VIỆN TỪ ĐIỂN HỌC VÀ BÁCH KHOA THƯ VIỆT NAM VỚI VIỆC BIÊN TẬP BÁCH KHOA TOÀN THƯ VIỆT NAM

07/12/2023

Tóm tắt: Với yêu cầu: “toàn diện”, “chính xác” và “cập nhật” về kênh chữ, kênh hình và kỹ thuật, biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam là một khâu rất quan trọng nhằm kiểm tra những sai sót, góp ý kiến với tác giả, đề xuất phương án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng của bản thảo. Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có thể thực hiện được việc biên tập công trình nói trên, với điều kiện phải chuẩn bị tâm thế thực hiện công việc khá phức tạp này, đặc biệt là tri thức, cách thức biên tập, sự mẫn cảm và trải nghiệm.

Từ khóa: Bách khoa toàn thư Việt Nam, biên soạn, biên tập, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.

Abstract: With the requirements, including: “comprehensiveness”, “accuracy” and “update”, about text, visual and technical contents, the edition of the Vietnam Encyclopedia is a very important work in order to check errors, give comments to authors, propose plans to correct, and improve the quality of the manuscript. Vietnam Institute of Lexicography and Encyclopedia can meet these requirements, provided that they must have enough knowledge, editing methods, sensitivity and experiences.

Keywords: Vietnam Encyclopedia, compilation, edition, Vietnam Institute of Lexicography and Encyclopedia.

1. Mở đầu

Bách khoa toàn thư Việt Nam (BKTTVN) là một công trình cỡ lớn, loại tổng hợp (gồm nhiều chuyên ngành), là loại sách tra cứu đồng thời là loại sách dùng để phổ biến tri thức và tự học, đáp ứng đối tượng độc giả rộng rãi có nhu cầu tra cứu đa dạng. Đây là một công trình phức tạp, đa dạng về tri thức, nhiều chủ đề và có cấu trúc liên kết chặt chẽ, lại có yêu cầu rất cao về nội dung khoa học và cách thể hiện. Vì vậy, người biên tập phải xác định rõ những yêu cầu chuyên môn và cả điều kiện, khả năng thực tế,… khi bắt tay xử lý bản thảo, trước hết từ góc nhìn của độc giả thứ nhất. Do có rất đông người biên soạn (số lượng hàng nghìn người), thuộc các chuyên ngành khác nhau, có thể nhiều phong cách, biên soạn trong nhiều năm,… nên khâu biên tập bản thảo bộ sách này phải đặc biệt chú ý, để có tính chuẩn mực tương đối và sự thống nhất trước khi công bố.

Bài viết này bàn về 2 nội dung: yêu cầu biên tập bản thảo BKTTVN; khả năng của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam tham gia vào công việc này, với tư cách những biên tập viên.

2. Những yêu cầu trong biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam

2.1. Khái quát về Bách khoa toàn thư Việt Nam

Theo dự kiến, BKTTVN gồm 39 quyển (39 Ban biên soạn): 1. Toán học, Cơ học; 2. Vật lý học, Thiên văn học; 3. Hóa học, Công nghệ Hóa học; 4. Sinh học, Công nghệ Sinh học; 5. Địa chất học, Môi trường; 6. Địa lý học, Địa lý Thế giới; 7. Địa lý Việt Nam, Địa chính; 8. Công nghệ Thông tin; 9. Nông nghiệp, Thủy lợi; 10. Lâm nghiệp, Ngư nghiệp; 11. Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học; 12. Y học, Dược học; 13. Điện, Điện tử - Viễn thông, Tự động hóa; 14. Xây dựng, Công nghệ Vật liệu; 15. Giao thông, Vận tải; 16. Cơ khí, Mỏ, Luyện kim; 17. Công nghiệp nhẹ; 18. Văn học; 19. Ngôn ngữ, Hán Nôm; 20. Văn hóa Dân gian; 21. Lịch sử Việt Nam; 22. Lịch sử Thế giới; 23. Khảo cổ học, Dân tộc học - Nhân học; 24. Kinh tế; 25. Tài chính, Ngân hàng, Tiền tệ; 26. Triết học; 27. Tôn giáo, Xã hội học; 28. Chính trị, Ngoại giao, Tổ chức; 29. Quốc phòng; 30. Luật học; 31a. Tâm lý học; 31b. Giáo dục học; 32. Thông tin, Báo chí, Xuất bản, Thư viện, Bảo tàng, Lưu trữ; 33a. Âm nhạc, Nghệ thuật múa; 33b. Sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh; 34. Mỹ thuật, Kiến trúc; 35. Du lịch, Thể dục Thể thao, Ẩm thực, Trang phục; 36. An ninh; 37. Sách dẫn (Index).

BKTTVN có mục đích giới thiệu những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ Việt Nam; những tri thức văn hóa, khoa học công nghệ của thế giới - những tri thức cần cho độc giả Việt Nam.

Yêu cầu đối với BKTTVN:

- Khoa học, cơ bản, hiện đại, Việt Nam.

- Súc tích, chuẩn mực, hấp dẫn; có hệ thống; ngôn ngữ trong sáng.

- Theo quan điểm và pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

2.2. Biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam và nhiệm vụ của các biên tập viên

2.2.1. Biên tập và biên tập viên

 “Biên tập” là kiểm tra những sai sót, góp ý kiến với tác giả, đề xuất phương án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng của bản thảo.

Phạm vi biên tập: văn bản, kênh hình và kỹ thuật.

a. Văn bản: bản viết (hoặc nói, còn gọi là “phần lời”).

b. Hình - hình ảnh: toàn thể những đường nét giới hạn về người, vật, cảnh tượng.

c. Kỹ thuật: sự xếp đặt, trình bày, bố trí.

“Biên tập viên” là người làm công tác biên tập. Tiêu chuẩn chung của thành viên các Hội đồng biên tập BKTTVN đã được xác định như sau:

Về chính trị, đạo đức:

1) Nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành các quy định của tổ chức.

2) Luôn nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, thường xuyên cập nhật cái mới, trung thành với mục đích, tôn chỉ chung, tôn trọng người đọc, tiếp cận các kiến thức liên quan.

Về trình độ chuyên môn:

1) Có kiến thức rộng, nhất là kiến thức chuyên ngành, đồng thời có trình độ tri thức thích hợp, hiểu biết nhất định về nội dung các mục có đặc điểm chung (hoặc giáp ranh) trong hệ thống phân loại, phân lớp tri thức của từng ngành khoa học. Có kiến thức chung về từ điển học và bách khoa thư học, về đặc thù của BKTTVN, về cấu trúc vĩ mô và vi mô trong BKTTVN.

2) Nắm vững nội dung trong “Tài liệu hướng dẫn biên soạn BKTTVN”, “Cẩm nang biên soạn các quyển theo ngành BKTTVN” và “Quy định biên tập bộ BKTTVN”.

3) Có khả năng làm việc độc lập, biết khái quát, trình bày, lập luận khúc chiết, mạch lạc, giao tiếp tốt với tác giả. Cần biết ít nhất một ngoại ngữ, nhất là khi biên tập phần phiên chuyển tên riêng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Về kinh nghiệm biên tập:

1) Có khả năng tiếp cận bản thảo của chuyên ngành/ngành được phân công biên tập.

  2) Có nghiệp vụ biên tập, kỹ năng biên tập cần thiết và kinh nghiệm trong biên tập, trang bị kiến thức “nhiều trong một”, có năng lực đọc và xử lý bản thảo, nắm được kỹ thuật và công nghệ xử lý văn bản và có thẩm mỹ.

2.2.2. Nhiệm vụ của các biên tập viên

1/ Biên tập văn bản

Đối với bảng đầu mục:

Kiểm tra: Các đầu mục có theo đúng bảng đầu mục đã được phê duyệt hay không, có theo phân loại hệ thống không, có theo đúng tỉ lệ tri thức, tỉ lệ mục trong từng ngành không. Có sự phân biệt các loại mục: mục thuật ngữ, mục tổ chức, mục nhân vật, mục sự kiện, mục địa danh, mục khái niệm,… hay không. Tên đầu mục có đạt tiêu chuẩn khái quát, là cụm từ chuẩn xác và đơn nghĩa, đơn giản về cấu trúc và thông dụng (khoảng 3 - 5 tiếng), làm tiêu đề cho cả mục, là chìa khóa, tiện cho độc giả tìm kiếm tra cứu không. Có các mục trùng lặp và liên ngành không.

Đối với phần cung cấp thông tin:

Kiểm tra: Nội dung thông tin có theo sát với đầu mục không, có đầy đủ các thành phần theo đề cương biên soạn: giải thích định tính; giải thích nguồn gốc tên đầu mục; giải thích ngọn nguồn; trình bày nội dung cơ bản của tri thức; có trích dẫn đúng và đầy đủ, rõ ý theo các tài liệu liên quan; hình, tranh,...; thư mục tham khảo hay không. Các mục có đạt tiêu chuẩn là đơn nguyên tri thức cơ bản nhằm giới thiệu có hệ thống và hoàn chỉnh một chủ đề tri thức hoặc một khái niệm hay không. Tri thức có đảm bảo toàn diện, đầy đủ, rõ ràng, chuẩn xác và cập nhật hay không; hình và chữ có đúng khớp hay không. Các mục có đảm bảo chuẩn xác, thời sự, chính trị, đồng thời đáng tin cậy, khách quan, có thể kiểm chứng hay không.

Ngoài ra, cần xem những tri thức có đảm bảo theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, đặc biệt về những vấn đề chế độ chính trị, dân tộc, dân chủ và an ninh quốc gia; tuân thủ pháp luật; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị xã hội,...; theo phong tục tập quán Việt Nam và các thông lệ thế giới hay không.

2/ Biên tập hình ảnh

Kiểm tra: Hình có đa dạng, đúng chỗ và chính xác, và phối hợp hài hòa, góp phần hỗ trợ làm sáng tỏ cho phần chữ, minh họa cho nội dung hay không. Lời chú thích, ký hiệu,... nhất quán với hình không. Hệ thống hình ảnh có được chọn lọc theo các chủ đề, ví dụ hình nhân vật; di tích lịch sử - văn hóa; thắng cảnh; bản đồ; các hình ảnh về sinh vật; tác phẩm;… có đạt những yêu cầu sau: chính xác, diễn cảm (nghệ thuật) và thời sự hay không. Các bản đồ có theo các tiêu chí về độ chính xác, tỉ lệ, nguồn; các sơ đồ, biểu bảng có chính xác theo chuyên môn ngành hay không.

Ngoài ra, cần xem những hình ảnh có tính văn hóa, tính tri thức, tính tư tưởng, tính nghệ thuật không, có nằm trong một thể thống nhất, đặc biệt đối với mục đồng loại, đồng cấp, có tính đại diện và đặc trưng, có giá trị lưu niệm hoặc giá trị văn hóa không. Các hình vẽ, đồ hoạ, ảnh chụp,... có rõ nét, gây hứng thú cho người đọc, đạt được tính nghệ thuật cao; có kích cỡ hợp lý, dễ hình dung toàn cảnh không. Các hình ảnh lịch sử hoặc nghệ thuật có chú thích đầy đủ về nguồn, nơi tồn giữ hay không.

3/ Biên tập kỹ thuật

Kiểm tra: Đầu mục có được viết đúng với cách viết theo quy định không. Các mục có được sắp xếp theo trật tự chữ cái ABC kết hợp với phân loại khoa học theo kết cấu tầng bậc, trong từng quyển hay không. Các thành phần: tên đầu mục, lời, thư mục tham khảo, tên tác giả, chuyển chú, hình ảnh có được xếp đặt đúng vị trí hay không. Có theo đúng quy định về cách trích dẫn; thư mục tham khảo; chữ, phông (font) chữ, cỡ chữ; viết tắt; viết hoa; thể hiện các từ ngữ có yếu tố địa phương, dân tộc thiểu số, nước ngoài; thuật ngữ; chữ số; kênh chữ xuất hiện kèm trong kênh hình; văn phong, lối diễn đạt, từ ngữ, câu, chính tả;… hay không.

Tóm lại các biên tập viên cần phải:

- Kiểm tra những sai sót, góp ý kiến với tác giả đối với bảng đầu mục chung của cả công trình BKTTVN, từng quyển cũng như phần mục đang biên tập. Kiểm tra những thông tin trong mỗi mục: bắt đầu từ việc định nghĩa chung, sau đó là sự miêu tả theo thứ tự nhất định các mặt khác nhau về sự vật, hiện tượng được đề cập đến. Nội dung mục phải là những tri thức cơ bản, phổ biến, quan trọng. Các nội dung tri thức phải được cập nhật thường xuyên nhưng phải đảm bảo ổn định tương đối và khoa học. Đây là loại ấn phẩm không được có những tri thức sai, chưa được kiểm chứng và chưa được công nhận.

- Kiểm tra những sai sót, góp ý kiến với tác giả đối với các hình minh họa, hình chân dung, bản đồ, sơ đồ, bảng biểu,…; cả lời giải thích, làm rõ cho phần hình.

- Kiểm tra những sai sót, góp ý kiến với tác giả về sự xếp đặt, trình bày, bố trí cho đúng quy cách, quy định, phù hợp với những yêu cầu về phương tiện và tư liệu tạo nên bản thảo công trình. Cụ thể là: cách trình bày (trình tự thông tin, kiểu chữ và số,...); ngôn ngữ (từ ngữ, ngữ pháp, chính tả, phiên chuyển, văn phong,...); số liệu; tên tác giả biên soạn; tài liệu tham khảo; chuyển chú; trình bày hình ảnh;…

Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện có sai sót, cần có yêu cầu hoặc thảo luận để làm rõ, đồng thời có hướng chỉnh lý và có thể nêu rõ ai là người chịu trách nhiệm xử lý yêu cầu của người biên tập: tác giả/các tác giả của mục, hay bộ phận kỹ thuật. Ở khâu này, biên tập viên cần biết khái quát, trình bày và lập luận khúc chiết, mạch lạc, tạo nên “tiếng nói chung” và trạng thái giao tiếp tốt với các tác giả. Những yêu cầu như vậy không chỉ đòi hỏi người biên tập có cơ sở lý luận về bách khoa thư, sự am hiểu kỹ lưỡng về công trình và nhiệm vụ biên tập, mà còn sự tỉ mỉ và bản lĩnh, thậm chí cả nghệ thuật ứng xử.

3. Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam với nhiệm vụ biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (Vietnam Institute of Lexicography and Encyclopedia - VIOLE) có tên trong cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) theo Nghị định số 53/2008/NĐ-CP ký ngày 22.4.2008 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thành lập Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (Viện) được thể hiện cụ thể trong quyết định số 825/QĐ-KHXH ký ngày 31.7.2008 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Hai bộ phận chính hình thành Viện, như tên gọi, là “từ điển học” (chuyên nghiên cứu và tổ chức biên soạn các loại từ điển) và “bách khoa thư” (chuyên nghiên cứu và tổ chức biên soạn các công trình bách khoa - bách khoa thư). Các phòng chuyên môn hiện nay: Phòng Từ điển Ngôn ngữ; Phòng Từ điển Chuyên ngành và Thuật ngữ; Phòng Bách khoa thư Tổng hợp; Phòng Bách khoa thư Chuyên ngành; Phòng Bách khoa thư Địa phương.

Trong số những viên chức của Viện, có nhiều người đã và đang trực tiếp biên soạn tập này hay tập khác trong BKTTVN.

Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, được thành lập từ năm 2009, là cơ quan ngôn luận của Viện; là diễn đàn khoa học về từ điển học và bách khoa thư học trong nước và quốc tế; là nơi đăng tải các bài viết, công trình nghiên cứu về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, biên soạn, biên tập từ điển và bách khoa thư và các chuyên ngành liên quan,…

Chức năng

Theo quy định, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về từ điển học và bách khoa thư học; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tổ chức nghiên cứu, biên soạn, biên tập từ điển và bách khoa thư; thẩm định, tư vấn khoa học và tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong nước và quốc tế về từ điển học và bách khoa thư học.

Nhiệm vụ và quyền hạn

Theo quy định, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn: nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn về từ điển học và bách khoa thư học; tổ chức biên soạn, biên tập các công trình từ điển và bách khoa thư; hợp tác đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia về từ điển học và bách khoa thư học; tham gia đào tạo đại học, sau đại học, phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và theo yêu cầu của các tổ chức khác ở trong nước và ngoài nước; tham gia tư vấn và phản biện khoa học các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo sự phân công, chỉ đạo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và theo nhu cầu của các bộ, ban, ngành, địa phương; phát triển mạng lưới cộng tác viên là các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học; thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo với các tổ chức, cá nhân, các viện nghiên cứu, các trường đại học; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế nhằm trao đổi học thuật;...

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam hiện nay có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn về chuyên môn nghiên cứu và tổ chức biên soạn các công trình tra cứu nói chung và công trình bách khoa nói riêng. Sự thành lập Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đồng thời với việc triển khai biên soạn công trình BKTTVN. Có thể nói: đây vốn là một trong những lý do tồn tại của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam hiện nay.

Công việc biên tập BKTTVN với Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có khả thi không? Trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã trưởng thành, với nhiều chương trình, đề tài, nhiệm vụ đã được nghiên cứu và biên soạn và đã hoàn thành, đã có một đội ngũ chuyên nghiệp có thể đảm nhận công việc với tư cách những biên tập viên của BKTTVN.

4. Kết luận

Với mục đích kiểm định tri thức và cách thể hiện, điểm cần được đặc biệt chú ý trong biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam là yêu cầu đối với bản thảo: “toàn diện”, “chính xác” và “cập nhật”. Người biên tập cần hiểu rõ và thống nhất được các yêu cầu này, từ khi bắt đầu tới khi hoàn thiện bản thảo. Phương pháp trong giai đoạn biên tập và hoàn thiện bản thảo là so sánh, đối chiếu, kiểm tra những kết quả biên soạn, với những tiêu chí, các quy cách và những yêu cầu về nội dung đã được xác định trong Thể lệ.

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có thể thực hiện được việc biên tập công trình nói trên, với điều kiện: Họ phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thực hiện công việc khá phức tạp (biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam) này, trước hết là ý thức công việc và sự vận dụng thực hành. Cũng như đối với việc biên tập bất kỳ công trình tra cứu nào, các biên tập viên phải được trang bị các kiến thức chung về Từ điển học và Bách khoa thư học, nắm được đặc thù của dòng sách đặc biệt này, nắm được kiến thức chung về cấu trúc vĩ mô và vi mô của cả bộ BTTTVN cũng như của từng quyển biên tập. Kết hợp với điều này là sự mẫn cảm và trải nghiệm. Tất nhiên, đây là những yêu cầu rất cao đối với các biên tập viên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Công ty Cổ phần Sách dịch và Từ điển Giáo dục, Thể lệ biên tập Bách khoa toàn thư Britannica, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.

[2] Vũ Quang Hào, Kiểm kê Từ điển học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005.

[3] Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Đề cương và thể lệ biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, lưu hành nội bộ, 2004.

[4] Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Quy tắc chính tả tiếng Việt và phiên chuyển tiếng nước ngoài, lưu hành nội bộ, 2000.

[5] Hà Học Trạc, Lịch sử - Lý luận và thực tiễn biên soạn Bách khoa toàn thư, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2004.

[6] Hartmann, R. R. K., and Gregory James, Dictionary of Lexicography, Routledge, London and New York, 1998.

[7] Антонова С. Г., Васильев В. И., Редакторская подготовка изданий: Учебник, Издательство МГУП, М., 2002.

[8] Винокуров Д. И., Методика подготовки отраслевой энциклопедии: Опыт создания медицинских энциклопедий, Советская энциклопедия, М., 1968.

 

 

TẠ VĂN THÔNG