Tóm tắt: Ngôn ngữ và văn hóa là hai yếu tố không thể tách rời. Đây là vấn đề đã được nhiều nghiên cứu đưa ra, tuy nhiên hiếm có nghiên cứu nào đề cập cụ thể đến tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng Anh trên lớp học ở một môi trường cụ thể. Bài viết sẽ đi vào khảo sát đối với sinh viên không chuyên, Trường Đại học Thương mại, từ đó sẽ đưa ra những đề xuất, gợi mở cho giáo viên cách thức để ứng dụng tích hợp các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong quá trình giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên.
Từ khóa: Ngôn ngữ và văn hóa, ngoại ngữ, giao tiếp liên văn hóa, sinh viên không chuyên, Trường Đại học Thương mại.
Abstract: Language and culture cannot be split. This is an issue raised in many studies, however, no research has specifically mentioned the importance of teaching and learning English in the classroom in a specific environment. The article implements the survey for the non-major students at Thuongmai University, thereby some suggestions will be made for teachers to integrate cross-cultural communication activities in the process of teaching English for students.
Keywords: Language and culture, foreign languages, cross-cultural communication, non-major students, Thuongmai University.
1. Giới thiệu
Tiếng Anh là một ngoại ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên và là một trong những công cụ giao tiếp không thể thiếu trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Ngày nay, việc dạy ngoại ngữ cho sinh viên không chỉ dạy từ vựng, ngữ pháp, mà còn dạy cho sinh viên làm thế nào để giao tiếp hiệu quả. Tuy nhiên, muốn giao tiếp hiệu quả thì người học cũng cần nắm vững các yếu tố văn hóa của ngoại ngữ mình đang học. Do đó yếu tố văn hóa trong ngôn ngữ cũng rất cần thiết đối với sinh viên trong quá trình giao tiếp và việc lồng ghép văn hóa của ngôn ngữ đích vào quá trình dạy và học trở nên vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, vẫn có một khoảng cách xa giữa đòi hỏi thực tế và khả năng đáp ứng của một bộ phận lớn sinh viên Trường Đại học Thương mại. Có một thực tế là trong các học phần tiếng Anh mà sinh viên không chuyên được học, sinh viên không có nhiều cơ hội giao tiếp, luyện tập kỹ năng nghe, nói, đặc biệt là những hoạt động giao tiếp liên văn hóa (cross-cultural communication). Khảo sát của chúng tôi cho thấy, những bài học trong các giáo trình của học phần tiếng Anh từ 1.1 đến học phần tiếng Anh chuyên ngành 2 tập trung chủ yếu vào việc cung cấp từ vựng tiếng Anh thương mại và các cấu trúc ngữ pháp. Trong đó các hoạt động giao tiếp, đặc biệt là hoạt động giao tiếp có yếu tố văn hóa chưa được quan tâm, đề cập đến qua các bài học.
Vậy các yếu tố văn hóa có tầm quan trọng như thế nào đối với việc dạy và học tiếng Anh trên lớp học? Giáo viên đã ứng dụng tích hợp các hoạt động giao tiếp liên văn hóa như thế nào cho sinh viên ở học phần tiếng Anh chuyên ngành 2? Đây là hai nội dung bài viết sẽ đi vào khảo sát đối với sinh viên không chuyên, Trường Đại học Thương mại, từ đó sẽ đưa ra những đề xuất, gợi mở cho giáo viên những cách thức để ứng dụng tích hợp các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong quá trình giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên.
2. Một số khái niệm cơ bản
- Khái niệm văn hóa
Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa, bài viết sử dụng định nghĩa của Hymes và UNESCO vì gần với giao tiếp trong học ngoại ngữ.
Hymes [2] cho rằng: “Văn hóa của một xã hội bao gồm bất cứ điều gì mà người ta phải biết hoặc tin để hành xử theo cách có thể chấp nhận được đối với các thành viên của nó và nó phải là như vậy ở bất cứ một vai nào mà họ chấp nhận đối với bất cứ ai trong số chính họ. Văn hóa, cái mà người ta phải học để phân biệt với di sản sinh học của họ, phải bao gồm sản phẩm cuối cùng của học vấn: kiến thức, hiểu một cách tương đối theo nghĩa trung nhất của từ này”.
Cũng nhấn mạnh vào tính bản sắc của văn hóa, UNESCO [7] đã đưa ra định nghĩa như sau: “Văn hóa là tổng thể phức hợp của những đặc tính tinh thần, vật chất, trí tuệ và tình cảm nổi trội giúp xác định một xã hội hoặc nhóm xã hội. Nó không chỉ bao gồm nghệ thuật và văn chương mà còn cả cách thức sống, các quyền cơ bản của con người, các hệ thống giá trị, các truyền thống và đức tin”.
- Khái niệm giao tiếp liên văn hóa
Giao tiếp liên văn hóa (cross-cultural communication) là một khái niệm mới mẻ. Theo cách hiểu của chúng tôi đó là sự tương tác giữa các nhóm xã hội, giữa các tiểu văn hóa, giữa các văn hóa tộc người và giữa các nền văn hóa khác nhau. Giao tiếp liên văn hóa được định nghĩa là quá trình tương tác giữa những đối tượng sống trong cùng một quốc gia, nhưng thuộc về các văn hóa tộc người khác nhau. Ví dụ, tương tác giữa người Kinh và người H’Mông hoặc giữa người Mỹ gốc Anglo-Saxon và người Mỹ gốc Việt.
Để dạy ngoại ngữ có hiệu quả, giáo viên cần đánh giá đúng vai trò quan trọng của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong quá trình giảng. Trong quá trình dạy học ngoại ngữ giáo viên không nên chỉ tập trung vào việc phát triển ngôn ngữ cho học sinh mà còn phải quan tâm đến việc cung cấp những kiến thức về văn hóa, đặc biệt là sự khác biệt giữa văn hóa Anh và văn hóa Việt. Điều đó sẽ giúp người học tránh được các cú sốc về văn hóa trong khi giao tiếp với người bản ngữ. Nhận thức được vai trò của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong việc giảng dạy ngoại ngữ sẽ giúp người dạy cũng như người học có được khả năng ngôn ngữ hoàn hảo và đạt được mục đích giao tiếp trong tương lai.
Ngôn ngữ và văn hóa là hai yếu tố không thể tách rời. Do đó, dạy học ngoại ngữ phải luôn gắn liền và song hành với dạy học văn hóa. Việc nhận thức rõ điều này sẽ cải thiện đáng kể bài học nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế giao tiếp bằng ngoại ngữ. Trong thập kỷ qua, khái niệm văn hóa đã trở nên phổ biến và quan trọng trong giảng dạy tiếng nước ngoài bởi vì “văn hóa chính là một phần của ngôn ngữ, không thể bị tách rời khỏi ngôn ngữ”. Seelye [4] đã chỉ ra là “cần phải hiểu rõ phong cách sống và văn hóa của người nước ngoài để tiếp nhận và hành động phù hợp nhất đối với những tư tưởng, giá trị khác nhau. Tuy nhiên, ngôn ngữ lại chính là cửa ngõ để tìm hiểu văn hóa. Ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ biện chứng bền chặt”.
3. Nội dung nghiên cứu và kết quả nghiên cứu
3.1. Khách thể và phương pháp nghiên cứu
Với mục đích khảo sát tầm quan trọng của yếu tố văn hóa đối với việc dạy và học Tiếng Anh trên lớp học và tính ứng dụng của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa cho sinh viên, bài viết tiến hành điều tra bảng hỏi đối với 100 sinh viên không chuyên năm thứ 3, Trường Đại học Thương mại và 10 giáo viên tham gia giảng dạy học phần tiếng Anh chuyên ngành 2 của Bộ môn Dịch tiếng Anh. Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành 60 giờ quan sát giảng dạy ở các lớp Tiếng Anh chuyên ngành 2 nhằm tìm hiểu những yếu tố văn hóa được các giáo viên tích hợp như thế nào trong giờ giảng của mình. Quá trình khảo sát được tiến hành vào năm học 2020-2021.
3.2. Về giáo trình
Học phần Tiếng Anh chuyên ngành 2 là sự tiếp nối học phần Tiếng Anh chuyên ngành 1 được thiết kế theo định hướng ngôn ngữ thương mại. Giáo trình được sử dụng trong học phần này là Commerce 1: Student’s Book, tác giả Martyn Hobbs và Julia Starr Keddle, xuất bản năm 2006 tại Nhà xuất bản Oxford (Oxford University Press). Giáo trình gồm 10 bài, được thiết kế giảng dạy cho sinh viên không chuyên năm thứ ba, Trường Đại học Thương mại. Với 2 tín chỉ, 30 tiết học, giáo viên phải hoàn thành 6 tiết nói, 6 tiết nghe, 10 tiết đọc, và 8 tiết viết. Sau khi kết thúc học phần, sinh viên được phát triển toàn diện 4 kỹ năng ngôn ngữ gồm nghe - nói - đọc - viết, trang bị và củng cố từ vựng, giới thiệu và cung cấp cơ hội rèn luyện các hiện tượng ngữ pháp. Thông qua thực tế giảng dạy và phỏng vấn một số giáo viên đang tham gia giảng dạy học phần Tiếng Anh chuyên ngành 2, chúng tôi nhận thấy nội dung các bài học trong giáo trình chủ yếu tập trung vào các chủ đề thương mại, kinh doanh, các yếu tố văn hóa được xen kẽ vào các bài đọc, bài nghe, hoặc các tình huống giao tiếp trong giờ học nói.
3.3. Kết quả nghiên cứu
Thông qua quá trình thu thập thông tin từ các phiếu điều tra phát cho 10 giáo viên và 100 sinh viên không chuyên năm thứ ba Trường Đại học Thương mại, kết quả như sau:
3.3.1. Về tầm quan trọng của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh
Với câu hỏi “Có cần thiết đưa các hoạt động giao tiếp liên văn hóa vào bài giảng tiếng Anh không?” có đến 80% giáo viên cho rằng rất cần thiết đưa các hoạt động giao tiếp liên văn hóa vào giảng dạy ngoại ngữ, chỉ có 10% cho rằng các hoạt động giao tiếp liên văn hóa là cần thiết và 10% giáo viên cho biết hoạt động này là không cần thiết. Đối với sinh viên, 60% trong số họ cho biết hoạt động giao tiếp liên văn hóa là rất cần thiết, 25% cho rằng hoạt động này là cần thiết, 12% cho biết hoạt đông này ít cần thiết, chỉ có 3% sinh viên cho rằng không cần thiết. Kết quả trên cho thấy hầu hết giáo viên và sinh viên không chuyên Trường Đại học Thương mại đều nhận thấy vai trò quan trọng của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong giờ học tiếng Anh ở trên lớp. Họ không chỉ quan tâm đến kiến thức về mặt ngôn ngữ mà còn mong muốn làm quen với những nét văn hóa, phong tục, tập quán, bản sắc, lễ hội, cũng như con người của chính đất nước nói ngôn ngữ mà họ đang học.
Khi được hỏi vì sao lại không cần thiết đưa các hoạt động giao tiếp liên văn hóa vào giảng dạy tiếng Anh thì 10% giáo viên (1 giáo viên) cho biết với thời gian cho 1 học phần tiếng Anh chỉ có 30 giờ thì chỉ nên dạy từ vựng, ngữ pháp cũng đã rất vất vả và 3% sinh viên (3 sinh viên) cũng cho rằng chỉ cần học từ vựng và ngữ pháp để đáp ứng yêu cầu làm bài thi hết học phần. Còn lại đa số giáo viên và sinh viên đều rất quan tâm đến hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong các giờ học tiếng Anh.
3.3.2. Hiệu quả của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh
Khi tổng hợp bảng câu hỏi điều tra về việc tại sao cần đưa các hoạt động giao tiếp liên văn hóa vào việc giảng dạy tiếng Anh, tác giả nhận được một số ý kiến tiêu biểu: 90% giáo viên và 88% sinh viên cho rằng các hoạt động giao tiếp liên văn hóa rất quan trọng, thú vị và lôi cuốn sinh viên trong giờ học tiếng Anh. 90% giáo viên và 86% sinh viên trả lời các hoạt động này giúp sinh viên nâng cao hiểu biết về văn hóa Anh - Mỹ. Đó là kênh thông tin giúp ích sinh viên rất nhiều để biết thêm về một nền văn hóa mới. Tất cả 100% giáo viên tán thành việc cần thiết đưa hoạt động này vào giảng dạy và 92% sinh viên trả lời rằng các hoạt động giao tiếp liên văn hóa không chỉ giúp sinh viên hiểu biết thêm về văn hóa, phong tục, truyền thống, con người Anh, Mỹ mà còn nâng cao khả năng ngôn ngữ, các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kỹ năng làm việc trong tương lai. Trong quá trình đọc, viết, nghe và nói các hoạt động giao tiếp liên văn hóa, sinh viên không những có thêm kiến thức về văn hóa mà đó còn là cơ hội để họ luyện tập các kỹ năng ngôn ngữ. Đó là cách học vô cùng hiệu quả và gây hứng thú cho sinh viên. Mục đích cuối cùng của việc học ngoại ngữ là người học phải giao tiếp được bằng ngôn ngữ đích. Do đó, trong quá trình học người dạy cũng như người học cần tận dụng từng tình huống giao tiếp liên văn hóa để giới thiệu về văn hóa Anh - Mỹ và luyện tập các kỹ năng ngôn ngữ. 90% giáo viên và 89% sinh viên cho rằng các giờ học có kết hợp các hoạt động giao tiếp liên văn hóa giúp họ nhận thấy sự khác biệt giữa văn hóa Anh - Mỹ và văn hóa Việt. Đó là nền tảng giúp họ tránh việc bị sốc văn hóa và tự tin hơn khi giao tiếp với người bản xứ.
3.3.3. Cách thức để sinh viên tiếp cận nhanh nhất với văn hóa Anh - Mỹ
Có 50% giáo viên và 60% sinh viên đồng ý với việc chiếu các trích đoạn phim để biết thêm về cuộc sống, con người và đất nước Anh. 70% giáo viên cho rằng nên đọc thêm sách hoặc truyện, nhưng với ý kiến này chỉ có 30% sinh viên tán thành. Để tìm hiểu các thông tin về văn hóa Anh - Mỹ trên Internet có 80% giáo viên đồng ý và 65% sinh viên có cùng quan điểm. Với ý kiến cuối cùng là nên lồng ghép các hoạt động giao tiếp liên văn hóa vào các giờ giảng tiếng Anh thì có 90% giáo viên và 92% sinh viên nhất trí. Thực tế là sinh viên cũng mong muốn được cung cấp những kiến thức về văn hóa ở trên lớp cùng những phân tích và giải thích của giáo viên sẽ sinh động, thú vị, dễ hiểu hơn.
3.3.4. Hình thức lồng ghép/tích hợp các yếu tố văn hóa vào giảng dạy tiếng Anh
Phần lớn giáo viên (90%) và sinh viên (93%) được hỏi đều chọn phương án tích hợp các hoạt động giao tiếp liên văn hóa vào trong các giờ giảng tiếng Anh để sinh viên có cơ hội luyện tập, ghi nhớ và được thường xuyên tiếp xúc với những nét khác biệt về văn hóa nhằm so sánh và vận dụng hiệu quả vào cuộc sống cũng như công việc. Chỉ có 10% giáo viên và 7% sinh viên cho rằng nên giảng thành những tiết học riêng, thành một vài giờ về văn hóa để tránh ảnh hưởng tới tiến độ bài giảng và mục tiêu nhớ từ vựng và ngữ pháp.
Từ biểu đồ trên chúng ta có thể nhận ra rằng việc lồng ghép các hoạt động giao tiếp liên văn hóa vào giờ giảng tiếng Anh là rất cần thiết.
4. Các kiến nghị đề xuất
Căn cứ vào kết quả điều tra về tầm quan trọng và tính ứng dụng của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh, một số giải pháp được đề xuất như sau:
4.1. Về phía giáo viên
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết giáo viên đều nhận thức được tầm quan trọng của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh.
Thứ nhất, giáo viên phải là người truyền tải đến sinh viên ý nghĩa, sự cần thiết của những hoạt động này để họ tích cực hợp tác. Để làm được việc này, giáo viên cần chiếu các trích đoạn phim, khích lệ sinh viên đọc những câu chuyện sưu tập từ sách, báo, Internet,… có liên quan đến sự khác biệt về văn hóa, yêu cầu sinh viên kể lại những vấn đề họ gặp phải trong thực tiễn khi giao tiếp với người nước ngoài. Hoặc giáo viên có thể dùng các câu đố để kiểm tra kiến thức và cung cấp thêm thông tin liên quan đến văn hóa, có thể yêu cầu sinh viên thuyết trình ngắn gọn về một hay nhiều điểm khác nhau giữa văn hóa của họ và văn hóa họ đang tìm hiểu như về phong tục tập quán, lễ hội, cưới xin,… có kèm hình ảnh minh họa và các câu hỏi liên quan để cùng thảo luận,… Hơn nữa, giáo viên cũng sẽ tích cực giới thiệu đến sinh viên những tình huống khác biệt về văn hóa để lớp học sẽ cùng nhau phân tích nguyên nhân của sự việc, gợi ý giải pháp cần làm để tránh những cú sốc văn hóa.
Thứ hai, thực tế chỉ có 30% sinh viên tham gia điều tra muốn đọc sách, truyện để biết thêm về văn hóa của đất nước đang học ngoại ngữ nên giáo viên cần có những cách thức động viên, khuyến khích, tặng thưởng để sinh viên hào hứng hơn với văn hóa đọc. Giáo viên có thể lập ra những nhóm Zalo, Facebook,... chia sẻ sách, truyện về văn hóa Anh - Mỹ để sinh viên dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu. Giáo viên có thể phát động các phong trào “mỗi tuần một cuốn sách”, “mỗi giờ học là một câu chuyện về văn hóa Anh - Mỹ”, cộng điểm, tuyên dương những sinh viên tích cực.
Thứ ba, qua điều tra, 93% sinh viên mong muốn tích hợp các hoạt động liên văn hóa vào trong giờ học tiếng Anh nên giáo viên cần soạn bài giảng, bố trí thời gian hợp lý để tích hợp, lồng ghép các hoạt động giao tiếp liên văn hóa để việc học tiếng Anh đem lại tính ứng dụng cao vào cuộc sống và công việc.
4.2. Về phía sinh viên
Thứ nhất, sinh viên cần thay đổi suy nghĩ học tiếng Anh chỉ cần giỏi từ vựng và ngữ pháp, mà cần nhận thức rõ tầm quan trọng của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong học ngoại ngữ để có thể tự tin giao tiếp trong cuộc sống cũng như công việc với các đối tác nước ngoài. Sự thành công của bài học không thể thiếu sự năng động, tìm tòi, sáng tạo và thực hành liên tục của sinh viên. Muốn đạt được thành quả trong giao tiếp liên văn hóa, sinh viên cũng cần cởi mở, học hỏi, có tinh thần tôn trọng đối với các nền văn hóa khác ngoài văn hóa mẹ đẻ, đồng thời cũng biết phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc.
Thứ hai, muốn đạt được năng lực giao tiếp tiếng Anh trong thực tiễn thì sinh viên cần chăm chỉ tìm tòi, khám phá về văn hóa của đất nước mà chúng ta đang học ngôn ngữ. Sinh viên có thể chia sẻ các cuốn sách, quyển truyện đọc hàng ngày, hàng tuần hưởng ứng các phong trào của giáo viên, của lớp, của trường.
Thứ ba, hiện nay cùng với sự phát triển của mạng Internet, nguồn thông tin rất phong phú, sinh viên cần hình thành văn hóa đọc một cách chọn lọc để trau dồi kiến thức về văn hóa, hiểu biết về sự khác biệt văn hóa để ứng dụng vào giao tiếp.
4.3. Về phía nhà trường
Nhà trường cần nhận thức được tầm quan trọng và ứng dụng của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh bằng cách tổ chức các hội thảo về văn hóa Anh - Mỹ, thành lập các phòng lab, chiếu phim, thư viện nhằm thu hút sinh viên xem, đọc, tìm hiểu về văn hóa Anh - Mỹ một cách đầy sinh động. Đó là cách để sinh viên cảm thấy hứng thú với các giờ giảng tiếng Anh hơn, và đặc biệt là các hoạt động giao tiếp liên văn hóa.
Ngoài ra, nhà trường nên hỗ trợ kinh phí tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận với nhiều người nước ngoài hơn như: thúc đẩy các chương trình hợp tác giáo dục, các chương trình ngoại khóa, giao lưu với bạn bè và chuyên gia nước ngoài sử dụng tiếng Anh.
5. Kết luận
Học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là một hoạt động mang một hàm lượng quan trọng các yếu tố văn hóa - xã hội. Văn hóa được truyền đạt và tiếp thu một cách tự nhiên thông qua quá trình dạy và học ngoại ngữ và vai trò của văn hóa phần nào tịnh tiến theo quá trình tiếp nhận ngoại ngữ của người học. Khi thực hành một ngôn ngữ mới, những thói quen mang đậm dấu ấn văn hóa có thể là rào cản hoặc thuận lợi cho người học, do đó ngoài năng lực ngôn ngữ, kiến thức về văn hóa của ngôn ngữ đích là điều không thể thiếu đối với giảng viên dạy ngoại ngữ. Việc thiếu nhận thức về văn hóa sẽ dễ dẫn đến hiểu lầm trong giao tiếp. Vì vậy, sinh viên cần thay đổi suy nghĩ về việc học tiếng Anh, về tầm quan trọng của các hoạt động giao tiếp liên văn hóa để có kiến thức về đất nước mà chúng ta đang học ngôn ngữ. Giảng viên cần gợi mở, khích lệ sinh viên để mỗi giờ học tiếng Anh là một cơ hội cho họ làm quen với các nét văn hóa. Việc tích hợp nâng cao nhận thức và hiểu biết văn hóa vào giảng dạy tiếng Anh và phương pháp nào là thích hợp nhất cũng đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu. Sử dụng ngôn ngữ với tư tưởng là phương tiện khám phá văn hóa, tích hợp cả hành vi văn hóa vào bài học, nhằm mục tiêu giúp sinh viên đạt được năng lực giao tiếp, bao gồm cả văn hóa của mình và văn hóa của các nước nói tiếng Anh; giảng viên cần hiểu là hành vi của những người thực hiện giao tiếp chỉ được điều chỉnh thông qua nâng cao nhận thức về văn hóa. Từ đó, sinh viên vừa được rèn luyện kỹ năng nghe hiểu, vừa đồng thời nâng cao vốn văn hóa của ngoại ngữ mình đang học. Nếu giáo viên nhận thức rõ điều này sẽ cải thiện đáng kể bài giảng của mình, từ đó đáp ứng nhu cầu thực tế giao tiếp bằng ngoại ngữ và mang lại hiệu quả cao cho sinh viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hobbs, Martyn, Julia Starr Keddle, Commerce 1: Student’s Book, Oxford University Press, Oxford, 2006.
[2] Hymes, Dell, Models of the interaction of language and social life, in J. Gumperz & D. Hymes (Eds.), Directions in Sociolinguistics: The Ethnography of Communication, Holt, Rinehart, Winston, New York, 1972.
[3] Samovar, Larry A., and Richard E. Porter, Communication between Cultures, Fifth Edition, Wadsworth, Belmont, 2004.
[4] Seelye, H. Ned, Cultural goals for achieving intercultural communicative competence, in Alvino E. Fantini (ed.), New Ways in Teaching Culture, pp. 22-27, TESOL, Alexandria, 1997.
[5] Seelye, H. Ned, Teaching Culture: Strategies for Intercultural Communication, National Textbook Company, Chicago, 1994.
[6] Spitzberg, Brian H., A Model of Intercultural Communication Competence, in Larry A. Samovar and Richard E. Porter (eds), Intercultural Communication: A Reader, Ninth Edition, pp. 375-387, Wadsworth, Belmont, 2000.
[7] UNESCO, World Conference on Cultural Policies, Mexico City, 1982.
PHẠM THỊ PHƯƠNG LIÊN