TỪ ĐIỂN THUẬT NGỮ ĐỐI DỊCH Ở VIỆT NAM

07/12/2023
Tóm tắt: Từ điển thuật ngữ cùng với từ điển ngôn ngữ và từ điển bách khoa đều là các công trình tra cứu. Ở Việt Nam, công trình đầu tiên được coi là từ điển thuật ngữ đối dịch ra đời năm 1942. Từ đó đến nay, quá trình phát triển từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Để có thể thấy được triển vọng của việc biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam, bài viết tập trung tìm hiểu thực trạng biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam từ khi có công trình từ điển thuật ngữ đối dịch đầu tiên cho đến hết năm 2020.

Tóm tắt: Từ điển thuật ngữ cùng với từ điển ngôn ngữ và từ điển bách khoa đều là các công trình tra cứu. Ở Việt Nam, công trình đầu tiên được coi là từ điển thuật ngữ đối dịch ra đời năm 1942. Từ đó đến nay, quá trình phát triển từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Để có thể thấy được triển vọng của việc biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam, bài viết tập trung tìm hiểu thực trạng biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam từ khi có công trình từ điển thuật ngữ đối dịch đầu tiên cho đến hết năm 2020. 

Từ khóa: Từ điển, từ điển thuật ngữ, từ điển thuật ngữ đối dịch.

Abstract: Terminology dictionaries along with language dictionaries and encyclopedias are reference works. In Vietnam, the first work that is considered a multilingual terminology dictionary appeared in 1942. Since then, the process of developing them in Vietnam has gone through many different stages. In order to see the prospects of compiling the multilingual terminology dictionaries in Vietnam, the article focuses on studying the current situation of compiling them in Vietnam since the appearance of the first multilingual terminology dictionary until the end of 2020.

Keywords: Dictionary, terminology dictionary, multilingual terminology dictionary.

 

1. Dẫn nhập

Từ điển thuật ngữ là một loại từ điển khái niệm. Cấu trúc vĩ mô của từ điển thuật ngữ là tập hợp các thuật ngữ, các từ ngữ chuyên ngành của một ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ, bao gồm cả các từ ngữ chỉ các sự vật, hiện tượng, đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học và công nghệ nào đó.

Căn cứ vào hình thức và nội dung của từ điển có thể phân chia từ điển thuật ngữ thành ba loại chính là: từ điển thuật ngữ giải thích, từ điển thuật ngữ đối dịch và từ điển thuật ngữ giải thích và đối dịch.

Căn cứ vào số lượng các ngành, chuyên ngành của các công trình từ điển có thể phân chia từ điển thuật ngữ thành hai loại chính là: từ điển thuật ngữ đơn ngành và từ điển thuật ngữ đa ngành. Ngoài ra, có thể kể thêm loại từ điển thuật ngữ phân ngành. Các từ điển này chỉ bao gồm các thuật ngữ của một phân ngành trong một chuyên ngành nào đó.

Kết hợp hai tiêu chí trên ta có các loại từ điển thuật ngữ là từ điển thuật ngữ giải thích đơn ngành, từ điển thuật ngữ giải thích đa ngành, từ điển thuật ngữ đối dịch đơn ngành, từ điển thuật ngữ đối dịch đa ngành, từ điển thuật ngữ giải thích và đối dịch đơn ngành và từ điển thuật ngữ giải thích và đối dịch đa ngành.

Ở Việt Nam, công trình đầu tiên được coi là từ điển thuật ngữ đối dịch ra đời năm 1942. Đó là công trình Danh từ khoa học của tác giả Hoàng Xuân Hãn [5, tr.20-21]. Từ đó đến nay, quá trình phát triển từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn chính: giai đoạn trước năm 1945, giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1974 và giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2020. Để có thể thấy được triển vọng của việc biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam, bài viết này tập trung tìm hiểu thực trạng biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam từ khi có công trình từ điển thuật ngữ đối dịch đầu tiên cho đến hết năm 2020.

2. Thực trạng biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam

2.1. Thực trạng biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam giai đoạn trước năm 1945

Từ năm 1945 trở về trước, ở Việt Nam chỉ có 2 công trình được coi là từ điển thuật ngữ đối dịch. Đó là các công trình: Danh từ khoa học, Tập 1: Toán, Lý, Hóa, Cơ, Thiên văn của tác giả Hoàng Xuân Hãn, in năm 1942 tại Nhà in Trung Bắc Tân Văn và Danh từ khoa học: Vạn vật học, Sinh, Sinh lý, Động vật, Thực vật, Địa chất... của tác giả Đào Văn Tiến, in năm 1945 tại Nhà in Gió mới. Cả hai nhà in này đều nằm ở Hà Nội. Công trình của Hoàng Xuân Hãn dày 191 trang còn công trình của Đào Văn Tiến dày 110 trang, cả hai công trình này đều là công trình đối dịch thuật ngữ đa ngành. Các thuật ngữ trong các công trình này đều thuộc các ngành khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Cơ, Thiên văn, Vạn vật học, Sinh, Sinh lý, Động vật, Thực vật, Địa chất). 

2.2. Thực trạng biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1974

Từ năm 1946 đến năm 1974, ở Việt Nam có tổng cộng 17 công trình từ điển thuật ngữ đối dịch. Trong số đó có 2 công trình xuất bản/tái bản năm 1948, 1 công trình xuất bản/tái bản năm 1951, 2 công trình xuất bản/tái bản năm 1969, 3 công trình xuất bản/tái bản năm 1970, 4 công trình xuất bản/tái bản năm 1971, 2 công trình xuất bản/tái bản năm 1972, 1 công trình xuất bản/tái bản năm 1973, và 2 công trình xuất bản/tái bản năm 1974. Các năm 1946, 1947, 1949, 1950, 1952-1968 không có công trình từ điển thuật ngữ đối dịch nào được xuất bản/tái bản, trong đó đặc biệt có một quãng thời gian dài tới 17 năm (1952-1968). Tính trung bình, trong giai đoạn này, mỗi năm có 0,59 công trình từ điển thuật ngữ đối dịch được xuất bản/tái bản. Hầu hết các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch trên được in ấn tại Hà Nội (14/17 công trình, chiếm 82,35%). Có hai công trình được in ấn tại Sài Gòn (chiếm 11,77%). Tuy nhiên, giai đoạn này lại có một công trình được xuất bản ở nước ngoài (công trình Danh từ khoa học: Toán - Lý - Hóa - Cơ - Thiên văn của tác giả Hoàng Xuân Hãn được Nhà xuất bản Minh Tân in tại Paris năm 1951) (chiếm 5,88%). Trong số 17 công trình trên, có 7 công trình (41,18%) do Nxb. Khoa học và Kỹ thuật phát hành (trong đó có 2 công trình do Nxb. Khoa học - tiền thân của Nxb. Khoa học và Kỹ thuật phát hành), 3 công trình (17,65%) do Nxb. Khoa học xã hội phát hành, 1 công trình (5,88%) do Nxb. Minh Tân phát hành, 2 công trình (11,77%) do Viện Công nghiệp Dệt sợi phát hành, 1 công trình (5,88%) do Nhà sách Vĩnh Bảo phát hành, 1 công trình (5,88%) do Nxb. Giao thông Công binh Cục phát hành, 1 công trình (5,88%) do Nxb. Khoa học Giáo dục phát hành, 1 công trình (5,88%) không rõ nhà xuất bản. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật (ra đời từ năm 1960) có số lượng ấn phẩm nhiều nhất vì có lẽ một trong những nhiệm vụ và chức năng cơ bản nhất của Nhà xuất bản này là biên soạn các công trình khoa học và kỹ thuật, trong đó vấn đề từ điển thuật ngữ đối dịch là một trong những nội dung xuất bản chính. Nhà xuất bản này có hẳn Ban Từ điển phụ trách việc biên soạn các công trình từ điển. Trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1974, các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch bao phủ các ngành và chuyên ngành sau: Bảo tàng học, Cơ học (3), Cơ khí, Dệt (2), Địa chất, Hành chính công, Hóa học (4), Kỹ thuật rađiô, Lý (3), Luật học (Lý luận Nhà nước và pháp quyền, hiến pháp, hình luật, tố tụng hình sự, dân luật, tố tụng dân sự, luật hành chính, luật tài chính, luật lao động), Thiên văn học (3), Thủy lợi, Thư viện học, Toán học (4), Trắc địa và bản đồ, và Triết học.

Trong số 17 công trình từ điển thuật ngữ đối dịch giai đoạn từ năm 1946 đến 1974 có những công trình là công trình đơn ngành, có những công trình là công trình đa ngành. Thống kê cho thấy 14/17 công trình, chiếm 82,35% là các công trình đơn ngành; còn lại có 3 công trình (17,65%), vốn dĩ là một công trình được in ấn ở nhiều nơi khác nhau vào các năm khác nhau, có 5 ngành.

2.3. Thực trạng biên soạn từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2020

Từ năm 1975 đến năm 2020, ở Việt Nam có tổng cộng 273 công trình từ điển thuật ngữ đối dịch. Tình hình xuất bản/tái bản các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch giai đoạn này cụ thể như sau (xem Bảng 1).

Qua kết quả khảo sát ở trên có thể thấy, trong suốt 46 năm, từ năm 1975 đến năm 2020, có hai năm (1975 và 1980) không có công trình từ điển thuật ngữ đối dịch nào được xuất bản/tái bản, còn lại năm nào cũng có công trình được xuất bản/tái bản. Trong giai đoạn này, các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch không chỉ nhiều về số lượng mà còn đều đặn, liên tục được xuất bản/tái bản. Tính trung bình, trong giai đoạn này, mỗi năm có 5,93 công trình từ điển thuật ngữ đối dịch được xuất bản/tái bản, nhiều gấp 10,05 lần so với giai đoạn 1946-1974. Năm có nhiều ấn phẩm từ điển thuật ngữ đối dịch được xuất bản/tái bản là năm 2003, còn năm có số lượng ấn phẩm ít nhất là các năm 1990, 2011, 2014 và 2015.

Trong giai đoạn 1975-2020, các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch được xuất bản/tái bản tại 9 tỉnh thành ở Việt Nam và 1 công trình (Từ điển Công nghiệp Thực phẩm Nga - Việt do Nguyễn Năng Vinh, Lê Văn Nhong, A. I. Xô-rô-kin làm Chủ biên; Nguyễn Năng Vinh, Nguyễn Trọng Biểu, A. I. Xô-rô-kin hiệu đính) được xuất bản đồng thời năm 1984 tại Hà Nội, Việt Nam (Nxb. Khoa học và Kỹ thuật xuất bản) và Matxcơva, Nga (Nxb. Tiếng Nga xuất bản). Cụ thể như sau: Cà Mau (2 công trình - 0,73%), Đà Nẵng (10 công trình - 3,66%), Đồng Nai (3 công trình - 1,10%), Đồng Tháp (1 công trình - 0,37%), Hà Nội (220 công trình - 80,59%), Huế (3 công trình - 1,10%), Matxcơva - Nga (1 công trình - 0,37%), Minh Hải (2 công trình - 0,73%), Quảng Nam - Đà Nẵng (1 công trình - 0,37%), và Tp. Hồ Chí Minh (31 công trình - 11,36%). Trong đó, Hà Nội là nơi có nhiều công trình từ điển thuật ngữ đối dịch được in ấn nhất, tiếp đến là Tp. Hồ Chí Minh. Các tỉnh thành có số lượng ấn bản ít nhất là Đồng Tháp, Quảng Nam - Đà Nẵng và Matxcơva - Nga (xem Bảng 2).

Trong giai đoạn 1975-2020, có tổng cộng 48 đơn vị tham gia xuất bản/tái bản các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật là đơn vị phát hành nhiều công trình từ điển thuật ngữ đối dịch nhất (93/273 công trình, chiếm 34,07%). Kế đến là Nxb. Y học cũng có một số lượng công trình đáng kể (17/273 công trình, chiếm 6,23%). Đa phần (19/48 đơn vị, chiếm 39,58%) là các đơn vị chỉ xuất bản/tái bản một công trình. Có 8 đơn vị (16,67%) xuất bản/tái bản 2 công trình, 6 đơn vị (12,50%) xuất bản/tái bản 3 công trình, 2 đơn vị (4,17%) xuất bản/tái bản 4 công trình, 2 đơn vị (4,17%) xuất bản/tái bản 5 công trình, 1 đơn vị (2,08%) xuất bản/tái bản 6 công trình, 1 đơn vị (2,08%) xuất bản/tái bản 8 công trình, 1 đơn vị (2,08%) xuất bản/tái bản 9 công trình, 2 đơn vị (4,17%) xuất bản/tái bản 10 công trình, 1 đơn vị (2,08%) xuất bản/tái bản 12 công trình, 2 đơn vị (4,17%) xuất bản/tái bản 13 công trình, 1 đơn vị (2,08%) xuất bản/tái bản 14 công trình (xem Bảng 3). Trong số các đơn vị tham gia xuất bản/tái bản từ điển thuật ngữ đối dịch giai đoạn 1975-2020 có một nhà xuất bản nước ngoài là Nxb. Mir, Matxcơva, Nga. Các đơn vị xuất bản/tái bản từ điển thuật ngữ đối dịch giai đoạn 1975-2020 cụ thể như sau: Công ty Đầu tư và Phát triển Giáo dục Quốc tế Á Châu: 01 công trình; Cục Kỹ thuật Quân chủng Không quân: 02 công trình; Đại học Huế: 02 công trình; Đại học Kinh tế Quốc dân: 01 công trình; Nxb. Bách khoa Hà Nội: 02 công trình; Nxb. Chính trị Quốc gia: 01 công trình; Nxb. Đà Nẵng: 10 công trình; Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh: 05 công trình; Nxb. Dân trí: 01 công trình; Nxb. Đồng Nai: 03 công trình; Nxb. Đồng Tháp: 01 công trình; Nxb. Giáo dục: 14 công trình; Nxb. Giao thông Vận tải: 05 công trình; Nxb. Hà Nội: 01 công trình; Nxb. Hồng Đức: 01 công trình; Nxb. Khoa học Tự nhiên và Công nghệ: 01 công trình; Nxb. Khoa học và Kỹ thuật: 93 công trình; Nxb. Khoa học xã hội: 10 công trình; Nxb. Lao động: 03 công trình; Nxb. Lao động Xã hội: 02 công trình; Nxb. Mũi Cà Mau: 04 công trình; Nxb. Nông nghiệp: 02 công trình; Nxb. Quân đội Nhân dân: 03 công trình; Nxb. Tài chính: 02 công trình; Nxb. Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam: 01 công trình; Nxb. Thanh niên: 08 công trình; Nxb. Thế giới: 09 công trình; Nxb. Thống kê: 12 công trình; Nxb. Thông tin và Truyền thông: 01 công trình; Nxb. Thuận Hóa: 01 công trình; Nxb. Tiếng Nga: 01 công trình; Nxb. Tôn giáo: 03 công trình; Nxb. Tp. Hồ Chí Minh: 13 công trình; Nxb. Trẻ: 06 công trình; Nxb. Từ điển bách khoa: 13 công trình; Nxb. Tư pháp: 03 công trình; Nxb. Văn hóa Thông tin: 02 công trình; Nxb. Xây dựng: 04 công trình; Nxb. Y học: 17 công trình; Phân viện Nghiên cứu Phật học: 01 công trình; Sở Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng: 01 công trình; Thư viện Khoa học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh: 03 công trình; Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em: 01 công trình; Trung tâm Thông tin tư liệu Khoa học và Công nghệ Quốc gia: 01 công trình; Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân): 01 công trình; Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội: 02 công trình; Trường Đại học Tài chính Kế toán: 01 công trình; Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội: 01 công trình. Trong giai đoạn này có 3 công trình do hai đơn vị liên kết xuất bản, đó là: Từ điển Công nghiệp Thực phẩm Nga - Việt (Nguyễn Năng Vinh, Lê Văn Nhong, A. I. Xô-rô-kin (Chủ biên); Nguyễn Năng Vinh, Nguyễn Trọng Biểu, A. I. Xô-rô-kin (hiệu đính), Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, Việt Nam và Nxb. Tiếng Nga, Nga liên kết xuất bản tại Hà Nội, Việt Nam và Matxcơva, Nga năm 1984); Từ điển Tâm lý Lâm sàng Pháp - Anh - Việt (Lê Văn Luyện - Nguyễn Văn Siêm - Phạm Kim (Chủ biên), Nxb. Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em liên kết xuất bản năm 2002) và Từ điển Toán học song ngữ (Math Dictionary for Kids): 7-15 tuổi (Theresa R. Fritzferald biên soạn; Vũ Thị Hương dịch, Nxb. Lao động Xã hội và Công ty Đầu tư và Phát triển Giáo dục Quốc tế Á Châu liên kết xuất bản năm 2019).

Trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2020, các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch bao phủ các ngành và chuyên ngành sau: An toàn và Vệ sinh lao động, Báo chí, cấp thoát nước, Chế tạo máy, Chứng khoán, Công nghệ thép và kim loại, Công nghệ thông tin, Công nghệ thông tin điện tử viễn thông, Công nghiệp thực phẩm, Công tác phát hành sách, báo chí, Cơ điện nông nghiệp, Cơ điện tử, Cơ học, Cơ khí, Cơ khí và công trình, Cơ khí và máy xây dựng, Dân tộc học, Dầu khí, Dệt may, Di truyền học, Di truyền tế bào học và chọn giống, Du lịch, địa chất, Địa ốc, Điện, Điện lạnh, Điện toán, Điện tử, Điện tử tin học, Giao thông vận tải, hải dương học, Hàng hải, Hóa học, Hóa nhuộm, In, Kế toán, Khảo cổ học, Khí tượng học, Khí tượng thủy văn, Khoa học công nghệ, Khoa học kỹ thuật, Khoa học trái đất, Khoa học xã hội, Kỹ thuật, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật hàng không, Kỹ thuật in, Kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí, Kỹ thuật máy bay, Kỹ thuật tổng hợp và công nghệ cao, Kiểm toán, Kiến trúc, Kinh doanh, Kinh tế, Lâm nghiệp, luật, Luyện kim, Máy tính, Mỏ, Môi trường, Năng lượng, Ngân hàng, Ngôn ngữ học, Ngư nghiệp, Nhiệt - điện - lạnh, Nông nghiệp, Nước, Ô tô máy kéo, Quân sự, Quy hoạch đô thị, Sinh học, Sinh thái học, sử học, Tài chính, Tâm lý học, Tâm bệnh học, Tâm thần học, Tâm lý y học, Tế bào học, Thiên văn học, Thổ nhưỡng học, Thống kê, Thông tin, Thuế, Thư viện học, Thực phẩm, Thực vật học, Thương mại, Thủy lợi, Tiền tệ, Tiếp thị, Tin học, Tinh thể học, Toán học, Tôn giáo, Trắc địa học, Trắc địa - bản đồ và quản lý đất đai, Triết học, Truyền thông, Tư liệu và thư viện học, Văn phòng và nghề thư ký, Vật lý, Vật lý và công nghệ cao, Viễn thông, Vô tuyến điện tử, Xây dựng, Xây dựng đảng, Xuất bản, Y học,...

Trong số 273 công trình từ điển thuật ngữ đối dịch giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2020 có 197 công trình (72,16%) là công trình đơn ngành, 76 công trình (27,84%) là công trình đa ngành.

3. Kết luận

Cùng với sự phát triển của đất nước, các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch không chỉ tăng lên về số lượng mà còn tăng lên về chất lượng. Công trình Danh từ khoa học, dù không chính danh mang tên là từ điển nhưng từ khi ra đời đã đặt viên gạch đầu tiên cho tòa lâu đài từ điển thuật ngữ đối dịch Việt Nam. Kể từ đó đến nay (1942-2020), trải qua 79 năm, lịch sử từ điển thuật ngữ đối dịch Việt Nam đã có 292 quả ngọt. Tính trung bình mỗi năm 3,7 công trình đã ra đời. Các công trình này đã góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển khoa học và giáo dục của nước nhà. Trải qua 79 năm phát triển  với một số lượng công trình khá đồ sộ như vậy nhưng điều đó không có nghĩa là mảnh đất từ điển thuật ngữ đối dịch đã được cày xới kỹ càng, không còn chỗ trống nào cho các thế hệ sau cày xới, trồng trọt. Thực tế khảo sát cho thấy, các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch hiện có cũng chưa bao phủ hết các ngành (chuyên ngành). Vẫn còn rất nhiều ngành (chuyên ngành) chưa có từ điển thuật ngữ đối dịch như: Dược học, Lưu trữ học, Nhân học, Từ điển học, An ninh, Ẩm thực, Công nghệ vật liệu, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Thể dục thể thao, Trang phục, Tự động hóa,… Không chỉ thế, các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch hiện có cũng cần được chỉnh sửa, bổ sung sao cho cập nhật với các kiến thức mới đang ngày càng đa dạng, phong phú cũng như kịp với tốc độ phát triển như vũ bão hiện nay của các ngành khoa học hay chỉnh sửa, bổ sung các thuật ngữ tương đương sao cho phù hợp với sự hiểu biết đầy đủ hơn, phản ánh chính xác hơn nội hàm mà thuật ngữ gốc biểu đạt. Có như vậy thì từ điển thuật ngữ đối dịch mới phát huy hết khả năng là công cụ tra cứu, học tập cũng như đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của độc giả ngày nay. 

Trên đây là kết quả khảo sát của chúng tôi về các công trình từ điển thuật ngữ đối dịch ở Việt Nam từ khi xuất hiện công trình đầu tiên được coi là từ điển thuật ngữ đối dịch (1942) đến hết năm 2020. Mặc dù đã cố gắng nhưng chắc chắn bài viết vẫn còn nhiều thiếu sót. Thêm nữa, do khuôn khổ có hạn của bài viết nên còn nhiều vấn đề về từ điển thuật ngữ đối dịch mà chúng tôi chưa đề cập đến hoặc chưa trình bày cặn kẽ trong bài viết này. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày đầy đủ, sâu sắc hơn các vấn đề về từ điển thuật ngữ đối dịch trong công trình có quy mô lớn hơn.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đặng Hoàng Hải - Hoàng Thị Nhung, “Một cách phân loại từ điển ngôn ngữ”, Từ điển học và Bách khoa thư, số 1(9), tr.19-32, 2011.

[2] Vũ Quang Hào, Kiểm kê Từ điển học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005.

[3] Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Lịch sử - lý luận và thực tiễn biên soạn Bách khoa toàn thư, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2004.

[4] Hà Quang Năng, Thuật ngữ học - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012.

[5] Chu Bích Thu, “Giới thiệu sơ lược về từ điển và từ điển học Việt Nam”, Ngôn ngữ, số 14, tr.12-26, 2001.

[6] Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, Một số vấn đề Từ điển học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.

 

 

TRƯƠNG THỊ THU HÀ