NGUYỄN HUY CÔN
Theo sách Kiểm kê Từ điển học Việt Nam (Vũ Quang Hào, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005) thì Việt Nam ta đã xuất bản đủ các thứ từ điển: từ điển đối chiếu (song ngữ, đa ngữ), từ điển chuyên môn ngành, từ điển bách khoa, từ điển đồng nghĩa, từ điển trái nghĩa, từ điển từ tắt,... Tuy nhiên, có loại từ điển chưa đề cập đến trong sách này: đó là Từ điển từ chuẩn.
I. Từ điển từ chuẩn - một công cụ tra cứu, quản lí và phối hợp
Từ điển từ chuẩn là một loại ngôn ngữ tư liệu. Đó là tập hợp các thuật ngữ có quan hệ ngữ nghĩa với nhau và sử dụng riêng cho một lĩnh vực tri thức, một chuyên ngành chuyên biệt. Loại từ điển này dùng để tra cứu, tìm kiếm thông tin và có những đặc điểm sau:
○ Từ điển được xây dựng theo nguyên tắc tổ hợp nhằm tập hợp các tri thức của một lĩnh vực chuyên môn (hay của một ngành nghề), được phân tích thành một số khái niệm, cho phép diễn tả mọi khía cạnh của thông tin;
○ Các khái niệm được tập hợp vào một danh mục các từ chuẩn. Từ chuẩn là một từ hoặc một tập hợp các từ diễn tả khái niệm xác định nội dung tài liệu và được giữ lại sau khi loại bỏ các từ đồng nghĩa. Các từ chuẩn này độc lập với nhau nhưng không loại trừ nhau và có thể kết hợp từ này với từ khác;
○ Từ điển từ chuẩn có tính chất chuyên ngành, được áp dụng riêng cho một lĩnh vực trí thức và có thể tạo điều kiện để cung cấp những thông tin chi tiết. Khác với các loại từ điển khác, số lượng từ trong từ điển từ chuẩn không nhiều, thường chỉ vài trăm từ đến hai ba nghìn từ. Hiếm trường hợp có hàng vạn từ;
○ Đặc điểm của từ chuẩn là tính mềm dẻo linh hoạt và có khả năng cho thông tin mô tả đầy đủ, đa dạng;
○ Do tính hệ thống, tính tầng bậc và tính liên kết của từ chuẩn mà công dụng được phát huy trong quản lí công tác ngành, trong phối hợp một loại công tác nhất định;
○ Công nghệ biên soạn và biên tập công phu, toàn diện về tri thức. Đặc biệt là phải xây dựng theo hai yếu tố cơ bản là quan hệ ngữ nghĩa và quy tắc cú pháp.
Quan hệ ngữ nghĩa. Từ điển từ chuẩn bao gồm các yếu tố ngữ nghĩa sau:
+ Các từ chuẩn
+ Các từ kiểm tra (không phải là từ chuẩn)
+ Từ rỗng
Giữa các từ này có quan hệ ngữ nghĩa, cho phép ta hiểu chính xác các từ chuẩn. Đó là:
+ Quan hệ tương đương
+ Quan hệ cấp bậc
+ Quan hệ lân cận
Cách trình bày một từ điển từ chuẩn, vì vậy cũng đa dạng, có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:
+ Các bảng tra từ vựng của từ chuẩn: có thể trình bày theo danh mục hệ thống, danh mục cấp bậc, danh mục chữ cái hay danh mục theo nguyên tắc hoán vị.
+ Các cách biểu diễn: sơ đồ mũi tên, sơ đồ hình cây, sơ đồ đồng tâm...
○ Ví dụ minh hoạ (lấy ví dụ trong ngành kiến trúc - xây dựng): từ chuẩn THIẾT KẾ
- Theo cấp bậc
1. THIẾT KẾ
1.1. Hệ thống thiết kế
1.1.1. Thiết kế thi tuyển
1.1.2. Thiết kế đồng bộ
1.1.3. Thiết kế xuất khẩu
1.1.4. Thiết kế phổ dụng
1.1.5. Thiết kế điển hình
1.1.5.1. Vận dụng thiết kế điển hình
1.1.6. Thiết kế tự động hoá
1.1.7. Thiết kế theo phương án
1.1.8. Thiết kế cá biệt
1.2. Giám sát tác giả thiết kế
1.3. Giải pháp thiết kế
1.3.1. Giải pháp kết cấu
1.3.1.1. Chọn hệ thống kết cấu
1.3.1.2. Chọn vật liệu xây dựng
1.3.2. Giải pháp bố trí kiến trúc
1.3.2.1. Giải pháp mặt bằng
1.3.2.2. Giải pháp mặt đứng
1.4. Các chỉ tiêu thiết kế
1.4.1. Chất lượng thiết kế
1.4.2. Giá thành thiết kế
1.4.3. Chi phí phát sinh trong thiết kế
1.4.4. Tỉ lệ không hoàn hảo trong thiết kế
1.4.5. Thời hạn thiết kế
1.5. Giai đoạn thiết kế
1.5.1. Cơ sở kinh tế - kĩ thuật
1.5.2. Xử lí trước thiết kế
1.5.3. Thiết kế sơ bộ
1.5.4. Nhiệm vụ thiết kế
1.5.5. Thiết kế kĩ thuật
1.6. Phương pháp thiết kế
1.6.1. Thiết kế trên mô hình
1.6.2. Thiết kế theo ảnh chụp
1.6.3. Thiết kế theo catalogue
- Theo thứ tự chữ cái
Các chỉ tiêu thiết kế
Các hệ thống thiết kế tự động
Chất lượng thiết kế
Chi phí phát sinh trong thiết kế
Chọn vật liệu xây dựng
Cơ sở kinh tế - kĩ thuật
Giá thành thiết kế
Giai đoạn thiết kế
Giải pháp bố trí kiến trúc
Giải pháp kết cấu
Giải pháp mặt bằng
Giải pháp mặt đứng
Giải pháp thiết kế
Giám sát tác giả thiết kế
Hệ thống thiết kế
Lựa chọn hệ kết cấu
Nhiệm vụ thiết kế
Phương pháp thiết kế
Thiết kế cá biệt
Thiết kế đại trà
Thiết kế điển hình
Thiết kế đồng bộ
Thiết kế kĩ thuật
Thiết kế sơ bộ
Thiết kế theo ảnh chụp
Thiết kế theo catalogue
Thiết kế theo phương án
Thiết kế thi tuyển
Thiết kế trên mô hình
Thiết kế xuất khẩu
Thời hạn thiết kế
Tỉ lệ không hoàn hảo trong thiết kế
Vận dụng thiết kế điển hình
Xử lí trước thiết kế
Quy tắc cú pháp
Các quy tắc về cú pháp cho phép sử dụng các từ chuẩn và biết cách đọc một câu hỏi, được xây dựng trên cơ sở các phép toán mệnh đề để thực hiện được 3 loại quan hệ sau giữa các từ chuẩn:
- Quan hệ tương giao, dùng phép hội, còn gọi là phép toán “VÀ”, cho phép nối hai từ chuẩn có trong bản đánh chỉ số của cùng một tài liệu. Ví dụ: Tự động hoá và thư viện;
- Quan hệ kết hợp, dùng phép tuyển, còn gọi là phép toán “HOẶC”, cho phép nối hai từ chuẩn mà ít nhất một trong hai từ chuẩn đó có trong bản đánh chỉ số của tài liệu. Ví dụ: Thư viện hoặc Trung tâm thông tin;
- Quan hệ loại trừ, dùng phép phủ định, còn gọi là phép toán “KHÔNG” hoặc “TRỪ”, cho phép nối hai từ chuẩn mà từ thứ nhất có trong bản đánh chỉ số của tài liệu, còn từ thứ hai thì không. Ví dụ: Thư viện, trừ thư viện trường...
II. Cách biên soạn Từ điển từ chuẩn
Đây là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức và theo một kế hoạch nhất định. Kế hoạch này dựa trên cơ sở phân tích hệ thống tư liệu, điều kiện vật chất kĩ thuật và khả năng chuyên môn của cơ quan / người biên soạn.
1. Lập danh mục các từ đã được chọn làm từ chuẩn. Có hai phương pháp:
- Phương pháp phân tích. Từ các bảng đánh chỉ số của các tài liệu, rút ra các từ. Ghi lại các từ có ý nghĩa của các câu hỏi hoặc các bài viết của những nhà nghiên cứu.
- Phương pháp tổng hợp. Tìm các từ có ý nghĩa của lĩnh vực đang nghiên cứu có trong các nguồn tư liệu tra cứu như: từ điển, bản chỉ dẫn, mục lục, bộ phiếu, v.v.
2. Chọn ra các từ chuẩn theo tiêu chuẩn, xác định tần suất sử dụng và giá trị sử dụng của những từ đó.
3. Thiết lập cấu trúc cho bản danh mục các từ chuẩn theo trình tự:
+ Lập các quan hệ tương đương để chỉ ra các trường hợp đồng nghĩa và tránh dùng lặp;
+ Lập quan hệ cấp bậc theo chủ đề hoặc theo diện;
+ Lập các quan hệ kết hợp và liên quan gần.
4. Thực hiện các bước kiểm tra bằng cách áp dụng để mô tả một số tài liệu tiêu biểu, đông thời lấy ý kiến đánh giá của chuyên gia.
5. Tổ chức xuất bản từ điển từ chuẩn.
6. Theo dõi việc sử dụng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện từ điển cho lần tái bản sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Batten W. E. Handbook of special librarianship and information work, 4è édition- Londre, Aslib, 1975.
[2] C. Guinchat et M. Menou, Introduction générale aux sciences et techniques de l'information et de documentation, Les Presses de l'Unesco, 1981, 5, VTTKHKTTƯ, Tạp chí Thông tin học, Hà Nội, 1986-1990.
[3] VTTKHKTTƯ, Tạp chí Thông tin học, Hà Nội, 1986-1990.
[4] А . И. Михайлов, Основы Информатики, Издательство “Наука”, Москва, 1979.
[5] ЦИНИПСИА, Информационно-поисковый Тезаурус по Строительству и Архитектуре, Москва, 1978.
SUMMARY
According to the author, dictionaries of standard words serve as a tool for consulting, managing, combining, and standardizing languages. Standard words thus must conform to certain criteria. Compilers of dictionaries of standard words should propose measures how to treat them properly.
Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 06, năm 2011