Từ điển học về việc bảo tồn, phát triển ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong ở Việt Nam

08/07/2013

GS.TS NGUYỄN VĂN LỢI

 

TÓM TẮT

Bài báo phân tích thực trạng ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong (Endengered Language) và chỉ ra vai trò, ý nghĩa khoa học, thực tiễn của việc biên soạn các công trình tra cứu ngôn ngữ (các loại từ điển, bách khoa thư), nhằm bảo tồn và phát triển ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong ở Việt Nam. Bài báo cũng đề xuất việc xây dựng và phát triển Từ điển học ngôn ngữ dân tộc thiểu số - chuyên ngành nghiên cứu lí luận và thực hành biên soạn công trình tra cứu về ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

 

Trong bài trước, chúng tôi đã giới thiệu những vấn đề cơ bản về ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong (Endengered Languages, viết tắt: ngôn ngữ NCTV) trên thế giới; ngôn ngữ NCTV và việc biên soạn các công trình tra cứu, nhằm bảo tồn và phát triển chúng ở Liên bang Nga. Trong bài này, chúng tôi trình bày về tình hình ngôn ngữ NCTV và vai trò, nhiệm vụ của từ điển học trong việc bảo tồn phát triển ngôn ngữ NCTV ở Việt Nam.

1. Việt Nam - Một trong các điểm nóng về ngôn ngữ NCTV

Khu vực Đông Nam Á lục địa (cụ thể hơn, Đông Dương) được coi là một trong 13 điểm nóng về ngôn ngữ NCTV (xem bản đồ trên, điểm nóng thứ 11 trong danh sách của Viện Chuyên khảo ngôn ngữ NCTV (Living Tongues Institute for Endengered Languages)

Nằm trong khu vực trên, Việt Nam mang những tiêu chí của một “điểm nóng” về ngôn ngữ NCTV.

1.1. Việt Nam: Sự đa dạng ngôn ngữ và đơn vị (nhóm) ngôn ngữ cội nguồn

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Theo các tài liệu chính thức, trên lãnh thổ Việt Nam có 54 dân tộc cùng chung sống. Xét về ngôn ngữ, có nhiều trường hợp một tộc người gồm nhiều nhóm địa phương, nói các thứ tiếng khác nhau. Các thứ tiếng này có thể là các ngôn ngữ độc lập, thuộc cùng một nhóm cội nguồn (trường hợp ngôn ngữ của dân tộc Hmông, dân tộc Thái, dân tộc Chứt, dân tộc Ta Ôi…). Các thứ tiếng cũng có thể là các ngôn ngữ độc lập, thuộc những nhóm thân tộc khác nhau của cùng một ngữ hệ (trường hợp ngôn ngữ của dân tộc Tày). Đồng thời, các thứ tiếng cũng có thể là các ngôn ngữ độc lập, thuộc các ngữ hệ hoàn toàn khác nhau (trường hợp ngôn ngữ của dân tộc Dao, dân tộc Pà Thẻn). Như vây, số lượng ngôn ngữ được phân bố trên lãnh thổ Việt Nam chắc chắn lớn hơn con số 54 (dân tộc). Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 100 ngôn ngữ độc lập; mỗi ngôn ngữ lại có thể gồm các phương ngữ, thổ ngữ khác nhau. Ví dụ, dân tộc Dao ở Việt Nam nói 2 ngôn ngữ chính là ngôn ngữ Miền (của các nhóm địa phương tự nhận Kiềm Miền) và ngôn ngữ Mùn (của các nhóm địa phương tự nhận là Kìm Mùn). Trong mỗi ngôn ngữ (Miền và Mùn), lại gồm các phương ngữ [của các ngành (nhóm địa phương) khác nhau]. Ngoài ra, còn có sự khác biệt về tiếng nói giữa các vùng cư trú của cùng một ngành, chẳng hạn, sự khác biệt giữa tiếng Dao Đỏ (thuộc ngôn ngữ Miền) ở Tuyên Quang và Dao Đỏ ở Lào Cai, hay Bắc Kạn.

Ở Việt Nam không chỉ có sự đa dạng về ngôn ngữ mà còn có sự đa dạng về đơn vị (nhóm) cội nguồn (genetic group).

Việt Nam có đại diện của cả 5 ngữ hệ ở khu vực Đông Nam Á: Nam Á, Tai-Ka Đai, Hmông-Miền, Nam Đảo và Hán Tạng.

Thuộc ngữ hệ Nam Á, có đại diện của 6 ngữ chi trong số 12 ngữ chi (language branch), dòng Mon-Khmer. Đó là ngữ chi Việt (Vietic), Khmú (Khmuic), Mảng (Mangic hay Pukanic), Ka Tu (Katuic), Ba Na (Bahnaric), Khmer (Khmeric).

Thuộc ngữ hệ Tai-Ka Đai, có đại diện của 3 ngữ chi: Ka Đai, Tày-Thái, Kam-Thuỷ.

Thuộc ngữ hệ Hmông - Miền, có đại diện của 3 ngữ chi: Hmông, Miền và Pa Hưng.

Thuộc ngữ hệ Nam Đảo, có đại diện của nhóm Chăm (Chamic) thuộc ngữ chi Nam Đảo Tây Nam,

Thuộc ngữ hệ Hán - Tạng, có đại diện của ngữ chi Hán và ngữ chi Tạng-Miến (tiểu nhóm Di-Lô Lô, nhóm Miến-Di).

Trong mỗi ngữ chi của từng ngữ hệ lại bao gồm các nhóm ngôn ngữ thân thuộc. Chằng hạn, trong ngữ chi Ba Na (Bahnaric) bao gồm các nhóm Ba Na Bắc, Ba Na Tây, Ba Na Trung Tâm… Trong ngữ chi Tày - Thái có đại diện của cả 3 nhóm: Tày - Thái Bắc (Ngạn, Giáy, Bố Y), Tày - Thái Trung Tâm (Tày, Nùng), Tày-Thái Tây Nam (Thái Đen, Thái Trắng, Thái Thanh..).

1.2. Việt Nam: Mức độ cao về ngôn ngữ NCTV

Sự hình thành và phát triển các ngôn ngữ ở Việt Nam là kết quả của hai quá trình phát triển theo hướng trái ngược nhau: phân liquy tụ. Xu hướng phân li là quá trình phân chia ngôn ngữ từ một ngôn ngữ gốc thành các ngôn ngữ và phương ngữ nhánh. Xu hướng quy tụ là quá trình xích gần nhau của các ngôn ngữ, phương ngữ, do kết quả của sự tiếp xúc lâu dài. Trong sự phát triển ngôn ngữ, ở từng thời kì, có thể một trong hai xu hướng trên nổi trội, hoặc cả hai xu hướng cùng tác động, đan xen vào nhau. Trong thực tế, những ngôn ngữ nhỏ dù phát triển theo hướng phân li hay quy tụ, nhưng có kết quả chung: các ngôn ngữ này dần bị mai một. Ở khu vực Đông Bắc và Tây Bắc nước ta, nhiều tộc người vốn từ nam Trung Quốc di cư đến. Trong quá trình di cư vào Việt Nam, ngôn ngữ của họ mất dần những đặc điểm gốc (đôi khi mất hẳn ngôn ngữ), đồng thời, lại tiếp thu những đặc điểm mới (đôi khi tiếp nhận ngôn ngữ mới), do sự tiếp xúc văn hoá, ngôn ngữ với các tộc người khác. Kết quả là, ở khu vực này, có thể tìm thấy những tộc người rất nhỏ, ngôn ngữ của họ bị mất hẳn, hoặc đang bị mai một dần, như ngôn ngữ của người Tống, người Thuỷ ở Tuyên Quang, của người Pu Péo, Cơ Lao, La Chí ở Hà Giang, của người Tu Dí, Pa Dí, Thu Lao… ở Lào Cai, của người Mảng, Kháng, Cống, Si La, La Hụ ở Lai Châu, Điện Biên. Trong khi đó, các ngôn ngữ ở Bắc Trung Bộ, Trường Sơn, Tây Nguyên phát triển chủ yếu theo hướng phân li. Kết quả là, ở khu vực này, phân bố nhiều ngôn ngữ có rất ít người sử dụng, hạn chế về chức năng xã hội (chủ yếu được sử dụng trong giao tiếp gia đình, thôn bản) dẫn đến nguy cơ bị mai một và tiêu vong. Tiêu biểu cho tình trạng này là các ngôn ngữ thuộc ngữ chi Việt (Vietic) như Poọng, Đan Lai, Rục, A Rem, Mã Liềng, Kri… ở Bắc Trung Bộ.

Dân số tộc người là một trong những điều kiện tác động đến khả năng sinh tồn của ngôn ngữ. Trong số gần 100 ngôn ngữ ở Việt Nam, nhiều ngôn ngữ có số lượng người sử dụng hạn chế, thậm chí rất hạn chế. Theo tài liệu điều tra dân số năm 2009, nước ta có tổng dân số 85. 846. 997 người, trong đó dân số dân tộc Kinh là 73.594.427 người, chiếm gần 86 % tổng dân số; còn dân số của 53 dân tộc thiểu số là hơn 12 triệu người, chiếm 14 % tổng dân số. Tình hình dân số - tộc người các dân tộc thiểu số ở nước ta có thể khái quát như sau:

○ 4 dân tộc có số dân > 1 triệu người, gồm: Tày, Thái, Mường, Khmer, Hmông.

○ 14 dân tộc có dân số (lớn hơn) > 100 nghìn người, (nhỏ hơn) < 1 triệu người, gồm: Hoa, Nùng, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Sán Chay, Chăm, Cơ Ho, Xơ Đăng, Sán Dìu, Hrê, Raglai, Mnông.

○ 18 dân tộc có dân số > 10 nghìn người, < 100 nghìn người, gồm: Thổ, Xtiêng, Khơ Mú, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Giáy, Ta Ôi, Mạ, Giẻ-Triêng, Co, Chơ Ro, Xinh Mun, Hà Nhì, Chu Ru, Lào, La Chí, Kháng, Phù Lá.

○ 11 dân tộc có dân số > 1 nghìn người, < 10 nghìn người, gồm: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cơ Lao, Bố Y, Cống.

○ 2 dân tộc có dân số > 500 người, < 1 nghìn người, gồm: Si La (709 người), Pu Péo (687 người).

○ 3 dân tộc có dân số < 500 người, gồm: Rơ Măm (436 người), Brâu (397 người), Ơ Đu (376 người).

Các chuyên gia ngôn ngữ học xã hội quốc tế đưa ra khái niệm “tộc người rất nhỏ, ngôn ngữ rất nhỏ” (tiếng Nga: малочисленный народ, малочисленный язык). Đó là các tộc người có dân số rất ít, ngôn ngữ, văn hoá của họ có nguy cơ cao về sự mai một, tiêu vong, cần được nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm. Ở Nga, “tộc người rất nhỏ” được xác định theo tiêu chí: “Cộng đồng tộc người sống trên lãnh thổ cư trú truyền thống và có số dân dưới 50 nghìn người. Chính phủ Liên bang Nga công nhận 66 tộc người là tộc người rất nhỏ, 56 ngôn ngữ là ngôn ngữ rất nhỏ (trong tổng số 86 ngôn ngữ).

Theo “Điều tra dân số 2009”, ở Việt Nam, hơn một nửa (27/53) dân tộc thiểu số có số dân ít hơn 50 nghìn người. Hầu hết các dân tộc này đang sinh sống trên lãnh thổ cư trú truyền thống. Đó là xét về dân tộc, nếu xét về ngôn ngữ, thì số lượng “ngôn ngữ rất nhỏ” (dưới 50 nghìn người sử dụng), chắc chắn còn lớn hơn.

Sự phân bố phân tán, đan xen là tình trạng phổ biến của nhiều ngôn ngữ - tộc người ở ở nước ta, nhất là của các tộc người ở các tỉnh phia Bắc. Trong số 109 huyện của 11 tỉnh miền núi phía Bắc, 59 huyện có trên 10 dân tộc cùng sinh sống. Các dân tộc như Dao, Hmông, Nùng cư trú ở trên dưới 1.000 xã trong cả nước. Đây cũng là điều kiện bất lợi đối với khả năng sinh tồn của ngôn ngữ - tộc người.

Do tình trạng cư trú phân tán, đan xen, hiện tượng song ngữ, đa ngữ phổ biến ở tất cả các dân tộc thiểu số, thuộc mọi vùng, miền. Sự phát triển song ngữ, đa ngữ, tất nhiên, mang ý nghĩa tích cực, là xu hướng tất yếu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, phải nhận rằng, song ngữ, đa ngữ ở những dân tộc ít người, là song ngữ bất bình đẳng, tạo nên những điều kiện bất lợi cho sự sinh tồn của ngôn ngữ nhỏ: ngôn ngữ có vị thế cao lấn át ngôn ngữ nhỏ, đẩy nó vào trình trạng nguy cấp.

Việc xác định “sức sống, tình trạng “sức khoẻ” của từng ngôn ngữ cần dựa trên nhiều tiêu chí, với việc khảo sát cụ thể, chi tiết. Việc sắp xếp mức độ nguy cấp của ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam (xếp theo mức độ nguy cấp từ cao đến thấp) dưới đây chỉ là sơ bộ, mang tính “gợi ý, tham khảo”.

○ Ngôn ngữ nguy cấp cao (Số lượng người nói dưới 100 người): Cơ Lao Đỏ, Cơ Lao Xanh, Cơ Lao Trắng, Ơ Đu, Tống, Thuỷ...

○ Ngôn ngữ nguy cấp (Số lượng người dưới một nghìn người): Si La, Pu Péo, Rơ Mam, Brâu, Khạ Phọng, Rục, A Rem...

○ Ngôn ngữ đang bị mai một (Số lượng người nói dưới mười nghìn người): Mảng, Bố Y, La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Na Mẻo Sla, Lự, Bố Y, Cống...

○ Ngôn ngữ có nguy cơ mai một (Số lượng người nói dưới năm mươi nghìn người): Kháng, La Chí, Xinh Mun, Phù Lá, Chu Ru...

1.3. Việt Nam: Mức độ thấp về việc tư liệu hoá ngôn ngữ

Có thể nói hầu hết các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt các ngôn ngữ nhỏ, chưa được nghiên cứu. Tư liệu về một số ngôn ngữ đã thu thập, nhưng mới dừng lại ở những bước đầu tiên: vài trăm từ cơ bản, sơ bộ về ngữ âm, ngữ pháp…

Hiện nay, đối với phần lớn các ngôn ngữ, chúng ta mới dừng lại ở những hiểu biết ban đầu, chung chung. Chúng ta chưa có được danh sách các ngôn ngữ, phương ngữ (không kể các ngoại ngữ) được các tộc người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, ngoài danh sách 53 dân tộc thiểu số được công bố chính thức (1979). Việc xác lập danh sách ngôn ngữ, phương ngữ không chỉ có ý nghĩa về mặt nghiên cứu khoa học, mà còn có giá trị thực tiễn, xét theo yêu cầu bảo tồn ngôn ngữ NCTV. Bởi vì, nếu một ngôn ngữ rất nhỏ nào đó bị bỏ qua, thì ngôn ngữ đó đã bị “khai tử”, trong khi thực tế nó vẫn tồn tại (được một bộ phận của tộc người nào đó sử dụng). Điều đó có nghĩa là, chúng ta đã tự làm mất ngôn ngữ đó, trước khi nó bị tiêu vong trong thực tế.1

2. Một số nhiệm vụ cấp thiết trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ NCTV ở nước ta

Thực trạng về ngôn ngữ NCTV ở Việt Nam như phân tích ở trên, dẫn đến nhận định rằng, việc bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ, văn hoá các tộc người, đặc biệt đối với các ngôn ngữ đang bị mai một có thể dẫn đến sự tiêu vong, đang là yêu cầu cấp thiết ở nước ta hiện nay.

Đã gần 20 năm kể từ Hội thảo Quốc tế về Bảo tồn văn hoá phi vật thể của các dân tộc do UNESCO tổ chức tại Hà Nội (3-1993). Tại Hội thảo, các nhà khoa học quốc tế và trong nước đã đưa ra các khuyến cáo về sự cần thiết phải bảo tồn và phát triển các ngôn ngữ NCTV ở Việt Nam.

Sau đây là một số nhiệm vụ cần giải quyết trước mắt, nhằm bảo tồn và phát triển ngôn ngữ NCTV ở nước ta hiện nay.

2.1. Điều tra, nghiên cứu ngôn ngữ - xã hội - tộc người, nhằm xác định danh sách các ngôn ngữ, phương ngữ của các dân tộc thiểu số ở nước ta. Các lĩnh vực điều tra gồm: cấu trúc ngôn ngữ, các biến thể địa phương, đặc điểm văn hoá tộc người, lịch sử tộc người, ý thức tộc người, ý thức, thái độ ngôn ngữ, cảnh huống ngôn ngữ... Trên cơ sở kết quả điều tra những lĩnh vực trên, xây dựng “Lí lịch ngôn ngữ - xã hội - tộc người (Ethno- socio-linguistic biography)” của từng ngôn ngữ.

Tháng 7-2010, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố, các cơ quan hữu quan trong cả nước về việc điều tra, thống kê các di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc ở nước ta.

Có thể xem nội dung của việc Điều tra, nghiên cứu ngôn ngữ - xã hội - tộc người ở Việt Nam - như đề xuất trên, là một trong những nhiệm vụ nhằm thực hiện yêu cầu của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

2.2. Dựa vào “lí lịch ngôn ngữ - xã hội - tộc người “ các ngôn ngữ ở Việt Nam, xác định danh sách các ngôn ngữ NCTV cao.

2.3. Trong chính sách đối với các dân tộc thiểu số, Nhà nước cần quan tâm đặc biệt đến các dân tộc nhỏ, nhằm bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, văn hoá của họ. Thực tế những năm qua, Chính phủ, chính quyền các địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt đến một số tộc người có dân số rất ít như dân tộc Pu Péo ở Hà Giang, người Rục, người A Rem ở Quảng Bình… dưới các hình thức như ổn định và phát triển kinh tế, giúp đỡ y tế, giáo dục… Trong chính sách sinh đẻ có kế hoạch, gia đình thuộc dân tộc có dân số dưới 10 nghìn người, hoặc thuộc dân tộc mà dân số có nguy cơ sụt giảm, được phép sinh hơn 2 con. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có cơ quan hữu trách nào công bố danh sách các dân tộc thuộc hai nhóm nói trên. Ở cấp vĩ mô, việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, văn hoá các dân tộc nhỏ cần được luật định hoá bằng các điều luật riêng trong luật dân tộc hay luật ngôn ngữ, hoặc bằng nghị định, luật định cụ thể về ngôn ngữ NCTV.

2.4. Đẩy mạnh việc tư liệu hoá về ngôn ngữ DTTS nói chung và ngôn ngữ NCTV nói riêng. Tư liệu cần điều tra bao gồm tư liệu về cấu trúc ngôn ngữ, tình hình chữ viết và những văn bản chữ viết hiện có, tình hình xã hội ngôn ngữ học. Cần áp dụng các phương pháp, phương tiện hiện đại, nhất là các phương pháp, phương tiện của công nghệ truyền thông đa phương tiện (multimedia) vào việc thu thập, lưu trữ, để xây dựng cơ sở dữ liệu (database) về ngôn ngữ NCTV.

2.5. Biên soạn các công trình nghiên cứu và tra cứu về ngôn ngữ NCTV.

3. Từ điển học ngôn ngữ dân tộc thiểu số và vấn đề bảo tồn, phát triển ngôn ngữ NCTV ở Việt Nam

3.1. Công trình tra cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số

Từ điển học - chuyên ngành khoa học nghiên cứu lí luận và thực hành biên soạn các công trình tra cứu, có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ 2.5. : Biên soạn các công trình nghiên cứu và tra cứu về ngôn ngữ NCTV. Công trình tra cứu được nói đến ở đây là những công trình mà tiêu biểu là các loại từ điển, công trình bách khoa, có “định dạng” khác nhau (dạng đã được in ấn, hay dạng điện tử: phần mềm máy tính, đĩa quang, trực tuyến…), cho phép người ta lưu chứa và tìm lại thông tin một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Trong công trình về Nguy cơ tiêu vong ngôn ngữ và sự bảo tồn ngôn ngữ (Language Endangerment and Language Maintenance) các nhà khoa học chỉ ra rằng, việc biên soạn từ điển ngôn ngữ NCTV là công việc có tính chìa khoá để bảo tồn và phát triển các ngôn ngữ NCTV. Từ điển là dạng công trình tra cứu lưu chứa từ ngữ tách rời của ngôn ngữ, kèm theo các thông tin đầy đủ hoặc một số thông tin về chính tả, cách phát âm, ý nghĩa, cách dùng… của từ ngữ đó. Từ điển được coi là sản phẩm văn hoá chuyển tải một cách nhìn về ngôn ngữ của một cộng đồng. Từ điển là một kho báu, chứa đựng các thông tin về ngôn ngữ nói chung, về từ vựng nói riêng. Đồng thời trong kho báu đó, chúng ta tìm thấy những tri thức về môi trường tự nhiên, xã hội, về lịch sử, văn hoá của tộc người đó.

Công trình tra cứu ngôn ngữ NCTV có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ NCTV, xét từ các khía cạnh:

○ Phát triển chức năng xã hội của ngôn ngữ NCTV;

○ Tăng cường ý thức ngôn ngữ của người nói ngôn ngữ NCTV;

○ Đẩy mạnh việc tư liệu hoá, nghiên cứu ngôn ngữ NCTV;

○ Làm “sống lại” (revive) ngôn ngữ đã bị mất.

3.2. Từ điển học ngôn ngữ dân tộc thiểu số

Từ điển học gồm 2 lĩnh vực: Lí luận từ điển học và Thực hành từ điển học. Đối tượng của lí luận từ điển học là việc hoàn thiện các nguyên tắc và phương pháp và biên soạn từ điển. Những vấn đề lí luận trung tâm của từ điển học: loại hình từ điển, cấu trúc bảng từ, cấu trúc mục từ, người sử dụng từ điển.

Công trình tra cứu về ngôn ngữ dân tộc thiểu số nói chung và về ngôn ngữ NCTV nói riêng, có những yêu cầu, nội dung và đặc điểm riêng. Hầu hết ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta, nhất là ngôn ngữ nhỏ, có NCTV, còn ít được nghiên cứu, chưa có chữ viết. Do vậy, việc xây dựng hay cải tiến các hệ thống chữ viết, phiên âm, miêu tả ngữ âm, ngữ pháp cơ bản là những nội dung thiết yếu của các công trình tra cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Như vậy, cấu trúc, nội dung của các loại công trình tra cứu về ngôn ngữ dân tộc thiểu số có những đặc điểm riêng. Xét trên bình diện người sử dụng, khi biên soạn công trình tra cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số, cũng có những vấn đề riêng. Tóm lại, trước những yêu cầu về nghiên cứu lí luận và thực hành biên soạn công trình tra cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay, cần thiết xây dựng và phát triển chuyên ngành từ điển học ngôn ngữ dân tộc thiểu số (Lexicography of Languages Ethnic Minority). Đây là chuyên ngành hẹp trong chuyên ngành từ điển học, có những điểm chung và riêng về phạm vi, đối tượng, phương pháp trong nghiên cứu và thực hành.

Hai phạm vi chính của chuyên ngành hẹp này là: 1- Nghiên cứu lí luận từ điển học ngôn ngữ dân tộc thiểu số; 2 - Thực hành từ điển học ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

Một số vấn đề trọng tâm liên quan đến phạm vi thứ nhất, là:

○ Loại hình học công trình tra cứu về ngôn ngữ dân tộc thiểu số;

○ Các nguyên tắc và phương pháp biên soạn công trình tra cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số;

○ Cấu trúc vĩ mô của công trình tra cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số;

○ Cấu trúc vi mô công trình tra cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số;

○ Bình diện người sử dụng của công trình tra cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

Thực hành biên soạn các loại công trình tra cứu dân tộc thiểu số là phạm vi thứ hai của từ điển học ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

3.3. Biên soạn công trình tra cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta

Những công trình tra cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số sớm nhất ở nước ta là các công trình của các tác giả Pháp từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Đó là công trình về tiếng Thái, Thổ (Tày), của Diguet, E. (1895, 1909, 1910); về các ngôn ngữ Cao Lan, Nùng An, Nùng Choang, Chung Chá, Thổ, Giáy, Kabiao (Pu Péo), La Chí, Cơ Lao… ở thượng nguồn sông Lô của Bonifacy, A. L. M. (1905, 1907); các từ điển của Savina, F. M. như Từ điển Tày - Việt - Pháp (1910), Pháp - Mèo (Hmông) (1920), Pháp - Mán (Dao) (1924). Ở nửa đầu thế kỉ XX, các nhà khoa học Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ đã điều tra, biên soạn nhiều công trình tra cứu về ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam. Một số từ điển, từ vựng đối chiếu các ngôn ngữ Mon-Khmer, Tày (Thổ), Thái Đen, Thái Trắng, Mường được in ở Sài Gòn, trước năm 1975.

Công việc biên soạn sách tra cứu nói chung và từ điển ngôn ngữ dân tộc thiểu số được chú ý ở các cơ quan và cá nhân chuyên nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Theo Nguyễn Hữu Hoành, cho đến nay, chúng ta đã biên soạn và xuất bản 19 từ điển Việt - ngôn ngữ dân tộc thiểu số và 11 từ điển ngôn ngữ dân tộc thiểu số - Việt. Từ thập niên cuối thế kỉ XX đến nay, theo các dự án hợp tác khoa học Việt - Nga, các nhà khoa học đã điều tra, nghiên cứu và biên soạn các sách mang tính nghiên cứu - tra cứu về ngôn ngữ dân tộc thiểu số, trong đó có một số ngôn ngữ NCTV, như La Ha, Xinh Mul, Rục, Cơ Lao. Sách gồm các phần: Khái quát về dân tộc và ngôn ngữ, miêu tả ngữ âm và đặc điểm ngữ pháp cơ bản, từ điển chủ đề đối chiếu Việt - Nga - ngôn ngữ đối tượng, bảng điểu tra các hiện tượng ngữ pháp cơ bản đối chiếu Việt - Nga - ngôn ngữ đối tượng, các bảng chỉ dẫn tra cứu (index).

Trong mấy thập kỉ gần đây, một số địa phương đã tổ chức biên soạn các công trình tra cứu về ngôn ngữ dân tộc thiểu số, nhằm phát triển chức năng xã hội ngôn ngữ dân tộc thiểu số (dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số theo chương trình xoá mù chữ, chương trình song ngữ, chương trình tiếng dân tộc thiểu số cho người dân tộc khác...). Bộ sách công cụ tra cứu thường gồm: Sách hướng dẫn học đọc, học viết, từ điển (hoặc ngữ vựng) đối chiếu Việt -Dân tộc thiểu số, hoặc Dân tộc thiểu số - Việt. Tỉnh Lâm Đồng tổ chức biên soạn bộ sách về ngôn ngữ Kơ Ho (1982). Bình Trị Thiên (cũ) tiến hành biên soạn bộ sách về ngôn ngữ Pa Koh-Ta Ôih, Bru-Vân Kiều (1985-1986). Tỉnh Quảng Nam tổ chức biên soạn bộ sách về tiếng Ka Tu, Ka Dong, Pnoong (2004-2008). Tỉnh Ninh Thuận tiến hành biên soạn các sách về ngôn ngữ Chăm, Raglai. Bình Định biên soạn bộ sách về Hrê, Ba Na Kriêm, Chăm Hroi (2005-2007). Tỉnh Đắc Lắc tiến hành biên soạn bộ sách về ngôn ngữ Ê Đê, Mnông Rơ Lâm. Tỉnh Đắc Nông có bộ sách về tiếng Mnông Preh (2008-2010).

Trong kế hoạch 2011-2015, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam được giao thực hiện đề tài “Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Mục tiêu của đề tài là, dựa trên những tư liệu đã có, tổng kết, giới thiệu về ngôn ngữ của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nội dung chính của công trình gồm 2 phần: Phần 1 trình bày tình hình chung về ngôn ngữ của 53 dân tộc thiểu số Việt Nam: lịch sử và quan hệ cội nguồn, đặc điểm loại hình học, tình hình ngôn ngữ học xã hội của các ngôn ngữ thuộc 53 dân tộc thiểu số. Những bình diện trên của từng ngôn ngữ của mỗi dân tộc được trình bày ở phần thứ hai của sách. Như vậy, công trình này mang tính chất nghiên cứu - tra cứu:

1- Tổng kết, kiểm kê, hệ thống hoá bức tranh ngôn ngữ - xã hội - tộc người của 53 dân tộc thiểu số Việt Nam (Phần thứ nhất);

2- Miêu thuật lí lịch ngôn ngữ - xã hội - tộc người từng ngôn ngữ thuộc 53 dân tộc thiểu số (Phần thứ hai).

Việc hoàn thành công trình chắc chắn sẽ góp phần giải quyết những vấn đề lí luận và thực tiễn về ngôn ngữ dân tộc thiểu số nói chung, và việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ NCTV ở Việt Nam, nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Corris, Mariam; Christopher Manning; Susan Poetsch; Jane Simpson 2002. Dictionaries and Endengered Languages. Language endangerment and language maintenance. Ed. by David Bradley and Maya Bradley. RoutledgeCurzon, New York.

[2] David Crystal 1997. The Cambridge Encycopedia of Language, Second Edition. Cambridge University Press.

[3] David Crystal 2000. Language Death. Cambridge University Press.

[4] Fill Alwin and Peter Muhlausler. 2001. The Ecolinguistics reader. Language, ecology and environment. Cintinuum, London & New York.

[5] Hồ Hải Thuỵ 2010. Hai cuốn sách mới dạy làm từ điển. Từ điển học & Bách khoa thư, s. 4.

[6] Language Endangerment and Language Maintenance 2002. Ed. by David Bradley and Maya Bradley. RoutledgeCurzon, New York.

[7] May Stephen 2001. Language and Minority Rights. Ethnicity, Nationalism and Politics of Language. Longman.

[8] Neroznak V.P. (chủ biên) 2002. Ngôn ngữ các cộng đồng tộc người ở Nga, Sách Đỏ (tiếng Nga). NXB “Academia”, Moskva.

[9] Nguyễn Hữu Hoành 2011. Một số nhận xét bước đầu về từ điển Việt - Dân tộc. Từ điển học và Bách khoa thư, s. 3.

[10] Nguyễn Văn Lợi 2002. Các ngôn ngữ nguy cấp và việc bảo tồn sự đa dạng văn hoá, ngôn ngữ tộc người ở Việt Nam // Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[11] Nguyễn Văn Lợi 2009. Dân tộc thiểu số, thông tin tri thức và tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư. Từ điển học & Bách khoa thư, s. 1.

[12] Samarina, I.V., Mazo, O. M., Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Hữu Hoành 2011. Các ngôn ngữ của người Cơ Lao. Tư liệu từ điển đối chiếu các ngôn ngữ Ka Đai. NXB “Academia”, Moskva (tiếng Nga).

[13] Tư liệu về khảo sát điền dã Việt - Nga 1979. T. 1: Ngôn ngữ La Ha. Moskva (tiếng Nga).

[14] Tư liệu về khảo sát điền dã Việt – Nga 1979. T. 2: Ngôn ngữ Mường. Moskva (tiếng Nga).

[14] Tư liệu về khảo sát điền dã Việt – Nga 1979. T. 3: Ngôn ngữ Kxinh Mul. Moskva (tiếng Nga).

[15] Tư liệu về khảo sát điền dã Việt – Nga 1979. T. 4: Ngôn ngữ Rục. Moskva (tiếng Nga).

[16] Wurm, Stephen A. 2002. Strategies for Language Maintnance and Revival // Language endangerment and language maintenance. Ed. by David Bradley & Maya Bradley. RoutledgeCurzon, New York.

SUMMARY

This article analyses the situation of endangered languages and points out practical & scientific value of reference works (dictionaries, encyclopaedias, etc.) on languages of ethnic minorities in Vietnam. The article also proposes to set up and develop Lexicography of Languages of Ethnic Minorities (LLEM) specialized in theoretical research and practical compilation of reference works on ethnic minority languages in Vietnam.



1 Trường hợp tiếng nói của người La Ha Ta Mit ở Tân Uyên, Lai Châu là ví dụ minh hoạ cho tình trạng này. Trên trang mạng báo Đất Việt ngày 9 & 11-6-2012, có các bài viết: Kì bí tộc người vô danh, kiêu hãnh giữa đại ngàn Tây Bắc. Theo bài viết, ở bản Sài Lương xã Ta Mít, huyện Tân Uyên (Than Uyên cũ) tỉnh Lai Châu có “một dân tộc mà hàng thế kỉ nay khắc khoải đi tìm lại tên chính mình”; bởi vì, mặc dù người dân tự ý thức rằng “Tôi là người La Ha… chúng tôi có ngôn ngữ riêng, có tập tục riêng..., nhưng “được dân nơi đây gọi là Xá, theo nghĩa tiếng Thái là hôi hoặc thối” và chính quyền địa phương gọi và xếp vào dân tộc Khơ Mú. Thực ra, từ năm 1979, trong danh mục các dân tộc Việt Nam, do Nhà nước chính thức ban hành, La Ha là một trong 54 dân tộc. Dân tộc La Ha có hai nhóm địa phương: La Ha Noong Lay (Sơn La) và La Ha Ta Mít (Lai Châu). Dân tộc La Ha có vị trí quan trọng trong lịch sử dựng xây và bảo vệ các bản mường của cộng đồng các dân tộc ở Tây Bắc nước ta. Về ngôn ngữ, tiếng nói của người La Ha Ta Mít có những đặc điểm riêng. Tiếng La Ha nói chung và La Ha Ta Mít nói riêng có vị trí quan trọng trong nghiên cứu lịch sử văn hoá, ngôn ngữ dân tộc La Ha nói riêng và lịch sử các tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á nói chung.

Do không thống nhất trong quan niệm của chính quyền địa phương, trong điều tra dân số 2009, người La Ha Ta Mít không đươc xác định thuộc dân tộc La Ha, như nguyện vọng và ý thức tự giác dân tộc của họ. Như vậy, về mặt hành chính, tiếng nói và văn hoá người La Ha Ta Mit bị loại khỏi sự quan tâm của địa phương và xã hội. Trong mấy thập kỉ gần đây, ngôn ngữ của người La Ha Noong Lay và Ta Mit đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam, Nga, Mĩ, Pháp rất quan tâm nghiên cứu. Trong sự hợp tác giữa Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, các nhà khoa học đang khảo cứu và biên soạn các công trình nghiên cứu - tra cứu, nhằm bảo tồn và phát triển ngôn ngữ văn hoá của người La Ha nói chung và La Ha Ta Mít nói riêng.

Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 04, năm 2012