sự tương đồng nhiều như: hình dạng star (ngôi sao), button (nút áo), slipper (hài), bell (chuông), trumpet (kèn) sun (mặt trời). Trong đó, hình dạng ngôi sao, hàichuông có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong cả hai ngôn ngữ. Ngoài ra, các sự vật khác được sử dụng để định danh các loài hoa trong hai ngôn ngữ cũng khá đa dạng, các biểu hiện ngôn ngữ thể hiện hình dạng trong tiếng Việt chiếm ưu thế hơn tiếng Anh. Trong tiếng Anh, có 10 hình dạng như whorl (vòng), balloon (bóng), moon (mặt trăng), umbrella (cái ô), broom (cái chổi), cup (cốc), blanket (chăn), snowdrop (giọt tuyết), ice (băng) được chọn để định danh các loài hoa, còn người Việt có đến 16 hình dạng thường được sử dụng để gọi tên hoa như lục bình, mâm xôi, đồng tiền, kiếm, rẻ quạt, lồng đèn, xác pháo, đăng, cầu, tòa sen, bông tai, giọt nước, buồm, ngọc, pháo bông,

Do sự khác biệt về môi trường sống, đặc điểm khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng giữa hai nước nên có những loài hoa chỉ có ở vùng này mà lại không có ở vùng kia. Nước Anh có khí hậu lạnh giá có băng tuyết nên hình dạng giọt tuyết và băng được sử dụng để định danh hoa mọc trên tuyết, hoa xứ lạnh như: snowdrop (hoa giọt tuyết), ice plant (hoa băng) nhưng không có ở Việt Nam vì là vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Còn trong tiếng Việt, các dấu hiệu/đặc trưng được đưa vào định danh loài hoa là những sự vật quen thuộc, giản dị gắn liền với văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, đó là chiếc lục bình, tòa sen, xác pháo, lồng đèn (đăng), quạt nan,...

Về kiểu định danh “hình dạng bộ phận cơ thể con vật + tên hoa”, các bộ phận của con vật có tần suất xuất hiện ngang nhau trong cả tiếng Anh và tiếng Việt. Người Anh và người Việt đều chọn bộ phận của các loài vật như rồng, mèo để định danh các loài hoa nhưng lại sử dụng các bộ phận khác nhau, người Anh sử dụng các bộ phận mõm rồng, đầu rồng, chân mèo, râu dê thì người Việt chọn móng rồng, xương rồng, râu mèo mép dê.

Khi chọn bộ phận mồm/mõm của con vật để định danh cho cùng một loài hoa, người Anh chọn mõm rồng/mõm thỏ/mõm sư tử (snapdragon/snaplion) để định danh trong khi đó người Việt lại chọn mõm chó/mõm sói (hoa mõm chó/hoa mõm sói). Sự khác biệt này là do rồng là con vật linh thiêng, không có thật, là con vật xuất hiện nhiều trong văn học, phim ảnh, tín ngưỡng của người Anh. Còn với văn hóa Việt, con chó là con vật được gia chủ nuôi để canh nhà, là người bạn gần gũi, gắn bó từ xa xưa. Vì vậy, mỗi dân tộc sẽ có sự lựa chọn cùng một bộ phận nhưng của các con vật khác nhau trong định danh hoa.

Ngoài ra, từ bảng thống kê có thể thấy, các bộ phận cơ thể của các con vật khác cũng được sử dụng để định danh tên các loài hoa trong hai ngôn ngữ Anh - Việt nhưng trong tiếng Anh chỉ có một bộ phận của con sếu - mỏ sếu (crane’s bill) được chọn, còn trong tiếng Việt chiếm số lượng nhiều và phong phú hơn (11 bộ phận) bao gồm cánh mối, đuôi chồn, phượng vĩ, đuôi cáo, tai trâu, móng rùa, càng cua, mào gà, mõm chó, mõm sói vòi voi.

Về kiểu định danh “bộ phận cơ thể người + tên hoa”, bộ phận “mắt” được cả người Anh và người Việt sử dụng để định danh hoa nhưng trong tiếng Anh được sử dụng với tần suất nhiều hơn. Bên cạnh đó, còn có các bộ phận khác được chọn để gọi tên hoa nhưng chiếm tần suất ít hơn. Ví dụ, trong tiếng Anh có thêm các bộ phận trái tim (heart), tai (ear) beard (râu quai nón), trong tiếng Việt thì các bộ phận cơ thể người được chọn định danh hoa lại khác hoàn toàn so với tiếng Anh đó là môi, móng tay, lông mi.

Về kiểu định danh “hình dạng con vật + tên hoa”, hình dạng của con bướmbọ cạp được sử dụng để định danh hoa trong cả hai ngôn ngữ. Hạcén chỉ xuất hiện trong định danh hoa trong tiếng Việt mà không có trong tiếng Anh bởi hai loài vật này thường thích hợp với môi trường có khí hậu ấm nhiệt đới và chim hạc gắn với những biểu tượng nhất định trong văn hóa Việt.

Bảng so sánh trên cho thấy sự khác biệt lớn về biểu hiện ngôn ngữ trong kiểu định danh “nguồn gốc + tên hoa” trong tiếng Anh và tiếng Việt. Nếu trong tiếng Anh nguồn gốc của các loài hoa xuất xứ từ các nước, các vùng miền khác nhau trên thế giới, rất cụ thể và rõ ràng như Indian (Ấn Độ), Dutch (Hà Lan), Spanish (Tây Ban Nha),... thì trong tiếng Việt, hầu hết các địa danh về nguồn gốc nước ngoài của hoa được thể hiện ở từ “tây” (nghĩa là các loài hoa được nhập khẩu, bắt nguồn từ nước ngoài) như hoa huệ tây, cúc tây, lài tây,… và các loài hoa có nguồn gốc trong nước được thể hiện ở từ “ta” hay “Việt” như hoa huệ ta, hoa lài ta, hoa lan hài Việt,… Điều này cho thấy sự khác biệt về văn hóa trong cách định danh hoa giữa hai cộng đồng người. Người Anh chú trọng đến sự chính xác, cụ thể trong cách định danh còn người Việt chú ý đến những yếu tố mang tính khái quát, chung chung.

Kiểu định danh “hương vị + tên hoa” và “thời gian + tên hoa” có sự tương đồng rõ rệt ở các dấu hiệu/đặc trưng được lựa chọn để định danh hoa giữa hai cộng đồng người Anh và Việt. Về hương vị, trong hai ngôn ngữ từ “scented” (hương) có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong định danh hoa. Ngoài ra, trong tiếng Anh còn có thêm các từ chỉ hương vị của hoa như sweet (thơm), mint (bạc hà), musk (xạ hương), honey (mật ong) và trong tiếng Việt có thêm hai từ khác như “thơm”“hôi”. Về thời gian, các biểu hiện từ ngữ trong hai ngôn ngữ thể hiện sự tương đồng khá rõ nét, cả tiếng Anh và tiếng Việt đều có biểu hiện từ ngữ về thời điểm cụ thể hoa nở như four o’clock (hoa 4 giờ), hoa nở theo buổi trong ngày evening (hoa nở tối), day (hoa nở ngày), noon (hoa nở trưa), hoa nở theo mùa spring (hoa nở mùa xuân), winter (hoa nở đông) và thời gian sinh trưởng của hoa everlasting (hoa bất tử), và trong tiếng Việt cũng có các từ ngữ tương ứng như mười giờ (hoa nở lúc 10 giờ), dạ hương (nở buổi tối), xuân (hoa nở mùa xuân), bất tử = bất tuyệt = trường sinh (hoa nở dài ngày), bách nhật (hoa nở 100 ngày), phù dung (hoa nở thời gian ngắn, chóng tàn),…

Về kiểu định danh “đặc điểm cấu tạo + tên hoa”, các biểu hiện ngôn ngữ về cấu tạo của hoa trong tiếng Việt có số lượng phong phú hơn tiếng Anh. Tuy nhiên, cả người Anh và người Việt khi định danh hoa đều chú ý đến đặc điểm cấu tạo của cánh hoa như striped carnation (cánh hoa có sọc kẻ), tiger lily (cánh hoa có đốm giống đốm con vật), hoa lan cẩm báo (hoa có đốm giống trên da con báo), hoa cúc mốc (hoa có lá màu như vệt mốc) hay số lượng bông hoa và cánh hoa như twin flower (hoa có 2 bông trên 1 cành), three-flowered (hoa có cụm 3 bông), hoa lài trâu cánh kép, hoa bông bụp kép,

Ngoài ra, người Anh chú ý nhiều đến đặc điểm cấu tạo thể hiện chức năng của hoa để định danh hơn người Việt. Ví dụ, trong tiếng Anh có tên loài hoa catchfly (hoa bắt ruồi). Trong khi đó, người Việt chú ý đến đặc điểm cấu tạo của hoa này giống với loài hoa khác mà trong tiếng Anh không có, ví dụ hoa mai cúc (hoa mai nhưng trông giống hoa cúc), hoa lan huệ (hoa lan nhưng trông giống hoa huệ),…

Về kiểu định danh “môi trường sống của hoa + tên hoa”, người Anh lựa chọn các dấu hiệu định danh về địa điểm, môi trường hoa sinh trưởng rất cụ thể và chi tiết, có môi trường trên cạn là rock (vùng núi đá), valley (thung lũng), mountain (vùng núi), meadow (vùng đồng cỏ) và môi trường sinh trưởng của hoa dưới nước là water (nước), sea (biển), river (sông), marsh (đầm lầy), swamp (đầm lầy). Còn người Việt lựa chọn các dấu hiệu chung chung mang tính khái quát như môi trường trên cạn là địa (đất), cạn hay rừng, hoàn toàn không thể hiện rõ địa điểm cụ thể và có thêm các biểu hiện chỉ môi trường sống khác như bán địa, phong đồng nội.

Về kiểu định danh “các đặc tính khác + hoa”, trong cả hai ngôn ngữ đều xuất hiện biểu hiện ngôn ngữ chỉ đặc tính không được thuần dưỡng của hoa wild (dại) như cúc dại, hồng dại,… nghĩa là loài hoa mọc tự nhiên, không được con người chăm sóc. Trong tiếng Anh còn có biểu hiện từ ngữ “forget - me - not” để gọi tên loài hoa gắn với một câu chuyện tình lãng mạn và tiếng Việt có từ ngữ “lai” nghĩa là loài hoa được lai tạo từ hai hoặc các giống hoa có nguồn gốc khác nhau.

4. Kết luận

Bài viết đã đối chiếu những biểu hiện ngôn ngữ trong các kiểu định danh tên gọi các loài hoa trong tiếng Anh và tiếng Việt. Áp dụng lý thuyết và kết quả nghiên cứu về định danh của các nghiên cứu trước, bài viết đã xác định được các dấu hiệu đặc trưng người Anh và người Việt đã chọn để định danh (gọi tên) các loài hoa và các biểu hiện bằng từ ngữ trong các kiểu định danh tiếng Anh và tiếng Việt, có thể thấy các biểu hiện bằng từ ngữ trong tên gọi các loài hoa ở hai ngôn ngữ khá đa dạng và phong phú. Bên cạnh những điểm giống nhau trong cách tư duy lựa chọn từ ngữ để định danh tên gọi hoa, còn có những khác biệt rất điển hình do yếu tố văn hóa của hai dân tộc chi phối.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán, Đại cương ngôn ngữ học, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.

[2] Hoàng Văn Hành, Về cơ chế cấu tạo các đơn vị định danh bậc hai trong các ngôn ngữ đơn lập, Những vấn đề ngôn ngữ các dân tộc ở Việt nam và khu vực Đông Nam Á, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 109-126, 1988.

[3] Nguyễn Thúy Khanh, Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật (trên tư liệu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Nga), Luận án Phó Tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học, 1996.

[4] Nguyễn Thúy Khanh, Đặc điểm định danh của trường tên gọi động vật tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, 1994.

[5] Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2010.

[6] Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Tái bản có chỉnh lý và bổ sung, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2010.

[7] Alfred, P., Dictionary of flowers and plants for gardening, Teresa Thomas Bohannon, 2008.

[8] Kirkby, M., A Victorian Flower Dictionary: The Language of Flowers Companion, Ballantine Books, New York, 2011.

[9] Oxford Advanced Learner’s Dictionary, New 9th Edition, Oxford University Press, Oxford, 2015.

[10] Štekauer, Pavol, Meaning predictability in word formation: novel, context-free naming units, John Benjamins Publishing Company, Amsterdam/Philadelphia, 2005.

[11] Ujukbaeva, G. I., Các tên gọi dân gian của thực vật (trên tư liệu đối chiếu tiếng Nga, Anh và Kazakstan), Tóm tắt luận án Phó Tiến sĩ, 1983.

 

NGUYỄN THỊ THỦY CHUNG* - NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN