Tóm tắt: Vấn đề từ loại tiếng Việt đã được đề cập đến từ rất lâu trong sách ngữ pháp tiếng Việt nói riêng cũng như trong các công trình về tiếng Việt nói chung. Ngay từ năm 1651, Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh của Alexandre de Rhodes in trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (thường gọi là Từ điển Việt - Bồ - La) cũng đã có đề cập đến từ loại tiếng Việt. Kể từ đó đến nay, có rất nhiều công trình ngữ pháp tiếng Việt của nhiều tác giả khác nhau đã bàn về từ loại tiếng Việt. Bài viết trình bày một số vấn đề về từ loại tiếng Việt và việc chú từ loại tiếng Việt trong Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học.
Từ khóa: Từ loại, từ loại tiếng Việt, từ điển, Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học.
Abstract: The Vietnamese parts of speech have been studied for a long time in the Vietnamese grammar works in particular as well as in the ones on Vietnamese in general. In 1651, they had been also mentioned in Alexandre de Rhodes’s Brief Report on Annam or Dong Kinh in the Annam - Lusitan - Latin Dictionary (commonly known as the Vietnamese - Portuguese - Latin Dictionary). Since then, many Vietnamese grammar works by many different authors have discussed them. The article presents some issues about Vietnamese parts of speech and noting them in the Vietnamese Dictionary for Primary School Students.
Keywords: Parts of speech, Vietnamese parts of speech, dictionary, Vietnamese Dictionary for Primary School Students.
1. Dẫn nhập
Vấn đề từ loại tiếng Việt đã được đề cập đến từ rất lâu trong sách ngữ pháp tiếng Việt nói riêng cũng như trong các công trình về tiếng Việt nói chung. Ngay từ năm 1651, Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh của Alexandre de Rhodes in trong Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (thường gọi là Từ điển Việt - Bồ - La) cũng đã có đề cập đến từ loại tiếng Việt. Kể từ đó đến nay, có rất nhiều công trình ngữ pháp tiếng Việt của nhiều tác giả khác nhau đã bàn về từ loại tiếng Việt như Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Lân, Phan Khôi, Lê Văn Lý, M. B. Emeneau, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Phú Phong, Lưu Vân Lăng, Hoàng Tuệ, Nguyễn Kim Thản, Đinh Văn Đức, Lê Biên, Diệp Quang Ban, Đào Thanh Lan,... Bài viết trình bày một số vấn đề về từ loại tiếng Việt và việc chú từ loại tiếng Việt trong Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học**.
2. Từ loại và từ loại tiếng Việt
2.1. Từ loại
Có nhiều cách phân chia vốn từ vựng của một ngôn ngữ dựa theo các tiêu chí khác nhau. Căn cứ vào tiêu chí phạm vi sử dụng có thể phân chia vốn từ vựng của một ngôn ngữ thành ngôn ngữ toàn dân và phương ngữ. Căn cứ vào nguồn gốc của từ có thể phân chia vốn từ vựng thành từ thuần và từ ngoại lai. Căn cứ vào cấu tạo của từ có thể phân chia vốn từ vựng thành từ đơn, từ ghép,… Theo tác giả Diệp Quang Ban, “vấn đề từ loại có cội nguồn từ thời cổ đại với sự phân biệt danh từ với động từ của Arixtốt (Aristotle)”. Công việc phân định từ loại chính là sự “phân loại từ về mặt ngữ pháp” [1, tr.467]. Từ loại (parts of speech), theo tác giả Đinh Văn Đức, “là những lớp từ, loạt từ (danh từ, động từ, tính từ, đại từ, liên từ, giới từ,…) được phân chia theo bản chất ngữ pháp” [5, tr.13]. Nói một cách khác, từ loại là kết quả của việc phân loại vốn từ vựng của một ngôn ngữ theo tiêu chí bản chất ngữ pháp của từ. Theo ông, “từ loại dễ được nhận diện bởi các đặc trưng hình thái học (với các ngôn ngữ biến tố) và cú pháp (trong các ngôn ngữ đơn lập)” [5, tr.13].
Tương tự, tác giả Nguyễn Thiện Giáp cũng cho rằng từ loại là “phạm trù từ vựng - ngữ pháp, tức là những lớp từ được phân chia ra trong một ngôn ngữ dựa trên ý nghĩa khái quát và đặc điểm hoạt động ngữ pháp của nó” [6, tr.558]. Trong đó, “đặc điểm hoạt động ngữ pháp của từ bao gồm đặc điểm hình thái học và đặc điểm cú pháp học” [6, tr.558-559]. Cũng theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp, không phải ngôn ngữ nào cũng có hệ thống từ loại như nhau, “một số từ loại như vị từ và danh từ dường như ngôn ngữ nào cũng có. Những từ loại khác như tính từ, trạng từ có trong một số ngôn ngữ này, mà không có trong một số ngôn ngữ khác” [6, tr.558-559]. Tuy nhiên, “trên cơ sở truyền thống Latin, người ta xác định những từ loại như: danh từ (noun), đại từ (pronoun), tính từ (adjective), vị từ (verb), phó từ (adverb), giới từ (preposition), liên từ (conjunction), thán từ (interjection) và quán từ (article). Có một số phạm trù mới được đưa vào ngôn ngữ học như: tiểu từ (particle), trợ vị từ (auxiliary), đại tố (pro-form), hệ từ (copula) [6, tr.558-559].
Tóm lại, từ loại là những lớp từ được phân chia ra trong một ngôn ngữ theo các tiêu chí về mặt ngữ pháp của từ.
2.2. Từ loại tiếng Việt
Trong Việt ngữ học, mặc dù có một số nhà nghiên cứu cho rằng tiếng Việt không có phạm trù từ loại nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng tiếng Việt có từ loại. Tuy nhiên, mỗi nhà nghiên cứu dựa vào các tiêu chí khác nhau nên cũng phân chia tiếng Việt thành các nhóm từ loại rất khác nhau [3, tr.36]. Sau đây là một số cách phân định từ loại tiếng Việt tiêu biểu.
Trước hết có thể kể đến cách phân định từ loại của Alexandre de Rhodes. Trong Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (thường gọi là Từ điển Việt - Bồ - La)), Alexandre de Rhodes đã “đưa ra một vài khái niệm về các phần của câu nói… căn cứ vào sự tương xứng phần nào với tiếng La-tinh” [11, tr.12]. Cụ thể, ông đã đưa ra một vài khái niệm về danh từ, đại từ, động từ, giới từ, phó từ, thán từ, liên từ [11, tr.12-24].
Căn cứ vào ý nghĩa và tác dụng văn phạm của từ, Bùi Đức Tịnh phân định từ loại tiếng Việt thành danh từ, loại từ, chỉ định từ, đại danh từ, tĩnh từ, động từ, trạng từ, giới từ, liên từ, thán từ [15, tr.35-123].
Căn cứ vào đoản ngữ và mệnh đề, tác giả Nguyễn Tài Cẩn trước hết phân định từ tiếng Việt thành hai mảng lớn là những từ loại có liên quan đến tổ chức đoản ngữ và từ loại không liên quan đến tổ chức đoản ngữ (thán từ). Tiếp đến những từ loại có liên quan đến tổ chức đoản ngữ lại được phân chia thành những từ loại có khả năng làm thành tố đoản ngữ và những từ loại chỉ có thể kết hợp với đoản ngữ để dạng thức hóa đoản ngữ chứ không làm thành tố đoản ngữ. Sau đó, những từ loại có khả năng làm thành tố đoản ngữ được phân chia thành những từ loại có khả năng làm trung tâm đoản ngữ (danh từ, số từ, đại từ, động từ và tính từ) và những từ loại chỉ có khả năng làm thành tố phụ trung tâm đoản ngữ (phó từ (gồm định từ và trạng từ)). Những từ loại chỉ có thể kết hợp với đoản ngữ để dạng thức hóa đoản ngữ chứ không làm thành tố đoản ngữ được phân chia thành từ loại có khả năng kết hợp hai chiều, dùng để dạng thức hóa đoản ngữ, gia thêm cho đoản ngữ một đặc điểm phân bố (quan hệ từ (gồm giới từ và liên từ)) và từ loại có khả năng kết hợp một chiều, dùng để dạng thức hóa đoản ngữ, gia thêm cho đoản ngữ một sắc thái tình cảm (trợ từ) [2, tr.303-343].
Căn cứ vào nghĩa và đặc điểm ngữ pháp của từ, các tác giả Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam phân chia các từ tiếng Việt thành 2 loại lớn là thực từ và hư từ, trong đó thực từ gồm danh từ, động từ và tính từ; hư từ gồm phụ từ và kết từ [16, tr.68-70]. Ngoài ra, theo các tác giả này, trong tiếng Việt còn có từ loại đại từ không thuộc hư từ nhưng cũng chẳng thuộc thực từ mà chỉ gần với thực từ [16, tr.71] và 2 từ loại trợ từ và cảm từ “không thuộc phạm vi thực từ hay hư từ, và cũng khác với đại từ [16, tr.72].
Căn cứ vào ý nghĩa khái quát, khả năng kết hợp và khả năng giữ một hay một số chức vụ cú pháp chủ yếu, tác giả Diệp Quang Ban cũng chia từ tiếng Việt thành 2 nhóm lớn là thực từ và hư từ, trong đó thực từ gồm danh từ (và loại từ), số từ, tính từ, động từ, đại từ, định từ, phó từ; hư từ gồm đại từ, định từ, phó từ, quan hệ từ, tình thái từ, trợ từ, thán từ. Ở đây, đại từ, định từ, phó từ vừa thuộc nhóm thực từ vừa thuộc nhóm hư từ. Số từ có vị trí chuyển tiếp giữa thực từ và hư từ [1, tr.470-473].
Căn cứ vào “ý nghĩa khái quát (phạm trù), khả năng kết hợp và chức vụ cú pháp của từ trong câu” [5, tr.13], tác giả Đinh Văn Đức lại phân chia từ tiếng Việt thành 3 nhóm lớn là thực từ, hư từ và tình thái từ, trong đó thực từ gồm danh từ, động từ, tính từ, số từ và đại từ; hư từ gồm từ phụ và từ nối; tình thái từ gồm tiểu từ và trợ từ [4, tr.56].
Trong bài báo công bố năm 2003 trên Tạp chí Ngôn ngữ, tác giả Nguyễn Hổng Cổn cho rằng các xu hướng phân định từ loại tiếng Việt có thể quy về 3 khuynh hướng chính là: 1. dựa vào tiêu chuẩn ý nghĩa (G. Aubaret, Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Lân); 2. dựa vào đặc điểm ngữ pháp của từ (dựa vào chức vụ cú pháp và/hoặc khả năng kết hợp) (Phan Khôi, Lê Văn Lý, Emeneau, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Phú Phong, Lưu Vân Lăng); 3. dựa trên sự kết hợp của hai tiêu chí nội dung và hình thức (Hoàng Tuệ, 1962; Nguyễn Kim Thản, 1963, UBKHXH, 1983; Đinh Văn Đức, 1986;...) [3, tr.36-38].
Trong bài báo này, sau khi phân tích những bất cập của 3 khuynh hướng phân định từ loại trên, tác giả Nguyễn Hồng Cổn đã đề xuất một hướng phân định từ loại mới dựa trên sự điều chỉnh hai tiêu chuẩn dựa vào “chức vụ cú pháp” (hay mệnh đề) và dựa vào “khả năng kết hợp” (hay đoản ngữ). Theo đó, tác giả cho rằng “hệ thống từ loại tiếng Việt bao gồm 3 nhóm hay 3 phạm trù chính (A = “thể - vị từ”, B = “định - phó từ” và C = “kết - thái từ”), với 6 lớp từ (thể từ, vị từ, định từ, phó từ, kết từ, thái từ) và 12 từ loại (danh từ, đại từ, động từ, tính từ, lượng từ, chỉ từ, tiền phó từ, hậu phó từ, giới từ, liên từ, trợ từ và tiểu từ) [3, tr.45].
Từ trên có thể thấy các tiêu chí phân loại khác nhau đã cho tiếng Việt những kết quả phân định từ loại khác nhau. Về cơ bản, hầu hết các tác giả đều cho rằng tiếng Việt có những từ loại như danh từ, động từ, tính từ, đại từ. Trong khi đó, các tác giả lại có ý kiến không thống nhất đối với các nhóm từ loại khác như trợ từ, phó từ, cảm từ, giới từ, liên từ, tình thái từ,…
3. Việc chú từ loại trong một số từ điển tiếng Việt
Thông tin về từ loại là một trong những thông tin chủ yếu thường có trong cấu trúc vi mô của từ điển ngôn ngữ. Thông tin này thường được đặt ngay sau đầu mục từ [12, tr.92-95]. Tùy quy mô cũng như đối tượng phục vụ chính của từ điển mà các nhà biên soạn từ điển sẽ quyết định có đưa thông tin về từ loại hay nói một cách khác là chú từ loại trong công trình của mình hay không.
3.1. Từ điển tiếng Việt phổ thông
Kết quả khảo sát 8 cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản và tái bản trong giai đoạn từ năm 2006-2020 [7, tr.67-77] cho thấy 7/8 cuốn có chú từ loại. Tuy nhiên, hệ thống từ loại được chú trong các cuốn từ điển này cũng không như nhau về mặt số lượng cũng như về mặt loại từ loại được chú. Có 1 cuốn (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Long chủ biên, Nxb. Từ điển bách khoa xuất bản tại Hà Nội năm 2009) chỉ chú 3 từ loại, 1 cuốn (Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Tôn Nhan chủ biên và Phú Văn Hẳn đồng chủ biên, Nxb. Hồng Đức xuất bản tại Hà Nội năm 2020) chú 9 từ loại và có 5 cuốn chú 8 từ loại. Hệ thống từ loại được chú trong các cuốn từ điển này bao gồm: danh từ hay tổ hợp danh từ (d), động từ hay tổ hợp động từ (đg), tính từ hay tổ hợp tính từ (t), đại từ hay tổ hợp đại từ (đ), phụ từ hay tổ hợp phụ từ (p), kết từ hay tổ hợp kết từ (k), trợ từ hay tổ hợp trợ từ (tr), cảm từ hay tổ hợp cảm từ (c), phó từ (ph), giới từ (g), liên từ (l), thán từ (th), trạng từ (tra). Trong đó, 3 từ loại là danh từ hay tổ hợp danh từ, động từ hay tổ hợp động từ, tính từ hay tổ hợp tính từ có 7/8 cuốn chú; đại từ có 6/8 cuốn chú; phụ từ có 5/8 cuốn chú; kết từ có 4/8 cuốn chú; trợ từ có 4/8 cuốn chú; cảm từ có 5/8 cuốn chú; phó từ, giới từ và liên từ chỉ có 1/8 cuốn chú; thán từ có 2/8 cuốn chú; và trạng từ có 2/8 cuốn chú.
Hệ thống từ loại trong mỗi cuốn từ điển cụ thể như sau (Xem bảng 1):
3.2. Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học
Kết quả khảo sát 3 cuốn từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học xuất bản và tái bản trong giai đoạn từ năm 2006-2020 [7, tr.78-81] cho thấy 2/3 cuốn có chú từ loại. Trong đó, cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học do Nguyễn Minh Hoàng biên soạn, Nxb. Từ điển bách khoa xuất bản tại Hà Nội năm 2011, chỉ chú có từ loại danh từ hay danh ngữ hoặc tổ hợp tương đương còn cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học, Khang Việt chủ biên, Nxb. Từ điển bách khoa xuất bản tại Hà Nội năm 2011 chú 5 từ loại là danh từ hay tổ hợp danh từ (d), động từ hay tổ hợp động từ (đg), tính từ hay tổ hợp tính từ (t), trợ từ (tr), số từ (s) (Xem bảng 2).
3.3. Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học - sản phẩm của Đề tài cấp Bộ “Biên soạn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học”
Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học - sản phẩm của Đề tài cấp Bộ “Biên soạn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học” do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, TS. Hoàng Thị Nhung chủ nhiệm đề tài được tiến hành biên soạn từ tháng 1.2021 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12.2022 với khoảng 4.000 mục từ. Các mục từ trong từ điển được chọn lựa từ sách giáo khoa bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Đây là các từ có tần số xuất hiện cao nhất trong các sách giáo khoa trên.
Trong hệ thống giáo dục, ngay ở bậc tiểu học, các em học sinh đã được tiếp cận với từ loại. Tuy nhiên, trong chương trình tiểu học được thực hiện từ năm 2000 đến năm 2020, học sinh tiểu học mới chỉ được học 5 từ loại là danh từ, động từ, tính từ, đại từ và quan hệ từ. Các từ loại này được học trong các bài học riêng rẽ bắt đầu từ lớp 4.
Tuy nhiên, vốn từ vựng trong sách giáo khoa tiểu học cũng như vốn từ vựng toàn dân không chỉ gồm 5 từ loại như vậy. Để có thể cung cấp cho các em tiểu học một cuốn từ điển phục vụ tốt nhất cho việc học tập và trau dồi tiếng Việt, các nhà biên soạn chủ trương chú từ loại cho tất cả các mục từ. Căn cứ vào hệ thống từ loại phổ biến hiện nay trong tiếng Việt cũng như căn cứ vào hệ thống từ loại mà các em học sinh tiểu học được học trong nhà trường, căn cứ vào đặc điểm ngữ pháp của các mục từ được lựa chọn để biên soạn, các nhà biên soạn từ điển thấy rằng các mục từ này có thể được phân định thành 7 lớp từ loại là danh từ, động từ, tính từ, đại từ, quan hệ từ, tình thái từ, từ phụ. Trong đó, “danh từ là những từ chỉ sự vật (người, vật, hiện tượng, khái niệm hoặc đơn vị)” [13, tr.53]. “Động từ là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật” [13, tr.94]. “Tính từ là những từ miêu tả đặc điểm hoặc tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái,…” [13, tr.111]. “Đại từ là từ dùng để xưng hô hay để thay thế danh từ, động từ, tính từ (hoặc cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ) trong câu cho khỏi lặp lại các từ ngữ ấy” [14, tr.92]. “Quan hệ từ là từ nối các từ ngữ hoặc các câu, nhằm thể hiện mối quan hệ giữa những từ ngữ hoặc những câu ấy với nhau: và, với, hay, hoặc, nhưng, mà, thì, của, ở, tại, bằng, như, để, về,...” [14, tr.110]. Tình thái từ gồm 2 tiểu loại là tiểu từ và trợ từ. Từ phụ gồm các loại từ phụ cho danh từ, động từ, và tính từ. Những từ loại làm từ phụ cho danh từ gồm số từ và lượng từ như các, những, mỗi, mọi,... Những từ loại làm từ phụ cho động từ hay tính từ gồm chỉ từ và phó từ như đã, đang, sẽ, rất, quá, lắm,... Tình thái từ và các loại từ phụ được giảng dạy ở bậc trung học cơ sở. Theo đó, “tình thái từ là những từ được thêm vào câu để cấu tạo câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán và để biểu thị các sắc thái tình cảm của người nói” [10, tr.81]. “Số từ là những từ chỉ số lượng và thứ tự của sự vật. Khi biểu thị số lượng sự vật, số từ thường đứng trước danh từ. Khi biểu thị thứ tự, số từ đứng sau danh từ” [8, tr.128]. “Lượng từ là những từ chỉ lượng ít hay nhiều của sự vật” [8, tr.129]. “Chỉ từ là những từ dùng để trỏ vào sự vật, nhằm xác định vị trí của sự vật trong không gian hoặc thời gian” [8, tr.137]. “Phó từ là những từ chuyên đi kèm động từ, tính từ để bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ” [9, tr.12].
Số lượng 4.000 mục từ là một con số khiêm tốn không chỉ trong vốn từ vựng tiếng Việt nói chung mà cả trong vốn từ vựng sử dụng trong các sách giáo khoa của các em học sinh tiểu học. Tuy nhiên, việc chú từ loại cho tất cả 4.000 mục từ này trên thực tế hoàn toàn không hề đơn giản. Trong cuốn từ điển trên, từ loại được chú ngay sau đầu mục từ. Tên các từ loại được viết đầy đủ, không viết tắt để giúp các em học sinh tiểu học có thể tra cứu một cách dễ dàng. Ví dụ:
- hoa danh từ.
- hoặc quan hệ từ.
- học động từ.
- hỏng tính từ.
4. Kết luận
Tóm lại, vấn đề từ loại không chỉ được các nhà ngữ pháp học quan tâm mà còn được cả các nhà từ điển học quan tâm. Thông tin về từ loại có thể giúp người tra cứu từ điển có sự hình dung sơ lược về cách dùng của từ đang tra trong thực tế sử dụng ngôn ngữ. Nhằm giúp các em học sinh tiểu học sử dụng tốt tiếng Việt, các nhà biên soạn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học - sản phẩm của Đề tài cấp Bộ “Biên soạn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học” do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, TS. Hoàng Thị Nhung chủ nhiệm đề tài đã cố gắng áp dụng những lý thuyết ngữ pháp mới về từ loại để chú từ loại cho các mục từ trong từ điển. Hy vọng công trình có thể đáp ứng được nhu cầu học hỏi và nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt của các em học sinh tiểu học.
CHÚ THÍCH
** Đề tài cấp Bộ do TS. Hoàng Thị Nhung làm Chủ nhiệm, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam là Tổ chức chủ trì, thực hiện năm 2022.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005.
[2] Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt - Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1996.
[3] Nguyễn Hồng Cổn, “Về vấn đề phân định từ loại trong tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số 2(165), tr.36-46, 2003.
[4] Đinh Văn Đức, Ngữ pháp tiếng Việt (in lại và có bổ sung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001.
[5] Đinh Văn Đức, Các bài giảng về Từ pháp học tiếng Việt: Từ loại từ bình diện Chức năng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010.
[6] Nguyễn Thiện Giáp, Từ điển Khái niệm Ngôn ngữ học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016.
[7] Nguyễn Thị Huyền (Chủ nhiệm đề tài), Từ điển bách khoa về Từ điển ngôn ngữ ở Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở), Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Hà Nội, 2021.
[8] Nguyễn Khắc Phi (Tổng Chủ biên), Ngữ văn 6, tập 1, tái bản lần thứ 9, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011.
[9] Nguyễn Khắc Phi (Tổng Chủ biên), Ngữ văn 6, tập 2, tái bản lần thứ 9, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011.
[10] Nguyễn Khắc Phi (Tổng Chủ biên), Ngữ văn 8, tập 1, tái bản lần thứ 7, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011.
[11] Alexandre de Rhodes, Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh, trong Alexandre de Rhodes, Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (thường gọi là Từ điển Việt - Bồ - La), tr.12-24, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
[12] Chu Bích Thu, Một số nét khái quát về cấu trúc vi mô của từ điển giải thích (trên cơ sở tư liệu từ điển giải thích tiếng Việt), trong Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia - Viện Ngôn ngữ học, Một số vấn đề Từ điển học, tr.75-112, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
[13] Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên), Nguyễn Thị Hạnh, Đỗ Việt Hùng, Bùi Minh Toán, Nguyễn Trại, Tiếng Việt 4, tập 1, tái bản lần thứ 14, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019.
[14] Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên), Hoàng Hòa Bình, Trần Mạnh Hưởng, Trần Thị Hiền Lương, Nguyễn Trí, Tiếng Việt 5, tập 1, tái bản lần thứ 13, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019.
[15] Bùi Đức Tịnh, Văn phạm Việt Nam, Trung tâm Học liệu - Bộ Giáo dục, Sài gòn, 1972.
[16] Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, 1983.
TRƯƠNG THỊ THU HÀ