Từ điển học thuật ngữ ở Liên bang Nga

04/07/2013

GS.TS NGUYỄN VĂN LỢI

 

TÓM TẮT

Bài báo giới thiệu những vấn đề cơ bản của Từ điển học thuật ngữ (Терминография) ở Liên bang Nga: đối tượng, phương pháp, các định hướng nghiên cứu, nhiệm vụ, quan hệ của từ điển học thuật ngữ với chuyên ngành Thuật ngữ học (Терминоведение), Từ điển học (Лексикография).

1. Biên soạn từ điển thuật ngữ ở Liên bang Nga

Từ điển thuật ngữ đầu tiên được xuất bản ở Nga vào thế kỉ XVIII (năm 1780). Tuy nhiên, việc nghiên cứu sâu về từ điển thuật ngữ (khác với các loại từ điển không phải là thuật ngữ) chỉ được phát triển ở thế kỉ XX. Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, ở nước Nga, trong thế kỉ XX, do tầm quan trọng của các từ điển thuật ngữ, số lượng các từ điển thuật được biên soạn và xuất bản lớn hơn nhiều lần các loại từ điển khác. Riêng trong thời kì từ 1918 đến 1967, số lượng từ điển thuật ngữ Nga - Anh, Anh - Nga được xuất bản nhiều gấp 10 lần các từ điển đối dịch từ ngữ thông thường. Thời kì từ thập niên 50 đến cuối thập niên 80 thế kỉ XX, từ điển thuật ngữ được xuất bản đạt số lượng lớn nhất. Từ năm 1950 đến 1979 đã xuất bản gần 700 từ điển chuyên ngành, gồm từ điển giải thích và từ điển đối dịch1. Trong những năm gần đây, cùng với việc xây dựng hơn 2.000 quy chuẩn thuật ngữ và đưa vào áp dụng hơn 2.500 tài liệu quy chuẩn, gồm 200.000 thuật ngữ, các nhà thuật ngữ học Nga đã biên soạn hơn 400 từ điển miêu tả thông tin và xuất bản một số lượng lớn các từ điển hướng dẫn sử dụng thuật ngữ.

Cùng với sự ra đời các chuyên ngành khoa học mới, việc áp dụng từ điển thuật ngữ vào các lĩnh vực mới cũng được đẩy mạnh, chẳng hạn, việc áp dụng thuật ngữ trong hệ thống thông tin, trong hệ thống quản lí, trong việc ổn định chuẩn mực pháp lí ở các ngành công nghiệp sản xuất... Những yêu cầu thực tế đó dẫn đến sự xuất hiện các dạng từ điển thuật ngữ mới.

Tuy nhiên, việc biên soạn từ điển thuật ngữ ở Nga có một số hạn chế.

Tác giả của phần lớn các từ điển thuật ngữ khoa học, kĩ thuật xuất bản ồ ạt gần đây đều là những chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn, ít có sự tham gia của các nhà từ điển học, hay chuyên gia về thuật ngữ học. Đồng thời, các tài liệu hướng dẫn về phương pháp biên soạn từ điển hiện có chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực cụ thể, không có tài liệu đưa ra các nguyên tắc chung trong việc biên soạn từ điển thuật ngữ. Tình trạng này đẫn đến sự không thống nhất trong phương pháp biên soạn từ điển, làm phức tạp công việc biên soạn, kéo dài thời gian biên soạn và làm giảm chất lượng các công trình từ điển thuật ngữ.

Dưới đây là một số hạn chế của các từ điển thuật ngữ mà các chuyên gia thuật ngữ học Nga thường nói đến:

○ Việc dung hoà trong một từ điển thuật ngữ nhiều chức năng khác nhau, gây trở ngại cho người biên soạn và sự không thoả mãn ở người sử dụng.

○ Tính chủ quan và ngẫu hứng trong việc lựa chọn thuật ngữ (cấu trúc vĩ mô). Kết quả là trong từ điển có nhiều thuật ngữ không cần thiết, hoặc không phải là thuật ngữ; trong khi nhiều thuật ngữ cần lại không có trong từ điển.

○ Sự không phù hợp về nội dung và tổ chức thông tin từ điển.

○ Trong một số từ điển thuật ngữ thiếu các chỉ dẫn cần thiết.

○ Thiếu tính hệ thống trong lựa chọn thuật ngữ, trong phân tích và miêu tả thuật ngữ.

○ Không đầy đủ và không hợp lí trong miêu tả ngữ nghĩa thuật ngữ.

Ngoài ra, hiện nay ở Nga còn thiếu nhiều loại từ điển thuật ngữ vốn rất cần thiết như từ điển các thuật ngữ quốc tế, từ điển tần số sử dụng thuật ngữ…

Những hạn chế trên bắt nguồn từ các nguyên nhân: Sự thiếu hoàn thiện các quan niệm lí thuyết về biên soạn từ điển thuật ngữ; sự không đầy đủ trong việc nghiên cứu loại hình học từ điển thuật ngữ; sự thiếu vắng các tiêu chuẩn được mọi người chấp nhận trong đánh giá, lựa chọn, xác định cấu trúc từ điển thuật ngữ, lựa chọn từ vựng chuyên ngành để đưa vào từ điển thuật ngữ; cũng như sự thiếu vắng các nguyên tắc chung trong việc chọn lựa, xác lập các thông tin về từ vựng chuyên ngành cần đưa vào từ điển thuật ngữ.

2. Từ điển học thuật ngữ ở Liên bang Nga

Những yêu cầu thực tiễn của việc biên soạn từ điển thuật ngữ đòi hỏi việc tiếp tục hoàn thiện những cơ sở lí luận và phương pháp biên soạn từ điển thuật ngữ.

Đáp ứng yêu cầu trên, trong những năm gần đây, Từ điển học thuật ngữ (tiếng Nga: Терминография; tiếng Anh: Terminography) rất được quan tâm ở Liên bang Nga, với sự xuất hiện hàng loạt các công trình về lĩnh vực này [xin xem các tài liệu: 1, 2, 3, 4, 11, 12, 14, 16]. Gần đây nhất, những vấn đề cơ bản về từ điển thuật ngữ được trình bày trong giáo trình của nhà thuật ngữ học Nga Grinev-Grinevich “Dẫn luận vào từ điển học thuật ngữ. Làm thế nào để biên soạn từ điển một cách đơn giản và dễ dàng2. Với tư cách là tài liệu “giáo khoa”, sách trình bày chi tiết, với văn phong giản dị, dễ hiểu những vấn đề cơ bản nhất của từ điển học thuật ngữ. Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, sách gồm 7 chương.

Chương 1: Đối tượng và nhiệm vụ của từ điển học thuật ngữ. Chương 2: Cơ sở phương pháp luận của từ điển.

Chương 3: Kiến tạo của từ điển chuyên ngành.

3.1. Kiến tạo vĩ mô của từ điển chuyên ngành.

3.2. Kiến tạo vi mô của từ điển chuyên ngành.

Chương 4: Xây dựng dự án về từ điển chuyên ngành.

Chương 5: Thiết lập bảng từ.

5.1. Việc lựa chọn nguồn dữ liệu từ vựng chuyên ngành.

5.2. Các kiểu loại từ vựng chuyên ngành.

5.3. Lựa chọn từ vựng chuyên ngành.

Chương 6. Thiết lập các tiêu chí của từ điển.

6.1. Cách tiếp cận hệ thống trong từ điển học thuật ngữ.

6.2. Định nghĩa thuật ngữ.

6.3. Sự hài hoà giữa hệ thống thuật ngữ và việc nâng cao chất lượng các từ điển đối dịch chuyên ngành.

Chương 7: Tự động hoá công tác từ điển thuật ngữ.

7.1. Xây dựng dự án về ngân hàng dữ liệu thuật ngữ học.

7.2. Xác định nội dung ngân hàng dữ liệu thuật ngữ học.

7.3. Viễn cảnh của việc sử dụng ngân hàng dữ liệu thuật ngữ học trong các hệ thống tri thức.

Trong phần Phụ lục tác giả trình bày “Lịch sử phát triển cách phân loại từ điển” (tức là loại hình học từ điển nói chung).

 Trong Tài liệu tham khảo, tác giả cung cấp danh mục các công trình cơ bản về từ điển học nói chung và từ điển học thuật ngữ nói riêng (có đánh dấu (in đậm) các công trình quan trọng, được tác giả viện dẫn trong sách của mình).

Từ điển học thuật ngữ (Терминография) được xem là một bộ phận của từ điển học (Лексикография). Nếu từ điển học được định nghĩa như là khoa học và thực tiễn biên soạn từ điển, thì từ điển học thuật ngữ được coi là khoa học và thực tiễn biên soạn các từ điển chuyên ngành. Từ điển chuyên ngành (từ điển từ vựng chuyên ngành và từ điển thuật ngữ) là loại sách tra cứu, dùng để miêu tả từ vựng chuyên ngành của một hay một vài ngôn ngữ.

 Đối tượng của từ điển học là việc hoàn thiện các nguyên tắc và phương pháp biên soạn từ điển; các vấn đề lí luận trung tâm của từ điển học gồm: loại hình từ điển, cấu trúc bảng từ (cấu trúc vĩ mô), cấu trúc mục từ (cấu trúc vi mô). Tương tự như vậy, đối tượng của từ điển học thuật ngữ là việc hoàn thiện phương pháp luận và các phương pháp cụ thể của việc biên soạn từ điển chuyên ngành. Nhiệm vụ quan trọng nhất của từ điển học thuật ngữ là việc hoàn thiện các nguyên tắc phân loại và loại hình học từ điển thuật ngữ; xác định các nguyên tắc khoa học của việc lựa chọn từ vựng chuyên ngành cho các kiểu loại cụ thể của từ điển thuật ngữ; cũng như xác lập các nguyên tắc thống nhất để miêu tả hữu hiệu (giải thích, chuyển dịch…) và trình bày từ vựng thuật ngữ trong từ điển chuyên ngành.

Từ điển học có mối quan hệ khăng khít với từ vựng học: từ điển học sử dụng các kết quả nghiên cứu của từ vựng học, và đến lượt mình, từ điển học lại cung cấp cho từ vựng học các tư liệu để giải quyết những vấn đề của từ vựng học.

 Tương tự như quan hệ giữa từ điển họctừ vựng học, từ điển học thuật ngữ có quan hệ chặt chẽ với thuật ngữ học (Терминоведение) – khoa học về các đơn vị từ vựng chuyên ngành của ngôn ngữ. Nhiều vấn đề được nghiên cứu trong thuật ngữ học, cũng được đặt ra trong từ điển học thuật ngữ; đồng thời việc giải quyết chúng lại ảnh hưởng đến việc biên soạn từ điển thuật ngữ. Ngoài ra, việc nghiên cứu nhiều lĩnh vực của thuật ngữ học lại liên quan đến từ điển học thuật ngữ. Một số vấn đề như: sự chọn lựa, việc phân chia ranh giới các kiểu loại đơn vị từ vựng chuyên môn, việc xác định ý nghĩa của chúng… được nghiên cứu cả trong từ điển học thuật ngữ và thuật ngữ học.

Một trong những định hướng cơ bản trong các công tác thuật ngữ học là việc kiểm kê vốn thuật ngữ, tức là việc thu thập và miêu tả các thuật ngũ trong các lĩnh vực chuyên môn. Vốn thuật ngữ có thể được kiểm kê thông qua các loại từ điển khác nhau như từ điển thuật ngữ, từ điển tần số thuật ngữ, từ điển lịch sử, từ điển từ nguyên, từ điển phương ngữ, từ điển từ ngữ mới… Việc kiểm kê vốn thuật ngữ thường là điều kiện tiên quyết, là bước đầu tiên của công việc quy phạm hoá để ổn định tình hình thuật ngữ học. Kết quả của việc ổn định, quy phạm hoá thuật ngữ học là các bảng thuật ngữ, được thu thập, sắp xếp theo một tiêu chí nhất định (chẳng hạn theo trật tự chữ cái, hay theo chủ đề...). Trong các bảng thuật ngữ cần đưa ra cách hiểu thống nhất thuật ngữ, là quy chuẩn bắt buộc đối với các lĩnh vực chuyên môn. Các quy chuẩn thuật ngữ là biến dạng của từ điển thuật ngữ (đơn ngữ). Từ điển thuật ngữ đối dịch (song ngữ, đa ngữ) là kết quả của việc đối chiếu và quy phạm hoá thuật ngữ học liên ngôn ngữ.

Như vậy, từ điển từ vựng chuyên ngành (từ điển thuật ngữ) vừa là kết quả vừa công cụ thực tế trong tất cả các hình thức hoạt động thuật ngữ học.

Như là một bộ phận của từ điển học, từ điển học thuật ngữ luôn gắn với thuật ngữ học. Những vấn đề của từ điển học thuật ngữ như việc xác lập sự đồng nghĩa, trái nghĩa, đa nghĩa của các thuật ngữ, việc xác định ý nghĩa của thuật ngữ, tìm thuật ngữ nước ngoài tương đương…cần được giải quyết trong phạm vi của thuật ngữ học. Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà thuật ngữ học cho rằng thuật ngữ học là cơ sở lí thuyết của từ điển học thuật ngữ, hoặc có tác giả thậm chí xem từ điển học thuật ngữ là một bộ phận của thuật ngữ học. Thật ra, từ điển học thuật ngữ cũng có một số vấn đề riêng, cho phép xem nó như chuyên ngành độc lập, nằm giữa từ điển họcthuật ngữ học.

Lí luận từ điển học thuật ngữ được hình thành trên cơ sở các tiền đề sau:

○ Sự xuất hiện quan niệm về thông số từ điển học trong quá trình nghiên cứu khoa học, liên quan đến việc hoàn thiện loại hình học từ điển.

○ Sự đòi hỏi khái quát các kinh nghiệm trong công việc biên soạn từ điển thuật ngữ thuộc các kiểu loại khác nhau (giải thích, dịch, thông tin..)

○ Việc xem từ điển thuật ngữ như là loại đặc biệt của văn bản khoa học.

○ Việc tự động hoá các công việc thuật ngữ học và các vấn đề liên quan đến biên soạn từ điển tự động và ngân hàng dữ liệu thuật ngữ.

Những vấn đề cơ bản về từ điển học thuật ngữ đã được nêu ra và nhiều vấn đề đã được giải quyết. Trong số đó có hai vấn đề cơ bản:

A. Loại hình học và sự phân loại từ điển thuật ngữ

Đây là vấn đề quan trọng để xác định dung lượng, chức năng, nội dung và hình thức các từ điển dự kiến biên soạn. Sự phân loại từ điển thuật ngữ có thể dựa trên các tiêu chí cần yếu sau đây về nội dung và hình thức của từ điển:

○ Các chủ đề đưa vào từ điển.

○ Nội dung phần bên trái (đầu mục từ).

○ Nội dung phần bên phải (các thông tin trong mục từ).

○ Phương thức sắp xếp mục từ.

○ Chức năng của từ điển...

Theo các tiêu chí trên, có nhiều loại và tiểu loại từ điển thuật ngữ.

B. Vấn đề thứ hai liên quan đến phần bên phải của mục từ. Đây là sự giải thích thuật ngữ hay sự định nghĩa khái niệm. Trong thực tế, đặc biệt trong từ điển thuật ngữ, cái được xác định không phải là thuật ngữ với tư cách là từ, không phải là ý nghĩa của thuật ngữ, mà là khái niệm và tiêu chí của khái niệm. Trong từ điển thuật ngữ, người biên soạn đi từ khái niệm đến thuật ngữ, còn ở từ điển ngữ văn, người biên soạn đi từ từ đến ý nghĩa.

 Hiện nay, các khuynh hướng chính trong việc phát triển lí luận hiện đại về từ điển học thuật ngữ là:

○ Xây dựng cách phân loại đáng tin cậy và loại hình học từ điển chuyên ngành.

○ Kiểm kê và xác định các tiêu chí từ điển học thuật ngữ.

○ Phân tích sự ảnh hưởng của các tiền đề lí luận và phương pháp của từ điển và các tiêu chí của chúng đến chất lượng từ điển.

○ Nghiên cứu cách thức lựa chọn và sự tổ chức thông tin trong giới hạn từ điển, cũng như lựa chọn phương thức trình diễn bằng máy các dữ liệu từ các dữ liệu từ điển học thuật ngữ và thuật ngữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Berkov, V. P. 1996, Từ điển học hai thứ tiếng, Saint Petersburg.

[2] Danilenko V. P. 1977, Thuật ngữ học Nga: Thử miêu tả ngôn ngữ học, Moskva (tiếng Nga).

[3] Gred A. C. 1986, Những cơ sở của từ điển học khoa học - kĩ thuật (Cách biên soạn từ điển thuật ngữ), NXB Đại học Tổng hợp Leningrad (tiếng Nga).

[4] Grinev-Grinevich, S. V. 2009, Dẫn luận vào từ điển học thuật ngữ. Làm thế nào biên soạn từ điển nhẹ nhàng và đơn giản (in lần thứ 3), NXB LIBROKOM, Moskva (tiếng Nga).

[5] Essay on Lexicon, Lexicography, Terminography in Russian, Americant and Other Cultures, Ed, by Olga Karpova and Faina Kartashkova, Cambridge Scholars Publishing, 2007.

[6] First International Workshop on Terminology and Lexical Semantics (TLS’09), Universite de Montreal (Quebec) Canada, June 19, 2009, Procedings, ed. by Amparo Alcina, and Marie-Claude L’Homme.

[7] Hartmann R. R. K. and Gregory James 2001, Dictionary of Lexicography. London & New York.

[8] Jackson Howard 2002, Lexicography. An Introduction. Roudledge, London & New York.

[9] Kapuller E. L., Lejchik V. M. , Chernavinal. I. , Selov S. D., Jakimovich Ju. K. 1988, Hướng dẫn biên soạn từ điển thuật ngữ (tiếng Nga).

[10] Lejchik V. M.; Shelov S. D., Terminology: Where is Russian Science Today, “LSP & professional communication”, Vol 3, Number 1, April 2003-ISN 1601-1929. DSFF/LSP Centre.

[11] Lejchik V. M. 2009, Thuật ngữ học: Đối tượng, phương pháp, cấu trúc (in lần thứ tư), NXB LIBROKOM, Moskva (tiếng Nga).

[12] Lotte D. S. 1961, Những cơ sở của vệc xây dựng hệ thuật ngữ khoa học và kĩ thuật. Những vấn đề lí luận và phương pháp, NXB Viện Hàn lâm (tiếng Nga).

[13] Nguyễn Văn Lợi 2010, Những vấn đề lí luận trong thuật ngữ học ở Liên bang Nga. “Từ điển học & Bách khoa thư”, s. 6.

[14] Marchuk, Ju. N. 1992, Những cơ sở của từ điển học thuật ngữ, Moskva.

[15] Selov S. D. 1998, Định nghĩa thuật ngữ và cấu trúc khái niệm của hệ thống thuật ngữ (tiếng Nga).

[16] Shaikevich A. Ja. 1983, Những vấn đề của từ điển học thuật ngữ học, Moskva (tiếng Nga).

[17] Wily Martin and Hennie van der Vliet 2003, Design and production of terminological dictionaries. Practical Guide to Lexicography, Ed. by Piet van der Sterkenburg. Amsterdam/Philadelphia.

SUMMARY

This contribution briefs the basic issues of the making of Terminology Dictionaries in Russian Federation: objects, methods, orientations of research; task, relations of the making of Terminology Dictionaries with the specialized branch of Terminology, Lexicography. Such issues are essential to the compilation of different kinds of terminology dictionaries in the coming time in Vietnam.



Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 04, năm 2011