CƠ SỞ BIÊN SOẠN VÀ MÔ HÌNH CẤU TRÚC BÁCH KHOA THƯ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM

07/12/2023
Tóm tắt: Tính đến nay, có nhiều di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một số được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bài viết đề cập đến cơ sở biên soạn (lý thuyết và thực tiễn) và việc xây dựng cấu trúc vĩ mô, phác thảo cấu trúc vi mô và biên soạn mục từ mẫu trong công trình Bách khoa thư Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Tóm tắt: Tính đến nay, có nhiều di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một số được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bài viết đề cập đến cơ sở biên soạn (lý thuyết và thực tiễn) và việc xây dựng cấu trúc vĩ mô, phác thảo cấu trúc vi mô và biên soạn mục từ mẫu trong công trình Bách khoa thư Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Từ khóa: Cơ sở biên soạn, cấu trúc vĩ mô, cấu trúc vi mô, di sản văn hóa phi vật thể, dân tộc thiểu số.

Abstract: Up to now, many intangible cultural heritages of ethnic minorities in Vietnam have been inscribed on the National Intangible Cultural Heritage List, some have been recognized by UNESCO as representative intangible cultural heritages of humanity. The article mentions the bases of compilation (theory and practice), the construction of macro- and micro-structures, and compiles a sample entry in the Encyclopedia of Intangible Cultural Heritages of Ethnic Minorities in Vietnam.

Keywords: Bases of compilation, macro-structure, micro-structure, intangible cultural heritages, ethnic minorities.

 

1. Mở đầu

Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) và di sản văn hóa vật thể là những di sản văn hóa lâu đời và có giá trị của Việt Nam, bao gồm những di sản đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO công nhận. Các di sản này là sản phẩm tinh thần gắn với cá nhân hoặc cộng đồng có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng một dân tộc thiểu số cụ thể. Để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng thì các DSVHPVT này cần được bảo lưu, truyền bá sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Biên soạn công trình Bách khoa thư Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam** sẽ góp phần hệ thống hóa và chuẩn hoá tri thức về các di sản văn hóa này.

2. Cơ sở lý thuyết

Từ điển bách khoa Việt Nam đưa ra định nghĩa văn hóa phi vật thể (VHPVT) như sau: VĂN HÓA PHI VẬT THỂ một bộ phận của văn hóa nói chung. Theo nghĩa rộng, đó là toàn bộ kinh nghiệm tinh thần của nhân loại, của các hoạt động trí tuệ cùng những kết quả của chúng, bảo đảm xây dựng con người với những nhân cách, tác động dựa trên ý chí và sáng tạo. VHPVT tồn tại dưới nhiều hình thái. Đó là những tục lệ, chuẩn mực, cách ứng xử,… đã được hình thành trong những điều kiện xã hội mang tính lịch sử cụ thể, những giá trị và lý tưởng đạo đức, tôn giáo, thẩm mĩ, xã hội, chính trị, hệ tư tưởng, v.v. Theo nghĩa hẹp, VHPVT được coi là một phần của nền văn hóa, gắn với cuộc sống tâm linh của con người, thể hiện những giá trị, lý tưởng, kiến thức. [1, tr.813]

Trong Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đưa ra định nghĩa như sau: “Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại”. [4]

Như vậy, có thể hiểu DSVHPVT là một phần của nền văn hóa, bao gồm các tập quán, hình thức thể hiện, tri thức, kỹ năng,... Các di sản này được truyền từ đời này sang đời khác, mang trong mình dấu ấn lịch sử, giá trị văn hóa, lý tưởng đạo đức, tôn giáo, thẩm mỹ, xã hội, chính trị, hệ tư tưởng,…

Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 20.6.2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì tiêu chí lựa chọn DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia bao gồm: 1. Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; 2. Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; 3. Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; 4. Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Theo các tiêu chí này, từ năm 2012 đến năm 2020, Việt Nam có 323 DSVHPVT cấp quốc gia, trong đó có 169 DSVHPVT các dân tộc thiểu số (52,3%) và có 14 DSVHPVT được UNESCO công nhận, trong đó có 03 DSVHPVT dân tộc thiểu số (21,4%) là: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái. Đây là những DSVHPVT đã được quốc gia công nhận trước đó.

Theo Điều 2 Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi thì DSVHPVT được chia thành 7 loại sau: 1. Tiếng nói, chữ viết; 2. Ngữ văn dân gian; 3. Nghệ thuật trình diễn dân gian; 4. Tập quán xã hội và tín ngưỡng; 5. Lễ hội truyền thống; 6. Nghề thủ công truyền thống; 7. Tri thức dân gian. Sự phân chia này là căn cứ để các nhà biên soạn tiến hành xây dựng cấu trúc vi mô cho từng loại mục từ trong Bách khoa thư Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam. Mỗi loại mục từ sẽ có một khung cấu trúc riêng và nội dung thông tin trong mỗi loại sẽ gắn với loại mục đó.

3. Cấu trúc vĩ mô

Cấu trúc vĩ mô là cấu trúc bảng mục từ. Bảng mục từ được coi là xương sống của bách khoa thư. Do đó, bảng từ của Bách khoa thư Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam bao gồm tất cả những di sản được quốc gia (Việt Nam) và UNESCO công nhận.

Về tiêu chí lựa chọn các mục từ: người biên soạn có thể chọn một trong 3 cách sau: thứ nhất, theo năm công nhận di sản của quốc gia/UNESCO tính từ năm 2012 đến năm 2020, trong mỗi năm lại xếp vần chữ cái tên đầu của di sản hoặc xếp theo thời gian (tháng) được công nhận; thứ hai, theo địa phương/vị trí địa lý của di sản; thứ ba, theo loại hình của di sản. Trong ba cách trên thì cách thứ nhất và cách thứ 3 mang tính bao quát hơn cả bởi xếp theo năm thì có thể nắm được trong một năm có bao nhiêu di sản được đưa vào danh mục quốc gia hoặc được UNESCO công nhận, còn xếp theo loại thì sẽ thống kê được số lượng của từng loại. Tuy nhiên chọn cách này hay cách khác chỉ là thao tác để làm việc, còn trên thực tế thì dù làm theo cách nào các nhà biên soạn cũng phải chọn đủ và đúng các di sản đã được đưa vào danh sách.

Nhóm tiếng nói chữ viết gồm các mục: Chữ Nôm của người Tày (Bắc Kạn, 2014); Chữ Nôm của người Dao (Lào Cai, 2015); Chữ Nôm của người Dao (Bắc Kạn, 2012); Chữ viết cổ của người Thái (Sơn La, 2016).

Nhóm ngữ văn dân gian gồm các mục: Khan (sử thi) của người Ê Đê (Đắk Lắk, 2014); Ot Ndrong (Sử thi) của người Mnông (Đắk Nông, 2014); Hơmon (Sử thi) của người Ba Na (Gia Lai, 2014); Dân ca Cao Lan (2012).

Nhóm nghệ thuật trình diễn dân gian gồm các mục: Nghệ thuật Rô-băm của người Khmer (Sóc Trăng, 2012); Nghệ thuật Chầm riêng chà pây của người Khmer (Trà Vinh, 2013); Hát Páo của người Dao (Tuyên Quang, 2013); Nghệ thuật xòe Thái (Điện Biên, 2013); Lượn Slương của người Tày (Bắc Kạn, 2014); Múa Tắc Xình của người Sán Chay (Thái Nguyên, 2014); Múa Tân ‘tung Da‘ dá của người Cơ Tu (Quảng Nam, 2014); Múa trống Chhay-dăm (Tây Ninh, 2014); Nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer (Sóc Trăng, 2014); Nghệ thuật The (múa) của người Tày ở Tà Chải (Lào Cai, 2014); Hát sình ca của người Cao Lan (Tuyên Quang, 2015); Hát soọng cô của người Sán Dìu (Tuyên Quang, 2015); Hát soọng cô của người Sán Dìu (Thái Nguyên, 2015); Nghệ thuật Khèn của người H’Mông (Lào Cai, 2015); Nghệ thuật Khèn của người H’Mông (Hà Giang, 2015); Nghệ thuật Múa khèn của người H’Mông (Bắc Kạn, 2015); Nghệ thuật Xoè Thái (Lai Châu, 2015); Nghệ thuật Xoè Thái (Sơn La, 2015); Nói lý, hát lý của người Cơ Tu (Quảng Nam, 2015); Rối cạn của người Tày ở Thẩm Rộc và Ru Nghệ (Thái Nguyên, 2015); Hát sấng cọ (Hát ví Lưu Tam) của người Sán Chay (2016); Trò diễn Pôồn Pôông của người Mường (Thanh Hóa, 2016); Nghệ thuật Chiêng Mường (Hòa Bình, 2016); Múa Sư tử của người Tày, Nùng (Lạng Sơn, 2017); Hạn Khuống của người Thái (Yên Bái, 2017); Nghệ thuật Khèn của người H’Mông (Thái Nguyên, 2017); Nghệ thuật Rô-bam của người Khmer (Trà Vinh, 2017); Dân ca của người Bố Y (2018); Lượn Cọi của người Tày (Thái Nguyên, 2018); Hát soọng cô của người Sán Dìu (Vĩnh Phúc, 2018); Khắp Nôm của người Tày (Lào Cai, 2018); Pả Dung của người Dao (Thái Nguyên, 2018); Hát Sli của người Nùng (2019); Nghệ thuật Rô-băm của người Khmer (Sóc Trăng, 2019); Xường giao duyên của người Mường (Thanh Hóa, 2019); Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ (Tuyên Quang, 2019); Nau M’Pring (Dân ca) của người M’Nông (Đắk Nông, 2020); Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2012).

Nhóm các di sản thuộc nhóm tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các mục: Nghi lễ cấp sắc của người Dao (Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái, 2012); Nghi lễ Then của người Tày (Lào Cai, Quảng Ninh và Tuyên Quang, 2012); Nghi lễ cấp sắc của người Dao (Tuyên Quang, 2014); Kéo co của người Tày, người Giáy (Lào Cai, 2014); Lễ hội năm mới của người Giáy (Hà Giang, 2014); Nghi lễ cấp sắc của người Dao (Thái Nguyên, 2014); Nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu của người Co (Quảng Nam, 2014); Nghi lễ Then của người Tày (Cao Bằng, 2014); Ot Ndrong (sử thi) của người M’Nông (Đăk Nông, 2014); Tết Khu Cù Tê của người La Chí (Hà Giang, 2014); Tết Sử giề pà của người Bố Y (Lào Cai, 2014); Nghi lễ Hét Khoăn của người Nùng ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên, 2015); Lễ Khoi kìm (cúng rừng) của người Dao đỏ (Lào Cai, 2015); Lễ hội cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Gia Lai, 2015); Kéo co của người Thái (Lai Châu, 2015); Nghi lễ Hét Khoăn của người Nùng (Thái Nguyên, 2015); Nghi lễ Then của người Tày (Hà Giang, 2015); Nghi lễ Then của người Tày (Thái Nguyên, 2015); Nghi lễ Then của người Tày, người Nùng (Bắc Giang, 2015); Nghi lễ Then của người Tày, người Nùng (Lạng Sơn, 2015); Tết Nào pê chầu của người H’Mông đen (Điện Biên, 2015); Lễ cấp sắc của người Tày (Bắc Kạn, 2015); Lễ Gạ ma do (cúng rừng) của người Hà Nhì (Lào Cai, 2015); Lễ Kin Pang Then của người Thái trắng (Điện Biên, 2015); Nghi lễ cấp sắc của người Dao (Sơn La, 2016); Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày (Bắc Kạn, 2016); Nghi lễ mừng sinh nhật (Hắt khoăn) của người Nùng (Bắc Kạn, 2016); Nghi lễ Tết nhảy (Nhảng chầm đao) của người Dao (Thái Nguyên, 2016); Tết cá của người Tày (Hà Giang, 2016); Mo Mường ở Hòa Bình (Hòa Bình, 2016); Lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao (Tịu siằng thun boàu liu) (Bắc Kạn, 2016); Lễ cúng dòng họ (Tu su) của người Mông (Sơn La, 2016); Lễ cúng rừng (Mo đổng trư) của người Nùng (Hà Giang, 2016); Lễ cúng rừng (Mủ đẳng mai) của người Thu Lao (Lào Cai, 2016); Lễ Xăng Khan (Kin chiêng boóc mạy) của người Thái (2017); Lễ hát múa ăn mừng dưới cây Bông (Kin Chiêng Bọoc Mạy) của người Thái (Thanh Hóa, 2017); Nghi lễ Cấp sắc của người Nùng (Thái Nguyên, 2017); Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào (Điện Biên, 2017); Lễ Xăng Khan (Kin chiêng boóc mạy) của người Thái (Nghệ An, 2017); Nghi lễ cấp sắc của người Nùng (Thái Nguyên, 2017); Lễ Cúng trưởng thành của người Ê Đê (Phú Yên, 2018); Lễ ra đồng “Pặt oong” của người Pu Péo (Hà Giang, 2018); Lễ cấp sắc Pụt (Lẩu Pụt) của người Tày (Bắc Kạn, 2018); Lễ cầu an (Pang A) của người La Ha (Sơn La, 2018); Lễ cầu làng (Áy lay) của người Dao Họ (Lào Cai, 2018); Lễ cúng rừng của người Phù Lá (Hà Giang, 2018); Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê (Phú Yên, 2018); Nghệ thuật Khèn của người H’Mông (Sơn La, 2018); Trống trong nghi lễ của người H’Mông (Lào Cai, 2018); Lễ cấp sắc của người Sán Dìu (Thái Nguyên, 2018); Nghi lễ then của người Giáy (Lào Cai, 2019); Nghi lễ Mo Tham Thát của người Tày (Lào Cai, 2019); Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt (Phú Thọ, 2019); Lễ Gạ ma thú (cúng bản) của người Hà Nhì (Điện Biên, 2019); Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền (Sơn La, 2019); Lễ cấp sắc của người Dao Tiền (Phú Thọ, 2020); Lễ Cấp sắc (Tủ cải) của người Dao Quần Chẹt (Điện Biên, 2020); Lễ Kin Pang Then của người Thái trắng (Sơn La, 2020); Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của người Kháng (Điện Biên, 2020); Lễ cúng rừng của người Giáy (Lào Cai, 2020); Lễ hội nhảy lửa của người Dao Đỏ (Hà Giang, 2020); Tết Nguyên tiêu của người Hoa (thành phố Hồ Chí Minh, 2020).

Nhóm lễ hội truyền thống gồm các mục: Lễ hội Tháp Bà Pônagar (Khánh Hòa, 2012); Lễ hội Gầu Tào của người Mông (Hà Giang, Lào Cai, 2012); Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo (2012); Lễ hội Lồng tồng của người Tày (Tuyên Quang, 2012); Lễ bỏ mả của người Raglai (Khánh Hòa, 2012); Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô (Hà Giang, 2012); Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn (Hà Giang, 2012); Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy ở xã Tả Van, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai (2012); Lễ Pút tồng của người Dao đỏ (Lào Cai, 2012); Lễ hội Lồng tồng Ba Bể (Bắc Kạn, 2014); Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen (Lào Cai, 2014); Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer (Trà Vinh, 2014); Lễ hội Quỹa Hiéng (Lễ hội qua năm) của người Dao đỏ (Hà Giang, 2015); Lễ hội Bủng Kham (Lạng Sơn, 2014); Lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn, 2014); Lễ Hết Chá của người Thái (Sơn La, 2014); Lễ hội Kate của người Chăm (Ninh Thuận, 2017); Lễ hội Lồng tồng của người Tày (Thái Nguyên, 2017); Lễ hội Nàng Hai của người Tày (Cao Bằng, 2017); Lễ hội Lồng tồng của người Tày (Lào Cai, 2017); Lễ hội Nàng Hai của người Tày (Hà Giang, 2018); Lễ hội cầu mùa của người Sán Chay (Thái Nguyên, 2018); Mền loóng phạt ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống (Điện Biên, 2019); Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống (Điện Biên, 2019); Lễ hội Gầu Tào của người Mông (Lai Châu, 2020).

Nhóm nghề thủ công truyền thống gồm các mục: Nghề làm gốm của người Chăm (Bình Thuận, 2012); Nghề Chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa (Lào Cai, 2013); Nghề chàng Slaw của người Nùng Dín (Lào Cai, 2013); Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày (Bắc Kạn, 2014); Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam, 2014); Nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi (Thừa Thiên Huế, 2014); Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc (Ninh Thuận, 2017); Nghề chạm khắc bạc của người Dao Đỏ (Lào Cai,  2018); Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê (Quảng Ngãi, 2019); Nghề rèn của người Nùng An (Cao Bằng, 2019); Nghề làm trống của người Dao Đỏ (Lào Cai, 2020).

Nhóm tri thức dân gian gồm các mục: Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Xá Phó (Lào Cai, 2020); Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang (Hà Giang, 2020); Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người H’Mông (Hà Giang, 2016); Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa (Điện Biên, 2017); Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer (An Giang, 2017); Kỹ thuật làm giấy bản của người Dao Đỏ (Hà Giang, 2018); Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ (2019); Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Pa Dí (Lào Cai, 2020); Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa (Sơn La, 2020); Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ (Lào Cai, 2020).

4. Cấu trúc vi mô

Cấu trúc vi mô loại mục từ tiếng nói, chữ viết gồm: Tên của tiếng nói chữ viết; Định nghĩa; Nguồn gốc ra đời; Địa bàn thực hành; Nội dung; Giá trị văn hóa/lịch sử; Ý nghĩa; Tác dụng với cộng đồng; Hiện trạng; Tổ chức và năm được công nhận; Tên người biên soạn; Tài liệu tham khảo.

Cấu trúc vi mô loại mục từ ngữ văn dân gian gồm: Đầu mục (viết in hoa): Tên của ngữ văn dân gian; Nguồn gốc ra đời; Địa bàn thực hành, Nội dung; Giá trị nội dung/văn hóa/lịch sử; Tổ chức và năm được công nhận; Tên người biên soạn; Tài liệu tham khảo.

Cấu trúc vi mô loại mục từ nghệ thuật trình diễn dân gian gồm: Tên của nghệ thuật trình diễn dân gian; Định nghĩa; Địa bàn thực hành; Nội dung; Ý nghĩa; Tác dụng với cộng đồng; Hiện trạng; Tổ chức và năm được công nhận; Tên người biên soạn; Tài liệu tham khảo.

Cấu trúc vi mô loại mục từ tập quán xã hội và tín ngường gồm: Tên của tập quán xã hội và tín ngưỡng; Tên dân tộc và địa phương có tập quán/tín ngưỡng; Nội dung: thời gian, lễ vật, nghi thức,...; Ý nghĩa đối với cộng đồng; Hiện trạng; Tổ chức và năm được công nhận; Tên người biên soạn; Tài liệu tham khảo.

Cấu trúc vi mô loại mục từ lễ hội gồm: Tên của lễ hội; Định nghĩa; Thời gian; Địa bàn thực hành; Miêu tả (lễ vật, nghi thức,...); Ý nghĩa; Tác dụng với cộng đồng; Hiện trạng; Tổ chức và năm được công nhận; Tên người biên soạn; Tài liệu tham khảo.

Cấu trúc vi mô loại mục từ nghề thủ công gồm: Tên của nghề thủ công; Định nghĩa; Nguồn gốc ra đời; Địa bàn thực hành; Miêu tả (nguyên liệu, công cụ, kỹ thuật, quy trình sản xuất, cách bảo quản,...); Ý nghĩa và tác dụng với cộng đồng; Hiện trạng; Tổ chức và năm được công nhận; Tên người biên soạn; Tài liệu tham khảo.

Cấu trúc vi mô loại mục từ tri thức dân gian gồm: Tên của tri thức dân gian; Định nghĩa; Địa bàn thực hành; Miêu tả (nguyên liệu, kỹ thuật, các công đoạn, nghệ thuật,...); Sản phẩm; Ý nghĩa; Tác dụng với cộng đồng; Hiện trạng; Tổ chức và năm được công nhận; Tên người biên soạn; Tài liệu tham khảo.

5. Mục từ mẫu

Trong khuôn khổ của một bài báo, chúng tôi không thể đưa hết mục từ mẫu cho 7 loại mục. Chúng tôi lựa chọn loại mục số 7 để làm mẫu dưới đây:

TRI THỨC CANH TÁC HỐC ĐÁ CỦA CƯ DÂN CAO NGUYÊN ĐÁ HÀ GIANG, là một phương pháp và kinh nghiệm canh tác nông nghiệp đã được đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng cao nguyên đá áp dụng hàng nghìn năm nhằm mưu sinh, bảo đảm cuộc sống hằng ngày. Hoạt động canh tác hốc đá trải rộng trên địa bàn 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ thuộc tỉnh Hà Giang.

Các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ có địa hình nhiều núi đá vôi, ít sông suối và thường xuyên thiếu nước, đất canh tác. Do đó, người Mông, Dao, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo,... phải tận dụng các hốc đá để sản xuất nông nghiệp. Thực hiện công việc này họ phải khai phá nương, làm đất, tra hạt, chăm sóc, thu hoạch. Các nông cụ họ thường sử dụng như: cày, bừa, cuốc bướm. Cày do người Mông chế tác, phù hợp với địa hình đất dốc, nhiều đá. Thân cày chắc khỏe, lưỡi cày có hình tam giác cân, nhỏ, dầy, mũi hơi tù và nặng, chịu được lực khi va đập vào đá. Bừa có hai loại: bừa tay và bừa chân. Bừa tay là loại bừa có tay ngang để người sử dụng cầm ấn xuống khi bừa. Bừa chân có dạng hình chữ nhật, có hai hàng răng, không có tay giữ, khi bừa người điều khiển phải đứng lên. Bừa chân được sử dụng phổ biến. Những nơi đất khô và cứng, người ta phải đặt thêm đá lên thân bừa - tạo sức nặng. Do đó bừa được sâu hơn, đất cũng tơi hơn. Cuốc bướm hình tam giác, lưỡi mỏng, bản to, phần chuôi cong, nhọn hai đầu. Do cấu tạo như vậy nên rất thuận lợi cho việc cào, vơ cỏ, vun gốc cây.

Khai phá nương là công việc tốn nhiều công sức, thời gian và thường được làm vào mùa khô. Nương được chọn thường là có nhiều nắng, không quá dốc. Công việc đầu tiên là phát cỏ, làm quang từ dưới lên. Cỏ và các cây được phát sẽ để phơi nắng khoảng  2 đến 3 tuần rồi đốt. Sau đó, nhặt đá xếp thành bờ lần lượt từ dưới lên mục đích là giữ cho nương không bị lở, trôi màu. Với diện tích rộng thì người dân làm thành bậc thang. Thường thì người ta xếp đá ở những nơi có diện tích rộng. Những chỗ nhiều đá thì kè thành những hốc đá rồi đổ đất cho đầy. Việc làm đất thường diễn ra sau tết. Với những mảnh nương nhiều đá thì đồng bào cho vào gùi mang đi rải, còn với những mảnh nương rộng thì sử dụng bò làm sức kéo để cày bừa cho đất được tươi xốp. Các gốc ngô cũ và cây cỏ được dọn sạch. Đối với nương nhiều đá và những hốc đá không thể cày thì họ dùng cuốc bướm để cuốc tơi đất, dọn sạch cỏ, gùi đất bổ sung vào hốc đá và kè lại cho kín. Sau công việc làm đất, đồng bào bắt tay vào bón đất bằng phân chuồng được ủ kỹ. Tiếp đến là khâu ngâm giống. Ngô giống được ngâm nước vài ngày khi mầm nảy thì tiến hành tra hạt. Với cách làm này hạt nhanh nảy mầm và tránh được côn trùng, sâu bọ phá hoại. Người Mông có tục kiêng tra hạt vào ngày con rắn, con rồng bởi theo họ đây là những ngày xấu, năng suất sẽ không cao. Thường thì đồng bào sẽ tra hạt lần lượt từ nương thấp đến nương cao, hốc đá tra hạt riêng lẻ sẽ làm sau cùng. Công đoạn tra hạt cơ bản có 4 nhóm người: người đi đầu cuốc hốc, người tiếp theo tra hạt, người đi sau bỏ phân và người cuối cùng lấp đất. Mỗi hốc đất người ta thường tra từ 4-5 hạt. Người Mông và Pu Péo để khoảng cách giữa các hốc và cách hàng là 50-60cm, còn người Lô Lô là 70-80cm. Sau khi gieo hạt khoảng 20-25 ngày, cây ngô cao khoảng 20cm họ bắt đầu cắt tỉa bớt cây, hốc nào ít cây thì lại nhổ ở hốc nhiều bù vào. Cây ngô cao khoảng 1m là chuẩn bị trổ hoa và thụ phấn thì tiến hành làm cỏ, bổ sung phân bón và vun gốc lần hai. Nơi nào có cỏ mọc nhiều thì tiến hành nhổ và phát cỏ để cây trồng phát triển cho tốt. Đồng bào còn áp dụng phương pháp xen canh để tăng diện tích và trồng được nhiều loại cây hơn. Khi trồng ngô thì thường xen các cây khác như: rau dền, dưa chuột, bí, rau cải. Hạt giống của các cây này sẽ được trộn với phân rồi cho vào từng hốc ngô. Khi ngô nảy mầm các loại rau cũng mọc theo. Sau một hai tháng, ngô được vun gốc và làm cỏ cũng là lúc bắt đầu thu hái nguồn rau về ăn. Phương thức xen canh, gối vụ là một phương thức canh tác tổng hợp, có hệ thống, được đúc kết qua nhiều thế hệ và trở thành tập quán mà các dân tộc sinh sống ở nơi đây đã chia sẻ và học hỏi nhau, để có rau ăn, tạo ra nhiều nguồn hoa màu trên cùng một mảnh đất, trong cùng một quỹ thời gian. Việc xen canh luôn duy trì lớp thực vật phủ lên mặt đất, hạn chế sự xói mòn và rửa trôi đất. Thu hoạch và cất trữ là khâu cuối cùng của chu kỳ sản xuất. Việc thu hoạch của đồng bào thường diễn ra vào tháng 6, tháng 7, có khi kéo dài đến tháng 8 và tháng 9 âm lịch, tùy vào từng loại cây trồng. Trước tiên, bà con thu hoạch các loại đậu, bí, rồi mới đến thu hoạch ngô. Ngô trồng ở vùng cao đa phần là giống địa phương, có thời gian sinh trưởng kéo dài 6 - 7 tháng. Theo đồng bào, loại ngô này chịu hạn và chịu rét tốt, phù hợp với khí hậu ở khu vực 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Công việc đầu tiên của vụ thu hoạch là chọn ngô để giống cho vụ sau. Đồng bào thường chọn ngô giống ngay tại nương, thu hoạch riêng, đem về treo trên gác bếp. Sau khi đã thu hoạch ngô giống, các gia đình thường dàn hàng ngang, đi từ chân nương ngô lên tới đỉnh, dùng tay bẻ bắp cho vào quẩy tấu, đem về bóc bớt vỏ, phơi 3 - 4 nắng rồi phân loại và xếp trên gác. Loại tốt dùng để ăn và nấu rượu ngô, loại xấu cho gia súc, gia cầm. Loại ngô nào không để được lâu thì dùng trước. Công việc canh tác trên hốc đá phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên thường chỉ trồng được một vụ ngô chính. Sau khi thu hoạch ngô xong, đồng bào sẽ trồng thêm một số loại cây lương thực, hoa màu khác như tam giác mạch. Tam giác mạch có chu kỳ sinh trưởng ngắn, phát triển mạnh, không kén đất. Trước kia khi điều kiện sống khó khăn, tam giác mạch là nguồn lương thực chính trong mùa giáp hạt. Tam giác mạch được sử dụng làm mèn mén như làm từ ngô. Ngoài ra, đồng bào còn trồng đậu tương, đậu Hà Lan, đậu răng ngựa, dong riềng… Riêng với người Mông, đồng bào còn trồng lanh để dệt vải may trang phục.

Qua quá trình canh tác hốc đá, đồng bào còn sáng tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần mà không đâu có được; đó là nông cụ, nương đá, ẩm thực, hệ thống nông lịch… Người Mông, người Lô Lô, người Pu Péo có nông lịch gieo trồng trên hốc đá tương đối thống nhất về thời gian như: tháng 2 là thời gian dọn cỏ, đốt nương, làm đất, đổ thêm đất, ủ phân chuồng vào nương hay các hốc đá; tháng 2 đến đầu tháng 3 là thời gian gieo trồng ngô, xen canh bí, đậu hoặc dưa chuột…; tháng 3 khi ngô được 2, 3 lá cây xen canh vươn ngọn thì vun gốc lần 1; tháng 4: khi cây ngô, cây xen canh sắp trổ hoa thì vun tiếp lần 2; tháng 8 và 9 là thời gian thu hoạch; thu hoạch xong, đồng bào trồng thêm một vụ tam giác mạch và một số loại rau vụ đông, chủ yếu là rau cải và đậu răng ngựa. Hiện nay, quy trình sản xuất ở một số nơi được rút ngắn lại, do đồng bào sử dụng các giống ngô lai ngắn ngày và nguồn phân bón hóa học, nhưng về cơ bản, những nương thổ canh vẫn áp dụng theo lịch canh tác truyền thống.

Nhờ sáng tạo ra hình thức  canh tác hốc đá mà bà con nơi đây thích nghi được với điều kiện tự nhiên và ổn định cuộc sống. Đến nay, canh tác hốc đá vẫn là phương thức chính trong hoạt động sản xuất. Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang thể hiện tinh thần tìm tòi sáng tạo, sức sống mạnh mẽ của các dân tộc trên cao nguyên đá Hà Giang.

Với giá trị văn hóa đặc sắc, Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 09 năm 2014.

ĐẶNG HOÀNG HẢI

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dsvh.gov.vn.

2. Lê Huy Đại, Triệu Đức Thanh, Các dân tộc ở Hà Giang, Nxb. Thế giới - Trung tâm Thông tin Văn hóa các dân tộc, Hà Nội, 2004.

3. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.

 

 

 

6. Kết luận

Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam có nhiều loại và nội dung thông tin trong mỗi loại hình di sản cũng khác nhau. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được công nhận thì việc xây dựng mô hình cấu trúc thống nhất cho từng loại mục là việc làm cần thiết để tiến tới biên soạn Bách khoa thư Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong tương lai, cuốn Bách khoa thư ra đời sẽ là một công cụ tra cứu hữu ích, là tài liệu sử dụng sâu rộng trong quần chúng nhân dân nhằm hun đúc lòng yêu quê hương đất nước và thái độ trân trọng với di sản của quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

 

CHÚ THÍCH

** Đề tài cấp cơ sở do ThS. Bùi Phương Linh, Cung Thị Thu Hằng làm Chủ nhiệm, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam là Tổ chức chủ trì, thực hiện năm 2022.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2005.

[2] Lã Văn Lô, Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1959.

[3] Hữu Ngọc (Chủ biên), Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1995.

[4] UNESCO, Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể

http://dsvh.gov.vn/cong-uoc-ve-viec-bao-ve-di-san-van-hoa-phi-vat-the-1693

[5] dsvh.gov.vn.

 

ĐẶNG HOÀNG HẢI