Giống như màu sắc và âm thanh, mùi vị luôn len lỏi và có mặt khắp nơi trong thế giới bao quanh con người. Có thể nói, mùi vị là một phần tất yếu của cuộc sống con người và các loài vật. Con người có năm giác quan, thì đã có tới hai giác quan (khứu giác và vị giác) dành cho sự cảm nhận về mùi và vị. Chính vì thế, trong ngôn ngữ của mỗi dân tộc có cả một trường từ vựng (về trường từ vựng, xin xem [2] dành cho mùi và vị). Trong tiếng Việt, trường từ vựng này khá phong phú, bao gồm một số tiểu trường. Đó là những tiểu trường như tên gọi khái quát (mùi, vị, hơi, hương,...), tên gọi các mùi và vị cụ thể (thơm, hôi, thối, hắc, khai, khắm, khẳm, khét, tanh, cay, đắng, ngọt, mặn, nồng, nhạt, chua, chát…), tên gọi các trạng thái hay quá trình của mùi vị (bay, bốc, dậy, thoang thoảng, sực nức, thấm, ngào ngạt, nhạt, phai, mất, hết…), tên gọi các hoạt động của con người đối với mùi vị (ngửi, hít, đánh hơi, nếm, cảm thấy, cảm nhận, tẩy, xua, khử, tạo…).
Giống như trong tiếng Việt nói chung, trong Truyện Kiều - một tác phẩm ưu tú, một đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ tiếng Việt - không thể thiếu từ ngữ thuộc trường nghĩa mùi-vị. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định kho từ vựng phong phú và giá trị nghệ thuật lớn lao của chúng trong Truyện Kiều. Kho từ ngữ trong Truyện Kiều thuộc về đủ mọi trường từ vựng. Các trường từ vựng trong Truyện Kiều cũng đa dạng và phong phú như chính cuộc sống được phản ánh, như chính tư tưởng và cảm xúc nghệ thuật của đại thi hào Nguyễn Du. Tuy nhiên, bài viết này không có tham vọng đi vào tất cả kho từ ngữ to lớn đó của tác phẩm, mà chỉ giới hạn trong hai tiểu trường: tên gọi các mùi vị cụ thể và tên gọi khái quát của chúng, để từ đó thấy rõ thêm sức diễn tả sinh động của từ ngữ tiếng Việt và nghệ thuật sử dụng ngôn từ của Nguyễn Du.
2. Mùi vị có thể được xác định như là các dạng vật chất, vì chúng có thể cảm nhận được bằng giác quan. Mùi có thể tồn tại độc lập với vật thể mà nó là thuộc tính, có thể được con người cảm nhận mà không tiếp xúc trực tiếp với vật thể. Còn vị là thuộc tính của vật thể, luôn luôn gắn bó chặt chẽ với vật thể, nên con người chỉ có thể cảm nhận khi tiếp xúc trực tiếp với vật thể qua các giác quan ở khoang miệng. Tuy nhiên, cả hai đều được ngôn ngữ biểu hiện bằng những từ độc lập đối với chính các từ biểu hiện vật thể, như là các đối tượng riêng biệt. Đó chính là một thuận lợi to lớn cho sự giao tiếp ngôn ngữ nói chung và nghệ thuật văn chương nói riêng. So với nghệ thuật văn chương, thì nhiều ngành nghệ thuật khác (hội hoạ, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc, điện ảnh…) cũng có thể thể hiện thành công âm thanh, màu sắc, đường nét, hình khối, và cả hoạt động trong hiện thực khách quan…, nhưng không thể thể hiện được mùi vị như nghệ thuật ngôn từ. Làm sao mà hội hoạ bằng đường nét và màu sắc có thể thể hiện được mùi hay vị? Điêu khắc và kiến trúc với các hình khối, đường nét làm sao có thể làm dậy lên được mùi vị? Âm nhạc bằng âm thanh làm sao có thể diễn tả trực tiếp được mùi vị? Gọi tên được mùi vị (cụ thể và khái quát) bằng từ ngữ, đó chính là một ưu thế rất lớn của ngôn ngữ với tư cách một công cụ nhận thức và một phương tiện giao tiếp nói chung, một chất liệu của nghệ thuật văn chương nói riêng.
3. Trở lại với Truyện Kiều của Nguyễn Du, mùi vị không hẳn là nét đặc trưng nổi bật của thế giới tự nhiên cũng như đời sống xã hội trong tác phẩm. Số lượng từ ngữ cũng như số lượng câu thơ có dùng từ thuộc trường từ vựng này không thật lớn. Theo thống kê của chúng tôi, trong 3.254 câu thơ của tác phẩm, chỉ có 91 câu có dùng từ thuộc tiểu trường tên gọi mùi vị (cụ thể và khái quát), trong đó sử dụng 18 từ trong 94 lượt. Những từ được sử dụng trong Truyên Kiều là: thơm, hôi tanh, đắng, cay, cay đắng (đắng cay), mặn, lạt (nhạt), mặn mà, mặn nồng, ngọt, ngọt bùi, ngọt ngào, chua, chua xót, nồng (thuộc tiểu trường tên gọi mùi vị cụ thể) và mùi, hơi, hương (thuộc tiểu trường tên gọi khái quát). Tuy nhiên, với số lượng không lớn đó, việc sử dụng từ lại cho thấy những sự chuyển hoá sinh động của từ trong hành chức nói chung và trong nghệ thuật văn chương nói riêng. Từ đó có thể đi đến một số nhận định chung về việc sử dụng từ thuộc tiểu trường tên gọi mùi vị trong Truyện Kiều như sau:
3.1.Trước hết đi vào tiểu trường tên gọi mùi vị cụ thể
3.1.1. Nếu tách biệt 15 từ thuộc tiểu trường này thành hai nhóm từ (mùi/vị), thì trong Truyện Kiều số từ trong nhóm vị được dùng nhiều hơn và với tần số cao hơn nhóm từ chỉ mùi; tỉ lệ tương ứng là 13/2 từ. Trong danh sách 15 từ kể trên chỉ có hai từ: thơm, hôi tanh thuộc về nhóm mùi, còn lại đều thuộc nhóm vị.
3.1.2. Trong tổng số 15 từ với 37 lần sử dụng, chỉ duy nhất có 1 từ, trong 1 lần, được sử dụng với nghĩa gốc: gọi tên vật chất ở dạng hơi mà con người có thể cảm nhận bằng giác quan . Tất cả các từ còn lại, trong tất cả các lần sử dụng đều được dùng với nghĩa chuyển, nghĩa ẩn dụ. Từ duy nhất được dùng một lần với nghĩa gốc là từ thơm trong câu thơ miêu tả tình tiết Kim Trọng khi vừa thấy bóng người, liền vội chạy sang vườn nhà Thuý Kiều định gặp gỡ nhưng đã muộn:
(292) Hương còn thơm nức người đà vắng tanh
Trong trường hợp này, từ thơm mang nghĩa gốc nên về mặt kết hợp, nó có những đặc điểm điển hình của những tính từ chỉ mùi vị cụ thể trong tiếng Việt: có những kết tố tiêu biểu trong quan hệ kết hợp (từ hương chỉ chung về mùi với sắc thái dương tính, phụ từ còn chỉ nghĩa tiếp diễn, từ nức chỉ mức độ và sắc thái của mùi thơm).
Từ thơm còn được dùng 5 lần khác trong Truyện Kiều, nhưng tất cả đều có nghĩa chuyển theo phép ẩn dụ. Ngay cả trong câu thơ 3094, nó đi với các từ hoa, phong, nhị (vốn thuộc trường từ vựng hoa - vật thể thường có mùi thơm), nó vẫn cùng với các từ này và cả các từ khác trong câu biểu hiện nghĩa ẩn dụ:
(3094) Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương
Câu thơ nói đến tình tiết Thuý Kiều khi tranh luận với Kim Trọng đã mượn các hình ảnh hoa, trăng cùng với các phẩm chất thơm, tròn của chúng để thể hiện quan niệm về phẩm chất trinh nguyên của người phụ nữ trong đạo vợ chồng. Ở các trường hợp còn lại, từ thơm đã được chuyển nghĩa xa hơn, rộng hơn, nhưng lại trừu tượng hơn. Nó không còn chỉ một mùi thuộc về thế giới vật chất mà con người cảm nhận được bằng khứu giác, mà chuyển sang lĩnh vực tinh thần: thể hiện điều tốt đẹp, phẩm chất cao quý trong tư tưởng, tình cảm, trong quan hệ xã hội, trong cuộc sống của con người nói chung. Những lúc đó, từ thơm có một bối cảnh kết hợp hoàn toàn khác - với những từ ngữ không thuộc trường từ vựng mùi vị :
(7) Cảo thơm lần dở trước đèn
(373) Được rày nhờ chút thơm rơi
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
Trộm nghe thơm nức hương lân
Nếu so sánh với các từ khác thuộc tiểu trường tên gọi mùi vị cụ thể mà dưới đây sẽ đề cập đến thì có thể thấy từ thơm là từ điển hình của trường từ vựng mùi vị trong Truyện Kiều với một lần được dùng đúng nghĩa gốc và 5 lần chuyển nghĩa.
3.1.3. 14 từ còn lại trong danh sách kể trên, tuy có sự khác biệt ít nhiều với nhau về cấu tạo hay về sắc thái biểu cảm, nhưng đều đồng nhất ở một điểm: chỉ được dùng trong Truyện Kiều với nghĩa chuyển, mà không một lần với nghĩa gốc (chỉ mùi vị của vật thể mà con người cảm nhận bằng giác quan).
a. Về cấu tạo, các từ có thể ở dạng từ đơn (đắng, cay, mặn, ngọt, chua, lạt), nhưng phần nhiều ở dạng từ ghép (hôi tanh, đắng cay, cay đắng, ngọt bùi, chua xót, mặn nồng) hoặc từ láy (mặn mà, ngọt ngào). Việc cấu tạo thành từ ghép hay từ láy, tuy không nhất thiết, nhưng cũng là cơ sở thuận lợi để từ chuyển nghĩa và thay đổi về đặc điểm kết hợp.
b. Về sắc thái biểu cảm, với nghĩa gốc, các từ thuộc tiểu trường tên gọi mùi vị cụ thể trong tiếng Việt nói chung vốn đã khác biệt chủ yếu theo hai nhóm biểu cảm dương tính, tức mùi vị được coi là tốt, dễ chịu, hài lòng và biểu cảm âm tính - mùi vị khó chịu, không tốt, thậm chí độc hại. Khi sử dụng theo nghĩa chuyển, các sắc thái biểu cảm vốn có cũng di chuyển theo. Lúc đó các từ đối lập về biểu cảm cũng sẽ khác biệt trong nghĩa chuyển. So sánh hai từ thơm và hôi tanh được dùng trong nghĩa chuyển để biểu hiện tính cách, đạo đức, quan hệ đối xử tốt hay xấu, dương tính hay âm tính của con người:
(155) Trộm nghe thơm nức hương lân (Kim Trọng nghe biết gia đình Thuý Kiều có tiếng tốt đẹp trong làng xóm quê hương về nếp ăn ở)
(853) Tuồng chi là giống hôi tanh (Thuý Kiều nghĩ và đánh giá về Mã Giám Sinh, kẻ đã dùng tiền để cướp đoạt tấm thân trong trắng của nàng)
Theo sắc thái biểu cảm trong nghĩa chuyển, các từ thuộc tiểu trường tên gọi mùi vị cụ thể trong Truyện Kiều đươc phân biệt về cơ bản thành hai nhóm: nhóm dương tính (thơm, mặn, mặn mà, ngọt, ngọt ngào, ngọt bùi, mặn nồng) và nhóm âm tính (hôi tanh, đắng cay, cay đắng, chua, lạt). Xem thêm các ví dụ có sự đối lập sau:
(1480) Mặn tình cát luỹ lạt tình tao khang (nặng về tình cảm với vợ lẽ, mà nhẹ tình cảm với vợ cả)
(1472) Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa (Thuý Kiều và Thúc Sinh bị cha Thúc Sinh đưa lên quan xử nhằm trị tội tự tiện lấy nhau, nhưng sau khi biết rõ sự ứng xử tốt và tài của Thuý Kiều, quan đã tha và hai người tiếp tục được là vợ chồng)
Như thế khi chuyển nghĩa, các từ vốn gọi tên mùi vị vẫn giữ nguyên sắc thái biểu cảm dương tính hay âm tính.
c. Về mặt hướng chuyển đổi nghĩa, có thể nhận ra rằng trong Truyện Kiều, các từ vốn thuộc tiểu trường tên gọi mùi vị cụ thể kể trên có những hướng chuyển nghĩa chủ yếu như sau:
- Chuyển sang biểu hiện vẻ ngoài duyên dáng, dễ nhìn, dễ ưa của thân hình, cử chỉ, điệu bộ con người (sự kết hợp với từ vẻ là một dấu hiệu):
(23) Kiều càng sắc sảo mặn mà
(641) Mặn nồng một vẻ một ưa
(1282) Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa
(162) Bóng hồng nhác thấy nẻo xa, Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai
- Chuyển sang biểu hiện đặc điểm, tính chất của lời nói, điệu cười của con người. Lúc đó chúng kết hợp với các từ nói, cười, khen,…
(2474) Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu
(400) Mặn khen nét bút càng nhìn càng tươi
(1983) Cười cười nói nói ngọt ngào
(2449) Nghe lời nàng nói mặn mà
Thật ra, lời nói hay điệu cười chỉ là biểu hiện bên ngoài của trạng thái tâm lí, tình cảm, hay thái độ ứng xử bên trong mà điểm dưới đây nói đến.
- Chuyển sang biểu hiện các trang thái, cung bậc tình cảm, đời sống nội tâm bên trong của con người (sự kết hợp với từ lòng là một dấu hiệu):
(489-490) Rằng hay thì thật là hay, Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
(1870) Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng
(1076) Cầm lòng chua xót lạt tình bơ vơ
- Rộng hơn nữa là chuyển hoá để biểu hiện những gì là vất vả, cực khổ, gian truân trong cuộc sống, trong cõi đời:
(3036) Nửa đời nếm trải đủ mùi đắng cay
(1352) Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng
(2615) Một mình cay đắng trăm đường
Và cả những gì là ấm êm, hạnh phúc, tuy rất hiếm hoi, ít ỏi và bất định:
(1630) Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi.
Như thế trong tuyệt đại đa số các trường hợp sử dụng trong Truyện Kiều, các từ thuộc tiểu trường tên gọi mùi vị cụ thể đều được chuyển sang nghĩa ẩn dụ, đặc biệt là chuyển sang biểu hiện những trạng thái thuộc lĩnh vực tinh thần của con người.
3.2 Về tiểu trường tên gọi khái quát của mùi vị
Trong Truyện Kiều, tiểu trường này chỉ có ba từ và cả ba đều thuộc về nhóm chỉ mùi (mùi, hương, hơi), không dùng từ chỉ khái quát cho nhóm vị (vị). Ba từ trên được dùng trong 53 câu thơ với nhiều sắc thái ý nghĩa.
a.Trước hết là từ mùi. Như đã trình bày ở trên, đây là từ gọi chung dạng vật chất ở thể hơi mà con người cảm nhận bằng mũi. Tuy nhiên trong Truyện Kiều cả 5 lần được sử dụng, nó đều được dùng không phải với nghĩa gốc đó, mà với nghĩa chuyển. Với nghĩa chuyển, có trường hợp từ mùi lại được dùng với các từ vốn thuộc nhóm chỉ vị để thể hiện những sự vất vả, cực khổ mà con người chịu đựng:
(3036) Nửa đời nếm trải đủ mùi đắng cay
Phổ biến hơn là những trường hợp từ mùi kết hợp với những từ vốn không thuộc trường từ vựng mùi và chuyển nghĩa để biểu hiện những “mùi vị” đa dạng của cuộc sống. Có thể là cái chất, cái bản sắc riêng, đặc trưng của một lĩnh vực, một trạng thái tinh thần nào đó trong cuộc sống của con người và xã hội. Với cách dùng này, từ mùi đã được mở rộng nghĩa ở mức độ cao, vượt khỏi giới hạn của vật chất. Ví dụ:
(30) Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm
(256) Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình
(3043-3044) Mùi thiền đã bén muối dưa, Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng
(1593) Non quê thuần vược bén mùi
b. Từ hương được sử dụng rộng rãi hơn từ mùi, tuy phạm vi biểu đạt lại hẹp hơn: hương là mùi nhưng chỉ với sắc thái dương tính (mùi dễ chịu, được cảm nhận là tốt, làm hài lòng con người). Trong Truyện Kiều, hương được dùng tới 41 lần, trong đó 7 lần nó được dùng với nghĩa gốc: mùi thơm từ vật chất. Ngoài các câu 256, 292 đã dẫn ở trên, xem thêm một số ví dụ sau:
(216) Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây
(300) Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai
(497) Hoa hương càng tỏ thức hồng
Cũng như trong ngôn ngữ đời thường, trong Truyện Kiều, hương còn được dùng theo phép hoán dụ để chỉ vật thể tạo ra mùi thơm (nén hương, trầm hương). Nghia này xuất hiện trong 22 câu thơ. Một số ví dụ:
(742) Đốt lò hương ấy so tơ phím này
(933) Hương hoa hôm sớm phụng thờ
(2056) Hương đèn việc trước trai phòng việc sau
Quan trọng và đáng chú ý nhất là những trường hợp từ hương được dùng với nghĩa thuộc các phạm trù tinh thần. Trường hợp này chiếm 13 lượt sử dụng. Từ chỗ biểu hiện mùi với sắc thái dương tính, hương chuyển sang thể hiện sắc đẹp,vẻ duyên dáng,phẩm cách cao sang của con người. Ví dụ:
(848) Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương
(1065) Than ôi sắc nước hương trời
(2638) Thì đà đắm ngọc chìm hương cho rồi
Và nhất là nó được dùng để biểu hiện tình cảm đẹp, phẩm chất tốt :
(2213) Nửa năm hương lửa đương nồng
(2862) Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần
c. Từ hơi được dùng 7 lần trong Truyện Kiều, nhưng phần nhiều nó thể hiện hơi thở của con người (như ở các câu 756, 1134, 2588), hoặc biểu hiện khí, gió (như ở các câu 253, 913, 2808), lúc đó nó không thuộc trường nghĩa mùi vị. Chỉ một lần duy nhất, nó được dùng với nghĩa chuyển để chỉ “hơi hướng”, “mùi vị “ của đồng tiền:
(1306) Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê
Như thế trong ba từ thuộc tiểu trường tên gọi khái quát của mùi vị trong Truyện Kiều, chỉ có từ hương là được dùng với nghĩa gốc (mùi thơm mà con người cảm nhận được bằng khứu giác), nhưng với tần số thấp 7/53 lần (chiếm khoảng 13%). Còn lại, chúng đều được dùng với nghĩa chuyển, trong đó hướng chuyển sang lĩnh vực tinh thần đóng vai trò chủ đạo .
4. Tổng kết lại, trừ từ thơm với 1 lần duy nhất và từ hương với 7 lần trong Truyên Kiều được dùng với nghĩa gốc để chỉ mùi của vật chất mà con người cảm nhận được bằng giác quan, các từ còn lại thuộc hai tiểu trường tên gọi cụ thể và tên gọi khái quát về mùi vị đều chủ yếu được dùng với nghĩa chuyển, phần lớn theo phép ẩn dụ. Điểm chung nhất là chúng đều được chuyển hoá để thể hiện những đặc điểm, tính chất có thể thuộc dáng vẻ, lời nói bên ngoài của con người, nhưng phần lớn là thuộc trạng thái nội tâm hay thuộc về cuộc sống của cả một đời người. Từ đó có thể hoạ theo cách nói của ngôn ngữ học tri nhận để khẳng định rằng: Dưới điểm nhìn của một người Việt Nam điển mẫu là thi hào dân tộc Nguyễn Du, và bằng phương tiện thể hiện là tiếng Việt thì CON NGƯỜI LÀ MỘT VẬT THỂ CÓ MÙI VỊ. Biểu thức này không chỉ nói về phương diện thể chất, mà về toàn bộ các phương diện khác nhau của con người (trong đó có cả lĩnh vực tinh thần ): dáng vẻ, lời nói, sự ứng xử, tình cảm, tư tưởng, cuộc sống…
Đến đây có một vấn đề nảy sinh: Vì sao “mùi vị” là một phần tất yếu của cuộc sống muôn loài, mà tiểu trường tên gọi mùi vị trong Truyện Kiều tuyệt đại đa số lại chỉ được dùng với nghĩa chuyển, đặc biệt là hướng đến lĩnh vực tinh thần? Đó có phải do nhu cầu và sự chế định của ngôn ngữ nghệ thuật, nhất là ở thể loại thơ ca của Truyện Kiều?
Chúng tôi đã có dịp bàn đến từ ngữ thuộc trường nghĩa lửa trong Truyện Kiều [8:188-196] và nhận thấy một tình hình tương tự: từ lửa và các từ thuộc cùng trường từ vựng lửa (một dạng vật chất tối quan trọng trong cuộc sống con người từ hàng triệu triệu năm nay) đã đựợc Nguyễn Du sử dụng theo nghĩa chuyển (cũng hướng chủ yếu đến lĩnh vực tinh thần) với tần số cao áp đảo so với nghĩa gốc. Chúng tôi đã đi đến nhận định điều đó chịu sự chi phối của tư tưởng nghệ thuật chủ đạo trong Truyện Kiều: Không phải là phản ánh cuộc sống vật chất của con người, mà chủ yếu thể hiện những cạnh khía, những cung bậc tế nhị, phức tạp, muôn màu vẻ của đời sống tinh thần con người. Đối với nhóm từ thuộc tiểu trường tên gọi mùi vị trong Truyện Kiều cũng có thể thấy một mối quan hệ chi phối như vậy: các từ thuộc tiểu trường này không dùng để thể hiện cuộc sống vật chất, mà chủ yếu được dùng theo nghĩa chuyển chính là để miêu tả, khắc hoạ đời sống nội tâm, các trạng thái tinh thần của các nhân vật và đời sống xã hội trong tác phẩm, cũng là để thể hiện tư tưởng và cảm xúc nghệ thuật của tác giả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974.
[2] Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
[3] Noam Chomsky, Ngôn ngữ và ý thức (bản dịch của Hoàng Văn Vân), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2012.
[4] Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
[5] Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2001.
[6] Lê Quang Thiêm, Ngữ nghĩa học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008.
[7] Bùi Minh Toán, Từ trong hoạt động giao tiếp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.
[8] Bùi Minh Toán, Ngôn ngữ với văn chương, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2012.
ABSTRACT
This paper aims at answering the questions “Why are the smells an obvious part of “Truyện Kiều” (Kieu Story) most of which are used as the transferred meaning particularly forwarding to mental aspects? Does that come from a need and constraint of the literary language, particularly from the poetic type of “truyện Kiều”? The research results show that the subfield of smell is mainly used in the transferred meaning to describe inner feelings and moods of the characters.