Từ điển học hệ thống: Một số thành tựu Ngôn ngữ học Nga và Xô Viết (phần 2)

01/07/2013

                                                            GS.TS Lý Toàn Thắng

 

b. Hệ thống từ vựng với tư cách một hệ thống thao tác

Nói đến hệ thống thao tác ở đây là nói đến các quy tắc ngữ nghĩa tác động trong một hệ thống ngôn ngữ, hay còn gọi là các “quy tắc từ điển về sự tương tác của các ý nghiã” (slovarnye pravily vzaimodejstvija znachenji) trong văn bản (tekst) mà các nhà ngữ pháp học và từ điển học thường vẫn hay phải “thao tác” với chúng.

Điều này có thể thấy khá rõ khi xem xét các cặp đồng nghiã trong văn bản. Thí dụ trong tiếng Nga có hai cặp đồng nghĩa zameret’/zamirat’ và zastyt’/zastyvat’ đều nói về một hành vi có chủ định hoặc không có chủ định với cái nghĩa mà các từ điển song ngữ Nga - Việt thường dịch sang tiếng Việt là ‘đờ (người) ra, lặng (người) đi, lịm (người) đi’ - tức là có thể giải thích bằng ngôn ngữ từ điển như sau: ‘trở nên bất động trong một khoảng thời gian ngắn”. Sự đối lập về phương diện “có chủ định - không chủ định” của hai cặp từ đồng nghĩa này tuy vậy không nằm trong ý nghĩa từ vựng của chúng, Sự đối lập đó chỉ tạo ra các cách dùng khác nhau của chúng trong văn bản và chúng ta có thể giải thích sự khác nhau này bằng các quy tắc ngữ nghĩa như sau:

a) Quy tắc 1: Nếu trong văn bản chứa các từ này có hàm ý nói về mục đích của hành động, thì trong lời giải thích nghĩa của chúng trong từ điển sẽ thêm vào cái ý: ‘để đạt mục đích P, cần sự bất động’ và tham thể (aktant) thứ nhất sẽ có vai nghĩa là ‘tác nhân’ (agens); thí dụ:

- Tolpa tantsujushikh prekratila svoju rabotu i vyzhidatel’no zamerla ‘Đám đông nhảy múa thôi làm công việc của mình và lặng đi chờ đợi’.

- Tigr zastyl pered pryzhkom ‘Con sư tử lặng người trước cú nhảy’.

Như có thể thấy qua các ví dụ, hành vi của đám đông hay con sư tử là một hành vi có chủ định, nhằm đạt đến một mục đích nhất định.

b) Quy tắc 2: Nếu trong văn bản chứa các từ này có hàm ý nói về nguyên nhân của hành vi đó, thì trong lời giải thích nghĩa của chúng trong từ điển sẽ thêm vào cái ý: ‘vì quá xúc động’, và tham thể đầu tiên sẽ có vai nghĩa là ‘thụ nhân’ (experienser); thí dụ:

- zameret’ (zastyt’) ot uzhasa (ot izumlenija, ot vostorga) ‘ đờ ra vì sợ hãi (vì kinh ngạc, vì khoái trí).

Ở ví dụ này, như có thể thấy, cái hành vi “đờ người ra” là một hành vi không có chủ định trước, mà do một nguyên nhân khác đưa lại.

3.2.1. Nguyên lí về tính tính tích hợp của các miêu tả ngôn ngữ học

Nguyên lí này lần đầu tiên được nói đến ở Nga từ khá lâu trong bài báo nổi tiếng của viện sĩ L. V. Sherba (“Về ba bình diện của các hiện tượng ngôn ngữ và về thực nghiệm trong ngôn ngữ học”, 1931), cụ thể là trích đoạn sau: “Từ điển và ngữ pháp được biên soạn tốt phải bao quát được mọi tri thức về ngôn ngữ đã cho. Chúng ta, tất nhiên, còn xa mới đến được cái lí tưởng này; nhưng tôi cho rằng ưu điểm của các cuốn từ điển và ngữ pháp phải được đo bằng khả năng nhờ dùng chúng mà ta tạo lập được bất kì câu đúng ngữ pháp nào trong tất cả mọi trường hợp của cuộc sống và hoàn toàn hiểu được khi nói bằng ngôn ngữ đó”.

Cuốn từ điển tiếng Nga đầu tiên có sử dụng cách mô tả tích hợp ngôn ngữ là cuốn “Từ điển tường giải tiếng Nga” (do D. N. Ushakov chủ biên, 1941), tuy rằng các tác giả mới chỉ hạn chế ở hai phạm vi là hình thái học(morphologija) và từ vựng. Phải đến cuốn “Từ điển ngữ pháp tiếng Nga” của A. A. Zaliznjak (1977) thì nguyên lí tích hợp này mới được áp dụng triệt để; thí dụ: trong từ điển này đã đưa vào mục từ các biến hình biến dạng của từ, có chú giải về trọng âm, có bảng chú dẫn về các biến tố (okonchanji) ở cuối sách,…

Cũng những năm 70, I.A. Mel’chuk đã đưa vào trong từ điển giải thích - tổ hợp (tolkovo-kombinatornyi) của ông (và các cộng sự) những thông tin về các đặc điểm chi phối (upravlenie) của từ, về các thuộc tính cú pháp của chúng (như hữu sinh - vô sinh của danh từ, vị ngữ tính của tính từ và trạng từ, v.v.),... Tuy nhiên, để nguyên lí này được quan niệm đầy đủ và khoa học như ngày nay thì nó đã phải được trải qua một quá trình hiện thực hoá, kiểm nghiệm, tu chỉnh trên chương trình máy tính ETAP dựa trên các từ điển tổ hợp tự động tiếng Nga và tiếng Anh mỗi cuốn khoảng 90.000 mục từ, có đủ các mô hình từ pháp, cú pháp bao quát một phạm vi các kết cấu rộng hơn rất nhiều so với các sách ngữ pháp hàn lâm thông thường. Nhờ các từ điển và ngữ pháp như thế trên máy tính mà chúng ta có thể nhận được một khối lượng thông tin mà bằng con đường suy luận tư biện thông thường không làm sao có được.

Nhìn chung trong các công trình của trường phái từ điển học hệ thống nguyên lí về tính tích hợp trong các miêu tả ngôn ngữ học được bao quát ở tất cả các phạm vi thông tin: ngữ nghĩa (đặc biệt là các quy tắc tương tác của các ý nghĩa trong văn bản); ngữ dụng; giao tiếp; ngôn điệu, v.v.

Đối với một sự miêu tả ngôn ngữ học bất kì đều có hai thành tố quan trọng nhất – đó là từ điển và ngữ pháp (ngữ pháp ở đây được hiểu rộng hơn bình thường, là một tập hợp gồm tất cả các quy tắc của ngôn ngữ bao gồm trong đó cả các quy tắc ngữ nghĩa). Thông tin chứa trong sự miêu tả này, do vậy, sẽ phải được phân bố tối ưu giữa ngữ pháp và từ điển và điều này đòi hỏi có sự hiệp đồng ăn ý giữa các nhà ngữ pháp học và các nhà từ điển học. Chẳng hạn, nhà từ điển học, khi biên soạn một từ vị nào đó, cần phải nắm được tất cả các quy tắc ngữ pháp liên quan đến từ vị đó; điều này nhiều khi thường dẫn tới việc là phải đưa một quy tắc ngữ pháp nào đó vào ngay trong mục từ, nếu quy tắc đó chỉ liên quan đến một mình từ vị đó hay một nhóm nhỏ các từ vị. Hay chẳng hạn, các nhà ngữ pháp học, khi đưa ra một quy tắc nào đó, cần phải bao quát toàn bộ các từ vị chịu sự chi phối của quy tắc đó; và điều này dẫn có thể tới việc là phải đưa vào trong quy tắc ngữ pháp đó thông tin về một số từ vị cụ thể, cần thiết nào đó.

Tuy nhiên, trong phạm vi từ điển học, cái mà ta quan tâm là công việc của các nhà làm từ điển, và do đó khi nói về các miêu tả ngôn ngữ học có trong từ điển thì thường người ta đề cập đến hai vấn đề quan trọng sau:

+ Mở rộng thông tin về các thuộc tính của từ vị.

+ Đưa các quy tắc vào trong mục từ của từ vị.

Sau đây ta sẽ lần lượt xem xét từng vấn đề.

3.2.1.1. Mở rộng thông tin trong từ điển về các thuộc tính của từ vị

Trong nhiều cuốn từ điển (và cả sách ngữ pháp) tiếng Nga có một số quy tắc ngôn ngữ về âm vị học, ngữ nghĩa học, ngữ pháp học, ngữ dụng học,... bị bỏ qua, mặc dù người bản ngữ bình thường đều “biết” những thông tin đó, chúng được tàng trữ trong khả năng ngôn ngữ (jazykovaja kompetentsja) của họ. Sự bỏ qua đó tất nhiên là không đúng, vì một sự miêu tả ngôn ngữ học (vốn mô hình hoá cái khả năng ngôn ngữ đó) cần phải có chứa những thông tin như thế, để người sử dụng thông tin đó có khả năng tạo lập, chẳng hạn, những kết cấu cú pháp (cụm từ, câu) đúng chuẩn mực. Trong truyền thống mô tả nhiều ngôn ngữ (không phải chỉ tiếng Nga) cho đến nay, tiếc thay, vẫn thường thiếu vắng một sự hiệp đồng ăn ý giữa các thông tin về từ điển học và các thông tin loại khác. Nói cách khác, trong từ điển cần có sự mở rộng thông tin về các thuộc tính của từ vị có liên quan đến các quy tắc ngôn ngữ nhất định.

Một thí dụ minh hoạ cho điều nói trên là quy tắc sau đây.

 Trong tiếng Nga, một số động từ(nội động và ngoại động) và tính từ ngắn đuôi trong câu bị động có thể có chủ ngữ ở danh cách (IM - Cách 1) hoặc sở hữu cách (ROD - Cách 2); thí dụ:

- Cách 1: Zvuki ne slysny (Âm thanh không nghe được)

- Cách 2: Zvukov ne slysno (Âm thanh không nghe được)

 Lựa chọn cách nào là có lí do ngữ nghĩa: trong các thí dụ trên, danh từ ở Danh cách nói về một hiện tượng có tồn tại, âm thanh ở đây là có thật, nhưng vì lí do gì đó nên ta không nghe được chúng mà thôi. Còn Sở hữu cách thì khác, nó giả định rằng không có tồn tại các âm thanh đó. Thêm nữa là nếu ở Danh cách danh từ thường biểu thị một sự vật xác định, thì ở Sở hữu cách thường lại là sự vật không xác định.

 Dựa theo quy tắc ngữ pháp này những từ vị động từ và tính từ nào trong tiếng Nga thoả mãn các điều kiện nói trên có thể được phân ra làm ba nhóm:

a) nhóm các từ vị cho phép dùng Sở hữu cách thay cho Danh cách trong câu phủ định như ở các thí dụ trên;

b) nhóm các từ vị chỉ cho phép Sở hữu cách, thí dụ có thể nói: Ne ostajetsja somnenji (Không còn những sự nghi ngờ), nhưng không thể nói: *Ne ostajutsja somnenija (Danh cách);

c) nhóm các vị từ chỉ cho phép Danh cách, thí dụ có thể nói: Vesna eshje ne nachinalas’ (Mùa xuân còn chưa đến), nhưng không thể nói: *Vesny eshje ne nachinalos’ (Sở hữu cách).

Quy tắc trên lẽ ra phải được đưa vào từ điển, trong các mục từ, nhưng trên thực tế không có một cuốn Từ điển tường giải tiếng Nga hiện hữu nào làm như vậy; và điều đó có nghĩa là: nguyên lí về tính tích hợp của sự miêu tả ngôn ngữ học ở đây không được thoả mãn. Mỗi một sự miêu tả từ vị như vậy phải là một công việc khoa học, một nhiệm vụ độc lập (và nếu tính toán cho cả một cuốn từ điển thì đây quả là một công sức lao động khổng lồ); nhưng nguyên lí về tính tích hợp của sự miêu tả ngôn ngữ học của từ điển học hệ thống đòi hỏi sự miêu tả từ vị phải được thực hiện cho toàn bộ từ điển, cho tất cả loạt từ vị chịu tác động của cùng một quy tắc nào đó, chứ không phải chỉ cho một từ vị riêng lẻ, cụ thể.

3.2.1.2. Đưa các quy tắc vào trong mục từ của các từ vị

Các quy tắc một khi được từ vựng hoá(leksikalizovanye) thì về nguyên tắc phải được đưa vào trong mục từ.

Ta hãy xem thí dụ sau đây về các từ vị là trạng từ tình thái trong tiếng Nga: mozhno(có thể), nel’zja (không thể được), nevozmozhno (không thể). Ba từ vị này đều có chung ý nghĩa tình thái về ‘có khả năng/không có khả năng khách quan’. Thí dụ, đi với động từ “nhìn”, “thấy”, ta có thể nói:

- Mozhno v takoi temnote chto-libo uvidet’ (Có thể nhìn thấy được gì đó trong bóng tối như thế).

- V takoi temnote nel’zja chto-libo uvidet’ (Trong bóng tối như thế không thể nhìn thấy được cái gì).

- V takoi temnote nevozhmozhno chto-libo uvidet’ (Trong bóng tối như thế không thể nhìn thấy gì được).

Thế nhưng, khi các trạng từ này được dùng với một số vị từ loại khác, kiểu như: “nghĩ”, “cho rằng/là”, “khẳng định”…, thì cái ý nghĩa tình thái khách quan ‘có khả năng P’ này biến thành một ý nghĩa khác là ‘có cơ sở để P’; chẳng hạn:

- Mozhno chitat’ , chto eksperimenty zakonchilis’ uspeshno (Có thể /Có cơ sở để cho rằng thực nghiệm đã thành công).

- Nel’zja chitat’ , chto eksperimenty zakonchilis’ uspeshno (Không thể được/Không có cơ sở để cho rằng thực nghiệm đã thành công).

- Nevozhmozhno chitat’ , chto eksperimenty zakonchilis’ uspeshno (Không thể / Không có cơ sở để cho rằng thực nghiệm đã thành công).

 Tuy nhiên sự chuyển di(sdvig) ngữ nghĩa này không mang tính nhất loạt cho các từ vị cùng loại, hay nói cách khác nó không phải là cái “thành tố chung” về ý nghĩa của các từ vị đó. Bằng cớ là, thí dụ, trường hợp của động từ moch’ ‘có thể’; động từ này có ý nghĩa tình thái khách quan như trong:

- Mozhesh’ reshit’ etu zadachu ? (Anh/Chị có thể giải quyết việc đó được không?).

Nhưng khi nó đi trước một động từ chỉ “ý kiến” thì không xảy ra sự chuyển di ngữ nghĩa đó, nghĩa là nó không có được cái nghĩa mới là ‘có cơ sở để P’; thí dụ với câu sau:

 - Mozhesh’ utverzhdat’ , chto eksperimenty zakonchilis’ uspeshno uspeshno (Anh/Chị có thể khẳng định là thực nghiệm đã thành công).

Câu này có ẩn ý mà ta có thể giải ra là: “Tôi không quan tâm đến cái mà anh/chị nghĩ, khẳng định” (nó không có cái nghĩa là: * “Anh/Chị có cơ sở để khẳng định thực nghiệm đã thành công”).

Ví dụ trên cho thấy rằng: một khi sự chuyển di ngữ nghĩa không diển ra ở cả loạt từ vị cùng loại, mà chỉ xảy ra ở một số từ vị nào đó, thì lẽ tự nhiên hơn hết là miêu tả điều đó dưới dạng một quy tắc ngữ nghĩa và đưa vào ngay trong các mục từ của các từ vị hữu quan đó...

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

[1] Hoàng Phê 1969, Về việc biên soạn một cuốn từ điển tiếng Việt phổ thông, Ngôn ngữ, s. 2.

[2] Hoàng Phê & Nguyễn Ngọc Trâm 1993, Một số vấn đề về từ điển học, Ngôn ngữ, s. 4.

[3] Nhiều tác giả 1997, Một số vấn đề về từ điển học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

[4] Chu Bích Thu 2001, Giới thiệu sơ lược về từ điển và từ điển học Việt Nam, Ngôn ngữ, s. 14.

[5] Apresjan Ju. D. 1995, Izbrannye trudy, t. 2, Integral’noe opisanie jazyka i systemnaja leksikografija, Moskva.

[6] Apresjan Ju. D. 2000, Systematic Lexicography, Oxford.

[7] Apresjan Ju. D. 2006 (chủ biên), Jazykovaja kartina mira i systemnaja leksikografija, Moskva.

[8] Zhonkovskij A. K., Mel’chuk I. A. 1967, O semanticheskoi sinteze // Problemy kibernetiki. vyp. 19.

[9] Mel’chuk I. A. 1974, Opyt teorii lingvisticheskih modelej “Smysl <=>Tekst”, Moskva.

[10] Nhiều tác giả 1997, Một số vấn đề về từ điển học. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

[11] Sherba. L. V. 1974, O trojakom aspekte jazykovykh javlenji i ob eksperimente v jazykoznanii // L. V. Sherba. Jazykovaja systema i rechevaja dejatel’nost’. Leningrad, 1974. str. 24-39.

[12] Zaliznjak A. A. 1977, Grammachicheskij slovar’ russkogo jazyka. Slovoizmenenie. Moskva.

[Còn tiếp. Kì sau: C. Ý tưởng phục nguyên “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”]


                                    Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 02, năm 2009