Tóm tắt: Việc biên soạn các công trình từ điển song ngữ bằng tranh đã được tiến hành phổ biến ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước có nền khoa học, giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, Nhật,... Sự kết hợp giữa kênh hình và kênh chữ của các công trình này giúp cho người sử dụng có cái nhìn trực quan, dễ dàng tra cứu và tiếp nhận. Bài viết giới thiệu công trình The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese) (Từ điển Oxford bằng tranh (Anh ngữ/Việt ngữ)), từ đó nêu giá trị của việc học ngoại ngữ qua từ điển song ngữ bằng tranh dành cho học sinh.
Từ khóa: Từ điển Oxford bằng tranh (Anh ngữ/Việt ngữ), cấu trúc, từ điển song ngữ bằng tranh.
Abstract: The compilation of bilingual visual dictionaries has been popularly implemented abroad, especially in the countries with developed science and education such as the UK, the US, Japan, etc. The combination of image and text channels in these dictionaries help users have an intuitive look, easily look up and receive. The article introduces The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese), thereby stating the value of learning foreign languages through bilingual visual dictionaries for students.
Keywords: The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese), structure, bilingual visual dictionaries.
1. Mở đầu
The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese) (Từ điển Oxford bằng tranh (Anh ngữ/Việt ngữ)) là một công trình từ điển song ngữ Anh - Việt bằng tranh của tác giả Norma Shapiro và Jayme Adelson-Goldstein, Công ty Techno-Graphics & Translations, Inc. dịch và Nhà xuất bản Đại học Oxford xuất bản năm 1998. Cuốn sách sử dụng nhiều định dạng hình ảnh khác nhau, mỗi định dạng lại phù hợp với chủ đề được trình bày. Danh sách mục từ được phân đều ở các trang sách và chia thành các phần, chủ đề, giúp người tra cứu tập trung sự chú ý vào một khía cạnh của vấn đề tại một thời điểm nhất định. Mỗi mục từ (kênh chữ) đều được minh họa bằng hình ảnh (kênh hình) rõ ràng, giúp thể hiện chính xác nội hàm ý nghĩa của mục từ. Công trình có thể được xem như là một cuốn cẩm nang cơ bản, cần thiết cho việc học tiếng Anh và tiếng Việt ở trình độ phổ thông; đồng thời cũng là một công trình tra cứu mang tính chuẩn mực bởi tính chính xác và khoa học của nội dung thông tin được trình bày trong công trình.
2. Khái lược công trình The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese)
Công trình The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese) bao gồm 3.700 từ vựng, mỗi từ (tiếng Anh - tiếng Việt) được “định nghĩa” bằng hình ảnh sinh động, sắc nét, chân thực và được trình bày trong ngữ cảnh có ý nghĩa. Với 140 chủ đề chính như: gia đình, nơi làm việc, cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, thông tin cá nhân, thời gian, mua sắm, thể chất, công việc hàng ngày, trái cây, dụng cụ nhà bếp, nấu ăn, nhà hàng, vệ sinh cá nhân, bệnh viện, nghiên cứu học thuật,... cuốn sách giúp người đọc (đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên) và người sử dụng tiếng Anh, tiếng Việt có thể liên hệ đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Các chủ đề được sắp xếp theo 12 vấn đề dựa trên chương trình giảng dạy của các môn học tiếng Anh trình độ sơ cấp và trung cấp. Danh sách các mục từ của từ điển bao gồm cả từ đơn và cụm từ. Nhiều giới từ và tính từ được trình bày dưới dạng các cụm từ, trong đó nêu bật cách sử dụng và cách kết hợp của các từ với nhau một cách tự nhiên.
Mỗi trang trong cuốn sách đều có kênh hình và kênh chữ với mục đích dạy người học về một chủ đề nhất định, các chủ đề này có sự liên quan với nhau và cùng hướng về một vấn đề chung. Ví dụ, mỗi mục từ trong chủ đề Food (Thực phẩm) đều có chung ý nghĩa liên quan đến đồ ăn, đồ uống như: trái cây, rau, thịt, đồ ăn làm sẵn, đồ biển, chợ, đồ đựng và thực phẩm đóng gói, nấu ăn, dụng cụ nhà bếp, thực đơn của quán đồ ăn liền, thực đơn của quán cà phê, nhà hàng phục vụ đồ ăn,… Các trang thể hiện các mục từ thuộc chủ đề này đều có chung một ký hiệu - một hình minh họa là chiếc dĩa và chiếc dao. Thống nhất cách lựa chọn mục từ, cách trình bày hình ảnh minh họa như vậy ở tất cả các chủ đề khác trong cuốn sách. Tranh minh họa có số hoặc mẫu tự trùng khớp với số hoặc mẫu tự nằm trong bảng liệt kê chữ. Ở danh sách mục từ, danh từ, tính từ, giới từ và trạng từ được đánh số, các động từ được in đậm và xác định bằng chữ cái. Cuốn sách cũng bao gồm nhiều bài tập và công cụ tự tiếp cận để hướng dẫn người đọc sử dụng từ vựng một cách dễ dàng và thuận tiện nhất. Nhằm mục đích phân biệt các từ loại, động từ (từ ngữ mô tả hành động) được nhận diện bằng mẫu tự, các từ loại khác được nhận diện bằng con số.
Cách tìm mục từ: dùng Mục lục (trang ix-xi) để tìm một chủ đề tổng quát mà người tra cứu muốn tìm hiểu thêm; dùng Phụ lục (trang 173-205) để tìm mục từ theo thứ tự từ A đến Z; chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác bằng cách đọc qua quyển sách cho đến khi người đọc tìm thấy một chủ đề muốn tìm hiểu.
Cách xem Phụ lục: khi tìm một từ nào đó trong bảng Phụ lục, người đọc sẽ nhìn thấy chữ, cách phiên âm, số (hoặc mẫu tự). Ví dụ: apples [ăp/ǝlz] 50-4 (chữ - cách phiên âm - số trang - số thứ tự hình ảnh). Nếu từ này nằm trong một bản đồ (trang 122-125), người đọc sẽ tìm thấy từ đó trong bảng Phụ Lục địa lý (trang 206-208).
Cách dùng bảng Hướng dẫn động từ: khi muốn biết thì quá khứ hoặc thì quá khứ phân từ của một động từ, người tra cứu có thể tìm động từ đó trong bảng Hướng dẫn động từ. Các động từ thường và các hình thức thay đổi mặt chữ khi đánh vần hay phát âm đều được liệt kê trong trang 170-171. Thì hiện tại, thì quá khứ và thì quá khứ phân từ của các động từ bất quy tắc được liệt kê trong trang 172.
Cách trình bày từ vựng: khi nắm rõ những từ nào học sinh (người học) đã biết, giáo viên (người dạy học) sẽ tập trung vào việc trình bày những từ học sinh cần và chưa rõ nghĩa. Giới thiệu khoảng 10-15 từ mới trong một bài học để học sinh tự học những từ mới đó. Trên các trang có nhiều từ dài hơn, người học không quen với việc một lúc tiếp cận với nhiều từ, giáo viên có thể giới thiệu các từ theo danh mục, theo phần, hoặc chỉ cần chọn từ giáo viên muốn giới thiệu trong bài học. Khi trình bày từ vựng, người dạy có thể sử dụng các kỹ thuật khác nhau (tất nhiên các cách lựa chọn từ để trình bày sẽ phụ thuộc vào chủ đề đang nghiên cứu và trình độ của người học) như: nói từng từ mới và mô tả hoặc định nghĩa nó trong ngữ cảnh của bức tranh; trình bày các động từ hoặc chuỗi động từ cho học sinh/sinh viên, có thể yêu cầu các phiên dịch viên/trợ giảng thể hiện các hành động khi giáo viên giảng; sử dụng các ký hiệu riêng để xây dựng khả năng hiểu từ vựng: dùng bút chì đánh dấu vào sách, ghi vào sổ tay cá nhân,... Có 2 cách đặt câu hỏi để nâng cao khả năng hiểu và tạo cơ hội cho học sinh nói những từ mới, một là bắt đầu bằng câu hỏi có/không và hai là đặt câu hỏi với Wh.
Muốn sử dụng cuốn từ điển một cách thuận tiện và hữu ích nhất, theo các tác giả, người tra cứu nên xem trước chủ đề, nếu công trình được sử dụng trong các trường học, một phương pháp hữu hiệu để bắt đầu bất kỳ bài học mới nào là nói chuyện với học sinh/sinh viên để xác định những gì chúng đã biết về chủ đề. Để thực hiện công việc này, có thể hỏi các câu hỏi chung liên quan đến chủ đề, yêu cầu học sinh suy nghĩ về danh sách các từ mà chúng biết từ chủ đề, hoặc đặt câu hỏi về các bức tranh.
Trước khi chuyển sang giai đoạn luyện tập, điều cần thiết là đảm bảo tất cả học sinh đều hiểu nghĩa của từ vựng cần học và sử dụng đúng ngữ cảnh. Giáo viên có nhiều cách khác nhau để kiểm tra kỹ năng đọc hiểu của học sinh. Có hai cách có thể áp dụng: thứ nhất, yêu cầu học sinh mở sách và chỉ vào những từ mà chúng nghe thấy khi giáo viên nói. Gọi ra các từ vựng theo yêu cầu một cách ngẫu nhiên khi giáo viên đi quanh phòng để kiểm tra xem học sinh có đang chỉ vào các bức tranh chính xác hay không. Thứ hai, giáo viên đưa ra nhận định đúng/sai về từ vựng cần học. Nếu câu trả lời là đúng, yêu cầu học sinh giơ hai ngón tay, giơ ba ngón tay nếu là câu trả lời sai. Giáo viên có thể đánh dấu bằng bút dạ đối với câu trả lời đúng (giơ hai ngón tay),... Người dạy cũng nên dành khoảng thời gian nhất định để xem lại bất kỳ từ nào học sinh đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận trước khi bắt đầu các hoạt động luyện tập tiếp theo, có thể yêu cầu chúng vận dụng những gì đã học được vào một chủ đề khác.
Bài tập, các mẫu câu và câu hỏi liên quan ở cuối trang có vai trò củng cố, luyện tập, phát triển vốn từ vựng của người học; qua đó người học ứng dụng từ vựng và kiến thức mới học vào nhiều chủ đề khác nhau và trong giao tiếp hàng ngày. Hoạt động này giúp người học thực hành sử dụng từ vựng trong các đàm thoại thông thường như: giới thiệu, gọi món, đưa ra yêu cầu,... Mục Share your answers (Chia sẻ câu trả lời của bạn) giúp người học có cơ hội mở rộng việc sử dụng vốn từ vựng để thể hiện suy nghĩ, tình cảm, bộc lộ ý kiến cá nhân của mình. Người học có thể hỏi và trả lời những vấn đề liên quan đến từ mới trong buổi thảo luận, làm việc nhóm, hoặc họ có thể viết câu trả lời dưới dạng nhật ký.
Mục lục bảng chữ cái hỗ trợ người học xác định vị trí của tất cả các từ và chủ đề trong từ điển. Danh sách mục từ cùng cách phiên âm như một chiếc chìa khóa giúp người học phát âm chính xác. Các mục từ là động từ cung cấp cho người tra cứu thông tin về các dạng hiện tại, quá khứ phân từ của động từ.
Nhìn chung, với cách minh họa các mục từ Anh - Việt bằng các bức tranh rõ ràng, sắc nét, sinh động trong những ngữ cảnh phù hợp, công trình The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese) có vai trò như một nguồn tài liệu tham khảo đầy đủ về kho từ vựng cần thiết trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày đối với người học. Cuốn sách với 140 chủ đề khác nhau nhưng khá quen thuộc và hấp dẫn đối với người tra cứu, trong đó một số chủ đề có tính chất hướng nghiệp. Cuốn sách cũng là một công cụ đắc lực hỗ trợ người học phát âm từ vựng được chính xác và trôi chảy hơn.
3. Cấu trúc của công trình The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese)
Ngoài các phần: A letter to the teacher (Lá thư gửi cho giáo viên); A letter to the student (Lá thư gửi cho học sinh); Contents (Mục lục); Verb Guide (Hướng dẫn về động từ): các động từ trong tiếng Anh là dạng thường hoặc bất quy tắc ở thì quá khứ và quá khứ phân từ; Index (Phụ lục): hướng dẫn phát âm, các phụ âm, ranh giới của các âm tiết; Geographical Index (Phụ lục địa lý); Vietnamese Index (Phụ lục tiếng Việt), công trình The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese) có cấu trúc gồm 12 vấn đề lớn, trong mỗi vấn đề lại bao gồm những chủ đề cụ thể và được sắp xếp theo sơ đồ hình cây như sau:
Everyday Language (Ngôn ngữ hàng ngày) gồm các chủ đề: A Classroom (Lớp học) có các mục từ như: student (học sinh), teacher (giáo viên), desk (bàn), stand up (đứng lên), open your book (mở sách ra),… Personal Information (Thông tin cá nhân) có các mục từ như: name (tên), first name (tên riêng), spell your name (đánh vần tên), fill out a form (điền vào đơn), print your name (viết tên bằng chữ in),… School (Trường học) có các mục từ như: classroom (phòng học), rest room (nhà vệ sinh), track (sân điền kinh), principal (hiệu trưởng),… Studying (Học) có các mục từ như: look up a word (tìm một từ), say the word (đọc từ đó lên), share a book (dùng chung quyển sách), Help your partner (giúp bạn), discuss the list (thảo luận về bản liệt kê),…
People (Người) bao gồm các chủ đề: Everyday Conversation (Đàm thoại hàng ngày) có các mục từ như: begin a conversation (bắt đầu cuộc đàm thoại), introduce your friend (giới thiệu bạn), make sure you understand (nghe lại cho kỹ),... The Telephone (Điện thoại) có các mục từ như: receiver (ống nghe), local call (gọi gần), international call (gọi đi nước ngoài), deposit coins (bỏ tiền vào máy), dial the number (bấm số điện thoại),… Weather (Thời tiết) có các mục từ như: temperature (nhiệt độ), cloudy (mây mù), hail (mưa đá), humid (ẩm),… Describing Things (Mô tả đồ vật) có các mục từ như: heavy box (hộp nặng), neat closet (tủ áo gọn gàng), expensive ring (nhẫn đắt tiền),… Colors (Màu sắc) có các mục từ như: blue (xanh nước biển), white (trắng), black (đen),… Prepositions (Giới từ) có các mục từ/mẫu câu như: The red box is next to the yellow box, on the left (hộp màu đỏ ở sát bên trái hộp màu vàng),… Numbers and Measurements (Con số và đo lường) bao gồm các mục từ là số tự nhiên thường, số thứ tự, số La Mã, phân số, phần trăm, đo lường, tương đương,… Time (Thời gian) có các mục từ như: second (giây), hour (giờ), morning (sáng), late (muộn),… The Calendar (Lịch) gồm các mục từ: Days of the week (ngày trong tuần), Months of the year (tháng trong năm),… Money (Tiền) gồm các mục từ: Coins (tiền kim loại, tiền xu), bills (tiền giấy), way to pay (cách trả tiền),… Shopping (Mua sắm) gồm các mục từ như: regular price (giá thường), sales tax (thuế bán), change (tiền thối),…
Housing (Nhà cửa) bao gồm các chủ đề: A House (Nhà), A Living Room (Phòng khách), A Bathroom (Phòng tắm), A Bedroom (Phòng ngủ), A Children’s (Phòng ngủ trẻ con), Housework (Việc nhà), Cleaning Supplies (Vật dụng lau chùi),…
Food (Thực phẩm) bao gồm các chủ đề như: Fruit (Trái cây), Vegetables (Rau), Meat and Poultry (Thịt), Deli and Seafood (Tiệm bán đồ ăn làm sẵn và đồ biển), The Market (Chợ), Food Preparation (Nấu Ăn), Kitchen Utensils (Dụng cụ nhà bếp),…
Clothing (Y phục) bao gồm các chủ đề như: Shoes and Accessories (Giày và phụ tùng), Describing Clothes (Mô tả y phục), Doing the Laundry (Giặt đồ), Sewing and Alterations (Khâu may và sửa đồ),…
Health (Sức khỏe) bao gồm các chủ đề như: The Body (Cơ thể), Personal Hygiene (Vệ sinh cá nhân), Symptoms and Injuries (Triệu chứng và thương tích), Health Care (Chăm sóc sức khỏe), Medical Emergencies (Cấp cứu y tế), Clinics (Y-Viện), Medical and Dental Exams (Khám bệnh và khám răng),…
Community (Cộng đồng) bao gồm các chủ đề: City Streets (Đường Phố), An Intersection (Ngã Tư), A Mali (Trung Tâm Thương Mại), A Childcare Center (Trung Tâm Nuôi Dạy Trẻ), U.S. Mail (Bưu Điện Hoa-Kỳ), A Bank (Ngân Hàng), A Library (Thư Viện), The Legal System (Hệ Thống Pháp Luật), Crime (Tội Ác), Public Safety (An Toàn Công Cộng), Emergencies and Natural Disasters (Tai họa khẩn cấp và thiên tai),…
Transportation (Giao thông) bao gồm các chủ đề như: Public Transportation (Giao thông công cộng), Cars and Trucks (Xe hơi và xe tải), Directions and Traffic Signs (Phương hướng và bảng hiệu lưu thông), An Airport (Phi trường), A Plane Trip (Chuyến bay),…
Areas of Study (Học đường) bao gồm các chủ đề như: Types of Schools (Loại Trường học), English Composition (Luận văn bằng tiếng Anh), U.S. History (Lịch sử Hoa Kỳ), U.S. Government and Citizenship (Chính quyền Hoa Kỳ và quyền công dân), Geography (Địa lý), Mathematics (Toán học), Science (Khoa học), Music (Âm nhạc),…
Plants and Animals (Thực vật và Động vật) bao gồm các chủ đề như: Trees and Plants (Cây cối); Flowers (Hoa); Marine Life, Amphibians, and Reptiles (Thủy sản, giống lội nước và giống bò sát); Birds, Insects, and Arachnids (Chim, Côn Trùng, và Nhện); Domestic Animals and Rodents (Thú vật nuôi trong nhà và loài gặm nhấm); Mammals (Động vật có vú),...
Work (Làm việc) bao gồm các chủ đề như: Jobs and Occupations (Việc làm và nghề nghiệp), Job Skills (Kỹ năng làm việc), Job Search (Tìm việc), An Office (Văn phòng), Computers (Máy điện toán), A Hotel (Khách sạn), A Factory (Nhà máy), Job Safety (An toàn trong khi làm việc), Farming and Ranching (Trồng trọt và chăn nuôi),...
Recreation (Giải trí) bao gồm các chủ đề như: Places to Go (Những nơi đi thăm), The Park and Playground (Công viên và sân chơi), Outdoor Recreation (Giải trí ngoài trời), The Beach (Bãi biển), Sports Verbs (Các động từ trong thể thao), Team Sports (Các môn thể thao đồng đội), Individual Sports (Các môn thể thao cá nhân), Winter Sports and Water Sports (Các môn thể thao mùa đông và các môn thể thao dưới nước),…
Những vấn đề lớn và các chủ đề nhỏ hơn được đưa ra trong cấu trúc chung của cuốn sách đã góp phần bao quát nhiều lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày. Mục từ được giới thiệu để biên soạn cũng phổ biến và thông dụng đối với từng vấn đề liên quan. Cách thức lựa chọn mục từ thuộc các chủ đề trong cuốn sách chứng tỏ khả năng “giàu có”, phong phú về vốn kiến thức ngôn ngữ và kinh nghiệm sống cùng sự sáng tạo của các soạn giả.
4. Giá trị của việc học ngoại ngữ qua từ điển song ngữ bằng tranh
Chúng tôi cho rằng, loại từ điển song ngữ bằng tranh có thể được coi là một trong những chiếc chìa khóa “vạn năng” để phát triển tư duy ngôn ngữ cho người học, đặc biệt đối với đối tượng là trẻ em học sinh, và có tác dụng hơn nữa cho người học ngoại ngữ. Sự kết hợp một cách hợp lý giữa từ vựng và hình ảnh, cách phân loại từ, cấu trúc câu,… đóng vai trò như những bài học kiến thức, từ đơn giản cho đến mức độ khó hơn, phức tạp hơn, tạo hứng thú cũng như thói quen học tập, thói quen tư duy hàng ngày của người học. Từ thói quen tư duy đó, người học sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức và liên tưởng tới những bài học trong cuộc sống. Đối với đối tượng là trẻ em, sự tiếp thu và tác động từ hình ảnh sẽ nhanh hơn chữ viết, điều này sẽ giúp trẻ luyện tập khả năng đọc hiểu và hình thành tư duy ngôn ngữ đối với ngoại ngữ sẽ nhanh hơn. Vốn từ vựng của trẻ sẽ ngày càng được tích lũy nhiều hơn do các mục từ được trình bày ở dạng nguyên bản (ví dụ: tiếng Anh - tiếng Việt, tiếng Pháp - tiếng Việt,…). Đây là minh chứng rõ ràng nhất về chức năng/khả năng giáo dục cao của các công trình từ điển song ngữ bằng tranh.
Khi sử dụng các công trình tra cứu song ngữ bằng tranh, người học (đặc biệt là trẻ em) được tiếp xúc với tiếng nước ngoài thường xuyên qua các hình ảnh sống động, nhiều màu sắc gắn với những hoạt động, câu chuyện gần gũi, thường gặp của cuộc sống, các từ vựng mới được sử dụng trong các câu minh họa đúng ngữ cảnh, điều này sẽ tạo hứng thú, gây kích thích não bộ, giúp trẻ ghi nhớ nghĩa chuẩn xác và sử dụng đúng trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Với các tình huống đàm thoại của các nhân vật trong sách giúp trẻ có cơ hội luyện tập cách diễn đạt, phát âm cũng như biết cách áp dụng từng cấu trúc theo đúng ngữ cảnh và tình huống giao tiếp. Nhờ những hình ảnh minh họa, từ điển song ngữ bằng tranh giúp cho người học dễ thuộc, dễ nhớ từ vựng và những bài học trong cuộc sống, góp phần tạo hứng thú trong việc học ngoại ngữ.
Về mặt khoa học, các công trình tra cứu song ngữ qua tranh được biên soạn bởi những người có chuyên môn sẽ góp phần cung cấp thông tin tri thức một cách hệ thống và khái quát, đồng thời chuẩn hóa thông tin tri thức một cách chính xác và cập nhật nhất.
Về mặt giáo dục, đối với đối tượng là học sinh trong nhà trường đã hình thành năng lực tự đọc ở mức độ nhất định, đã dần có ý thức chủ động trong việc tự học và khám phá những điều mới mẻ, nên các cuốn từ điển song ngữ bằng tranh có ý nghĩa quan trọng và cần thiết, phù hợp với năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy trực quan tiến tới tư duy trừu tượng, giúp tăng cường trí nhớ và hoạt động thể chất của người học được tốt hơn, hiệu quả hơn. Với các công trình từ điển song ngữ bằng tranh, trẻ sẽ học được bảng chữ cái nhanh hơn, thực hành chính tả tốt hơn, xây dựng vốn từ vựng phong phú và hiểu được những cấu trúc câu mới một cách linh hoạt hơn.
5. Kết luận
Biên soạn từ điển dành cho học sinh, đặc biệt là từ điển song ngữ qua tranh minh họa dành cho học sinh học ngoại ngữ từ lâu đã được các soạn giả trong và ngoài nước hết sức quan tâm, bởi các công trình này phục vụ tích cực cho việc dạy và học, có nghĩa là dùng cho cả người dạy và người học. The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese) là một công trình tra cứu hữu ích không chỉ đối với đối tượng là học sinh mà còn có tác dụng đối với những người Việt Nam học tiếng Anh và người nước ngoài học tiếng Việt. Cấu trúc mục từ (đối dịch Anh ngữ - Việt ngữ) kết hợp cách giải thích bằng hình ảnh sắc nét, chân thực đã góp phần diễn tả chính xác ý nghĩa mục từ, có tác động trực tiếp đến tư duy trực quan của người học, người tra cứu. Điều này giúp người học, người tra cứu nhớ nhanh, nhớ lâu các từ vựng mới học hơn, từ đó dễ dàng vận dụng trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu và sinh hoạt hàng ngày. Hướng biên soạn các công trình tra cứu song ngữ bằng tranh đã phát triển từ khá lâu trên thế giới và đến nay vẫn đang là hướng mở. Chúng ta có thể tiếp thu, kế thừa kinh nghiệm của các soạn giả trong việc tiến hành biên soạn công trình này để triển khai thực hiện các công trình từ điển song ngữ bằng tranh đối với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Vũ Quang Hào, Kiểm kê Từ điển học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
[2] Nguyễn Văn Lợi, “Từ điển học và Bách khoa thư học”, Từ điển học và Bách khoa thư, số 3(23), tháng 5/2013.
[3] Hà Quang Năng, Lê Thị Lệ Thanh, “Chức năng của từ điển chuyên ngành”, Từ điển học và Bách khoa thư, số 3(29), tháng 5/2014.
[4] Zgusta, L., Hồ Hải Thụy và Vũ Ngọc Bảo dịch, Giáo trình Từ điển học, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 1978.
[5] Shapiro, Norma, Jayme Adelson-Goldstein, Techno-Graphics & Translations, Inc. (translate), The Oxford Picture Dictionary (English/Vietnamese), Oxford University Press, New York, 1998.
NGUYỄN NHƯ TRANG