Ý NIỆM“CÁI CHẾT”PHẢN ÁNH QUA ẨN DỤ TRI NHẬN “CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ” TRONG TIẾNG VIỆT

07/12/2023
Tóm tắt: Ẩn dụ ý niệm “CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ” đã được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa kinh nghiệm nghiệm thân với cách thức người Việt phản ánh một phạm trù trừu tượng thông qua một phạm trù cụ thể. Nghiên cứu cũng lý giải cơ chế sao phỏng giữa hai miền không gian - miền nguồn “Giấc ngủ” và miền đích “Cái chết” - cũng như việc tổ chức lược đồ ánh xạ của ẩn dụ ý niệm này trong tư duy ngôn ngữ của người Việt.

Tóm tắt: Ẩn dụ ý niệm “CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ” đã được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa kinh nghiệm nghiệm thân với cách thức người Việt phản ánh một phạm trù trừu tượng thông qua một phạm trù cụ thể. Nghiên cứu cũng lý giải cơ chế sao phỏng giữa hai miền không gian - miền nguồn “Giấc ngủ” và miền đích “Cái chết” - cũng như việc tổ chức lược đồ ánh xạ của ẩn dụ ý niệm này trong tư duy ngôn ngữ của người Việt.

Từ khóa: Ý niệm, giấc ngủ, cái chết, miền nguồn, miền đích, ánh xạ, nghiệm thân.

Abstract: The conceptual metaphor “DEAD IS SLEEP” has been used in many different contexts. The research has shown the relationship between embodied experience and the way Vietnamese people reflect an abstract concept through a concrete one. The research also explains the replication mechanism between two spatial domains - the source domain “Sleep” and the target domain “Death” as well as the organization of the mapping schema of this conceptual metaphor in the linguistic thinking of Vietnamese people. 

Keywords: Conceptualization, sleep, death, source domain, target domain, mapping, embodiment.

 

1. Giới thiệu

Ẩn dụ ý niệm (cognitive/conceptual metaphor) là sự ý niệm hóa một miền tinh thần này qua một miền tinh thần khác, đó là sự ánh xạ (mapping) có hệ thống từ một miền nguồn sang một miền đích nhằm tạo nên một mô hình tri nhận. Ẩn dụ ý niệm được nhìn nhận là gắn liền với đặc trưng văn hóa tinh thần của người bản ngữ. Trong ẩn dụ ý niệm, miền nguồn (thường cụ thể) cung cấp một cấu trúc tri thức tương đối phong phú cho miền ý niệm đích (thường trừu tượng), và sự hiểu biết này diễn ra thông qua các ánh xạ lược đồ tương ứng giữa hai miền. Khi những tương ứng này được kích hoạt, các sơ đồ ánh xạ có thể phóng chiếu từ miền nguồn sang miền đích. Do đó, hiểu được một ẩn dụ ý niệm có nghĩa là hiểu được hệ thống sơ đồ ánh xạ của một cặp nguồn - đích.

Ý niệm về cái chết là phạm trù cơ bản luôn được quan tâm nghiên cứu ở nhiều phân ngành khác nhau. Quan niệm về cái chết là phạm trù triết lý không chỉ đề cập trong các tôn giáo tín ngưỡng mà còn thấy ở triết học và một số bộ môn khoa học, bởi vì suy cho cùng, điều mà tôn giáo tín ngưỡng và các ngành khoa học hướng đến cũng chỉ để giải quyết vấn đề sống và chết của con người. Đã là con người, chắc chắn ai cũng quan tâm đến sự sống và chết của mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nói đến sự sống, sự tồn tại của mỗi đời người, mỗi xã hội, trong khi đó lại né tránh không bàn đến cái chết và những điều liên quan đến cái chết.

Trước mối bận tâm hiển nhiên về ý niệm tuy phổ biến nhưng trừu tượng là “cái chết”, ngôn ngữ đã tìm cách diễn đạt sinh động, đa dạng và chính xác các phạm trù trên thông qua những biểu thức ngôn ngữ có tính ẩn dụ, hay thậm chí có thể khẳng định rằng ẩn dụ ý niệm về cái chết luôn hiện diện rõ ràng, tự nhiên và rộng khắp trong cuộc sống hàng ngày.

2. Ẩn dụ ý niệm về cái chết

Cái chết có đặc điểm là một khái niệm trừu tượng mà không ai có kinh nghiệm hay trải nghiệm trực tiếp, bởi vậy trong nhiều nền văn hóa, ta thấy ý niệm cái chết thường được diễn giải thông qua những liên hệ về ngôn ngữ thuộc những phạm trù cụ thể hơn, chẳng hạn như “cuộc hành trình”, “cuộc gặp gỡ”, hoặc là “một giấc ngủ an lành”,... Bên cạnh đó, một luận điểm quan trọng khác trong ngôn ngữ về cái chết là trên thực tế, việc nói về sự chết là một miền ý niệm đem lại tâm lý lo lắng đáng kể của hầu hết mọi người, và vì vậy ở nhiều trường hợp, người ta thường cố gắng lựa chọn lối nói “uyển ngữ”, “nói giảm, “nói tránh” nhằm làm giảm đi các cảm xúc tiêu cực nhất có thể. Theo Allan và Burridge, “điều cấm kỵ liên quan đến cái chết” có liên quan đến một vài nỗi sợ hãi của con người, và được nghiên cứu dưới góc độ lý thuyết tâm lý học về “Kiểm soát nỗi sợ hãi”. Nỗi sợ ở đây có thể tóm lược là: (1) nỗi sợ hãi mất đi người thân yêu, (2) nỗi sợ hãi của việc cơ thể không còn là một thực thể đồng nhất, (3) nỗi sợ rằng cái chết là điểm kết thúc của sự sống, (4) nỗi sợ về sự xấu xa của linh hồn sau khi chết, (5) nỗi sợ một cái chết vô nghĩa, (6) nỗi sợ không biết được điều gì xảy ra sau khi chết. Trên tất thảy, “cái chết thường là một chủ đề quen thuộc và dễ gây tổn thương, cần “những biện pháp bảo vệ bằng ngôn ngữ” để bảo vệ khỏi thực tế tức thời và đáng sợ” [7, tr. 101].

Từ sự hiểu biết mơ hồ về cái chết và quan niệm tránh né nói về cái chết, các học giả đã có cách tiếp cận khác nhau đối với ẩn dụ về cái chết. Trên thực tế, ẩn dụ ý niệm về cái chết lại là chủ đề được đề cập đến trong khá nhiều nghiên cứu bởi nó vừa có đặc điểm là một phạm trù phổ quát, lại vừa phản ánh lối tư duy, tư tưởng, triết học, tôn giáo khác biệt của các dân tộc. Xem xét các công trình của Bert Bultnick [6], Eliecer Crespo Fernández [7], Lakoff và Johnson (1980) [8] và Juana I. Marín Arrese [9] có thể nhận thấy tất cả các công trình này đều đã sử dụng lý thuyết ẩn dụ tri nhận để hiểu được các mối liên hệ cơ bản cấu thành sự đồ chiếu các ý niệm như khởi hành, mất, hành trình, giấc ngủ,… vào nhận thức của chúng ta về cái chết. Các ẩn dụ ý niệm phổ biến nhất về cái chết được tìm thấy trong các nghiên cứu được tóm lược qua 5 phạm trù bao quát: CHẾT LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH, CHẾT LÀ KẾT THÚC, CHẾT LÀ MẤT MÁT, CHẾT LÀ PHẦN THƯỞNG và CÁC ẢNH HƯỞNG SINH LÝ CỦA CÁI CHẾT TƯỢNG TRƯNG CHO CÁI CHẾT, dưới mỗi ẩn dụ trên là những ẩn dụ bậc dưới như CHẾT LÀ SỰ KHỞI HÀNH, CHẾT LÀ SỰ NGHỈ NGƠI,... (Lakoff và Johnson, 2003 [8]; Mark Turner [10]).

Để hình dung đầy đủ và rõ ràng hơn về ẩn dụ ý niệm liên quan đến phạm trù “CÁI CHẾT”, chúng tôi thực hiện khảo sát một phạm trù cụ thể (CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ) để làm rõ hơn về lý thuyết cũng như để thao tác hóa việc phân tích một hiện tượng ẩn dụ ý niệm. Đồng thời, thông qua những phân tích, chúng tôi tìm cách tìm hiểu và diễn giải cách người Việt bản ngữ tri nhận về CÁI CHẾT như thế nào. Dựa vào tư liệu chúng tôi thu thập được từ ba nguồn (mạng Internet, báo chí và tác phẩm văn học), chúng tôi tiến hành nhận diện, phân loại, thống kê các biểu thức ngôn ngữ có chứa ẩn dụ ý niệm về cái chết thông qua ý niệm GIẤC NGỦ; xác định tập hợp các nét thuộc tính đặc trưng thuộc miền nguồn và miền đích trong các mô hình tri nhận, từ đó xác định các điểm tương ứng được kích hoạt trong khung tri nhận; lập sơ đồ chiếu xạ và lý giải các cơ chế chuyển di, sao phỏng các nét thuộc tính giữa hai miền không gian “nguồn”, “đích” trong biểu thức ý niệm; từ đó làm rõ đặc điểm tư duy của người Việt. 

3. Ẩn dụ ý niệm CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ trong tiếng Việt

Từ xưa tới nay, cái chết vẫn luôn là điều khiến cho con người sợ hãi bởi từ trong bản năng, con người thường sợ những cõi xa lạ, hư vô và sợ những nơi mà chưa bao giờ có trải nghiệm. Trong những ý niệm chỉ cái chết, ý niệm GIẤC NGỦ được coi là thể hiện tính cụ thể nhất về cái chết. Để giảm bớt nỗi buồn đau, người Việt thường liên tưởng cái chết với một giấc ngủ, nghỉ ngơi thật sự: chìm vào giấc ngủ dài, nằm xuống, nhắm mắt xuôi tay, yên nghỉ,… Lấy những ý niệm cụ thể của miền nguồn GIẤC NGỦ đồ chiếu sang những ý niệm trừu tượng của miền đích CÁI CHẾT, người Việt đã tri nhận CÁI CHẾT như một GIẤC NGỦ với những đặc điểm tương đồng được phân tích dưới đây.

Có thể nói rằng, tư duy của con người là về trải nghiệm vật lý liên quan đến cái chết tạo nên nền tảng cho một trong những ẩn dụ ý niệm phổ biến nhất về cái chết: CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ. Ở góc nhìn bản thể, chúng ta tìm thấy điểm tương đồng giữa hai thực thể ở miền nguồn và miền đích, cụ thể là giữa “một người ngủ” và “một người chết”. Tư duy về miền nguồn và miền đích diễn tả nhận thức tương ứng giữa “các đặc trưng của giấc ngủ” với “các đặc trưng của cái chết”:

- Thực thể đang ngủ có trạng thái nằm và không nhúc nhích, tương ứng với đặc điểm tĩnh lặng và nằm bất động.

- Thực thể chết cũng có trạng thái nằm và không nhúc nhích, tương ứng với đặc điểm tĩnh lặng và nằm bất động.

Vậy, miền nguồn “giấc ngủ” có thể chứa đựng những nét thuộc tính như: sự nghỉ ngơi, trạng thái nằm, nhắm mắt, bất động,... Các nét thuộc tính này được kích hoạt và chiếu xạ sang miền đích “cái chết”, miền đích thâu nhận có chọn lọc một số nét thuộc tính này để cấu trúc nên ý niệm CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ.

Là một thực thể, thông qua việc tri nhận bằng mắt, hình ảnh người đang ngủ sẽ ở tư thế nằm, tay thả lỏng, nhắm mắt, những đặc điểm này khi liên tưởng tới hình ảnh người chết thì cũng có những nét tương đồng như: không cử động, mắt nhắm nghiền, tay buông xuôi.

- Nhiều người đến lúc nhắm mắt xuôi tay rồi mới nhận ra mình đã quá khắt khe với bản thân, không thể sống trọn một ngày vui vẻ nào, luôn luôn lo lắng, giành giật, đấu tranh, mải miết công danh, cuối cùng thành hư ảo cả (Đại Kỷ Nguyên News, Văn Nhược).

- Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây

Đã vui chơi trong cuộc đời này

Đã bay cao trong vòm trời đầy

Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai

Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời

Ru anh ngủ vùi mùa mưa tới

Trong nghĩa trang này có loài chim thôi!

(Cho một người nằm xuống, Trịnh Công Sơn).

- Anh vẫn nằm im trong cỗ quan tài. Bất động. Lạnh lẽo(Suối nguồn yêu thương, Tâm Chơn).

- Họ nói ngay khi cánh cửa phòng tắm đóng vào, thằng bé đã nhắm mắt lại và đi vào giấc ngủ sâu (https://ione.net/cau-be-bi-ung-thu-trut-hoi-tho-cuoi-khi-nam-cho-me-truoc-cua-phong-tam-3567506.html).

- Vương Ái Hy nhỏ bé vẫn nằm bất động trên mặt đất, hai hàng mi khép lại, che khuất đôi đồng tử trong sáng. Gương mặt thanh nhã đang thả lỏng hết mức, dường như cô đang có một giấc ngủ thật ngon, nhưng không hẳn là vĩnh hằng. (https://truyenfull.vn/bat-duoc-roi-vo-ngoc/chuong-56/).

- Kim Thư nằm, hai cánh tay xuôi đều. Nước da cô bây giờ xanh tái với đôi môi thâm tím. Mắt cô nhắm nghiền như người ngủ với hai hàng mi khép lại (Mặt nạ người chết, Đặng Hoàng Thám).

Ở góc độ tri nhận không gian, một người đang ngủ sẽ đặt trong một không gian xác định, như vị trí, tương quan giữa người đó với những sự vật trong bối cảnh cụ thể xung quanh, chẳng hạn như trên giường, trên sàn nhà, trên mặt đất,… Khi diễn đạt ý niệm CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ, người nói cũng đặt thực thể vào mối liên hệ không gian tương tự.

- Anh kể với cô về miền quê của mình. Kể về một cây ngô đồng đứng đơn độc giữa cánh đồng.

“Sau này khi về cõi, tôi chỉ mong được nằm bên cạnh một cây ngô đồng. Phía xa, ngút ngát là những vườn đào phai…”.

Cô cười, sao anh ước chết sớm thế? Anh còn nhiều nhiều lắm những việc phải làm, những chặng đường phải đi qua. (Có cây ngô đồng, Võ Thị Xuân Hà).

- Chủ tịch nước Trần Đại Quang - nhà lãnh đạo đáng kính, người con ưu tú của quê hương Ninh Bình đã an nghỉ ngàn thu nơi quê nhà. (Quân đội nhân dân, 27.09.2018).

Bên cạnh đó, “cái chết” được tư duy, mô tả giống với hình ảnh một người đang nằm ngủ, nghỉ ngơi, vì là giấc ngủ nên sẽ có lúc phải tỉnh dậy, “cái chết” trong trường hợp này được ý niệm như một “giấc ngủ không tỉnh dậy” nữa:

- Những lúc như thế này tôi muốn mình ngủ một giấc thật dài và không bao giờ phải tỉnh dậy nữa vì tôi biết từ giờ trở đi cuộc sống của tôi sẽ còn không ít những tháng ngày như thế này nữa. (https://ione.net/uoc-gi-duoc-ngu-mot-giac-dai-khong-bao-gio-tinh-day-nua-1949615.html).

Giấc ngủ là sự nghỉ ngơi, trạng thái thư giãn của con người, cái chết được coi như sự nghỉ ngơi, an giấc:

- Anh đã đi vào giấc ngủ thiên thu, nhẹ nhàng, thanh thản (Người lao động, 01.11.2011).

- Chị đã cố gắng nhiều rồi, đau cũng nhiều rồi. Đến lúc chị nghỉ ngơi rồi. Yên nghỉ nhé chị! (Tiền phong, 28.03.2020).

- Mong các đồng chí yên giấc ngàn thu (Tin tức, 30.06.2016).

- Tôi cố tập trung nhìn thầy thật kỹ, gương mặt như đang ngủ, như có một giọt nước mắt nào còn đọng lại giữa hai hàng mi khép kín (Chiếc lá mùa đông, Lữ Công Tâm).

Những biểu thức ẩn dụ được kể trên đây như là những biểu hiện của quá trình đồ chiếu ý niệm từ miền nguồn GIẤC NGỦ sang miền đích CÁI CHẾT theo mô hình:

Miền nguồn                              Miền đích


GIẤC NGỦ                   CÁI CHẾT

Đặc trưng: trạng thái, hoạt động

Mục đích quan trọng bậc nhất của ẩn dụ ý niệm là đưa những ý niệm trừu tượng trở nên xác định và thông dụng thông qua những từ ngữ vẫn thường được dùng cho những ý niệm cụ thể. Ý niệm GIẤC NGỦ có lẽ là một trong những ý niệm cụ thể nhất trong ý thức của con người, bởi việc dễ dàng thụ cảm chúng bằng các giác quan. Với ý niệm CÁI CHẾT, người Việt đã hình thành một cách tri nhận hữu hiệu. Người Việt coi CÁI CHẾT như là GIẤC NGỦ nên được hiểu với ý nghĩa bản chất của nó: là trạng thái với những thuộc tính vật lý nhất định mà con người có thể dùng các giác quan để thụ cảm. Với người Việt, CÁI CHẾT được hiểu thông qua những biểu hiện cụ thể dưới trải nghiệm nghiệm thân, chẳng hạn như trạng thái, hay các biểu hiện của những hoạt động quen thuộc trong cuộc sống,… Bằng quan niệm nghiệm thân, người Việt xem CÁI CHẾT cũng là một trạng thái có thể quan sát, cảm nhận được. CÁI CHẾT với những biểu hiện hiện thực ra bên ngoài như nhắm mắt, bất động,… Xét về bản chất, những biểu hiện của ý niệm CÁI CHẾT này có những tương đồng với ý niệm GIẤC NGỦ. “Sự gặp gỡ” này tạo cơ sở cho những tương đồng để miền ý niệm GIẤC NGỦ thực hiện quá trình đồ chiếu lên miền ý niệm CÁI CHẾT. Những ý niệm cụ thể của miền ý niệm GIẤC  NGỦ đã được miền ý niệm CÁI CHẾT tiếp nhận. Kết quả của quá trình tiếp nhận này là ý niệm trừu tượng CÁI CHẾT đã được cụ thể hóa và trở thành một ý niệm gần gũi.

4. Một số kiến giải ở góc độ văn hóa - xã hội của người Việt trong việc sử dụng biểu thức ngôn ngữ CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ

Toàn nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng đều có thái độ ứng xử nhất định trước vấn đề sống - chết. Thái độ đó có thể là tích cực, xem cái chết như điều hiển nhiên, là quy luật của tạo hóa, tất yếu sẽ xảy ra và lạc quan đón nhận. Bên cạnh đó, cũng có những quan niệm tiêu cực, xem cái chết như là lối thoát duy nhất để giải thoát con người khỏi bế tắc trong cuộc sống, hay xem cái chết là “điều không thể biết”, gây ám ảnh, sợ hãi,… Ngoài ra, trong xã hội Việt Nam có sự tồn tại của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng, do đó, ở các nhóm người theo hoặc không theo các tôn giáo hay tín ngưỡng khác nhau sẽ có thái độ ứng xử, quan niệm khác nhau trước cái chết. Còn một yếu tố không thể không nhắc đến là yếu tố mang tính chất lịch sử, Việt Nam là quốc gia có chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Việc lớp lớp thế hệ người Việt ra chiến trận, chiến đấu và hy sinh đã trở thành niềm tự hào cũng như nỗi bi thương cho cả dân tộc. Chính bởi sự đan xen nhiều yếu tố về văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử, xã hội mà tri nhận của người Việt về cái chết cũng vừa có những nét chung và những nét đặc trưng riêng có, thể hiện qua cách người Việt nói về cái chết, và cụ thể là phản ánh trong biểu thức CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ. Có thể kiến giải lối tư duy của người Việt khi sử dụng miền nguồn GIẤC NGỦ để nói về miền đích CÁI CHẾT như sau:

Thứ nhất, tư duy đón nhận cái chết như một điều tất yếu sẽ xảy ra trong cuộc đời, phản ánh niềm tin theo góc nhìn tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt.

Theo Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo, con người là do Chúa tạo ra và Chúa đã thổi linh hồn vào đó để hoàn thành con người. Chính vì nguồn gốc con người được tạo ra từ đất, nên khi chết, thể xác con người trở về với cát bụi, chỉ có linh hồn do Chúa ban là “không hư, không nát”. Mọi tín đồ Công giáo sẵn sàng đón nhận cái chết, sẵn sàng nhận lệnh khi “Chúa gọi”.

Theo quan niệm của nhà Phật, chết chưa phải là chấm dứt, và sanh cũng không phải là bắt đầu. Cái chết chỉ là một phần trong tiến trình sinh tử, tử sinh. Các thiền sư Việt Nam trong các tác phẩm của mình đã nói rõ quan điểm của mình về sự sống chết “Sinh, lão, bệnh, tử - Tự cổ thường nhiên”. Nghĩa là: Sinh, lão, bệnh, tử - Lẽ thường xưa nay thế. Vì thế, sống và chết là những sự kiện tất nhiên không tránh khỏi của một đời người.

Người Việt được tiếp cận với đa dạng các tôn giáo và ở phạm trù “cái chết”, các tôn giáo diễn giải tương đối tích cực.

Bên cạnh đó, người Việt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và cho rằng trong con người có phần xác và phần hồn, sau khi chết, linh hồn sẽ về nơi “thế giới bên kia” cho nên người Việt Nam rất bình tĩnh yên tâm chờ đón cái chết. Điều này thể hiện ở hành động các cụ già tự mình lo sắm cỗ hậu, rồi lo đến việc nhờ tìm đất rồi xây sinh phần, trong các câu chuyện khi đã cao tuổi thì thường nói đến việc lo toan hậu sự,...

Với tâm thức, niềm tin như vậy, người Việt sử dụng ý niệm GIẤC NGỦ VĨNH HẰNG để nói về cái chết như nơi chốn nghỉ ngơi của con người, như ranh giới khi kết thúc chu trình của cuộc đời này và bắt đầu một chu trình mới ở một thế giới khác.

 Thứ hai, tư duy coi cái chết là việc sẵn sàng hy sinh mạng sống vì lý tưởng.

Có thể nói, trong hoàn cảnh đất nước lâm vào hiểm nguy thì tinh thần quyết tâm giết giặc, không sợ chết của quân dân Đại Việt đã tạo nên sức mạnh ý chí to lớn đem tới chiến thắng lẫy lừng. Hình ảnh của những tấm gương tuẫn tiết có thật trong lịch sử Việt Nam để lại trong sử sách, văn học là sự nối tiếp quan niệm về cái chết được nhìn qua lăng kính đạo đức. Cái chết được người Việt trong lịch sử sử dụng như một biểu tượng của lòng trung thành, cho nhân cách kẻ sĩ. Đến lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta thời hiện đại, các thế hệ người Việt Nam luôn có những đóng góp xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lịch sử, nêu cao tinh thần bất khuất, chí khí anh hùng, lẫm liệt để gìn giữ lý tưởng sống mà họ đã chọn và truyền lại cho nhiều thế hệ thanh niên,… Chính tinh thần, ý chí mạnh mẽ ấy khiến cho việc mô tả cái chết của người lính trở nên rất nhẹ nhàng với minh chứng sử dụng các hình ảnh có chứa thuộc tính của giấc ngủ như “nằm xuống”, “nhắm mắt”, “an giấc,…

Thứ ba, lối tư duy coi cái chết như một phương tiện để giải thoát con người khỏi sự bi quan, đau đớn bệnh tật hoặc sự bế tắc trong cuộc sống hay sự sợ hãi khi đối diện với một phạm trù mơ hồ “không thể biết”.

Đối với một số người, cái chết có thể được coi như là một phương tiện giúp giải thoát khỏi những đau khổ kéo dài, đôi khi kéo theo nó là sự đau ốm và già nua. Vẫn biết rằng, cuộc sống là vốn quý nhưng không phải lúc nào con người cũng yêu thích cuộc sống. Khi quá đau đớn, hay gặp tình trạng tuyệt vọng, khó tìm được lối thoát hoặc dường như không thể chịu đựng nổi việc tiếp tục cuộc sống thực tại, con người ta có xu hướng muốn rời bỏ nó. Việc sử dụng biểu thức ngôn ngữ CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ thể hiện quan niệm coi đó là giải pháp bình an giúp con người tìm đến sự nghỉ ngơi, không còn căng thẳng, mệt mỏi, đau khổ về thể xác hay tinh thần.

5. Kết luận

Thông qua việc làm rõ ý niệm về cái chết trong ẩn dụ CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ, bài viết đã chỉ ra cơ chế ánh xạ, sao phỏng, chỉ ra con đường chuyển di các nét thuộc tính giữa hai miền không gian nguồn và đích trong mô hình ẩn dụ ý niệm nêu trên. Có thể khẳng định rằng, nhận thức về cái chết, các vấn đề liên quan đến cái chết đều xuất phát từ những tri thức nền, được xác lập từ cơ sở trải nghiệm thực tiễn và đặc trưng của miền nguồn GIẤC NGỦ như nằm, xuôi tay, nhắm mắt,... Từ sự giải mã cơ chế hình thành ẩn dụ và cơ chế chiếu xạ trong ẩn dụ có miền đích “cái chết”, có thể thấy tư duy của người Việt khi mã hóa cái chết là một sự nghỉ ngơi, buông xuôi với những đặc điểm vật lý đặc trưng như tư thế nằm, bất động, nhắm mắt,… được hình thành bởi những tương liên trong kinh nghiệm và kiến thức có sẵn về “giấc ngủ” trong một khung tri nhận mang tính phổ quát. Đồng thời, cách tư duy, tri nhận, cách lựa chọn sự vật, hiện tượng này để ý niệm hóa cũng phản ánh đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử, xã hội của người Việt. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trần Văn Cơ, Khảo luận ẩn dụ tri nhận, Nxb. Lao động Xã hội, Tp. Hồ Chí Minh, 2009.

[2] Lê Thị Cúc, Tìm hiểu phạm trù sống - chết, Website Đại học Thái Nguyên: http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/374-Tim-hieu-pham-tru-song-chet, 2013.

[3] Phan Văn Hòa, Nguyễn Thị Tú Trinh, Khảo sát ẩn dụ ý niệm về cuộc đời, cái chết và thời gian trong thơ ca tiếng Anh và tiếng Việt, Tạp chí Khoa học và công nghệ Đại học Đà Nẵng, số 5(40), tr. 106 - 113, 2010.

[4] Giuse Trần Công Hường, Vấn đề sự chết: Góc nhìn và quan niệm, website Đại chủng viện thánh Phanxico Savier: https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Triet-Hoc/Van-De-Su-Chet-Cach-Nhin-Va-Quan-Niem.html, 2019.

[5] Trần Nhật Thu, Cái chết từ góc nhìn phân tâm học - hiện sinh (qua một số truyện ngắn Việt Nam đương đại), Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 3, tr.57-64, 2016.

[6] Bultnick, Bert, Metaphors We Die By: Conceptualizations of Death in English and their Implications for the Theory of Metaphor, Universiteit Antwerpen, Antwerpen, 1998.

[7] Crespo Fernández, Eliecer, The Language of Death: Euphemism and Conceptual Metaphorization in Victorian Obituaries, SKY Journal of Linguistics, Vol. 19, pp. 101-130, 2006.

[8] Lakoff, George and Mark Johnson, Metaphors We Live By, The University of Chicago Press, London, 1980, 2003.

[9] Marín Arrese, Juana I., To die, to sleep - A contrastive study of metaphors for death and dying in English and Spanish, Language Sciences, Vol. 18 (1-2), pp. 37-52, 1996.

[10] Turner, Mark, Death is the Mother of Beauty, Mind, Metaphor, Criticism, Cybereditions, 2000.

[11] https://phucamtoanven.com/su-chet-giac-ngu-trong-kinh-thanh/.

 

PHẠM THỊ XUÂN HÀ