NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH QUA CÔNG TRÌNH TỪ ĐIỂN HỒ CHÍ MINH HỌC

07/12/2023

Tóm tắt: Công trình Từ điển Hồ Chí Minh học do tác giả Tạ Ngọc Tấn làm Chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2017, cung cấp những tri thức cơ bản về chuyên ngành Hồ Chí Minh học, giúp độc giả quan tâm có thể học tập, nghiên cứu và giảng dạy về Hồ Chí Minh, từ đó góp phần làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và cống hiến của Người đối với cách mạng Việt Nam và nhân loại. Bài viết tìm hiểu nội dung tri thức được phản ánh trong công trình Từ điển Hồ Chí Minh học, từ đó khẳng định giá trị của công trình trong việc phổ biến và giới thiệu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp nâng cao nhận thức về những giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, góp phần khẳng định nền tảng tư tưởng của cách mạng Việt Nam.

Từ khóa: Hồ Chí Minh học; Từ điển Hồ Chí Minh học; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Abstract: The Dictionary of Ho Chi Minh Studies that was edited by the author Ta Ngoc Tan, published by National Political Publishing House in 2017, supplies basic knowledge of Ho Chi Minh studies, helps readers to study, research, and teach about Ho Chi Minh, thereby contributing to clarifying his life, career, thought, and dedication to the Vietnamese revolution and humanity. The article explores the contents of knowledge reflected in the Dictionary of Ho Chi Minh Studies, thereby affirming the value of the work in popularizing and introducing Ho Chi Minh’s ideology, morality, and style, helping to enhance awareness of the core values of his ideology, morality, and style, contributing to affirming the ideological foundation of the Vietnamese revolution.

Keywords: Ho Chi Minh studies; Dictionary of Ho Chi Minh Studies; Ho Chi Minh’s ideology, morality, and style.

1. Cấu trúc của công trình Từ điển Hồ Chí Minh học

Từ điển Hồ Chí Minh học được tiến hành biên soạn bởi 04 tác giả cùng với sự cộng tác của 34 cộng tác viên, do tác giả Tạ Ngọc Tấn làm Chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2017. Cuốn từ điển gồm 700 trang, khổ 19×27 cm, cung cấp 460 mục từ, là những khái niệm, thuật ngữ cơ bản và thông dụng của chuyên ngành Hồ Chí Minh học; các luận điểm, quan điểm, cũng như các tác phẩm của Hồ Chí Minh; các tên riêng, sự kiện, văn kiện liên quan đến tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh.

Cuốn từ điển gồm có các phần:

Danh sách tập thể tác giả và Danh sách cộng tác viên: cung cấp danh sách gồm 04 tác giả tham gia biên soạn và 34 cộng tác viên.

Chữ viết tắt: cung cấp bảng chữ viết tắt xuất hiện trong cuốn từ điển.

Lời Nhà xuất bản: sự cần thiết để biên soạn công trình Từ điển Hồ Chí Minh học.

Lời nói đầu: giới thiệu về công trình Từ điển Hồ Chí Minh học, cấu trúc của cuốn từ điển.

Phần từ điển: cung cấp 460 mục từ về những khái niệm, thuật ngữ cơ bản và thông dụng của chuyên ngành Hồ Chí Minh học; các luận điểm, quan điểm, cũng như các tác phẩm của Hồ Chí Minh; các tên riêng, sự kiện, văn kiện liên quan đến tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh.

Phần Mục lục: cung cấp danh sách các mục từ được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt, giúp độc giả thuận tiện trong việc tra cứu.

Sau khi tiến hành khảo sát công trình Từ điển Hồ Chí Minh học Bảng mục từ ở phần Mục lục (từ trang 683 đến 699), chúng tôi tổng hợp được như sau:

- Về cấu trúc vĩ mô (bảng mục từ): công trình Từ điển Hồ Chí Minh học cung cấp 460 mục từ. Trong đó, loại mục từ về thuật ngữ, khái niệm chiếm phần lớn cuốn từ điển với 211 mục từ (45,9%); loại mục từ về tác phẩm có 155 mục từ (33,7%); loại mục từ về luận điểm, quan điểm có 82 mục từ (17,8%); loại mục từ về tên riêng có 7 mục từ (1,52%); loại mục từ về sự kiện có 4 mục từ (0,87%); ít nhất là loại mục từ về văn kiện với 1 mục từ (0,21%).

- Về cấu trúc chung của mục từ:

+ Tiêu đề mục từ: viết hoa, in đậm. Sau tiêu đề mục từ có chú thích thuộc loại mục từ gì, cụ thể: tn (thuật ngữ), kn (khái niệm), tp (tác phẩm), lđ (luận điểm), tr (tên riêng), sk (sự kiện), vk (văn kiện). Ví dụ: AN NAM DÂN TỘC CÁCH MỆNH (tn); BẦN CÙNG HÓA (kn); CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC (tp); DÂN TỘC TA LÀ MỘT, NƯỚC VIỆT NAM LÀ MỘT (lđ); CUỘC VẬN ĐỘNG “BA XÂY, BA CHỐNG” (tr); CÔNG XÃ PARI (sk); SÁCH LƯỢC VẮN TẮT CỦA ĐẢNG (vk);…

+ Nội dung mục từ: cung cấp định nghĩa, nội dung thông tin về mục từ. Người biên soạn tùy theo độ dài của từng mục từ là mục từ ngắn, mục từ trung bình hay mục từ dài để đưa thêm hay bỏ bớt thông tin trong nội dung của từng mục từ. Chẳn hạn như: mục từ thuật ngữ ÁCH ÁP BỨC CỦA CÁC DÂN TỘC - gồm 44 chữ; mục từ luận điểm RUỘNG RẪY LÀ CHIẾN TRƯỜNG, CUỐC CÀY LÀ VŨ KHÍ, NHÀ NÔNG LÀ CHIẾN SĨ, HẬU PHƯƠNG THI ĐUA VỚI TIỀN PHƯƠNG - gồm 177 chữ là những mục từ ngắn. Mục từ tác phẩm CHÁNH CƯƠNG VẮN TẮT CỦA ĐẢNG - gồm 1.377 chữ, gần 3 trang; mục từ thuật ngữ THUỘC ĐỊA - gồm 1.395 chữ, gần 3 trang là những mục từ trung bình. Mục từ tác phẩm BÁO CÁO VỀ DỰ THẢO HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI TẠI KỲ HỌP THỨ 11 QUỐC HỘI KHÓA I NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA - gồm 3.738 chữ, gần 7 trang; mục từ tác phẩm BINH PHÁP TÔN TỬ - gồm 5.371 chữ, gần 9 trang là những mục từ dài;...

- Về hình thức và văn phong: công trình Từ điển Hồ Chí Minh học được biên soạn một cách thống nhất và có hệ thống, các mục từ được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt, nội dung các mục từ được trình bày ngắn gọn, súc tích, chính xác và khoa học.

2. Nội dung tri thức được phản ánh trong công trình Từ điển Hồ Chí Minh học

2.1. Các mục từ về thuật ngữ, khái niệm

Công trình Từ điển Hồ Chí Minh học cung cấp 211 mục từ về thuật ngữ, khái niệm. Trong đó:

- Có 208 mục từ về thuật ngữ, là những thuật ngữ được Hồ Chí Minh sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau hay để chỉ những đối tượng khác nhau. Chẳng hạn như: AN NAM DÂN TỘC CÁCH MỆNH là thuật ngữ được Hồ Chí Minh sử dụng lần đầu trong tác phẩm Đường cách mệnh… [1, tr.12]; BỆNH CÁ NHÂN là thuật ngữ được Hồ Chí Minh sử dụng trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc… [1, tr.88]; NỀN CHÍNH TRỊ LIÊM KHIẾT là thuật ngữ Hồ Chí Minh đưa ra để chỉ bộ máy tổ chức quyền lực nhà nước được xây dựng và hoạt động hết lòng vì nhân dân… [1, tr.375]; TẬP TRUNG DÂN CHỦ là thuật ngữ được Hồ Chí Minh sử dụng để chỉ nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam kiểu mới… [1, tr.468]; TỔNG KHỞI NGHĨA là thuật ngữ được Hồ Chí Minh sử dụng để chỉ Cách mạng Tháng Tám năm 1945… [1, tr.512];…

Bên cạnh đó, những mục từ thuật ngữ còn cung cấp những nội dung tri thức về một bộ phận cốt lõi của di sản Hồ Chí Minh, đó chính là TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH, gồm hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện của Người về cách mạng và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam… [1, tr.530].

Tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rõ qua các mục từ thuật ngữ như: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH; TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁN BỘ; TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC; TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM; TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ; TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ; TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC; TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG VÀ XÂY DỰNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM; TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC; TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN; TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC HỒ CHÍ MINH;… Để khẳng định giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta xác định rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” [1, tr.531].

- Có 3 mục từ về khái niệm, là những khái niệm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Cụ thể: BẢN CHẤT TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH là khái niệm dùng trong nghiên cứu khoa học để chỉ những tính chất cơ bản, quyết định nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh mang bản chất khoa học, cách mạng nhân văn… [1, tr.66]; BẢN LĨNH HỒ CHÍ MINH là khái niệm được dùng trong nghiên cứu khoa học, khẳng định một phẩm chất thuộc về nhân cách Hồ Chí Minh… [1, tr.69]; BẦN CÙNG HÓA là chủ đề mà Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết viết với những nội dung phong phú và sâu sắc khi tố cáo chế độ thực dân Pháp, bảo vệ các dân tộc thuộc địa không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới trong những năm 1919 - 1924… [1, tr.85].

Cấu trúc mục từ về thuật ngữ, khái niệm được xây dựng như sau:

- Tiêu đề mục từ: tên thuật ngữ, khái niệm.

- Chú thích loại mục từ: tn (thuật ngữ), kn (khái niệm), được đặt trong ngoặc đơn.

- Nội dung mục từ: định nghĩa, diễn giải về thuật ngữ, khái niệm.

2.2. Các mục từ về tác phẩm

Cuốn từ điển cung cấp 155 mục từ về tác phẩm. Cụ thể:

- Các tác phẩm do Hồ Chí Minh viết. Chẳng hạn như: CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC là tác phẩm của Hồ Chí Minh viết vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam… [1, tr.213]; BẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP là tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp (Le Procès de la Colonisation Française) trong khoảng những năm 1921 - 1925… [1, tr.63];…

- Các tác phẩm là những bài viết của Hồ Chí Minh cho các tạp chí, tờ báo khác nhau. Chẳng hạn như: BA MƯƠI NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG là tác phẩm do Hồ Chí Minh viết cho Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội (số 2-1960)… [1, tr.17]; BINH PHÁP TÔN TỬ là loạt tám bài viết của Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9-1946… [1, tr.114]; LÊNIN VÀ PHƯƠNG ĐÔNG là bài báo của Hồ Chí Minh, ký tên Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Tiếng còi Mátxcơva (Liên Xô), tiếng Nga, ngày 21-1-1926… [1, tr.338];…

- Các tác phẩm là những bài nói chuyện, bài phát biểu, bài báo cáo của Hồ Chí Minh trong các hội nghị khác nhau. Chẳng hạn như các mục từ: BÀI NÓI CHUYỆN TẠI HỘI NGHỊ CÁN BỘ CAO CẤP CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC; BÀI NÓI CHUYỆN TRONG BUỔI BẾ MẠC HỘI NGHỊ CÁN BỘ CỦA ĐẢNG LẦN THỨ SÁU; BÀI NÓI TẠI HỘI NGHỊ CÁN BỘ CAO CẤP NGHIÊN CỨU NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 12 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG; BÀI PHÁT BIỂU TẠI HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU CÁC ĐẢNG CỘNG SẢN VÀ ĐẢNG CÔNG NHÂN QUỐC TẾ HỌP Ở MÁTXCƠVA (THÁNG 11-1960); BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ II CỦA ĐẢNG;…

Cấu trúc mục từ về tác phẩm được xây dựng như sau:

- Tiêu đề mục từ: tên tác phẩm.

- Chú thích loại mục từ: tp (tác phẩm), được đặt trong ngoặc đơn.

- Nội dung mục từ: hoàn cảnh ra đời, nội dung chính, ý nghĩa của tác phẩm.

2.3. Các mục từ về luận điểm, quan điểm

Công trình Từ điển Hồ Chí Minh học cung cấp 82 mục từ về luận điểm, quan điểm, là những luận điểm, quan điểm quan trọng mà Hồ Chí Minh đã đưa ra. Chẳng hạn như: DÂN TỘC TA LÀ MỘT, NƯỚC VIỆT NAM LÀ MỘT (lđ) là luận điểm của Hồ Chí Minh được nêu trong Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5-9-1960… [1, tr. 241]; ĐẢNG VIÊN ĐI TRƯỚC, LÀNG NƯỚC THEO SAU (lđ) là luận điểm của Hồ Chí Minh chỉ rõ tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trước nhân dân… [1, tr. 275]; THI ĐUA LÀ YÊU NƯỚC, YÊU NƯỚC THÌ PHẢI THI ĐUA (lđ) là quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và yêu nước, yêu nước và thi đua. Yêu nước là nội dung của thi đua… [1, tr.476]; CƠ CẤU KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN (qđ) là quan điểm của Hồ Chí Minh về cơ cấu kinh tế nhiều thành phần gồm nhiều vấn đề, được thể hiện tập trung trong hai tác phẩm: 1- Thường thức chính trị (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.245-296); 2- Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.363-382)… [1, tr. 224-225];…

Cấu trúc mục từ về luận điểm, quan điểm được xây dựng như sau:

- Tiêu đề mục từ: tên luận điểm, quan điểm.

- Chú thích loại mục từ: lđ (luận điểm), qđ (quan điểm), được đặt trong ngoặc đơn.

- Nội dung mục từ: hoàn cảnh ra đời, nội dung chính, ý nghĩa của luận điểm, quan điểm.

2.4. Các mục từ về tên riêng

Cuốn từ điển cung cấp 7 mục từ về tên riêng, gồm: CÔNG CUỘC DIỆT GIẶC DỐT; CUỘC VẬN ĐỘNG “BA XÂY, BA CHỐNG”; CUỘC VẬN ĐỘNG CẢI TIẾN QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ, CẢI TIẾN KỸ THUẬT; DẠY TỐT, HỌC TỐT; ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM; ĐẢNG XÃ HỘI VIỆT NAM; QUỐC TẾ CỘNG SẢN. Đây là các mục từ về những nhiệm vụ quan trọng do Hồ Chí Minh đề ra (chẳng hạn như: CÔNG CUỘC DIỆT GIẶC DỐT (tr) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ đầu, khi cách mạng mới thành công, do Hồ Chí Minh đề ra… [1, tr. 219]); về phong trào thi đua do Hồ Chí Minh chủ trương phát động (chẳng hạn như: DẠY TỐT, HỌC TỐT (tr) là nội dung của phong trào thi đua “Hai tốt” trong nhà trường, được Hồ Chí Minh chủ trương phát động từ năm 1961… [1, tr. 230]); về các cuộc vận động do Đảng và Chính phủ phát động (chẳng hạn như: CUỘC VẬN ĐỘNG “BA XÂY, BA CHỐNG” (tr) là tên gọi tắt của cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” do Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ phát động vào thời kỳ mở đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất… [1, tr. 226];…); hay về các tổ chức chính trị (chẳng hạn như: ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM (tr) là tổ chức chính trị của một bộ phận tư sản dân tộc và tiểu tư sản, trí thức yêu nước và tiến bộ Việt Nam, tên gọi ban đầu là Việt Nam Dân chủ Đảng… [1, tr. 268];…).

Cấu trúc mục từ về tên riêng được xây dựng như sau:

- Tiêu đề mục từ: tên nhiệm vụ, phong trào thi đua, cuộc vận động, tổ chức chính trị.

- Chú thích loại mục từ: tr (tên riêng), được đặt trong ngoặc đơn.

- Nội dung mục từ: hoàn cảnh ra đời, nội dung chính, ý nghĩa của nhiệm vụ, phong trào thi đua, cuộc vận động; quá trình hình thành, phát triển, chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động chính của tổ chức.

2.5. Các mục từ về sự kiện

Cuốn từ điển cung cấp 4 mục từ về sự kiện, gồm: CÁCH MẠNG THÁNG TÁM; CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÁNG MƯỜI; CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT; CÔNG XÃ PARI. Đây là các mục từ về những sự kiện quan trọng có ảnh hưởng to lớn đến cách mạng Việt Nam. Chẳng hạn như: CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (sk) là cuộc cách mạng xã hội của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đánh đổ phát xít Nhật xâm lược, giành chính quyền trong cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Châu Á… [1, tr. 135];…

Cấu trúc mục từ về sự kiện được xây dựng như sau:

- Tiêu đề mục từ: tên sự kiện.

- Chú thích loại mục từ: sk (sự kiện), được đặt trong ngoặc đơn.

- Nội dung mục từ: hoàn cảnh diễn ra, nội dung chính, ý nghĩa của sự kiện.

2.6. Các mục từ về văn kiện

Cuốn từ điển cung cấp 1 mục từ về văn kiện là SÁCH LƯỢC VẮN TẮT CỦA ĐẢNG, đây là văn kiện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930. Trước hết, Văn kiện khẳng định: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.3)… [1, tr. 459].

Cấu trúc mục từ về văn kiện được xây dựng như sau:

- Tiêu đề mục từ: tên văn kiện.

- Chú thích loại mục từ: vk (văn kiện), được đặt trong ngoặc đơn.

- Nội dung mục từ: hoàn cảnh ra đời, nội dung chính, ý nghĩa của văn kiện.

3. Một số nhận xét về công trình Từ điển Hồ Chí Minh học

Công trình Từ điển Hồ Chí Minh học đã cung cấp những tri thức cơ bản về chuyên ngành Hồ Chí Minh học trong nội dung thông tin của 460 mục từ. Có thể nói đây là cuốn từ điển về chuyên ngành Hồ Chí Minh học cỡ lớn đầu tiên ở nước ta được biên soạn một cách công phu và nghiêm túc, nội dung các mục từ được trình bày khoa học, giúp độc giả có cái nhìn vừa tổng quát, vừa cụ thể, sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về những giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Người. Cuốn từ điển là nguồn tư liệu tham khảo có giá trị giúp độc giả có thể tự học tập, nghiên cứu, từ đó có thể đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những giá trị mà cuốn Từ điển có được, một số thiếu sót cũng được chỉ ra như sau:

Thứ nhất, thiếu chú thích chữ viết tắt: chữ “qđ” (quan điểm) ở mục từ CƠ CẤU KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN.

Thứ hai, cách định nghĩa mục từ chưa thực sự thống nhất. Cụ thể như các mục từ là những thuật ngữ, khái niệm được bắt đầu bằng các cụm từ khác nhau.

Ví dụ:

“Thuật ngữ được Hồ Chí Minh sử dụng” (ví dụ: ÁCH ÁP BỨC THUỘC ĐỊA, CÁCH MẠNG KỸ THUẬT, CHIẾN TRANH DU KÍCH, ÓC QUÂN PHIỆT QUAN LIÊU, TRÍ THỨC,…);

thuật ngữ được Hồ Chí Minh sử dụng” (ví dụ: BẠCH ĐẦU QUÂN, BỆNH CÁ NHÂN, BỆNH CẤP BẬC,…);

“Thuật ngữ được Hồ Chí Minh dùng” (ví dụ: BỆNH BAO BIỆN, ÓC LÃNH TỤ, THÓI BA HOA,…);

Là một thuật ngữ được Hồ Chí Minh dùng” (ví dụ: BỆNH ĐỊA PHƯƠNG,…);

thuật ngữ được Hồ Chí Minh dùng” (BỆNH GIẤY TỜ, BỆNH HẸP HÒI,…);

thuật ngữ chính trị được Hồ Chí Minh sử dụng” (ví dụ: BỆNH HIẾU DANH,…);

“Thuật ngữ được Hồ Chí Minh nêu” (ví dụ: CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CHỦ NGHĨA, CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ NHÂN DÂN,…);…

“Khái niệm dùng trong nghiên cứu khoa học” (ví dụ: BẢN CHẤT TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH,…)

“Khái niệm được dùng trong nghiên cứu khoa học” (ví dụ: BẢN LĨNH HỒ CHÍ MINH,…)

Thứ ba, một số mục từ thì tên mục từ được nhắc lại trong lời định nghĩa như trong các mục từ: CÁN BỘ, CHÂN LÝ, ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM, QUỐC TẾ CỘNG SẢN,…

Thứ tư, việc sắp xếp một số mục từ chưa theo thứ tự bảng chữ cái. Ví dụ: mục từ BỆNH LƯỜI BIẾNG đứng trước BỆNH LỤP CHỤP CẨU THẢ; mục từ CHÍNH SÁCH TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO đứng trước CHÍNH SÁCH TĂNG GIA SẢN XUẤT VÀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM; mục từ CHUYÊN CHÍNH DÂN CHỦ NHÂN DÂN đứng trước CHÚNG TA THÀ HY SINH TẤT CẢ, CHỨ NHẤT ĐỊNH KHÔNG CHỊU MẤT NƯỚC, NHẤT ĐỊNH KHÔNG CHỊU LÀM NÔ LỆ; mục từ CHÚNG TA THÀ HY SINH TẤT CẢ, CHỨ NHẤT ĐỊNH KHÔNG CHỊU MẤT NƯỚC, NHẤT ĐỊNH KHÔNG CHỊU LÀM NÔ LỆ đứng trước CHỦ NGHĨA BÌNH QUÂN,… CHỦ NGHĨA UYNXƠN; mục từ CHỦ NGHĨA LẠC QUAN CÁCH MẠNG HỒ CHÍ MINH đứng trước CHỦ NGHĨA KINH NGHIỆM; mục từ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI đứng trước CHỦ NGHĨA UYNXƠN; mục từ CÔNG CUỘC ĐẤU TRANH THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ đứng trước CÔNG CUỘC DIỆT GIẶC DỐT; mục từ CÔNG XÃ PARI đứng trước CÔNG VIỆC THÀNH CÔNG HOẶC THẤT BẠI, ĐỀU DO CÁN BỘ TỐT HAY KÉM; mục từ ĐẢNG XÃ HỘI VIỆT NAM đứng trước ĐẢNG VIÊN ĐI TRƯỚC, LÀNG NƯỚC THEO SAU; mục từ KINH TẾ TƯ BẢN NHÀ NƯỚC đứng trước KHOAN DUNG,… KINH TẾ QUỐC DOANH;…

Tóm lại, dù còn có một số hạn chế nhỏ nhưng với việc biên soạn một cách công phu, nghiêm túc và khoa học thì công trình Từ điển Hồ Chí Minh học đã trở thành nguồn tài liệu hữu ích phục vụ đắc lực cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu về chuyên ngành Hồ Chí Minh học hiện nay.

4. Kết luận

Từ điển Hồ Chí Minh học là một công trình khoa học về chuyên ngành Hồ Chí Minh học có tầm cỡ được biên soạn ở nước ta. Nội dung tri thức được thể hiện trong công trình vừa mang tính tổng quát, toàn diện, khoa học và chính xác; vừa mang tính cụ thể và sâu sắc. Công trình là nguồn tư liệu tham khảo có giá trị, giúp độc giả có thể học tập, tra cứu, nghiên cứu và giảng dạy về Hồ Chí Minh, từ đó góp phần làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và cống hiến của Người đối với cách mạng Việt Nam và nhân loại. Từ đây có thể đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhân dân và giới thiệu đến với bạn bè thế giới về những giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định nền tảng tư tưởng của cách mạng Việt Nam.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Tạ Ngọc Tấn (Chủ biên), Từ điển Hồ Chí Minh học, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017

TS. LÊ THỊ HẢI CHI