Từ điển tiếng Huế một bảo tàng ngôn ngữ và văn hóa

08/07/2013

HOÀNG THỊ CHÂU

 

1 Trong lần đầu tiên gặp nhau tại “Hội thảo tiếng Huế, người Huế, văn hoá Huế” vào dịp Festival Huế 2004, Bùi Minh Đức - tác giả Từ điển tiếng Huế (TĐTH) - rất khiêm nhường nói với tôi: “Tôi đã đọc sách Tiếng Việt trên các miền đất nước của chị. Phải học chị tôi mới làm được cuốn TĐTH này, vì tôi là bác sĩ có biết gì về phương ngữ học đâu. Tôi rất vui được gặp chị ở đây để tặng sách”.

Tôi thật ngỡ ngàng trước sự khiêm tốn và nhiệt tình của anh. Đọc Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức, tôi vừa cảm phục anh vừa thấy xấu hổ và nợ anh quá nhiều, vì mình làm phương ngữ học mà chưa viết được gì về tiếng nói quê hương, còn anh một bác sĩ đang sống bên kia Thái Bình Dương, lại sưu tập ngôn từ tiếng Huế và đã xuất bản một công trình đồ sộ và quý giá như thế này. Gần đây, vào tháng 9-2009, tôi lại nhận được một bưu phẩm nặng trĩu, trong đó là hai tập thượng và hạ của bộ TĐTH in lần thứ 3 (2009), dày hơn 2.000 trang, gấp đôi TĐTH in lần thứ 2 (2004), kèm theo tấm danh thiếp anh thông báo vài dòng về một cuộc hội thảo văn hoá Huế, có thể sẽ được tổ chức và yêu cầu tôi viết tham luận. Tôi hiểu rằng tác giả TĐTH đang muốn nghe một chuyên gia phương ngữ học phản biện về công trình “mang nặng đẻ đau” của mình, tuy anh đã nhận được nhiều bài bình luận rất hay, phân tích sâu sắc và chính xác của các nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc, Nguyễn Đắc Xuân… và của nhiều người khác.

2. Điều mà người đọc băn khoăn khi đọc TĐTH là liệu tên sách có phù hợp với nội dung sách không.

- Gọi là từ điển mà mục từ không phải chỉ có từ, mà cả ngữ, có ngữ cố định và rất nhiều ngữ tự do như: nước rửa tay, điếu thuốc ngọn, tên sông Hương, sinh con trai, con gái

- Gọi là Từ điển tiếng Huế mà phần lớn mục từ là từ của ngôn ngữ toàn dân, cả Nôm lẫn Hán, có khi lại bị đọc lệch lạc, quê mùa như: giáo đa thành oán → giáo tra dài cán

2.1. Trong nhiều sách từ vựng học, đơn vị từ được giải thích không phải chỉ có từ đơn, từ kép, mà bao gồm cả từ và ngữ được hệ thống hoá trong từ điển.

Như vậy, từ và ngữ, thành ngữ, tục ngữ được đưa vào làm mục từ trong TĐTH là hoàn toàn phù hợp với thông lệ của từ điển.

2.2. Nhiều từ của ngôn ngữ toàn dân chứ không phải từ địa phương của riêng Huế được đưa vào TĐTH, phần lớn là những từ được dùng theo kiểu Huế, gắn với đời sống dân Huế, mang thêm ý nghĩa riêng có màu sắc Huế. Cũng là từ hạt sen, nhưng sen hồ Tịnh Tâm bán ở chợ Đông Ba đắt gấp đôi hạt sen ở các nơi khác, vì nấu lên sẽ chóng bở và thơm ngon, là đặc sản xứ Huế, cho nên từ sen tự nó bước vào TĐTH như một mục từ. Những từ chỉ những hoa quả bình thường ở đâu cũng có, như bầu bí cũng được đưa vào TĐTH, vì tác giả muốn giới thiệu một nét văn hoá ấm thực của Huế là người ta có thể cắt ăn dần, khi quả bầu bí đang còn đung đưa trên giàn. Mục từ nước rửa tay, không phải từ địa phương, cũng không phải ngữ cố định mà vẫn được đưa vào TĐTH, vì nó gắn với giai thoại về vua Đồng Khánh đã uống nhầm nước rửa tay sau một bữa đại yến và quan khách cũng uống theo. Đây là bát nước chè mạn với những lát chanh thái mỏng để rửa tay cho sạch và thơm, hiện nay chúng ta vẫn dùng sau những bữa ăn hải sản, nhưng lúc bấy giờ là chuyện mới lạ.

Đọc tên các mục từ như: ấn kiếm, mặt trận Ngoẹo Dàng Xay (đúng ra là giằng xay), mặt trận Miễu Đại Càng… độc giả thấy ngay ý đồ của tác giả nhằm vào ý nghĩa lịch sử bên trong.

2.3. Ý tưởng chủ đạo của tác giả TĐTH là qua tiếng Huế giới thiệu con người Huế, văn hoá Huế, lịch sử Huế, thiên nhiên Huế. TĐTH chỉ là cái cớ để tác giả dùng ngôn từ giải bày tâm tư, tình cảm của con người Huế (trong đó có mình) hoạt động văn hoá xã hội, môi trường thiên nhiên xứ Huế. Chính ý tưởng này đã chỉ ra cho tác giả phương hướng và phương pháp làm từ điển là lấy nội dung văn hoá của từ làm cái đích để chọn và giải thích các mục từ.

Đối với ông, cái vỏ từ đơn, từ kép, ngữ cố định hay ngữ tự do trong việc chọn mục từ là không quan trọng, mà nội dung văn hoá đặc sắc bên trong cái vỏ ấy mới là cái quyết định để chọn mục từ, dù cho đó là ngữ tự do như nước rửa tay. Đây là chìa khoá thành công của tác giả TĐTH.

2.4. Nhiều thành ngữ, tục ngữ Nôm và Hán được dùng khắp các miền đất nước cũng có mặt trong TĐTH, vì chúng thường xuất hiện trong các cách nói văn hoa, nói chữ, nói hoang, nói tục, nói tiếu lâm… của dân xứ Huế. Do mê hát bội, người Huế rất sính nói chữ, điển tích. Người càng ít học càng hay nói chữ và lắm khi nói sai, chẳng hạn “phản Trụ, đầu Chu” nói thành “phản chủ, đầu trâu”. Nếu không đưa thành ngữ Hán vào TĐTH, sẽ là một thiếu sót. TĐTH vượt trội hẳn những quyển ngữ vựng địa phương chúng ta vẫn thường gặp. Nó có tầm vóc lớn hơn, do đã lấy nội dung văn hoá làm mục tiêu và lấy ngôn từ làm mục từ. TĐTH là bộ sưu tầm ngôn từ xứ Huế, tức là “lời ăn tiếng nói” của người Huế. Ngoài từ, còn có ngôn là cách nói năng, cách ứng xử bằng lời và không bằng lời, mà bằng cử chỉ, bằng sự im lặng, bằng những ý ngầm sau lời nói “ý tại ngôn ngoại” bằng cách sử dụng các kĩ thuật ngôn từ như ẩn dụ, hoán dụ… để nói kháy, nói móc, nói xỏ, chửi tục, tiếm lâm… Chúng ta thử nghe những câu hò Huế dí dỏm như sau:

“Chờ anh bơ tuổi em cao, bơ duyên em lợt, bơ má đào em phai”

“Áo o thì o mặc, chơ răng rận bò sang tui”.

2.5. Bùi Minh Đức, tác giả TĐTH đã thực hiện được tâm nguyện mà nhà từ điển học quá cố Đỗ Hữu Châu đã từng trăn trở: “Phải thay đổi quan niệm quá thiên về ngôn ngữ, đưa hiểu biết văn hoá vào ngữ nghĩa, để gia tăng chất văn hoá trong các từ điển ngôn ngữ…”, “phải lật xới các vỉa hiểu biết văn hoá ẩn dấu bên dưới bề mặt ngữ nghĩa”. Quả thuật Bùi Minh Đức là người đi tiên phong trong việc làm từ điển văn hoá dưới hình thức từ điển phương ngữ, như nhà văn hoá uyên bác Hữu Ngọc viết trong lời tự ấn bản lần thứ 3: “Đây là một từ điển phương ngữ thuộc loại đi tiên phong (HTC nhấn mạnh) cách làm này tuy không đúng với từ điển học, nhưng lại rất lí thú và sinh động”.

3. Nội dung các mục từ chứa đầy thông tin vừa có tính khoa học vừa thực dụng

3.1. Nội dung mục từ

Không giải nghĩa như từ điển tường giải, mà đối chiếu với từ toàn dân và cung cấp tri thức mà từ có được do cuộc sống địa phương, chú ý đến công nghệ, kĩ thuật chế tác và cách sử dụng sản phẩm. Ví dụ, Lột cau: hái cau, bẻ cau… Lột cau cần có người lột cau chuyên nghiệp. “Tra chân vào nài cau, dùng con gao nhỏ, nhọn và sắc, cứa hai bên bẹ của buồng cau rồi giật mạnh”. Giải thích tên món ăn bao giờ cũng kèm theo cách nấu nướng và nghệ thuật ẩm thực. Trong những mục từ về bệnh tật thường có chỉ dẫn cách chữa chạy theo Tây y, Đông y, có khi bằng mẹo vặt. Ví dụ ở mục từ sinh con trai, con gái có kèm bảng hướng dẫn ngày tháng để sinh con theo ý muốn.

Có thể nói mỗi mục từ là một mẫu đề tài, một câu chuyện nhỏ có liên quan đến Huế, thuộc các lĩnh vực khác nhau như lịch sử, địa lí, phong tục, tín ngưỡng, khoa học, kĩ thuật… tạo cho TĐTH dáng dấp một quyển từ điển bách khoa về Huế.

3.2. Bên cạnh lời giải thích theo kiểu nói trên, trong mỗi mục từ đôi khi còn có những: 1) chú thích về từ nguyên (chua thêm dạng tương tự trong các từ điển cổ của A. de Rhodes, L. Taberd, J. F. M. Génibrel, Huình Tịnh Paulus Của…, từ tương đương trong các ngôn ngữ dân tộc Mường, Chăm, Thái…; 2) chua thêm tên Latin cho những từ chỉ thảo mộc, côn trùng, bệnh tật…; 3) chú thích xuất xứ của tư liệu, tên người cung cấp. Những chú thích trên nâng cao giá trị khoa học và độ tin cậy của các tư liệu trong TĐTH và rất cần cho nhà nghiên cứu.

3.3. Đặc biệt, trong ấn phẩm lần thứ 3 (2009), nội dung mục từ còn thêm phần văn hoá đối chiếu, với dụng ý của tác giả là để văn hoá Huế, văn hoá Việt Nam hội nhập với văn hoá thế giới, và cũng để làm nổi bật những nét đặc trưng của văn hoá Huế, văn hoá Việt. Các ngôn ngữ và văn hoá được đem ra đối chiếu là Anh, Pháp, Mĩ, Nhật, Đức, Latin. Điều này chứng tỏ tác giả là người đa tài, đa ngữ, học rộng, biết nhiều và làm nhiều, rất đáng khâm phục.

3.4. TĐTH có tính khoa học cao, uyên bác, nhưng văn phong không hàn lâm mà bình dân, giản dị, rất tươi mát, hóm hỉnh. Đây là một bộ từ điển có nội dung phong phú, lời lẽ dung dị, nên có độc giả đã rất hào hứng và nói rằng “đã đọc một mạch như đọc tiểu thuyết”. Đối với những người nghiên cứu dân tộc học, văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ thì đây là một kho tư liệu vô cùng quý giá.

4. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là trong TĐTH có nhiều lỗi chính tả và lỗi phiên âm, đáng lẽ phải được sửa chữa trước khi xuất bản. Tôi rất băn khoăn đã không giúp tác giả làm việc này sớm hơn.

4.1. Chính tả là cách viết đúng theo quy định của nhà nước, được gọi là luật chính tả. Các văn bản chính thức và ấn phẩm phải viết đúng chính tả. Ở nhiều nước phát triển còn có chính âm, là cách phát âm chuẩn, được quy định cho toàn dân. Ở cấp tiểu học, trẻ em được dạy cả hai môn chính âm và chính tả để phát âm và viết đúng luật.

Ở nước ta, cách phát âm chuẩn chưa được quy định, ở các địa phương lại có các cách phát âm khác nhau, cho nên có nhiều âm không phù hợp với chính tả. Hơn nữa, chữ viết không biến đổi, còn ngữ âm lại biến đổi không ngừng. Điều này cũng gây ra sự không phù hợp nói trên. Chẳng hạn trong bộ chữ Quốc ngữ có năm dấu thanh và một thanh không dấu, chỉ phù hợp với cách phát âm Bắc Bộ, nhưng lại không tương xứng với hệ thống thanh điệu ở Trung Bộ và Nam Bộ. Tuy thế, khi viết mọi người trên cả ba miền đều phải viết đúng chính tả.

4.2. Phiên âm là phiên theo cách phát âm - nói thế nào, viết thế ấy

4.2.1. Chẳng hạn, tiếng Huế phát âm 2 thanh hỏi và ngã thành một thanh, 2 phụ âm d/gi thành một âm, Ví dụ: Huế phát âm không phân biệt 3 từ: dỡ, dở, và giở trong dỡ nhà / dở ẹc / giở trò vốn là 3 từ khác nhau về cách viết (với sự phân biệt thanh điệu: hỏi/ngã và phụ âm đầu: d/gi) và về nghĩa, theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) là:

dỡ đg. Lấy rời ra lần lượt từng cái, từng phần, từng lớp, theo thứ tự, thường là từ trên xuống.

dở t. (kết hợp hạn chế) Không đạt yêu cầu, do đó không gây thích thú, không mang lại kết quả tốt.

giở giọng đg. (thường dùng trước t. Hoặc đg.) Dùng lối làm quen thuộc thể hiện thái độ xấu đối với người nào đó.

Nếu muốn phiên âm cách phát âm hợp nhất 3 từ này trong tiếng Huế thành một, có thể viết là [yỡ]. Như thế sẽ tạo ra những kí hiệu mới, khó cho cả người đọc lẫn việc in ấn.

4.2.2. Tác giả TĐTH đã giải quyết vấn đề này theo hướng ngược lại với cách phát âm Huế (hợp nhất hỏi – ngã và d – gi) như sau:

a. Một từ được viết thành 2 dạng ở 2 mục từ khác nhau: ở chữ D có các mục từ: dở lên, dở nhà, dở quẻ, dỡn chơi

Ở chữ GI cũng lặp lại: giở ngói, giở quẻ, giỡn hớt

b. Sự không phân biệt hỏi/ ngã trong tiếng Huế đáng lẽ phải được thể hiện bằng một dấu chung, trên tất cả các từ có dấu hỏi và dấu ngã. Tác giả làm ngược lại, tách đôi thành 2 mục từ với dấu hỏi và dấu ngã:

Ví dụ:

Chủi: Chổi (chỉ rèn)

Chũi: Chỗi (chũi rành, chũi đót). Biến âm.

Cách giải quyết này tạo ra sự lặp lại, rất nhiều mục từ giống nhau.

Trong những trường hợp tương tự như trên, tức là nếu trong chính tả viết phân biệt, mà cách phát âm địa phương không phân biệt, thì tốt nhất là viết theo chính tả, với một câu thông báo như thế trong lời nói đầu.

4.3. Sau đây là những lỗi chính tả và lỗi phiên âm thường gặp trong phần vần

(gồm nguyên âm và phụ âm cuối)

4.3.1. Về phụ âm cuối

Trong tiếng Huế cũng như trên nửa đất nước phía Nam. Huế, hầu hết các vần có cặp phụ âm cuối n/-t đều được phát âm thành ng/-k.

Ví dụ: “Con ngan ăn con chuồn chuồn” đọc thành: Coong ngang ăng coong chuồng chuồng. Vì thế, học sinh Huế thường mắc lỗi chính tả, do lẫn lộn -n với -ng và -t với -c. Lỗi tương tự trong TĐTH: mắt tre, mắt rẻ,...

4.3.2. Một số từ địa phương (từ cổ) có các vần -ong/ -oc, -ông/-ôc, ở Huế thường phát âm kéo dài nguyên âm và không thay đổi phụ âm cuối thành -oong/ -ooc, -ôông/-ôôc. Phiên âm thành: -on/-ot, -ôn/-ốt là không đúng.

Ví dụ:

cuống troóng “cuống họng”, TĐTH: cuống trón.

em khoóc “em khóc”, TĐTH: em khót.

rôồng oóng nác “rồng uống nước” TĐTH: rồn ón nác

cơn trôốc “cơn lốc”, TĐTH: con trốt.

khỏ trôốc “gõ đầu”, TĐTH: khỏ trốt.

khôông có “không có”, TĐTH: khôn có.

Cũng như vậy, cặp vần -anh/ -ach thành -eng/-ec. Phiên âm thành -en/-et là không đúng.

Ví dụ:

chủi rèng “chổi rành”, TĐTH: chủi rèn.

béng “bánh”, TĐTH: bén.

méc mẹ “mách mẹ”, TĐTH: mét mẹ.

4.3.3. Do phiên âm sai, tạo ra nhiều từ viết giống nhau, dẫn đến việc dồn nhiều từ khác nhau vào một mục từ. Ví dụ, ở mục từ bén:

Bén:

1. Bánh (Đừng có khót “để chị mua bén em ăn – Tiếng Liễu Cốc Hạ).

2. Mới bắt đầu, mới dính vào (Den lửa mới bén, quen hơi bén tiếng).

3. Sắc bén (cái dao bén lắm).

4. Bắt dính (ăn quen bén mùi).

5. Cháy (bén lửa).

Trong mục từ này có 3 từ khác nhau:

béng “bánh” (1)

bén “sắc” (3)

bén “chạm tới và bắt đầu tác động hay bị tác động” (Từ điển Hoàng Phê), (2, 4, 5).

Trong mục từ khôn cũng gồm 3 từ như sau:

“Khôn     1) không

              2) khôn ngoan (khôn ăn nác, dại ăn xác)

              3) khó (nguy hiểm khôn lường)”

Như vậy, việc phiên âm sai phụ âm cuối đã dẫn đến kết quả là gộp nhiều từ vào một mục từ, trái ngược với hậu quả của việc sai chính tả ở thanh điệu và phụ âm đầu là tách mỗi mục từ thành hai như vừa nói trên (4.2.2.).

4.3.4. Ngoài sự lặp lại các mục từ do cách làm trên, sự trùng lặp trong TĐTH còn do cách gọi khác nhau của một đối tượng, chẳng hạn từ “phượng” được tách ra làm 5 mục từ: 1. phượng cúng, 2. phượng đỏ, phượng vàng, 3. phượng học trò (phượng vĩ), 4. phượng (phượng đỏ, phượng vĩ), 5. phượng tây, phượng ta.

Trong thực tế chỉ có hai loại phượng gọi theo tên Hán Việt là phượng vĩ, kim phượng, nếu muốn gọi theo kiểu Huế dân dã là phượng học trò phượng cúng, những tên khác có thể chua thêm.

Điều này cho thấy việc làm từ điển không phải chỉ đơn giản xếp từ theo bảng chữ cái, mà cần tìm ra những tiêu chí để xác định đơn vị từ cả về hình thức lẫn nội dung.

4.3.5. Những góp ý trên đây (mục 4) của tôi đã cố gắng thật cụ thể, nhằm giúp tác giả TĐTH chỉnh lí những “lỗi kĩ thuật”, để công trình của ông đã hoàn hảo trong lần tái bản sau sẽ mĩ mãn hơn.

5. Tuy có những “trục trặc kĩ thuật”, nhưng TĐTH của Bùi Minh Đức đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của một “từ điển phương ngữ thuộc loại đi tiên phong” như Hữu Ngọc đã nhận định. Cái mới của TĐTH là lấy văn hoá Huế qua không gian và thời gian – làm nội dung, và lấy ngôn từ tiếng Huế làm đối tượng sưu tầm. Theo tôi được biết, chưa hề có một từ điển phương ngữ của một thành phố nào mà tư liệu phong phú như vậy, in trên 2.000 trang sách khổ to, chữ nhỏ với nhiều tranh ảnh minh hoạ.

Tiếng Huế là văn hoá phi vật thể “lời nói gió bay” đã được vật thể hoá vào TĐTH, có thể lưu lại cho hậu thế, như một “viện bảo tàng”. Chúng tôi và cả những thế hệ mai sau rất biết ơn tác giả Bùi Minh Đức.

SUMMARY

This article presents the Huế Language Dictionary by Bùi Minh Đức. He was a doctor of Huế, who, out of his love for the people, landscape, language of Huế, he took great pains to collect and compile this dictionary. The novelty in this dictionary is that it uses the Huế culture, through space and time, as the content and uses the Huế words and language as object of collection. Huế language is the non-tangible culture with “word once spoken is past recalling” that has been tangiblized and entered in the Dictionary of Huế language; it can be preserved for posterity like a “Museum of Language and Culture”.


Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 06, năm 2011