SỰ GIAO THOA VĂN HÓA HOA - VIỆT VÀ TƯ LIỆU HÁN NÔM Ở QUAN THÁNH MIẾU, HUYỆN LONG HỒ, TỈNH VĨNH LONG

07/12/2023
Tóm tắt: Quan Thánh miếu, cơ sở thờ tự “đặc biệt” của người Việt và người Hoa ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngoài những giá trị về mặt văn hóa tâm linh, Quan Thánh miếu còn lưu giữ nguồn tư liệu Hán Nôm quý về hành trạng và công tích của Hồ Khắc Trung đối với công cuộc kiến quốc của nhà Nguyễn, nhưng chưa được biết đến nhiều. Qua khảo sát, nghiên cứu tiến hành tìm hiểu các vấn đề nói trên, làm cơ sở cho việc hoạch định và tôn tạo tự tích thời hiện đại.

Tóm tắt: Quan Thánh miếu, cơ sở thờ tự “đặc biệt” của người Việt và người Hoa ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngoài những giá trị về mặt văn hóa tâm linh, Quan Thánh miếu còn lưu giữ nguồn tư liệu Hán Nôm quý về hành trạng và công tích của Hồ Khắc Trung đối với công cuộc kiến quốc của nhà Nguyễn, nhưng chưa được biết đến nhiều. Qua khảo sát, nghiên cứu tiến hành tìm hiểu các vấn đề nói trên, làm cơ sở cho việc hoạch định và tôn tạo tự tích thời hiện đại.

Từ khóa: Quan Thánh miếu, đình Thần chùa Ông, tư liệu Hán Nôm, Hồ Khắc Trung, Vĩnh Long.

Abstract: Quan Thanh temple is a special worshipping place for Vietnamese and Chinese people in Long Ho district, Vinh Long province. Besides cultural and spiritual values, the temple has been preserving the precious Sino-Nom documents about Ho Khac Trung’s behavior and merits for the national construction of the Nguyen Dynasty, but they haven’t been known much yet. Through investigations, the article explores the above issues, which are eliable bases for planning and restoring the temple at the present.

Keywords: Quan Thanh temple, God temple Ong pagoda, Sino-Nom documents, Ho Khac Trung, Vinh Long.

1. Vài nét về Quan Thánh miếu

1.1. Cơ sở tín ngưỡng của người Hoa và người Việt

Quan Thánh miếu tọa lạc tại ấp Thanh Sơn, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Miếu được xây cất từ năm 1880, nhằm đảm bảo tâm thức tín ngưỡng cho nhóm lưu dân người Hoa đến sinh sống ở vùng đất Gò Me trước đây. Năm 1886, được sự hỗ trợ của nhóm người Hoa từ thành phố Vĩnh Long, hương chức Trần Văn Kỷ di dời ngôi miếu về vị trí như hiện nay. Năm 1945, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, ngôi đình Long Sơn tọa lạc tại vàm Cái Sơn thuộc xã Long Đức Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long bị phá dỡ. Sau khi ngôi đình bị phá, Ban hội hương đã mang tất cả giấy tờ, hoành phi, đối liễn và khí tự về gửi tại Quan Thánh miếu. Cùng với đó, người dân cũng thỉnh an vị thần Thành Hoàng bổn cảnh vào miếu thờ. Từ đây, miếu có tên gọi là đình Thần chùa Ông. Những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây trở thành trụ sở làm việc của các cán bộ cách mạng, đồng thời, đây cũng là nơi an nghỉ của các chiến sĩ vì nước quên mình1. Ngày 30.12.2011, tự tích này được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ra quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Giấy công nhận đề tên của cơ sở thờ tự này là Quan Thánh miếu.

Qua khảo sát, hệ thống thần linh được thờ tự ở Quan Thánh miếu gồm gần như đầy đủ tập hợp thần linh ở ngôi đình người Việt phương Nam như: Thần Thành Hoàng bổn cảnh với tên gọi chung, biểu trưng cho tinh anh một vùng đất; Tả ban; Hữu ban; Bạch mã Thái giám; Tiên sư; Chiến sĩ trận vong; Quốc tổ và Bác Hồ; Thần nông; Chúa xứ; Sơn quân, Ngũ hành, Hà bá, Long vương, Hương chủ Lê Văn Hòa. Hệ thống thần linh của ngôi đình phối hợp với các vị thần của người Hoa gồm: Quan Công2; Quan Bình3; Châu Xương4; Thiên Hậu5; Trương - Triệu tướng quân6; Mã - Hoàng tướng quân7 tạo nên thế giới siêu nhiên (nhiên thần và nhân thần) đủ sức hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu tâm linh của cư dân Việt và Hoa trên đất Long Hồ xưa. Sự xuất hiện của Thiên Hậu khu vực thờ Quan Thánh (chánh điện) cho thấy quan điểm trong tín ngưỡng của người Hoa mang từ quê nhà sang vùng đất mới là sự cân bằng và hài hòa về triết lý âm dương: dựng miếu thờ Ông thì cũng lập miếu thờ Bà. Theo thời gian, tín ngưỡng thờ Quan Thánh và Thiên Hậu có sự giao thoa với Phật giáo, hình tượng Quan Thánh được thờ ở khu vực chánh điện với tư cách của vị Già Lam Bồ Tát hộ trì Tam bảo; hình tượng Thiên Hậu được xem như hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm Nam Hải, cứu khổ cứu nạn cho người đi biển. Vì vậy miếu thờ Ông còn được gọi là chùa Ông, miếu thờ Bà còn được gọi là chùa Bà và ngày vía của hai vị luôn là tâm điểm trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng Hoa - Việt. Quan Công trở thành biểu tượng cho lòng nhân nghĩa, trung tín, anh hùng, tráng chí, trừ gian… Những phẩm chất lý tưởng này mang tính nhập thế, thật sự cần thiết cho cư dân Hoa, Việt thực hiện mong muốn đuổi giặc cứu nước bấy giờ. Chính vì vậy, vị Quan Thánh dễ dàng thuyết phục cư dân hai nước so với các vị thần khác trong các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Quan Công của người Hoa trở thành vị thần mang đặc trưng của cộng đồng Việt, được thờ với các vị thần linh bản địa. Thậm chí, Quan Công còn được người Việt tôn làm vị thần độ mạng cho đàn ông, được thờ trong gia đình.

1.2. Quan Thánh miếu có kiến trúc đình của người Việt ở Nam Bộ

Tuy cơ sở thờ tự này có nghi môn chính và được công nhận di tích cấp tỉnh với tên Quan Thánh miếu, nhưng lại tiếp thu nhiều lối kiến trúc ngôi đình truyền thống của người Việt ở Nam Bộ, gồm ba khu chính: võ ca, võ quy và chánh điện. Ba khu này kết hợp với nhà Tiền vãng và nhà Hội lý8 tạo nên tổng thể khu miếu. Quan Thánh miếu được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái, gồm hai tầng mái. Trong chánh điện có ba ban thờ: Ban giữa thờ tượng Quan Thánh, Quan Bình và Châu Xương, hai ban hai bên thờ Trương - Triệu tướng quân và Mã - Hoàng tướng quân. Khu võ quy được sử dụng thờ hệ thống thần linh trong ngôi đình của người Việt và bà Thiên Hậu. Khu vực sân có đàn thờ Thần Nông, miếu Sơn quân và miếu Chúa xứ. Về tổng thể, mặc dù Quan Thánh miếu không trang trí nhiều họa tiết, các cột gỗ không sơn thếp nhưng vẫn tạo được sự hài hòa về mặt kiến trúc. Bên cạnh 10 cặp câu đối được đắp trực tiếp trên chất liệu bê tông, miếu có thêm 5 cặp câu đối bằng chất liệu gỗ, được sơn thếp đơn giản; 9 bức hoành phi được sơn thếp và chạm trổ họa tiết hoa, tua cuốn. Chính nhờ vào các bức hoành phi, các cặp câu đối chữ Hán này làm tăng vẻ đẹp và giúp làm thiêng hóa không gian thờ tự cho tự tích.

Hiện nay, Quan Thánh miếu vẫn còn giữ được các cổ vật quý như: Khánh thờ thần Thành Hoàng chạm nổi hình lưỡng long chầu nhật phía trên, viền quanh là hình ngũ phụng hàm thư, đôi hạc đứng trên lưng rùa, chiêng, trống, mõ, mũ thờ Tiên sư và Thiên Hậu. Ngoài ra, còn có tam sự9, bình, khay, kỷ tam sơn10. Khu vực chánh điện thờ Quan Thánh có hai tàn lọng, cờ vía và lỗ bộ. Nhìn chung, sự hợp nhất giữa đình thờ Thần Hoàng của người Việt và miếu/ chùa thờ Quan Thánh của người Hoa là bằng chứng lịch sử quan trọng cho thấy sự định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ nói chung và ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Đặc biệt, nó còn ghi nhận hiện tượng giao lưu, tiếp biến và cộng tồn văn hóa Việt của người Hoa. Ngôi Quan Thánh miếu ở ấp Thanh Sơn, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ buổi đầu là nơi thờ tự những vị thần linh trong tín ngưỡng người Hoa, về sau phối thờ các vị thần của người Việt, tạo nên không gian tâm linh, phản ánh tư duy và văn hóa của cư dân hai nước trong hoàn cảnh xã hội đầy biến động.

2. Giới thiệu một số tư liệu Hán Nôm ở Quan Thánh miếu

2.1. Tình hình tư liệu Hán Nôm ở Quan Thánh miếu

Kết quả khảo sát cho biết, Quan Thánh miếu hiện còn lưu giữ số lượng tương đối tư liệu Hán Nôm thuộc các chủng loại sau:

Nội dung các bức hoành phi chủ yếu ca ngợi ơn và sự bảo trợ của thần cho dân trong vùng: 仰賴神恩 Ngưỡng lại thần ân (Ngưỡng vọng ơn thần), 恩同天地 Ân đồng thiên địa (Ơn bằng trời đất), 德配乾坤 Đức phối càn khôn (Đức sánh càn khôn), 國泰民安 Quốc thái dân an (Nước mạnh dân yên), 護國保民 Hộ quốc bảo dân (Giúp nước che dân). Ngoài ra còn có 3 hoành phi không ghi niên hiệu nhưng dòng lạc khoản có đề hai chữ 龍飛“Long phi”11 theo cách ghi của người Việt, cho biết niên đại từ cuối đời Nguyễn, gồm: 1 hoành phi đề năm Tân Sửu 1901 là 山東靈廟 Sơn Đông linh miếu (Miếu linh Sơn Đông) và 1 hoành phi đề năm Kỷ Tỵ 1929 là 協天大帝 Hiệp thiên Đại đế do Cai hương Trần Đà Kiên phụng cúng; 1 hoành phi đề năm Bính Thân 1956 là 海晏河清 Hải yến hà thanh (Biển lặng sông yên), do Nguyễn Dụng Thanh phụng cúng.

Nội dung câu đối ở Quan Thánh miếu tương đối đơn giản. Khu vực thờ thần Thành Hoàng có tổng cộng có 3 cặp, nổi bật là cặp câu đối:

臨上質傍喜見洋洋如在

耕仁耨義欣觀蕩蕩難名

Dịch nghĩa:

Vào trước hỏi sau, vui thấy đất đai bao la ngay trước mắt,

Cày nhân xới nghĩa, mừng xem vườn tượt mênh mông khó gọi tên.

Và:

東西安所止遠來近悦舉間如在春風

山岳恊其靈水繞花環有象欣昭樂土

Dịch nghĩa:

Đông tây yên nơi ở, kẻ xa đến người gần vui, khắp vùng như đón làn gió xuân,

Núi non hòa khí thiêng, nước uốn quanh hoa kết chuỗi, cảnh vật sáng bừng miền đất hứa.

Khu vực thờ Quan Thánh, Trương - Triệu, Mã - Hoàng có tổng cộng 4 cặp câu đối ca ngợi khí tiết của các ông, dốc sức thờ nhà Hán. Các cặp câu đối này được viết trực tiếp trên ban thờ các vị, như cặp câu đối trên ban thờ Quan Công là cặp thường xuất hiện nhất ở các miếu thờ ông khắp các tỉnh Tây Nam Bộ:

志在春秋功在漢

12同日月義同天

Dịch nghĩa:

Chí hướng noi theo kinh Xuân thu, lập công lao cho nhà Hán,

Lòng trung sáng tựa nhật nguyệt, đức nghĩa sánh ngang trời đất.

Các văn bản văn bằng, sắc phong đều được viết trên giấy lệnh hội. Mặc dù được giữ gìn khá cẩn thận, nhưng do điều kiện khí hậu và thời gian nên văn bản bị rách nát, chữ bị mờ hoặc bị mất, dấu ấn bị phai nhòe. Nhìn chung, các văn bản vi bằng, sắc phong đều được viết bằng chữ Hán, kiểu chữ Chân, không xuất hiện chữ Nôm. Riêng văn bản ban năm Tự Đức 13 (1860) viết bằng kiểu chữ Thảo. Qua khảo sát, các văn bản sắc phong, vi bằng và đơn từ đều liên quan trực tiếp đến nhân vật Hồ Khắc Trung. Hiện nay chưa có nghiên cứu về nhân vật Hồ Khắc Trung, ngay cả những bộ sử lớn của nhà Nguyễn như Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng không có ghi chép gì về ông. Theo đó, các văn bản tìm được ở Quan Thánh miếu là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về chặng đường binh nghiệp cùng những đóng góp của ông cho công cuộc kiến quốc của nhà Nguyễn. Vấn đề này, chúng tôi sẽ bàn thêm ở mục bên dưới.

2.2. Tư liệu Hán Nôm liên quan đến Hồ Khắc Trung

Quan Thánh miếu hiện lưu giữ 13 văn bản Hán Nôm liên quan đến nhân vật Hồ Khắc Trung. Nội dung văn bản cho biết, trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ, ông được ban cấp các vi bằng của các tướng Tham tán Lãnh binh Trương Minh Giảng, Thảo nghịch Tả tướng quân Tống Phúc Lương, Thảo nghịch Hữu tướng quân Phan Văn Thúy cùng các quan Tổng đốc An Giang Hà Tiên kiêm Tuần phủ An Giang là Phan Khắc Thận, quan Bố chánh sứ tỉnh Vĩnh Long họ Lê, quan Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương. Các văn bản vi bằng được đóng các dấu ấn cụ thể như sau:

Nghiên cứu tóm lượt nội dung các văn bản vi bằng liên quan đến chặng đường binh nghiệp của Hồ Khắc Trung như sau:

- Ngày 16 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 15 (1834): Thảo nghịch Tả tướng quân cấp giấy lệnh sai phái Hồ Khắc Trung giữ các vật nhà quan như cờ, thẻ bài, công văn. Bấy giờ Hồ Khắc Trung đang giữ chức Thư lại, trật Chánh cửu phẩm.

- Ngày mồng 4 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 16 (1835): Ông lập công thu phục được thành Phiên An, nên ông được quan Tham tán Lãnh binh là Trương Minh Giảng cấp vi bằng trở về tỉnh Vĩnh Long trình quan Tri tỉnh tiếp tục việc quân.

- Ngày mồng 8 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 16 (1835): Thảo nghịch Tả tướng quân và Thảo nghịch Hữu tướng quân chấp thuận cho ông trở về nguyên quán ở tỉnh Vĩnh Long, trình quan Tri tỉnh cho làm các công vụ tại tỉnh.

- Ngày 11 tháng 10 năm Tự Đức thứ 6 (1853): Hồ Khắc Trung vâng lệnh quan Tổng đốc Vĩnh Long Định Tường chiêu mộ sức của của người giàu, dân lưu tán lập đồn điền. Thời hạn trong vòng 2 tháng phải lập đủ số quân số 1 cơ là 500 người.

- Ngày 17 tháng 6 năm Tự Đức thứ 7 (1854): Hồ Khắc Trung chiêu mộ nhân đinh 1 cơ 500 người khai hoang được 2000 mẫu đất ruộng đã được cấp văn từ. Quan Tổng đốc Vĩnh Long Định Tường cấp giấy lệnh cho ông dốc sức cùng thống suất nhân đinh chiêu mộ và các nơi đã khai khẩn được phân mỗi đội 1 phần dựng lán trại, đôn đốc khai phá, vỡ đất hoang cho kịp vụ mùa.

- Ngày mồng 7 tháng 2 năm Tự Đức thứ 11: Quan Kinh lược giao cho Hồ Khắc Trung dạy dỗ và phân Hồ Văn Thiều khai hoang. Bấy giờ ông giữ chức Thí sai Cai đội sung lãnh Phó quản cơ.

 - Ngày mồng 6 tháng 2 năm Tự Đức thứ 12: Hồ Văn Trung nhận lệnh của quan Bố chánh sứ Vĩnh Long họ Lê chỉ huy quân lính cơ Long Nghĩa hàng ngũ chỉnh tề diệt bọn giặc biển ẩn trốn. Lúc này Hồ Khắc Trung được giao quyền Quản cơ cơ Long Nghĩa.

- Ngày 19 tháng 7 năm Tự Đức thứ 13: Hồ Khắc Trung theo lệnh của quan Tổng đốc huấn luyện biền binh18. Bấy giờ ông giữ chức Phó Quản cơ cơ Long Nghĩa.

Nội dung thể hiện trên các văn bản vi bằng cho biết, Hồ Khắc Trung (? - ?), còn gọi là Hồ Văn Trung, người tỉnh Vĩnh Long, phụng sự dưới hai triều vua Nguyễn là vua Minh Mạng và vua Tự Đức. Ông từng giữ các chức như Thư lại, Cai đội, Phó quản cơ, Quản cơ. Ông là vị tướng toàn tài, từng giúp triều đình đánh dẹp bọn giặc biển, góp công hạ được thành Phiên An19, dẹp loạn Lê Văn Khôi. Ngoài ra, ông còn ra sức chiêu mộ lưu dân hợp sức khai hoang lập ấp, cày cấy, huy động nguồn tài vật của phú hào địa phương. Theo đó, ông chính thức được triều đình vinh danh qua hai đạo sắc phong ban vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) và Tự Đức thứ 14 (1861).  Hai đạo sắc có nội dung cụ thể như sau:

Đạo sắc thứ 1

Nguyên văn chữ Hán:

敕原革員充辨龍義奇副管奇胡克忠,貫永隆省定遠府永平縣平成總山東村,前經出力募兵墾田稍屬得力。茲該經略會同省員聲請具題準爾補授正柒品正隊長率隊試差該隊充領伊奇副管奇率內奇弁兵。凡諸公務依例奉行。若厥職弗虔有軍政在。欽哉!

嗣德拾年陸月貳拾捌日。

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho Hồ Khắc Trung nguyên là Cách viên được sung làm Phó quản cơ cơ Long Nghĩa, quê ở thôn Sơn Đông, tổng Bình Thành, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long, trước từng ra sức chiêu mộ binh lính khai khẩn ruộng, có chút công lao. Nay xét thấy quan Kinh lược cùng quan tỉnh này xin cụ thể chuẩn cho ngươi bổ nhận chức Chánh đội trưởng20 Suất đội21 Thí sai22 Cai cơ23 sung lãnh chức Phó quản cơ cơ này, trật Chánh thất phẩm, lo quản lý biền binh trong cơ. Phàm việc công cứ theo lệ thi hành. Nếu giữ chức vụ mà không chăm chỉ đã có phép quân rõ ràng. Phải kính tuân theo!

Ngày 28 tháng 6 năm Tự Đức thứ 10.

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Đạo sắc thứ 2

Nguyên văn chữ Hán:

敕龍義奇試差該隊充領副管奇胡克忠歷從補務預有功狀。兹準爾實授該隊仍權充伊奇副管奇率內奇弁兵。凡諸公務依例奉行。若厥職弗虔有軍政在。欽哉!

嗣德拾肆年肆月貳拾貳日。

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho Hồ Khắc Trung là Thí sai Cai đội cơ Long Nghĩa quyền sung lĩnh chức Phó quản cơ, từng theo việc quân, lập nên công trạng. Nay chuẩn cho ngươi thực giữ chức Cai đội, vẫn quyền lĩnh chức Phó quản cơ cơ này, lo quản lý biền binh trong cơ. Phàm việc công cứ theo lệ thi hành. Nếu giữ chức vụ mà không chăm chỉ đã có ước pháp rõ ràng. Phải kính tuân theo!

Ngày 22 tháng 4 năm Tự Đức thứ 14.

(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

Như vậy, từ năm 1857, Hồ Khắc Trung được triều đình tin giao cho thử chức Cai đội, trật Chánh thất phẩm. Đến năm 1861, ông được triều đình bổ nhiệm chính thức chức Cai đội. Ngoài ra, trong số 3 tờ đơn còn lưu lại được ở Quan Thánh miếu có 1 tờ đơn do đích thân Hồ Khắc Trung ký và điểm chỉ vào ngày mồng 9 tháng 10 năm Tự Đức thứ 18 (1865). Nội dung tờ đơn cho hay, bấy giờ Hồ Khắc Trung đã về hưu do tuổi già bệnh tật, ông làm đơn xin tình nguyện quyên góp tiền. Cụ thể, con của ông là Hồ Khắc Lê, 22 tuổi và cháu trai là Hồ Văn Lạc, 27 tuổi đều ở thôn Sơn Đông, tổng Bình Thành, huyện Vĩnh Bình, nguyện xuất tiền nhà quyên góp 2000 quan để cung ứng quân lương cho nước nhà trong cuộc chiến với người Pháp. Hai tờ đơn còn lại được viết vào năm Tự Đức thứ 17 (1864) và Tự Đức thứ 18 (1865) có nội dung như nhau, ông xin cho con trai là Hồ Văn Kiên được nối quyền tập ấm. Qua đây có thể biết được, Hồ Khắc Trung có 2 con trai là Hồ Văn Kiên và Hồ Khắc Lê. Riêng văn bản cấp vào năm Tự Đức thứ 11, có nhắc đến nhân vật Hồ Văn Thiều nhưng không phải là họ hàng với ông. Vì vậy, nghiên cứu xin chia sẻ thêm về những thông tin kể trên, làm cơ sở cho việc bổ sung hành trạng và công tích của nhân kiệt đất Vĩnh Long trong tình hình khan hiếm tư liệu hiện nay.

3. Kết luận

Quan Thánh miếu, nơi ghi dấu văn hóa tín ngưỡng Hoa - Việt trên đất Vĩnh Long, thể hiện quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt của người Hoa. Hiện nay, Quan Thánh miếu do người Việt quản lý. Thông thường Quan Thánh miếu được người Hoa xây dựng thờ Quan Công, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi miếu được xây dựng theo dạng ngôi đình của Việt Nam, thờ thần Thành Hoàng. Sự kết hợp thờ thần Thành Hoàng của người Việt và Quan Thánh của người Hoa trong cùng ngôi miếu là một sản phẩm văn hóa tinh thần Hoa - Việt, thể hiện ước vọng về một cuộc sống yên bình cùng niềm tin chính khí thắng hung tàn của người xưa trên những vùng đất mới. Người Việt tiếp nhận tục thờ Quan Công thể hiện sự kính trọng và ngưỡng vọng phẩm cách trung nghĩa, xả thân vì nước của ông. Ông trở thành biểu tượng và là điểm tựa tinh thần cho di dân người Hoa tỵ nạn trên đất Nam Bộ và cư dân Việt trong bối cảnh đất nước chống ngoại xâm.

Bên cạnh đó, số lượng tư liệu Hán Nôm (chủ yếu là vi bằng, sắc phong, đơn từ) còn lưu giữ lại được ở Quan Thánh miếu hé lộ thông tin về nhân kiệt của đất Vĩnh Long mà bao lâu nay mọi người vẫn lầm tưởng là tư liệu của người Hoa mang theo trên bước đường lánh nạn. Các sự kiện được ghi lại ở các văn bản kể trên đã phản ánh tình hình của xã hội Việt Nam bấy giờ. Nhà Nguyễn một mặt phải lo bình định thù trong với biến loạn Lê Văn Khôi ở các tỉnh miền Nam Việt Nam, mặt khác phải đối đầu với âm mưu xâm lược của người Pháp.

Hòa vào dòng chảy lịch sử những năm 1833 - 1865, Hồ Khắc Trung đã thể hiện được tài năng và tâm huyết của mình cho công cuộc kiến quốc của nhà Nguyễn. Trên lĩnh vực chính trị, quân sự, Hồ Khắc Trung đã lập công lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển lâu dài của nhà Nguyễn: củng cố quốc phòng, trừ nội loạn, khai hoang mở cõi, chống ngoại xâm. Trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ, ông luôn nhận được sự tin dùng tuyệt đối của các tướng lĩnh cũng như sự trọng thị của triều đình.

Những đóng góp của ông thực sự đã làm xiển dương dòng họ Hồ Khắc/ Hồ Văn làng Sơn Đông, tổng Bình Thạnh, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long xưa. Rất tiếc, hiện nay ở tỉnh Vĩnh Long chưa có tự tích nào phối thờ ông. Với những công trạng nhất định cho lịch sử nước nhà, thiết nghĩ các cơ quan ban ngành hữu trách tỉnh Vĩnh Long nên lập miếu thờ ông hoặc phối tự ban thờ ông ở tự tích địa phương, như cách gợi nhắc về tấm lòng trung can không mỏi của ông. Đối với số tư liệu Hán Nôm liên quan cuộc đời binh mã của Hồ Khắc Trung, cần có biện pháp bảo quản đúng kỹ thuật và số hóa lượng văn bản này phục vụ cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng cần phối hợp với giới chuyên môn để tiến hành sửa lại nội dung một số câu đối, đại tự24 bị sai do quá trình tôn tạo trước đó.

 

CHÚ THÍCH

1 Theo thống kê của địa phương, từ năm 1940 đến năm 1960 có khoảng 70 - 80 mộ liệt sĩ. Sau năm 1975, chính quyền đã cho xây dựng đài Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ trước khu mộ liệt sĩ, hiện nay vẫn còn. Riêng các phần mộ của các liệt sĩ đều đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của huyện và tỉnh.

2 Quan Công: Tức Quan Vũ (? - 220), tự là Vân Trường, một võ tướng dũng mãnh và tài giỏi của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Ông lập nhiều công trạng đối với công cuộc kiến quốc của nhà Thục. Lòng trung nghĩa của ông chính là một hình mẫu đạo đức mô phạm của người dân Trung Quốc bấy giờ, đồng thời cũng là biểu tượng để các giai cấp thống trị lấy đó để xướng xuất dân. Ông được các vua Đường, Tống, Minh, Thanh lập miếu thờ và phong thánh. Miếu Quan Công trở thành Võ miếu và ông thành Võ thánh, sánh ngang hàng với Khổng Tử. Ông được đạo Cao đài ở Việt Nam tôn xưng là Hiệp thiên đại đế.

3 Quan Bình (? - 219): Con trai trưởng của Quan Vũ. Theo tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, ông là con nuôi của Quan Vũ. Năm 219, ông cùng quan Vũ tiến đánh Phàn Thành do quân Ngụy trấn giữ, tiêu diệt quân cứu viện của Ngụy do Bàng Đức chỉ huy. Lợi dụng cơ hội, quân Ngô đánh úp Kinh Châu, quân Tào đưa quân giải vây Phàn Thành, hai cha con rút quân về Kinh Châu đều bị Đông Ngô bắt và xử trảm.

4 Châu Xương: Nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Ông là người có sức khỏe và giỏi bơi lội. Trước từng tham gia cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân, sau theo hầu Quan Vũ, bắt sống Bàng Đức. Sau khi Quan Vũ bị Đông Ngô bắt xử trảm, ông đã tự vẫn theo chủ.

5 Thiên Hậu: Vị nhân thần quan trọng trong tín ngưỡng của người Hoa, bảo trợ cho người đi biển. Bà tên là Lâm Mặc Nương (1044 - 987), quê ở tỉnh Phúc Kiến. Bà rất được tôn kính cả trong Đạo giáo và Phật giáo.

6 Trương - Triệu tướng quân: Tức Trương Phi (? - 221) và Triệu Vân (168 - 229), hai trong năm hổ tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc.

7 Mã - Hoàng tướng quân: Tức Mã Siêu (176 - 222) và Hoàng Trung (? - 220), hai trong năm hổ tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Thực ra theo chính sử, Lưu Bị không phong chức Ngũ hổ tướng, chỉ phong cho bốn vị tướng chức ngang hàng nhau gồm: Quan Vũ chức Tiền tướng quân, Hoàng Trung chức Hậu tướng quân, Mã Siêu chức Tả tướng quân và Trương Phi chức Hữu tướng quân. Triệu Vân được phong là Dực tướng quân, chức vị thấp hơn bốn vị tướng kia. Ngũ hổ tướng chỉ là chức danh hư cấu trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung để chỉ năm vị tướng kể trên.

8 Nơi để các hương chức hội họp, hiện nay được dùng làm nơi để tiếp khách trong các kỳ lễ hội.

Tam sự gồm: lư để đốt trầm và hai chân đèn.

10 Kỷ tam sơn: ba khối vuông (khối giữa nhô lên) dùng để lư hương, trầu, rượu, mô phỏng dáng ba ngọn núi.

11 Niên hiệu Long Phi là một thuật ngữ ghi niên đại câu đối xuất hiện từ thời nhà Nguyễn, là cách nói tôn kính vị vua đang trị vì. Theo nghiên cứu của Đào Thái Tôn cho biết cách ghi niên hiệu này vốn lấy từ Kinh Dịch và chỉ xuất hiện vào cuối thời Nguyễn, không sớm hơn thời Tự Đức 1848 - 1833. Tiền thân của thuật ngữ này xuất phát từ ý đồ khôi phục triều đại của các cựu thần nhà Minh, tức là sau năm 1644. Cách ghi này xuất hiện trên câu đối ở miền Nam tương đối muộn hơn.

12 Xét về nội dung và so sánh với các miếu thờ ông ở khu vực miền Tây thì vị trí của chữ ở vế đối này phải là chữ 忠 trung. Tuy nhiên hiện nay, do quá trình tu sửa, người thợ đã vẽ thành chữ 思tư, suy về nghĩa thì vô nghĩa.

13 Đây là ấn của Tống Phúc Lương (? - ?). Năm 1833, vua Minh Mạng giao cho ông lãnh chức Thảo nghịch Tả tướng quân, thống lĩnh quân lính dẹp loạn Lê Văn Khôi ở thành Phiên An.

14 Đây là ấn của Phan Văn Thúy (1758 - 1833). Năm 1833, cùng với Tống Phúc Lương, ông được vua Minh Mạng giao lãnh chức Thảo nghịch Hữu tướng quân, hợp cùng Tống Phúc Lương, Tham tán Trương Minh Giảng dẹp loạn Lê Văn Khôi.

15 Đây là ấn của Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873). Năm 1850, ông được vua Tự Đức giao cho giữ chức Khâm sai Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên.

16 Đây là ấn của Nguyễn Tri Phương. Năm 1853, ông được vua Tự Đức giao cho giữ chức Kinh lược sứ 6 tỉnh Nam Kỳ.

17 Đây là ấn của Phan Khắc Thận (1798 - 1868). Khi quân Pháp đánh vào thành Gia Định năm 1859, vua Tự Đức cử Phan Khắc Thận vào lãnh chức Tuần phủ An Giang. Khi người Khmer làm loạn ở Ba Xuyên, ông đem quân trấn áp thành công, được thăng thụ chức Tổng đốc An Hà, tức Tổng đốc An Giang và Hà Tiên.

18 Biền binh: Lính không thường trực, được tuyển hằng năm. Biền binh được huấn luyện phục vụ một thời gian, sau chia nhiều ban trực trong quân, số còn lại cho về nhà làm sản xuất.

19 Thành Phiên An: tức thành Bát Quái, còn gọi là Thành Qui, tồn tại từ 1790 đến 1836.

20 Chánh đội trưởng: Chức võ quan chỉ huy các đội, gồm 50 người. Trật cao thấp khác nhau.

21 Suất đội: Võ quan chỉ huy phó một đội, trật Chánh lục phẩm.

22 Thí sai: Một loại nhiệm dụng quan chức, cho tập làm thử chưa chính thức bổ nhiệm. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) có dụ chức Thí sai do bộ cấp bằng, cho làm thử sau 3 năm mới được xét thực thụ.

23 Cai cơ: Còn gọi là Quản cơ, chức võ quan cai quản một cơ lính, gồm từ 500 - 600 người, dưới có Phó quản cơ.

24 Đại tự chữ Hán gồm Trương - Triệu tướng quân và Mã - Hoàng tướng quân ở khu chánh điện bị sai chữ rất nghiêm trọng, gây khó cho việc xác định đối tượng thờ tự, người đến cúng bái cũng không biết mình đang cúng bái ai.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đỗ Văn Ninh, Từ điển quan chức Việt Nam, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2002.

[2] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Lao động, Tp. Hồ Chí Minh, 2012.

[6] Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, Địa chí Vĩnh Long, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Tp. Hồ Chí Minh, 2017.

[7] Nguyễn Minh Triết, Từ thành Phiên An tới thành Gia Định, Truy xuất từ http://www.namkyluctinh.com/a-lichsu/nmtriet-phienangiadinh.pdf, 18.02.2020.

[8] La Quán Trung, Tam quốc diễn nghĩa, Nxb.Văn học, Hà Nội, 2019.

 

ĐỖ THỊ HÀ THƠ