NGUYỄN HUY CÔN
Từ điển truyền thống tồn tại bấy lâu đã được sử dụng thông thạo bởi tính hợp lí, dễ tìm và thứ tự sắp xếp chặt chẽ trên cơ sở bảng kí tự (chữ cái). Tuy nhiên, nhiều khi không thể hiện được logic của các mối liên hệ trong cuộc sống. Do yêu cầu sử dụng có chủ định trong một phạm vi hoạt động hay chuyên môn cụ thể nào đó, cần có thêm loại từ điển khác.
Từ điển hiện đại ra đời được sắp xếp theo những tập hợp có chung đặc tính, có cùng ý nghĩa, có nghĩa gần đúng hoặc trái nghĩa liên quan với nhau về mặt ngữ nghĩa.
Trong bài này chúng tôi chỉ muốn nêu ý nghĩa truyền thống và hiện đại về phương diện sắp xếp thông tin của các từ trong từ điển (từ điển đối chiếu song ngữ hay từ điển giải thích), không chỉ thuần tuý tra cứu về ngữ nghĩa mà còn cả về phương diện liên quan giữa các ngữ nghĩa.
Theo đó, phân biệt:
- Cách sắp xếp các từ vựng theo truyền thống, tức là theo thứ tự bảng chữ cái;
- Cách sắp xếp các từ vựng theo hiện đại, tức là bố trí các nhóm chuyên mục.
Lấy “Từ vựng tiếng Anh hiện đại” của Tom McArthur (Lexicon of Contemporary English) [1] làm ví dụ.
Đây là một cuốn từ điển tiếng Anh đặc biệt, một danh mục tổ hợp từ giàu thông tin và linh hoạt nhằm giúp người học và sử dụng tiếng Anh nhanh chóng tra cứu được các từ cần dùng một cách chính xác.
Từ điển này gồm 15.000 mục từ nằm trong 130 chuyên mục chính về đời sống, khoa học xã hội, văn hoá, khoa học kĩ thuật, động vật, thực vật, v.v.
Các từ vựng được sắp xếp theo 14 chuyên mục (đặt tên từ A đến N) chủ yếu sau đây:
A. Sự sống và các sinh vật
B. Cơ thể, chức năng và việc chăm sóc
C. Con người và gia đình
D. Công trình xây dựng, nhà cửa, quần áo, đồ đạc và tiện nghi cá nhân
E. Thực phẩm, đồ uống và nghề nông
F. Cảm xúc, thái độ và cảm giác
G. Tư duy và thông tin, ngôn ngữ và văn phạm
H. Chất liệu, vật liệu, đồ vật và trang thiết bị
I. Nghệ thuật và nghề thủ công, khoa học và công nghệ, công nghệp và giáo dục
J. Số, đo lường, tiền tệ và thương mại
K. Giải trí, thể thao và các môn thi đấu
L. Không gian và thời gian
M. Dịch chuyển, vị trí, du hành và vận tải
N. Các thuật ngữ khái quát và trừu tượng.
Trong mỗi chuyên mục, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều chủ đề có liên quan.
Lấy chuyên mục A “Sự sống và các sinh vật” làm ví dụ.
Chuyên mục này có các từ A50-A61 là phần Động vật và loài có vú; A70-A78 là phần Chim/ Động vật biết bay; A130-141 là phần Các loại và các bộ phận của thực vật. Mỗi chuyên mục đều đầy đủ các định nghĩa, ví dụ và minh hoạ.
Trong loại từ điển hiện đại này cũng có bảng tra cứu tổng hợp theo vần chữ cái của toàn cuốn sách (INDEX). Ở đây trình bày cách phát âm, các thì bất quy tắc, dạng số nhiều. ngoài ra còn có thêm mẫu tự cùng chữ số giúp tham khảo bắt chéo qua phần chuyên mục.
Để tra cứu một từ, cần thực hiện các bước:
1) Tìm từ đó trong phần Index và lưu ý đến các chữ số tham chiếu của nó;
2) Mở sách đến phần chuyên mục để tìm từ cần tra cứu rồi xem các phần có liên quan với nó trong chuyên mục.
Ví dụ: Muốn tra từ atlas, hãy thử tìm từ atlas ở phần Index, sẽ tìm thấy nhóm kí tự trình bày như sau:
atlas /ætləs/
n G165
3) Từ số tham chiếu G165, sẽ tìm được:
Atlas [C] sách về các bản đồ: The teacher asked a pupil to give out the atlases Thầy giáo bảo một học sinh phân phát các quyển bản đồ.
Ở chuyên mục này cũng có các từ: reference book, work of reference, dictionary, thesaurus, lexicon,encyclopedia, directory, catalogue, gazetteer và album để tiện tra cứu thông tin phù hợp cho mỗi nội dung.
Trong một ngành kinh tế cụ thể, Từ điển hiện đại cần được áp dụng nhằm đáp ứng những yêu cầu về kinh tế - xã hội cũng như khoa học - công nghệ cấp thiết. Chúng tôi muốn nêu việc áp dụng đó trong ngành xây dựng.
Các từ điển song ngữ về xây dựng và kiến trúc đã xuất bản trước nay có nội dung phong phú nhưng ở dạng tổng quát, không phân biệt và hợp nhóm các nội dung theo những chuyên đề nhất định nên việc phục vụ cho từng đối tượng sử dụng còn hạn chế, việc tra cứu ngữ nghĩa liên quan còn khó khăn, phức tạp.
Trong ngành xây dựng, do yêu cầu của việc liên doanh liên kết và hoà nhập trong khu vực và quốc tế, việc biên soạn từ điển hiện đại ra đời. Từ năm 2002 đã xuất bản từ điển “Từ điển Anh - Việt chuyên đề thầu và xây lắp” [2] cũng nhằm mục đích này. Từ điển này được nghiên cứu biên soạn trên cơ sở chọn lựa bảng từ được tiêu chuẩn hoá và phân loại theo các nhóm ngành nghề và chức năng (Terms by Subject) đã được áp dụng tạo nhiều nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới cũng như trong khu vực. Từ điển này có đến 52 trang hình vẽ tập trung tương ứng với các nhóm chuyên đề. Thực tế sau mười năm qua, cuốn từ điển này được nhiều đối tượng sử dụng, nhất là các công nhân đi hợp tác nước ngoài, chỉ cần am hiểu thuật ngữ riêng về nghề của mình.
Sau gần 10 năm sử dụng, tác giả đã bổ sung và hoàn thiện từ điển này và xuất bản “Từ điển thuật ngữ Anh - Việt 40 chuyên đề về xây dựng và kiến trúc” [3] nhằm khắc phục được nhược điểm của loại từ điển song ngữ thông thường. Từ điển xây dựng Anh -Việt hiện đại này bao quát hầu hết những ngành nghề trong xây dựng, từ xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi đến dầu khí. Tất nhiên không thể bỏ sót những vấn đề nóng như môi trường, đấu thầu, bất động sản và những vấn đề quan trọng, thiết thực trong quy hoạch - kiến trúc. 40 chủ đề đó là:
1. Công tác nề (xây gạch và xây đá)
2. Ximăng và bêtông
3. Trát vữa và láng
4. Vật liệu và sản phẩm gỗ
5. Thép, công tác kim loại và hàn
6. Chất dẻo, chất dính kết và vật liệu trám
7. Kết cấu công trình
8. Móng, công tác đất và cọc
9. Mái và phụ kiện thoát nước mưa
10. Các cấu kiện bên trong và công tác hoàn thiện
11. Cầu thang, dốc thoải và các loại thang
12. Lỗ cửa (cửa đi, cửa sổ)
13. Lò sưởi, ống khói, thiết bị đốt và đường dẫn khí nóng
14. Đồ ngũ kim và dụng cụ
15. Sơn và công tác sơn
16. Phòng cháy cho công trình xây dựng
17. Âm học xây dựng và khống chế âm thanh
18. Trang bị điện
19. Chiếu sáng (nhân tạo và tự nhiên)
20. Dịch vụ cơ khí trong xây dựng
21. Bảo toàn năng lượng
22. Lắp đường ống và thoát nước
23. Điều hợp kích thước và môđun
24. Phân tích chi phí chu trình dự án
25. Quản lí bảo dưỡng
26. Quản lí tài sản
27. Hợp đồng xây dựng
28. Đấu thầu quốc tế
29. Khảo sát đất
30. Thiết kế cảnh quan
31. Môi trường và quy hoạch
32. Quy chế sử dụng đất và bất động sản
33. Trường học và công trình giáo dục
34. Bệnh viện và công trình y tế
35. Công trình tôn giáo
36. Kiến trúc và công trình lịch sử
37. Khí hậu học xây dựng
38. Công trình giao thông. Cầu và đường
39. Đê đập. Nhà máy thuỷ điện và kĩ thuật thuỷ lợi
40. Công và nghiệp chế biến dầu. Dầu mỏ. Khoan và lọc
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1] Tom McArthur, Từ vựng tiếng Anh hiện đại – Lexicon of Contemporary English, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1997.
[2] Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), Từ điển Anh - Việt thầu và xây lắp - English-Vietnamese Terms by Subject, NXB Khoa học & Kĩ thuật, Hà Nội, 2002.
[3] Nguyễn Huy Côn, Từ điển thuật ngữ Anh - Việt Xây dựng theo 40 chủ đề, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010.
SUMMARY
This article talks about the modern dictionary with its characteristics and usage. This dictionary type is to meet current inquiry that traditional dictionaries do not. Two examples of this dictionary type published in Vietnam include “Lexicon of Contemporary English” and “Construction English-Vietnamese Terms by Subject”.
Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 03, năm 2012