SỰ TƯƠNG ĐỒNG TRONG QUAN NIỆM VỀ HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI HÀN QUA TỤC NGỮ

07/12/2023
Tóm tắt: Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có vần điệu, lưu truyền trong dân gian, đúc kết tri thức, kinh nghiệm thực tiễn và những bài học nhân văn sâu sắc mà cha ông để lại, trong đó những bài học về cuộc sống gia đình nói chung và mối quan hệ vợ chồng nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu sự tương đồng trong quan niệm về hôn nhân giữa người Việt và người Hàn qua tục ngữ, cụ thể là các yếu tố tác động đến mối quan hệ vợ chồng và phương pháp duy trì tốt mối quan hệ vợ chồng thông qua tục ngữ; qua đó lý giải nguyên nhân của sự tương đồng đó dưới góc độ lịch sử - văn hóa.

Tóm tắt: Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có vần điệu, lưu truyền trong dân gian, đúc kết tri thức, kinh nghiệm thực tiễn và những bài học nhân văn sâu sắc mà cha ông để lại, trong đó những bài học về cuộc sống gia đình nói chung và mối quan hệ vợ chồng nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu sự tương đồng trong quan niệm về hôn nhân giữa người Việt và người Hàn qua tục ngữ, cụ thể là các yếu tố tác động đến mối quan hệ vợ chồng và phương pháp duy trì tốt mối quan hệ vợ chồng thông qua tục ngữ; qua đó lý giải nguyên nhân của sự tương đồng đó dưới góc độ lịch sử - văn hóa.

Từ khóa: Mối quan hệ, vợ chồng, tục ngữ Việt, tục ngữ Hàn.

Abstract: The proverbs are short, rhyming sayings, handed down in folklore, summarizing knowledge, practical experience and profound humanistic lessons left by ancestors, in which the lessons about family life in general and the relationship between husband and wife in particular are very important. The article delves into the similarities in the concepts of marriage between Vietnamese people and Koreans through the proverbs, namely the factors affecting the relationship between husband and wife, and methods of maintaining a good marriage through the proverbs; thereby explaining the causes of these similarities from the historical - cultural perspective.

Keywords: Relationship, husband and wife, Vietnamese proverbs, Korean proverbs.

 

 

 

1. Đặt vấn đề

Hôn nhân là quan hệ vợ chồng đã được thừa nhận về mặt luật pháp hoặc xã hội. Là quan hệ nền tảng hình thành nên gia đình, hôn nhân luôn có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Cùng nằm ở khu vực Đông Á và ảnh hưởng bởi nền văn hóa phương Đông, nhất là những tư tưởng Nho giáo, trong truyền thống, người Việt Nam và người Hàn Quốc đã đặt rất nhiều nguyên tắc, lễ nghĩa nhằm thiết lập mối quan hệ hôn nhân vợ chồng bền chặt, tạo tiền đề phát triển cho bản thân, gia đình và dòng tộc. Những quan niệm, kinh nghiệm ứng xử trong hôn nhân của người Việt và người Hàn cũng đã được đúc kết, phản ánh trong thành ngữ, tục ngữ. Do vậy, tìm hiểu thành ngữ, tục ngữ nói về quan hệ vợ chồng của người Việt và người Hàn sẽ giúp chúng ta có những hiểu biết sâu hơn về quan niệm trong hôn nhân của người Việt và người Hàn.

Căn cứ vào cuốn Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình của tác giả Phạm Việt Long, Nxb. Chính trị quốc gia, 2004 và cuốn Kho tàng tục ngữ người Việt của tác giả Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Thúy Loan, Phan Lan Hương, Nguyễn Luân, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2002, chúng tôi tiến hành khảo sát trong tổng số 930 câu tục ngữ về gia đình và thu được kết quả gồm 324 câu tục ngữ liên quan đến mối quan hệ vợ chồng chiếm 37,83%. Căn cứ vào Đại từ điển Bách khoa dân tộc Hàn Quốc (한국민족대박과사전, https://encykorea.aks.ac.kr) và Đại từ điển Quốc ngữ tiêu chuẩn của Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc (국립국어원 표준국어대사전), chúng tôi cũng chọn được 752 câu tục ngữ về đề tài gia đình và trong đó có 334 câu tục ngữ chỉ mối quan hệ và tình cảm vợ chồng, chiếm 44.4%.

2. Quan niệm của người Việt và người Hàn về những nhân tố có tác dụng gắn kết, duy trì quan hệ hôn nhân vững bền 

Để xây dựng mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp, bền vững, cần có rất nhiều nhân tố, nhất là sự chung sức, chung lòng vun đắp của cả vợ và chồng. Chính vì vậy, người Việt cũng như người Hàn đều rất đề cao những nhân tố được coi là căn cốt nhất, có ý nghĩa tiên quyết trong việc gắn kết, duy trì quan hệ hôn nhân, đó là: tình cảm vợ chồng, xây dựng kinh tế gia đình và thực hiện trách nhiệm, bổn phận của mình trong gia đình và dòng tộc.

2.1.  Tục ngữ về tình cảm vợ chồng

Trong kho tàng tục ngữ của cả hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc đều có nhiều câu tục ngữ đề cao tình cảm vợ chồng, sự đồng điệu giữa hai tâm hồn khi đã gắn kết làm một, tình yêu thương, son sắt, thủy chung của vợ chồng khi đã cùng nhau chung sống dưới một mái nhà. Trong tổng số 324 câu tục ngữ tiếng Việt chỉ mối quan hệ vợ chồng được chọn làm dữ liệu nghiên cứu, có tới 104 câu đề cập đến tình cảm vợ chồng, chiếm 32.1%. Và trong tổng số 334 câu tục ngữ tiếng Hàn, có 96 câu đề cập đến tình cảm vợ chồng, chiếm 28.7%. Tỉ lệ này cho thấy có sự tương đồng trong quan niệm và tư duy tình cảm của người Việt Nam và Hàn Quốc.

Tục ngữ Việt Nam:

(1) Chồng hòa vợ thuận, ra đường yên vui.

(2) Vợ chồng đầu gối tay ấp.

(3) Vợ chồng chăn chiếu chẳng rời, bán buôn là nghĩa ở đời với nhau.

(4) Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn.

Tục ngữ Hàn Quốc:

(5) 부부가 정이 좋으면 도토리 하나 먹고도 산다. (Vợ chồng chia ngọt sẻ bùi).

(6) 부부는 남이자 일신이다. (Vợ chồng không có tình cảm với nhau thì như chẳng có ai bên cạnh, nếu vợ chồng có tình cảm với nhau thì như hai người hòa làm một).

(7) 부부는 정으로 산다. (Chỉ cần vợ chồng yêu thương nhau thì khó khăn vất vả nào rồi cũng vượt qua và tương lai xán lạn sẽ tới).

(8) 부부간에는 금실이 좋아야 한다. (Giữa vợ chồng phải có sự hòa thuận, yêu thương nhau thì mới tốt).

Quan sát các ví dụ trên ta thấy, cả tục ngữ Việt Nam và Hàn Quốc đều đề cao tình cảm vợ chồng và nhấn mạnh vai trò của mối quan hệ vợ chồng. Vợ chồng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, thấu hiểu nhau, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt thì gia đình sẽ êm ấm thuận hòa, mọi khó khăn đều có thể vượt qua và mở ra một tương lai tốt đẹp. Vợ chồng hòa thuận tạo nên sức mạnh lớn lao, thậm chí có thể biến cái không thể thành cái có thể, như câu tục ngữ tiếng Việt: Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, như chúng tôi đã nêu ở trên.

Qua phân tích các ví dụ trên có thể khẳng định tình cảm vợ chồng tốt đẹp chính là nền tảng, là gốc rễ để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no. 

2.2. Tục ngữ về xây dựng kinh tế gia đình

Trong tổng số 324 câu tục ngữ tiếng Việt chỉ mối quan hệ vợ chồng đã khảo sát, có 55 câu đề cập đến yếu tố kinh tế, chiếm 17%. Và trong tổng số 334 câu tục ngữ tiếng Hàn chỉ mối quan hệ vợ chồng đã khảo sát, có 40 câu đề cập đến yếu tố kinh tế, chiếm 12%. Tỉ lệ này có sự tương đương giữa hai quốc gia.

Để hiểu rõ người Việt Nam và người Hàn Quốc có quan điểm như thế nào với vấn đề kinh tế trong gia đình, chúng tôi xin dẫn ra một số câu tục ngữ sau đây:

Tục ngữ Việt Nam:

(1) Chồng cần vợ kiệm là tiên, ngông nghênh nhăng nhít là tiền bỏ đi.

(2) Chồng đi cá, vợ vác rá đong gạo.

(3) Của người thì đứng mà trông, của chồng thì cất lấy mà ăn.

(4) Chồng sang vợ được đi giày, vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông.

(5) Có tiền vợ vợ chồng chồng, hết tiền chồng Đông vợ Đoài.    

Tục ngữ Hàn Quốc:

(6) 가난하면 아내를 가려서 얻지 못한다. (Nghèo thì không lấy được vợ).

(7) 가난한 집안에 싸움 떠날 날 없다. (Nhà nghèo thì ngày nào cũng cãi nhau).

(8) 남편은 두레박 아내는 항아리. (Chồng kiếm tiền mang về, vợ tích góp lại).

(9) 가난한 집 부부는 싸움이 잦다. (Vợ chồng nghèo thường đánh nhau).

Quan sát các ví dụ vừa nêu và đối chiếu giữa hai ngôn ngữ Việt - Hàn, ta thấy ở câu tục ngữ (1) và (8) đều nói lên quan điểm về đời sống vật chất, vợ chồng đồng lòng tiết kiệm, vun vén thì cuộc sống sẽ có của ăn của để, gia đình ấm êm, no đủ, ngược lại nếu vợ chồng mà tiêu xài hoang phí thì cuộc sống sẽ khó khăn, vất vả.

Ở câu tục ngữ thứ (2), (3), (4) và (8) nhấn mạnh vai trò làm chủ gia đình và tạo ra của cải vật chất của người chồng, người vợ sẽ được hưởng chung thành quả và nhàn hạ, nở mày nở mặt. Và người vợ giỏi giang, khéo vun vén, tiết kiệm thì người chồng sẽ được nhờ, gia đình sẽ có cuộc sống sung túc.

Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác thì kinh tế cũng chính là yếu tố quyết định tình cảm vợ chồng, như ở câu tục ngữ số (5), (6), (7) và (9), ta thấy tình cảm vợ chồng chỉ tốt đẹp khi đủ đầy về vật chất, còn khi thiếu thốn khó khăn thì vợ chồng cãi nhau, mỗi người một nơi, thậm chí không có tiền thì không thể lấy được vợ.

Qua những ví dụ trên, ta thấy dù ở đất nước nào thì vật chất cũng luôn đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ hôn nhân. Và tục ngữ đã phản ánh sự lệ thuộc ở một mức độ nào đó cũng như ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa các yếu tố tình cảm và vật chất đối với hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng dù sống ở quốc gia nào hay thời đại nào thì vẫn có rất nhiều mối quan hệ hôn nhân gắn bó trọn đời và rất hạnh phúc ngay cả trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhất.

2.3. Tục ngữ nói về trách nhiệm, bổn phận với gia đình và dòng tộc

Trong tổng số 324 câu tục ngữ tiếng Việt chỉ mối quan hệ vợ chồng đã khảo sát, có 65 câu đề cập đến trách nhiệm, bổn phận của người vợ hay người chồng với gia đình và dòng tộc, chiếm 20.1%. Và trong tổng số 334 câu tục ngữ tiếng Hàn chỉ mối quan hệ vợ chồng đã khảo sát, có 54 câu đề cập đến trách nhiệm, bổn phận của người vợ hay người chồng với gia đình và dòng tộc, chiếm 16.2%. Qua tỉ lệ này chúng ta có thể thấy cả người Việt và người Hàn khi kết hôn đều coi trọng và đặt nặng trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình và dòng tộc.

Tục ngữ Việt Nam:

(1) Sống quê cha, chết làm ma quê chồng.

(2) Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.

(3) Phận gái theo chồng.

(4) Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về.

(5) Ghe bầu chở lái về đông, làm thân con gái thờ chồng nuôi con.

(6) Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.

(7) Lấy chồng bắt thói nhà chồng, đừng giữ thói cũ ở cùng mẹ cha.

(8) Muốn nói không, làm chồng mà nói.

Tục ngữ Hàn Quốc:

(9) 죽어도 시집의 귀신. (Chết cũng phải làm ma nhà chồng).

(10) 부인의 예절은 말이 반드시 적어야 한다. (Nề nếp của người vợ, nhất định phải ít lời).

(11) 여자는 남편을 잘 따라야 한다. (Lấy chồng phải theo chồng).

(12) 아내는 남편이 하자는 대로 하면 된다. (Chồng bảo sao vợ phải nghe vậy).

Chỉ qua một số ví dụ tiêu biểu vừa nêu, có thể nhận thấy rõ tư tưởng trọng nam khinh nữ trong chế độ phụ quyền, quan niệm tam tòng, tứ đức. Tục ngữ của cả hai nước đều thấm đẫm tư tưởng Nho giáo thời kỳ phong kiến, trong đó đề cao vị trí, vai trò của người chồng trong gia đình và nhấn mạnh khá nhiều về bổn phận và trách nhiệm của người vợ đối với chồng con. Đạo đức của người vợ được thể hiện qua những khuôn mẫu được đặt sẵn, cụ thể ở đây là: vợ phải thuận theo chồng, nhường nhịn chồng, hết lòng vì chồng, có trách nhiệm với gia đình chồng, thờ chồng nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng,...

Bên cạnh những tiêu cực, bất công với những khuôn mẫu cho nghĩa vụ, trách nhiệm của người vợ mà xã hội đặt ra, thì tục ngữ xưa cũng ca ngợi phẩm chất đạo đức quý báu của những người vợ trong gia đình, đó chính là việc thật lòng yêu thương và chung thủy với chồng. Vì yêu, vì thương mà sẵn sàng hi sinh, chịu khổ cực và hết lòng vì chồng. Với họ, hi sinh cho người mình yêu và người yêu mình cũng là một hạnh phúc.

Tục ngữ Việt Nam:

(1) Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người.

(2) Chồng khó giữa làng còn hơn chồng sang thiên hạ.

(3) Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng phải theo.

(4) Thương chồng nên phải gắng công.

Tục ngữ Hàn Quốc:

(5) 좋아도 내 낭군이요, 나빠도 내 낭군이다. (Chồng xấu cũng chồng tôi, chồng tốt cũng chồng tôi).

(6) 아내는 남편 사랑을 먹고 산다. (Vợ sống bằng tình yêu của chồng).

Mặc dù chịu sự chi phối của lễ giáo phong kiến với nhiều quy định hà khắc nhưng tư tưởng mà nhân dân gửi gắm trong tục ngữ đã vượt lên trên tất cả những quy định đó. Dân gian đã khéo léo lồng ghép và thể hiện quan điểm riêng, hướng tới sự bình đẳng và nó mang giá trị nhân văn sâu sắc, đó là tư tưởng dân chủ, tiến bộ, thể hiện sự trân trọng, đề cao tiếng nói của người phụ nữ cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Ngày nay, bình đẳng chính là thước đo sự phát triển của xã hội, là một giá trị mới mang tính nhân văn sâu sắc của một gia đình hiện đại, là tiêu chí đánh giá gia đình đó có hạnh phúc hay không. Việc hướng đến quyền bình đẳng trong quan hệ vợ chồng chính là hướng đến bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Ví dụ trong tục ngữ tiếng Việt:

(1) Lệnh ông không bằng cồng bà.

(2) Nhất vợ nhì trời.

(3) Nước theo sông, chồng theo vợ.

Như đã nói ở trên, quan hệ vợ chồng là mối quan hệ thiêng liêng, là “nền móng” để xây nên một ngôi nhà hạnh phúc. Và dù ở quốc gia, dân tộc nào thì tình cảm vợ chồng cũng cần được xây dựng và vun đắp bởi cả hai vợ chồng, nền tảng kinh tế và đạo đức của người vợ, người chồng trong mối quan hệ gia đình.

Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố tác động đến mối quan hệ vợ chồng, tuy nhiên ở trên, chúng tôi đã đề cập đến ba yếu tố cơ bản (tình cảm, kinh tế, đạo đức), tất nhiên đứng ở góc độ khác nhau thì sẽ có cách nhìn nhận khác nhau đối với vấn đề làm sao để duy trì tốt mối quan hệ vợ chồng; và ba yếu tố mà chúng tôi vừa nêu cũng không phải lúc nào cũng phân chia ranh giới rạch ròi, chúng song song tồn tại và tác động qua lại lẫn nhau. 

3. Quan niệm về cách ứng xử trong hôn nhân

3.1. Tục ngữ về việc khen ngợi đối phương

Trong cả tục ngữ Việt Nam và Hàn Quốc đều phản ánh rất rõ phương pháp này. Theo khảo sát của chúng tôi, trong tổng số 324 câu tục ngữ tiếng Việt chỉ mối quan hệ vợ chồng đã khảo sát, có 12 câu thể hiện sự khen ngợi đối phương, chiếm 3.7%. Và trong tổng số 334 câu tục ngữ tiếng Hàn chỉ mối quan hệ vợ chồng đã khảo sát, có 13 câu thể hiện sự khen ngợi đối phương, chiếm 3.9%. Qua đó thể hiện sự tương đồng giữa hai quốc gia.

Tục ngữ Việt Nam:

(1) Gièm nên xấu, khen nên tốt.

(2) Khen người thì tốt, giột người thì xấu.

Tục ngữ Hàn Quốc:

(3) 가는 말이 고와야 오는 말도 곱다. (Lời nói hay thì lời đáp cũng đẹp).

(4) 의가 좋으면 처갓집 말뚝에도 절한다. (Nếu người vợ tốt thì những thứ tầm thường xung quanh cô ấy cũng đều trở nên tốt đẹp).

Vì thế, không thể phủ nhận rằng dù ở đâu và trong bất cứ mối quan hệ nào thì con người cũng luôn cần những lời động viên, khích lệ, khen ngợi nhằm tạo ra những năng lượng tích cực giúp cuộc sống tươi đẹp hơn. Khen ngợi cũng chính là một trong những cách để giữ lửa hôn nhân, mang đến niềm vui, sự phấn khích cho người bạn đời của mình.

3.2. Tục ngữ về việc tạo sự hòa hợp trong hôn nhân

Trong tục ngữ của cả Việt Nam và Hàn Quốc, có rất nhiều câu phản ánh kinh nghiệm này. Theo khảo sát của chúng tôi, trong tổng số 324 câu tục ngữ tiếng Việt chỉ mối quan hệ vợ chồng đã khảo sát, có 67 câu thể hiện sự nhường nhịn và tạo sự hòa hợp trong hôn nhân, chiếm 20.7%. Và trong tổng số 334 câu tục ngữ tiếng Hàn chỉ mối quan hệ vợ chồng đã khảo sát, có 35 câu thể hiện sự nhường nhịn và tạo sự hòa hợp trong hôn nhân, chiếm 10.5%.

Tục ngữ tiếng Việt:

(1) Đói bụng chồng, đau lòng vợ.

(2) Vợ chồng tương kính như tân.

(3) Bà phải có ông, chồng phải có vợ.

(4) Gái có công, chồng chẳng phụ.

(5) Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa một đời không khê.

Tục ngữ Hàn Quốc:

(6) 아내는 유순해야 하고, 남편은 너그러워야 한다. (Người vợ nên ngoan ngoãn, người chồng nên rộng lượng).

(7) 부부는 한 몸이다. (Vợ chồng tuy hai mà một).

(8) 금실이 장구와 같다. (Tình cảm vợ chồng thắm thiết).

(9) 기러기 같은 부부다. (Vợ chồng được ví như đôi ngỗng - hòa thuận và chung thủy).

(10) 삿갓 맡에서 살아도 속이 편해야 산다. (Dù nghèo khó nhưng nếu hòa thuận cùng cố gắng thì sẽ vượt qua được nghịch cảnh).

Có thể thấy trong tục ngữ của hai nước đều đưa ra những tư duy tình cảm và bài học trong hôn nhân gia đình vô cùng có giá trị. Vợ chồng là phải hòa thuận yêu thương, nhường nhịn nhau thì cuộc sống gia đình mới êm ấm và duy trì mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp lâu dài và hạnh phúc.

3.3. Tục ngữ về việc thỏa hiệp trong hôn nhân

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chồng bát còn có khi xô”, còn tục ngữ Hàn Quốc có câu “부부 싸움은 개싸움” (Vợ chồng cãi nhau như chó với mèo), để nói rằng trong cuộc sống vợ chồng, chuyện tranh cãi là điều không tránh khỏi. Theo khảo sát của chúng tôi, trong tổng số 324 câu tục ngữ tiếng Việt chỉ mối quan hệ vợ chồng đã khảo sát, có 23 câu thể hiện sự thỏa hiệp trong hôn nhân, chiếm 7.1%. Và trong tổng số 334 câu tục ngữ tiếng Hàn chỉ mối quan hệ vợ chồng đã khảo sát, có 19 câu thể hiện sự thỏa hiệp trong hôn nhân, chiếm 5.7%. Qua đó có thể thấy những nét tương đồng trong quan niệm và cách ứng xử trong mối quan hệ vợ chồng giữa hai quốc gia.

Tục ngữ tiếng Việt:

(1) Vợ chồng cãi nhau đầu giường, làm lành cuối giường.

(2) Chồng bát còn có khi xô.

(3) Bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng. 

Tục ngữ tiếng Hàn:

(4) 부부싸움은 칼로 물 베기. (Vợ chồng cãi nhau như dao chém nước).

(5) 부부 싸움은 개싸움. (Vợ chồng cãi nhau nhưng cũng làm hòa nhanh chóng).

(6) 부부 싸움은 자고 나면 얼음 풀리듯 한다. (Vợ chồng cãi nhau đầu giường làm lành cuối giường).

Quan điểm của người Việt và người Hàn về cơ bản đều giống nhau, để duy trì và giữ gìn hôn nhân, họ chấp nhận thỏa hiệp và cố gắng dung hòa hai luồng suy nghĩ, hai lối sống từ hai gia đình lớn để xây dựng gia đình nhỏ của mình. Cuộc sống luôn trải qua đủ trạng thái hỉ, nộ, ái, ố, và cuộc sống của gia đình người Việt cũng như người Hàn Quốc đều có những điểm tương đồng như vậy.

4. Kết luận

Việt Nam và Hàn Quốc có lịch sử phát triển khác nhau nên tất yếu sẽ có nhiều sự khác biệt về văn hóa; tuy nhiên, do đều là các quốc gia ở Á Đông với những đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp, lại cùng chịu sự ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa nên giữa hai nước vẫn có sự tương đồng về văn hóa, đặc biệt là quan niệm về hôn nhân. Điều đó phần nào đã được thể hiện sinh động qua các câu tục ngữ nói về quan hệ vợ chồng. Cả người Việt và người Hàn đều rất coi trọng hôn nhân, đều cho rằng để duy trì mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp, hạnh phúc, bền vững, vợ chồng cần phải cùng nhau vun đắp tình cảm, xây dựng kinh tế và thực hiện nghĩa vụ, bổn phận với gia đình, dòng tộc. Người Việt và người Hàn cũng có nhiều quan niệm tương đồng về cách ứng xử trong quan hệ vợ chồng. Xét ở mặt tích cực, những tương đồng này giúp người Việt hòa nhập với cuộc sống ở Hàn Quốc tốt hơn và nhanh hơn so với các quốc gia khác như người phương Tây; đồng thời người Hàn cũng dễ dàng và thuận lợi hơn khi sống ở Việt Nam. Đây là lý do giải thích tại sao trong những năm gần đây, tỉ lệ người Việt Nam và người Hàn Quốc kết hôn với nhau ngày càng tăng cao. Căn cứ theo số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, đến cuối năm 2020, tỉ lệ kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Hàn Quốc đang cao nhất toàn Hàn Quốc. Hiện nay, có khoảng 170.000 người Hàn Quốc tại Việt Nam và 200.000 người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Hàn Quốc. Trong đó có khoảng 65.000 gia đình đa văn hóa có cô dâu Việt Nam, đóng vai trò cầu nối gắn liền hai dân tộc và là nhân tố tích cực đóng góp cho tương lai hai nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lê Kim Chiều, Ứng xử vợ chồng của người Việt qua ca dao, tục ngữ Nam Bộ, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Trà Vinh, 2015.

[2] Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Thúy Loan, Phan Lan Hương, Nguyễn Luân, Kho tàng tục ngữ người Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002.

[3] Phạm Việt Long, Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004.

[4] Trần Thị Thơm, Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam và ý nghĩa hiện thời của nó, Luận án Tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2020.

[5] Cao Xiaoling, - 부부관계에 관한 속담 비교 연구, 중앙대학교, 2012.

[6] Zhang Di, · 부부관계의 속담을 활용한상호문화 이해 교육, ·중  국제결혼을  통해  이루어진  다문화가정 부부를 중심으로, 경희대학교 대학원, 석사학위 논문, 2019.

[7] 고옥근, 한중 가족관계 속담의 문화특징 대조 연구, 숭실대학교, 석사학위논문, 2015.

[8] 국립국어원,  표준국어대사전, 두산동아, 1999.

[9] <웹사이트> 국립국어원, www.korean.go.kr.

[10]<웹사이트> 한국민족대박과사전 사이트, https://encykorea.aks.ac.kr.

LÃ THỊ THANH MAI ; NGUYỄN THỊ HẢI YẾN