ĐẶC ĐIỂM ĐỊNH DANH CỦA THUẬT NGỮ QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC TRONG TIẾNG ANH

07/12/2023
Tóm tắt: Thuật ngữ quản trị chiến lược là phần rất quan trọng và chiếm tỉ lệ lớn trong hệ thống từ vựng của chuyên ngành quản trị chiến lược. Nắm vững các thuật ngữ, đặc biệt là đặc điểm định danh thuật ngữ quản trị chiến lược giúp các cá nhân, các nhà quản trị và các nhà nghiên cứu thuật ngữ học có thể hiểu và vận dụng các thuật ngữ trong lĩnh vực này. Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu đặc điểm định danh của 1.936 thuật ngữ quản trị chiến lược tiếng Anh được thu thập từ một số cuốn từ điển thuật ngữ quản trị chiến lược tiếng Anh và tác phẩm kinh điển chuyên ngành quản trị chiến lược được xuất bản bằng ngôn ngữ Anh. Trọng tâm của nghiên cứu là các kiểu định danh theo ngữ nghĩa, theo nội dung biểu đạt và theo cách thức biểu thị của thuật ngữ.

Tóm tắt: Thuật ngữ quản trị chiến lược là phần rất quan trọng và chiếm tỉ lệ lớn trong hệ thống từ vựng của chuyên ngành quản trị chiến lược. Nắm vững các thuật ngữ, đặc biệt là đặc điểm định danh thuật ngữ quản trị chiến lược giúp các cá nhân, các nhà quản trị và các nhà nghiên cứu thuật ngữ học có thể hiểu và vận dụng các thuật ngữ trong lĩnh vực này. Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu đặc điểm định danh của 1.936 thuật ngữ quản trị chiến lược tiếng Anh được thu thập từ một số cuốn từ điển thuật ngữ quản trị chiến lược tiếng Anh và tác phẩm kinh điển chuyên ngành quản trị chiến lược được xuất bản bằng ngôn ngữ Anh. Trọng tâm của nghiên cứu là các kiểu định danh theo ngữ nghĩa, theo nội dung biểu đạt và theo cách thức biểu thị của thuật ngữ.

Từ khóa: Thuật ngữ, đặc điểm định danh, định danh thuật ngữ, quản trị chiến lược, thuật ngữ quản trị chiến lược.

Abstract: Strategic management terms play a very important role and account for a large proportion in the vocabulary of strategic management field. Mastering the terminology, especially the nominal characteristics of strategic management terms, helps individuals, managers and terminology researchers to understand and apply these terms. This study is an attempt to investigate the nominal characteristics of 1,936 English strategic management terms collected from a number of strategic management terminology dictionaries and books in English language. The study focuses on semantic, content-representative and denotative nominal characteristics of terms.

Keywords: Terms, nominal characteristics, term nomination, strategic management, strategic management terms.

 

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh biến động và có tính toàn cầu như hiện nay, các doanh nghiệp không thể có được sự thành công lâu dài, bền vững nếu như không có chiến lược đúng đắn. Trong bất cứ loại hình doanh nghiệp nào, bất kể đó là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, kinh doanh thương mại hay dịch vụ, quản trị chiến lược đều giữ vai trò quan trọng và có tính định hướng hoạt động. Quản trị chiến lược giúp các doanh nghiệp định hướng rõ tầm nhìn chiến lược, sứ mạng và mục tiêu của mình [9], [11]. Bên cạnh đó, quản trị chiến lược giúp doanh nghiệp luôn có các chiến lược tốt, thích nghi với môi trường. Ngoài ra, quản trị chiến lược giúp doanh nghiệp chủ động trong việc ra quyết định nhằm khai thác kịp thời các cơ hội và ngăn chặn hoặc hạn chế các rủi ro trong môi trường bên ngoài, phát huy các điểm mạnh và giảm các điểm yếu trong nội bộ doanh nghiệp, từ đó nâng cao vị thế cạnh tranh cho mình trên thương trường. Với vai trò quan trọng đối với thành công của mỗi doanh nghiệp như vậy, chuyên ngành quản trị chiến lược đang phát triển mạnh mẽ và cần một hệ thống thuật ngữ khoa học phong phú và chuẩn mực.

Hệ thống thuật ngữ là công cụ, là bộ phận cấu thành nên tri thức của một ngành khoa học. Nghiên cứu về thuật ngữ trên thế giới và ở Việt Nam đã trải qua các thời kỳ phát triển khác nhau trong gần thế kỷ qua. Ở Việt Nam, mặc dù nghiên cứu về thuật ngữ có khởi đầu muộn hơn nhưng ngày càng nở rộ trong những năm gần đây với các công trình lý luận và ứng dụng về thuật ngữ thuộc các ngành khoa học khác nhau. Trái ngược với sự phát triển ấy, nghiên cứu về thuật ngữ quản trị trong tiếng Anh tuy nhiên lại hạn chế cả về số lượng và quy mô. Bên cạnh đó, cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm định danh thuật ngữ quản trị chiến lược (QTCL) tiếng Anh. Chính vì vậy bài viết hy vọng có thể đóng góp cả về lý luận và thực tiễn cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và thực hành QTCL.

2. Một số khái niệm

2.1. Khái niệm thuật ngữ

Cho đến nay, các nhà ngôn ngữ học trên thế giới và Việt Nam đưa ra nhiều quan niệm về thuật ngữ. Xuất phát từ cách nhìn khác nhau mà các nhà khoa học đã đưa ra các cách hiểu khác nhau về thuật ngữ. Từ góc độ ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu đưa ra định nghĩa thuật ngữ gắn với nội dung khái niệm mà nó biểu thị. Một số tác giả lại lấy chức năng của thuật ngữ tạo nét khu biệt hình thành khái niệm của nó.

Erhard Oeser và cộng sự cho rằng: “Thuật ngữ là một tập hợp các khái niệm, trong mỗi lĩnh vực chuyên ngành đều có các mô hình cấu trúc đại diện cho tập hợp các khái niệm. Kiến thức khoa học được sắp xếp thành các cấu trúc khái niệm, các phương tiện biểu đạt ngôn ngữ và ký hiệu tương ứng được sử dụng trong văn phong khoa học để thông tin với người khác về kết quả khoa học và bình luận các ngôn bản khác” [6, tr. 12]. Theo Nguyễn Đức Tồn thì “Thuật ngữ là từ và cụm từ biểu hiện khái niệm hoặc biểu thị đối tượng trong phạm vi một lĩnh vực khoa học, công nghệ hoặc lĩnh vực chuyên môn” [8, tr. 242]. Nguyễn Thiện Giáp đưa ra quan niệm ngắn gọn nhưng nêu bật được vị trí của thuật ngữ trong một ngôn ngữ và các đặc trưng cần có của thuật ngữ: “Thuật ngữ là bộ phận từ ngữ đặc biệt của ngôn ngữ. Nó bao gồm những từ và cụm từ cố định, là tên gọi chính xác các loại khái niệm và các đối tượng thuộc các lĩnh vực chuyên môn của con người” [3, tr. 270].

Quan niệm của các nhà khoa học về thuật ngữ giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều và toàn diện về thuật ngữ. Tuy có cách tiếp cận khái niệm thuật ngữ khác nhau nhưng các tác giả đều thống nhất quan điểm thuật ngữ là một bộ phận quan trọng của ngôn ngữ, là từ hoặc cụm từ định danh biểu thị chính xác khái niệm, thuộc tính, đối tượng, sự vật, hiện tượng,… thuộc lĩnh vực khoa học hoặc chuyên môn nhất định.

2.2. Khái niệm định danh

Định danh chính là một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của từ ngữ. Đó là chức năng gọi tên. Vì tên gọi có thể xem là sản phẩm của tư duy trừu tượng cho nên nó cũng phải đảm bảo các yêu cầu như tính trừu tượng, khái quát và mất khả năng gợi đến những thuộc tính riêng, những đặc điểm của đối tượng.

Kolshansky [12] cho rằng định danh (nomination) là gắn cho một ký hiệu ngôn ngữ một khái niệm - biểu niệm (significant) phản ảnh những đặc trưng nhất định của một biểu vật (denotation) - các thuộc tính, phẩm chất và quan hệ của các đối tượng và quá trình thuộc phạm vi vật chất và tinh thần, nhờ đó, các đơn vị ngôn ngữ tạo thành những yếu tố nội dung của giao tiếp ngôn ngữ. Xét về mặt ngữ nghĩa, nó phải tách biệt với những đặc điểm của giai đoạn cảm tính và có thể giúp phân biệt các đối tượng trong cùng một loại hoặc phân biệt các loại nhỏ trong cùng một loại lớn. Hà Quang Năng nhận định rằng định danh cũng gắn liền với quá trình nhận thức: “Quá trình gọi tên liên hệ chặt chẽ với quá trình nhận thức có cơ sở dựa trên sự đối chiếu so sánh giữa các đối tượng và quan niệm về chúng để nhằm phát hiện các đặc tính và đặc điểm chung cũng như riêng của chúng” [5].

2.3. Đặc điểm định danh của thuật ngữ

Gak [10] cho rằng quá trình định danh gắn liền với hành vi phân loại. Quá trình định danh sự vật, hiện tượng gồm hai bước: quy loại khái niệm và chọn đặc trưng khu biệt. Theo Đỗ Hữu Châu [1], khi định danh có 2 nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ là:

- Tên gọi (cái biểu hiện) phải có mối liên hệ nào đó với ý nghĩa của tên gọi (cái được biểu hiện). Tên gọi phải khái quát, trừu tượng, phải mất khả năng gợi đến những đặc điểm, thuộc tính riêng rẽ tạo thành đối tượng vì tên gọi là sản phẩm của tư duy trừu tượng. Điều này cũng có nghĩa là tên gọi phải tách hẳn với những dấu vết của giai đoạn cảm tính.

- Tên gọi phải có sự phân biệt giữa sự vật, đối tượng này với sự vật, đối tượng khác và sự phân biệt này bao gồm trong cùng một loại hay là phân biệt giữa các loại nhỏ trong cùng một loại lớn. Mặc dù, lý tưởng phải lựa chọn được đặc trưng bản chất nghĩa là đặc trưng tiêu biểu để đặt tên nhưng với điều kiện đặc trưng đó phải bảo đảm cả giá trị khu biệt. “Đặc trưng được chọn làm cơ sở định danh miễn sao có giá trị khu biệt sự vật ấy với sự vật khác” [1, tr. 190].

Danilenko [2] nhận xét, theo cách hiểu truyền thống chỉ có danh từ hay tập hợp từ trên cơ sở danh từ mới có thể trở thành thuật ngữ. Hà Quang Năng [5] nhận định, các từ loại danh từ, tính từ, động từ đều có thể định danh. Với các từ thuộc từ loại đó thì nội dung mới thường xuyên được hình thành và những tên gọi mới được tạo lập. Danh từ có thể chuyển đổi nội dung của các từ thuộc các từ loại định danh khác và có đầy đủ những phương tiện hình thái thích hợp để làm việc đó. Giá trị định danh tuyệt đối là thuộc tính của danh từ, thuộc tính này ở các từ loại định danh khác thì yếu hơn chút ít. Theo đó, việc định danh thuật ngữ khoa học cũng tuân thủ theo các nguyên tắc và các kiểu định danh ngôn ngữ.

Tóm lại, quá trình định danh một sự vật, hiện tượng gồm hai bước: quy loại khái niệm và chọn đặc trưng khu biệt. Nếu một trong hai bước này có biến thể thì một vật hay quá trình,… sẽ mang (những) tên gọi khác nhau. Không phải chỉ danh từ mới có chức năng định danh, động từ, tính từ, trạng từ cũng là những tên gọi các thuộc tính, quá trình và các biểu hiện của các thuộc tính, quá trình.

2.4. Khái niệm thuật ngữ quản trị chiến lược

2.4.1. Khái niệm quản trị chiến lược

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra các định nghĩa như sau: “Quản trị chiến lược có thể được định nghĩa là nghệ thuật và khoa học xây dựng, triển khai và đánh giá các quyết định xuyên các chức năng nhằm giúp tổ chức có thể đạt được mục tiêu” [9, tr. 5]. Theo định nghĩa này, QTCL tập trung vào việc tích hợp quản lý, marketing, tài chính/kế toán, sản xuất/vận hành, và hệ thống thông tin nhằm mang lại thành công cho tổ chức. Theo Ngô Kim Thanh thì: “Quản trị chiến lược doanh nghiệp là tổng hợp các hoạt động hoạch định, tổ chức thực hiện và kiểm tra, điều chỉnh chiến lược kinh doanh diễn ra lặp đi lặp lại theo hoặc không theo chu kỳ thời gian nhằm đảm bảo rằng doanh nghiệp luôn tận dụng được mọi cơ hội, thời cơ cũng như giảm thiểu hoặc loại bỏ các đe doạ, thách thức trên con đường thực hiện các mục tiêu của mình” [7, tr. 16]. Hoàng Văn Hải thì cho rằng: “Quản trị chiến lược là hệ thống các quyết định và hành động nhằm đạt được thành công lâu dài của tổ chức. Các quyết định và hành động gắn kết với nhau thành hệ thống hướng tới mục tiêu thành công lâu dài và bền vững” [4, tr. 10]. Như vậy, QTCL là hệ thống nhỏ trong hệ thống lớn - hệ thống quản trị doanh nghiệp, gắn chặt với quản trị tác nghiệp và quản trị rủi ro.

QTCL phải toát lên đặc trưng rất cơ bản là lấy hoạch định chiến lược làm hạt nhân của toàn bộ hoạt động quản trị doanh nghiệp. Hơn nữa, QTCL còn bao hàm cả nghĩa tổ chức thực hiện mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp một cách toàn diện theo tầm nhìn chiến lược. Như vậy, nội hàm của khái niệm QTCL bao gồm ba giai đoạn: (i) Hoạch định chiến lược; (ii) Tổ chức thực hiện chiến lược; và (iii) Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh chiến lược.

2.4.2. Khái niệm thuật ngữ quản trị chiến lược

Thuật ngữ QTCL được hiểu là các từ (từ gốc, từ phái sinh, từ rút gọn và từ ghép) và cụm từ định danh biểu đạt các khái niệm chuyên ngành của QTCL. Thuật ngữ QTCL không chấp nhận các từ, cụm từ là danh pháp, cụm từ giải thích, định nghĩa hay bình luận. Các thuật ngữ QTCL phải đáp ứng các tiêu chuẩn cần và đủ của thuật ngữ khoa học.

Ví dụ, các thuật ngữ như brand (thương hiệu), strategy (chiến lược), target (mục tiêu) là các từ đơn và được xem là những thuật ngữ QTCL biểu thị những khái niệm cơ bản, cốt lõi của lĩnh vực QTCL và có thể được kết hợp với các từ, hình vị khác để tạo thuật ngữ mới; thuật ngữ nonmanager (người không thuộc cấp quản lý/người không giữ chức vụ quản lý) là từ phái sinh có cấu tạo bởi tiền tố non, căn tố manage và hậu tố (phụ tố) er; thuật ngữ CEO (giám đốc điều hành) được rút gọn từ cụm từ Chief Executive Officer; thuật ngữ shareholder (cổ đông) được tạo ra từ sự kết hợp của hai căn tố là share hold và một hình vị phụ thuộc (hậu tố/phụ tố) là er; thuật ngữ strategic management (quản trị chiến lược) có cấu tạo là cụm từ và yếu tố cấu tạo thuật ngữ là các từ strategicmanagement; thuật ngữ distribution channel (kênh phân phối) là một cụm từ và có các yếu tố cấu tạo là các từ distribution channel,…

3. Đặc điểm định danh thuật ngữ quản trị chiến lược

3.1. Kiểu định danh thuật ngữ quản trị chiến lược tiếng Anh theo phạm trù ngữ nghĩa

Về đặc điểm định danh của tên gọi thuật ngữ QTCL theo phạm trù ngữ nghĩa, chúng ta có thể chia hệ thuật ngữ QTCL thành hai loại: tên gọi trực tiếptên gọi gián tiếp của khái niệm về các chủ thể, hoạt động, sự vật, đối tượng,… Kết quả khảo sát ngữ liệu cho thấy, trong số 1.936 thuật ngữ QTCL được khảo sát thì thuật ngữ QTCL là tên gọi định danh trực tiếp có 845 thuật ngữ, chiếm tỉ lệ 43,65%; thuật ngữ QTCL là tên gọi định danh gián tiếp có 1.091 thuật ngữ, chiếm tỉ lệ 56,35%. 

3.1.1. Thuật ngữ quản trị chiến lược là tên gọi định danh trực tiếp

Các thuật ngữ QTCL là tên gọi định danh trực tiếp của khái niệm về các chủ thể, hoạt động, sự vật, đối tượng,… trong quá trình sáng tạo ra thuật ngữ QTCL được hình thành từ các chuyên gia, các nhà quản trị, người phiên dịch, giảng viên thuộc lĩnh vực QTCL. Chính họ là đối tượng trực tiếp sáng tạo ra thuật ngữ QTCL và quan tâm trực tiếp tới việc sử dụng chúng. Ví dụ như các thuật ngữ: illegal contract (hợp đồng không hợp pháp), informal contract (hợp đồng phi chính thức), company (công ty), intermediate carrier (người vận chuyển trung gian), customer (khách hàng), product (sản phẩm),…

3.1.2. Thuật ngữ quản trị chiến lược là tên gọi định danh gián tiếp

Các thuật ngữ QTCL là tên gọi định danh gián tiếp của khái niệm về các chủ thể, hoạt động, sự vật, đối tượng,… là kết quả của quá trình thuật ngữ hóa từ ngữ toàn dân bằng cách thu hẹp nghĩa, mở rộng nghĩa, hoặc chuyển nghĩa theo hoán dụ hay ẩn dụ; nghĩa của thuật ngữ là nghĩa chuyển của từ toàn dân được thuật ngữ hóa.

a. Thuật ngữ hóa qua phương thức hoán dụ

Qua phương thức hoán dụ, các thuật ngữ blue-collar (worker) có nghĩa là công nhân; green-collar (worker) dùng để nói về nhân viên làm việc trong lĩnh vực liên quan đến môi trường hoặc năng lượng tự nhiên; white-collar (worker)nhân viên văn phòng; red-collar (worker) là thuật ngữ chỉ người làm việc trong ngành chính trị; brown-collar (worker) chỉ người làm việc theo nghĩa vụ quân sự hoặc phục vụ trong quân đội; yellow-collar (worker)người làm trong ngành sáng tạo; gold-collar (worker) chỉ người lao động thuộc các ngành có chuyên môn cao như luật sư, bác sĩ, kỹ sư nghiên cứu; pink-collar (worker) dùng để chỉ nhân viên trong ngành dịch vụ,... Như vậy, với nghĩa thông thường, collar có nghĩa là cổ áo, khi kết hợp với các tính từ chỉ màu sắc như blue, green, white, red, brown, yellow, gold, pink,… các cụm từ này được thuật ngữ hóa thông qua phương thức hoán dụ. Một ví dụ khác có thể kể đến là thuật ngữ QTCL quen thuộc chairman được hiểu là chủ tịch (hội đồng quản trị), vốn là một thuật ngữ được cấu tạo bởi các từ thông thường là chair - cái ghế man - người/người đàn ông.

b. Thuật ngữ hóa qua phương thức ẩn dụ

Trong lĩnh vực QTCL, thuật ngữ black knight (hiệp sĩ đen) là thuật ngữ dùng để chỉ công ty đưa ra lời đề nghị tiếp quản không mong muốn cho công ty mục tiêu; thuật ngữ white knight (hiệp sĩ trắng/tiếp viện) được dùng để chỉ người cứu một công ty đang có nguy cơ bị mua lại quyền kiểm soát bởi một công ty khác; thuật ngữ yellow knight (hiệp sĩ vàng) được dùng để miêu tả một công ty khởi xướng thâu tóm công ty đối thủ nhưng thay đổi chiến thuật trong quá trình thực hiện để đàm phán về các điều khoản dễ chịu hơn; thuật ngữ grey knight (hiệp sĩ xám) nói về việc một công ty đưa một mức giá tự nguyện, trong khi một công ty khác đang đàm phán tiếp quản với công ty mục tiêu;… Từ knight trong từ toàn dân được hiểu là hiệp sĩ - người có sức mạnh và lòng hào hiệp, hay bênh vực kẻ yếu, cứu giúp người hoạn nạn (một loại nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết cũ). Khi được thuật ngữ hóa thông qua phương thức ẩn dụ, từ knight được kết hợp với các tính từ chỉ màu sắc như black, white, yellow, grey,… dùng để nói về các loại hình công ty trong hoạt động sáp nhập và mua lại. Một ví dụ khác, từ star (ngôi sao) với nghĩa thông thường là tên gọi chung các thiên thể được nhìn thấy như những điểm sáng lấp lánh trên bầu trời ban đêm, khi được chuyển thành thuật ngữ QTCL, star được hiểu là bộ phận ngôi sao trong ma trận BCG - chỉ những đơn vị kinh doanh có thị phần tương đối cao trong những thị trường tăng trưởng nhanh.

3.2. Kiểu định danh thuật ngữ quản trị chiến lược tiếng Anh theo nội dung biểu đạt

Xét về mặt nội dung biểu đạt của các thuật ngữ QTCL, chúng tôi chia các thuật ngữ được khảo sát thành hai loại: đơn vị định danh cơ bảnđơn vị định danh phái sinh.

3.2.1. Đơn vị định danh cơ bản                    

Các đơn vị định danh cơ bản có hình thức ngắn gọn là từ (từ đơn), gọi tên các sự vật, hiện tượng, quá trình,… mang tính chất cơ bản, nền tảng của chuyên ngành QTCL. Kết quả khảo sát cho thấy nhóm này chỉ chiếm tỉ lệ 15,13% (293/1.936 đơn vị), nhưng chúng đều có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các đơn vị thuật ngữ QTCL trong tiếng Anh. Ví dụ như các thuật ngữ: buy (mua), sell (bán), manage (quản lý, quản trị), customer (khách hàng), market (thị trường),… 

3.2.2. Đơn vị định danh phái sinh

Các đơn vị định danh phái sinh (thứ cấp) được tạo ra trên cơ sở các đơn vị định danh cơ bản, gồm các thuật ngữ QTCL có cấu tạo từ hai yếu tố trở lên kết hợp với nhau, gọi tên các sự vật, hiện tượng, quá trình, tính chất,… một cách chính xác, cụ thể. Kết quả khảo sát cho thấy nhóm này chiếm tỉ lệ 84,87% (1.643/1.936 đơn vị). Tỉ lệ này cho thấy, hầu hết các thuật ngữ QTCL được tạo thành nhờ phương thức cấu tạo ghép theo mô hình cấu trúc chính phụ hoặc đẳng lập. Ví dụ, từ thuật ngữ gốc market mang nội dung cơ bản là thị trường làm trung tâm, từ đó có thể tạo ra rất nhiều thuật ngữ mới có liên quan đến thuật ngữ gốc bằng cách kết hợp các yếu tố đứng trước hoặc sau theo các mô hình kết cấu từ ghép hay cụm từ: potential market (thị trường tiềm năng), home market (thị trường quốc nội), reserved market (thị trường bảo lưu), flat market (thị trường tiêu điều),… hay market leader (dẫn đầu thị trường), market coverage (mức độ che phủ thị trường), market power (quyền lực thị trường), market rigger (người ngầm thao túng thị trường), market share (thị phần),… Một ví dụ khác, từ thuật ngữ gốc price mang nội dung cơ bản là giá làm trung tâm và có thể tạo ra các thuật ngữ mới như: knockdown price (giá giảm xuống thấp nhất), knockout price (giá rẻ mạt), lowest price (giá thấp nhất), net price (giá thực), notional price (giá danh nghĩa), opening price (giá mở cửa), scarcity price (giá trong tình trạng khan hiếm hàng),…

3.3. Kiểu định danh thuật ngữ quản trị chiến lược tiếng Anh theo cách thức biểu thị

Tìm hiểu kiểu định danh xét theo phương thức biểu thị chính là tiến hành phân tích các dấu hiệu đặc trưng được lựa chọn làm cơ sở định danh cho hệ thuật ngữ QTCL. Từ việc phân tích các dấu hiệu đặc trưng này với tư cách là hình thái bên trong thuật ngữ, sử dụng những mô hình định danh riêng để tạo ra các thuật ngữ phù hợp. Điều này được thể hiện rất rõ qua quá trình lựa chọn các đặc trưng khu biệt của hệ thuật ngữ QTCL trong việc biểu thị các khái niệm, đối tượng của lĩnh vực QTCL. Theo Gak, có ba cách để phân tích các phương thức biểu thị thuật ngữ [dẫn theo 8, tr. 164]:

1) Mối liên hệ giữa cấu trúc bên ngoài và nghĩa của thuật ngữ (theo tính có lý do);

2) Mức độ kết thành một khối hay có thể phân tích thành từng bộ phận của thuật ngữ;

3) Dấu hiệu đặc trưng được chọn làm cơ sở định danh (hình thái bên trong).

Xét về đặc điểm định danh của thuật ngữ QTCL tiếng Anh theo hai tiêu chí đầu, hệ thuật ngữ QTCL tiếng Anh thuộc loại hình tổng hợp tính và do đó tính có lý do khó nhận thấy hơn. Do vậy chúng tôi tập trung vào tiêu chí thứ ba: dấu hiệu đặc trưng được chọn làm cơ sở định danh. Từ dấu hiệu đặc trưng này - hình thái bên trong của tên gọi/thuật ngữ, mỗi ngôn ngữ sẽ sử dụng mô hình cấu tạo từ hay mô hình định danh nhất định để tạo ra các thuật ngữ QTCL phù hợp. Qua đó có thể xác lập một bộ tiêu chí các đặc trưng khu biệt được lựa chọn làm cơ sở định danh cho các đối tượng, khái niệm trong lĩnh vực QTCL.

Như đã đề cập ở trên, nếu như quá trình định danh sự vật, hiện tượng chính là quy loại khái niệm và chọn đặc trưng khu biệt thì chỉ có các đơn vị thuật ngữ phái sinh mới thể hiện đầy đủ quá trình này, đồng thời chỉ diễn ra ở các thuật ngữ được cấu tạo theo quan hệ chính phụ. Bởi vì dựa vào hình thái bên trong của chúng, tức là dựa vào ý nghĩa các thành phần được tách ra trong tên gọi, chúng ta có thể giải thích được lý do của tên gọi đó. Chính vì vậy, các thuật ngữ QTCL phái sinh được xem xét khi nghiên cứu về đặc điểm định danh của thuật ngữ QTCL. Việc khảo sát đặc điểm định danh của thuật ngữ QTCL được tiến hành trên cơ sở tìm hiểu việc quy loại khái niệm và chọn đặc trưng khu biệt.

Theo đó, các thuật ngữ có thành phần chính biểu thị cùng một nội dung khái niệm giống nhau sẽ được quy loại ở cùng một phạm trù. Do đặc thù của chuyên ngành mà đa số thuật ngữ QTCL tiếng Anh khi kết hợp với nhau từ một, hai, ba hay bốn yếu tố cấu thành đều có các đặc trưng cụ thể để làm cơ sở định danh cho thuật ngữ đó. Nói cách khác, thành phần cấu tạo nên các thuật ngữ QTCL như vậy đều sử dụng hơn hai lần phương thức ghép.

Ví dụ: thuật ngữ direct distribution channel (kênh phân phối trực tiếp) được ghép theo hai bậc, bậc thứ nhất là distribution + channel = distribution channel (1 đặc trưng), bậc thứ hai là direct + distribution channel = direct distribution channel (2 đặc trưng). Như vậy, thuật ngữ direct distribution channel sử dụng hai lần phương thức ghép nhưng khác nhau ở trật tự của thành phần chính và phụ. Trong đó, đặc trưng direct (trực tiếp) là một đặc trưng chỉ tính chất của đối tượng, có giá trị khu biệt, giúp cho thuật ngữ này phân biệt với thuật ngữ distribution channel (kênh phân phối) cấu thành trước đó. Nhìn chung, trong tiếng Anh, đặc trưng định danh đứng trước yếu tố chính, tức là yếu tố định danh.

3.4. Phân loại thuật ngữ quản trị chiến lược tiếng Anh theo phạm trù nội dung ngữ nghĩa

Xét theo cách thức biểu thị các thuật ngữ QTCL trong tiếng Anh, nghiên cứu đã tìm hiểu các mô hình định danh thuật ngữ QTCL theo các đặc trưng định danh trong 7 phạm trù nội dung ngữ nghĩa tiêu biểu nhất của chuyên ngành QTCL tương ứng với 7 bộ phận cấu thành thuật ngữ QTCL, mang những nét đặc trưng nhất và khái quát nhất của lĩnh vực QTCL như sau:

- Cơ cấu doanh nghiệp: gồm các thuật ngữ như parent company (công ty mẹ), multinational firm (công ty đa quốc gia), centralized organization (tổ chức tập quyền), corporate responsibility (trách nhiệm của doanh nghiệp), matrix departmentation (cơ cấu phòng ban theo ma trận), core value (giá trị cốt lõi),…

- Các yếu tố bên trong doanh nghiệp: gồm các thuật ngữ như internal resource (nguồn lực bên trong), core competency (năng lực cốt lõi), working capital (vốn lưu động), business culture (văn hóa doanh nghiệp), brand identity system (hệ thống nhận diện thương hiệu),…

- Môi trường kinh doanh: gồm các thuật ngữ như industry environment (môi trường ngành), emerging industry (ngành mới nổi), potential market (thị trường tiềm năng), global competition (cạnh tranh toàn cầu),…

- Các bên liên quan: gồm các thuật ngữ như chief executive officer (giám đốc điều hành), strategic partnership (đối tác chiến lược), target customer (khách hàng mục tiêu), direct competitor (đối thủ cạnh tranh trực tiếp),…

- Hoạt động quản trị chiến lược: gồm các thuật ngữ như business strategy (chiến lược kinh doanh), strategy evaluation tool (công cụ đánh giá chiến lược), external factor evaluation matrix (ma trận đánh giá nhân tố bên ngoài), value chain analysis (phân tích chuỗi giá trị),…

- Các hoạt động của doanh nghiệp: gồm các thuật ngữ như strategic investment (đầu tư chiến lược), mass production (sản xuất đại trà), merger and acquisition (sáp nhập và mua lại), selective distribution (phân phối chọn lọc), cross-distribution agreement (thỏa thuận phân phối chéo),…

- Hoạt động kinh doanh: gồm các thuật ngữ như sell on credit (bán chịu), buying quota (hạn ngạch mua), buyer power (sức ép của khách hàng), company revenue (doanh thu công ty), average return (lợi nhuận bình quân),…

Kết quả khảo sát 1.936 thuật ngữ QTCL tiếng Anh cho thấy, tất cả các thuật ngữ này đều thuộc 7 phạm trù tiêu biểu của chuyên ngành QTCL. Tuy nhiên, trong số 1.936 thuật ngữ QTCL được đưa vào phân tích có 293 thuật ngữ là các đơn vị định danh cơ bản, các đơn vị định danh này thể hiện những khái niệm chung nhất của ngành QTCL, do đó không có đặc trưng định danh và mô hình định danh. Các thuật ngữ này được sử dụng làm cơ sở định danh để tạo ra 1.643 đơn vị định danh phái sinh (thứ cấp) là những từ ghép và cụm từ có mô hình định danh. Số lượng cụ thể của mỗi phạm trù được tổng hợp chi tiết như sau:

Kết quả tổng hợp ở Bảng cho thấy, trong 7 phạm trù ngữ nghĩa thuộc chuyên ngành QTCL, các phạm trù Các yếu tố bên trong doanh nghiệpHoạt động kinh doanh có số lượng thuật ngữ lớn nhất với số lượng thuật ngữ gần tương đương nhau, lần lượt là 389 thuật ngữ (chiếm 20,09%) và 375 thuật ngữ (chiếm 19,37%). Phạm trù Hoạt động quản trị chiến lược chiếm 17,15%, tương ứng 332 thuật ngữ. Thấp nhất trong số thuật ngữ được khảo sát là phạm trù Các bên liên quan với 157 thuật ngữ, tương đương 8,11%.

Các thuật ngữ QTCL có đơn vị định danh phái sinh được khảo sát cũng thuộc 7 phạm trù ngữ nghĩa tiêu biểu của lĩnh vực quản trị chiến lược. Trong đó, phạm trù miêu tả Các yếu tố bên trong doanh nghiệp có số lượng lớn nhất với 343/1.643 đơn vị, chiếm 20,88%. Hai phạm trù biểu thị Hoạt động kinh doanhHoạt động quản trị chiến lược có tỉ lệ thuật ngữ phái sinh khá lớn, lần lượt là 16,25% và 16,07%. Phạm trù Môi trường kinh doanh có 256 thuật ngữ thuộc đơn vị định danh phái sinh, tương ứng 15,58%. Có số lượng thuật ngữ ít nhất trong lĩnh vực QTCL là phạm trù chỉ Các bên liên quan với tỉ lệ 8,22%.

Các thuật ngữ QTCL phái sinh được tạo ra dựa trên mối quan hệ ngữ nghĩa và việc lựa chọn các đặc trưng làm cơ sở định danh cụ thể như sau: tính chất, công dụng, tác dụng, vai trò, cấu tạo, phân loại, đặc điểm, đặc tính cơ bản, chất lượng, mức độ, chủng loại, vị trí, kích thước, thời điểm, đối tượng, loại hình, hình dạng, lĩnh vực, thang độ phân chia, trạng thái, phương thức, chiều hướng, mục đích, chủ thể, địa điểm (địa lý),…

4. Kết luận

Nghiên cứu đã xác định, thuật ngữ QTCL là tên gọi định danh trực tiếp chiếm số lượng ít hơn so với thuật ngữ QTCL là tên gọi định danh gián tiếp, tức là nghĩa của thuật ngữ là nghĩa chuyển của từ toàn dân được thuật ngữ hóa. Xét theo kiểu định danh thuật ngữ QTCL tiếng Anh theo nội dung biểu đạt, nghiên cứu đã chỉ ra rằng số thuật ngữ QTCL là các đơn vị định danh phái sinh nhiều hơn gấp 5 lần so với các đơn vị định danh cơ bản. Như vậy, hầu hết các thuật ngữ QTCL được tạo thành nhờ phương thức cấu tạo ghép theo mô hình cấu trúc chính phụ hoặc đẳng lập.

Xét theo cách thức biểu thị của thuật ngữ QTCL trong tiếng Anh, nghiên cứu đã chỉ ra 7 phạm trù nội dung ngữ nghĩa tiêu biểu nhất của chuyên ngành QTCL tương ứng với 7 bộ phận cấu thành thuật ngữ QTCL, mang những nét đặc trưng nhất và khái quát nhất của lĩnh vực QTCL. Các phạm trù Các yếu tố bên trong doanh nghiệpHoạt động kinh doanh có số lượng thuật ngữ lớn nhất, trong khi đó, phạm trù Các bên liên quan có ít thuật ngữ biểu thị nhất. Các đặc trưng được lựa chọn làm cơ sở định danh tạo thành hình thái bên trong của các thuật ngữ QTCL tiếng Anh là những đặc trưng bản chất, có giá trị khu biệt. Điều này đã được thể hiện rất rõ ở việc nghiên cứu cách thức lựa chọn đặc trưng làm cơ sở định danh khi tạo thuật ngữ QTCL cho 7 phạm trù ngữ nghĩa chính.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đỗ Hữu Châu, Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1985.

[2] Danilenko, V. P., Lê Xuân Thại dịch, Về biến thể ngắn của thuật ngữ: Vấn đề đồng nghĩa trong thuật ngữ, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 1978.

[3] Nguyễn Thiện Giáp, Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.

[4] Hoàng Văn Hải, Quản trị chiến lược, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.

[5] Hà Quang Năng, Đặc điểm định danh thuật ngữ, Từ điển học và Bách khoa thư, số 4, 2013.

[6] Oeser, Erhard, Wien/Heribert picht, Kopenhagen, Lê Thị Lệ Thanh dịch, Công tác nghiên cứu thuật ngữ ở châu Âu: Khái quát về mặt lịch sử, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Hà Nội, 1994.

[7] Ngô Kim Thanh, Giáo trình quản trị chiến lược, Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, 2011.

[8] Nguyễn Đức Tồn, Thuật ngữ học tiếng Việt hiện đại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016.

[9] David, F. R., Strategic management: Concepts and Cases, 14th Edition, Pearson Education, Inc., Boston, 2014.

[10] Gak, V. G., Phraseology in the Context of Culture, Book on Demand Ltd., McFarland, 2018.

[11] Porter, M. E., Competitive strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors, Free Press, New York, 1998.

[12] Kolshansky, G. V., Linguo-epistemological foundations of language nomination, Language nomination, General issues, Moscow: Science, pp. 99-147, 1977.

 

NGUYỄN THỊ THÚY HẠNH