Tóm tắt: Huế là vùng đất có tiềm năng du lịch hấp dẫn. Trên cơ sở lý thuyết về tri thức du lịch, tài nguyên du lịch, bài viết tìm hiểu tri thức du lịch và cấu trúc vi mô của từng loại mục trong công trình Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa, từ đó đề xuất mẫu biên soạn từ điển liên quan đến du lịch của địa phương.
Từ khóa: Tri thức du lịch, tài nguyên du lịch, cấu trúc vi mô.
Abstract: Hue is a land with many attractive tourism potentials. On the basis of the theory of tourism knowledge and resources, the article explores the knowledge of tourism and microstructure of each type of the entries in the Dictionary of Language, Culture, Tourism of ancient Hue, proposes a model for compiling a local tourism-related dictionary.
Keywords: Tourism knowledge, tourism resources, microstructure.
1. Mở đầu
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống của con người ngày càng được cải thiện thì nhu cầu du lịch cũng tăng lên nhanh chóng. Với sự phát triển mạnh của các phương tiện vận chuyển, đặc biệt của ngành hàng không thì mong muốn đến một vùng đất khác ngoài nơi cư trú để du lịch trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều. Huế là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa đặc sắc. Nhắc đến Huế chúng ta luôn nghĩ đến một nơi với cảnh quan thiên nhiên hữu tình, mộng mơ, những công trình kiến trúc ấn tượng, với các món ăn đặc trưng, độc đáo cùng con người hiền hòa, chất phác,... Tất cả những điểm này tạo cho Huế có tiềm năng du lịch hấp dẫn, một điểm đến mà nhiều du khách trong và ngoài nước muốn đặt chân.
Công trình Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa [1] của tác giả Trần Ngọc Bảo được biên soạn nhằm giới thiệu các di sản của xứ Huế. Ngoài những tri thức về phương ngữ và văn hóa Huế thì tri thức về du lịch Huế cũng là một trong những nội dung quan trọng được tác giả đưa vào trong cuốn Từ điển. Bài viết tìm hiểu những tri thức về du lịch và cấu trúc vi mô của từng loại mục trong công trình Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa, từ đó đề xuất một mẫu biên soạn từ điển liên quan đến du lịch của địa phương.
2. Một số vấn đề lý thuyết
2.1. Tri thức và tri thức du lịch
Từ điển tiếng Việt định nghĩa "tri thức" là những hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội" [6, tr.1033].
"Du lịch", theo cách hiểu thứ hai mà Từ điển bách khoa Việt Nam nêu ra, đó là "Một ngành kinh doanh tổng hợp có hiệu quả cao về nhiều mặt: nâng cao hiểu biết về thiên nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, từ đó góp phần làm tăng thêm tình yêu đất nước; đối với người nước ngoài là tình hữu nghị với dân tộc mình. Về mặt kinh tế, du lịch là lĩnh vực kinh doanh mang lại hiệu quả rất lớn; có thể coi là hình thức xuất khẩu hàng hóa và lao động dịch vụ tại chỗ. Hầu như nước nào cũng coi trọng phát triển hoạt động du lịch. Nói chung trên thế giới, du lịch ra nước ngoài có xu hướng phát triển nhanh. Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn" [2, tr.684].
Với cách tiếp cận du lịch là một ngành thì "tri thức du lịch" có thể coi là những hiểu biết một cách có hệ thống về ngành du lịch, bao gồm phạm vi tương đối rộng, bao quát toàn bộ phạm vi hoạt động của ngành. Đó là những hiểu biết chung về lĩnh vực và hoạt động du lịch, quá trình phát triển của ngành, những khái niệm cơ bản; những chính sách liên quan đến du lịch; tài nguyên du lịch, các loại hình, sản phẩm du lịch, các hoạt động lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn du lịch, và những hoạt động liên quan như dịch vụ lưu trú, ăn uống,...; các tổ chức kinh doanh, quản lý về du lịch;... Với những tri thức trên thì tài nguyên du lịch được coi là một trong những yếu tố quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển ngành du lịch của một địa phương.
2.2. Tài nguyên du lịch
Tài nguyên du lịch (tourism resources) là một trong những yếu tố cơ bản để cho một địa phương hay một quốc gia phát triển ngành du lịch.
Về khái niệm "tài nguyên du lịch" (TNDL) cũng như hệ thống phân loại TNDL có rất nhiều quan niệm khác nhau của các tác giả, các tổ chức nghiên cứu du lịch ở Việt Nam và thế giới.
Trong Luật Du lịch năm 2017 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đưa ra khái niệm về TNDL và các loại TNDL như sau [3]:
"Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa" (khoản 4, điều 3, Luật Du lịch 2017).
"Tài nguyên du lịch tự nhiên: bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.
Tài nguyên du lịch văn hóa: bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác, công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch" (điều 15, Luật Du lịch 2017).
Tác giả Bùi Thị Hải Yến trong công trình nghiên cứu Tài nguyên du lịch [7, tr.38] cũng chỉ rõ các dạng TNDL nhân văn vật thể và TNDL nhân văn phi vật thể như sau:
Như vậy, có thể thấy TNDL chủ yếu được phân thành hai loại chính là TNDL tự nhiên và TNDL văn hóa (hay còn được gọi là tài nguyên du lịch nhân văn). TNDL tự nhiên là tất cả các yếu tố thuộc về tự nhiên, do thiên nhiên ban tặng cho con người. TNDL văn hóa là những tài nguyên do con người tạo ra, trong đó bao gồm cả những di sản vật thể như các di tích lịch sử - văn hóa, các công trình kiến trúc, khảo cổ, công trình đương đại,... và những di sản phi vật thể như các lễ hội, văn nghệ dân gian, các giá trị văn hóa, làng nghề, ẩm thực,... Tất cả những yếu tố thiên nhiên và văn hóa đó có thể thu hút được khách du lịch và được đưa vào sử dụng cho mục đích du lịch.
2.3. Tài nguyên du lịch Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế là một tỉnh nằm ở duyên hải miền Trung Việt Nam, với diện tích hơn 5.000 km2, đặc điểm địa hình có đồng bằng, đồi núi, các đầm phá và biển. Tỉnh Thừa Thiên Huế có nguồn TNDL tự nhiên dồi dào với những cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng như: Sông Hương, Núi Ngự, núi Bạch Mã,... cùng các hệ sinh thái đa dạng như hệ sinh thái biển đảo, hệ sinh thái đầm phá, hệ sinh thái hồ,... và những bãi biển đẹp như Thuận An, Cảnh Dương,...
Bên cạnh nguồn TNDL tự nhiên dồi dào, Huế còn có nguồn TNDL văn hóa phong phú với nhiều di sản văn hóa có giá trị, bao gồm cả những di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Thừa Thiên Huế sở hữu hàng nghìn di tích và các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, trong đó có một số di sản văn hóa được UNESCO công nhận (Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế).
Vùng đất Thừa Thiên Huế vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều lễ hội truyền thống lâu đời (hơn 500 lễ hội bao gồm cả lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo); lưu giữ những giá trị ẩm thực độc đáo; nhiều làng nghề truyền thống cùng những sản phẩm đặc sắc của Huế cũng được gìn giữ, khôi phục và phát triển. Tất cả những nguồn tài nguyên quý giá đó chính là lợi thế, là nguồn lực để tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển ngành du lịch, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của quốc gia.
3. Tri thức về du lịch trong công trình Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa
Công trình Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa tập hợp khá phong phú các tài liệu về du lịch, bao gồm những tư liệu về thiên nhiên, thắng cảnh, điểm tham quan du lịch, các di tích lịch sử - văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể,... Tất cả những tri thức về du lịch có trong công trình này đều thuộc loại tri thức về TNDL.
Khảo sát các mục về du lịch, cụ thể là các mục về TNDL trong Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa ta thấy có những TNDL phổ biến sau:
Thứ nhất, các mục về TNDL tự nhiên, gồm: các yếu tố địa hình, thủy văn và tài nguyên sinh vật.
Các yếu tố địa hình, thủy văn như: sông (12 mục), ví dụ: sông An Cựu, Sông Hương, sông Ngự Hà,...; núi (8 mục), ví dụ: núi Bạch Mã, núi Cẩm Khê, núi Ngự Bình,...; đồi (5 mục): đồi Hà Khê, đồi Long Thọ, đồi Thiên An, đồi Vọng Cảnh, đồi Thọ Xương; đèo (3 mục): đèo Hải Vân, đèo Phú Gia, đèo Phước Tượng; bãi biển/cửa biển (3 mục): Thuận An (bãi biển), Tư Hiền (bãi biển), Cảnh Dương (cửa biển); cồn (2 mục): cồn Dã Viên, cồn Hến; đầm phá (1 mục): Tam Giang; hang (1 mục): hang Dơi; vịnh (1 mục): Chân Mây.
Tài nguyên sinh vật như: thực vật (59 mục), ví dụ: bát bát, bùi, chuối ba lùn, dương liễu, thanh trà,...; động vật (35 mục), ví dụ: cá lệch, cá thệ, khuyết, tôm, vú nàng,...
Thứ hai, các mục về TNDL văn hóa, trong đó đề cập đến văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Văn hóa vật thể, gồm có công trình kiến trúc cố đô, các địa điểm, di vật, cổ vật liên quan đến cung đình: kinh thành, lầu các, cung, phủ, lăng, vườn ngự, hồ, pháp trường, rạp hát, đài thiên văn, đài tế lễ, bãi tập võ, doanh trại, đấu trường,... (175 mục). Ví dụ: Kinh Thành, Khánh Ninh cung, Phu Văn Lâu, phủ An Thành Vương, Thành Lồi, An Lăng, vườn Chí Khánh, vườn Ngự Viên, hồ Mộc Đức, hồ Tịnh Tâm, Cống Chém (pháp trường), đàn Nam Giao, Đình Thần Võ Trường (bãi tập võ), Hỏa Lệnh Sở (doanh trại), Hổ Quyền (đấu trường), Khám Đường (nhà tù), Cửu Đỉnh, Cửu Vị Thần Công,...; công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng: đình, chùa, đền miếu, điện, nhà thờ, tháp, nhà thờ tổ, bia tưởng niệm (173 mục). Ví dụ: chùa Khánh Long, chùa Từ Nghiêm, đền Đức Thánh Trần, điện Voi Ré, miếu Thành Hoàng, đình Phú Xuân, nhà thờ Phủ Cam, tháp Phước Duyên, bia Quốc Học,...; công trình đương đại, địa điểm có giá trị văn hóa lịch sử: cầu, trung tâm thể thao, khách sạn, trường học, sân vận động, bệnh viện (75 mục). Ví dụ: cầu Trường Tiền, Trường Quốc Học, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, Trường Đồng Khánh, Mô Ranh (khách sạn), sân vận động Tự do, Xẹc (trung tâm thể thao),...
Văn hóa phi vật thể, gồm có: ẩm thực (107 mục), ví dụ: bánh bèo, bánh in, bún bò, chè đậu quyên, cơm hến, mứt gừng dẻo, rượu Minh Mạng,...; nghệ thuật: hát, lý, hò, vè, ca Huế, múa (69 mục), ví dụ: bát tiên tiến thọ, hát sắc bùa, hò Huế, hò mái nhì, lý hoài nam, lý nam xang, múa cung đình, múa lục cúng hoa đăng, vè,...; lễ hội (36 mục), ví dụ: lễ ban sóc, lễ thượng điền, lễ cúng âm hồn, lễ hội làng Sình, lễ vu lan,...; trò chơi truyền thống (15 mục), ví dụ: bài chòi, bài nọc, bỏ khăn, đập om, hò bài tiệm, thả thơ,...
4. Cấu trúc vi mô các mục về tài nguyên du lịch
Các mục thuộc chủ đề tri thức về TNDL trong công trình Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa bao gồm nhiều tiểu loại, mỗi tiểu loại là một chủ đề nhỏ hàm chứa một nội dung thông tin khái quát đặc trưng, do vậy mỗi tiểu loại mục lại có cấu trúc biên soạn riêng.
- Loại mục về địa hình, thủy văn: là các địa danh tự nhiên, có nội dung thông tin gồm:
Đầu mục: loại địa hình, thủy văn + tên riêng (ví dụ: cồn Dã Viên, đồi Hà Khê, Hang Dơi, núi Bạch Mã, sông Ngự Hà, đèo Phú Gia,... Một số mục chỉ có tên riêng, không có loại địa hình, ví dụ: Chân Mây, Tam Giang, Thuận An,...);
Vị trí địa lý;
Đặc điểm địa hình, cảnh quan;
Sự kiện lịch sử - văn hóa tiêu biểu.
- Loại mục về sinh vật (thực vật/động vật) có nội dung thông tin gồm:
Đầu mục: tên cây cỏ/tên con vật;
Từ loại (danh từ);
Loại sinh vật (thực vật/ động vật);
Mô tả đặc điểm: hình dạng, điều kiện sống;
Công dụng;
Giá trị;
Thí dụ (ngữ cảnh có chứa từ đầu mục).
- Loại mục về công trình kiến trúc, địa điểm có giá trị văn hóa - lịch sử có nội dung thông tin gồm:
Đầu mục: loại công trình + tên riêng (ví dụ: lăng Cơ Thánh, phủ An Thành Vương, chùa Báo Quốc, đền Âm Linh, miếu Thành Hoàng, vườn Tịnh Tâm,... Một số mục không có loại công trình, chỉ có tên riêng, ví dụ: An Định (cung), Linh Hựu Quán (đền thờ), Minh Khiêm Đường (nhà hát cung đình), Thanh Bình Từ Đường (nhà thờ tổ hát),...);
Loại công trình;
Chủ nhân, những nét chính về thân thế của chủ nhân;
Thời gian xuất hiện/năm xây dựng;
Vị trí;
Mô tả: quy mô, cấu trúc;
Sự kiện tiêu biểu;
Giá trị, ý nghĩa.
- Loại mục về ẩm thực: phần lớn các mục là tên món ăn, đồ uống có nội dung thông tin gồm:
Đầu mục: tên món ăn/đồ uống;
Từ loại;
Loại món ăn/đồ uống (bánh, mứt, chè, bún,...);
Thành phần nguyên liệu;
Cách chế biến;
Cách trình bày món ăn/cách ăn (ăn thế nào, ăn ở đâu);
Địa điểm chế biến/bán hàng nổi tiếng.
- Loại mục về lễ hội gồm: lễ tết, lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, có nội dung thông tin:
Đầu mục: tên lễ hội;
Giải nghĩa;
Thời gian, địa điểm tổ chức;
Người tổ chức, người tham gia;
Mô tả;
Tác dụng, vai trò, ý nghĩa và ảnh hưởng đối với cộng đồng.
- Loại mục về nghệ thuật: gồm các loại hình nghệ thuật hò, vè, lý, ca Huế, múa,... và các tác phẩm, có nội dung thông tin:
Đầu mục: tên loại hình nghệ thuật hoặc tên tác phẩm;
Tên gọi khác (nếu có);
Giải nghĩa;
Thời gian, địa điểm phát sinh, sáng tác;
Người biểu diễn hoặc tham gia chính;
Miêu tả: nội dung tác phẩm, cách thức biểu diễn,...;
Giá trị và ảnh hưởng đối với cộng đồng.
- Loại mục về trò chơi truyền thống có nội dung thông tin:
Đầu mục: tên trò chơi;
Thời gian, địa điểm tổ chức chơi;
Người tham gia;
Cách chơi.
Kết quả khảo sát cho thấy, các mục về TNDL rất phong phú, cùng với các mục về ngôn ngữ và văn hóa tạo nên nội dung của cuốn Từ điển này.
Với đặc điểm đa lĩnh vực của công trình này nên các mục có thể được tiếp cận và biên soạn ở góc độ ngôn ngữ hay văn hóa, du lịch. Điều này dẫn đến hiện tượng chưa hoàn toàn thống nhất trong cấu trúc của các mục trong Từ điển, thậm chí là trong cùng loại mục. Chẳng hạn các mục về sinh vật như cây cỏ, cá tôm hay các mục về món ẩm thực, nếu tiếp cận ở góc độ du lịch thì chúng được coi là những yếu tố thuộc về tài nguyên du lịch. Nhưng hầu hết trong Từ điển chúng được biên soạn với tư cách là một mục từ ngôn ngữ, có cấu trúc mục từ bao gồm đầu mục và các nội dung thông tin về từ loại, định nghĩa, thậm chí có cả ví dụ là những câu ca dao, tục ngữ, các câu hò mà có chứa từ đầu mục. Nhưng có nhiều mục lại được trình bày dưới dạng một bài viết ngắn và cuối mục có cả danh sách các tài liệu tham khảo, đó là các mục như về lễ hội, nghệ thuật, trò chơi truyền thống, công trình kiến trúc cung đình,...
Nhìn chung, mỗi loại mục có một cấu trúc vi mô bao gồm những nội dung thông tin tương ứng được khái quát như ở trên. Mặc dù thế, không phải tất cả các mục trong cùng một tiểu loại đều chứa đầy đủ lượng thông tin đó. Việc đưa thiếu thông tin nào đó đều dẫn đến tình trạng không nhất quán về nội dung và không đồng đều về mặt dung lượng giữa các mục cùng loại.
Cách trình bày cấu trúc vi mô của các mục cùng loại vẫn chưa có sự nhất quán. Chẳng hạn như cùng là mục về tài nguyên thiên nhiên, nhưng cấu trúc đầu mục lại được trình bày theo hai kiểu:
- Đầu mục: loại địa hình + tên riêng. Ví dụ: đồi Long Thọ, sông Ngự Hà, núi Ngự Bình,...
- Đầu mục: tên riêng. Ví dụ: Cảnh Dương, Tam Giang, Thọ Xương,...
Bên cạnh đó, trong nhiều mục, nội dung thông tin không được trình bày theo mô hình thống nhất. Cùng một nội dung thông tin nhưng ở các mục khác nhau lại được sắp xếp theo trình tự khác nhau.
5. Đề xuất mô hình biên soạn
Tìm hiểu loại mục về du lịch và cấu trúc vi mô của từng loại mục trong công trình Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa, chúng ta có thể rút ra một số điểm cần chú ý trong quá trình biên soạn và đưa ra một mẫu biên soạn từ điển du lịch của từng địa phương, cụ thể là mẫu biên soạn các mục về TNDL như sau:
Các mục trong từ điển tuy cùng loại chủ đề tri thức về du lịch nhưng chúng có thể được phân theo các tiểu chủ đề (chẳng hạn địa hình, thủy văn; sinh vật; di tích; ẩm thực; lễ hội;...). Hình thức sắp xếp các mục trong từ điển có thể theo trật tự ABC hoặc theo tiểu chủ đề.
Nên có sự thống nhất về cách thức biên soạn đối với các mục thuộc cùng chủ đề tri thức để lựa chọn phương pháp biên soạn phù hợp và nhất quán.
Mỗi loại mục sẽ có một mô hình biên soạn riêng, do đó trong quá trình biên soạn phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ theo đúng mô hình đặt ra: về cách thức trình bày các mục cùng loại, về số lượng cũng như dung lượng thông tin và trật tự sắp xếp các nội dung thông tin trong cấu trúc vi mô của các mục.
Mô hình biên soạn các loại mục về TNDL có thể áp dụng theo như các mô hình ở trên. Tuy vậy, đối với một số loại mục nên sửa đổi để có một cấu trúc vi mô thống nhất và phù hợp với nội dung cũng như mục đích của từ điển là cung cấp những tri thức về du lịch. Đó là các loại mục về địa hình, thủy văn; loại mục về sinh vật; loại mục về công trình kiến trúc, địa điểm có giá trị văn hóa - lịch sử.
- Loại mục về địa hình, thủy văn:
Đầu mục: tên riêng;
Loại địa hình, thủy văn;
Vị trí địa lý;
Đặc điểm địa hình, cảnh quan;
Sự kiện lịch sử - văn hóa tiêu biểu (nếu có).
- Loại mục về sinh vật (thực vật/động vật):
Đầu mục: tên cây cỏ/tên con vật;
Loại sinh vật (thực vật/động vật);
Mô tả đặc điểm: môi trường sống, hình dạng, điều kiện sống;
Công dụng;
Giá trị.
- Loại mục về công trình kiến trúc, địa điểm có giá trị văn hóa - lịch sử:
Đầu mục: tên riêng;
Loại công trình;
Chủ nhân, những nét chính về thân thế của chủ nhân (nếu có);
Thời gian xuất hiện/năm xây dựng;
Vị trí;
Mô tả: quy mô, cấu trúc;
Sự kiện tiêu biểu;
Giá trị, ý nghĩa.
6. Kết luận
Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa không phải là một công trình tra cứu chuyên về lĩnh vực du lịch mà nó gồm nhiều lĩnh vực (cả ngôn ngữ, văn hóa và du lịch), tuy nhiên lượng tri thức thuộc lĩnh vực du lịch được đưa vào trong từ điển rất phong phú. Cụ thể là có nhiều loại TNDL của vùng đất Thừa Thiên Huế, từ những TNDL thiên nhiên, đến những TNDL văn hóa vật thể, TNDL văn hóa phi vật thể được tác giả đưa vào biên soạn. Tất cả đều là những thông tin vô cùng hữu ích, giúp cho du khách có được nguồn tư liệu đáng giá khi đến thăm vùng đất này. Từ việc tìm hiểu các công trình biên soạn đi trước, chúng ta có thể học hỏi và rút ra được những kinh nghiệm trong việc tiến hành biên soạn các công trình tương tự, sao cho đảm bảo cả về mặt nội dung tri thức cũng như quy cách trình bày, để ngày càng có thêm những nguồn tài liệu học tập và tra cứu hữu ích.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Ngọc Bảo, Từ điển Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch Huế xưa, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005.
[2] Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 1, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 1995.
[3] Luật Du lịch Việt Nam 2017, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-du-lich-2017-322936.aspx.
[4] Nguyễn Thám, Nguyễn Hoàng Sơn, Đánh giá tài nguyên sinh khí hậu phục vụ phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số 29, 2011.
[5] GS. TS. Hà Học Trạc, Lịch sử - lí luận và thực tiễn biên soạn bách khoa toàn thư, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2014.
[6] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, 2000.
[7] Bùi Thị Hải Yến (Chủ biên), Tài nguyên du lịch, Nxb. Giáo dục, 2007.
[8] https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Thong-tin-du-dia-chi/tid/Khai-quat-chung/newsid/ED9F1491-9D2C-4BA2-95E1-157172A885A5/cid/E1147620-71DD-4966-9D74-BA4FE2937549.
HÀ THỊ QUẾ HƯƠNG