Một vài nhận xét bước đầu về từ điển điển thuật ngữ báo chí

08/07/2013

QUÁCH THỊ GẤM

1. Đặt vấn đề

So với các lớp từ vựng khác, thuật ngữ là bộ phận từ vựng phát triển nhất trong hệ thống ngôn ngữ. Theo các nhà từ điển học, hầu hết các từ ngữ mới xuất hiện trong từ điển đều là các thuật ngữ. Tính đến 2005, ở Việt Nam có khoảng khoảng 330 cuốn từ điển về thuật ngữ của các chuyên ngành (không tính đến các cuốn từ điển về thuật ngữ được biên soạn và giải thích theo kiểu từ điển bách khoa)(1). Tuy nhiên, trong đó chỉ có một cuốn từ điển thuật ngữ đối chiếu của ngành báo chí. Những năm gần đây, mặc dù chưa có một thống kê chính thức nhưng dạo qua thị trường sách cho thấy, các từ điển thuật ngữ ngày càng nhiều, đa dạng và phong phú nhưng trong đó thuật ngữ báo chí cũng chỉ có thêm hai cuốn: 1 cuốn từ điển giải thích1 cuốn từ điển đối chiếu.

Như vậy về số lượng từ điển thuật ngữ báo chí cho đến thời điểm này mới chỉ có 3. Vậy về thực trạng, chất lượng các cuốn từ điển này như thế nào? Trên cơ sở tổng quan việc biên soạn các từ điển thuật ngữ ngành báo chí, bài viết của chúng tôi đưa ra một số ý kiến trao đổi cho vấn đề chuẩn hoá thuật ngữ báo chí nhằm góp phần nâng cao chất lượng biên soạn trong các từ điển thuật ngữ báo chí hiện nay.

2. Tổng quan tình hình biên soạn

Báo chí là một loại hình hoạt động thông tin, một lĩnh vực hoạt động vô cùng sôi động. Hoạt động của báo chí trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay có những bước tiến phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, về khoa học báo chí lại chưa được phát triển tương xứng với hoạt động thực tiễn của nó, chúng ta “chưa có một nền báo chí học tương ứng” [7; 3]. Bởi vậy, các giáo trình về nghiệp vụ, các sách tra cứu về báo chí học được xuất bản rất ít. Khoảng mươi năm trở lại đây mặc dù chúng được xuất bản nhiều hơn nhưng vẫn chưa thoả mãn được nhu cầu học tập, nghiên cứu cũng như trong việc đào tạo nghề báo, đặc biệt các sách tra cứu hiện vẫn trong tình trạng khá khan hiếm. Như đã đề cập, cho đến nay mới chỉ có ba cuốn từ điển thuật ngữ về báo chí: Từ điển thuật ngữ xuất bản - báo chí Nga-Anh-Việt (1982); Từ điển thuật ngữ báo chí - truyền thông (2007); Từ điển thuật ngữ báo chí - xuất bản Anh-Nga-Việt (2010).

2.1. Từ điển thuật ngữ xuất bản - báo chí Nga-Anh-Việt (1982)

 Mãi đến năm 1982, cuốn Từ điển thuật ngữ xuất bản - báo chí Nga-Anh-Việt của nhóm tác giả Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Thành Châu, Quang Đạm biên soạn là cuốn từ điển thuật ngữ báo chí đầu tiên ở Việt Nam. Đây là cuốn từ điển thuật ngữ xuất bản - báo chí đối chiếu Nga-Anh-Việt, trong đó lấy tiếng Nga là ngôn ngữ gốc và lấy tương đương Nga-Việt, thuật ngữ được sắp xếp theo thứ tự chữ cái tiếng Nga. Bên cạnh hai bản đối chiếu ngược Anh-Nga và Việt-Nga mang số, nhóm tác giả còn biên soạn thêm phần dạng tắt và kí hiệu tắt xuất bản - báo chí Nga-Việt và Anh-Việt, theo nhóm soạn giả đây cũng là phần hết sức bổ ích.

Việc lựa chọn các đơn vị làm mục từ ngoài các thuật ngữ, trong cuốn từ điển này các tác giả còn đưa vào cả các cụm từ, tổ hợp từ quen dùng đối với cả ngành báo chí và xuất bản. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy có một số đơn vị chỉ là danh pháp chứ không phải là thuật ngữ như tạp chí mốt, tạp chí văn học, tạp chí văn nghệ... Đồng thời, khá nhiều thuật ngữ nhóm tác giả sử dụng lối danh hoá (dùng các từ như sự, việc đặt trước thuật ngữ) hoặc đưa thêm yếu tố (cũng đặt trong dấu ngoặc) nhằm giải thích rõ thêm cho thuật ngữ, làm cho thuật ngữ trở nên dài dòng, không ngắn gọn; ví dụ: (sự) ghi âm, bản in thử (đã sửa) sạch, (thuật) in litô, sắp chữ liền (không xuống dòng), (có) in số lượng lớn... Bên cạnh đó, trong việc dịch chuyển thuật ngữ của từ điển này có khá nhiều thuật ngữ đồng nghĩa; ví dụ: press - báo chí, giới báo chí, các nhà báo, các kí giả; radionode - đài truyền thanh, trung tâm truyền thanh, trạm truyền thanh; italic letter - chữ ngả, chữ italic...

Về số lượng, cuốn từ điển này có khoảng 3.997 thuật ngữ gốc tiếng Nga, tương đương 4.015 thuật ngữ tiếng Anh và tương đương 4.395 thuật ngữ tiếng Việt. Số thuật ngữ này bao gồm thuộc hai ngành xuất bản và báo chí. Như vậy, thực chất đây cũng chưa phải là cuốn từ điển thuật ngữ riêng của ngành báo chí bởi trong đó bao gồm cả các thuật ngữ ngành xuất bản. Tuy báo chí và xuất bản là hai ngành có quan hệ khăng khít với nhau, nhưng ngoài những thuật ngữ giao nhau, được sử dụng chung giữa hai ngành, rõ ràng mỗi ngành còn có một hệ thống thuật ngữ mang đặc trưng riêng. Vì vậy, đối với các cuốn từ điển mang tính chất liên ngành như này, rất cần đến việc chú tên ngành cho từng thuật ngữ. Tuy nhiên, trong cuốn từ điển này không thấy các tác giả chú tên ngành cho các thuật ngữ. Điều này chắc chắn gây khó khăn cho độc giả trong việc tra cứu.

Đối với các thuật ngữ báo chí, nhóm tác giả đưa vào các thuật ngữ ở cả 4 loại hình: báo viết, báo phát thanh, báo truyền hình và báo ảnh. Tuy nhiên qua khảo sát sơ bộ cho thấy các thuật ngữ báo chí có trong cuốn từ điển này chủ yếu là ở loại hình báo viết, còn ở ba loại hình báo chí còn lại chỉ có một số các thuật ngữ cơ bản.

2.2. Từ điển thuật ngữ báo chí - truyền thông (2007)

Sau 25 năm, cuốn từ điển thuật ngữ báo chí thứ hai mới được xuất bản: Từ điển thuật ngữ báo chí - truyền thông của Nguyễn Thành Hưng do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2007. Đây là cuốn từ điển giải thích thuật ngữ báo chí đầu tiên ở Việt Nam. Mặc dù cuốn từ điển chỉ có dung lượng giải thích 229 thuật ngữ, nhưng sự ra đời của cuốn từ điển này theo tác giả là một trong những nỗ lực chung về việc biên soạn và đổi mới giáo trình, tài liệu học tập của Khoa Báo chí - Đại học Quốc gia Hà Nội, đây như là một thử nghiệm ban đầu để hướng tới một cuốn từ điển báo chí sắp tới. Ngoài ra, trong từ điển còn có phần phụ lục cung cấp thêm cho độc giả về luật báo chí, luật xuất bản và nghị định của Chính phủ thi hành Luật Báo chí, Luật Xuất bản, các kí hiệu sửa bài, biên tập thường được sử dụng ở Việt Nam và các nước châu Âu. Cuốn sách được soạn theo cấu trúc một từ điển giản yếu, xếp các thuật ngữ theo trật tự ABC để tiện lợi cho bạn đọc tra cứu. Một số mục từ còn được minh hoạ bằng tranh ảnh tạo nên sự phong phú về thông tin của cuốn từ điển. Bên cạnh đó, các thuật ngữ hầu hết được chú dẫn ngay từ đầu bằng tiếng Anh, với những trường hợp khó xác định được tác giả chú bằng tiếng Pháp, một số thuật ngữ có gốc Latin, Hi Lạp đều được tác giả chú dẫn giúp người đọc tiện lợi trong việc đối chiếu.

Cách giải thích các thuật ngữ trong cuốn từ điển này theo tác giả chỉ giới hạn ở việc thâu tóm phần nội hàm cơ bản nhất của khái niệm. Những yếu tố phái sinh, nét đặc thù địa phương hoặc dân tộc của khái niệm không được nhắc đến hoặc chỉ đề đề cập trong những trường hợp đặc biệt nhằm mục đích tham khảo.

Việc lựa chọn thuật ngữ để đưa vào cuốn từ điển giải thích này được tác giả tiến hành dựa trên ba tiêu chí-nhu cầu: thứ nhất, tính cơ bản. Tiêu chí này được đo bằng việc thống kê tần số xuất hiện của thuật ngữ trong nhiều giáo trình nghiệp vụ và sách chuyên khảo của hai cơ sở đào tạo báo chí đó là Khoa Báo chí thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện báo chí và tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng như trong các tài liệu dịch từ tiếng nước ngoài. Thứ hai, tính thực tiễn. Tiêu chí này được tác giả thực hiện dựa trên kinh nghiệm cá nhân, đúc rút từ nhiều năm viết báo của chính tác giả và tác giả tin rằng đó sẽ là những thuật ngữ thông dụng, phổ biến nhất trong quá trình tác nghiệp của sinh viên sau khi ra trường. Thứ ba, tính sư phạm. Tiêu chí này được tác giả xác định theo những yêu cầu giảng dạy và đào tạo cử nhân báo chí học của khoa báo chí, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là đào tạo ra những cử nhân báo chí vừa có khả năng làm báo, vừa có khả năng nghiên cứu khoa học cơ bản trong lĩnh vực truyền thông.

 Đối với những thuật ngữ đồng nghĩa, thuật ngữ hiện tại chưa được sử dụng thống nhất về nội dụng, tác giả xử lí chọn thuật ngữ được dùng nhiều nhất. Đồng thời việc dùng gạch nối giữa “báo chí” và “truyền thông” theo tác giả bởi xuất phát từ hai lí do: Thứ nhất, nhằm nhấn mạnh bản chất truyền thông của báo chí; Thứ hai, khẳng định quan hệ khăng khít giữa báo chí và truyền thông như là mối quan hệ giữa bộ phận và toàn thể. Với những thuật ngữ trong thực tế ít được sử dụng hoặc đã có sự biến đổi về nội hàm, tác giả vẫn đưa vào từ điển nhưng không đi sâu vào nội dung lịch sử của chúng, chẳng hạn bị vong lục, ngọ báo, thông tín viên, truyền đơn…

Nhìn chung, với những tiêu chí lựa chọn thuật ngữ để đưa vào cuốn từ điển nói trên, có thể nói đây là cuốn từ điển không chỉ có tính chất của một từ điển giải thích, giúp độc giả tra cứu nắm bắt được nội dung một số thuật ngữ cơ bản trong lĩnh vực báo chí mà đây còn là một cuốn từ điển có tác dụng chuẩn hoá, thống nhất trong cách dùng thuật ngữ báo chí hiện nay.

Tuy nhiên, trong cuốn từ điển này, một số mục từ chưa hẳn là thuật ngữ, ví dụ: những câu hỏi chủ chốt, người thử việc, hạn nộp bài, trực biên tập, danh mục khái niệm/thuật ngữ... Điều này cũng được chính tác giả thừa nhận: “Chúng tôi sử dụng từ “thuật ngữ” chỉ trong ý nghĩa tương đối. Vì rất nhiều mục từ chưa hẳn đã là thuật ngữ mà chỉ là những từ ngữ quen dùng trong hoạt động báo chí” [Lời nói đầu, tr.4]. Như vậy, phạm vi lựa chọn đơn vị để đưa vào từ điển là khá rộng. Mặt khác, tác giả lại không đưa ra các chỉ dẫn nhằm phân biệt giữa các mục từ là thuật ngữ và các mục từ chỉ là những từ quen dùng trong hoạt động báo chí, cho nên sẽ gây khó khăn ít nhiều cho độc giả trong việc tra cứu các đơn vị thuật ngữ đích thực. Ngoài ra, phạm vi lựa chọn đơn vị để đưa vào từ điển là khá rộng, còn thể hiện ở việc tác giả đưa vào khá nhiều thuật ngữ của ngành văn học như văn học, tản văn, tạp văn, văn tế, thơ, tiểu thuyết, tiểu phẩm trữ tình…Lí do của điều này theo tác giả văn học là một loại hình truyền thông cổ điển có quan hệ khăng khít với báo chí và các loại hình truyền thông khác. Tuy nhiên, khi đưa vào các thuật ngữ văn học, tác giả không chú ngành cho các thuật ngữ này, điều này cũng gây khó khăn cho độc giả trong việc tra cứu.

2.3. Từ điển thuật ngữ báo chí - xuất bản Anh-Nga-Việt (2010)

Trước nhu cầu phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực báo chí - truyền thông trong giai đoạn hội nhập quốc tế, mới đây năm 2010, NXB Thông tin và Truyền thông đã cho phát hành cuốn Từ điển thuật ngữ báo chí - xuất bản Anh-Nga-Việt. Đây là cuốn từ điển đối chiếu lấy tiếng Anh là ngôn ngữ gốc và lấy tương đương Nga-Việt với số lượng thuật ngữ tương đối lớn với 5.436 thuật ngữ gốc tiếng Anh tương đương 6206 thuật ngữ tiếng Việt do nhóm tác giả Quang Đạm, Nguyễn Khắc Văn, Lê Thanh Hương, Nguyễn Trí Dũng biên soạn.

Về kết cấu của từ điển, so với Từ điển thuật ngữ xuất bản - báo chí Nga-Anh-Việt xuất bản 1982, cuốn Từ điển thuật ngữ báo chí - xuất bản Anh-Nga-Việt xuất bản 2010 có ưu điểm hơn hẳn, do kết cấu của nó đã được phân thành 2 phần rõ rệt: Phần 1. Các thuật ngữ báo chí - truyền thông đa phương tiện; Phần 2. Các thuật ngữ xuất bản. Điều này rất tiện lợi cho người tra cứu, bởi vì nếu nhà biên soạn trộn lẫn thuật ngữ báo chí - truyền thông và xuất bản với nhau mà không đưa ra các tiêu chí phân biệt, hoặc không chú xuất xứ thuật ngữ thuộc ngành gì thì nếu như không phải những nhà chuyên môn thì không phải ai cũng dễ dàng phân biệt được đâu là thuật ngữ xuất bản và đâu là thuật ngữ báo chí. Tuy nhiên, việc dùng gạch nối giữa “báo chí” và “truyền thông” ở cuốn từ điển này cần phải hiểu báo chí không chỉ là một bộ phận của truyền thông (tất nhiên là bộ phận truyền thông quan trọng nhất), mà  vì trong cuốn từ điển này chúng tôi nhận thấy còn bao gồm khá nhiều thuật ngữ truyền thông khác như các thuật ngữ về quảng cáo, tiếp thị, PR… chứ không chỉ riêng thuật ngữ báo chí.

Đối với phần thuật ngữ báo chí - truyền thông trên cơ sở lấy nguồn từ 3 cuốn: Từ điển thuật ngữ xuất bản - báo chí Anh-Nga-Việt (1982); English-Russian Dictionary of Mass Media, xuất bản tại Moskva 1993 và Ngôn ngữ truyền thông hiện đại (2 tập, tiếng Nga, tác giả không chú năm và nơi xuất bản), nhóm biên soạn chủ yếu giới thiệu và đưa vào các khái niệm, thuật ngữ về báo chí - truyền thông đa phương tiện của các quốc gia Anh, Nga, Mĩ. Đối với các thuật ngữ báo chí thì đó là các thuật ngữ thuộc các loại hình báo chí ứng dụng công nghệ điện tử cao như phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử. Dưới đây chúng tôi đi tìm hiểu sâu hơn cuốn từ điển này.

Xét về số lượng và phạm vi thuật ngữ riêng ngành báo chí - truyền thông, kết quả thống kê cho thấy số lượng thuật ngữ báo chí-truyền thông có trong cuốn từ điển này tương đối lớn với 2.540 thuật ngữ gốc tiếng Anh (nghĩa là 2.540 mục từ tiếng Anh) tương đương 3.184 thuật ngữ tiếng Việt, đồng thời số thuật ngữ này chủ yếu thuộc báo hình và báo phát thanh. Như vậy, việc ra đời của Từ điển thuật ngữ báo chí - xuất bản Anh-Nga-Việt 2010 với một số lượng lớn các thuật ngữ báo hình đã bổ sung cho Từ điển thuật ngữ xuất bản - báo chí Nga-Anh-Việt 1982 bởi trong đó các thuật ngữ báo hình hầu như vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngoài thuật ngữ báo chí là đơn vị cơ bản của các mục từ, trong Từ điển thuật ngữ báo chí - xuất bản Nga-Anh-Việt 2010 cũng còn có một số mục từ không phải là thuật ngữ mà là danh pháp, đó chỉ là tên gọi của những khái niệm đơn nhất. Chẳng hạn như tên gọi của các loại tạp chí: tạp chí thời trang, tạp chí sinh viên…; tên gọi của các chương trình: chương trình đố vui trên truyền hình, chương trình ca nhạc theo yêu cầu thính giả; tên gọi của các phòng ban: ban phụ trách tin đô thị của toà soạn, ban biên tập tin tức trong một bang… Ngoài ra, một số thuật ngữ khá xa lạ, có lẽ không liên quan nhiều tới lĩnh vực báo chí nhưng vẫn được đưa vào từ điển như: mức thuế suất thấp nhất, đạo luật về luân thường đạo lý, đánh máy không cần nhìn vào bàn phím … Hoặc một số đơn vị chỉ là những từ nối, quán ngữ hay cụm từ thông thường như: thành công với; dễ đọc, viết rõ; cách nói năng, diễn đạt; đáng chú ý, đáng để ý, đáng ghi nhớ; suốt ngày đêm (về hoạt động của đài phát thanh truyền hình); hoàn cảnh xung quanh; vải lau kính mắt, lau kính mắt… Một số ví dụ trên cho thấy, việc lựa chọn từ ngữ để đưa vào các mục từ trong từ điển cũng chưa thật hợp lí.

Khảo sát cách chuyển dịch thuật ngữ trong cuốn từ điển này cho thấy, đây là một từ điển đối chiếu đa ngữ, trong đó lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ gốc. Báo chí và truyền thông là một lĩnh vực rất phát triển ở các quốc gia như Anh, Nga, Mĩ. Trong quá trình biên soạn, các tác giả đã cố gắng lựa chọn từ, và cụm từ chuyên ngành tiêu biểu để phản ánh một cách chính xác tính chất và thực tế vô cùng phong phú trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đa phương tiện của các nước Anh, Mĩ, Nga. Tuy nhiên, vì đặc thù ngôn ngữ về báo chí và truyền thông ở mỗi nước có sự khác biệt rất lớn, nên mặc dù các tác giả đã rất chú ý và cân nhắc chọn lọc từ, ngữ trong quá trình chuyển dịch sang tiếng Việt, nhưng khá nhiều trường hợp chưa có được thuật ngữ tương đương khi chuyển dịch sang tiếng Việt. Đối với những trường hợp như vậy, cách xử lí của các tác giả là đưa ra cách dịch theo lối giải thích khái niệm. Chẳng hạn: air check - nghe lướt qua một chương trình phát thanh để xác định tính chất của chương trình được phát; assignment sheet - lịch phân bổ của ban biên tập cho biên chế của tờ báo nhiệm vụ chuẩn bị cho số báo tới; flag - vị trí ở trang nhất của báo để đăng những số liệu tiêu biểu về tờ báo và giới thiệu ban biên tập

Tuy nhiên, cách xử lí dịch theo lối giải thích khái niệm này đã làm giảm tính chính xác và phá vỡ tính hoàn chỉnh về mặt hình thức của thuật ngữ. Như vậy không đảm bảo các tiêu chuẩn, nguyên tắc của thuật ngữ. Bên cạnh đó, trong cách chuyển dịch các thuật ngữ trong từ điển còn tồn tại khá nhiều các thuật ngữ đồng nghĩa. Nghĩa là một khái niệm nhưng được thể hiện bằng nhiều thuật ngữ khác nhau. Điều này đã làm cho thuật ngữ trở lên thiếu tính thống nhất, từ đó gây rất nhiều khó khăn, lúng túng cho độc giả khi phải lựa chọn một thuật ngữ trong số rất nhiều thuật ngữ tương tự cùng được đưa ra cho cùng một khái niệm. Ví dụ: actualites - tin tức mới nhất, tin nóng, tin sốt dẻo (thời sự); airtime - thời gian của một chương trình, thời lượng phát sóng, độ dài của chương trình; edit - lắp ráp, kết nối, ráp nối, chắp nối, ghép nối (trong làm sách, báo, phim…);…

Việc tra cứu đối với các thuật ngữ đồng nghĩa, một số ý kiến cho rằng phàm thuật ngữ đầu tiên trong dãy đồng nghĩa thường là thuật ngữ được sử dụng thường xuyên, phổ biến nhất. Nhưng không phải trường hợp nào cũng tuân theo quy luật như vậy. Chẳng hạn với những thuật ngữ đồng nghĩa dưới đây, độc giả khó có thể xác định thuật ngữ nào được sử dụng phổ biến nhất, thậm chí thuật ngữ đặt sau rất có thể lại được sử dụng nhiều hơn. Ví dụ: editorial line - đường lối biên tập, nguyên tắc biên tập; editor-in-chief - chủ bút, tổng biên tập; guideline - nhầm lẫn, nói vấp, nói nhịu của một nhân vật có trọng trách khi phát biểu trên truyền hình,...

3. Vấn đề chuẩn hoá thuật ngữ báo chí trong các từ điển

Như vậy, điểm qua tình hình biên soạn từ điển thuật ngữ báo chí ở Việt Nam cho thấy vấn đề này hiện nay vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Trong khi nhìn vào một số lĩnh vực được coi là mũi nhọn ở nước ta hiện nay như kinh tế, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, y học, xây dựng - kiến trúc… số lượng từ điển thuật ngữ của họ gia tăng một cách nhanh chóng, Ở Việt Nam, ngoài ba cuốn từ điển thuật ngữ báo chí nêu trên, hiện nay chưa có cuốn từ điển nào tập hợp, bao quát được một cách tương đối đầy đủ hệ thống thuật ngữ báo chí cơ bản trong tiếng Việt ở cả các loại hình báo báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử và báo ảnh. Vì vậy, đẩy mạnh việc biên soạn các loại từ điển thuật ngữ báo chí ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết. Đặc biệt, đối với riêng ngành báo chí, một lĩnh vực hoạt động thông tin có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, một trong những ngành được coi là mũi nhọn của nước ta hiện nay vẫn rất cần tiếp nhận thêm các khái niệm mới thông qua việc chuyển dịch thuật ngữ báo chí nước ngoài. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh việc biên soạn các từ điển đối chiếu các thứ tiếng thông dụng như Anh, Nga, Anh-Mỹ chúng ta cũng cần nghĩ đến việc biên soạn các từ điển đối chiếu các thứ tiếng khác như Pháp Đức, Tây Ban Nha… bởi đây cũng là những quốc gia có nền báo chí rất phát triển. Đối với từ điển giải thích, trước mắt chúng ta cần tiếp tục biên soạn những cuốn từ điển giải thích các thuật ngữ cơ bản ở tất cả các loại hình báo chí và các thuật ngữ thường được sử dụng hiện nay.

Tuy nhiên, qua việc tìm hiểu các thuật ngữ trong các cuốn từ điển về báo chí cho thấy, còn nhiều vấn đề trong quá trình biên soạn cần phải được lưu tâm như việc lựa chọn, giới hạn các đơn vị từ ngữ để đưa vào các mục từ, việc chuyển dịch thuật ngữ… để tạo nên những cuốn từ điển mang tính khoa học, có chất lượng cao. Theo chúng tôi đã gọi là từ điển thuật ngữ thì lí tưởng nhất là chỉ lựa chọn các đơn vị là thuật ngữ để đưa vào từ điển. Nhưng thuật ngữ báo chí hay bất kì thuật ngữ ngành nào trước tiên phải là từ hoặc cụm từ, cho nên thực tế việc phân biệt giữa thuật ngữ và các đơn vị phi thuật ngữ khác như danh pháp, từ thông thường, cụm từ nghề nghiệp… đôi khi gặp khó khăn và không thể không dựa vào các kiến thức ngôn ngữ học. Vì vậy, để phân xuất được các đơn vị này ra khỏi danh sách thuật ngữ rất cần có sự hợp tác giữa nhà chuyên môn và các nhà ngôn ngữ học. Trong thực tế biên soạn các từ điển thuật báo chí nói trên cho thấy, ngoài thuật ngữ của chính chuyên ngành báo chí là đơn vị cơ bản, còn xuất hiện không ít các đợn vị thực chất không phải là thuật ngữ mà chỉ là danh pháp, cụm từ thông thường hoặc cụm từ, thành ngữ nghề nghiệp. Điều này nói nên rằng, trong việc biên soạn các tác giả chưa thật sự quan tâm, chú ý đến những cơ sở xác định những đơn vị được coi là thuật ngữ. Vì vậy, các đợn vị phi thuật ngữ này có chiều hướng xuất hiện ngày càng gia tăng trong các từ điển thuật ngữ, gây nguy cơ lầm tưởng đó cũng là các thuật ngữ. Thực chất số lượng thuật ngữ không nhiều đến như vậy. Khi tổng kết thực trạng sử dụng thuật ngữ báo chí hiện nay, Vũ Quang Hào (2009) đã có một đề xuất rất xác đáng: “Để vạch được đúng những đặc điểm của thuật ngữ báo chí, trước hết cần loại trừ những đơn vị phi thuật ngữ báo chí ra khỏi đối tượng nghiên cứu tức là khu biệt được những thuật ngữ báo chí với đơn vị phi thuật ngữ báo chí vốn đang bị nhầm lẫn trong nhận diện, thu thập và xử lý, đặc biệt là trong lập bảng từ” [6: 236]. Trong trường hợp các nhà biên soạn chủ động đưa vào từ điển các đơn vị phi thuật ngữ nói trên thì cần phải đưa ra các chỉ dẫn rõ ràng trong việc hướng dẫn tra cứu hoặc xếp chúng vào những mục riêng trong từ điển.

Ngoài ra, theo hướng hợp tác liên ngành, các nhà biên soạn thường có xu hướng đưa vào từ điển thuật ngữ của một hoặc một số ngành liên quan, chẳng hạn như báo chí và xuất bản, báo chí và văn học… Nếu đã đưa thuật ngữ của hơn một ngành vào từ điển, cũng cần phải chú ngành cho rõ.

Đối với từ điển đối chiếu, vấn đề chuyển dịch thuật ngữ phải được quan tâm hàng đầu bởi phương thức việc chuyển dịch vẫn là một trong những con đường chủ đạo trong việc xây dựng và làm giàu vốn thuật ngữ tiếng Việt. Đặc biệt, với các ngành khoa học xã hội và nhân văn số lượng thuật ngữ được dịch ra tiếng Việt luôn luôn chiếm tỉ lệ áp đảo và gần như là con đường duy nhất trong cách xử lí thuật ngữ khoa học xã hội nước ngoài vào tiếng Việt. Từ điển, bên cạnh chức năng tra cứu, còn có chức năng vô cùng quan trọng đó là chuẩn hoá ngôn ngữ. Nhưng với chức năng chuẩn hoá ngôn ngữ có lẽ chỉ đúng với các từ điển giải thích, còn đối với các từ điển đối chiếu hầu như chưa thực hiện tốt được việc này. Qua khảo sát các cuốn từ điển thuật ngữ đối chiếu về báo chí cho thấy, trong việc chuyển dịch thuật ngữ báo chí nước ngoài sang tiếng Việt cũng vấp phải hai vấn đề chưa được giải quyết đó là tình trạng còn nhiều thuật ngữ đồng nghĩa và nhiều thuật ngữ được dịch theo lối giải thích khái niệm. Điều này làm cho thuật ngữ thiếu sự chính xác về mặt nội dung và về mặt hình thức, làm cho thuật ngữ trở lên dài dòng, lủng củng, phá vỡ tính bền vững của tổ hợp thuật ngữ. Đây chắc chắn không chỉ là vấn đề của riêng ngành báo chí mà cũng là vấn đề nhức nhối của hầu hết các ngành khoa học xã hội ở nước ta hiện nay trong việc chuyển dịch các thuật ngữ.

4. Kết luận

Báo chí là một lĩnh vực hoạt động thông tin, là bộ mặt của toàn bộ đời sống chính trị và tinh thần của xã hội, phạm vi sử dụng của hệ thống thuật ngữ này khá rộng không chỉ riêng ở lĩnh vực báo chí mà còn được sử dụng thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, việc chuẩn hoá và thống nhất cách sử dụng đối với hệ thống thuật ngữ ngành báo chí là vô cùng quan trọng và cần thiết. Nhưng để làm được điều này thì hệ thống thuật ngữ báo chí trước hết phải được chuẩn hoá ngay từ trong các từ điển. Cho nên, trong vấn đề biên soạn các loại từ điển thuật ngữ báo chí, song song với việc đẩy mạnh gia tăng về số lượng, thì vấn đề chất lượng từ điển trong đó vấn đề chính xác hoá, chuẩn hoá và thống nhất thuật ngữ báo chí cần phải được quan tâm hàng đầu hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Thành Châu, Quang Đạm (1982), Từ điển thuật ngữ xuất bản- báo chí Nga -Anh -Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[2] Quang Đạm (1977), Con đường phát triển của thuật ngữ báo chí Việt Nam, Ngôn ngữ, s. 3.

[3] Quang Đạm, Nguyễn Khắc Văn, Lê Thanh Hương, Nguyễn Trí Dũng (2010), Từ điển thuật ngữ báo chí - xuất bản Anh-Nga-Việt, NXB Thông tin & Truyền thông, Hà Nội.

[4] Dương Kỳ Đức (2009), Một số vấn đề của thuật ngữ tiếng Việt trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Ngôn ngữ & Đời sống, s. 3.

[5] Vũ Quang Hào (2005), Kiểm kê từ điển học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

[6] Vũ Quang Hào (2009), Ngôn ngữ báo chí, NXB Thông Tấn (in lần thứ tư), Hà Nội.

[7] Nguyễn Thành Hưng (2007), Thuật ngữ báo chí - truyền thông, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

[8] Hà Thị Quế Hương (2011), Cấu trúc vĩ mô và vi mô của từ điển thuật ngữ chuyên ngành tiếng Việt, Từ điển học & Bách khoa thư, s. 3.

 [9] Phòng Từ điển chuyên ngành và Thuật ngữ (2010), Một số vấn đề lí luận và phương pháp luận của thế giới và Việt Nam về việc biên soạn từ điển thuật ngữ và chuyên ngành, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam.

SUMMARY

Through the three publication-journalism terms dictionaries published recently in Vietnam (1982, 2007, 2010), the author analyzes their strong and weak points, hence to propose appropriate compiling methods.

Among the issues under discussion, prime attention should be given to standardization of publication-journalism terms.


Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 06, năm 2011