Một số vấn đề về cấu trúc vĩ mô của Từ điển thuật ngữ Công nghệ thông tin ở Việt Nam

03/07/2013

TRỊNH THỊ THU HIỀN

 

1 Quan niệm về cấu trúc vĩ mô của một cuốn từ điển chuyên ngành CNTT

Từ điển là loại sách tra cứu được biên soạn trên cơ sở phân tích, tổng hợp và đúc rút từ nguồn tư liệu ngôn ngữ trong giao tiếp mà các nhà biên soạn từ điển khảo sát và hệ thống (trong một khoảng thời gian thích đáng). Cấu trúc vĩ mô (macro-structure) là một trong hai cấu trúc quan trọng của một cuốn từ điển nói chung. Đây là một cấu trúc “bao gồm toàn thể các mục từ được sắp xếp trong từ điển theo một trật tự xác định” mà người ta thường gọi là “cấu trúc tổng thể” hay “cấu trúc bảng từ”.

Theo Hoàng Phê và Nguyễn Ngọc Trâm “vấn đề đầu tiên phải giải quyết khi tiến hành biên soạn một quyển từ điển là lập bảng từ, tức là danh sách các mục từ, gồm những đơn vị ngôn ngữ, thường là từ, nhưng cũng có thể là đơn vị nhỏ hơn hoặc lớn hơn từ, được tuyển chọn theo mục đích, yêu cầu, tính chất của quyển từ điển và sắp xếp theo một thứ tự nhất định, thường là theo thứ tự chữ cái (nếu là ngôn ngữ có chữ viết ghi âm bằng chữ cái), tạo thành một cấu trúc chặt chẽ. Đây là cấu trúc có những quan hệ dọc, suốt từ đầu đến cuối quyển từ điển, nên được gọi là cấu trúc vĩ mô, theo thuật ngữ của Rey-Debove (1971), phân biệt với cấu trúc vi mô (micro-structure), cấu trúc của các mục từ, có những quan hệ ngang”1.

Như vậy, cấu trúc bảng từ – cấu trúc vĩ mô của một cuốn từ điển là một tập hợp mang trong mình các mối quan hệ chồng chéo và đan xen của nhiều hệ thống nhỏ, hoạt động theo quy luật riêng. Chính vì vậy, cấu trúc bảng từ cần phải phản ánh được các quan hệ có tính quy luật ấy, tránh tình trạng tuỳ tiện, thiếu nhất quán hoặc đơn giản, sơ lược hoá (Nguyễn Ngọc Trâm, 1997). Và theo L. Zgusta (1971), khi nghiên cứu cấu trúc bảng từ, người ta thường quan tâm đến hình thức của đơn vị trong bảng từ số lượng các đơn vị, xét toàn bộ hay từng bộ phận cấu thành.

Với tư cách là một loại sách tra cứu, từ điển thuật ngữ chuyên ngành CNTT cũng thu thập và cung cấp những thông tin về kí hiệu ngôn ngữ như các loại từ điển khác; trên cơ sở đúc rút, tổng hợp và soạn thảo từ nguồn cơ sở dữ liệu các từ chuyên môn được sử dụng trong ngành để thu thập và giải thích các khái niệm chuyên môn. Để có thể khảo sát về cấu trúc vĩ mô (cấu trúc bảng từ) của từ điển thuật ngữ CNTT, chúng tôi xin được đi vào khảo sát các cuốn từ điển thuật ngữ có liên quan đến chuyên ngành CNTT ở Việt Nam.

2. Khái niệm về Công nghệ thông tin (CNTT) – Informations Technololy (IT) và việc ra đời các từ điển thuật ngữ về CNTT

Có thể thấy, trong khoảng gần hai thập kỉ trở lại đây, khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT đã dần trở nên phổ biến và quen thuộc đối với người Việt Nam, gắn liền với đời sống xã hội của người Việt Nam. Trước đó, trên thế giới, từ những năm 50 con người tiếp tục cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật mà bản chất là quá trình tin học hoá nội dung, tức là sử dụng “CNTT” để thay thế một phần lao động trí óc, trợ giúp cho phần điều khiển bằng trí tuệ của con người.

Về mặt thuật ngữ, Tin học được dịch từ Informatique (tiếng Pháp) là tên chuyên ngành được phổ biến từ những năm 1970 đến 1990. Tiếng Anh thì vẫn dùng phổ biến là Computer Science. Khoảng năm 1990, từ thuật ngữ Tin học, thế giới bắt đầu phổ biến chuyển sang dùng thuật ngữ CNTT (IT), dịch từ thuật ngữ tiếng Anh Information Technology thay cho Tin học. Khái niệm này đã là đề tài được bàn luận đến rất nhiều. Theo website Vietnam Open Course Ware, CNTT là “tập hợp các ngành khoa học kĩ thuật nhằm giải quyết vấn đề xác định hệ thống thông tin, thu nhận thông tin, quản lí thông tin, xử lí thông tin, truyền thông tin và cung cấp thông tin. Để giải quyết những vấn đề này, người ta đã nghiên cứu và đưa ra hướng phát triển của CNTT gồm các nội dung như: đa dạng hoá thông tin, chính xác hoá thông tin, phát triển phần cứng và phần mềm hệ thống, phát triển kĩ thuật xử lí thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển mạng thông tin và kĩ thuật truyền tin, phát triển kĩ thuật thu nhận và cung cấp thông tin”2.

Trang từ điển mở Wikipedia định nghĩa, CNTT là ngành ứng dụng công nghệ quản lí và xử lí thông tin, đặc biệt trong các cơ quan tổ chức lớn. Cụ thể, CNTT là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lí, truyền, và thu thập thông tin. Vì lí do đó, những người làm việc trong ngành này thường được gọi là các chuyên gia CNTT (IT specialist) hoặc cố vấn quy trình doanh nghiệp (business process consultant), và bộ phận của một công tí hay đại học chuyên làm việc với CNTT thường được gọi là phòng CNTT3.

Ở Việt Nam, khái niệm CNTT được hiểu và định nghĩa trong nghị quyết Chính phủ 49/CP kí ngày 04/08/1993: Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại - chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội.

Đến năm 2000, không dừng lại ở CNTT (IT), thế giới tiến tới sử dụng khái niệm ICT (Information and Communication Technology) được dịch sang tiếng Việt là Công nghệ Thông tin – Viễn thông, cho thấy sự tích hợp giữa Tin học và Viễn thông. Từ đó thuật ngữ này được sử dụng nhiều cho đến ngày nay.

Từ các quan niệm trên đây về thuật ngữ Tin học và CNTT, có thể thấy CNTT là một khái niệm rộng, mà Tin học chỉ là một phần trong đó, được chúng ta tiếp cận, làm quen kể từ khi máy tính (computer) xuất hiện, ngày càng trở nên gần gũi và trở thành phương tiện không thể thiếu trong mỗi gia đình, trường học, công sở.

CNTT/IT là một ngành khoa học xuất phát từ nước ngoài được đưa vào tìm hiểu, làm quen, học tập và nghiên cứu ở nước ta, vì vậy, hệ thuật ngữ của ngành khoa học này cũng đều là các hệ thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh, Pháp), được dịch nghĩa hay phiên âm sang tiếng Việt. Số lượng các thuật ngữ chuyên ngành CNTT rất lớn và không ngừng phát triển, nên để hiểu và nắm vững được hết các thuật ngữ này là điều vô cùng khó. Những cuốn từ điển có liên quan đến các thuật ngữ CNTT lần lượt được xuất bản với những tên gọi khác nhau được ra đời vì mục đích đó. Cuốn từ điển có thể coi là sớm nhất có tên là Từ điển kĩ thuật Vô tuyến - Tiện tử và Tin học Anh - Việt, NXB Khoa học và Kĩ thuật xuất bản năm 1976 và sau này được tái bản nhiểu lần nữa (1987, 1990, 1991, 1992, 1994, 1995, v.v. cùng với cuốn Từ điển kỹ thuật vô tuyến - điện tử và Tin học Pháp - Việt, NXB Khoa học và Kĩ thuật năm 1988 của Phạm Văn Bảy. Sau đó là rất nhiều các cuốn từ điển của nhiều tác giả khác nhau khác được chúng tôi sắp xếp theo năm xuất bản.4

3. Khảo sát cấu trúc vĩ mô của các Từ điển có liên quan đến ngành CNTT ở Việt Nam

3.1. Tên gọi các cuốn từ điển có liên quan đến ngành CNTT

Khảo sát thị trường từ điển liên quan đến ngành CNTT, thường là từ điển thuật ngữ chuyên ngành đối dịch (Anh - Việt) và từ điển thuật ngữ chuyên ngành đối dịch và giải thích (Anh - Anh - Việt), không có cuốn từ điển đối dịch Việt - Anh, hay là từ điển giải thích thuật ngữ liên quan đến CNTT bằng tiếng Việt nào. Tên gọi của các cuốn từ điển liên quan đến CNTT ở Việt Nam đều được tích hợp giữa 2 hay nhiều ngành khoa học có liên quan như điện tử - tin học; tin học - công nghệ thông tin; công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông; công nghệ thông tin - kĩ thuật máy tính; điện tử - tin học - truyền thông; thư viện - tin học. Cũng có một số từ điển đi sâu vào một ngành cụ thể như mạng máy tính, tin học, thuật ngữ internet, máy tính. Tuy nhiên, tên gọi của các cuốn từ điển này cho thấy sự không nhất quán trong cách hiểu CNTT Tin học, cụ thể là các tác giả đã phân biệt CNTT với Tin học, trong đó, Tin học được hiểu như là computing (máy vi tính, sử dụng máy vi tính) hay là computer science (khoa học máy tính) và khác với CNTT. Ví dụ như cuốn Từ điển tin học Anh - Việt = Dictionary of computing / Trịnh Xuân Hùng. New ed. HN: NXB Thống kê 1998; Từ điển giải nghĩa tin học Anh - Việt = English - Vietnamese Dictionary of Computer Science, with explanation / Nguyễn Trọng, Lê Trường Tùng, TP Hồ Chí Minh: Hội Tin học, 1991, Từ điển Tin học và Công nghệ thông tin Anh - Anh - Việt / Nguyễn Ngọc Tuấn và nhóm biên soạn, NXB Thông tấn, Hà Nội, 2002, Từ điển Tin học & Công nghệ thông tin Anh - Anh - Việt / Trung tâm dịch thuật Khoa học công nghệ ứng dụng / NXB Từ điển Bách khoa, 2007.

Nhìn chung, các cuốn từ điển thuật ngữ CNTT đều là các cuốn từ điển đối dịch và giải thích khái niệm, song có thể chia thành hai dạng:

+ Từ điển đối dịch và giải thích khái niệm Anh - Việt

+ Từ điển đối dịch và giải thích Anh - Anh - Việt

3.2 Cấu trúc vĩ mô của các cuốn từ điển thuật ngữ có liên quan đến CNTT ở Việt Nam

3.2.1. Nguồn gốc của thuật ngữ CNTT

So với những chuyên ngành khác, có lẽ CNTT hiện là một trong những chuyên ngành sử dụng nhiều từ ngữ vay mượn nhất ở Việt Nam. Đại đa số các thuật ngữ này đều bắt nguồn từ tiếng Anh, nên trong tiếng Việt, các thuật ngữ CNTT được đưa vào chủ yếu là do vay mượn qua cách phiên chuyển hoặc giữ nguyên dạng. Đặc biệt, rất nhiều các thuật ngữ CNTT bằng tiếng Việt cũng được vay mượn bằng cách dịch từ tiếng Anh, ví dụ computer – máy vi tính; mouse – chuột, net – mạng, v.v. Đó cũng là lí do vì sao không có cuốn từ điển thuật ngữ CNTT nào có bảng từ 100% là mục từ tiếng Việt.

Phải thừa nhận rằng, trong các phương thức vay mượn thuật ngữ nước ngoài vào tiếng Việt, dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là một phương thức tối ưu và hợp lí nhất, có khả năng đảm bảo được tính thống nhất cho hệ thống các từ thuật ngữ trong tiếng Việt. Nhưng không phải bất kì từ nào chúng ta cũng có thể dịch sang tiếng Việt bằng một yếu tố tương đương sẵn có và cứ một từ thuật ngữ trong tiếng nước ngoài khi dịch sang tiếng Việt đều cho yếu tố tương đương là từ, mà có thể là các từ khác nhau, hoặc là một tổ hợp. Chẳng hạn, backbone – mạng xương sống, mạng trục; backend processor – bộ xử lí phần sau; com – vi phim xuất trong máy tính; cache memory – bộ nhớ ẩn, bộ nhớ cache, bộ nhớ truy cập nhanh; v.v.

3.2.2 Các đơn vị trong bảng từ của các cuốn từ điển CNTT

Vấn đề đầu tiên phải giải quyết khi tiến hành biên soạn một cuốn từ điển bất kì là lập bảng từ, tức là lập danh sách các mục từ. Theo quan điểm của L. Zgusta, đại đa số các mục từ trong từ điển sẽ là những đơn vị từ vựng mà cơ sở của chúng là từ và đơn vị nhiều từ, thậm chí cả những đơn vị nhỏ hơn từ là các yếu tố cấu tạo từ có sức sản sinh cao.

Vì đặc trưng và tính chất của chuyên ngành CNTT, mà các mục từ trong bảng từ của các cuốn từ điển này đại đa số là các từ, hay tổ hợp từ, hoặc một số yếu tố cấu tạo từ bằng tiếng Anh, được sắp xếp theo trật tự nhất định của bảng chữ cái tiếng Anh. Các từ viết tắt cũng được thu thập, và được sắp xếp theo đúng trật tự bảng chữ cái như các đơn vị mục từ khác, chứ không đưa vào bảng phụ lục riêng. Dưới đây là những nhận xét sơ bộ khái quát về cấu trúc vĩ mô của các cuốn từ điển mà chúng tôi khảo sát.

Về cấu trúc bảng từ của các đơn vị mục từ trong các cuốn từ điển này, có thể thấy:

a. Cấu tạo từ

+ Các đơn vị mục từ là từ đơn. Qua khảo sát xác suất các cuốn từ điển thuật ngữ CNTT, chúng tôi nhận thấy các mục từ là từ đơn trong bảng từ của các cuốn từ điển chiếm số lượng không nhiều. Ví dụ, khảo sát ngẫu nhiên các mục từ trong một số vần của hai cuốn (1) Từ điển Điện từ - Tin học - Truyền thông Anh - Việt, Ban Từ điển, NXB Khoa học và Kĩ thuật, 19975 và (2) Từ điển tin học và Công nghệ thông tin Anh - Anh - Việt, Nguyễn Ngọc Tuấn và nhóm biên soạn, NXB Thông tấn, Hà Nội, 20026, trong (1) vần A, có 976 đơn vị mục từ thì các từ đơn chỉ có 70 đơn vị. Vần C, trong số 1.755 mục từ thì có 142 từ đơn. Vần L, trong số 1.560 mục từ, thì từ đơn chỉ có 132 mục từ đơn. Vần S, trong số 1.635 đơn vị mục từ, chỉ có 137 mục từ đơn. Như vậy, có thể thấy, số lượng mục từ đơn chỉ chiếm khoảng 11, 2 % tổng số các mục từ trong (1). Trong (2), vần A1.410 đơn vị mục từ, thì mục từ đơn có 112 đơn vị. Vần C2.715 đơn vị mục từ thì mục từ đơn chiếm 231 đơn vị. Vần L1.035 đơn vị mục từ thì mục từ đơn có 99 đơn vị. Vần S3.075 đơn vị mục từ thì mục từ đơn có 307 đơn vị. Như vậy, có thể thấy số lượng mục từ đơn chỉ chiếm khoảng ≈ 11 % trong tổng số các mục từ.

+ Các đơn vị mục từ là tổ hợp từ: Ngoại trừ các trường hợp thuật ngữ có hình thức cấu tạo là từ đơn (chiếm khoảng ≈ 11%), các đơn vị mục từ là các tổ hợp từ chiếm số lượng áp đảo (≈ 75 %).

Trường hợp các mục từ là các tổ hợp từ thường có hình thức cấu tạo từ 2 yếu tố trở lên. Trong số đó, các mục từ có hai yếu tố cấu tạo chiếm khoảng 30%, tức là khoảng 350 mục từ mỗi vần. Ví dụ: domain search (tìm kiếm miền), display frame (khung hiển thị), entry symbol (kí hiệu nhập), hard space (khoảng cách cứng), hard drive (ổ cứng), laptop computer (máy tính xách tay), local host (chủ khu vực), manual fuction (chức năng không tự động), microprogram (vi chương trình), v.v. Trong số các từ này, có rất nhiều các từ được cấu tạo theo dạng ghép, có kết hợp lỏng, kiểu như: internal nội tại, bên trong; internal block – khối bên trong; internal clock – đồng hồ nội tại; internal clocking – ghi giờ bên trong; internal data – dữ liệu nội,...

Các mục từ có cấu tạo từ 3, 4 yếu tố cũng chiếm số lượng tương đối nhiều (gần 45%, tức là ≈ 540 mục từ trong một vần). Ví dụ, trong (1): hierarchical storage management – quản lý bộ nhớ phân cấp; high-electron-mobility transistor – độ linh động electron cao; higher than high-level language – ngôn ngữ cao hơn bậc cao; high-frequency carier telegraphy – môn điện báo sóng mang cao tần; high-speed data acquisition system – hệ thu truyền dữ liệu nhanh; information Processing Language – ngôn ngữ xử lý thông tin; interstation noise supprestion – triệt tiếng ồn liên đài;... Và trong (2) basic access method – phương pháp truy cập căn bản; bind inmage table – bảng ảnh buộc chặt; capital letter matrix – ma trận chữ in; caps lock key – phím caps lock; checkpoint request record – bản ghi yêu cầu điểm kiểm tra; ...

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, mặc dù các đơn vị từ được thu thập trong các cuốn từ điển này đều chủ yếu là các tổ hợp từ, các ngữ định danh, song có khả nhiều các mục từ có cấu tạo là các tổ hợp tự do không phải là từ. Các tổ hợp tự do này thường hơi dài. Ví dụ: high performane file system – hệ tính năng cao; high-level data-link control – điều khiển liên kết dữ liệu mức cao; both regular and immediate command – hai lệnh tức thời và có hệ thống; intergrated cataloge facility catalog – bảng danh mục phương tiện tạo mục lục; intergrated word processing equipment – thiết bị xử lí từ tích hợp;…

+ Các đơn vị mục từ là từ viết tắt: Trong các cuốn từ điển này, các từ viết tắt cũng được thu thập khá nhiều, chiếm khoảng 14% tổng số các mục từ (≈ 300 mục từ trong một vần), và được sắp xếp ngang hàng với các mục từ khác (theo trật tự bảng chữ cái tiếng Anh). Nhìn chung, có thể thấy bao gồm ba dạng:

Từ viết tắt thuần tuý: Đây là các dạng viết rút gọn, được thu thập trong các cuốn từ điển thuật ngữ CNTT dưới hình thức là các chữ in hoa. Các từ này chiếm khoảng 70 % tổng số các mục từ viết tắt (≈ 130 mục từ trong một vần). Trường hợp này, có những đơn vị là dạng viết tắt của một tổ hợp từ. Ví dụ: COMAL (common Algorithmic language) – ngôn ngữ về thuật toán học thông dụng, DCD (Data carrier detect character) – kí tự dò sóng mang dữ liệu, DPPX (Distributed Processing Programming Executive) – thực thi bảo trình xử lí phân tán, v.v.

Từ viết tắt + từ: Đây là dạng tổ hợp kiểu cấu tạo từ viết tắt kết hợp với từ. Dạng này chiếm khoảng 25% tổng số dạng mục từ viết tắt.

Ví dụ: CP-CP session – các giao tiếp CP-CP; CP command – Lệnh CP; DMA slve – thụ động DMA; DOC file – file tư liệu; EQ gate – cổng tương đương; HTML mail or HTML message; IMS/VS subsystem – hệ thống con của IMS/VS; v.v.

Từ + từ viết tắt: Dạng tổ hợp kiểu cấu tạo từ kết hợp với từ viết tắt. Dạng này không nhiều, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số dạng viết tắt. Ví dụ: host ID (ID chủ), host LU (LU chủ), implied EXEC (thủ tục EXEC ngầm), Multimedia PC (máy tính cá nhân đa phương tiện), negotiable BIND (BIND nối ghép), pass-by-CONST (cơ cấu kĩ thuật truyền tham số…), phase continuous FSK (sự nhấn phím chuyển dời tần số…), static SQL (SQL tĩnh), subarea ID (Tên danh định của phần phụ), v.v.

b. Cách thu thập thuật ngữ trong bảng từ từ điển CNTT

Các yếu tố cấu thành nên một cuốn từ điển được tổ chức theo liên kết hai chiều là liên kết dọc liên kết ngang.

Liên kết dọc của cuốn từ điển là tính hệ thống của các đầu mục và tính quy ước khi lựa chọn các đầu mục. Đó là phạm vi, ranh giới các đơn vị được thu thập, là cách sắp xếp, xử lí các đơn vị được thu thập, làm thành cấu trúc vĩ mô7. Các liên kết này xuyên qua từng cấu trúc vi mô, và tạo nên tính ngắt đoạn tương đối trong cấu trúc vĩ mô. Tất cả các đơn vị đầu mục được thu thập và tập hợp trong bảng từ theo sự liên tưởng có trật tự, và làm thành tính hệ thống của cuốn từ điển. Các đơn vị được thu thập vào bảng từ của các cuốn từ điển CNTT cũng phải dựa trên tiêu chí này.

Vì đại đa số các cuốn từ điển này đều có tên gọi kiểu như Từ điển Điện tử - Tin học - Viễn thông Anh - Việt, hoặc Từ điển Tin học và Công nghệ thông tin Anh - Anh - Việt,... nên có thể nhận thấy, các nhóm biên soạn từ điển đã tránh sử dụng từ thuật ngữ khi đặt tên cho các cuốn từ điển rõ ràng là có tính chất chuyên ngành của mình. Điều này chứng tỏ, ranh giới giữa việc phân biệt để lựa chọn giữa thuật ngữ đích thực và các từ dùng trong ngành quả là khó khăn. Bởi vì, từ ngữ khoa học hay thuật ngữ là “lớp từ biểu hiện khái niệm khoa học, chuyên môn, mang những đặc điểm riêng và tạo thành một hệ thống riêng mặc dù cũng bị chi phối bởi những quy luật chung của ngôn ngữ. Chính vậy mà thuật ngữ phải nêu được ranh giới rõ ràng giữa các khái niệm cũng như giữa các khái niệm trong cùng một ngành”8.

Thêm vào đó, sự cắt đoạn biệt lập tương đối của mỗi mục từ với mỗi mục từ khác khiến cho bảng từ có thể dễ dàng bị thiếu nhất quán, rời rạc và tuỳ tiện. Những hiện tượng này thể hiện rất rõ trong khi thu thập các mục từ chính (là những thuật ngữ sơ cấp)9 và những mục từ trong cùng hệ thống nhỏ đó (là những thuật ngữ thứ cấp cùng gốc)10. Mỗi cuốn từ điển có những cách thu thập khác nhau, tuỳ mục đích và tuỳ cả các ngành được liên kết trong cuốn từ điển.

Chẳng hạn, trong cuốn Từ điển Tin học và Công nghệ Thông tin Anh - Anh - Việt, cùng trong một mục từ chính computer sẽ lần lượt có khoảng 81 các thuật ngữ thứ cấp cùng gốc khác rồi mới đến các thuật ngữ khác. Cũng với thuật ngữ này, trong cuốn Từ điển Điện tử - Tin học - Viễn thông có khoảng 86 thuật ngữ thứ cấp cùng gốc khác. Và so sánh chỉ mới trong hai cuốn này, đã thấy sự chênh lệch giữa số lượng các từ được thu thập trong hai cuốn, cũng như sự khác biệt trong thu thập các từ vào mỗi cuốn từ điển. Có những từ được thu thập trong từ điển này lại vắng mặt trong từ điển kia. Cụ thể, riêng cụm computer - aided được có mặt để cấu tạo nên 9 cụm từ khác trong Từ điển Điện tử - Tin học - Viễn thông. Cũng cụm từ này có mặt để cấu tạo nên 10 cụm từ trong Từ điển Tin học và Công nghệ thông tin Anh - Anh - Việt. Song các từ được cấu tạo từ computer-aided được thu thập vào hai cuốn từ điển lại không giống nhau:

Từ điển Điện tử - Tin học - Viễn thông

Từ điển Tin học và Công nghệ thông tin Anh - Anh - Việt

computer-aided design

computer-aided design

computer-aided design and drafting

computer-aided engineering

computer-aided

design/computer-aided manufacturing

computer-aided industry

computer-aided engineering

computer-aided instruction

computer-aided instruction

computer-aided manufacturing

computer-aided management of instruction

computer-aided planning

computer-aided manufacturing

computer-aided quality asurance

computer-aided software engineering

computer-aided retrieval

...

computer-aided software engineering

 

...

[Những cụm từ in đậm là những cụm từ chỉ có mặt trong cuốn từ điển này

mà không có mặt ở cuốn kia]

 

c. Các yếu tố khác trong cấu trúc vĩ mô của từ điển CNTT

Khảo sát các cuốn từ điển thuật ngữ CNTT, có thể thấy, đại đa số các cuốn từ điển này đã sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ gồm các bảng chỉ dẫn, các phụ lục được đưa ở cuối các cuốn từ điển. Tuỳ theo tính chất của từng từ điển, có thể là các phụ lục cho các từ viết tắt, các kí hiệu thông dụng (Từ điển Điện tử - Tin học); phụ lục về số và kí hiệu, các bộ kí tự như ASCII, EBCDIC, các tương đương số trong các hệ biểu diễn (Từ điển Công nghệ Thông tin - Điện tử - Viễn thông Anh - Việt); phụ lục về các biểu tượng và ký hiệu dùng trong sơ đồ điện tử, bảng chuyển đổi đơn vị đo lường theo các hệ thống, bảng chữ cái Hi Lạp (dùng nhiều trong các ký hiệu điện và điện tử), các từ viết tắt về điện tử (Từ điển Điện tử - Tin học - Truyền thông Anh - Anh - Việt); phụ lục trình bày tổng quát về công nghệ truyền thông dữ liệu và những tính năng ưu việt của nó (Từ điển mạng máy tính Anh - Anh - Việt), phụ lục về các kĩ thuật phần mềm, tin học văn phòng và tin học đồ hoạ (Từ điển Tin học và Công nghệ thông tin Anh - Anh - Việt). Những bảng biểu, phụ lục này đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho các bảng từ khi chúng cung cấp những thông tin về những vấn đề không hoàn toàn thuộc về kí hiệu ngôn ngữ thường rất phổ biến trong các ngành khoa học kĩ thuật, đặc biệt là các ngành Điện tử, Viễn thông, Công nghệ Thông tin, v.v.

4. Kết luận

 Từ việc khảo sát cụ thể các cuốn từ điển CNTT Anh - Anh - Việt và Anh - Việt, bước đầu có thể đưa ra một số nhận xét sau:

+ Các đơn vị được thu thập vào bảng từ đều là các từ tiếng Anh, bao gồm các từ đơn (chiếm số lượng rất ít, chỉ khoảng ≈ 11 % trong tổng số các mục từ). Các từ viết tắt cũng được thu thập khá nhiều, chiếm khoảng 14% tổng số các mục từ. Cũng có nhiều các từ điển thu thập cả các mục từ thật ra là các tổ hợp tự do. Các đơn vị là tổ hợp từ, tổ hợp tự do chiếm số lượng áp đảo (≈ 75 %);

+ Các thuật ngữ trong cùng một ngành được thu thập không đầy đủ trong các cuốn từ điển cùng chuyên ngành, vì vậy mà việc dựa trên bảng từ của các cuốn từ điển để so sánh sự chênh lệch của các từ được đưa vào từ điển sẽ giúp cho việc tập hợp các thuật ngữ của một ngành một cách đầy đủ nhất;

+ Trong cấu trúc vĩ mô của từ điển CNTT, đại đa số các cuốn từ điển này đã sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ là các bảng chỉ dẫn, các phụ lục được đưa ở cuối các cuốn từ điển. Chính những bảng biểu, phụ lục này đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho các bảng từ khi chúng cung cấp những thông tin về những vấn đề không hoàn toàn thuộc về kí hiệu ngôn ngữ thường rất phổ biến trong các ngành khoa học kĩ thuật, đặc biệt là các ngành Điện tử, Viễn thông, Công nghệ Thông tin,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Chu Bích Thu – Một số nét khái quát về cấu trúc vi mô của từ điển giải thích (trên cơ sở tư liệu từ điển giải thích tiếng Việt) // “Một số vấn đề về Từ điển học”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.

[2] Chu Bích Thu, Giới thiệu sơ lược về từ điển và từ điển học Việt Nam, “Ngôn ngữ”, s. 14, 2001.

[3] Hồ Hải Thuỵ, Hai cuốn sách dạy cách làm từ điển, “Ngôn ngữ & Đời sống”, s. 6, 2009.

[4] Ladislav Zgusta, Giáo trình từ điển học, bản dịch của Viện Ngôn ngữ học, 1971.

[5] Nguyễn Ngọc Trâm, Một vài nhận xét về cấu trúc vĩ mô của từ điển giải thích tiếng Việt (qua tư liệu của Từ điển tiếng Việt) // “ Một số vấn đề về Từ điển học”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.

[6] Nguyễn Thị Kim Thanh, Khảo sát hệ thuật ngữ Tin học – Viễn thông tiếng Việt, Luận án TS Ngữ văn, ĐHQG Hà Nội, 2005.

[7] Nguyễn Trung Thuần, Về định nghĩa các thuật ngữ khoa học trong các loại từ điển // “Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.

[8] Vũ Quang Hào, Kiểm kê từ điển học Việt Nam, NXB ĐHQG Hà Nội, 2005.

[9] Tổng quan về công nghệ thông tin (http://www.vocw.edu.vn/content/m10592/latest/)

[10] http://vi.wikipedia.org/wiki/Công_nghệ_thông_tin

[11] Nguyễn Lãm, Vũ Duy Mẫn, Trần Mạnh Tuấn, Từ điển thuật ngữ tin học Anh - Pháp - Việt, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1991.

[12] Từ điển máy tính Anh -Việt: Giải thích và minh hoạ = Microsoft Press Computer Dictionary, Người dịch: Nguyễn Đức Ái, Trần Chót, Trần Anh Kỳ, Nguyễn Hữu Ngọc, Đỗ Quốc Thương, Đặng Văn Sử. [verso t.p.: Dịch từ bản tiếng Anh: Microsoft Press Computer Dictionary, 2d ed., 1994], NXB Khoa học & Kĩ thuật, Hà Nội, 1994.

[13] Đỗ Thông Minh, Từ điển tin học tổng hợp đối dịch Anh - Việt = General informatics dictionary, NXB Tân Văn Nhật Bản, Tokyo, 1994.

[14] Từ điển cho người sử dụng máy tính / Bryan Pfaffenbergen, Người dịch: Bùi Xuân Toại, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995.

[15] Nguyễn Thành Châu, Sổ tay giải thích thuật ngữ Internet Anh - Việt thông dụng, NXB Thống kê, Hà Nội, 1996.

[16] ALA Từ điển giải nghĩa Thư viện học và Tin học Anh - Việt (Glossary of Library and Information Science), Phạm Thị Lệ Hương, Lâm Vĩnh Thế, Nguyễn Thị Nga, Galen Press. Ltd, Tucson, Arizona, U.S.A 1996 (dịch trực tiếp từ cuốn The ALA Glossary of Library and Information Science, Heartstill Young chủ biên năm 1983 của Hội Thư viện Hoa Kỳ)

[17] Ban Từ điển NXB Khoa học & Kĩ thuật, Từ điển Điện tử Tin học truyền thông Anh - Việt, NXB Khoa học & Kĩ thuật, Hà Nội, 1997.

[18] Đỗ Duy Việt và nhóm cộng tác, Từ điển Công nghệ Thông tin Anh - Anh - Việt, NXB Thống kê, Hà Nội, 1998.

[19] Quốc Bình, Từ điển Thuật ngữ Công nghệ thông tin Anh - Anh - Việt , NXB Thống kê, Hà Nội, 1998.

[20] Trịnh Xuân Hùng, Từ điển tin học Anh-Việt = Dictionary of computing (New ed., Hanoi), NXB Thống kê, Hà Nội, 1998.

[21] Lê Khắc Bình, Từ điển Điện tử và Tin học Anh - Việt, NXB Thống kê, Hà Nội, 1999.

[22] Phùng Quang Nhượng, Từ điển viết tắt Tin học - Điện tử - Viễn thông Anh - Việt, NXB Khoa học & Kĩ thuật, Hà Nội, 2000.

[23] Nguyễn Ngọc Tuấn và nhóm biên soạn, Từ điển Tin học và Công nghệ thông tin Anh - Anh - Việt, NXB Thông tấn, Hà Nội, 2002.

[24] Ban Từ điển NXB Khoa học & Kĩ thuật, Từ điển Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông Anh - Việt, NXB Khoa học & Kĩ thuật, Hà Nội, 2004

[25] Trung tâm dịch thuật Khoa học công nghệ ứng dụng, Từ điển Tin học & Công nghệ thông tin Anh - Anh - Việt, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007.

[26] Quang Hùng, Tạ Quang Huy và nhóm cộng tác, Từ điển Bách khoa Công nghệ Thông tin và Kỹ thuật máy tính Anh - Việt, NXB Hồng Đức, 2008

[27] Nguyễn Quốc Cường, Từ điển Tin học Anh - Anh - Việt, NXB Khoa học & Kĩ thuật, Hà Nội, 2007.

[28] Quang Minh, Đức Huy, Từ điển mạng máy tính Anh - Anh - Việt, NXB Thống kê, Hà Nội, 2008.

[29] Nguyễn Quang Minh Trí và nhóm kỹ sư Tin học ứng dụng, Từ điển Tin học & Công nghệ Thông tin Anh - Anh - Việt, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2008.

SUMMARY

The author conducted surveys of glossaries of information technology in Vietnam (which is drastically developing) to produce initial observations of the macrostructure of such glossaries (lexeme to be collected; distribution of terminologies in respect of structure, contents; manner of expression, etc.). This will be useful for composing glossaries in general and glossaries of information technology in particular.

CHÚ THÍCH

1 Hoàng Phê, Nguyễn Ngọc Trâm, Một số vấn đề về từ điển học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.

2 Tổng quan về công nghệ thông tin (http://www.vocw.edu.vn/content/m10592/latest/)

3 http://vi.wikipedia.org/wiki/Công_nghệ_thông_tin

4 Danh sách các cuốn từ điển sẽ nằm trong danh mục từ điển tham khảo, được sắp xếp theo năm xuất bản.

5&6 Chúng tôi chọn một cuốn là từ điển Anh - Việt, và một cuốn là từ điển Anh - Anh - Việt để khảo sát

7 Chu Bích Thu, 1997.

8 Nguyễn Ngọc Trâm, 1997.

9&10 Nguyễn Kim Thanh, 2005.


Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 03, năm 2011