Tóm tắt: Bài viết giới thiệu về giải Nobel Văn học, từ đó làm rõ sự cần thiết để biên soạn công trình Từ điển bách khoa các tác gia đoạt giải Nobel Văn học. Bài viết cũng tiến hành xây dựng cấu trúc và nội dung mục từ tác gia “Ivan Alekseyevich Bunin” - người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học trong công trình Từ điển bách khoa các tác gia đoạt giải Nobel Văn học.
Từ khóa: Giải Nobel Văn học, Ivan Alekseyevich Bunin, tác gia, tác phẩm.
Abstract: The article introduces the Nobel Prize in Literature, thereby clarifying the necessity to compile the Encyclopedic Dictionary of Nobel Laureates in Literature. The article also builds the structure and content of the entry “Ivan Alekseyevich Bunin” - the first Russian to win the Nobel Prize in Literature in the Encyclopedic Dictionary of Nobel Laureates in Literature.
Keywords: Nobel Prize in Literature, Ivan Alekseyevich Bunin, authors, works.
1. Mở đầu
Giải Nobel Văn học được trao cho các tác gia có tác phẩm xuất sắc, cũng như sự nghiệp văn học nổi trội theo tiêu chí khắt khe của Viện Hàn lâm Thụy Điển đưa ra ngay từ đầu. Trải qua hơn 100 năm, giải Nobel Văn học dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, những người có thể tạo ra tác phẩm xuất sắc nhất, mang tính quảng đại và vì con người. Các tác gia được nhận phần thưởng này thường là những người có đóng góp lớn cho nền văn học nhân loại trong một giai đoạn nhất định. Các tác phẩm của họ chứa đựng giá trị nhân văn cao cả. Họ đã để lại dấu ấn riêng và có ảnh hưởng sâu sắc về mặt tư tưởng, nghệ thuật đối với đông đảo người đọc trên thế giới.
Việc biên soạn từ điển nói chung và từ điển bách khoa liên quan đến chuyên ngành văn học nói riêng đã có những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, các công trình từ điển đề cập đến các tác gia và tác phẩm đã từng đoạt giải Nobel Văn học chưa nhiều, trong khi đó, nhu cầu nhận thức và tìm hiểu về vấn đề này ngày càng cao, đặc biệt trong lĩnh vực việc nghiên cứu và giảng dạy. Do đó, việc biên soạn Từ điển bách khoa các tác gia đoạt giải Nobel Văn học** sẽ đáp ứng nhu cầu của những người biên soạn, người tra cứu và những ai quan tâm, muốn tìm hiểu đến nội dung này.
Mỗi tác gia đoạt giải Nobel Văn học được biên soạn thành một mục từ trong công trình Từ điển bách khoa các tác gia đoạt giải Nobel Văn học, việc xây dựng cấu trúc cho loại mục từ này rất quan trọng và cần thiết. Bài viết đưa ra cấu trúc mục từ tác gia văn học và biên soạn mục từ Ivan Alekseyevich Bunin.
2. Giới thiệu công trình Từ điển bách khoa các tác gia đoạt Giải Nobel Văn học
Công trình Từ điển bách khoa các tác gia đoạt giải Nobel Văn học được biên soạn nhằm giới thiệu các thông tin tri thức cơ bản về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp các tác gia đoạt giải Nobel Văn học. Công trình có vai trò như một công cụ tra cứu hữu ích cho các nhà nghiên cứu, giáo viên, học viên trong nhà trường và cho những ai quan tâm đến văn học trong nước và trên thế giới.
Từ điển bách khoa các tác gia đoạt giải Nobel Văn học bao gồm 118 mục từ về tác gia giành được giải Nobel Văn học - một trong sáu nhóm giải thưởng của giải Nobel được trao thưởng hàng năm tại Viện Hàn lâm Thuỵ Điển. Đây là giải thưởng cao quý đối với bất kỳ tác giả nào trên thế giới, bởi lẽ giải Nobel Văn học không chỉ là sự thừa nhận về thành tựu, tư tưởng, nghệ thuật xuất sắc của các nhà văn, mà còn là sự tôn vinh cả một nền văn học của quốc gia, của cộng đồng ngôn ngữ nơi sinh ra hoặc hoạt động văn học của tác gia đó. Tác phẩm đoạt giải Nobel Văn học có thể là một tác phẩm tiêu biểu cụ thể, cũng có thể trao cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác, hoặc một tư tưởng sáng tác của tác gia đó. giải Nobel Văn học bắt đầu được trao từ năm 1901, đến năm 2021 đã có 118 tác gia được nhận phần thưởng cao quý này. Công trình nghiên cứu, thu thập thông tin về tất cả các tác gia đoạt giải, mỗi tác gia được biên soạn thành một mục từ. Công trình Từ điển bách khoa các tác gia đoạt giải Nobel Văn học được chia thành 2 phần: Phần 1 thực hiện năm 2021, biên soạn 60 tác gia đoạt giải Nobel Văn học từ năm 1901 đến năm 1965; Phần 2 hoàn thành trong năm 2022 gồm 58 tác gia đoạt giải Nobel Văn học từ năm 1966 đến năm 2021.
3. Cấu trúc mục từ tác gia văn học
Cấu trúc mục từ hay còn gọi là cấu trúc vi mô của Từ điển bách khoa là cấu trúc toàn bộ những thông tin được trình bày một cách hệ thống trong mỗi mục từ Từ điển bách khoa. Tìm hiểu về cấu trúc mục từ thực chất đó là việc tìm hiểu những thông tin được đưa vào mục từ.
Từ điển bách khoa là loại sách công cụ, chủ yếu để tra cứu, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, thuận tiện, vì thế nội dung thông tin đưa vào mục từ phải mang tính chuẩn xác về tri thức, tinh gọn về nội dung tư liệu và khoa học trong tra cứu thông tin. Đây cũng là điểm khác biệt của mục từ của Từ điển bách khoa với các mục từ của từ điển khác.
Khảo sát một số mục từ về các tác giả trong công trình Từ điển bách khoa Việt Nam [2] kết quả cho thấy mô hình cấu trúc vi mô thường cung cấp các nội dung: tên mục từ (tên tác giả: tên thật, tên hiệu,...); năm sinh, năm mất; nơi sinh, nơi mất; danh hiệu; cuộc đời, sự nghiệp; các tác phẩm tiêu biểu; cống hiến cho nền văn học hoặc ảnh hưởng đối với cộng đồng; ảnh tác giả.
Công trình cũng đã lựa chọn biên soạn một số tác gia văn học từng đoạt giải Nobel. Cấu trúc chung cho các mục từ thuộc loại này là: tên tác gia (phiên âm tiếng Việt), tên tác gia (tên nguyên ngữ); năm sinh, năm mất; quốc tịch; tiểu sử; quá trình hoạt động sáng tác; nội dung chính của một số tác phẩm lớn; năm giành giải Nobel Văn học; các giải thưởng được trao tặng (nếu có); tên người biên soạn.
Trong công trình Các nhà văn giải Nobel 1901 - 2004 [3] biên soạn các nhà văn trên thế giới đoạt giải Nobel Văn học trong hơn 100 năm từ năm 1901 đến năm 2004. Các mục từ có cấu trúc như sau: ảnh chân dung; thông tin về quốc tịch, nơi và ngày tháng năm sinh, năm mất; lời giới thiệu chung ngắn gọn về mỗi nhà văn; tiểu sử nhà văn; danh mục tác phẩm; danh mục tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt; diễn từ.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn biên soạn các mục từ tác gia đoạt giải Nobel Văn học thuộc loại mục từ về nhân vật, cấu trúc mục từ trong Từ điển bách khoa các tác gia đoạt giải Nobel Văn học bao gồm các nội dung sau:
+ Tên mục từ (tên tác gia đoạt giải Nobel Văn học);
+ Năm sinh, năm mất;
+ Quốc tịch;
+ Năm đoạt giải Nobel Văn học;
+ Cuộc đời, sự nghiệp;
+ Các tác phẩm tiêu biểu và các tác phẩm đã đoạt giải;
+ Nội dung tư tưởng thể hiện qua các tác phẩm;
+ Phong cách nghệ thuật;
+ Những đánh giá và nhận xét về tác gia;
+ Hình ảnh minh họa (nếu có);
+ Tên người biên soạn;
+ Tài liệu tham khảo. [5, tr.76-77]
Việc xây dựng cấu trúc mục từ đảm bảo cho các soạn giả khi tiến hành biên soạn hướng đến những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của mỗi nhà văn và các tác phẩm đã gắn liền với tên tuổi của họ. Giá trị và sức ảnh hưởng lớn từ những tác phẩm đoạt giải Nobel Văn học xuất phát từ tấm lòng nhân ái, kho tri thức rộng lớn, sự từng trải trong cuộc sống của các nhà văn; đây cũng là nền tảng tạo nên sự ảnh hưởng không chỉ trong một giai đoạn lịch sử văn học nhất định, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ tác giả và người tiếp nhận văn học sau này trên toàn thế giới. [5, tr.77]
4. Mục từ IVAN ALEKSEYEVICH BUNIN
IVAN ALEKSEYEVICH BUNIN
(22.10.1870 - 08.11.1953), nhà văn, nhà thơ người Nga đầu tiên nhận giải Nobel Văn học năm 1933.
Ivan Alekseyevich Bunin (Bunin) sinh tại Voronezh, (Nga), còn có tên gọi khác là Ivan Bunin; xuất thân từ một dòng dõi quý tộc nông thôn lâu đời ở tỉnh Voronezh miền Trung nước Nga. Dòng họ Bunin có nhiều nhân vật lẫy lừng trong chính trị cũng như nghệ thuật, trong đó nổi bật là hai nhà thơ đầu thế kỷ XIX là Anna Bunina (1774 - 1829) và Vasily Zhukovsky (1783 - 1852). Thời thơ ấu và tuổi trẻ của Bunin gắn liền với điền trang của gia đình, có niềm đam mê với âm nhạc, hội họa. Năm 1881, ông học trung học ở Yelet, miền Tây nước Nga, nhưng chưa tốt nghiệp, về tự học với anh trai. Năm 1889, ông rời nhà và trải qua nhiều công việc để kiếm sống như: thủ thư, làm báo, thợ sửa bản in,… Năm 1898 ông kết hôn với Anna Nikolaevna (1879 - 1963) và họ có với nhau một con trai, 2 năm sau họ chia tay. Bunin quen với Vera Muromtseva năm 1906 nhưng đến năm 1922 mới chính thức kết hôn sau khi làm thủ tục ly hôn với vợ cũ. Năm 1920, sau thời gian ngắn ở Sofia (Cộng hòa Bulgaria) và Belgrade (Cộng hòa Serbia), Bunin và Muromtseva đến Paris.
Ivan Alekseyevich Bunin bắt đầu sự nghiệp sáng tác với các bài thơ và truyện ngắn vào năm 1887, ông xuất bản tập thơ trữ tình “Những bài thơ” năm 1891, sau đó là truyện ngắn “Tanka” (1894), “Đến nơi cuối trời và các truyện ngắn khác” (1897) miêu tả cảnh sống cơ cực của người nông dân cũng như sự suy tàn của quý tộc. Lúc này ông được chú ý và nhận được sự khen ngợi từ các nhà phê bình. Năm 1909, Bunin trở thành Viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Năm sau ông xuất bản truyện “Làng”, đây là tác phẩm đầu tiên trong số các tác phẩm đưa ra bức tranh chân thực về cuộc sống ở làng quê Nga. Tác phẩm này gây nhiều tranh cãi cho Bunin, nhưng cũng giúp ông trở nên nổi tiếng. Sau khi di cư sang Pháp năm 1920, Bunin tiếp tục sáng tác, xuất bản nhiều tác phẩm và trở thành một trong những nhà văn Nga nổi tiếng nhất. Văn xuôi mới của ông đã được đánh dấu bằng sự tiến bộ nghệ thuật rõ ràng: “Hoa hồng của Yerikhon” (1924), “Tình yêu của Mitya” (1926),... và đặc biệt là “Cuộc đời Arseniev” (1930) được giới phê bình ca ngợi là đã đưa văn học Nga lên một tầm cao mới. Ngoài ra, Bunin còn là dịch giả thơ, năm 1903 ông nhận giải thưởng Puskin của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho bản dịch “Bài ca về Gaiavata” của nhà thơ Mỹ Longfellow. Năm 1933, ông trở thành người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Sau năm 1948, sức khỏe của ông giảm sút, Bunin tập trung vào việc viết hồi ký. Ivan Alekseyevich Bunin qua đời trong một căn hộ ở Paris vào ngày 8 tháng 11 năm 1953.
Tác phẩm đã đoạt giải và các tác phẩm tiêu biểu của Ivan Alekseyevich Bunin đa dạng về thể loại, về thơ: Những bài thơ (Стихотворения, 1891); Dưới bầu trời rộng mở (Под открытым небом, 1898); Lá rụng (Листопад, 1901). Truyện ngắn: Tanka (Танка, 1894); Những quả táo Antonov (Антоновские яблоки, 1900); Con đường mới (Новая дорога, 1901); Những người anh em (Братья, 1914); Hơi thở nhẹ (Легкое дыхание, 1916); Những giấc mơ của Trang (Сны Чанга, 1916); Bà lão (Старуха, 1916); Say nắng (Солнечный удар, 1927). Tập truyện: Nơi cuối trời và các truyện ngắn khác (На край света и другие рассказы, 1897); Hoa hồng của Yerikhon (Роза Иерихона, 1924); Những con đường rợp bóng cây (Темные аллеи, 1943). Truyện vừa: Làng (Деревня, 1910); Sukhodol (Суходол, 1911); Quý ông từ San Francisco (Господин из Сан-Франциско, 1915); Tình yêu của Mitia (Митина любовь, 1926). Nhật ký: Những ngày đáng nguyền rủa (Окаянные дни, 1926). Tiểu thuyết: Cuộc đời Arseniev (Жизнь Арсеньева, 1930). Tiểu luận: Giải phóng Tolstoi (Освобождение Толстого, 1937). Tập ký: Hồi tưởng (Воспоминания, 1950).
Sáng tác của Ivan Alekseyevich Bunin đứng ngoài các trào lưu văn học đương thời, ông có tư tưởng sáng tác phê phán chủ nghĩa hiện thực Nga đầu thế kỉ XX, thủ pháp nghệ thuật miêu tả chính xác, quan sát sâu rộng. Ông không chỉ là nhà văn hiện thực truyền thống, mà còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa hiện đại, nên Bunin luôn đổi mới trong từng tác phẩm. Với lối hành văn thanh nhã, giản dị, những quan sát tinh tế tác phẩm của Bunin mang chiều sâu cảm xúc và chất thơ luôn phảng phất qua từng câu chữ. Ivan Alekseyevich Bunin được đánh giá: “Do vì kỹ xảo nghệ thuật cẩn thận, nghiêm túc của I. A. Bunin đã kế thừa truyền thống cổ điển trong sáng tác tản văn của nước Nga” [6].
Người biên soạn: Lê Thị Liễu Hạnh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đoàn Tử Huyến (Chủ biên), Các nhà văn giải Nobel 1901 - 2004, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006.
2. Đằng Tiểu Tùng, Đoàn Huy Trác, 100 năm giải Nobel Văn học, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.
5. Kết luận
Biên soạn Từ điển bách khoa các tác gia đoạt giải Nobel Văn học giới thiệu, nghiên cứu, tổng hợp về thông tin các nhà văn đoạt giải Nobel Văn học. Nói về các nhà văn được giải Nobel Văn học rất khó, bởi tinh túy của cuộc đời nằm trong các tác phẩm của họ. Từ phương diện thể loại mục từ, mục từ tác gia văn học thuộc mục từ về nhân vật, cung cấp các nội dung thông tin cơ bản về nhân vật như họ tên, năm sinh, năm mất, nơi sinh, quốc tịch, cuộc đời, sự nghiệp, những tác phẩm đóng góp cho nền văn học, cũng như tư tưởng, phong cách nghệ thuật đưa tác gia đến với giải Nobel Văn học. Cấu trúc mục từ cung cấp cơ sở về lý thuyết và thực tiễn biên soạn mục từ tác gia đoạt giải Nobel Văn học, trường hợp cụ thể Ivan Alekseyevich Bunin hướng tới nội dung cụ thể, hệ thống lại và làm rõ cấu trúc mục từ, giúp các soạn giả cũng như người tiếp nhận thông tin đầy đủ, toàn diện và chính xác.
CHÚ THÍCH
** Đề tài cấp cơ sở do ThS. Lê Thị Liễu Hạnh làm Chủ nhiệm, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam là Tổ chức chủ trì, thực hiện năm 2022.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phạm Văn Hảo, “Tính hệ thống trong cấu trúc vĩ mô của Bách khoa thư”, Từ điển học và Bách khoa thư, số 2, tr.45-52, 2011.
[2] Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, 4 tập, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 1995 - 2005.
[3] Đoàn Tử Huyến (Chủ biên), Các nhà văn giải Nobel 1901 - 2004, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006.
[4] Hà Học Trạc, Lịch sử - lý luận và thực tiễn biên soạn Bách khoa toàn thư, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2004.
[5] Nguyễn Như Trang, “Xây dựng cấu trúc Bách khoa thư tác gia đoạt giải Nobel Văn học”, Từ điển học và Bách khoa thư, số 4, tr.72-77, 2021.
[6] Đằng Tiểu Tùng, Đoàn Huy Trác, 100 năm giải Nobel Văn học, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.
LÊ THỊ LIỄU HẠNH