TS. Nguyễn Thị Thanh Nga
1. Bối cảnh chung
Theo số liệu thống kê gần đây nhất, số từ điển từng có ở Việt Nam cho đến cuối TK 20 là gần 1.000 đầu sách các loại, khoảng 30% trong đó là từ điển thuật ngữ. Những cuốn đầu tiên có từ khoảng TK 15-17, chủ yếu là những tập từ vựng đối dịch nhằm phục vụ việc đi sứ ở Trung Quốc hay để giảng đạo (Vd: An Nam dịch ngữ, Từ điển của A. de Rhodes, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa). Từ đầu TK 21 đến nay chưa có sự thống kê đầy đủ nào về số đầu sách từ điển, nhưng chúng ta có thể thấy các chủng loại từ điển xuất hiện ngày càng nhiều, cả hình thức thể hiện và nội dung đều rất phong phú. Với trình độ dân trí ngày càng cao và tốc độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội như vũ bão hiện nay thì nhu cầu sử dụng từ điển của người dân ngày càng lớn. Nhu cầu của người đọc là một yếu tố thúc đẩy sự ra đời những cuốn từ điển mới, trong đó có cả từ điển ngữ văn lẫn từ điển bách khoa. Nhiều cuốn được làm công phu, có nghiên cứu áp dụng cái mới. Nhưng vì chạy theo thị trường, cũng có không ít cuốn được biên soạn một cách vội vã theo lối sao chép thiếu suy xét, không đáp ứng được yêu cầu người đọc và xâm phạm bản quyền nghiêm trọng. Thị trường từ điển thực sự hỗn loạn. Độc giả không biết tin vào đâu, dùng cuốn nào. Tình hình thị trường từ điển cho thấy việc biên soạn và xuất bản từ điển còn dễ dãi, có lúc, có nơi còn chưa thật sự nghiêm túc. Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, xã hội cần có nhiều hơn những cuốn từ điển được biên soạn một cách công phu, dựa trên nền tảng tri thức và lí luận ngôn ngữ học. Việc tìm hiểu những từ điển đã xuất bản sẽ giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm và những cách nhìn mới để làm nên những cuốn sách có ích thực sự trong tương lai.
Từ điển học Việt Nam còn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Mặc dù từ điển học thực hành đã có từ TK 15-171, nhưng cho đến thế kỉ 20 các công trình biên soạn từ điển hầu hết đều được tiến hành dựa trên kinh nghiệm và năng lực ngôn ngữ của các tác giả. Do vậy các cuốn từ điển đều thể hiện những hạn chế nhất định như chưa thực sự chú ý mối quan hệ giữa đối tượng sử dụng từ điển với hệ thống bảng từ và nội dung thông tin trong các mục từ, chưa đưa ra được những tiêu chí nhất định trong lựa chọn bảng từ cho phù hợp với đối tượng của từ điển, chưa đảm bảo tính hệ thống trong từ điển cả về việc lập bảng từ lẫn định nghĩa... Các công trình nghiên cứu về từ điển đến nay ở Việt Nam có hơn 130 bài và mới chỉ dừng lại ở những vấn đề cụ thể về một loại từ điển nào đó như từ điển thuật ngữ, từ điển đồng nghĩa, từ điển song ngữ, từ điển tác phẩm - tác giả, v.v. Có một số bài nghiên cứu tập trung chủ yếu vào từ điển giải thích - một trong những loại từ điển ngữ văn thường gặp nhất. Các bài viết xoay quanh việc giải quyết những vấn đề mà các tác giả gặp phải trong quá trình biên soạn từ điển của mình. Cũng vì vậy mà phần lớn bài viết tập trung vào các giai đoạn biên soạn Từ điển tiếng Việt phổ thông, Từ điển Anh Việt, Từ điển tiếng Việt,... do Viện Ngôn ngữ học chủ trì (thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, sau là Trung tâm Khoa học xã hội & Nhân văn Quốc gia, hiện nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Sau các giai đoạn này, là loạt bài mang tính giới thiệu hay nhận xét về những sai sót cụ thể trong một cuốn từ điển nào đó. Nửa sau TK 20, với công trình Từ điển tiếng Việt do Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, bắt đầu có nhiều hơn những bài viết mang tính lí luận ngôn ngữ. Tuy nhiên, số những bài viết này còn rất ít, nhiều lĩnh vực nghiên cứu trong công tác biên soạn từ điển còn bỏ trống. Công trình Chuẩn bị sơ sở dữ liệu cho Từ điển tiếng Việt cỡ lớn và Một số vấn đề từ điển học cũng mới chỉ xới xáo một số vấn đề, và cũng chỉ nhằm phục vụ biên soạn từ điển giải thích tiếng Việt. Còn rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu cần được bổ sung hoặc hoàn thiện hơn, như các chủng loại từ điển ngữ văn và cấu trúc vĩ mô/ vi mô của từng loại, kích cỡ của từ điển, vấn đề dữ liệu phục vụ biên soạn, v.v. Cần phải có một cái nhìn tổng quát, toàn diện hơn, hiện đại hơn về mặt lí luận, nhằm tiêu chuẩn hoá công tác biên soạn cũng như thúc đẩy tiến trình biên soạn, khắc phục tình trạng thường xuyên chậm tiến độ hoặc biên soạn vội vàng, không đảm bảo chất lượng. Do vậy, rất cần các công trình hướng đến sự bổ khuyết một số vấn đề lí luận Từ điển học, nhằm xây dựng những định hướng lí luận cho các công trình biên soạn sau này.
Các nước trên thế giới như Pháp, Anh, Mĩ, Trung Quốc, Úc... đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về từ điển. Có uy tín và ảnh hưởng nhiều nhất đến Từ điển học Việt Nam là Giáo trình từ điển học của L. Zgusta (1971), Nghiên cứu từ điển hiện đại bằng tiếng Pháp về ngôn ngữ học và kí hiệu học của J. Rey Debove. Do hạn chế về nhiều mặt, nhiều tài liệu quý còn chưa được phổ biến ở Việt Nam. Chúng ta biết rằng việc xuất bản từ điển ở nước ngoài rất được coi trọng. Nó không đơn giản là chỉ là công tác biên soạn mà đã được công nghệ hoá và thương mại hoá. Những thương hiệu từ điển lớn như Larousse, Hachette, Oxford gắn liền với các nhà xuất bản lớn, các kho dữ liệu khổng lồ hàng tỉ âm tiết được cập nhật hàng năm (kho Oxford English Corpus gồm bộ văn bản khổng lồ 1,5 tỉ từ. Mạng dữ liệu Longman có hơn 100 triệu từ thuộc ngôn ngữ viết và 5 triệu từ thuộc ngôn ngữ nói). Một số từ điển của Oxford, Larousse,... luôn có những phiên bản mới, được cập nhật thông tin định kì. Các xuất bản phẩm của họ rất đa dạng, gồm cả sách báo, đĩa hình, đĩa tiếng, kim từ điển,... và lưu hành cả trên mạng Internet.
2. Những đổi thay nhiều hứa hẹn
2.1. Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam ra đời đầu tháng 8-2008 báo hiệu một sự khởi đầu tốt đẹp cho công tác biên soạn từ điển. Sự xác định về mặt tổ chức và những định hướng về mặt nghiên cứu cũng như thực hành biên soạn sẽ là cơ hội tốt cho sự ra đời những cuốn từ điển có chất lượng trong tương lai. Chúng ta cũng có nhiều điều kiện hơn để tìm hiểu kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc không đơn giản chỉ là làm từ điển mà còn là nghiên cứu và biên soạn từ điển, một loại công trình khoa học có giá trị ứng dụng cao trong xã hội để làm nên những cuốn sách được coi là cẩm nang ngôn ngữ cho người sử dụng.
2.2. Về mặt lịch sử, chúng ta đang ở những năm đầu của TK 21, khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ chóng mặt. Sự giao lưu kinh tế – xã hội diễn ra ở tất cả các vùng miền. Ngày càng nảy sinh nhiều từ ngữ mới, đặc biệt là các thuật ngữ. Nhiều từ ngữ địa phương được dịch chuyển ra khỏi lãnh địa nhỏ hẹp của mình, có cơ hội được toàn dân hoá (như bột nêm, bột ngọt, chung cư, xa lộ,...). Sự phát triển ngôn ngữ về mặt từ vựng khiến cho nhu cầu của người sử dụng từ điển ngày càng cao. Để phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng, xã hội cần có nhiều hơn các cuốn từ điển các cỡ (đại từ điển, cỡ trung, cỡ vừa, cỡ nhỏ (còn gọi là từ điển bỏ túi)), các chủng loại (từ điển giải thích, từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa, từ điển thành ngữ, từ điển thuật ngữ các ngành, từ điển văn hoá, từ điển biểu tượng,...), các hình thức diễn đạt (đơn ngữ, song ngữ, đa ngữ, kết hợp ngôn ngữ và hình ảnh). Người đọc cần bổ dung hệ thống tri thức cũng như kĩ năng ngôn ngữ của mình một cách toàn diện hơn, phong phú hơn. Vì vậy từ điển cần không chỉ giải thích sự vật, khái niệm mà từ biểu thị mà còn hướng dẫn người đọc sử dụng từ ngữ một cách chuẩn xác nhất.
2.3. Sự phát triển về kĩ thuật tạo điều kiện cho việc ra đời các cuốn từ điển mới nhanh hơn, tốt hơn:
- Về kĩ thuật. Máy móc hiện đại đã giảm nhẹ sức lao động cho người biên soạn từ điển ở tất cả các khâu: tìm tư liệu, chế bản, bảo quản, in ấn... Việc biên soạn, in ấn thuận tiện, chỉnh sửa dễ dàng, không mất thời gian như trước đây (thời gian biên soạn đến 20 năm vẫn không xong). Mặt trái của điều này là việc sao chép vô tội vạ, không cần chất lượng, không đếm xỉa đến cả tác giả sách lẫn người đọc.
- Về dữ liệu. Cùng với các kho tư liệu từ mạng Internet, nhiều nơi xây dựng ngân hàng dữ liệu tiếng Việt, rất thuận tiện cho người biên soạn. Tuy nhiên các kho tư liệu được làm ít nhiều thủ công trong điều kiện vật chất và kĩ thuật yếu, không có sự liên kết đồng bộ giữa các nơi, do vậy không tránh khỏi tính chất thô sơ và mất cân đối, tính quy hoạch và cập nhật thấp, chưa theo kịp tốc độ phát triển của đời sống ngôn ngữ - xã hội.
- Về trình độ. Trình độ người biên soạn (tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) ngày càng được nâng cao, việc biên soạn cũng hướng dần đến sự chuyên nghiệp hoá. Do vậy, bản thảo được biên soạn sẽ nhanh hơn và có chất lượng đồng đều hơn.
- Về thị trường. Thị trường tiêu dùng ngày càng mở rộng do trình độ dân trí ngày càng cao và đời sống xã hội ngày càng phát triển. Sự giao lưu kinh tế giữa các vùng miền giúp cho loại sách này có nhiều điều kiện đi xa hơn, thậm chí là xuất ngoại, hoặc là sản phẩm liên kết đa quốc gia. Sách điện tử trở thành sản phẩm ăn khách, ngày càng có nhiều sản phẩm từ điển điện tử, như Kim từ điển, Tân từ điển, từ điển trực tuyến (bachkhoatoanthu.gov.vn, baamboo.com, vi.wikipedia.org, Lạc Việt, v.v.). Khảo sát trên mạng có gần 40 chương trình từ điển khác nhau, chủ yếu là từ điển song ngữ và từ điển giải thích tiếng Việt (từ điển song ngữ và đa ngữ nhiều hơn). Khảo sát thị trường từ điển cho thấy số từ điển song ngữ là chủ yếu, đa ngữ ít hơn. Từ điển đơn ngữ có khá nhiều loại và kích cỡ, tuy nhiên vẫn tập trung chủ yếu ở từ điển giải thích, từ điển thành ngữ, từ điển phương ngữ. Từ điển thuật ngữ cũng chủ yếu là từ điển đối dịch, tập trung ở lĩnh vực kinh tế, tin học. Tuy nhiên, chất lượng từ điển có nhiều điều phải bàn.
Toàn bộ những điều kiện thuận lợi về sự phát triển của khoa học – kĩ thuật, của kinh tế – xã hội đảm bảo tính thiên thời; sự ra đời của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cùng với sự đầu tư có kế hoạch của Viện KHXH VN mang tính địa lợi; sự hội tụ đông đảo đội ngũ cán bộ làm từ điển của hai đơn vị chuyên biên soạn từ điển trước đây là yếu tố nhân hoà. Cả ba yếu tố này tạo nên cục diện mới cho các nhà Từ điển học. Yếu tố nhân hoà là quan trọng nhất hiện nay. Phải làm sao phát huy hết sức mạnh vốn có của từng cá nhân để tạo nên sức mạnh tập thể. Hầu hết cán bộ đã có kinh nghiệm trong một phạm vi hẹp, nhưng những kiến thức chung về nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm biên soạn còn khá mỏng. Có người kinh nghiệm biên tập dày hơn biên soạn. Ngay cả những người đã trực tiếp biên soạn cũng mới quen làm một vài loại từ điển. Để cho ra đời được những cuốn từ điển đa dạng, đáp ứng được yêu cầu xã hội vẫn cần phải mày mò, học hỏi thêm. Do vậy, rất cần có sự trao đổi kinh nghiệm trong tập thể, mở rộng kiến thức về lí luận, thực hành biên soạn những cuốn nhỏ và vừa, nâng cao dần tay nghề để làm những cuốn lớn hơn. Yếu tố nhân hoà cũng đòi hỏi sự thay đổi về tư duy. Không còn là thời chỉ dùng ý chí để mong có thành công được. Công tác biên soạn từ điển là lao động trí óc, cần đảm bảo tính khách quan, khoa học mới tạo nên những tác phẩm thực sự đảm bảo chất lượng. Do vậy cần thực hiện một cách khoa học, có kế hoạch trong mọi công đoạn của quy trình biên soạn từ điển cả từ khâu lập kế hoạch và dự toán kinh phí.
3. Những bước đi cần thiết
Để cho ra đời được những cuốn từ điển ngữ văn có chất lượng công tác biên soạn cần được tổ chức một cách khoa học và đồng bộ.
3.1. Xây dựng nguồn nhân lực
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu và biên soạn từ điển còn ít, nhiều cán bộ trẻ, chưa thực sự có kinh nghiệm biên soạn (những người có kinh nghiệm hầu hết đều đã nghỉ hưu, nay chỉ còn làm với tư cách cộng tác viên). Do vậy, việc tự học tập nâng cao trình độ lí luận về từ điển học và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau là vô cùng quan trọng. Cần có những buổi sinh hoạt chuyên môn với sự tham gia của các nhà từ điển học có kinh nghiệm để nâng cao kĩ năng biên soạn.
Cần xây dựng hoặc củng cố lại mạng lưới cộng tác viên, trong ngành từ điển cũng như các ngành khoa học khác, có sự quan hệ thường xuyên, đãi ngộ xứng đáng để họ có điều kiện tập trung nâng cao số lượng và chất lượng phiếu biên soạn (những người này thường rất bận, có nhiều việc làm tốt, rất khó để huy động họ). Sự đóng góp của họ là một đảm bảo cho chất lượng và sự thành công của cuốn sách trong tương lai.
3.2. Xây dựng nguồn dữ liệu
Nguồn dữ liệu là đầu vào của từ điển, giúp cho khả năng thành công của cuốn sách cao hơn. Nguồn dữ liệu hiện có của chúng ta khá phong phú, bao gồm kho phiếu với hơn ba triệu phiếu tư liệu, kho cơ sở dữ liệu và kho từ mới trên máy tính. Kho phiếu được xây dựng vào những năm 60 - 80 của TK trước, gồm toàn tư liệu chọn lọc từ sách báo, có nhiều tư liệu quý từ các cuốn sách có giá trị. Dữ liệu đa dạng, có cả từ cổ, từ cũ, thuật ngữ, thành ngữ… Điều bất tiện là kho phiếu chưa được cập nhật và tra cứu còn mất nhiều thời gian, công sức, bảo quản nó cũng không đơn giản. Kho từ mới cho chúng ta những tư liệu được chọn lọc có định hướng trên sách báo trong khoảng gần 20 năm qua và sau TK 21. Đây cũng là nguồn tư liệu tham khảo quý. Việc cập nhật nguồn tư liệu hiện nay chủ yếu thông qua mạng Internet. Điều đó có nhiều thuận lợi nhưng cũng có mặt hạn chế, vì đó là nguồn tư liệu ngôn ngữ của toàn dân, chưa thực sự ổn định và chưa đảm bảo được sự chọn lọc, chính xác và chuẩn mực trong tất cả các ngữ cảnh, tư liệu trùng lặp nhiều, khó có sự thống kê chính xác.
Thực tế cho thấy việc xây dựng nguồn dữ liệu mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Đây là việc không thể xem nhẹ. Cần có kế hoạch và sự đầu tư thích đáng. Dữ liệu cần xây dựng có định hướng, đảm bảo tỉ lệ nhất định giữa các loại văn bản và các dạng phong cách ngôn ngữ, các tác giả, tác phẩm có tên tuổi cần được ưu tiên chọn lọc hơn. Từ trước đến nay, việc xây dựng dữ liệu luôn bị cản trở bởi vô vàn khó khăn về kinh phí, thời gian, nhân lực, chưa có sự đầu tư thích đáng về nhiều mặt. Các đề tài đều phải tự trích nguồn kinh phí vốn đã ít ỏi ra để làm tư liệu, do vậy không được nhiều, tư liệu không theo kịp đà phát triển chung của xã hội.
Vấn đề nhân lực, dữ liệu và kinh phí là 3 khoản đầu vào đặc biệt có ý nghĩa đối với đầu ra của các cuốn từ điển, cả về độ lớn và chất lượng. Sự thiếu hụt phần nào cũng làm ảnh hưởng đến công tác biên soạn.
3.3. Vấn đề chất lượng của từ điển
Chất lượng của từ điển thể hiện ở nhiều mặt và có liên quan đến nhiều vấn đề. Ngay từ vấn đề đầu tiên là việc lập kế hoạch biên soạn và xây dựng các nguyên tắc biên soạn cho mỗi cuốn từ điển. Những cuốn từ điển có uy tín thường có nguyên tắc biên soạn rất cụ thể. Các nguyên tắc này được thiết lập tuỳ theo mục đích của mỗi cuốn từ điển và đối tượng sử dụng nó. Việc đảm bảo tính thống nhất trong cấu trúc vi mô và vĩ mô của từ điển là việc ai cũng thấy cần nhưng rất khó, vì nó kéo theo hàng loạt vấn đề cần giải quyết. Vì nhiều lí do, đa số các cuốn từ điển ngữ văn hiện nay chưa đảm bảo được điều này (trong đó có lí do về thời gian và kinh phí còn ít ỏi). Một điều quan trọng khác ảnh hưởng nhiều đến chất lượng từ điển là vấn đề chuẩn hoá. Một cuốn từ điển có chất lượng phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về chuẩn. Khái niệm chuẩn ở đây được hiểu theo nghĩa rộng. Đó là chuẩn với xã hội: được đa số người trong xã hội thừa nhận, được sử dụng chính thức trong giao tiếp xã hội, đáp ứng được nhu cầu giao tiếp của mọi người. Dạng thứ hai là là chuẩn với đối tượng sử dụng từ điển, tồn tại trong giao tiếp của một nhóm xã hội. Sự khác biệt giữa hai loại chuẩn này cần được đánh dấu nếu chúng cùng tồn tại trong một cuốn trong từ điển. Điều khó khăn là giữa hàng loạt đơn vị mục từ có cùng một nghĩa thì dạng nào là chuẩn, dạng nào là biến thể cần được chuyển chú đến chuẩn. Nhà từ điển học phải xây dựng bộ tiêu chí xác định chuẩn mực của mình sao cho phù hợp với xu thế chung của xã hội, cũng như với xu thế và quy luật phát triển của ngôn ngữ. Vì thế, việc tránh tính chủ quan, khiên cưỡng khi chọn chuẩn và chọn mục từ để đưa vào từ điển rất cần được coi trọng, vì không phải từ nào được dùng nhiều cũng là chuẩn. Trên thực tế, trong giai đoạn lịch sử nào đó có nhiều đơn vị ngôn ngữ được coi là chấp nhận được, thậm chí trở thành một “mốt dùng từ”, ai cũng thích dùng, nhưng chỉ sau một thời gian lại trở nên mờ nhạt, thậm chí đi vào quên lãng. Nếu vội vã đưa vào từ điển mà không có sự cân nhắc kĩ dễ dẫn đến trở thành những “hạt sạn” không thể nhặt ngay đi được. Ví dụ: sau giải phóng từ hết sảy từ miền Nam “du ngoạn” ra Bắc, ai cũng dùng. Nhưng chỉ sau vài năm từ này không còn được ưa chuộng nữa. Mặt khác, từ ngữ luôn có sự vận động và phát triển, nếu cứ một mực theo cách hiểu cũ hoặc không theo sát tư liệu thì dễ bỏ qua những từ mới, nghĩa mới. Từ hattrick là một ví dụ, đầu tiên từ này được dùng trong môn cricket vào năm 1858 dành cho cầu thủ ghi 3 điểm liên tiếp, sau đó mở rộng sang bóng đá rồi sang các môn thể thao khác như vật, đua xe, cầu mây… còn bây giờ thì được dùng rộng cả sang các lĩnh vực khác trong đời sống (trong ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ nói).
Trong lĩnh vực từ vựng, việc chọn chuẩn mực có phần đỡ khó khăn hơn. Vì có nhiều sách vở ghi dấu lại sự phát triển đó. Những từ ngữ toàn dân thường được chọn làm chuẩn mực, từ ngữ địa phương thường được giải thích bằng từ toàn dân hoặc chuyển chú với sự đánh dấu hoặc giải thích nhất định về phạm vi sử dụng, sắc thái phong cách. Khi từ nào đó được “toàn dân hoá” đến mức mờ hoặc mất đi dấu ấn nguồn gốc địa phương của mình, được toàn xã hội sử dụng (gạch bông, chung cư,…) thì vấn đề chuẩn mực trở nên khó khăn hơn và cần được xem xét kĩ. Những tiêu chí xác định chuẩn dựa trên cơ sở số lượng và chất lượng tư liệu, cùng những xu thế phát triển và quy luật chung của ngôn ngữ càng tỏ ra quan trọng và cần thiết.
Đối với các từ lóng, khẩu ngữ, tình hình cũng tương tự như vậy. Từ ngữ có đời sống riêng và có những giai đoạn lịch sử nhất định. Một từ có thể là khẩu ngữ ở giai đoạn này, giai đoạn sau lại là từ trung tính và ngược lại (sếp, cực, văn dốt vũ dát, văng (lời nói tục), vật lí trị liệu, túi tiền…đã có thời được coi là khẩu ngữ). Lớp từ thông tục, tiếng lóng đang tồn tại trong giao tiếp cũng có giá trị riêng và chúng là một phần của giao tiếp xã hội. Việc chúng có được đưa vào từ điển không và đưa ở mức độ nào phải tuỳ theo mục đích, yêu cầu và đối tượng của từ điển.
Trong lĩnh vực từ vay mượn, chọn chuẩn càng khó khăn hơn, lấy nguyên dạng, phiên âm hay chuyển tự? Vì nếu theo đúng nguyên tắc tiếng Việt là ngôn ngữ đơn tiết thì cần phải phiên âm các từ vay mượn. Nhưng quy tắc phiên âm trong tiếng Việt lại rất lộn xộn, nếu không nói là chưa có một chuẩn mực nào được thừa nhận trong giới ngôn ngữ học cũng như trong toàn xã hội. Chính vì vậy mà có những từ vay mượn có hàng chục cách viết khác nhau. Có không ít bài nghiên cứu về vấn đề phiên âm nhưng vẫn chưa đi đến sự thống nhất ý kiến nào và đây chính là khó khăn cho người biên soạn. Cần có một quan điểm thống nhất về cách phiên âm từ ngữ để đảm bảo tính nhất quán của các đơn vị được thu thập trong bảng từ2.
3.4. Việc xuất bản từ điển ngữ văn hiện nay
Chúng ta đã biết các loại hình từ điển ngữ văn hiện nay rất phong phú (mặc dù chưa có sự thống kê chi tiết nhưng đếm sơ sơ cũng có hàng chục loại). Dạng từ điển song ngữ và đa ngữ chiếm tới ba phần tư số lượng từ điển hiện có, từ điển đối dịch và một số từ điển thuật ngữ có ưu thế tuyệt đối trên thị trường từ điển do nhu cầu nâng cao trình độ ngoại ngữ của xã hội. Trong nhóm từ điển đơn ngữ thông dụng nhất vẫn là các từ điển tường giải, nhóm từ điển ngữ nghĩa, phong cách ít hơn. Hiện nay, nhu cầu của người đọc không chỉ để biết nghĩa từ ngữ mà phải hiểu chính xác và được hướng dẫn sử dụng từ. Do vậy, để tìm hiểu một ngôn ngữ thì từ điển giải thích, đồng nghĩa/ trái nghĩa thuộc loại từ điển ngữ văn quan trọng nhất (để người đọc hiểu hết cái hay, cái tinh tế của tiếng Việt và biết cách dùng từ ngữ). Ngoài ra những yêu cầu khác của xã hội còn rất nhiều: từ điển dành cho học sinh (từ điển giải thích đơn ngữ và song ngữ), các từ điển dành cho các lớp đối tượng khác trong xã hội: từ điển thuật ngữ các ngành, từ điển phong cách - tác giả, tác phẩm, các phong cách khác nhau3, từ điển giải thích tiếng Việt các cỡ (cỡ nhỏ, cỡ to, cỡ đại), từ điển thành ngữ, từ điển phương ngữ các vùng, miền, v.v. Xu hướng tích hợp thông tin trong các cuốn từ điển hiện nay đưa lại cho người đọc nhiều tiện ích, do vậy các cuốn từ điển ngữ văn mà chúng ta biên soạn cũng cần xem xét kĩ hơn đến nhu cầu của người sử dụng để có sự đáp ứng phù hợp.
Đó là nói về từ điển dạng sách, từ điển số4 cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trong tương lai, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cần có sự góp đóng góp trong lĩnh vực này. Với những ưu thế riêng của mình, sự đóng góp đó sẽ thực sự là hữu ích cho xã hội. Để thực hiện được điều đó phải có sự chuẩn bị trong thời gian khá dài với một kế hoạch chi tiết.
Còn có nhiều khoảng trống và những khoảng chưa được lấp đầy trong việc biên soạn từ điển ngữ văn hiện nay. Đó chính là những khó khăn, thách thức và cũng là cơ hội cho sự phát triển của ngành từ điển học. Làm nên những cuốn từ điển “có thương hiệu” là mơ ước và cũng là mục đích của những người yêu tiếng Việt và mong muốn đóng góp vào việc giữ gìn và phát triển nó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Trọng Báu, Lịch sử từ điển học thực hành Việt Nam, trong “Biên tập sách tra cứu, chỉ dẫn”, H., 1981.
[2] Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn,1895.
[3] Lê Văn Đức, Từ điển Việt Nam, Sài Gòn, 1970.
[4] Nguyễn Thuý Khanh, Một vài suy nghĩ về việc xử lí các thí dụ trong Từ điển tiếng Việt cỡ lớn, Ngôn ngữ, s. 15, 2002.
[5] Vương Lộc, Một vài nhận xét về từ điển giải thích của ta, Ngôn ngữ, s. 2, 1969.
[6] Vương Lộc, An Nam dịch ngữ, NXB Đà Nẵng, 1995.
[7] Nhiều tác giả, Một số vấn đề Từ điển học, NXB Khoa học xã hội, H., 1997.
[8] Nguyễn Phú Phong, Việt Nam, chữ viết, ngôn ngữ và xã hội, Max Reading.com.
[9] Chu Bích Thu, Giới thiệu sơ lược về từ điển và từ điển học Việt Nam, Ngôn ngữ , s. 14, 2001.
[10] Hoàng Phê & Nguyễn Ngọc Trâm, Một số vấn đề từ điển học, Ngôn ngữ, s. 4, 1993.
[11] Hoàng Phê, Một số ý kiến về vấn đề thống nhất và tiêu chuẩn hoá tiếng Việt (1963), trong “Hoàng Phê: Tuyển tập ngôn ngữ học”, NXB Đà Nẵng, 2008.
[12] Nguyễn Trung Thuần, Về việc định nghĩa các thuật ngữ khoa học trong các loại từ điển, trong “Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á”, NXB Khoa học xã hội, H., 1989.
[13] Phạm Văn Tình, Sách công cụ, tra cứu, từ điển: Thực trạng và một số đề xuất, Xuất bản Việt Nam, s. 6, 2003.
[14] Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên), NXB Khoa học xã hội, H., 1967.
[15] Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), NXB Khoa học xã hội, H., 1988, tái bản 1992, 1994, 1996, 1998, 2000, 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006.
[16] Phạm Hùng Việt, Về việc biên soạn từ điển tiếng Việt cỡ lớn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng ngân hàng dữ liệu và hỗ trợ công tác biên soạn, Ngôn ngữ, s. 15, 2002.
[17] Bùi Khắc Việt, Một số kinh nghiệm biên soạn từ điển ngôn ngữ ở các nước xã hội chủ nghĩa, Ngôn ngữ , s. 2, 1970.
[18] Bùi Khắc Việt, Vấn đề thu thập và giải thích thuật ngữ trong từ điển, trong “Một số vấn đề Từ điển học”, Nhiều tác giả, NXB Khoa học xã hội, H., 1997.
1An Nam dịch ngữ do người Trung Quốc soạn TK 15, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum do A. de Rhodes biên soạn TK 17 (1651), Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa còn nhiều tranh cãi, chưa có kết luận chính xác là ra đời vào TK 15 hay 18.
2 Giải pháp tạm thời với nhà từ điển là thu thập những dạng hay dùng nhất và dựa trên số lượng tư liệu là chính.
3 Phong cách nghệ thuật, phong cách khẩu ngữ, phong cách hành chính, phong cách khoa học,...
4 Từ điển trực tuyến trên mạng, kim từ điển. Về sách điện tử chúng tôi đã nói ở phần 2.3.
Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 02, năm 2009