Phương pháp biên soạn định nghĩa các khái niệm trong Bách khoa thư Công an nhân dân Việt Nam

08/07/2013

Ths. ĐỖ VĂN HOAN*

 

Trong công tác biên soạn bách khoa thư, có một công việc thường gặp, đó là việc định nghĩa các khái niệm trong mục từ, nếu khái niệm đó chưa được định nghĩa ở tài liệu nào hoặc định nghĩa chưa chuẩn xác. Việc biên soạn bộ Bách khoa thư Công an nhân dân Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vậy phương pháp biên soạn định nghĩa một khái niệm được thực hiện thế nào? Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: ĐỊNH NGHĨA sự xác định những đặc trưng cơ bản tạo thành nội dung của khái niệm về một sự vật, hiện tượng, quá trình với mục đích phân biệt nó với sự vật, hiện tượng hay quá trình khác (...). Định nghĩa có vai trò quan trọng trong khoa học và là bộ phận cơ bản trong mọi lí thuyết khoa học.1 Như vậy, để định nghĩa một khái niệm thì chúng ta phải tìm hiểu các sự vật, đối tượng cụ thể, từ đó rút ra những đặc trưng cơ bản của khái niệm. Các đặc trưng này phải đảm bảo ở mức độ cần đủ để phân biệt khái niệm này với khái niệm khác.

Để dễ hình dung, trước hết chúng ta hãy xem xét một ví dụ trong lĩnh vực sinh học, đó là cách định nghĩa về khái niệm . Trên thế giới có khoảng 32.000 loài cá khác nhau, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng đều có 4 đặc trưng để phân biệt với các loài khác, đó là: 1. có xương sống; 2. sống ở dưới nước; 3. thở bằng mang; 4. bơi bằng vây. Từ đó, các nhà từ điển đưa ra định nghĩa về cá như sau: d. động vật có xương sống, sống ở nước, thở bằng mang, bơi bằng vây.2 Với định nghĩa này, chúng ta thấy có nhiều loài động vật được chúng ta quen gọi là nhưng lại không phải là , ví dụ: cá sấu là bò sát; cá mực là loài thân mềm, cá voi, cá heo là loài thú (vì chúng đẻ con và nuôi con bằng sữa theo đúng đặc trưng của loài thú). Ngược lại, có những loài chúng ta tưởng không phải là thì chúng lại là đích thực. Ví dụ: lươnchạch đều là vì chúng có đủ 4 đặc trưng nêu trên, mặc dù mang và vây của chúng rất nhỏ, nhưng chúng vẫn dùng mang để thở và dùng vây để bơi.

Có nhiều cách để định nghĩa một khái niệm, trong đó, cách thông dụng nhất đó là ghép khái niệm cần định nghĩa với một khái niệm lớn hơn (chủng) rồi chỉ ra đặc điểm cơ bản của khái niệm cần định nghĩa (đặc điểm về loại). Trong định nghĩa về nêu trên, khái niệm động vật có xương sốngchủng, các đặc điểm sống ở dưới nước, thở bằng mang và bơi bằng vây đặc điểm về loại.

Mỗi khái niệm đều có nội hàmngoại diên. Nội hàm là tập hợp tất cả các thuộc tính chung của các đối tượng được phản ánh trong một khái niệm; ngoại diên là tập hợp tất cả các đối tượng có các thuộc tính chung được phản ánh trong một khái niệm. Ở khái niệm , tất cả các loài cá cụ thể trên trái đất này là ngoại diên; các loài cá này rất phong phú, đa dạng và có nhiều điểm rất khác nhau, nhưng chúng đều có chung bốn thuộc tính như đã nêu trên. Bốn thuộc tính đó chính là nội hàm của khái niệm .

Việc định nghĩa các khái niệm trong công tác của ngành công an cũng tuân theo những quy tắc như trên. Chẳng hạn, khi định nghĩa khái niệm hỏi cung, chúng ta cần nghiên cứu kĩ khái niệm này. Qua đó cho thấy hỏi cung là một hoạt động tố tụng hình sự. Nhưng so với các hoạt động tố tụng hình sự khác (như khám nghiệm hiện trường, bắt người phạm tội, tạm giam,…) thì hỏi cung có một số khác biệt, đó là: một là, hỏi cung do điều tra viên tiến hành; hai là, việc hỏi cung được thực hiện bằng cách lấy lời khai của bị can về các tình tiết của hành vi phạm tội mà bị can đã thực hiện. Từ đó, chúng ta có thể định nghĩa khái niệm hỏi cung như sau: hỏi cung đg. hoạt động tố tụng hình sự do điều tra viên tiến hành bằng cách lấy lời khai của bị can về các tình tiết của hành vi phạm tội mà bị can đã thực hiện.3

Ngoài cách định nghĩa như trên, đối với những khái niệm được thể hiện bằng những từ ngữ phản ánh đúng nội hàm của khái niệm thì có thể căn cứ vào nghĩa của các từ tạo thành khái niệm đó để đưa ra định nghĩa. Chẳng hạn, để định nghĩa khái niệm công tác công an, có tác giả đã tìm hiểu nghĩa của từ công tác. Theo đó, công tác là công việc của nhà nước hoặc của đoàn thể.4 Các công việc này tất yếu phải thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hoặc đoàn thể đó. Từ đó tác giả đã đưa ra định nghĩa: công tác công an là những công việc do lực lượng Công an nhân dân tiến thành theo chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định.5 Tương tự như vậy, khi định nghĩa khái niệm biện pháp công tác công an, tác giả đã xác định biện pháp là cách làm, cách giải quyết một vấn đề cụ thể.6 Đồng thời, với nghĩa của khái niệm công tác công an như trên, có thể xác định rằng chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật là bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, tác giả đưa ra định nghĩa: biện pháp công tác công an là cách thức tiến hành các hoạt động của lực lượng Công an nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội7.

Cùng một khái niệm, có thể có nhiều cách định nghĩa khác nhau tuỳ theo từng đối tượng sử dụng. Đối với người đọc là đông đảo quần chúng nhân dân thì cách định nghĩa cần cụ thể để người đọc dễ hiểu và định nghĩa thường viết dài. Đối với những người đọc là các nhà chuyên môn thì định nghĩa có thể khái quát hơn, trừu tượng hơn và vì thế định nghĩa thường ngắn gọn. Chẳng hạn, khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự được viết như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa8. Đây là một định nghĩa khá dài, nội hàm được viết một cách khá cụ thể, mọi người dân khi đọc đều có thể hiểu được. Nhưng trong Từ điển Luật học - một tài liệu dành cho giới chuyên môn, khái niệm tội phạm được định nghĩa rất ngắn gọn như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 và phải chịu hình phạt9. Bách khoa thư Công an nhân dân Việt Nam là một bộ sách có tính chuyên ngành rất cao, vì thế có thể sử dụng cách định nghĩa ngắn gọn, súc tích này.

Trong thực tiễn, một khái niệm có thể được hiểu theo các nghĩa rộng hẹp khác nhau tuỳ theo từng ngữ cảnh và theo từng lĩnh vực công tác cụ thể. Vì thế, một khái niệm cũng có thể được định nghĩa theo nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, lâu nay trong khái niệm an ninh, trật tự thường được hiểu là cách nói tắt của an ninh quốc giatrật tự, an toàn xã hội. Nhưng trong nhiều trường hợp, khái niệm an ninh quốc gia đã mặc nhiên bao hàm cả trật tự, an toàn xã hội trong đó. Chẳng hạn, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được hiểu là phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội10. Tương tự như vậy, trên cờ truyền thống của lực lượng Công an nhân dân có dòng chữ “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Trong trường hợp này, bảo vệ an ninh Tổ quốc không chỉ được hiểu là bảo vệ an ninh quốc gia mà còn bao gồm cả giữ gìn trật tự, an toàn xã hội nữa.

Trong việc định nghĩa một khái niệm cần tránh một số lỗi như sau:

Thứ nhất, định nghĩa đưa ra nội hàm của khái niệm quá rộng. Chẳng hạn, trong một tài liệu của ngành Công an có đưa ra định nghĩa về Cơ quan Cảnh sát điều tra như sau: Cơ quan cảnh sát điều tra là một loại cơ quan điều tra được tổ chức trong Công an nhân dân theo quy định của pháp luật. Định nghĩa này đã đưa ra nội hàm của khái niệm Cơ quan Cảnh sát điều tra quá rộng, bởi không chỉ có Cơ quan Cảnh sát điều traCơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân cũng là một loại cơ quan điều tra được tổ chức trong Công an nhân dân theo quy định của pháp luật. Do đó, định nghĩa trên chưa làm rõ được đặc điểm riêng biệt của Cơ quan Cảnh sát điều tra để phân biệt khái niệm này với khái niệm Cơ quan An ninh điều tra.

Thứ hai, định nghĩa đưa ra nội hàm của khái niệm quá hẹp. Chẳng hạn, trong một tài liệu có định nghĩa về khái niệm an ninh cá nhân như sau: an ninh cá nhân là sự yên ổn trong quá trình sinh sống, hoạt động của một nhân vật chính trị, một nhân viên tình báo hoạt động trên đất đối phương. Đối với một đất nước có chủ quyền, bất kì một công dân nào cũng có nhu cầu và có quyền được đảm bảo an ninh cho cá nhân mình chứ không riêng các nhân vật chính trị và các nhân viên tình báo. Những năm gần đây, dịch vụ bảo đảm an ninh cá nhân đã phát triển khá mạnh trên thế giới và đang nhanh chóng du nhập vào Việt Nam. Chính vì thế, định nghĩa trên chưa phản ánh đầy đủ nội hàm của khái niệm an ninh cá nhân trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, định nghĩa không khái quát được thuộc tính đặc trưng của khái niệm mà chỉ liệt kê ngoại diên. Tuy vậy, rất khó có định nghĩa nào có thể liệt kê đầy đủ ngoại diên của khái niệm, từ đó các định nghĩa loại này phải dùng dấu chấm lửng (dấu ba chấm) trong định nghĩa, khiến cho người đọc có cách hiểu khác nhau về dấu chấm lửng này. Chẳng hạn, trong một tài liệu đã định nghĩa khái niệm chảy máu chất xám như sau: chảy máu chất xám là tình trạng các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ… làm việc cho nước ngoài hoặc rời bỏ tổ quốc mình đến làm việc tại nước khác vì các lí do chính trị, kinh tế, điều kiện làm việc… Trong định nghĩa này, tác giả đã hai lần sử dụng dấu chấm lửng, khiến người đọc băn khoăn tự hỏi: việc chảy máu chất xám được diễn ra đối với những người nào, ngoài các nhà khoa học, trí thức và văn nghệ sĩ? Các lí do chảy máu chất xám bao gồm những vấn đề gì, ngoài các lí do chính trị, kinh tế và điều kiện làm việc? Để định nghĩa cho đúng khái niệm trên đây, tác giả cần khái quát được đặc điểm, đặc trưng của hiện tượng được gọi là chảy máu chất xám, còn việc liệt kê cụ thể như trên chỉ được coi là các ví dụ minh hoạ cho định nghĩa. Việc đưa ra các ví dụ minh hoạ cho định nghĩa được phép dùng dấu chấm lửng mà không làm cho người đọc hiểu sai về khái niệm. Các ví dụ này có thể được viết ngay sau định nghĩa hoặc được lồng vào định nghĩa bằng các dấu ngoặc đơn. Chẳng hạn, trong định nghĩa về khái niệm chất phóng xạ như sau: chất phóng xạ là chất chứa các đồng vị phóng xạ, có khả năng phát ra các tia bức xạ (anpha, beta, gama, nơtron…) khi phân rã và biến đổi thành chất khác11. Ở định nghĩa này, dấu chấm lửng được người đọc hiểu ngay là chỉ các tia bức xạ khác.

Các khái niệm là một trong những bộ phận cơ bản cấu thành hệ thống lí luận của ngành Công an. Việc định nghĩa chuẩn xác các khái niệm sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp cho người đọc hiểu đúng về khái niệm và nâng cao chất lượng bộ Bách khoa thư Công an nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một việc khó, vì thế, rất cần có sự quan tâm tìm hiểu, trao đổi của các cán bộ làm công tác biên soạn bách khoa thư trong và ngoài ngành Công an để công tác này ngày càng được hoàn thiện hơn12.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Từ điển Bách khoa Việt Nam, 4 tập, Trung tâm biên soạn TĐBK VN - NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 1995, 2002, 2003, 2005.

[2] Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 1997.

[3] Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam, Viện chiến lược và Khoa học Công an, Hà Nội, 2005.

[4] Từ điển Luật học, NXB Tư Pháp, Hà Nội, 2006.

[5] Phan Xuân Tuy, Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước - những vấn đề đặt ra đối với công tác công an, Đề tài KH cấp bộ, 2007.

[6] Bộ luật Hình sự nước CHXH CN Việt Nam, 1999.

SUMMARY

Definition is a kind of task to lexicographers as a whole. This is an essential function. The article is about the ways of defining which are deemed appropriate in encyclopedias or encyclopedic dictionaries, from that to propose how to define in People’s Public Security Encyclopedia (the compilation of which is being under way).


* Thượng tá, ThS Luật học, Viện Chiến lược và Khoa học Công an.

1 Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2001, mục từ Định nghĩa

2 Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 1997.

3 Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam, Viện Chiến lược và Khoa học Công an, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.593.

4 Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 1997.

5 Phan Xuân Tuy, Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước – những vấn đề đặt ra đối với công tác công an, Đề tài KH cấp bộ, 2007, tr.35.

6 Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 1997.

7 Những vấn đề cơ bản về 7 biện pháp công tác công an, Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Hà Nội, 2009, tr. 8.

8 Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 8.

9 Từ điển Luật học, NXB Tư pháp, 2006, mục từ Tội phạm.

10 Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam, Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Hà Nội, 2005, tr. 948.

11 Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam, Viện chiến lược và Khoa học Công an, Hà Nội, 2005, tr.188.

12 Chúng tôi xin trân trọng cám ơn PGS TS Phạm Văn Tình, tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư đã trao đổi, góp ý thêm cho chúng tôi khi hoàn thành bài viết này.

 Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 05, năm 2011