ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC TIẾNG VIỆT CHO TRẺ ĐIẾC BẰNG NGÔN NGỮ KÝ HIỆU ĐẠT HIỆU QUẢ

07/12/2023
Tóm tắt: Trẻ bị khuyết tật ngôn ngữ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng có thể nói, trong số những khuyết tật dẫn đến khuyết tật ngôn ngữ, trẻ bị khuyết tật thính giác chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương hơn cả. Tổn thương ở cơ quan thính giác khiến việc tiếp nhận ngôn ngữ âm thanh của các em bị hạn chế, tuy nhiên, các em lại có khả năng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp hiệu quả. Vì vậy, hiện nay trong các trung tâm, trường học dạy trẻ điếc xuất hiện hình thức sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để dạy học văn hóa. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu về trẻ điếc, về ngôn ngữ ký hiệu, đặc biệt là hoạt động dạy học cho trẻ thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Từ đó, đưa ra một số ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học môn tiếng Việt cho trẻ điếc trong giai đoạn bắt đầu bước vào tiểu học. Từ khóa: Ngôn ngữ ký hiệu, trẻ điếc, dạy học môn tiếng Việt.

Tóm tắt: Trẻ bị khuyết tật ngôn ngữ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng có thể nói, trong số những khuyết tật dẫn đến khuyết tật ngôn ngữ, trẻ bị khuyết tật thính giác chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương hơn cả. Tổn thương ở cơ quan thính giác khiến việc tiếp nhận ngôn ngữ âm thanh của các em bị hạn chế, tuy nhiên, các em lại có khả năng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp hiệu quả. Vì vậy, hiện nay trong các trung tâm, trường học dạy trẻ điếc xuất hiện hình thức sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để dạy học văn hóa. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu về trẻ điếc, về ngôn ngữ ký hiệu, đặc biệt là hoạt động dạy học cho trẻ thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Từ đó, đưa ra một số ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học môn tiếng Việt cho trẻ điếc trong giai đoạn bắt đầu bước vào tiểu học.

Từ khóa: Ngôn ngữ ký hiệu, trẻ điếc, dạy học môn tiếng Việt.

Abstract: Language disabilities in children can be caused by a variety of factors. But it can be said that, among the disabilities that lead to language disabilities, the children with hearing disability are most disadvantaged and vulnerable. Hearing difficulties limit their capacity to understand the spoken language but they have the ability to use the sign language to communicate effectively. As a result, the centers, schools currently appear a form of using the sign language to teach the deaf students. The article studies the deaf children and sign language, especially the teaching activities for them through the sign language. Some proposals are given to improve the effectiveness of teaching Vietnamese for deaf students when they start entering primary schools.

Keywords: Sign language, deaf children, teaching Vietnamese.

 

 

1. Đặt vấn đề

Trẻ em luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ gia đình và xã hội. Trẻ điếc không là ngoại lệ. Mới đây, sau thành công của Dự án IDEO “Giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường”, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục làm chủ Dự án QIPEDC “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu”. Điều đó càng khẳng định sự quan tâm sát sao của Chính phủ đối với các trẻ bị khiếm thính. Tuy nhiên, theo sự tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động dạy học cho trẻ điếc trong trường tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu, đặc biệt là ở môn học tiếng Việt kết quả vẫn chưa cao. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu về trẻ điếc, về ngôn ngữ ký hiệu, đặc biệt là hoạt động dạy học cho trẻ thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Từ đó, đưa ra một số ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học môn tiếng Việt cho trẻ điếc trong giai đoạn bắt đầu bước vào tiểu học.

2. Tìm hiểu trẻ điếc lớp 1

2.1. Vài nét về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ điếc giai đoạn 5-6 tuổi

       Theo các nhà khoa học nghiên cứu về thần kinh, giai đoạn từ 5 đến 6 tuổi, trọng lượng của não tăng nhanh, cũng là giai đoạn mà vốn từ vựng và hoạt động giao tiếp của trẻ phát triển nhanh chóng [7, tr. 10]. Đây cũng là khoảng thời gian mà hoạt động của bộ máy thần kinh ở trẻ có những bước phát triển nhảy vọt. Sự phối hợp các phản xạ của các giác quan, khiến trẻ có những phản ứng nhanh nhạy. Vỏ não của trẻ đến giai đoạn này đã  tương đối hoàn thiện, trẻ có khả năng lưu giữ được những hành động, hình ảnh phức tạp. Trẻ điếc không bị một khuyết tật nào khác ngoài việc gặp khó khăn khi tiếp nhận ngôn ngữ âm thanh. Vì vậy, nếu được quan tâm, phát hiện sớm và hỗ trợ phù hợp thì sự phát triển của não và hoạt động thần kinh của các em sẽ giống như của các trẻ thường.

2.2. Vài nét về ngôn ngữ ký hiệu của trẻ điếc lớp 1

Theo kết quả nghiên cứu về đặc điểm tâm sinh lý ở trên, lứa tuổi mầm non, đặc biệt giai đoạn từ 5-6 tuổi là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất về ngôn ngữ. Khi trẻ hiểu lời nói của người lớn, trẻ sẽ dễ dàng giao tiếp và tích cực giao tiếp với mọi người hơn. Một trong những nội dung phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong giai đoạn này cần được chú trọng đó là phát triển vốn từ. Vì giai đoạn này, trẻ có khả năng nắm bắt rất nhanh những gì mà trẻ nghe được từ mọi người xung quanh. Mặt khác, vốn từ còn tăng nhanh hơn do trẻ chủ động tìm hiểu khám phá thế giới quanh mình. Với vốn từ phong phú luôn có sẵn trong đầu, trẻ 6 tuổi đã sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới: đến trường, học tập các môn văn hóa và phát triển toàn diện những kỹ năng xã hội. Với trẻ điếc, tình hình phát triển ngôn ngữ phức tạp và khó khăn hơn. Khó khăn thứ nhất từ chính khuyết tật tại cơ quan thính giác của các em. Các nhà khoa học nghiên cứu về trẻ điếc đều nhất trí: trẻ điếc chỉ có vấn đề ở cơ quan thính giác, còn sự phát triển thần kinh và thể chất thì đều phát triển bình thường. Giai đoạn 2-3 năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp nhanh nhất. Do đó, trẻ bị điếc nếu được phát hiện và can thiệp sớm ngay trong giai đoạn từ 0-2 tuổi thì cơ hội nghe, nói và phát triển bình thường là rất cao. Có thể nói, vào nửa cuối thế kỷ XX, rất nhiều nhà ngôn ngữ học, giáo dục học tại Mỹ và các nước phát triển đã có những cuộc thực nghiệm khoa học nghiêm túc tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ của trẻ điếc. Trước hết, G. Kyle và B. Woll đã tìm hiểu sự hình thành tiếng nói ở trẻ thường. Các tác giả này đã kết luận: “sự hình thành tiếng nói cũng giống như sự hình thành các phản xạ có điều kiện. Tiếng nói có được là do trẻ tiếp xúc và học được ở người lớn” [5, tr. 60]. Điều đó có nghĩa là, để một trẻ bình thường sử dụng tiếng nói thành thạo, các thành viên trong gia đình phải kiên trì giao tiếp với trẻ từng bước. Ví dụ, khi người lớn lấy nước cho trẻ uống, thì đồng thời nhắc trẻ nói: uống nước; khi trẻ cầm chiếc cốc, thì phải yêu cầu các em phát âm tiếng: cốc. Mỗi lần bé đòi uống nước, yêu cầu đó được lặp lại, dần dần âm cốc sẽ được bé cố liên hệ với cái cốc. Khi mẹ yêu cầu lấy cốc giúp mẹ, bé biết lấy đúng đồ vật ấy. Khi đó, ta nói rằng bé đã hiểu ý nghĩa của âm cốc, hay bé đã biết sử dụng âm cốc để giao tiếp một cách hiệu quả - bé biết nói. Âm thanh tiếng cốc của bé có thể chưa được tròn trịa như của người lớn, nhưng nhiều lần được mọi người sửa chữa, bé nghe, bắt chước và âm thanh dần trở nên chuẩn xác. Quá trình đó, được các nhà khoa học khái quát lên thành bảy bước để trẻ sử dụng được một từ có ý nghĩa:

+ Nghe từ đó

+ Thấy vật mà từ đó quy chiếu vào

+ Thấy vật đang được sử dụng

+ Cầm vật

+ Sử dụng vật

+ Cảm nhận vật

+ Trải nghiệm tình huống có liên quan đến vật thường xuyên [9, tr. 63].

Hai nhà khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ ký hiệu G. Kyle và B. Woll và các nhà nghiên cứu khác trong Sign Language – The study of deaf people and their language      (Ngôn ngữ ký hiệu – Nghiên cứu về người khiếm thính và ngôn ngữ của họ) đã có rất nhiều công trình về trẻ điếc. Theo các tác giả, sự hình thành ngôn ngữ ký hiệu cũng giống sự hình thành tiếng nói và các phản xạ có điều kiện. Ký hiệu có được là do trẻ tiếp xúc và học được ở người lớn [5, tr. 59]. Kết quả nghiên cứu của Maestasy Moores (1980) cho thấy, ngay khi mới được 25 ngày tuổi, bé đã có thể phản hồi 25 ký hiệu để giao tiếp với bố mẹ [5, tr. 83]. Vì vậy, nếu được bố mẹ và mọi người trong gia đình tích cực giao tiếp với trẻ bằng ký hiệu, cử chỉ thì trình độ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của các em cũng tương đương như các trẻ thường sử dụng ngôn ngữ âm thanh. Ngoài ra, thực nghiệm của Intire (1977) cho thấy, trẻ đã có 85 ký hiệu ở giai đoạn 13 tháng tuổi; khi được 21 tháng tuổi, số ký hiệu đã lên đến 200. Quan sát của ông còn cho thấy, khi 10 tháng tuổi, trẻ đã sử dụng cụm động từ một tham thể để giao tiếp [5, tr. 83]. Như vậy, đối chiếu với trẻ thường, tiến trình phát triển ngôn ngữ là tương đương nhau. Để trẻ làm ký hiệu thành thạo, các thành viên trong gia đình phải kiên trì giao tiếp với các em từng bước. Ví dụ, khi lấy nước cho trẻ uống, thì đồng thời nhắc trẻ làm ký hiệu: uống.

 

 

 

 

 

Hình 1. Ký hiệu UỐNG [10]

Và khi các em cầm chiếc cốc, thì bố mẹ cũng đồng thời phải yêu cầu các em làm ký hiệu cái cốc.

 

 

 

 

 

Hình 2. Ký hiệu CỐC [10]

Mỗi lần bé đòi uống nước, yêu cầu đó được lặp lại, dần dần ký hiệu CỐC sẽ được bé liên hệ với cái cốc. Đến khi bé khát nước, mẹ yêu cầu lấy cốc, bé sẽ biết lấy chiếc cốc đưa cho mẹ. Khi đó, ta nói rằng bé đã hiểu ý nghĩa của ký hiệu CỐC, hay bé đã biết sử dụng ký hiệu CỐC một cách hiệu quả. Quá trình đó, cũng được các nhà khoa học trị liệu khái quát lên thành bảy bước để trẻ sử dụng được một ký hiệu có ý nghĩa:

+ Nhìn thấy ký hiệu đó

+ Thấy vật mà ký hiệu đó quy chiếu vào

+ Thấy vật đang được sử dụng

+ Cầm vật

+ Sử dụng vật

+ Cảm nhận vật

+ Trải nghiệm tình huống có liên quan đến vật thường xuyên. [9, tr. 64]

Cụ thể, khi phát hiện trẻ điếc, bố mẹ sẽ sử dụng cử chỉ, điệu bộ để trao đổi, giao tiếp với con. Đầu tiên là những cử chỉ, điệu bộ đơn giản chủ yếu để mô phỏng các hoạt động, biểu thị cảm xúc cơ bản của trẻ. Để một trẻ điếc sử dụng ký hiệu thành thạo, các thành viên trong gia đình phải kiên trì giao tiếp với các em từng bước. Theo thời gian, các ký hiệu của trẻ tăng nhanh dần. Quan hệ của trẻ vượt ra khỏi phạm vi gia đình, trẻ tham gia nhiều nhóm cộng đồng. Vốn cử chỉ, điệu bộ của trẻ được mở rộng hơn, hoàn thiện hơn. Đặc biệt, giai đoạn từ 5 đến 6 tuổi là giai đoạn bộ não của trẻ phát triển tương đối hoàn chỉnh, nếu được quan tâm giúp đỡ phù hợp, thì đây là giai đoạn ngôn ngữ của bé không chỉ phát triển vượt trội về vốn từ mà các mẫu câu trẻ sử dụng giao tiếp cũng phong phú, linh hoạt và sáng tạo.

Từ 6 tuổi trở đi, nếu các trẻ nghe bình thường đã nhận biết hầu hết những âm thanh được phát âm, biết kết hợp phát âm và đọc chữ, rồi đánh vần. Các bé có thể cảm nhận được các bộ phận cơ bản của tiếng (âm tiết) tiếng Việt: thanh điệu - vần - phụ âm đầu và trẻ rất thích đánh vần. Trẻ bắt đầu quan sát sự ngắt, nghỉ khi đọc, viết và thích lắng nghe rồi sửa lỗi cho người lớn; kể lại, thuật lại được một mẩu truyện ngắn; trẻ cũng hiểu được các khái niệm về thời gian và không gian. Tuy nhiên, do chưa có nhiều trải nghiệm, nên đây cũng là giai đoạn trẻ đặt ra rất nhiều câu hỏi thắc mắc. Ví dụ, khi bé nhìn mặt trời lúc 9 giờ sáng, bé hỏi mẹ:

- Mặt trời màu đỏ mà mẹ ơi (vì trẻ thường được người lớn chỉ cho xem mặt trời lặn, khi đó mặt trời có màu đỏ sậm).

Vốn từ của trẻ không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn phong phú, với  nhiều lĩnh vực. Trẻ đã biết dùng nhiều từ mô tả gồm cả động từ và tính từ. Về ngữ pháp, trẻ có thể nói được một câu dài tới 10 từ, hoặc hơn. Ví dụ:

- Con thích đi chơi công viên cơ, con không thích đi siêu thị đâu!

Tiến trình phát triển ngôn ngữ của trẻ điếc cũng giống vậy nếu trẻ được phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Trẻ điếc 6 tuổi cũng nhận biết hầu hết những ký hiệu yếu tố cấu tạo nên ký hiệu. Biết kết hợp các chuyển động thành phần thành ký hiệu. Các bé có thể cảm nhận được rõ rệt vai trò của năm yếu tố tạo nên ký hiệu:

1. Vị trí của bàn tay

2. Hình dạng bàn tay

3. Hướng của lòng bàn tay

4. Hướng của chuyển động lòng bàn tay

5. Biểu hiện của nét mặt. [8, tr. 5]

Trẻ đã hiểu các khái niệm về thời gian và không gian, ví dụ: trước/sau, thứ nhất/thứ hai, mặt trăng/mặt trời. Trẻ thậm chí còn sử dụng được cả ký hiệu của địa phương khác. Về cú pháp, giai đoạn 5-6 tuổi, trẻ điếc cũng đã sử dụng động từ - vị ngữ với nhiều tham thể như: CON NƯỚC UỐNG; BỐ EM BẾ;... và bắt đầu có các câu phức tạp như các câu ghép có 2 mệnh đề: NẾU TRỜI MƯA; EM KHÔNG ĐI CHƠI. [3, tr. 25] Trẻ cũng có thể kể lại, thuật lại được một mẩu truyện ngắn,... như truyện: Rùa và Thỏ; Heo và Thỏ;... Trong ngôn ngữ ký hiệu, yếu tố thứ 5, yếu tố biểu hiện không bằng tay là tương đối trừu tượng, đến giai đoạn này, các bé cũng đã thể hiện tinh tế. Ngoài ra, với các trẻ điếc trong lớp mẫu giáo 5 tuổi, các em cần được trang bị bảng chữ cái ngón tay tiếng Việt và bảng chữ số để chuẩn bị vào lớp 1. Do đó, hầu hết trẻ điếc giai đoạn 5-6 tuổi đã biết đánh vần chữ cái ngón tay và đọc chữ tiếng Việt, các chữ số trong phạm vi 100.

2.3. Vài nét về hoạt động dạy học cho trẻ điếc

Hiểu một cách đơn giản, có thể biểu diễn hoạt động dạy học dưới dạng sơ đồ sau:

 

 

 

Hình 3. Sơ đồ hoạt động dạy học

Trong sơ đồ này, người dạy - SP1 và học trò - SP2 đều là người nghe, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Thông điệp là nội dung bài học, là chuỗi tín hiệu đã được mã hóa theo hệ thống tín hiệu ngôn ngữ tiếng Việt. Theo lý thuyết thông tin, con đường truyền đạt thông tin từ người dạy đến người nghe là thông suốt. Nhưng trong hoạt động dạy học cho trẻ điếc, thì SP2 - nhân tố người nhận là học sinh khiếm thính, khả năng tiếp nhận tín hiệu ngôn ngữ tiếng Việt rất hạn chế. Để hoạt động dạy học môn Tiếng Việt cho trẻ điếc đạt hiệu quả, giáo viên phải truyền tải nội dung bài học qua ngôn ngữ ký hiệu. Phương pháp này nhìn qua thì tưởng như giống hình thức giáo viên miền xuôi dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của các em. Tuy nhiên, dạy tiếng Việt cho trẻ điếc khó khăn hơn nhiều. Đây cũng là khó khăn của trẻ điếc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề này cũng đã được nhà khoa học về ngôn ngữ ký hiệu Scott K. Liddell nhận xét: “Không giống như những trẻ em nghe nói của một ngôn ngữ dân tộc thiểu số, trẻ điếc phải đối mặt với một gánh nặng nữa, cố gắng để học được ngôn ngữ phổ thông mà không thể nghe thấy nó”. [6, tr. 343]

3. Thực trạng dạy học môn Tiếng Việt cho trẻ điếc

3.1. Vài nét về các phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ điếc trên địa bàn Hà Nội

Từ 2016 trở về trước, được sự giúp đỡ của UB2 và tổ chức ICCO Hà Lan và một phần do ảnh hưởng của nhu cầu phục hồi chức năng giao tiếp bằng lời nói cho trẻ khiếm thính, nên phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ khiếm thính trên địa bàn Hà Nội chủ yếu bằng khẩu hình miệng. Tuy nhiên, kết quả dạy học môn Tiếng Việt bằng phương pháp này thực sự chưa mang lại hiệu quả. Đến năm 2017, Dự án IDEO thành công đã khẳng định ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ thứ nhất của trẻ điếc. Nhờ đó, phương pháp dạy học môn Tiếng Việt bằng ngôn ngữ ký hiệu được xây dựng thí điểm tại Trường PTCS Nhân Chính (nay là Trường PTCS Dân lập Dạy Trẻ Câm Điếc Hà Nội). Về sự thay đổi này, cố Hiệu trưởng nhà trường, Nhà giáo Nguyễn Kim Chung nói: “Mục tiêu của nhà trường là phục hồi khả năng nghe nói đạt trình độ tương đương lớp 5 bậc tiểu học. Học sinh được hướng nghề, học nghề hòa nhập với cộng đồng để tự lập được cuộc sống”. Mục tiêu đó hiện nay đã được điều chỉnh, do có ảnh hưởng tích cực từ Dự án IDEO, nhà trường sẽ dạy các em giao tiếp thành thạo bằng ngôn ngữ ký hiệu. Để đạt được điều đó, nhà trường đã tích cực nâng cao trình độ ngôn ngữ ký hiệu cho đội ngũ giáo viên dạy các trẻ điếc. Khuyến khích các cô tận dụng mọi cơ hội sử dụng ngôn ngữ ký hiệu giao tiếp với các em [3, tr. 27]. Nhà trường còn mời các cộng tác viên là người điếc có vốn kiến thức ngôn ngữ ký hiệu sâu rộng đến trường làm trợ giảng, như cộng tác viên Nguyễn Tuấn Linh, cộng tác viên Đỗ Thái Anh,…

3.2. Đối tượng nghiên cứu

Với đối tượng nghiên cứu là Hoạt động dạy học bằng tiếng Việt cho trẻ điếc lớp Một nhằm tìm ra điều kiện tiên quyết giúp trẻ học môn tiếng Việt hiệu quả, bài viết có đối tượng khảo sát là 7 trẻ điếc ở lớp 1K Trường PTCS Nhân Chính. Lớp học do giáo viên người nghe giảng dạy, có sự trợ giảng của các giáo viên người khiếm thính.

3.3. Phương pháp nghiên cứu

Với đối tượng nghiên cứu còn mới mẻ (dạy học môn tiếng Việt cho trẻ điếc bằng ngôn ngữ ký hiệu chỉ mới được thực hiện trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017), bài viết của chúng tôi chủ yếu sử dụng một số phương pháp cơ bản.

Phương pháp phỏng vấn sâu: được sử dụng để phỏng vấn các thầy cô là cán bộ quản lý để nắm được quan điểm chỉ đạo của nhà trường về việc giáo dục trẻ điếc cũng như dạy học văn hóa cho trẻ điếc. Phỏng vấn giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy lớp học sinh điếc (gồm cả giáo viên là người nghe và người điếc) để thấy được những thuận lợi và khó khăn khi dạy học môn tiếng Việt bằng ngôn ngữ ký hiệu cho các trẻ điếc. Phỏng vấn bố mẹ của trẻ điếc để nắm được tình hình sử dụng ngôn ngữ của các trẻ điếc, việc ở nhà bé có được thường xuyên giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu cùng bố mẹ không,...

Phương pháp miêu tả: được sử dụng để miêu tả các đơn vị ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt mà giáo viên và trẻ sử dụng để học tập.

Phương pháp phân tích diễn ngôn: được sử dụng để phân tích cấu trúc và ngữ nghĩa các phát ngôn của giáo viên và của trẻ trong giờ học.

Phương pháp thống kê: được sử dụng để xử lý, chọn lọc và khái quát hóa những thông tin số liệu thu thập được.

Thủ pháp so sánh: được sử dụng để thấy được sự khác biệt về kết quả học tập môn tiếng Việt ở những trẻ có bố mẹ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và những trẻ bố mẹ không sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.

Về cách thức điều tra trẻ điếc trong giờ học, chúng tôi sử dụng các thẻ tranh có ghi tên các loại hoa quả, con vật, các sự vật, hiện tượng gần gũi với các em. Bảng chữ cái ngón tay thể hiện các chữ cái tiếng Việt, các dấu mũ, dấu thanh. Vì đối tượng khảo sát là các em khuyết tật thính giác sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nên việc điều tra của chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Để có số liệu khảo sát thể hiện được quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ điếc, chúng tôi phải tiến hành nhiều đợt, có nhiều cộng tác viên, các thành viên trong các hệ đề tài. Trong quá trình điều tra, chúng tôi kết hợp các trò chơi ngôn ngữ tạo sự hứng thú cho trẻ.

3.4. Một số kết quả điều tra ban đầu

Dưới đây là kết quả điều tra trẻ điếc lớp 1K (2017 - 2018) lần đầu, tại Trường PTCS Nhân Chính. Chúng tôi có 90 thẻ tranh, gồm những chủ đề cơ bản: đồ dùng quen thuộc, hoa quả, các hiện tượng tự nhiên,… Sau khi đưa các thẻ tranh, yêu cầu các em làm ký hiệu. Điều tra khảo sát bước đầu cho thấy vốn ký hiệu của các em có rất ít. Khảo sát lần 1, số ký hiệu 7 em làm được là 30 ký hiệu, chiếm 33%. Khi yêu cầu viết tên một số loại quả, còn có tình trạng các em đánh nhầm các dấu sắc và huyền, hỏi và ngã. Có những lỗi trẻ đặt sai vị trí của dấu. [2, tr. 41].

Lần thứ 2, chúng tôi quay trở lại tìm hiểu tình hình học môn tiếng Việt của lớp học song ngữ 2K (2018 - 2019). Sĩ số của lớp vẫn gồm 7 học sinh, nhưng vì 2 em có thêm tật tự kỷ, để kết quả được khách quan, chúng tôi chỉ điều tra 5 em. Về công cụ điều tra, chúng tôi có 15 thẻ tranh có hình 15 loại quả thân thuộc với các em: quả xoài, quả bưởi, quả chôm chôm, quả nhãn, quả táo, quả nho, quả ổi, quả chanh, quả cam, quả chuối, quả dưa hấu, quả mít, quả táo, quả na, quả vải. Yêu cầu các em làm ký hiệu cho từng loại quả và đánh vần tên loại quả đó bằng ký hiệu chữ cái ngón tay. Ví dụ, khi đưa thẻ tranh có hình quả cam, bé phải làm được ký hiệu biểu thị quả cam (Hình 4) và làm được các chữ cái ngón tay thể hiện tiếng cam, gồm ba chữ cái ngón tay tương đương với 3 chữ cái tiếng Việt lần lượt là: c, a, m (Hình 5). 

 

 

 

 

 

 

Hình 5. Chữ cái ngón tay của các chữ: c, a, m [1]

Trình độ ngôn ngữ của học sinh lớp 2K được thể hiện qua Bảng 1:

Tổng hợp kết quả kiểm tra nhanh cho thấy số ký hiệu các em làm được là 46/75, số chữ các em đánh vần chữ cái ngón tay đúng là 22/75. Kết quả này cho thấy, trình độ ngôn ngữ của các em có tiến bộ hơn lần đầu (khi còn là lớp 1K), tuy nhiên như vậy vẫn là rất hạn chế. Các em không chỉ rất yếu về trình độ tiếng Việt, mà ngay cả ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ mẹ đẻ thì vốn từ vựng của các em cũng còn rất nghèo nàn. 15 loại quả trên, đều là những loại quả quen thuộc, nhưng không em nào trong số 5 em thuộc hết các ký hiệu. Đối chiếu với trẻ nghe nói bình thường, mức đáp ứng trên chỉ tương đương với trẻ 3 tuổi. Qua đó, có thể thấy trình độ ngôn ngữ của học sinh điếc là quá thấp, không đủ điều kiện để học chương trình sách giáo khoa tiếng Việt như các trẻ không bị điếc.

Ngoài ra, chúng tôi còn thấy có sự khác biệt rõ rệt về trình độ ngôn ngữ giữa hai trẻ điếc. Một là bé: Tạ Việt V. 7 tuổi, có tình trạng điếc sâu bẩm sinh, có bố mẹ là người nghe sử dụng tiếng Việt, nhưng biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và hàng ngày cả bố và mẹ dùng ngôn ngữ ký hiệu giao tiếp với V. Hai là bé Nguyễn Quốc Kh. 11 tuổi. Bé Kh. cũng bị điếc sâu bẩm sinh, cha mẹ bé cũng là người nghe, sử dụng tiếng Việt, nhưng họ không sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, nên ở nhà, bé Kh. không có cơ hội để sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. So sánh trình độ ngôn ngữ của hai bé, chúng tôi vẫn sử dụng 90 thẻ tranh để các bé làm ký hiệu. Kết quả là lượng từ mà V. nhận biết và có ký hiệu gần như là tuyệt đối. Trong khi đó, cùng nhóm từ ấy, bé Kh. chỉ làm được trên 50%. Bé Kh. lớn tuổi hơn, học lớp lớn hơn nhưng số từ vựng nhận biết lại chỉ bằng một nửa số từ mà bé V. làm được ký hiệu. Vốn từ ít, dẫn đến trình độ ngôn ngữ hạn chế, bé Kh. trở nên ngại giao tiếp và kết quả học tập cũng không đảm bảo [2, tr. 40]. Cùng học với chị Ng. - mẹ của V. trong lớp học ngôn ngữ ký hiệu, chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với V. Được biết V. đã có vốn từ cơ bản khi chưa đi học. Chị Ng. cho biết, chị chuẩn bị tâm lý và xác định tình trạng điếc của con từ khi lọt lòng. Chị chủ động tìm học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với con bất cứ lúc nào có thể. Chị tận dụng mọi cơ hội để con được giao tiếp. Đến 6 tuổi, chị cho V. học cách đánh vần tên các ký hiệu và cho bé học viết tiếng Việt. Vì vậy, V. không chỉ có vốn từ phong phú mà còn sử dụng được cả mẫu câu có cấu trúc phức tạp để giao tiếp. Ví dụ: Nếu trời mưa, con không đi chơi.

4. Một số góp ý để hoạt động dạy môn Tiếng Việt cho trẻ điếc đạt hiệu quả

Qua tìm hiểu và thực tế điều tra, chúng tôi xin được đưa ra một số góp ý sau:

Thứ nhất, gia đình, nhà trường và xã hội phải thấy được ý nghĩa quyết định hiệu quả hoạt động dạy học cho trẻ điếc nằm ở chính năng lực ngôn ngữ của các em. Từ đó sẽ có những hoạch định, điều chỉnh mang tầm chiến lược, có ý nghĩa thiết thực không chỉ cho môn học Tiếng Việt mà còn cho cả hoạt động giáo dục trẻ điếc nói chung.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ động xây dựng chương trình đào tạo phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu có tính chuyên nghiệp. Có chế độ ưu đãi thích đáng cho các tác giả có các xuất bản là tài liệu, giáo trình học tập về ngôn ngữ ký hiệu cho sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt của các trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch biên soạn sách giáo khoa song ngữ: ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt bậc Tiểu học để hoạt động dạy học môn tiếng Việt bằng ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ điếc có hiệu quả. Kết thúc mỗi năm học, nên có các hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm cho các giáo viên dạy trẻ điếc để các giáo viên có cơ hội cập nhật thêm những ký hiệu mới, những cách diễn đạt dễ hiểu cho các từ mang tính khái quát trong bài học môn tiếng Việt.

Thứ tư, nâng cao ý thức của cộng đồng người nghe về ngôn ngữ ký hiệu bằng việc chú trọng hỗ trợ xuất bản sách nói về văn hóa cộng đồng người điếc và ngôn ngữ ký hiệu. Tổ chức hội thảo dạy ngôn ngữ ký hiệu và văn hóa của cộng đồng người điếc, tạo sự hiểu biết giữa các cộng đồng trong xã hội.

Thứ năm, nâng cao ý thức giáo dục ngôn ngữ cho trẻ. Khuyến khích các bà mẹ khám sàng lọc cho trẻ ngay từ trong thai kỳ để có kế hoạch giáo dục ngôn ngữ cho trẻ thích hợp nhất. Sẵn sàng giao tiếp với trẻ trong mọi tình huống và bằng mọi khả năng của trẻ. Giai đoạn trẻ 5 tuổi, cần cho trẻ làm quen với chữ cái ngón tay để trẻ sẵn sàng đến trường học môn tiếng Việt cũng như tất cả các môn học khác trong chương trình Tiểu học.

5. Kết luận

Trẻ em được sinh ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều phải được yêu thương, quan tâm chăm sóc, đều được quyền vui chơi, học hành và phát triển. Trẻ điếc cũng vậy. Thậm chí, do bị khuyết tật thính giác, các em cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ gia đình và cộng đồng xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi đã tìm hiểu khó khăn trong việc dạy học môn tiếng Việt bằng ngôn ngữ ký hiệu cho các em. Nghịch lý của vấn đề là: cái khó nằm ở chính bản thân các em, nhưng tự bản thân mình, các em lại không thể giải quyết. Hy vọng qua bài viết này, tất cả mọi người trong xã hội hãy giúp đỡ các em, mang lại niềm vui, hạnh phúc được học, được đọc hiểu hết ý nghĩa từng con chữ trong cuốn sách giáo khoa mà các em đang cầm trên tay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Dự án Giáo dục Đại học cho người Điếc Việt Nam, Ngôn ngữ ký hiệu thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2008.

[2] Đỗ Thị Hiên (Chủ nhiệm đề tài), Giáo dục ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ điếc lớp một trên địa bàn Hà Nội (Khảo sát tại hai trường PTCS Xã Đàn và Trường PTCS Nhân Chính) (Đề tài khoa học cấp cơ sở), Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 2017.

[3] Đỗ Thị Hiên (Chủ nhiệm đề tài), Thực nghiệm ứng dụng trò chơi ngôn ngữ ký hiệu góp phần phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ điếc lớp một (Đề tài khoa học cấp cơ sở), Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 2018.

[4] Butterworth, Rod R. and Mickey Flodin, Signing Made Easy, Perigee Books, New York, 1989.

[5] Kyle, J. G. and B. Woll, Sign Language – The study of deaf people and their language, Cambridge University Press, Cambridge, 1988.

[6] Liddell, Scott K., Grammar, Gesture, and Meaning in America Sign Language, Cambridge University Press, Cambridge, 2003.

[7] Obler, Loraine K. and Kris Gjerlow, Language and the Brain, Cambridge University Press, Cambridge, 1999.

[8] Shinhiak, V. A., M. M. Nudenman, Đoàn Thanh Muôn dịch, Những đặc điểm sự phát triển tâm lý của trẻ điếc, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1999.

[9] World Health Organization, Let’s communicate, 1997.

[10] https://tudienngonngukyhieu.com/.

 

ĐỖ THỊ HIÊN