VIỆC CHUYỂN DỊCH CỤM TỪ BỐN CHỮ TIẾNG TRUNG SANG TIẾNG VIỆT (QUA BẢN GỐC VÀ BẢN DỊCH HỒNG LÂU MỘNG)

07/12/2023
Tóm tắt: Cụm từ bốn chữ (四字格) là một hiện tượng ngôn ngữ độc đáo trong tiếng Trung. Đó là những cụm từ cố định như thành ngữ, hoặc cụm từ không cố định ghép lại với nhau. Cụm từ bốn chữ trong tiếng Trung có các chức năng khác nhau và là một thành phần quan trọng cấu tạo nên câu. Trong bài viết này, chúng tôi vận dụng lý thuyết văn hóa ngôn ngữ của Shen Xiaolong (申小龙) và kết hợp những kiến thức mà chúng tôi tích lũy được để đối chiếu việc chuyển dịch các cụm từ bốn chữ tiếng Trung sang tiếng Việt qua bản gốc và bản dịch Hồng lâu mộng. Kết quả khảo sát cho thấy, cụm từ bốn chữ tiếng Trung khi dịch sang tiếng Việt có thể vẫn giữ nguyên kết cấu bốn chữ hoặc bị phá vỡ kết cấu, có thể là dịch rút gọn (ít hơn bốn) hoặc dịch ý (nhiều hơn bốn). Trên cơ sở đó, chúng tôi tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa tiếng Trung và tiếng Việt, đồng thời đề xuất thêm hướng nhìn mới cho cách dịch tiếng Trung sang tiếng Việt.

Tóm tắt: Cụm từ bốn chữ (四字格) là một hiện tượng ngôn ngữ độc đáo trong tiếng Trung. Đó là những cụm từ cố định như thành ngữ, hoặc cụm từ không cố định ghép lại với nhau. Cụm từ bốn chữ trong tiếng Trung có các chức năng khác nhau và là một thành phần quan trọng cấu tạo nên câu. Trong bài viết này, chúng tôi vận dụng lý thuyết văn hóa ngôn ngữ của Shen Xiaolong (申小龙) và kết hợp những kiến thức mà chúng tôi tích lũy được để đối chiếu việc chuyển dịch các cụm từ bốn chữ tiếng Trung sang tiếng Việt qua bản gốc và bản dịch Hồng lâu mộng. Kết quả khảo sát cho thấy, cụm từ bốn chữ tiếng Trung khi dịch sang tiếng Việt có thể vẫn giữ nguyên kết cấu bốn chữ hoặc bị phá vỡ kết cấu, có thể là dịch rút gọn (ít hơn bốn) hoặc dịch ý (nhiều hơn bốn). Trên cơ sở đó, chúng tôi tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa tiếng Trung và tiếng Việt, đồng thời đề xuất thêm hướng nhìn mới cho cách dịch tiếng Trung sang tiếng Việt.

Từ khóa: Cụm từ bốn chữ tiếng Trung, văn hóa ngôn ngữ, phiên dịch, đối chiếu, so sánh.

Abstract: The four-letter phrases (四字格) is a unique linguistic phenomenon in Chinese. These can be the fixed phrases such as idioms, or unfixed phrases put together. The Chinese four-letter phrases have different functions and are an important component of a sentence. In this article, we apply the linguistic culture theory of Shen Xiaolong (申小龙) and combine the knowledge that we have accumulated to contrast the translation of Chinese four-letter phrases into Vietnamese through the original and translation of the Dream of Red Mansions. The survey results show that the Chinese four-letter phrases that are translated into Vietnamese may retain their four-letter structure or have their structure broken (more or less than four letters). On these bases, we find out the similarities and differences between Chinese and Vietnamese, and propose a new perspective on how to translate Chinese into Vietnamese.

Keywords: Chinese four-letter phrases, language culture, translation, contrast, comparison.

 

1. Đặt vấn đề

Cụm từ bốn chữ (四字格), còn được gọi là cấu trúc bốn ký tự, là một hiện tượng ngôn ngữ độc đáo trong tiếng Trung. Đặc điểm của nó là ngắn gọn và súc tích, gọn gàng và cân đối, hài hòa và giàu nội hàm. Cụm từ bốn chữ trong tiếng Trung có thể là những cụm từ cố định như thành ngữ, chẳng hạn như 安居乐业 (an cư lạc nghiệp), 井底之蛙 (ếch ngồi đáy giếng),... hoặc các cụm từ không cố định được liên kết với nhau tạo thành cụm từ bốn chữ, chúng có các chức năng khác nhau và cũng là một thành phần quan trọng cấu tạo nên câu.

Trong bài viết này, chúng tôi vận dụng lý thuyết văn hóa ngôn ngữ của Shen Xiaolong (申小龙), kết hợp những kiến thức mà chúng tôi tích lũy được để tiến hành thống kê cụm từ bốn chữ tiếng Trung và bản dịch tiếng Việt trong 20 hồi đầu tiên trong Hồng Lâu Mộng bản gốc và bản dịch của nhóm dịch giả Vũ Bội Hoàng. Sau đó đối chiếu việc chuyển dịch các cụm từ bốn chữ tiếng Trung sang tiếng Việt. Kết quả khảo sát cho thấy, các cụm từ bốn chữ tiếng Trung có sáu chức năng khác nhau. Một số cụm từ khi dịch sang tiếng Việt còn giữ nguyên kết cấu, nhiều cụm từ khi dịch sang tiếng Việt bị phá vỡ kết cấu, không còn là cụm từ bốn chữ nữa, có thể là dịch rút gọn (ít hơn bốn chữ) hoặc dịch tăng thêm (nhiều hơn bốn chữ). Mục đích của chúng tôi là tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa tiếng Trung và tiếng Việt, đồng thời đề xuất thêm hướng nhìn mới cho cách dịch tiếng Trung sang tiếng Việt.

2. Một số vấn đề lý thuyết

2.1. Lý thuyết về ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu

Ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu là một chuyên ngành (phân ngành) của ngôn ngữ học, sử dụng việc so sánh đối chiếu để tìm ra sự giống và khác nhau giữa các ngôn ngữ được so sánh. Chúng ta có thể tiến hành (1) đối chiếu ngữ âm; (2) đối chiếu từ vựng; (3) đối chiếu ngữ pháp; (4) đối chiếu ngữ dụng. Mục đích của so sánh đối chiếu là tìm ra những điểm đồng nhất và khác biệt của những cái tương đương trong hai ngôn ngữ.

2.2. Lý thuyết văn hóa ngôn ngữ của Shen Xiaolong

Nhà ngôn ngữ học Trung Quốc Shen Xiaolong đã có công trình nghiên cứu về văn hóa câu Trung Quốc, được xuất bản tại Trung Quốc vào năm 1988. Theo ông, do tính giống nhau của ngôn ngữ loài người, vì vậy kết cấu của tiếng Trung cũng có những kết cấu giống với ngôn ngữ phương Tây. Sự giống nhau chỉ tồn tại ở kết cấu cụm từ. Khi đi vào trong câu, tức là đơn vị giao tiếp ngôn ngữ dân tộc cơ bản, tiếng Trung sẽ thể hiện đậm nét phong cách dân tộc. Đây chính là điểm khác biệt mà ngôn ngữ phương Tây không thể bao trùm được. Ngôn ngữ phương Tây đại đa số có thể thấy được quan hệ cấu tạo tầng bậc giữa các thành phần của câu từ hình thức của câu, chỉ cần nắm được từ loại và tầng bậc là có thể hiểu được quan hệ kết cấu. Tiếng Trung là ngôn ngữ không biến đổi hình thái. Vì vậy, văn hóa câu Trung Quốc không giống với ngôn ngữ phương Tây. Để hiểu được câu tiếng Trung cần phải hiểu được chức năng và kết cấu của câu. [5, tr. 93]

2.3. Cụm từ bốn chữ - định nghĩa, đặc điểm, phân loại

Shen Xiaolong cho rằng, cụm từ bốn chữ tiếng Trung là một hình thức điển hình được sắp xếp trong câu. Cụm từ bốn chữ là sự kết hợp độc đáo, có thể vừa biểu đạt ý vừa biểu đạt nhịp điệu. Nó có các chức năng khác nhau như miêu tả, bình luận, biểu đạt hành động và là một thành phần vô cùng quan trọng trong câu cần được coi trọng. Nghiên cứu cụm từ bốn chữ có thể hiểu sâu hơn về văn hóa biểu đạt ý và biểu đạt nhịp điệu của câu tiếng Trung, đồng thời mở rộng được hướng nghiên cứu mới trong văn hóa câu tiếng Trung.

Wang Ceng Qi (汪曾祺) [9, tr. 41-42] đã từng phát hiện rằng cụm từ bốn chữ là một trong những đặc điểm của ngôn ngữ Trung Quốc. Sử dụng cụm từ bốn chữ không chỉ giúp cho văn bản có vị Trung Quốc, hơn nữa thường xuyên sử dụng cụm từ bốn chữ sẽ giúp cho cách nói tự nhiên trở nên ngắn gọn súc tích hơn, và có vẻ huyền bí hơn. Đồng thời dùng các cụm từ bốn chữ liền nhau có thể lược bỏ được việc sử dụng các từ quan hệ như liên từ, giới từ, thậm chí lược bỏ cả chủ ngữ, giúp cho câu văn được liên kết xâu chuỗi các sự việc với nhau rõ nghĩa hơn, tiết tấu được thông suốt rõ ràng hơn.

Căn cứ vào chức năng của cụm từ bốn chữ trong tiếng Trung, Shen Xiaolong phân loại như sau [7, tr. 97-105+2]:

(1) Cụm từ bốn chữ có chức năng biểu đạt chủ đề.

(2) Cụm từ bốn chữ có chức năng bình luận.

(3) Cụm từ bốn chữ có chức năng biểu đạt hành động.

(4) Cụm từ bốn chữ có chức năng miêu tả.

(5) Cụm từ bốn chữ có chức năng tu từ.

(6) Cụm từ bốn chữ có chức năng biểu đạt ngữ cảnh.

Trong các ví dụ của bài viết này, chúng tôi sẽ gạch chân vào các cụm từ bốn chữ tiếng Trung và bản dịch tiếng Việt tương đương.

3. Đối chiếu cụm từ bốn chữ trong tiếng Trung và tiếng Việt (qua bản gốc và bản dịch tác phẩm Hồng Lâu Mộng)

3.1. Sơ lược về bản gốc và bản dịch Hồng Lâu Mộng

Chúng tôi chọn bản gốc tiếng Trung của tác phẩm Hồng Lâu Mộng là bản 80 hồi của Nhà xuất bản Văn học Nhân dân Bắc Kinh năm 1958. Đồng thời chúng tôi chọn bản dịch của nhóm dịch giả Vũ Bội Hoàng, Nhà xuất bản Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh năm 1989, đây là bản dịch được dịch từ bản tiếng Trung 80 hồi, Nhà xuất bản Văn học Nhân dân Bắc Kinh năm 1958 [10, tr. 46-67]. Chúng tôi chọn bản dịch này vì đây là bản dịch được sử dụng rộng rãi nhất tại Việt Nam hiện nay, đồng thời đảm bảo ba tiêu chí “tín, đạt, nhã”. Dịch giả là người thông thạo văn hóa và ngôn ngữ của cả Việt Nam và Trung Quốc. Điều đáng nói là trong nhóm dịch thuật, có Nguyễn Đức Vân đã từng tham gia dịch cuốn tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí - là cuốn tiểu thuyết lớn của Việt Nam.

3.2. Cụm từ bốn chữ trong bản tiếng Trung

Chúng tôi tiến hành khảo sát cụm từ bốn chữ trong 20 hồi đầu tiên của Hồng Lâu Mộng và phân loại dựa trên chức năng của cụm từ bốn chữ tiếng Trung như sau:

Loại 1: Cụm từ bốn chữ có chức năng biểu đạt ngữ cảnh thường dễ nhận dạng vì chúng thường đứng đầu câu hoặc vế câu, có chức năng dẫn ra ngữ cảnh, có một số từ đứng sau các từ thoại đầu “忽听”, “只听” và có kết cấu “xx 一声” hoặc “一声xx”,... Ví dụ:

(1) 忽听唿的一声帘子响,晴雯又跑进来问道

(Chợt nghe tiếng rèm “xoạt” một cái, Tình Văn chạy vào hỏi).

Loại 2: Cụm từ bốn chữ có chức năng miêu tả là các cụm từ miêu tả về người hoặc sự vật bằng ngôn ngữ sống động. Các cụm từ bốn chữ vừa ngắn gọn, súc tích mà ý nghĩa lại đầy đủ và phong phú. Trong cùng một câu có thể có một hoặc nhiều cụm từ bốn chữ. Ví dụ:

(2) 雨村听了,如雷震一惊,方想起往事。

(Vũ Thôn nghe xong, như sét đánh bên tai, mới nghĩ đến việc trước).

Loại 3: Cụm từ bốn chữ có chức năng biểu đạt chủ đề thường biểu thị chủ đề của câu nói, phía sau phần chủ đề thông thường là các từ hoặc cụm từ có chức năng bình luận, đánh giá về chủ đề đó. Chủ đề của câu thường do các cụm danh từ đảm nhiệm. Ví dụ:

(3) 其盘费余事,弟自代为处置,亦不枉兄之谬识矣!

(Còn tiền lộ phí, tôi xin thu xếp hộ, không dám làm phụ lòng tin yêu của huynh đối với tôi!).

Đặc biệt chủ đề của câu có thể do cụm tính từ lặp lại đảm nhiệm, tuy nhiên khi dịch sang tiếng Việt cụm tính từ ấy sẽ được biến đổi thành cụm danh từ để phù hợp với cách biểu đạt của tiếng Việt. Ví dụ:

(4) 疯疯癫癫,说了这些不经之谈,也没人理他。

(Những câu điên dại như thế chẳng ai buồn nghe cả).

Loại 4: Cụm từ bốn chữ có chức năng tu từ tức là cụm từ đó bổ sung nghĩa cho cụm danh từ hoặc cụm động từ được rõ mức độ hơn. Trong đó cụm từ bốn chữ tu từ cho cụm danh từ chiếm lượng lớn hơn (52/57). Ví dụ:

Các cụm từ bốn chữ tu từ cho cụm danh từ như:

(5) 此亦静极思无中生有之数也!

(Đây cũng là cái số kiếp tĩnh lắm muốn động, có là từ không mà ra đó thôi!).

Cụm từ bốn chữ tu từ cho cụm động từ như:

(6) 一时,只见宁府大殡浩浩荡荡、压地银山一般从北而至。

(Một chốc, đám ma phủ Ninh như ngọn núi bạc, trắng xóa trên mặt đất, rầm rầm rộ rộ, từ phương Bắc đến).

Loại 5: Các cụm từ bốn chữ có chức năng biểu đạt hành động là các cụm từ mô tả các hành động tổng hợp. Các cụm từ bốn chữ đó có thể là lời dẫn truyện hoặc lời của nhân vật biểu đạt hành động của một nhân vật khác trong Hồng Lâu Mộng. Trong một câu có thể sẽ có một hoặc nhiều cụm từ bốn chữ biểu đạt hành động, các cụm từ này có thể liên kết với nhau một cách tự nhiên mà không cần từ nối. Ví dụ:

(7) 凤姐儿听了,哼了一声,说道:

(Phượng Thư nghe nói “hừ” một cái:).

(8) 这三十个每日轮流各处上夜照管门户监察火烛打扫地方

(Ba mươi người này hàng ngày thay phiên canh đêm, trông nom cửa ngõ, đèn đuốc, quét dọn các nơi).

Loại 6: Cụm từ bốn chữ có chức năng bình luận là các cụm từ bình luận, đánh giá ngoại hình, tính cách, cách nói chuyện của các nhân vật hoặc đánh giá sự vật, hiện tượng. Trong tiếng Trung, một câu có thể có một cụm từ bốn chữ hoặc cả câu đều là cụm từ bốn chữ liên kết với nhau một cách rất tự nhiên và gắn kết, giữa các cụm từ không cần sự góp mặt của quan hệ từ.

Cụm từ có chức năng bình luận sự vật, ví dụ:

(9) 当头一轮明月飞彩凝辉,二人愈添豪兴,酒到杯干。

(Vừng trăng vằng vặc, sáng tỏ giữa trời. Hai người càng hào hứng, rót đến đâu cạn đến đấy).

(10) 说起根由,虽近荒唐,细按则深有趣味

(Nói nguồn gốc nó thì dáng như hoang đường; nhưng xem kỹ rất thú vị).

Câu tiếng Trung khi dùng cụm từ bốn chữ, có thể liên kết giữa các cụm từ bốn chữ trong cùng một câu mà không cần đến quan hệ từ, tuy nhiên khi dịch sang tiếng Việt thì thường được thêm vào. Trong ví dụ (10), từ “thì” chính là quan hệ từ được bản dịch tiếng Việt thêm vào.

Cụm từ có chức năng bình luận người, ví dụ:

(11) 第三个身量未足形容尚小

(Cô thứ ba, ít tuổi, vóc người còn nhỏ).

(12) 长到十八九岁上,酷爱男风最厌女子

(Tuổi độ mười tám, mười chín, tính thích chơi bời với đàn ông, không gần gũi con gái).

3.3. Việc chuyển dịch các loại cụm từ bốn chữ từ tiếng Trung sang tiếng Việt

Các cụm từ bốn chữ tiếng Trung khi dịch sang tiếng Việt vẫn giữ nguyên kết cấu nghĩa là khi dịch sang tiếng Việt vẫn là cụm từ bốn chữ, ngược lại các cụm từ phá vỡ kết cấu tức là khi dịch sang tiếng Việt chúng không còn là cụm từ bốn chữ, có thể là cụm từ rút gọn (ít hơn bốn chữ) hoặc cụm từ nhiều chữ (nhiều hơn bốn chữ).

Loại 1: Cụm từ bốn chữ có chức năng biểu đạt ngữ cảnh gồm 9 từ, trong đó có 2 cụm từ giữ nguyên kết cấu bốn chữ, chiếm 0.34%. Ví dụ:

(13) 士隐大叫一声,定睛一看,只见烈日炎炎芭蕉冉冉,所梦之事,便忘了大半。

 (Sĩ Ẩn kêu lên một tiếng, mở choàng mắt ra, chỉ thấy trời nắng chang chang, rặng chuối phơ phất, những việc trong mộng đã quên mất một nửa).

Có 7 cụm từ phá vỡ kết cấu khi dịch sang tiếng Việt, chiếm 1.2%. Ví dụ:

(14) 士隐意欲也跟了过去,方举步时,忽听一声霹,有若山崩地陷。

(Sĩ Ẩn đang muốn cất bước đi theo, chợt một tiếng sét dữ dội như núi lở đất sụp).

Loại 2: Cụm từ bốn chữ có chức năng miêu tả gồm 19 từ, trong đó có 6 cụm từ giữ nguyên kết cấu bốn chữ, chiếm 1.03%. Ví dụ:

(15) 一夜中,灯明火彩客送官迎,那百般热闹,自不用说的。

(Suốt đêm hôm ấy, đèn đuốc sáng trưng, kẻ đưa người đón, rộn rịp trăm đường, chẳng cần phải nói).

Có 13 cụm từ phá vỡ kết cấu, nghĩa là không còn kết cấu bốn chữ, chiếm 2.23%. Ví dụ:

(16) 此方人家多用竹篱木壁者,大抵也因劫数,于是接二牵五挂,将一条街烧得如火焰山一般。

(Các nhà ở vùng ấy đều giậu tre vách ván, dường như đó cũng là số kiếp phải chịu, nên cứ nhà nọ cháy sang nhà kia, cả phố bốc lên như núi lửa).

Loại 3: Cụm từ bốn chữ có chức năng biểu đạt chủ đề gồm 36 từ, trong đó có 17 cụm từ giữ nguyên kết cấu bốn chữ, chiếm 2.92%. Ví dụ:

(17) 其钗环裙袄,三人皆是一样的妆饰。

(Ba cô quần áo trang sức đều như nhau).

Có 19 cụm từ phá vỡ kết cấu, nghĩa là không còn kết cấu bốn chữ, chiếm 3.36%. Ví dụ:

(18) 看其外貌,最是极好,却难知其底细。

(Bề ngoài nhìn rất đẹp, nhưng không biết bên trong thế nào).

Loại 4: Cụm từ bốn chữ có chức năng tu từ gồm 57 từ, trong đó có 11 cụm từ giữ nguyên kết cấu bốn chữ, chiếm 1.89%.  Ví dụ:

(19) 就比那谋虚逐妄,却也省了口舌是非之害,腿脚奔忙之苦。

(Như thế tức là tránh được miệng thế khen chê, khỏi phải chạy vạy đây đó).

Có 46 cụm từ phá vỡ kết cấu, nghĩa là không còn kết cấu bốn chữ, chiếm 7.89%.  Ví dụ:

(20) “施主,你把这有命无运累及爹娘之物,抱在怀内作甚?”

(Thí chủ! Con bé này có mệnh không có vận, làm lụy đến cha mẹ, thí chủ ẵm nó làm gì?).

Loại 5: Cụm từ bốn chữ có chức năng biểu đạt hành động gồm 220 từ, trong đó có 64 cụm từ giữ nguyên kết cấu bốn chữ, chiếm 10.98%. Ví dụ:

(21) 于是说说笑,点的戏都唱完了,方才撤下酒席,摆上饭来。

(Mọi người cười cười nói nói, nghe hát xong, dọn tiệc rượu đi bưng cơm lên).

Có 156 cụm từ phá vỡ kết cấu, nghĩa là không còn kết cấu bốn chữ, chiếm 26.76%. Ví dụ:

(22)  “怎么屈尊大妹妹一个月,在这里料理料理,我就放心了。”

(Cháu muốn nhờ cô em đến trông nom hộ một tháng, cháu mới yên lòng).

Trong cùng một câu có nhiều cụm từ bốn chữ, thì vẫn có hiện tượng có cụm từ dịch sang tiếng Việt giữ nguyên kết cấu, có cụm từ bị phá vỡ kết cấu. Ví dụ:

(23) 说着,直入中堂抢入手飘然去

(Liền chạy thẳng vào trong nhà cướp lấy cái gương, rồi vùn vụt ra đi).

Loại 6: Cụm từ bốn chữ có chức năng bình luận gồm 242 từ, trong đó có 96 cụm từ giữ nguyên kết cấu bốn chữ, chiếm 16.47%. Ví dụ:

(24) 嫡妻封氏,情性深明礼

(Vợ họ Phong tính tình hiền hậu, hiểu biết lễ nghĩa).

Có 146 cụm từ phá vỡ kết cấu, nghĩa là không còn kết cấu bốn chữ, chiếm 25.04%. Ví dụ:

(25)  “真是'天有测风,人有旦夕”。

(Trời có khi mưa gió bất ngờ, người cũng có lúc họa phúc không lường trước được).

Kết quả khảo sát cho thấy, tổng số các cụm từ bốn chữ tiếng Trung được giữ nguyên kết cấu khi dịch sang tiếng Việt gồm 196 cụm từ, chiếm 33.62%; phá vỡ kết cấu gồm 387 cụm từ, chiếm 66.38%.

Chúng tôi cho rằng, việc chuyển dịch cụm từ bốn chữ từ tiếng Trung sang tiếng Việt có thể phản ánh được sự khác nhau giữa ngôn ngữ và văn hóa của hai nước. Từ những ví dụ trên có thể thấy được, khi dịch cụm từ bốn chữ từ tiếng Trung sang tiếng Việt thì phần lớn là bị phá vỡ kết cấu. Nếu như bản dịch tiếng Việt có thể vừa coi trọng được tính cân đối trong câu văn, vừa chú trọng đến việc biểu đạt ý nghĩa thì chắc chắn sẽ có được phiên bản tốt hơn nữa.

3.4. Nhận xét

Căn cứ vào việc so sánh đối chiếu cách dịch các tiểu loại cụm từ bốn chữ trên, chúng tôi thấy rằng, việc sử dụng cụm từ bốn chữ của tiếng Trung và tiếng Việt có những điểm giống và khác nhau như sau:

Thứ nhất, trong tiếng Việt cũng có cách nói cụm từ bốn chữ, vì vậy bản dịch tiếng Việt có thể dịch được một số cụm từ bốn chữ tiếng Trung bằng việc giữ nguyên kết cấu bốn chữ.

Thứ hai, tiếng Việt ít chú ý đến số chữ của cụm từ, mà chú trọng việc biểu đạt ý nghĩa của cụm từ đó nhiều hơn, tức là các câu trong văn xuôi của tiếng Việt chú trọng việc biểu đạt ý nghĩa có rõ ràng và trọn vẹn hay không. Vì vậy, bản dịch tiếng Việt thường dịch cụm từ bốn chữ tiếng Trung theo hai cách sau:

Một là, dịch cụm từ bốn chữ thành cụm từ có số lượng chữ ít hơn giúp câu văn được giản lược. Ví dụ:

(26) 于是宁, 荣两处上下里外,莫不欣然踊跃,个个面上皆有得意之状,言笑鼎沸不绝。

(Khắp phủ Ninh, Vinh, ai nấy đều vui cười vang trời dậy đất, chỉ có Bảo Ngọc là lờ như không biết).

Hai là, bản dịch tiếng Việt dịch cụm từ bốn chữ tiếng Trung thành cụm từ có số lượng từ nhiều hơn, chủ yếu dựa trên ý nghĩa của cụm từ bốn chữ đó để tìm cách dịch tương đương. Ví dụ:

(27) 这是急火攻心血不归经

(Đó là do tâm hỏa bốc mạnh, huyết không đi theo đường đấy thôi).

Thứ ba, một câu tiếng Trung có thể xuất hiện nhiều cụm từ bốn chữ, các cụm từ đó liên kết với nhau một cách tự nhiên mà không cần đến thành phần khác, tuy nhiên tiếng Việt thường sử dụng hư từ để liên kết. Các nhà Việt ngữ học thì luôn quan tâm đến việc câu có ý nghĩa trọn vẹn hay không [1, tr. 214]. Câu tiếng Việt chỉ có thể dịch giữ nguyên kết cấu một số cụm từ trong câu chứ không giữ nguyên kết cấu của toàn bộ các cụm từ đó. Ví dụ:

(28) 若目今以为华不绝不思后日终非长

(Nếu chỉ nhìn trước mắt cho là vinh hoa mãi mãi mà không tính đến mai sau, thì không phải là kế lâu dài).

Trong ví dụ (28) thì ba cụm từ bốn chữ tiếng Trung liên kết với nhau một cách tự nhiên, chỉ bằng dấu phẩy, nhưng khi dịch sang tiếng Việt thì chỉ duy nhất cụm từ đầu tiên được giữ nguyên kết cấu bốn chữ, các cụm từ phía sau được liên kết với nhau bằng từ “mà” và “thì”, số lượng chữ trong cụm từ cũng đã tăng lên so với tiếng Trung.

Thứ tư, trong cùng một câu tiếng Trung chỉ cần một hành thể (chủ thể của hành động) đứng trước nhiều cụm từ bốn chữ biểu đạt hành động liền nhau, nhưng khi dịch sang tiếng Việt thì cần cắt câu thành hai câu ngắn và thêm vào hành thể cho rõ nghĩa câu. Ví dụ:

(29) 贾瑞见往里让,心中喜出望外急忙进来见了凤姐满面陪笑连连问好

(Giả Thụy thấy mời, trong bụng mừng thầm, vội vã vào ngay. Khi gặp Phượng Thư, hắn vui vẻ chào hỏi luôn mồm).

Trong ví dụ (29), có sáu cụm từ bốn chữ. Các cụm từ tiếng Trung có thể sử dụng liên tiếp nhau, mà không cần thêm đối tượng của hành động. Tuy nhiên, khi dịch sang tiếng Việt có thể xảy ra hiện tượng cắt câu (từ một câu tiếng Trung thành hai câu tiếng Việt), đồng thời cần thêm vào hành thể [2, tr. 69-79] “hắn” hoặc từ “khi” để nghĩa câu được rõ ràng hơn.

4. Kết luận

Trong tiếng Trung, cụm từ bốn chữ là một thành phần quan trọng được dùng nhiều trong câu văn, giữa các cụm từ liên kết với nhau bằng ý nghĩa và tính cân đối mà không cần từ nối. Cụm từ bốn chữ có các chức năng như: chức năng biểu đạt ngữ cảnh, chức năng miêu tả, chức năng biểu đạt chủ đề, chức năng tu từ, chức năng bình luận và chức năng hành động, trong đó chức năng bình luận và chức năng hành động chiếm tỉ lệ lớn nhất. So với tiếng Trung, tiếng Việt cũng có cụm từ bốn chữ nhưng được sử dụng ít hơn trong câu văn, nhiều trường hợp phải thêm vào từ nối để liên kết nghĩa giữa các cụm từ trong câu. Câu văn của tiếng Trung chú trọng đến tính cân đối và cả biểu đạt ý nghĩa, nhưng câu văn của tiếng Việt thì chú trọng việc biểu đạt ý nghĩa nhiều hơn. Chúng tôi cho rằng, cụm từ bốn chữ tiếng Trung và cách dịch của nó trong tiếng Việt cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đinh Văn Đức, Ngôn ngữ và tư duy một tiếp cận, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2013.

[2] Nguyễn Thị Luyện, Phan Thanh Hoàng, Tăng thêm hành thể trong câu hành động của bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”, Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ Quân sự, số 21, tr. 69-79, 2019.

[3] Tào Tuyết Cần, Nhóm dịch giả Vũ Bội Hoàng (dịch), Hồng Lâu Mộng, Nxb. Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 1989.

[4] 申小龙, 中国句型文化, 东北师范大学出版社, 长春, 1988.

[5] 申小龙, 申小龙自选集, 广西师范大学出版社, 广西, 1999.

[6] 申小龙, 论中文句型之句读本体,功能格局,事理铺排——兼论汉语句型研究中西方概念的消解.杭州师范大学学报(社会科学版), 35(03):72-78, 2013.

[7] 申小龙, 四字格与中文句子建构的二重模式——中文本土句法范畴系列研究, 新疆师范大学学报(哲学社会科学版), 37(03): 97-105+2, 2016.

[8] 申小龙, 中文句法建构中的声象与意象——四字格功能研究, 北方论丛, 2016 (02):8-16.

[9] 汪曾祺,《汪曾祺文集文论卷》,江苏人民出版社,南京, 1993: 41-42.

[10] 夏露,《红楼梦》在越南的传播述略[J].红楼梦学刊, 2008(04): 46-67.

 

NGUYỄN THỊ LUYỆN - PHAN THANH HOÀNG